Quán trọ Hoa Diên Vỹ - Chương 01 phần 2

Mình định bám theo ông ta đến đâu nữa đây? Những đồ mẹ dặn chỉ mới mua được có thuốc đánh răng. Tôi đâm lo lắng. Thế nào mẹ tôi cũng cáu vì khách sắp đến rồi mà còn lề mề. Nhưng tôi không thể rời mắt khỏi lưng người đàn ông.

Người đàn ông đi vào phòng chờ trên bến du thuyền. Bây giờ ông ta định đi du thuyền chăng? - tôi nghĩ. Bên trong đầy các gia đình có trẻ con và các cặp tình nhân. Tàu đi một vòng quanh đảo F bé tẹo ngoài khơi, đỗ lại cầu cảng ở đó một lát, rồi quay lại trong khoảng ba mươi phút. Từ giờ đến chuyến sau vẫn còn hai mươi lăm phút nữa.

- Cô gái, sao lại bám theo tôi thế?

Đột nhiên tôi nghe thấy tiếng nói. Đầu tiên tôi cũng không nhận ra là mình đang bị hỏi. Vì xung quanh khá ồn ào, và cũng vì tôi không thề ngờ được điều đó. Cuối cùng một lúc sau tôi cũng nhận ra giọng người đã nói câu: “Câm mồm đi, con đĩ!” đang hướng về phía mình.

- Cô cần gì ở tôi à?

Tôi luống cuống lắc đầu.

Nhưng người đàn ông còn luống cuống hơn. Ông ta lúng túng chớp mắt, mỗi lần nói ông ta lại liếm môi. Tôi không thề nghĩ con người này và người đàn ông tối nọ đã ra một mệnh lệnh tuyệt vời đến nhường ấy ở Hoa Diên Vỹ lại là một.

- Cô là con gái bà chủ quán trọ phải không? - Người đàn ông hỏi.- Dạ, đúng ạ. - Tôi cúi đầu trả lời.

- Hình như cô ngồi ở quầy lễ tân thì phải. Tôi đã để ý cô suốt từ lúc ở hiệu tạp hóa.

Một nhóm học sinh tiểu học ồ ạt kéo vào làm phòng chờ trở nên lộn xộn. Bị dòng người xô đẩy, chúng tôi phải nép vào cạnh cửa sổ.

Tôi lo lắng không hiểu ông ta sẽ đối xử với mình thế nào. Lúc đầu khi nhìn thấy người đàn ông, tôi cũng không nghĩ mình sẽ nói chuyện với ông ta. Dù tôi muốn rời khỏi đây ngay bây giờ, tôi không biết mình nên nói gì, hay là im lặng thì hơn.

- Cô vẫn còn điều gì phàn nàn với tôi sao?

- Không, không, phàn nàn gì chứ ạ...

- Tôi xin lỗi vì chuyện hôm đó. Tôi đã làm phiền mọi người.

Thật lịch thiệp. Từ ngữ ông ta dùng không hề hợp với người đã bị ả đàn bà chửi rủa ở Hoa Diên Vỹ. Điều đó khiến tôi thêm bối rối.

- Xin đừng để ý những gì mẹ cháu nói. Bác cũng trả cho cháu quá đủ rồi.

- Thật là một đêm khủng khiếp.

- Mưa to kinh khủng...

- Đúng vậy. Tôi cũng chẳng hiểu tại sao mình lại thành như thế nữa.

Chúng tôi nói những câu rời rạc, cụt ngủn.

Tôi nhớ ra là sau khi người đàn ông đi khỏi, tôi đã đem vứt cái xu chiêng vẫn bị vo tròn ở chỗ chiếu nghỉ. Nó màu tím, chỗ quả vú được trang trí lòe loẹt bằng ren và đường diềm. Tôi nhặt nó lên như nhặt xác động vật và cho vào thùng rác trong bếp.

Bọn trẻ nô đùa, chạy vòng quanh. Mặt trời vẫn chưa khuất bóng, vùng biển sáng lấp lánh trải rộng phía cửa sổ. Đảo F nổi trên mặt biển trông như tai người. Tôi thấy con tàu vòng hết phía cuối của đảo, đang hướng về phía này. Lũ chim hải âu đậu trên các cọc cầu tàu.

