Tuổi thơ trong chiến tranh - Chương 10

ĐÓT THUỐC LÁ VÀ NHỮNG DẤU GIÀY..

Cuối cùng rồi tôi cũng biết được điều bí mật của tấm ảnh trắng đen cỡ nhỏ và mảnh giấy gấp gọn, cuộn tròn như ngón tay út mà cô Ba Lùng lén đưa cho mẹ t

ôi hôm nọ. Đó là lá thư anh Hai tôi viết ở vùng giải phóng An Lâu gửi về cho gia đình. Thư viết khá dài. Cả hai mặt tờ giấy ca-rô xé từ cuốn sổ ghi chép dày đặc những chữ bé tí xíu như đầu que tăm. Mẹ tôi chịu, coi không ra! Và nhờ vậy, tôi mới được đọc lá thư ấy... Trời trưa tròn bóng. Thằng Cu Đen dẫn thằng Cu Em vô chùa Tế Nam tìm bắt dế than nuôi trong hũ chao để chơi trò chọi dế với thằng Khương, thằng Đào con bà Thận. Anh Bốn tôi đi học. Còn bà hàng xóm “cu đê đê” cũng không sang nhà mẹ tôi chơi, ăn trầu, nói chuyện tào lao bao đồng như thường lệ. Cái nắng chói chang khiến mọi người phải giam mình trong những mái nhà tranh thấp tè, không muốn bước ra ngoài, nên xóm Chùa yên ắng vắng vẻ...

Trong thư, anh Hai tôi kể rằng, tthoát ly đi kháng chiến anh vẫn luôn mạnh khỏe. Bệnh hen suyễn không tái phát mỗi khi thời tiết thay đổi như lúc ở nhà. Có lẽ do ăn thịt mèo đen nên khỏi bệnh. Hiện anh đang là chiến sĩ giải phóng quân, công tác tại một đơn vị hậu cần. Anh cũng cho biết, sau khi Hiệp định Paris - 1973 được ký kết, tình hình chiến sự không còn “căng thẳng” như trước nữa. Vùng tự do của ta đã hết cảnh bom rơi đạn nổ triền miên. Dân bám trụ ở Quế Tiên, Thăng Phước... không những được sống an bình, mà thỉnh thoảng còn được xem phim của miền Bắc xã hội chủ nghĩa do bên Tuyên huấn chiếu phục vụ cán bộ và nhân dân. Quân ngụy cũng thôi hung hăng hiếu sát. Bọn chúng cầm súng đứng gác trên đồi cao giữa ban ngày, thấy đơn vị hậu cần của anh cõng gạo đi phía dưới, vẫy tay cười hỏi “Có mệt không?”. Anh bảo hòa bình đang đến gần, chẳng bao lâu nữa nước nhà sẽ thống nhất... Anh dặn mẹ tôi cố gắng cho anh em tôi đi học để kiếm dăm ba chữ làm người. Cuối thư anh đề: “Con của mẹ: Vương Hằng”. Anh chơi chữ. Vương Hằng nói lái thành Văn Hường. Văn là tên khai sinh. Hường là tên thường dùng. Tôi nghiệm ra ngay. Mẹ tôi nghe tôi đọc xong vội cầm lá thư bỏ vào bếp lửa, rồi dặn: “Con chớ có dại dột nói với ai mà chết cả nhà, rõ chưa?”. Tôi biết, anh Ba tôi đã đọc lá thư ấy cho mẹ nghe rồi. Nhưng trước khi nhờ “bà hỏa” phi tang, mẹ tôi muốn tôi đọc cho nghe lần nữa. Còn tấm ảnh đen trắng chụp bán thân cỡ nhỏ, mẹ tôi đem cất kỹ. Khi nào nhớ anh Hai tôi, lựa lúc nhà không có người vô ra, mẹ lại đem ra nhìn ngắm...

