Người giúp việc - Chương 02-P1

BẠN KHÔNG BAO GIỜ BIẾT họ đang sống ở đây, nhưng quận Jackson, bang Mississippi, có tới hai trăm ngàn dân. Tôi đọc báo thì biết thế và thấy lạ, họ sống ở đâu được nhỉ? ưới lòng đất chăng? Bởi vì tôi quen mặt hầu khắp mọi người sống phía bên này cầu, chưa kể bao nhiêu gia đình da trắng nữa, và chắc chắn tất cả bọn họ cộng lại chẳng được đến số hai trăm ngàn.

Sáu ngày một tuần, tôi bắt xe buýt đi qua cầu Woodrow Wilson sang chỗ cô Leefolt và tất cả bạn bè người da trắng của cô sống, khu Belhaven. Ngay sát Belhaven là khu buôn bán và thủ phủ bang. Tòa nhà nghị viện to lắm, nhìn ngoài trông đẹp thật nhưng tôi chưa được vào trong bao giờ. Tôi cứ thắc mắc không hiểu người ta phải trả bao nhiêu tiền để lau dọn hết chỗ đó.

Xuôi theo con đường kéo từ Belhaven xuống là khu Woodland Hills của người da trắng, rồi tới rừng Sherwood, một dải gồm toàn những cây sồi lớn rêu phủ lòa xòa trải dài hàng dặm. Đến giờ chỗ ấy vẫn chưa có người ở, nhưng nó ở đó đợi lúc mấy người da trắng sẵn sàng chuyển tới địa điểm mới. Rồi đến vùng nông thôn, nơi cô Skeeter sống trên đồn điền bông Longleaf. Cô ấy không biết, nhưng tôi đã từng hái bông ở đó hồi năm 1931, đúng đợt Suy thoái, hồi đó chúng tôi chẳng có gì ăn cả, ngoài pho mát nhà nước cho.

Thế nên Jackson chỉ gồm một loạt khu người da trắng nối tiếp nhau và vài khu mới đang manh nha dọc theo đường cái. Người da màu sống trong khu tách biệt, như một tổ kiến lớn, bao bọc xung quanh là đất công không được mua bán. Dân số tăng, nhưng chúng tôi không được mở mang thêm nữa. Khu chúng tôi sống cứ ngày một đông đúc thêm.

Chiều hôm đó tôi bắt xe buýt số sáu, đi từ Belhaven đến phố Farish. Trên xe hôm nay toàn người giúp việc đang trở về nhà, trên người vẫn còn bận nguyên bộ đồng phục trắng. Chúng tôi tán gẫu và cười đùa với nhau như thể xung quanh chẳng còn ai khác - chẳng phải vì chúng tôi ngại khi có người da trắng đi cùng đâu, nhờ cô Parks nên giờ chúng tôi thích ngồi chỗ nào chả được - chỉ vì tình cảm thân thiện thôi.

Tôi nhác thấy Minny ngồi ở chính giữa hàng cuối xe. Minny lùn và béo, tóc xoăn đen nhánh sáng bóng. Cô ngồi bắt chéo chân, hai cánh tay nung núc thịt khoanh lại. Kém tôi những mười bảy tuổi, Minny có thể nâng bổng chiếc xe buýt này lên cao quá đầu nếu thích ấy chứ. Một bà già như tôi thật may mắn vì có cô làm bạn.

Tôi chọn một ghế phía trước cô, rồi ngoái cổ lại hóng. Ai cũng thích nghe Minny buôn chuyện. Thế là tôi bảo, bà Walter, thiên hạ chẳng khoái nhìn cặp mông trắng ởn của bà hơn cặp mông đen sì của tôi đâu. Thôi, vào nhà mặc quần nhớn quần bé đi nào.”

“Ở hiên trước nhà á? Trần như nhộng cơ à?” Kiki Brown hỏi.

“Mông bà ta sệ xuống tận gối ấy.”

Cả xe cười rộ lên và lắc đầu.

