Tuổi thơ trong chiến tranh - Chương 01
CON RỒNG LỬA GIỮA ĐÊM TRĂNG SÁNG
Tôi còn nhớ như in, hôm ấy là một đêm trăng sáng mùa hạ 19
Lúc bấy giờ tôi tròn bảy tuổi. Gia đình tôi vẫn cư ngụ tại xóm Chùa, nhưng không còn ở nơi mảnh vườn xưa bốn mùa đầy hoa thơm trái ngọt của ông bà nội. Ba tôi đã nhờ bà con họ hàng tháo dỡ ngôi nhà tám nhì, vách ván, khá to rộng, đem xuống cuối xóm, dựng lại. Nguyên do là vì ấp chiến lược rào ngang qua, chia xóm Chùa yêu dấu của tôi ra làm đôi. Nửa đầu xóm ở bên ngoài là vùng Cộng sản. Nửa cuối xóm ở bên trong là vùng Quốc gia. Ai không chịu vào sống ở nửa cuối xóm bên trong thì bị quy chụp là theo “Cộng sản” và bị xếp vào loại dân “cứng đầu”, “khó bảo”. Tất nhiên, “Chính phủ Quốc gia” sẽ có biện pháp rắn để khuất phục những phần tử ấy.
Vì vậy, gia đình tôi dù không muốn rời bỏ mồ mả ông bà tổ tiên và ruộng nương vườn tược, nhưng tình thế bắt buộc, không dời nhà đi, không được! Bởi ba tôi đã hơn một lần bị người của “Chính phủ Quốc gia” ập đến nhà bắt lên quận lỵ Tiên Phước tập trung “học tập cải huấn” một thời gian dài vì “tội” tích cực tham gia kháng chiến chín năm [1]. Tôi vô cùng căm ghét cái ấp chiến lược. Nó được làm bằng những cành gai tre nẹp lại thành từng tấm, dài chừng mét rưỡi, cao khoảng mét hai, ghép liền nhau và buộc chặt vào những cây cọc to có thanh ngang ken dày. Trông nó chẳng mấy chắc chắn. Chỉ cần lấy mấu rựa giật nhẹ vài ba nuột lạt đứt ra là có thể xê dịch tấm rào gai để tạo một lỗ trống chui qua chui lại dễ dàng. Thế nhưng, người lớn không một ai dám làm điều đó. Họ sợ bọn dân vệ tứ thời mặc quần áo bà ba đen [2]. Chúng phát hiện kẻ nào “bạo phổi” phá rào thì xúm vào đánh đập thẳng tay không thương tiếc. Điên lên, chúng có thế nổ súng giết chết ngay tại chỗ, cũng chịu!
Tôi là thằng bé ốm o gầy còm nhưng hiếu động. Sống ở bên trong ấp chiến lược, tôi cảm thấy tù túng vì chẳng biết chơi đâu! Suốt ngày quanh quẩn trước sân nhà với con chó Vện, buồn quá đi thôi! Ngôi miếu hoang cạnh nhà có tấm bia to tướng đắp hình “Ông ba mươi” đứng trên lưng rùa, nhìn ngắm hoài cũng chán! Bày trò dựng lán trại bằng thân cây sắn, lợp lá ngải đắng với thằng Cu Đen, tôi cũng chẳng ham! Bởi hắn - thằng Cu Đen, em tôi, hay đổi ý, thích phá ngang. Nếu tức khí xáng cho hắn mấy bớp tai thì tôi lại bị mẹ đánh đòn! Hắn to con và có tài ăn vạ. Tôi mà đụng đến lập tức hắn lăn đùng ra đất giãy đành đạch và khóc bù lu bù loa, réo gọi: “Mẹ ơi, mẹ! Thằng Cúc Đẹt đánh con...”. Hắn cứ khóc ời ời cho tới khi tôi bị mẹ rút chiếc đũa bếp quất vào đít, hoặc cốc tay vào đầu mấy cái đau điếng, hắn mới chịu nín. Ở trong ấp chiến lược không đi chơi đâu được, tôi lại nhớ về nơi chốn cũ... Vườn nhà ông bà nội tôi rộng mênh mông. Bốn mùa cây trái sum suê. Nào ổi. Nào lê. Nào mít. Nào thơm. Nào mãng cầu, măng cụt, thị đề [3]... Tôi tha hồ leo trèo, hái quả ăn đến no nê căng bụng!