Và tấm ảnh trắng đen ấy đã gây bao phiền hà rắc rối cho gia đình tôi! Nguyên do bởi một hôm mẹ tôi đang ngồi xem ảnh anh Hai tôi thì bất ngờ bà hàng xóm “cu dê đê” sè sẹ đến từ phía sau trông thấy. Bà ta hỏi: “Hình thằng Hường chụp ở vùng Cộng sản gửi cho ai đem về khi mô rứa bà?”. Mẹ tôi hoảng hồn, nhưng rồi cũng nhanh chóng tự trấn an, cười bảo: “Bà nói tầm bậy! Đây là hình hắn chụp khi tham gia phong trào Phật tử hồi còn đi học ở dưới Tam Kỳ. Tôi dọn dẹp sách vở thư từ của hắn để ở góc nhà kia và tình cờ nhặt được...”. Bà hàng xóm “cu dê đê”, thắc mắc: “Tôi thấy học sinh chụp hình lúc tham gia phong trào Phật tử đều đội mũ búp sen. Đằng này... hình thằng Hường chụp đầu trần, tóc tai lại cắt kiểu ca-rê trông giống hệt mấy ông Cộng sản! Hơn nữa, túi áo ngực hắn mặc có nẹp giữa và có nắp đậy, ngó y chang áo quần quân giải phóng...”. Mẹ tôi đánh trống lảng sang chuyện khác và đem cất tấm ảnh. Khi bà hàng xóm “cu dê đê” ra về, mẹ tôi vội gửi bức hình anh Hai tôi cho “bà hỏa” giữ giùm để đề phòng hậu họa! Quả nhiên, sau đó bà hàng xóm “cu dê đê” thường xuyên qua nhà tôi chơi và lặng lẽ quan sát khắp nơi. Bà ta xuất hiện không theo một quy luật nào cả. Có bữa vào trưa tròn bóng. Có bữa vào khoảng xế chiều. Có hôm khi trời chập choạng tối. Có đêm cả nhà tôi chuẩn bị đi ngủ thì bà ta lù lù dẫn xác đến... Rồi đám tề ngụy thôn xã giả vờ dẫn “lão hộ pháp” đi bắn chim ở nỗng Chùa, “tiện thể” ghé vô nhà tôi uống nước và đi dạo quanh nhà quanh vườn ngắm nhìn phong cảnh làng quê...

Mẹ tôi biết bà hàng xóm “cu dê đê” đã bí mật khai báo với chính quyền tề ngụy về tấm ảnh của anh Hai tôi. Và bọn chúng đã chỉ đạo cho bà ta tăng cường giám sát nhà tôi. Đồng thời lấy cớ bắn chim, bọn chúng cũng kiểm tra lại những thông tin mà bà ta cung cấp có chính xác không? Bởi hồi gia đình tôi còn ở trong ấp chiến lược, cạnh nhà bà Cả Chững, bà ta cũng đã có lần dựng chuyện, chỉ điểm láo, báo hại bọn chúng uổng công phí sức rình mò ngõ cống ấp ông Đệ đế rồi bị Đội công tác Phước Kỳ biết được, chủ động mai phục nện cho một trận nên thân! Mẹ tôi vẫn mềm mỏng đối phó với bà hàng xóm “cu dê đê”. Không thân thiết quá mức. Cũng chẳng thờ ơ ghẻ lạnh. Mẹ tôi cứ làm như không có chuyện gì xảy ra! Còn cô Ba Lùng bỗng dưng “thân thiết” với bà hàng xóm “cu dê đê” để rủ rê chèo kéo bà ta cùng qua nhà mẹ tôi chơi. Hai mẹ con cô ở nhờ một gia đình người quen bên nhà gã Liên toán trưởng nhân dân tự vệ khu dồn Phước Lộc. Lâu lâu hai mẹ con cô lại dắt díu nhau về khu dồn Phước Tiên và xin tá túc trong nhà vợ con lính ngụy. Bọn chúng không hề nghi ngờ cô Ba Lùng là đầu mối liên lạc giữa anh Ba tôi với Đội công tác Phước Kỳ.

Tuy nhiên, bọn chúng cũng nhanh chóng điuyển anh Ba tôi đang đi lính nghĩa quân đóng ở bót Hố Tre để canh giữ khu dồn Phước Lộc xuống đồn Phước Hòa ở cách xa nhà hơn mười cây số. Nguyên do anh Ba tôi bỗng dưng “hăng hái” đi lính nghĩa quân vào cuối năm 1973 mãi sau này tôi mới được biết. Ấy là vì phía “đằng mình” yêu cầu. Các bác, các chú thấy anh Ba tôi to cao khỏe mạnh, sống trong vùng bị địch tạm chiếm, nhất định không trước thì sau cũng bị bọn chúng bắt đi quân dịch. Nếu anh bị bọn chúng đẩy vào lính Cộng hòa, Biệt động quân... thì coi như mất đứt một cơ sở của ta mà các bác, các chú đã dày công gầy dựng. Cho nên phía “đằng mình” yêu cầu anh tham gia sắc lính “gà cồ ăn quẩn cối xay” ở ngay tại quê nhà để dễ bề liên lạc. Bọn tề ngụy thấy vậy, cho đó là... chuyện lạ! Bởi đa phần thanh niên lúc bấy giờ (kể cả thanh niên là con cái của những gia đình có “truyền thống chống Cộng” tới cùng) đều tìm mọi cách trốn tránh, không muốn cầm súng ra mặt trận. Là “chuyện lạ” nhưng bọn chúng cũng... cho qua! Đơn giản là bọn chúng đang rất cần có quân số để bổ sung cho các đơn vị ở các chốt tiền tiêu.