“Trời thần ơi, bà già đó điên quá,” Kiki nói. “Minny này, tôi thật chả hiểu làm sao chị lại toàn vớ phải mấy bà chủ hâm thế chứ lị.”

“Ô, thế bà Patterson nhà cô thì bình thường chắc?” Minny đốp lại Kiki. “Xời, bà ta cũng có suất trong hội các bà hâm đấy nhá.” Cả xe lại cười rầm rầm vì Minny không thích ai khác ngoài mình nói xấu bà chủ da trắng của cô. Đó là công việc của cô và cô có quyền.

Xe buýt chạy qua cầu và dừng lại ở bến đầu tiên thuộc khu da màu. Chừng chục người lục tục xuống xe. Tôi chuyển xuống ngồi vào chiếc ghế trống bên cạnh Minny. Cô cười, đoạn huých khuỷu tay chào tôi. Rồi cô ngả lưng ra cho thoải mái vì trước mặt tôi cô chẳng cần làm bộ làm tịch nữa.

“Cô thế nào? Sáng nay phải ủi li váy à?”

Tôi cười và gật đầu. “Mất tiếng rưỡi cơ đấy.”

“Hôm nay ở hội bài cô cho bà Walter ăn gì? Cháu mất đứt cả buổi sáng nay để làm bánh caramen, thế mà bà ấy chẳng đụng vào tí nào.”

Nghe thế tôi bỗng sực nhớ ra những gì cô Hilly nói bên bàn chơi bài hôm nay. Phải những bà chủ da trắng khác thì chẳng ai thèm để ý làm gì, nhưng cả đám chúng tôi đều muốn biết liệu cô Hilly có theo dõi mình không. Tôi không biết nên nói thế nào cho phải.

Tôi nhìn ra cửa sổ, bệnh viện của người da màu vụt qua trước mắt, rồi đến sạp bán hoa quả. “Ta nghĩ là mình đã nghe cô Hilly nói gì đó về chuyện ấy đấy, rằng mẹ cô ta dạo này gầy đi.” Tôi lựa lời cẩn thận hết mức có thể. “Cô ta bảo là có khi bà cụ bị suy dinh dưỡng.”

Minny nhìn tôi. “Cô ta nói thế á?” Riêng cái tên đó đã đủ khiến mắt cô nheo lại. “Cô Hilly còn nói gì nữa không ạ?”

Có lẽ tôi cứ nói toạc ra cho xong. “Ta nghĩ cô ta để ý đến cháu rồi đấy, Minny ạ. Cháu... cháu phải dè chừng cô ta thật cẩn thận vào.”

“Cái cô Hilly đấy phải dè chừng cháu thì có. Cô ta bảo gì cơ, cháu mà không biết nấu ăn á? Cô ta bảo cái mớ xương già đó không chịu ăn uống vì cháu không cho bà ta ăn ấy à?” Minny đứng bật dậy, xốc chiếc túi

“Ta xin lỗi, Minny, ta chỉ muốn kể để cháu biết đường mà tránh cô ta thôi.”

“Cô ta mà dám nói thế với cháu, cháu sẽ cho xơi ngay mấy cú của Minny này thay bữa trưa.” Nói rồi cô dậm chân thình thịch xuống bậc cửa xe.

Tôi ngó qua cửa sổ, nhìn cô quày quả bước về nhà mình. Cô Hilly chẳng phải tay vừa đâu. Trời thần ơi, có lẽ tôi nên giữ riêng chuyện đó cho mình thôi.

 

MẤy buỔi sáng sau đó, tôi xuống xe buýt, đi bộ men theo con phố tới nhà cô Leefolt. Ngay trước nhà có một chiếc xe tải cũ chở gỗ đậu chình ình. Hai người đàn ông da màu ngồi trong khoang lái, một người đang uống cà phê, người kia ngồi ngủ gà gật. Tôi bước ngang qua, rồi đi thẳng vào bếp.