Người đàn ông nhìn gần trông nhỏ con hơn tôi tưởng. Tầm vóc cũng chẳng hơn tôi là mấy, và từ vai xuống ngực không được vạm vỡ cho lắm. Mái tóc bị rối hôm ấy đã được vuốt ngay ngắn, nhưng phía sau đầu lộ ra hầu như toàn là da.

Khi câu chuyện ngắt quãng, cả hai cùng nhìn ra biển. Ngoài việc đó ra tôi không thể nghĩ nổi điều gì. Lúc người đàn ông nheo mắt vì chói nắng, khuôn mặt ông ta nhăn nhó như có bộ phận nào trên cơ thể bị đau vậy.

- Bá định đi du thuyền ạ? - Không chịu nổi sự im lặng, tôi lên tiếng trước.

- Ừ. - Người đàn ông trả lời.

- Dân ở đây không ai đi cái đó đâu. Từ nhỏ đến giờ cháu cũng mới chỉ đi có một lần.

- Vì tôi sống ở đảo F mà.

- Ở đó cũng có người sống ư?

- Ừ, nhưng cũng chỉ có vài người. Thế nên phải đi du thuyền để về nhà.

Tôi biết chuyện ở đảo có chi nhánh cửa hàng đồ bơi và nhà nghỉ dưỡng của công ty sắt thép, còn chuyện có người sống ở đó thì tôi không biết.

Trong lúc nói chuyện, người đàn ông lúc thì cuộn tròn lúc lại vân vê mũi cà vạt. Cái cà vạt trở nên nhăn nhúm. Thoáng chốc bóng du thuyền đã lớn dần. Bọn trẻ không thể chờ thêm được nữa, chúng bắt đầu xếp hàng ở chỗ lên tàu.

- Mình tôi cứ thế này mà xách túi của hiệu tạp hóa lên du thuyền cùng những người mang nào là máy ảnh, cần câu rồi ống thở.

- Sao bác lại sống ở một nơi bất tiện như vậy?

- Tôi quen thế rồi nên cũng chẳng sao. Dù gì nghề của tôi cũng chỉ quanh quẩn ở nhà.

- Bác làm nghề gì ạ?

- Tôi là dịch giả tiếng Nga.

- Dịch... giả... Tôi nhắc lại lần nữa những từ ấy.

- Lạ lắm à?

- Không ạ. Tại vì trước giờ cháu chưa từng gặp người nào làm nghề ấy nên cảm thấy hơi mới mẻ thôi.

- Suốt ngày ngồi trước bàn làm việc, giở từ điển để tra từ. Công việc chỉ có vậy. Cô là học sinh cấp III à?

- Không ạ. Cháu học cấp III được nửa năm thì bỏ.

- Thế bây giờ cô bao nhiêu tuổi rồi?

- Mười bảy ạ.

- Mười bảy... Lần này người đàn ông lặp lại câu trả lời của tôi cứ như nó là một con số đặc biệt.

- Nhưng nghĩ lại cháu thấy đi du thuyền về nhà cũng tuyệt lắm chứ!à tôi là một căn nhà nhỏ. Hồi xưa không biết ai đã dựng nó lên thay vì xây biệt thự. Nó ở phía hướng ra biển, chỗ có bến tàu. Nếu so đảo với hình cái tai, thì nhà tôi ở đúng chỗ này...

Người đàn ông ngẫm nghĩ, rồi chỉ vào dái tai của mình. Tôi chăm chú nhìn chỗ ông chỉ vào. Cơ thể chúng tôi khẽ chạm vào nhau. Ngay lập tức cả hai cùng cảm nhận được điều ấy. Tôi vội quay đi chỗ khác, còn người đàn ông cũng dịch ra.

Như thế lần đầu tiên tôi biết được tai người cũng già đi. Đó là một miếng thịt nhăn nheo và nhờn nhọt.

Du thuyền trở lại trong tiếng còi rú. Bọn hải âu đậu trên cầu tàu đồng loạt bay lên. Dây xích chỗ cửa lên tàu được tháo xuống, phòng chờ vẳng tiếng phát thanh viên.

- Có lẽ tôi phải đi rồi. - Dịch giả thì thầm.

- Tạm biệt. - Tôi nói.

- Tạm biệt.

Ông ta cũng nói thế. Nhưng tôi cảm giác như chúng tôi đã nói với nhau câu nói quan trọng hơn là chỉ chào tạm biệt.