Có điều bọn chúng luôn bí mật theo dõi mọi quan hệ giữa anh Ba tôi với nhân dân ở gần khu vực đóng quân và bạn bè là lính tráng với nhau ở các đồn bót khác. Bọn chúng đề cao cảnh giác, giám sát chặt chẽ vì sợ anh Ba tôi làm nội ứng cho cách mạng...

Vào khoảng cuối hạ đầu thu 1974. Tình hình chiến sự ở Tiên Phước vẫn yên ắng. Chẳng có đánh đấm gì, nhưng Đội công tác Phước Kỳ lại hay đột nhập vào vùng địch tạm chiếm. Chính quyền tề ngụy biết rõ điều đó. Nghi ngờ anh Hai tôi lén lút về thăm nhà, “lão hộ pháp” cùng với đám thuộc hạ bí mật mai phục vòng trong vòng ngoài để hạ sát. Thoạt đầu gia đình tôi hoàn toàn không hề hay biết âm mưu thâm độc của bọn chúng. Mẹ tôi chỉ lấy làm lạ là vào những đêm khuya vắng, thoảng bay trong gió mùi thuốc lá thơm lẩn quất quanh nhà. Anh Ba tôi ra vườn dạo xem và phát hiện những đót thuốc lá vương vãi khắp nơi cùng với vô số dấu giày hằn in trên mặt đất. Thời gian này, mỗi khi tối đến, bà hàng xóm “cu dê đê” cũng không sang nhà chơi, nói chuyện tào lao đồng với mẹ tôi như thường lệ. Mẹ tôi cho rằng đám lính nghĩa quân ở đồn Gò Mè rình quanh nhà tôi để bắt trộm gà đem về nấu cháo ăn khuya. Nhưng anh Ba tôi lại nghĩ khác. Lính nghĩa quân mang giày vải bố, không giống với dấu giày hằn in trên đất ở phía sau vườn nhà tôi. Bọn chúng toàn là những kẻ tham sống sợ chết. Khi màn đêm buông xuống, bọn chúng luôn cố thủ trong các hầm hào nơi đồn bót. Và nơm nớp lo sợ bị đối phương bất ngờ tấn công, đêm nào bọn chúng cũng bắn vu vơ dăm bảy loạt đạn AR15 hoặc giộng vài ba trái đèn chiếu sáng lên trời để tự trấn an tinh thần lẫn nhau. Hầu hết bọn chúng cứ trông mong tới sáng, ai trực chiến thì ở lại trực, còn ai chưa đến phiên thì vội vã về nhà. Hơn nữa, bọn chúng chỉ dám hút loại thuốc Bastos rẻ tiền, vì ai cũng có vợ con đùm đề, lương hưởng lại không cao.

Dựa vào những chứng cứ cũng như cách lập luận của mình, anh Ba tôi khẳng định đám lính nghĩa quân ở đồn Gò Mè không làm việc đó, chỉ có bọn cảnh sát dã chiến mà thôi! Anh Ba tôi lặng lẽ điều tra...

Và đúng như thế thật. “Lão hộ pháp”, gã Xã phó an ninh và gần chục tên cảnh sát dã chiến đêm nào cũng bí mật mai phục quanh nhà tôi. Cứ chập choạng tối, bọn chúng từ trung tâm quận lỵ Tiên Phước đến trường Đình, rẽ vào xóm nhà bà Thược, vượt qua cánh đồng trước nhà ông Thủ Sáu, lên hố bà Hạnh rồi quành xuống nỗng Chùa để đột nhập vô vườn nhà tôi nằm phục. Mờ sáng hôm sau bọn chúng lại theo lối cũ mò về quận lỵ. Bố trí lực lượng rình rập ở hướng chính yếu, còn những hướng phụ bọn chúng gài mìn clay mo. Có lần chăn thả con trâu Bầy ăn lau lách dọc theo đường luồng từ giếng Cây Sơn lên nổng bà Vi, tình cờ tôi phát hiện quấn dây điện và mấy trái mìn claymo bọn chúng cất giấu trong lùm dứa dại để hôm sau lấy ra gài. Loại mìn này, tôi không lạ. Bởi tôi đã nhiều lần trông thấy mấy tên lính nghĩa quân dùng dao cạy ra lấy mảnh lớn đập bể để lượm những viên bi sắt nhỏ, sáng bóng, cho vào đạn súng calíp thay thế những viên chì, bắn chim. Biết cách tháo gỡ nên khi vớ được mấy trái mìn claymo, tôi cũng dùng mấu rựa cạy lấy mảnh lớn có chứa những viên bi sắt nhỏ đem cất giấu chỗ khác để làm đạn ná cao su. Với “kho vũ khí” đó, tôi có thể sai khiến bọn thằng Khương, thằng Đào, thằng Lý, thằng Điền, thằng Mày... làm theo ý mình! Bởi thứ “của độc” ấy đứa nào cũng muốn có thật nhiều để đi săn lũ chào mào, sáo sậu...