Sáng nay ông Raleigh Leefolt vẫn chưa rời nhà, chuyện này hiếm gặp lắm. Lần nào ở đây, trông ông cũng như thể đang đếm từng phút cho tới lúc được quay về với công việc kế toán của mình ấy. Ngay cả những ngày thứ Bảy cũng vậy. Nhưng hôm nay ông đang sôi tiết vì việc gì đó.

“Đây là nhà tôi và tôi phải trả tiền cho bất cứ thứ tử tiệt gì bước chân vào đây á!” Ông Leefolt gào lên.

Cô Leefolt tong tả chạy theo chồng với kiểu cười cho thấy cô đang bực mình. Tôi bèn trốn tịt trong phòng giặt. Đã hai ngày kể từ cuộc nói chuyện về nhà vệ sinh và tôi đã hy vọng mọi việc thế là xong. Ông Leefolt mở cửa sau ra nhìn chiếc xe tải đang đỗ phía ngoài, rồi đóng sầm cửa lại.

“Nào quần áo giày dép mới, nào những chuyến xuống New Orleans thăm mấy bà xơ chị em của cô, tôi chịu tất, nhưng thế này thì quá lắm rồi.”

“Nhưng nó sẽ tăng thêm giá trị cho căn nhà. Hilly bảo thế!” Vẫn ở trong phòng giặt, nhưng tôi hầu như nghe thấy cô Leefolt đang gắng giữ kiểu cười ấy trên mặt.

“Đào tiền đâu ra để trả đây hả! Mà nhà này phải nghe nhà Holbrook sai phái từ bao giờ thế!”

Trong chốc lát không khí bỗng lặng như tờ. Rồi tôi nghe thấy tiếng chân xỏ pyjama liền vớ đi lạch bạch khe khẽ.

“Chaaa... cha?”

Tôi ra khỏi phòng giặt và bước vào bếp vì Mae Mobley là phận s của tôi.

Ông Leefolt đã quỳ xuống ngang tầm con bé, miệng nở một nụ cười cứng quèo như đúc bằng cao su. “Con yêu, thử đoán xem nào?”

Bé Con cười toe đáp lại. Nó đang chờ đợi một điều bất ngờ thú vị.

“Con khỏi cần học đại học nhé, có thế mấy bà bạn của mẹ con mới không phải dùng chung nhà vệ sinh với người giúp việc nữa.”

Ông đùng đùng đi ra và đóng sầm cửa lại, mạnh đến mức Bé Con phải chớp chớp đôi mắt.

Cô Leefolt ngó xuống con bé, rồi lúc lắc ngón tay. “Mae Mobley, con biết là con không được tự tiện trèo ra khỏi cũi cơ mà!”

Bé Con hết nhìn sang cánh cửa bố nó vừa đóng sập lại, rồi nhìn mẹ đang cau có với nó. Bé Con bé bỏng của tôi nuốt nước bọt, như thể đang cố hết sức để khỏi bật khóc.

Tôi hối hả bước qua cô Leefolt, đoạn bế bổng Bé Con lên, rủ rỉ, “Mình ra phòng khách chơi với bọn đồ chơi biết nói đi. Con lừa bảo gì ấy nhỉ?”

“Nó cứ trở dậy suốt. Sáng nay tôi đặt nó ngủ đến ba lần mà không xong.”

“Vì có người cần thay tã đây này. Eo ôiiii.”

Có vẻ hơi bẽ, cô Leefolt nói, “À, tôi không để ý...” nhưng mắt đã phóng qua cửa sổ dính chặt vào chiếc xe chở gỗ rồi.

Tôi đi vào nhà trong, lửa giận bốc lên bừng bừng khiến chân tôi dậm thình thịch. Bé Con đã nằm trên giường từ tám giờ tối qua, dĩ nhiên là nó cần thay tã rồi! Cô Leefolt thử ngồi trên đống cứt đái suốt mười hai giờ xem có dậy không!