Vậy mà, bỗng dưng cái hàng rào ấp chiến lược chết tiệt ấy lại mọc lên sừng sững, ngăn chia xóm dưới với làng trên, khiến tôi không trở về được nơi chốn cũ, dù rằng chẳng mấy cách xa! Một hôm, tôi lân la đến gần hàng rào ấp chiến lược, xem có chỗ nào chui qua được để lén rúc ra, chạy u về vườn nhà ông bà nội, hái ít trái cây ăn cho... đỡ thèm! Không ngờ tôi lại bị ba tôi bắt gặp. Ông hỏi: “Con đi đâu?”. Không quen nói dối, tôi đành thưa thật. Ông nén tiếng thở dài rồi nghiêm giọng bảo: “Gia đình ta đang bị tình nghi là gia đình Cộng sản. Con lảng vảng nơi đây, lỡ có ai nhìn thấy thì cả nhà đi tù mọt gông, con có hiểu không? Thôi, về!”. Tôi lủi thủi quay lui với bao nỗi tủi hờn. Lởn vởn trong đầu óc tôi hương vị ngọt ngào quyến rũ của các loại trái cây chín bói [4] treo lúc la lúc lỉu đầy cành. Tối hôm đó, không rõ ba tôi kiếm ở đâu được mấy quả ổi xá lỵ to như nắm tay đem về chia cho anh em tôi mỗi người một trái. Ông gọi tất cả lại gần và bảo: “Các con phải ngoan ngoãn vâng lời ba mẹ! Nhất định rồi sẽ có ngày các con được trở về chốn cũ vườn xưa để tha hồ vui đùa, hái quả trong vườn nhà ông bà nội ăn đến thỏa thuê...”.
Vì còn bé quá nên tôi không hiểu được những ẩn ý sâu xa trong lời nói của ba tôi. Thời gian lặng lẽ trôi qua. Bước sang giữa hạ, ba tôi thường hay vắng nhà mỗi khi trời chập choạng tối. Rồi một hôm, ăn cơm tối vừa xong, bỗng tôi nghe thấy tiếng trống mõ khua vang khắp làng trên xóm dưới. Tôi lật đật chạy ra sân dòm. Bầu trời xanh ngắt và cao vời vợi. Ánh trăng tỏa sáng khắp nơi nơi... Và cơ man là người với gậy gộc, đèn đuốc sáng trưng, ùn ùn kéo tới hàng rào ấp chiến lược. Tôi vọt ra ngõ, cùng với chúng bạn, hòa nhập vào dòng người đông như trẩy hội. Họ nhanh chóng vây chặt các bót gác, chòi canh, bắt bọn dân vệ tứ thời mặc quần áo bà ba đen, trói quặt hai tay ra sau lưng. Có tiếng súng nổ thị uy đùng đoàng đâu đó. Cả biển người phấn khởi hò reo: “Cách mạng về! Cách mạng đã về! Bọn ngụy tề đã cao chạy xa bay hết trọi... Bà con ơi! Hãy nổi lửa lên đốt sạch hàng rào ấp chiến lược, phá bỏ xiềng gông...”. Đám đông tụ tập ở ngã ba bà Xù mỗi lúc một đông thêm. Rồi đám đông di chuyển ra hướng cầu bà Hai Thỏa, nơi có hàng rào ấp chiến lược giăng ngang. Những quầng sáng bùng lên. Ngọn gió nồm không rõ từ đâu ập đến. Hàng rào ấp chiến lược dài dằng dặc, làm bằng những tấm gai tre khô nỏ, khi bị châm lửa đốt, gặp gió, nó bốc cháy đùng đùng. Và chỉ trong phút chốc trông nó giống hệt một con Rồng Lửa nhảy múa giữa đêm trăng sáng trong tiếng hò reo vang dậy của mọi người...