Đầu mùa mưa, chính quyền tề ngụy phát động “phong trào thiếu nhi lượm vỏ hộp sữa bò, mua dây su làm lon gài nhằm phòng chống Cộng sản xâm nhập vào khu định cư”. Dường như năm nào cũng vậy, hễ đến mùa mưa, bọn chúng lại co cụm cố thủ trong các đồn bót và kêu gọi mọi người “đồng tâm hiệp lực” để cùng với chính quyền giữ gìn trật tự trị an.

Chẳng rõ mùa mưa 1974 có gì bất ổn mà bọn chúng huy động cả trẻ em tham gia vào công việc “quốc gia đại sự” chỉ dành cho người lớn?! Tôi không mấy quan tâm đến cái “phong trào...” tào lao đó. Có điều, tôi rất ghét “lão hộ pháp”, gã xã phó an ninh và mấy tên cảnh sát dã chiến luôn rình rập quanh vườn nhà tôi mỗi khi đêm đến. Và tôi quyết định chơi khăm bọn chúng một vố cho... “biết khôn”! Tôi mở “kho vũ khí” bấy lâu giấu kín đem phân phát cho đám bạn cùng trang lứa ở xóm Chùa mỗi đứa một ít và tuyên bố: “Đứa nào làm được nhiều lon đế gài sẽ trọng thưởng xứng đáng bằng hiện vật là... đạn bi sắt mìn claymo!”. Không ngờ bọn chúng “nhiệt liệt hưởng ứng”, chưa tới ba ngày sau đã làm được cả trăm cái. Một buổi chiều mưa lâm thâm, tôi rủ cả bọn đem lon gài khắp nỗng Chùa, nỗng bà Vi và những lối mòn dẫn xuống hố bà Hạnh. Chập choạng tối hôm đó, “lão hộ pháp” lại dẫn đám thuộc hạ đến vườn nhà tôi mai phục. Và bọn chúng vướng phải lon. “Ron... ron... ron...”. “Reng... reng... reng...”. Nghe tiếng lon đổ dồn, đám lính nghĩa quân ở đồn Gò Mè bắn xuống xối xả. Bọn chúng chạy loạn xạ và vướng lon gài khắp nơi. Đám lính nghĩa quân ở các đồn Hố Tre, Dương Hợi, Gò Cao... nghe thấy thế cũng thi nhau nhả đạn chi viện cho “đồng đội”!

Tiêng súng nổ liên hôi kỳ trận gần nửa giờ mới ng. Ngồi bên thằng Cu Đen và thằng Cu Em trong căn hầm nổi khá chắc chắn ở phía sau nhà, tôi vô cùng lo lắng về việc đầu têu cái trò chơi khăm “lão hộ pháp” và đám thuộc hạ. Hậu quả xảy ra tôi không hề lường trước được. Cũng may, mẹ và anh Bốn tôi hoàn toàn không biết gì cả! Và đám bạn cùng trang lứa ở xóm Chùa cũng không thấu rõ “âm mưu” của tôi! Mọi chuyện cứ ngỡ dừng lại ở đấy, nào ngờ sáng hôm sau “lão hộ pháp” lên ngã ba bà Xù triệu tập đám liên gia, ấp trưởng, liên toán trưởng nhân dân tự vệ lại chửi bới om sòm vì tội phát động “phong trào gài lon phòng chống Cộng sản” làm bọn chúng suýt chút nữa thì... bỏ mạng! “Thoát nạn” qua “sự kiện” ấy, tôi rất mừng. Nhưng mừng hơn là việc mai phục ở chung quanh nhà tôi bị bại lộ nên bọn chúng thôi không rình rập nữa. Mặt đất không còn hằn in những dấu giày. Và những đêm khuya vắng gia đình tôi không còn nghe mùi thuốc lá thơm thoảng bay trong gió...

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3