Hoa cườm thảo - Chương 05

Chương 05

Hoạt ngừng xe trước nhà Nghĩa vừa lúc anh chàng này dắt chiết Mobylette cũ ra cửa. Hoạt nói:

- Đi đâu mày?

Nghĩa đẩy rộng cánh cửa hơn cho Hoạt vào.

- Tao đi tí công chuyện. Mày vào nằm nhà đi.

Hoạt gật đầu và đẩy xe vào nhà. Chờ Nghĩa đi khuất, Hoạt khép cánh cửa lại rồi cởi áo sơ mi. Căn nhà này nóng bức, chỉ mặt được maillot thôi. Hoạt vắt chiếc sơ mi trên thành ghế rồi ngã mình trên chiếc ghế bố của Nghĩa. Chiếc ghế bố chật chội mà chàng đã từng ngã lưng qua bao nhiêu lần mệt mỏi. Hoạt đốt điếu bastos, thả khói vòng tròn. Nhìn những dòng khói mơ hồ lãng đãng rồi tan dần trong không gian, Hoạt bổng thật buồn. Cái buồn của người con trai đặt quá nhiều thứ lên đôi vai mình. Cầu mong một điều gì đó cho tương lai, cầu mong một chút gì đó trong hiện tại, với Hoạt, cái đã qua và cái bây giờ tất cả dường như đã không còn có thật sự. Sự tin tưởng của một cô bé dịu hiền mà xa lạ: Điềm Chi! Sự tin tưởng của Chi đôi khi làm Hoạt lo ngại. Chàng có lẽ không xứng đáng với sự tín cẩn đó dù là sự thật những gì Chi nghĩ về chàng không có gì gọi là quá lo. Có lẽ Điềm Chi rất giàu. Có lẽ đó là một thiếu nữ con nhà gia thế như Bảo Anh. Nhưng dù sao, chắc chắn Điềm Chi không thể nào như Bảo Anh. Hoạt đã nghĩ như vậy mỗi khi nhìn thấy cô chủ của mình.

Điếu thuốc tàn dần trên bàn tay gầy guộc vàng khói của người con trai. Hoạt trở người ngồi dậy. Chàng nhớ đến tập Cours mình vừa trả Nghĩa hôm qua. Chàng lật lật trên bàn tìm xấp giấy. Chợt một cuốn tập của Thu để bên cạnh bị bàn tay Hoạt đụng làm rơi xuống. Hoạt cúi nhặt. Chàng lật lật mấy trang vở nhìn vào. Thu viết chữ thật đẹp. Điều này thì Hoạt vốn đã biết lâu. Tánh Thu cẩn thận và chịu khó. Thu thuần hậu và thùy mị nên Hoạt rất thương Thu. Có lần, khi bài hát "Em hiền như ma soeur" vừa được "lăng xê" Hoạt đã đùa với Thu, bảo bài hát đáng lẽ phải đổi là "Thu hiền như ma soeur". Hoạt nói đùa một cách vô tình nhưng chàng đã thấy hình như Thu ngượng nên thôi. Từ đó Hoạt không nói đùa như vậy với Thu nữa. Chàng bắt đầu nhận thấy Thu đã lớn, không phải là bé Thu của mấy năm trước nữa. Đôi khi sự săn sóc tận tình của Thu đối với Hoạt làm chàng thoáng nghĩ tới một thứ tình cảm dậy thì nào đó của cô bé này như Hoạt vội vã đánh tan ý nghĩ đó trong đầu. Ở cuối cuốn tập, Thu viết hai câu thơ:

Chẳng bao giờ anh thấy bận tâm đâu

Em ngã chết cũng buồn như lúc sống

Hoạt nhớ lại hai câu thơ này quen quen, dường như chàng đã đọc thấy được một lần nào đó trên báo. Hoạt nhủ thầm, cô bé cũng lãng mạn gớm ... Một tờ giấy rơi ra, Hoạt lại thấy một bài thơ nữa. Chàng lẩm bẩm một mình:

- Gớm, con bé này, thơ với thẩn.

Hoạt đọc bài thơ :

Mình đã có những đêm dài thao thức

Khóc một mình trên trang giấy vô tư

Sách vở ơi xin một phút tạ từ

Mình gục mặt đi vào trong ảo mộng.