Con Rồng Lửa thè chiếc lưỡi hồng liếm hàng rào ấp chiến lược từng mảng to và nhanh chóng biến nó thành tro bụi. Một nửa thôn Hữu Lâm, trong đó có xóm Chùa yêu quý của tôi đã được hoàn toàn tự do. Lúc bấy giờ, vì còn nhỏ quá nên tôi không hiểu gì về ý nghĩa của sự kiện quan trọng ấy. Mãi sau này, khi lớn lên tôi mới biết, đó là đêm đồng khởi, diệt ác trừ gian, phá vòng kìm kẹp của người dân quê tôi để mở đầu cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, đầy gian khổ hy sinh nhưng vô cùng oanh liệt s.
VUI TRUNG THU DƯ
ỚI TRỜI CÁCH MẠNG
Sau cái đêm bà con dân làng nổi dậy phá ấp chiến lược, nhà tôi bộ đội tới ở rất đông. Bởi nhà tôi khá to rộng, lại có dải vườn đồi thoai thoải nối liền với núi Gò Mè ở phía sau. Và ngay sát cạnh, bên phải, là hố bà Hạnh có nhiều gộp đá và cây cao bóng cả xùm xòa dây leo. Từ đấy, men theo những triền dốc đi xuống xóm nhà ông Thủ Sáu, hay ngược lên ngõ trên đến chùa Tế Nam, hoặc băng qua núi Gò Mè thọc sang Phái Bắc... đều thuận tiện, dễ dàng. Hơn nữa, ra đó tránh bom, tránh pháo, trú ẩn “máy bay bà già” [5] quần đảo, lượn lờ trên trời cao săm soi dòm ngó, cũng hết sức an toàn, tiện lợi.
Bộ đội tới ở nhà tôi, suốt ngày tập luyện, dựng bia bắn súng. Tôi với thằng Cu Đen đứng xem không chán mắt. Các chú bộ đội toàn người lớn cả mà cũng biết chơi những trò chơi của bọn trẻ con! Như chia phe đánh trận giả. Như thi kiễng chân xáng [6] lựu đạn... gỗ, xem ai là người ném xa và ném trúng đích! Như lăn lê, bò toài bằng hai cùi chỏ và hai đầu gối, nhưng mông không đươc.. nhổm cao lên! Chú bộ đội chỉ huy tuy vui tính nhưng lại tỏ ra rất nghiêm khắc. Chú bắt mọi người tập luyện hoài và nhắc đi nhắc lại mãi câu nói “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu...”. Ai làm không được, chú kiên trì chỉ bảo tập đi tập lại từng động tác, bao giờ thành thục mới thôi! Nhiều chú bộ đội trẻ măngỳ hai cùi chở xuống nền đất sạn, da thịt sưng lên tấy đỏ, vừa bò toài vừa nhăn nhó... vì đau, trông thật buồn cười!
Tôi khoái nhất là trò chơi chia phe đánh trận giả, chạy nhảy qua các giao thông hào, vượt các chướng ngại vật. Ngược lại, thằng Cu Đen thì thích mê tơi cái “món” bắn súng điểm xạ. “Món” này chẳng có gì hấp dẫn cả, nếu không muốn nói là... chán ngắt vì đơn điệu! Các chú bộ đội cứ thay phiên nhau nằm cùng một kiểu “úp thìa” xuống chiếc chiếu hoa trải dưới vạt đất bằng, kê súng lên cái bao lát đựng đầy cát và nheo mắt nhắm bắn... tấm bia gỗ to như cái sàng có vẽ những vòng tròn đồng tâm với dấu chữ thập ở giữa. Các chú bộ đội dùng súng thật, bóp cò bắn thật. Nhưng, hình như súng... không có đạn nên mỗi lần bóp cò bắn chỉ nghe một tiếng “tạch” vang lên khô khốc mà thôi! Tôi chú ý quan sát kỹ và thấy việc nằm “úp thìa” bóp cò súng khơi khơi chẳng có gì dính dáng đến tấm bia gỗ đặt ở phía đằng xa. Vậy mà, chú bộ đội chỉ huy sau khi cúi nhìn mảnh gương bé tí tẹo gắn trên thân súng lại bảo người này bắn trúng, người kia bắn trật! Chịu! Tôi không sao hiểu nổi!