Tôi đặt Bé Con lên bàn thay tã, cố ghìm cơn giận xuống. Bé Con ngước lên nhìn tôi chăm chú trong khi tôi cởi chiếc tã của nó ra. Rồi nó giơ bàn tay bé xíu lên, chạm vào miệng tôi thật khẽ.

“Mae Mo hư,” nó nói.

“Không, cưng à, con có hư đâu.” Tôi nói, tay vuốt lên tóc nó. “Con ngoan mà. Rất ngoan là đằng khác.”

* * *

Tôi sỐng trên đẠi lỘ Gessum, tôi đã thuê chỗ này từ năm 1942. Bạn có thể nói Gessum sở hữu rất nhiều nét cách. Nhà cửa đều bé tí, nhưng sân trước mỗi nhà mỗi khác - có mảnh lúp xúp bụi rậm nhưng tịnh chẳng có ngọn cỏ nào, hệt như một ông già hói. Những mảnh khác lại đầy những khóm đỗ quyên cùng hoa hồng và thảm cỏ dày mượt. Còn sân nhà tôi ấy à, tôi đồ là ở tầm lưng chừng.

Tôi có vài bụi hoa trà đỏ trồng trước nhà. Bãi cỏ nhà tôi thì chỗ rậm chỗ thưa và vẫn còn một dải cỏ vàng hoe to đùng, nơi chiếc xe tải nhỏ của thằng Treelore từng đậu suốt ba tháng ròng sau vụ tai nạn. Tôi chẳng trồng cây gì. Nhưng sân sau thì trông chẳng khác nào vườn Địa đàng. Đó là chỗ cô hàng xóm của tôi, Ida Peek, trồng rau.

Sân sau nhà Ida thì thôi khỏi nói, ngổn ngang những là động cơ ô tô hỏng rồi tủ lạnh cũ và lốp xe vứt đi của chồng cô. Lúc nào anh ta cũng nói sẽ sửa nhưng chẳng bao giờ làm. Thế nên tôi bảo Ida sang sân nhà tôi trồng. Nhờ thế tôi khỏi phải lo dọn cây dọn cỏ, đã thế cô ấy còn cho tôi hái rau quả gì tùy thích nữa chứ, cũng đỡ được hai, ba đô-la một tuần cơ đấy. Những chỗ ăn không hết còn thừa, cô đem muối và cho tôi mấy lọ liền để dự trữ trong mùa đông. Lá củ cải xanh tươi, cà dái dê, đậu bắp, rồi đủ loại bầu bí. Tôi không biết cô làm cách nào để trừ sâu cho cà chua, ấy vậy mà cô làm được mới tài. Và rau lên tốt lắm.

Tối hôm đó, trời mưa như trút nước. Tôi mở một lọ bắp cải và cà chua Ida Peek tự muối ra ăn kèm lát bánh mỳ ngô cuối cùng còn sót lại. Sau đó tôi ngồi tính toán lại sổ sách vì vừa có hai sự thay đổi: giá vé xe buýt tăng lên năm mươi xu một lượt và tiền thuê căn nhà tôi ở tăng lên hai mươi chín đô-la một tháng. Tôi giúp việc cho cô Leefolt từ tám giờ sáng tới bốn giờ chiều, sáu ngày một tuần trừ thứ Bảy. Tôi được trả bốn mươi ba đô-la vào mỗi thứ Sáu, tổng cộng là 172 đô-la một tháng. Vậy là sau khi trả tiền điện, tiền nước, tiền gas, và tiền điện thoại, tôi còn lại mười ba đô-la và mười lăm xu một tuần để mua thực phẩm, may sửa quần áo, làm tóc, và đóng góp cho nhà thờ. Ấy là chưa kể tiền tem thư để thanh toán mấy thứ hóa đơn giờ đã là năm xu. Còn đôi giày tôi vẫn dùng khi đi làm thì mòn xơ mòn xác hết cả, trông như chúng sắp chết đói ấy. Một đôi giày mới có giá những bảy đô-la, nghĩa là tôi sẽ phải ăn bắp cải và cà chua muối tới khi biến thành ông Thỏ Br’er(2) mất thôi. Ơn Chúa vì còn có Ida Peek, không thì tôi chẳng có gì bỏ mồm cả.