Sao người đến cho hồn mình biến động

Rất tủi hờn tuổi nhớ biết thương đau

Người chẳng bao giờ hiểu được mình đâu

Buồn da diết in sầu lên môi má

Ôi người yêu một đời xa xôi quá

Xin một lần hãy nhận hiểu dùm em

Dù bao đêm em khóc tủi một mình

Em vẫn mãi tôn sùng người cách mặt

Bên dưới bài thơ ký tên của Thu. Hoạt đoán đây là bài thơ của Thu làm. Con bé làm thơ cũng khá đấy chứ! Hoạt nghĩ đến con người của mình. Con người mà chàng tự cho là khó khăn. Hoạt đã nghĩ, có lẽ suốt đời mình chả bao giờ viết được một vần thơ.

Hồi còn học ở trung học, thỉnh thoảng, Hoạt cũng muốn tập làm thơ để cho nó có vẻ "văn nghệ" một tí nhưng chàng đành chịu thua.

Thành, một thằng bạn thân của Hoạt lúc đó, đã khuyên bạn:

- Mày nên nhớ, không có vấn đề tập tành trong việc làm thơ. Cái hồn thơ là một cái gì thiêng liêng nhất đâu phải tập tành mà có! Nếu mày có máu thi sĩ, nếu mày có khiếu văn chương, tự khắc khi mày cầm bút, ý thơ sẽ tuôn ra. Trong trường hợp mày cố tình cắn bút tìm chữ cho hợp vần bằng trắc theo như nguyên tắc bọn mình đã học thì bài thơ cũng có thể sẽ thành, tao đồng ý nhưng lúc đó không nên gọi mày là thi sĩ, mà phải gọi mày là thi công.

Hoạt hỏi bạn:

- Nói như thế thì đâu được. Thơ cũng cần bằng trắc theo nguyên tắc chớ mày.

Thành gật đầu:

- Tao đồng ý, nhưng cái gì cũng vậy, vừa phải thôi. Như mày thấy, có biết bao nhiêu bài thơ của những thi sĩ lừng danh, đọc lên mình nghe hay tuyệt mà nó có theo một nguyên tắc nhất định nào đâu? Vần, luật chỉ là một phần, điều quan trọng chính là cái hồn thơ, cái chất sống trong bài thơ tạo cho người đọc một say mê khi thưởng thức.

Hoạt phục lăn lối giải thích của bạn. Dạo đó, Hoạt và Thành chơi thân lắm. Con người của Thành ai nhìn một lần cũng dễ sanh cảm mến. Thành như thuộc về một thế giới ảo mộng nào. Ít khi cu cậu chịu khó hòa mình vào thế giới đang sống. Khổ người Thành mảnh mai như con gái, da trắng trẻo xanh xao. Thành làm thơ rất hay. Những bài thơ Thành viết, đọc lên nghe như cả những lời tâm sự nỉ non và vuốt ve dịu dàng. Thành không làm thơ ca tụng tình yêu. Thành chỉ viết về nổi ưu tư của tuổi trẻ, vậy mà Thành bạc phận, đã chết bất ngờ trong một cơn bạo bệnh. Ngày bạn chết, Hoạt đứng nhìn thân thể xanh xao nằm im mướt dưới làn drap trắng phủ. Có một cái gì bất diệt nơi bạn mình làm Hoạt xót xa. Hình như Thành vẫn còn sống đâu đó, Thành hay là hồn thơ lãng mạn của Thành, Hoạt không phân biệt được...

Cánh cửa bị xô mạnh cho ánh sáng ùa vào bất chợt. Hoạt ngẩng lên, tay vẫn còn cầm cuốn tập của Thu. Thu đang đứng nhìn, cô bé vừa đi học về có lẽ. Thấy Hoạt cầm cuốn tập, Thu chạy lại giật nhanh:

- Ý, tập em mà.

Hoạt cười:

- Ừ thì tập em. Anh có nhận bừa là tập của anh đâu nào!

Thu cầm cuốn tập nhét vội vào cặp, nhìn Hoạt nghi ngờ:

- Anh... xem trong tập em hả?

Hoạt nói dối:

- Không, anh có xem gì đâu.

- Em không tin.

- Thì... mà nếu anh xem đã sao? Anh không có quyền kiểm soát bài học của Thu hả?

Thu ấp úng:

- Không phải... nhưng mà...

Hoạt cười:

- Nhưng mà gì? Hay là tại trong cuốn tập này có gì đặc biệt?

Thu cắn môi:

- Anh đọc?

Hoạt gật.

- Em làm thơ hay lắm. Sao không đăng báo?