Từ cửa sổ tôi nhìn thấy người đàn ông đi trên cầu tàu và đang bị cuốn trong hàng người. Dù ông ta nhỏ con đến mấy tôi cũng lập tức phân biệt được bóng người mặc vest lẫn trong đám du khách. Giữa chừng ông ta ngoảnh đầu lại. Tôi vẫy tay dù thấy thật buồn cười khi làm điều này với một người không biết tên cũng chẳng có quan hệ gì. Ông ta cũng định vẫy trả, nhưng rồi lại ngượng ngùng đút bàn tay đang giơ lên vào túi áo. Tàu rú còi rồi rời bến.

*

* *

Tôi bị mẹ phạt. Khi tôi về đến Hoa Diên Vỹ thì đã quá năm giờ. Hơn nữa vì vội quá nên tôi cũng quên béng việc phải lấy cái váy của mẹ ở tiệm giặt là.

- Mày làm cái trò gì thế hả? Tao đã định mặc cái váy ấy đến buổi biếu diễn nhảy đầm tối nay!

Mẹ tôi mắng. Có tiếng khách đang ấn chuông ở quầy.

- Tao chỉ có mỗi cái váy ấy để nhảy thôi. Mày cũng biết rồi còn gì. Không có cái váy ấy làm sao tao nhảy được! Không kịp rồi, năm rưỡi là bắt đầu. Tao đã chờ mày mãi! Thôi rồi, chẳng làm gì được nữa. Tất cả là tại mày!

- Con xin lỗi mẹ! Tại trên đường con nhìn thấy một bà lão có vẻ không khỏe. Mặt bà ấy tái mét, người thì run bần bật, tình trạng dường như tệ lắm. Thế nên con phải đi cùng đến tận bệnh viện rồi chăm sóc cho bà ấy. Con không thể bỏ mặc bà ấy được. V con mới về muộn.

Tôi kể lể lý do đã nghĩ ra trên đường về. Tiếng chuông lại vang lên như muốn làm tăng thêm con giận của mẹ tôi.

- Đi nhanh lên! - Mẹ tôi gầm lên.

Nói là buổi biểu diễn nhảy đầm, chứ thật ra chỉ có vợ mấy người làm nghề buôn bán trong vùng, mấy người công nhân ở nhà máy chế biến cá, với mấy ông già đã nghỉ hưu, khoảng mười người tập trung lại với nhau rồi nhảy những điệu nghèo nàn. Chẳng phải chuyện gì to tát. Giả dụ tôi mang cái váy về theo lời mẹ dặn, thì có khi mẹ tôi lại nói là hôm nay phiền lắm không đi nữa cũng nên.

Tôi chưa bao giờ nhìn thấy mẹ tôi nhảy đầm. Cứ nghĩ đến cảnh bắp chân mẹ run run mỗi lần xoay, cổ chân phình to đến mức thịt lòi ra khỏi giày, cánh tay của một người đàn ông không quen biết ôm choàng lấy eo, phấn trang điểm trôi mất vì mồ hôi... là tôi đã thấy phát chán. Chỉ cần nghĩ thế thôi đã khiến tôi buồn nôn.

Từ lúc tôi còn bé đến giờ mẹ vẫn luôn hãnh diện với người khác về ngoại hình của tôi. Khách mà mẹ tôi thích nhất tất nhiên là những người trả tiền hậu hĩnh, thứ hai là những khách ca ngợi sắc đẹp của con gái bà, dù là nịnh nọt thôi cũng được.

Ông chưa bao giờ nhìn thấy làn da trong suốt như thế này đúng không? Trong suốt nhìn thấy cả bên trong, đến mức phát sợ ấy! Lông mi dài và đôi mắt đen láy từ lúc mới sinh đến giờ vẫn vậy đấy. Khi con bé đi trên đường thì cứ cách năm phút lại có người xuýt xoa: “Chao ôi, dễ thương quá!” Có lần con bé còn được một nhà điêu khắc, không biết tên gì ấy nhỉ, nhờ làm người mẫu cơ đấy. Ông ta đã giành được giải nhất trong một cuộc thi.

Mẹ tôi có vô số những lời hãnh diện về tôi. Nhưng một nửa trong số đó là dựng chuyện. “Nhà điêu khắc” mẹ tôi nói thực ra là một gã dê xồm, suýt nữa tôi đã bị hắn trêu ghẹo.