Điện thoại reo inh ỏi làm tôi suýt nhảy dựng lên. Tôi còn chưa kịp chào hỏi gì đã nghe tiếng Minny xoa xỏa. Tối nay cô làm việc muộn.

“Cô Hilly sắp tống bà Walter vào trại dưỡng lão rồi. Cháu phải tìm việc khác thôi. Mà cô có biết bao giờ bà ta đi không? Tuần sau

“Ôi không, Minny.”

“Cháu cũng đã hỏi quanh, cháu gọi cho cả mười người rồi cơ. Nhưng chẳng ai thèm ừ hử gì cả.”

Tôi rất buồn phải nói là mình không hề ngạc nhiên. “Sáng mai ta sẽ hỏi cô Leefolt ngay, xem cô ấy có biết ai cần người giúp việc không.”

“Đợi cháu tí,” Minny nói. Tôi nghe tiếng bà Walter nói và Minny cự lại, “Bà nghĩ tôi là cái gì hả? Tài xế chắc? Mưa gió thế này đừng hòng tôi đưa bà đi chơi hội nọ hội kia nhá.”

Ngoài chuyện ăn cắp, thì cái vạ lớn nhất của những người làm nghề giúp việc là tật lắm mồm. May là cô ấy nấu nướng khéo, nhờ thế đôi khi cũng kéo lại được ít nhiều.

“Cháu đừng lo, Minny ạ. Chúng ta sẽ kiếm được cho cháu một người khác cũng điếc đặc, y như bà Walter ấy.”

“Cô Hilly cũng có bóng gió chuyện muốn cháu về làm giúp cô ấy đấy.”

“Gì cơ?” Tôi nói bằng giọng cứng rắn nhất có thể: “Cháu nghe đây, Minny, thà rằng chính tay ta nuôi cháu còn hơn để cháu đi giúp việc cho con rắn độc ấy.”

“Cô nghĩ mình đang nói chuyện với ai thế, cô Aibileen? Một con khỉ chắc? Nếu cần cháu có thể làm cho cả bọn KKK(3) cũng được. Mà cô thừa biết cháu thà chết chứ không thèm cướp việc của Yule May đâu.”

“Ta xin lỗi, ta lỡ mồm.” Hễ nhắc đến cô Hilly là tôi dễ mất bình tĩnh ghê lắm. “Ta sẽ gọi cho cô Caroline bên Honeysuckle, để xem cô ấy có biết ai không. Ta sẽ gọi cho cả bà Ruth nữa, bà ấy tốt lắm cơ, đến chết thôi. Hồi xưa sáng nào bà ấy cũng dọn dẹp nhà cửa sạch bong, tới mức ta chẳng còn việc gì mà làm ngoài bầu bạn với bà ấy. Chồng bà ấy chết vì bệnh ban đỏ thì phải.”

“Cháu cảm ơn. Nào nào, bà Walter, ăn tí đậu xanh tôi xem nào.” Minny chào rồi gác máy.

 

SÁNG hôm sau, chiếc xe tải chở gỗ màu xanh cũ kỹ lại đến. Tiếng đục tiếng búa đã nổi lên rầm rầm nhưng không thấy ông Leefolt hùng hổ đi quanh nhà nữa. Tôi đoán rằng ông đã biết mình thua keo này trước cả khi nó bắt đầu.

Cô Leefolt ngồi ở bàn bếp, bận áo choàng tắm thêu màu xanh lơ, cô đang dở cuộc điện thoại. Bé Con thì mặt nhoe nhoét mứt đỏ, đang ra sức bấu lấy gối mẹ để mẹ phải nhìn xuống.

“Chào Bé Con,” tôi nói.

“Mẹ! Mẹ!” Nó kêu, rồi cố rướn người leo lên lòng cô Leefolt.