Thu sầm ánh mắt lại. Cô bé đến ngồi trên ghế, tay lật lật những tờ vở.

- Em không thích.

Tiếng Hoạt.

- Sao vậy? Mình làm thơ hay tức là mình có cái thiên khiếu, tại sao không phô ra cho nhiều người cùng thưởng thức?

Thu lắc đầu:

- Em làm chỉ để mình em biết. Đâu phải mình làm thơ để bán rao tâm sự.

- Nhưng như thế có phải Thu ích kỷ không? Thu giữ cái hay cho một mình Thu biết.

Thu cắn môi:

- Cũng có thể là em ích kỷ, nhưng mọi người ai cũng muốn bảo vệ một cái gì đó của riêng mình.

Hoạt nghĩ hẳn cô bé phải có một tâm sự gì đây. Lúc sau này lại chơi, đôi lúc Hoạt thấy Thu có vẻ buồn, không còn hồn nhiên như xưa...

Hoạt chợt hỏi:

- Có gì buồn mà làm thơ vậy bé?

Hoạt biết, lần nào Thu có chuyện gì muốn dấu, Hoạt chỉ cần dỗ dành một chút, cô bé sẽ khai ngay. Nhưng lần này Thu lắc đầu:

- Dạ không.

Hoạt châm thuốc:

- Thu dấu anh nhỉ? Dấu thằng Nghĩa thì được vì có thể nó sẽ la, nhưng anh đâu có la Thu.

Người con gái cắn môi. Vòng khói thuốc bay tròn trước mặt người con trai. Người ngồi đó! Khuôn mặt dấu yêu của tôi! Người ngồi đó, đối diện với tôi mà làm sao tôi có thể nói với người bao nhiêu điều tôi đã nghĩ. Ôi người, sự ngăn cách nào đã đẩy đưa tôi vào những nổi khổ không có danh từ để gọi. Nếu có một lần nào người tình cờ nhận biết, xin người hãy cho phép tôi được một lần úp mặt vào khuôn ngực rộng mà kể lể bao nhiêu nỗi vui cơn buồn. Tôi đã từng bao nhiêu đêm thức trắng thi đèn, nghĩ về một tương lai không bao giờ có người trong đó. Đã gọi một mình trong thổn thức một danh từ riêng tên của người. Nhưng người có bao giờ hiểu cho đâu? Người sẽ muôn đời là của một người con gái khác không phải là tôi... bức tường nào đã ngăn tôi và người? Hay bởi vì tôi nghèo? Hay bởi vì người đã phân định cho tôi một biên giới rõ rệt giữa tình yêu và thân hữu...

Hoạt nói:

- Nhất định dấu há? Chắc là cảm cậu nào phải không? Có cần anh mua cho một vĩ Rhumex không đây?

Thu thấy chua xót. Anh sẽ chẳng bao giờ hiểu đâu.

Cô bé cười gượng:

- Thèm mà cảm ai.

Hoạt cười:

- Ghê thế cơ à? Vậy mà dạo này anh thấy Thu sao sao ấy nhé! Đôi lúc như người mất hồn.

Thu giật mình! Chẳng lẽ Hoạt đoán biết. Thu không tin Hoạt có thể nghĩ được về mình điều này điều nọ. Thu nói lãng:

- Mấy hôm nay chắc anh Hoạt buồn lắm nhỉ?

Hoạt ngạc nhiêu:

- Sao lại buồn?

- Tại không có thư cho anh.

Hoạt rùn vai.

- Không thành vấn đề.

Thu cười.

- Lời nói danh dự đấy hả? Vậy chứ em thấy anh có vẻ trông như điên.

- Sao biết?

- Đoán.

- Em tài nhỉ. Nhưng Thu đừng quên đối với anh bây giờ điều quan trọng không phải là những lá thư gởi.

Thu chống tay lên cằm nhìn Hoạt.

- Vậy là gì hở anh Hoạt?

- Là học, cố tạo cho mình một tương lai bằng chính sức lực mình.