Dần dà, tôi và thằng Cu Đen cũng đã quen tên biết mặt hết các chú bộ đội đóng quân ở nhà tôi. Rồi một “sự kiện” khá bất ngờ xảy ra với anh em tôi: Các chú bộ đội tổ chức đêm liên hoan vui Tết Trung thu dưới bầu trời cách mạng và anh em tôi được mời làm “thượng khách” phá cỗ đón Ông trăng rằm! Đã hơn ba mươi lăm năm trôi qua, nhưng tôi vẫn còn nhớ rất rõ cuộc vui tối hôm đó. Bầu trời cao rộng, mây bông từng dải đi dạo lang thang. Trăng sáng vằng vặc. Vuông sân trước nhà tôi tràn ngập ánh vàng. Chiếc chiếu hoa thường ngày dùng để cho các chú bộ đội nằm “úp thìa” tập bắn xạ kích được trải ra và bày lên đó một mẹt lớn trái cây đủ loại. Ngoài ra, còn có thêm mấy gói kẹo chanh ba màu xanh - vàng - đỏ; một bọc kẹo ú tẩm bột khoai xiêm [7] và ấm chè xanh cùng mấy cái bát sành. Hai anh em tôi với ba đứa nhỏ con cô Sự nhà ở kế bên và chú Tính - chỉ huy, được ưu ti ở bốn góc chiếu hoa. Còn các chú bộ đội thì lót giày dép ngồi chung quanh theo vòng tròn.
Ổn định tổ chức xong, chú Tính e hèm dọn giọng, tuyên bố lý do, nói rõ ý nghĩa của Tết Trung thu đối với thiếu niên nhi đồng. Chú lấy làm tiếc là vì hoàn cảnh chiến tranh, bom rơi đạn nổ bất cứ lúc nào, nên không thể tập trung tất cả trẻ em xóm Chùa lại để cùng phá cỗ đón Ông trăng rằm, vui Tết Trung thu - cái Tết đặc biệt chỉ dành riêng cho lứa tuổi măng non. Bọn trẻ con chúng tôi bỗng dưng trở thành những người quan trọng, được các chú bộ đội mời ăn kẹo bánh, trái cây trước tiên; được dạy hát những bài hát nói lên tình cảm yêu thương của Bác Hồ đối với thiếu nhi và ngược lại... Đó là những bài hát Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng, Em mơ gặp Bác Hồ, v.v... Thằng Cu Đen có trí nhớ giỏi thật! Hắn lẩm nhẩm hát theo một chặp đã thuộc ngay bài hát Ai yêu Bác Hồ Chí Minh hơn thiếu niên nhi đồng. Được các chú bộ đội động viên khích lệ, hắn xung phong đứng lên “đơn ca” cho tất cả cùng nghe. Hắn hát như đọc bằng cái giọng ngọng nghịu đến líu lưỡi, khiến mọi người ôm bụng cười bò ra đất! Thế nhưng, khi hát xong, hắn cũng nhận được những tràng vỗ tay tán thưởng nồng nhiệt...