“Không, Mae Mobley.” Cô Leefolt thúc khuỷu tay gạt nó xuống. “Mẹ đang nói chuyện điện thoại. Để mẹ yên.”

“Mẹ, bế,” Mae Mobley dũn dĩn và chìa hai tay ra với mẹ. “Bế Mae Mo đi.”

“Suỵt,” cô Leefolt lầm rầm.

Tôi chạy lại nhấc bổng Bé Con lên thật nhanh và cắp nó ra chỗ bồn rủa, nhưng nó vẫn nghển cổ lên, gào “Mẹ, mẹ,” cố gắng thu hút sự chú ý của mẹ nó.

“Tớ nói y như cậu bảo ấy.” Cô Leefolt gật gù với cái điện thoại. “Sau này chuyển đi, tớ sẽ tăng giá bán nhà lên.”

“Nào nào, Bé Con. Cho tay vào đây này, vục hẳn xuống nước ấy.”

Nhưng Bé Con vùng vẫy rất mạnh. Tôi cố gắng xát xà phòng vào tay nó nhưng nó trằn lên và trườn khỏi tay tôi. Nó chạy ngay đến chỗ mẹ ngồi, ngửa cổ lên và túm lấy dây điện thoại rồi mắm môi mắm lợi giật xuống. Ông nghe điện thoại trượt khỏi tay cô Leefolt rơi độp xuống đất.

“Mae Mobley!” Tôi kêu lên.

Tôi cuống quít chạy lại với nó nhưng cô Leefolt đã đến trước. Môi cô vén lên, hàm răng chìa ra trong một nụ cười rùng rợn. Đoạn cô Leefolt ra sức phát đen đét vào bụng chân trần của Bé Con, tôi nghe mà rủn cả người.

Rồi cô túm lấy tay Mae Mobley mà giật và gằn từng tiếng. “Mày còn động vào cái điện thoại lần nữa thì chớ chết nghe chưa, Mae Mobley!” Cô gào lên. “Aibileen, tôi đã bảo vú bao nhiêu lần là phải giữ nó khi tôi đang nghe điện thoại rồi!”

“Tôi xin lỗi,” tôi nói và bế Mae Mobley lên, cố ôm chặt nó vào lòng, nhưng nó giãy giụa, mặt đỏ gay lên và nó cào cấu tôi.

“Thôi nào, Bé Con, không sao đâu, mọi việc...’’

Mae Mobley nhăn nhó với tôi và ngoái cổ lại rồi bốp! Tay nó đập trúng taiau điếng.

Cô Leefolt chỉ ra cửa, miệng rít lên, “Aibileen, cả hai biến rangoài ngay đi.”

Tôi bế nó ra khỏi bếp. Tôi giận cô Leefolt đến run người, giận đến răng cắn dập cả lưỡi. Nếu cô ả ngu độn đó chịu để mắt tới con mình một chút thì đã chẳng đến nông nỗi này! Khi hai bác cháu vào tới phòng Mae Mobley, tôi ngồi xuống chiếc ghế bập bênh. Con bé gục lên vai tôi khóc nức nở và tôi xoa xoa lưng nó, mừng vì nó không nhìn thấy cơn giận bừng bừng trên mặt tôi lúc ấy. Tôi không muốn nó nghĩ là lỗi tại nó.

“Con có sao không, Bé Con?” Tôi thì thầm. Tai tôi vẫn còn đau vì cú đấm của nó. Tôi mừng vì nó đánh tôi chứ không phải mẹ nó, vì tôi không biết mụ đàn bà đó sẽ làm gì với nó nữa. Tôi cúi xuống và nhìn thấy mấy vết ngón tay đỏ tấy còn in hằn trên bụng chân nó.

“Bác đây, cưng à, Aibee đây,” tôi đu đưa và dỗ dành, đu đưa và dỗ dành.

Nhưng Bé Con, nó cứ thút thít mãi không thôi.