Hoạt đã nói dối Thu và nói dối chính chàng nữa. Thật ra, những lá thư của Điềm Chi đã chi phối chàng rất nhiều. Nhiều buổi ngồi bên sách vở, Hoạt im lặng nghĩ đến Điềm Chi! Cô bé là ai? Sao bỗng dưng bước vào đời mình bằng một lối bước rất lạ rồi định cư tại đó. Cô bé là ai, mà lời thư như những giọt nước mắt tưới xuống đời cằn cỗi lao đao những nổi khổ của mình. Điềm Chi là một loài hoa lạ và quý, được ai đó của một định mệnh bất thường mang đặt vào tay mình. Làm sao mình có thể nắm giữ? Rồi một ngày nào con chim hoạ mi nhỏ bé đó sẽ thôi hót với mình những lời véo von bởi vì mình là người không bao giờ nắm giữ được một phần thưởng của số mệnh. Một ngày nào đó, loài hoa sẽ được mang trồng sang một mảnh đất khác tươi tốt hơn, để cho loài cây đơm hoa hơn! Mình chắc chắn sẽ mất Điềm Chi! Ý nghĩ làm Hoạt xôn xao trong một thời gian! Mình chẳng là gì cả. Điềm Chi. Anh không là gì hết. Anh chỉ là một gã con trai nghèo, sống độ nhật một cách vất vả, mưu sinh bằng nghị lực và khả năng mình. Anh chỉ là một hình thể xác xơ... nghĩ về Chi bằng tất cả dấu ái mà không bao giờ anh có thể làm một điều gì đó cho hai đứa mình...

***

Hoạt về rồi, Thu bỗng thấy buồn lạ. Căn nhà trở nên trống trải một cách kỳ lạ. Đây là ghế người đã ngồi! Kia là những tàn thuốc người đã hút! Tất cả còn đây nhưng Hoạt đã đi về một nơi cư ngụ khác, một nơi cư ngụ hoàn toàn xa lạ với Thu. Ở cái thế giới đó, Thu muôn đời là kẻ lạ. Bỗng nhiên cô bé muốn khóc! Thu nghĩ mình sẽ điên lên nếu ngồi nhà và nghĩ đến Hoạt. Thu thay chiếc áo dài màu vàng và đến Tuyết.

Nhìn bạn, Tuyết ngạc nhiên:

- Sao thẩn thờ vậy mày?

Thu nhỏ giọng:

- Buồn quá đến mày chơi cho đỡ buồn.

Tuyết nắm tay bạn lôi vào nhà. Nhà Tuyết không giàu, chỉ thuộc hàng trung lưu đủ ăn đủ mặc. Nhưng gia đình Tuyết là cả một bức tranh hạnh phúc. Mọi người thương yêu nhau, không khí vui vẻ và ấm cúng luôn luôn bao trùm căn nhà. Mẹ của Tuyết hiền lành, ba của Tuyết dễ dãi, chị, anh của Tuyết lịch sự và các em của Tuyết ngoan hiền. Mọi người trong nhà Tuyết đều thương yêu Thu, nên những lúc buồn, Thu thường tìm đến Tuyết. Đôi bạn xuống bếp. Thu chào mẹ Tuyết. Bà cụ tươi cười:

- Cháu vào mà phụ em nó làm bánh đây này, chờ bác rảnh tay đi công chuyện một tí.

Tuyết nói thêm:

- Tao đang làm bánh mày ạ. Nhờ má phụ một tay, có mày là vui rồi.

Thu hỏi:

- Mày làm bánh gì thế?

- Petit beurre.

Thu nhìn những món đồ lỉnh kỉnh đặt trên thành bếp tráng men trắng tinh. Tuyết chợt nhớ bạn còn mặc áo dài.

- Mày lên lầu lấy áo ngắn của tao thay đi, mặc áo dài vướng lắm, lát lại bẩn hết.

Thu gật, trở lên lầu thay áo, Thu lấy chiếc áo bà ba màu xanh nhạt của Tuyết. Chiếc này Thu mặc vừa vặn nhất.

Đôi bạn lui cui nhồi bột. Tuyết thì thầm:

- Nói tao nghe đi. Chuyện gì mà mày buồn đến nỗi phải đi lang thang vậy?

Thu chán nản:

- Tự dưng tao thấy trống trải quá.

Tuyết nghiêm mặt:

- Tao biết mày phải buồn lắm mới đến tìm tao với vẻ mặt thiểu não như vậy!

Thu gật đầu:

- Tao đâu chối. Nhưng thôi Tuyết ạ, đừng hỏi làm tao buồn hơn.