Dù mẹ có tán dương tôi đến đâu chăng nữa, điều đó cũng không có nghĩa bà dành nhiều tình cảm cho tôi. Bà càng nói này nói nọ về tôi thì ngược lại tôi càng cảm thấy xấu hổ muốn trốn đi cho rồi. Tôi chưa bao giờ có ý nghĩ là mình xinh đẹp.

Đến tận bây giờ mỗi sáng mẹ đều búi tóc cho tôi. Bà bắt tôi ngồi trước bàn trang điểm, dùng tay trái kéo cho mớ tóc căng ra, làm tôi không động đậy gì được nữa. Rồi bà khua cái lược đến mức da đầu tôi kêu roạt roạt. Nếu tôi chỉ hơi lúc lắc đầu mẹ lập tức kéo mạnh bàn tay trái. Chỉ vì bị mẹ làm tóc, mà tôi đã mất hết tự do.

Mẹ tôi nhúng lược vào bình dầu trà, rồi bắt đầu búi thành búi. Bà không để cho bất cứ sợi tóc nào xổ ra. Dầu trà bốc mùi khó chịu. Thi thoảng mẹ cũng trang trí tóc tôi bằng những thứ rẻ tiền như kẹp tóc hay trâm cài.

- Rồi, xong.

Mỗi khi nghe giọng nói có vẻ mãn nguyện của mẹ, tôi lại cảm thấy như mình đã phải chịu hành hạ vậy.

Tối hôm đó tôi không được ăn cơm. Từ hồi bé hình phạt đã được quy định là thế. Đêm tối với cái bụng rỗng có vẻ sâu thẳm hơn mọi khi. Trong bóng tối ấy đã bao lần tôi thứ mường tượng ra tấm lưng và cái tai của người đàn ông.

Buổi sáng hôm sau mẹ búi tóc cho tôi đặc biệt cẩn thận. Dầu trà cũng được dùng khá nhiều. Và rồi bà lại tán dương sắc đẹp của tôi.

*

* *

Hoa Diên Vỹ ra đời khi cụ tôi sửa sang lại ngôi nhà cho thuê thành quán trọ. Đó là câu chuyện từ một trăm năm trước. Trong vùng này nhà hàng hay quán trọ nào cũng hướng ra bờ biển, hơn nữa càng gần tường thành trên biển thì lại càng có giá. Hoa Diên Vỹ chẳng có cả hai điều kiện ấy. Từ đây đi bộ đến tường thành phải mất hơn ba mươi phút, và chỉ có duy nhất hai phòng nhìn thấy biển. Những phòng còn lại chỉ nhìn được nhà máy chế biến cá.

Sau khi ông tôi mất, nghe lời mẹ tôi bỏ học giữa chừng để giúp việc ở quán trọ. Đầu tiên tôi vào bếp, chuẩn bị bữa sáng. Tôi rửa hoa quả, xắt thịt hun khói và pho mát rồi để những hộp sữa chua lên đá. Khi thấy vị khách đầu tiên trong ngày đang xuống cầu thang, tôi sẽ xay cà phê và nướng bánh mì.

Lúc khách sắp trả phòng, tôi tính tổng số tiền ở quầy lễ tân. Tôi im lặng làm việc. Cũng có khách muốn bắt chuyện này nọ, nhưng tôi cũng chỉ đáp lại vài lời ngắn ngủi và mỉm cười, chứ không nói những câu thừa thãi. Vì nói chuyện với người mới gặp lần đầu mệt lắm, với lại nếu tính nhầm làm số tiền không khớp với hóa đơn, thì thể nào tôi cũng bị mẹ mắng.

Trước buổi trưa, bà giúp việc tới rồi cùng mẹ tôi bắt đầu quét dọn phòng của khách trọ. Trong lúc ấy tôi dọn dẹp phòng bếp và nhà ăn. Tôi nhận điện thoại từ khách muốn đặt phòng, từ công ty cho thuê đồ khăn vải dùng cho quán trọ, hay từ hiệp hội du lịch. Nếu thấy tóc tôi bị rối dù chỉ một chút, mẹ tôi sẽ lập tức lấy lược chải lại. Và chúng tôi lại đón những người khách mới.

Hầu như cả ngày tôi ngồi ở quầy lễ tân. Chỗ đó chật hẹp tới mức chỉ ngồi yên một chỗ cũng có thể với được các thứ. Chuông dùng để gọi, máy tính tiền kiểu cũ, sổ khách trọ, bút bi, điện thoại, tờ rơi quảng cáo du lịch. Cái quầy thanh toán đen nhẻm đầy vết xước do đã bị không biết bao nhiêu bàn tay người đặt lên.