 

CHỪNG TỚI BỮA TRƯA, khi tivi phát bộ phim tôi hay xem, bên ngoài nhà để xe lại yên ắng. Mae Mobley ngồi trên lòng tôi và giúp tôi tước xơ quả đậu. Có vẻ nó vẫn bịu xịu vì chuyện hồi sáng. Tôi đồ rằng mình cũng thế, nhưng tôi đã nén nó thật sâu, xuống một nơi mà tôi không còn phải bận tâm đến nữa.

Chúng tôi vào bếp và tôi làm cho nó một chiếc sandwich kẹp xúc xích thái lát. Trên đường xe đi vào nhà, hai người thợ đang ngồi trong xe tải ăn trưa. Tôi mừng vì được yên ổn một mình. Tôi mỉm cười với Bé Con, rồi cho nó một quả dâu, may mà tôi có mặt ở đây khi có chuyện rắc rối với mẹ nó. Tôi không dám nghĩ tiếp những gì sẽ xảy ra nếu không có tôi. Con bé nhét cả quả dâu vào ngậm phồng cả mồm và cười đáp lại. Tôi nghĩ nó cũng cảm thấy thế.

Cô Leefolt không có ở đây nên tôi chợt nghĩ có lẽ nên gọi cho Minny theo số nhà bà Walter, để xem cô đã kiếm được việc mới chưa. Nhưng tôi chưa kịp nhấc máy thì có tiếng gõ cửa sau nhà. Tôi mở ra thì thấy một người thợ đứng đó. Ông ta già lắm rồi. Bộ đồ bảo hộ lao động trùm lên chiếc áo sơ mi cổ trắng.

“Chào chị. Phiền chị cho tôi xin ít nước được không?” Ông ta hỏi. Tôi không nhận ra ông ta. Chắc dân ở mạn phía Nam thị trấn.

“Được chứ

Tôi lấy một chiếc cốc giấy trên chạn xuống. Trên cốc có in chữ chúc mừng sinh nhật xanh đỏ, cái này dùng hồi Mae Mobley lên hai tuổi. Tôi biết cô Leefolt sẽ không muốn tôi cho ông ta dùng cốc thủy tinh của nhà.

Ông ta tu một hơi dài và đưa trả tôi chiếc cốc. Khuôn mặt ông lộ vẻ mệt mỏi rã rời. Dường như đôi mắt ánh lên nét gì đó cô độc.

“Công việc sao rồi bác?” Tôi hỏi.

“Bọn tôi vẫn đang làm,” ông đáp. “Vẫn chưa có nước. Chắc chúng tôi phải lắp một đường ống chạy từ ngoài đường cái vào.”

“Anh chàng kia có cần uống ít nước không?” Tôi hỏi.

“Được vậy thì tốt quá.” Ông ta gật đầu và tôi lại đi lấy nước cho anh bạn ông vào chính cái cốc nom rõ buồn cười đó bằng vòi ở bồn rửa.

Nhưng ông ta chưa đem nước cho bạn ngay.

“Tôi xin lỗi,” ông nói, “nhưng...” Ông đứng đó một lúc, mắt nhìn chằm chằm xuống chân. “Tôi đi giải ở đâu được ạ?”

Ông ngước lên và tôi nhìn ông, trong chừng một phút chúng tôi chỉ nhìn nhau. Ý tôi là, chuyện đó ngồ ngộ sao ấy. Không phải ngộ kiểu nghe xong ai cũng phá ra cười mà là kiểu bạn chỉ nghĩ thầm trong bụng: Hở. Chúng tôi đứng ở đây, tại ngôi nhà có tới hai phòng vệ sinh và một phòng khác đang xây dở, ấy vậy mà vẫn chẳng có chỗ nào để cho người đàn ông này xử lý việc riêng của mình.

“Ờ thì...” tôi chưa bao giờ rơi vào cảnh như thế này. Thằng bé Robert vẫn dọn vườn hai tuần một lần ấy, tôi đoán nó thường đi tiểu trước khi đến đây. Còn người này, ông ấy đã già rồi. Hai bàn tay đã nhăn nheo hết cả. Bảy mươi năm lo nghĩ đã vạch biết bao nhiêu đường ngang dọc lên mặt ông, trông chẳng khác gì cái bản đồ.