Mẹt trái cây chẳng mấy chốc đã hết. Bọc kẹo ú cùng vài gói kẹo chanh ba màu xanh - vàng - đỏ được chú Tính xé ra, đổ chung vào chiếc đĩa bàn lớn. Thằng Cu Con của cô Sự, cứ thò tay bốc hết cây kẹo ú này đến cây kẹo ú khác. Kẹo được làm bằng bột khoai xiêm nhồi trộn với mật mía đường rồi bóp nặn thành cục to như ngón chân cái, có góc cạnh y hệt bánh ú nên gọi là kẹo ú. Nó cứng như đá cuội. Triển gân cắn thật lực chưa chắc nó chịu bể ra từng mảnh vụn để nhai. Muốn ăn nó chỉ có một cách duy nhất là ngậm mút từ từ. Thằng Cu Con không làm thế! Hắn sợ bọn tôi lớn hơn, ăn nhanh hơn nên cứ thò tay vào đĩa kẹo bốc mút chụt chụt một chút rồi... quăng! Hắn không ăn kẹo chanh vì chẳng biết làm thế nào để lột được lớp giấy nhựa bọc cây kẹo rồi vặn xoắn hai đầu thật chặt. Thấy thằng Cu Con ăn kẹo xả l như vậy, thằng Cu Đen - em tôi, cũng vội vã “học tập làm theo”. Nhưng thằng Cu Đen lại tỏ ra khôn ranh hơn, lém lỉnh hơn. Hắn cũng lia lịa thò tay vào đĩa kẹo bốc mút chụt chụt một chút rồi... không quăng ra ngoài như thằng Cu Con, mà bỏ dồn một đống trước mặt để dành... ăn sau!
Tôi tức máu, nhưng không sao ngăn chặn được sự phá hoại, phung phí của thằng Cu Con và sự tham lam, khôn vặt của thằng Cu Đen. Tôi lừ mắt ngầm đe dọa chúng rằng, “Xong rồi, hai đứa bay sẽ biết tay tao!”, song chẳng có đứa nào hiểu được “thâm ý” của tôi cả! Ức quá, tôi lấy tay giật nhẹ lưng áo chúng nó, bảo: “Ăn từ từ thôi!”. Chú Tính ngồi bên cạnh, cười: “Cúc Đẹt đừng cấm đoán các em! Đêm nay là đêm phá cỗ đón Ông trăng rằm, vui Tết Trung thu. Cứ để cho các em hát hò ăn uống tự nhiên...”. Mặc dù rất điên tiết, nhưng tôi cũng đành phải vâng lời chú Tính, cố nhằn cặp môi nở một nụ cười biết lỗi! Thằng Cu Con và thằng Cu Đen hai đứa hắn càng được thể, dấn tới! Chợt tôi nghĩ ra được cái mẹo để... treo mõm chúng nó ! Tôi biết kẹo chanh ba màu xanh - vàng - đỏ là thứ kẹo... dẻo quẹo, rất khó xơi! So với kẹo ú nó còn thua xa! Tôi tỷ mẩn lột lớp giấy nhựa bọc hai cây kẹo chanh đã chảy nước rồi bảo hai đứa hắn bằng cái giọng... ngọt như mía lùi: “Nào, Cu Con và Cu Đen cùng há miệng ra! Anh Năm cho cái kẹo này ăn thử có ngon không? Nhớ ngậm cho nhanh và cắn cho mạnh kẻo rớt...”. Hai đứa hắn ngoan ngoãn ngoác rộng mồm làm theo. Và ngay lập tức, hai đứa hắn bị “khóa chặt miệng” lại, vì cây kẹo chanh dẻo quẹo gắn hai hàm răng dính cứng ngắc với nhau, không há ra được!
Mím môi chíp chíp tý nước đường hòa lẫn với nước miếng trong cổ họng, thằng Cu Con và thằng Cu Đen nhìn tôi với cái nhìn hậm hực, tức tối. Còn tôi thì cười hả hê khoái trá vì đã chặn đứng được sự “phá hoại”, “phung phí” đĩa kẹo đã vơi quá nửa của hai đứa hắn! Đó là cái Tết Trung thu đầu tiên và cũng là cái Tết Trung thu duy nhất trong đời của tuổi thơ tôi được cùng các chú bộ đội vui chơi, hát hò tự do thoải mái dưới bầu trời cách mạng. Tôi nhớ mãi cái Tết Trung thu n đó cùng trò... tiểu nhân “ganh ăn ghét uống” theo kiểu trẻ con của mình với cậu em trai và đứa bạn con người hàng xóm...