Khi lơ đễnh ngồi lọt thỏm bên trong quầy toán, tôi ngửi thấy mùi tanh của cá sống bốc lên từ nhà máy chế biến cá phía đối diện. Hơi nước hấp cá surimi rỉ ra từ khe cửa sổ. Mấy con mèo hoang lúc nào cũng lởn vởn quanh đó để rình cá rơi xuống từ kiện hàng trên xe tải.

Sau khi khách đặt trước đã đăng ký xong thong thả chuẩn bị đi ngủ trong các phòng, lúc ấy cảm giác của tôi trở nên nhạy bén nhất. Nếu tôi ngồi trên cái ghế tròn chỗ quầy lễ tân, thì có thể cảm nhận được tất cả âm thanh, không khí hay bất cứ mùi gì trong quán trọ.

Chỉ cần giam mình trong quầy sẽ thấy cảnh mọi người sinh hoạt về đêm hiện lên rất sinh động. Nhưng thế nào tôi cũng gạt mấy cảnh đó đi, rồi bắt đầu tìm một nơi yên tĩnh, nằm xuống và ngủ quên luôn.

Sáng thứ Sáu tôi có thư từ dịch giả. Chữ viết trong lá thư rất đẹp. Tôi len lén đọc nó ở góc quầy.

“Thật bất lịch sự nhưng cũng xin thứ lỗi cho tôi vì đã gửi cô lá thư này.

Chiều hôm Chủ nhật, ở phòng chờ du thuyền, tôi không nghĩ là mình lại được trò chuyện với cô như vậy.

Đến tuổi này rồi, tôi gần như có thể lường trước mọi chuyện. Tôi cũng đã chuẩn bị tâm lý để tránh buồn bực hay đau khổ không cần thiết. Có lẽ cô không hiểu, nhưng đây là thói quen của những người ở cái tuổi không biết ngày mai còn sống hay đã chết.

Song Chủ nhật ấy thì khác. Bánh xe thời gian đã sai lệch đi một khắc để dẫn tôi tới nơi không ngờ đến.

Khi nghĩ về vụ việc bẩn thỉu mình đã gây ra ở Hoa Diên Vỹ, tôi nghĩ chắc hẳn cô sẽ coi thường và khinh bỉ tôi. Tôi đã rất muốn xin lỗi cô về chuyện đó. Nhưng cô lại nhìn tôi với đôi mắt thơ ngây trong sáng làm tôi cực kỳ bối rối, không thể mở miệng nói được những điều cần nói. Tôi viết thư này chân thành xin lỗi cô một lần nữa.

Tôi vẫn luôn sống một mình. Hàng ngày giam mình ở đảo và chỉ làm mỗi việc dịch thuật, nên hầu như không có bạn. Vả lại, tôi cũng không có một cô con gái vừa trẻ lại xinh đẹp như cô.

Đã mười năm rồi tôi không được nếm trải cảm giác có ai đó vẫy tay tiễn đưa như vậy. Tôi thường lên thuyền từ chỗ cầu tàu, nhưng lúc nào cũng chỉ một mình. Tôi cũng chưa lần nào ngoảnh đầu lại từ chỗ đó cả.

Cô đã vẫy tay với tôi làm như chúng ta đã quen biết từ lâu. Có lẽ với cô đó chỉ là một cử chỉ vặt vãnh, nhưng với tôi nó lại có ý nghĩa sâu sắc.

Tôi muốn cảm ơn cô vì điều đó. Chân thành cảm ơn cô.

Chủ nhật nào tôi cũng ra thị trấn mua hàng. Khoảng hai giờ chiều tôi sẽ đứng trước đồng hồ hoa trên quảng trường trung tâm. Không biết tôi có diễm phúc được gặp cô lần nữa không? Tôi không định bắt cô phải hẹn hò với tôi. Đó chỉ là nguyện cầu nhỏ nhoi của một ông già thôi, xin cô đừng bận tâm.

Trời đang nóng dần. Tôi nghĩ công việc của quán trọ cũng bận rộn hơn. Mong cô chú ý giữ gìn sức khỏe.

Gửi Mari.

Tái bút: Thứ lỗi cho tôi vì đã dò hỏi tên cô. Thật trùng hợp làm sao, tên nữ nhân vật chính trong tiểu thuyết tôi đang dịch cũng là Marie.”