“Tôi e là bác phải đi vào mấy bụi cây sau nhà ấy,” tôi nghe tiếng mình nói, nhưng ước sao đó không phải là mình. “Đằng ấy có con chó đấy, nhưng nó không cắn đâu.

“Vâng,” ông nói. “Cám ơn chị.”

Tôi nhìn ông chậm chạp quay về cùng cốc nước cho anh bạn trên tay.

Tiếng đập gõ và đào xới lại vang lên đến ht buổi chiều hôm ấy.

 

SuỐt cẢ ngày hôm sau, họ lại miệt mài đập và đào ở sân trước. Tôi không hỏi cô Leefolt câu nào và cô Leefolt cũng chẳng buồn giải thích lấy một lời, chỉ thỉnh thoảng ngó ra cửa hậu để săm soi xem công việc đến đâu.

Tới ba giờ chiều thì âm thanh ồn ào im hẳn và hai người đàn ông lên xe tải ra về. Cô Leefolt nhìn họ lái xe đi khuất, thở phào một cái, rồi lấy ô tô và đi làm những việc cô vẫn thường làm khi không phải lo lắng về những người da màu lảng vảng quanh nhà.

Một lúc sau, chuông điện thoại reo.

“Cô Leef...”

“Mụ ta rêu rao với khắp cả thị trấn cháu là con ăn cắp! Thế nên cháu mới không kiếm được việc gì! Mụ phù thủy đó đã biến cháu thành Con hầu tội lỗi lắm mồm của quận Hinds rồi!”

“Nào nào, Minny, bình tĩnh đã cháu...”

“Sáng nay trước khi đi làm, cháu qua nhà bà Renfroe bên khu Sycamore và sém bị tống ra khỏi cửa. Bà ấy nói mụ Hilly kể hết chuyện về cháu rồi, bảo là ai cũng biết cháu đã ăn trộm một cái giá nến ở nhà bà Walter!”

Tôi có thể nghe được tay Minny siết chặt lên ống nghe điện thoại, cứ như đang gồng sức để bóp vụn nó ra vậy. Tôi loáng thoáng thấy có tiếng Kindra la hét và tự hỏi sao giờ này Minny đã ở nhà rồi. Bình thường phải tới bốn giờ chiều cô mới về cơ.

“Cháu có làm gì ngoài việc chăm bẵm bà già đó đâu!”

“Minny, ta biết cháu là đứa thật thà. Đến Chúa cũng biết vậy mà.”

Giọng cô nhỏ lại, vo ve như ong trong tổ. “Khi cháu đến nhà bà Walter, mụ Hilly đã ở đấy rồi, mụ ta cố dúi cho cháu hai mươi đô-la và bảo, ‘Cầm lấy đi. Tôi biết chị cần món tiền này đấy,’ suýt nữa thì cháu nhổ vào mặt mụ. Nhưng cháu thèm vào làm thế.” Cô hổn hển nói, “Cháu làm chuyện còn ghê hơn cơ.”

“Cháu làm gì?”

“Không nói đâu. Cháu sẽ không nói với ai về cái bánh đó đâu. Nhưng cháu đã cho mụ thứ mụ đáng phải nhận!” Giọng cô giờ đã biến thành tiếng rền rĩ và tôi cảm thấy một nỗi sợ hãi lạnh lẽo ghê người, chẳng có trò gì qua nổi mắt cô Hilly đâu. “Cháu không kiếm được việc nào khác nữa rồi, Leroy giết cháu mất...”

Kindra bắt đầu khóc ầm lên. Minny dập máy mà không chào hỏi gì. Tôi chẳng hiểu cô nói gì về cái bánh cả. Nhưng trời thần ơi, với tính tình Minny như thế, ắt đó chắng phải thứ gì tốt lành đâu.

 

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3