Tuyết im lặng. Cô bé thông cảm nỗi buồn của bạn dù Tuyết không chính xác được Thu thú nhận. Tuyết biết Thu có thương một người con trai nào đó. Lại tình yêu đơn phương. Tuyết sợ nhất là những màn yêu thương kiểu đó. Người ta đã chẳng từng bảo "yêu mà không được yêu lại, khóc mà không ai dỗ, chờ đợi mà không ai đến là ba nguyên nhân dễ làm người ta đi tìm cái chết nhất" hay sao? Với Tuyết đời sống vô tư và bình thản. Hạnh phúc đến từ gia đình. Hạnh phúc đến từ yêu thương của ba, từ dịu dàng của mẹ, từ dấu mến của anh chị, và các em. Hạnh phúc không đến từ một kẻ nào khác!

Tuyết thương bạn vì Tuyết hiểu Thu thiếu thốn tình thương gia đình. Một người anh suốt ngày cặm cụi bên trang sách học không đủ tạo một tình thương gia đình để Thu nương tựa. Tuổi dậy thì cần một cái gì để dựa vào đó. Tuyết không bao giờ làm Thu buồn lòng. Chơi với Thu, Tuyết chìu bạn, Tuyết thường kéo Thu về nhà mình để Thu tìm thấy trong không khí ấm cúng trong gia đình một chút trìu mến dành cho Thu.

- Cha, mùi gì mà thơm dữ hả?

Một giọng nói con trai vang lên từ ngưỡng cửa làm cả hai cô bé cùng giật mình ngẩng lên. Anh Thịnh, anh Tuyết đang đứng nhìn. Tuyết kêu:

- Cha, anh bắt mùi hay dữ à! Chỉ có vậy anh mới chịu mò xuống bếp thôi.

Thịnh cười:

- Chưa chắc nhé! À, mà hai cô định cho anh ăn bánh gì đây?

Tuyết trề môi:

- Còn lâu mới "cho anh ăn". Cha, chưa chi đã chận đầu tụi này rồi.

Thịnh nhìn Thu:

- Còn Thu. Sao hôm nay im lặng hoài vậy?

Tuyết đỡ cho bạn.

- Nó đang buồn đấy.

Thịnh nghiêm mặt:

- Anh xin lỗi nhé.

Thu ngước lên:

- Tuyết nó đùa đấy anh ạ! Đâu có gì.

Thịnh không nhìn Thu. Màu xanh nhạt của chiếc áo bà ba làm Thu trở nên dễ thương vô cùng. Trong số các cô bé bạn của Tuyết, Thịnh thương Thu nhất. Ở Thu có cái vẻ gì mong manh dễ vỡ như một mảnh thủy tinh trong suốt. Nhưng ở Thu đồng thời cũng có một vẻ gì, ngăn tất cả những gì người khác muốn mang đến cho Thu. Thu như sống trong một thế giới nào khác. Thu thiếu thốn ở đời sống vật chất! Thu cũng thiếu thốn cả ở đời sống tinh thần. Đôi lúc Thịnh nghĩ, mình dành cho Thu một thứ cảm tình gì đó hơn cảm tình của một người anh dành cho một đứa em!

Thịnh chợt nói:

- Ừ quên! Đằng Rex sắp chiếu Cosa Nostra, hai cô muốn đi không anh chở đi.

Tuyết láu táu:

- Phim gì vậy anh? Hay không? Thuộc loại nào? Ai đóng?

Thịnh nhăn mặt:

- Gớm, thì từ từ con nhỏ này hỏi gì mà hỏi lắm thế! Phim thuộc loại đánh đấm, thanh toán nhau giữa các đảng buôn lậu ấy mà. Charles Bronson đóng đấy.

Tuyết reo lên:

- A! Charles Bronson hả? Tưởng ai chứ thần tượng cinéma của em thì suya là em đi.

Thịnh cười:

- Ham lắm. Ai cho đi.

- Thì anh vừa hỏi xong.

- Anh nói "cho hai cô đi" tức là cả Thu và em chứ, đàng này Thu chưa chịu đi hay không mà em đã đòi một mình, coi bộ hơi khó à.

Tuyết nheo mắt với anh:

- A! Ghê quá nhỉ. Ra là thiên hạ không muốn cho tôi đi cơ. Thu đi nhé mày.

Thu lắc đầu:

- Tao không thích.

Tuyết gắt:

- Lại thích với không.

Rồi cô bé ghé tai bạn:

- Kệ, không thích cũng đi cho vui. Mày cứ du dú ở nhà đời kiếp nào mới hết buồn.

Thu im lặng. Tuyết nói với Thịnh:

- Đấy nhé. Anh Thịnh thấy rõ im lặng là bằng lòng đấy nhé. Thu nó chịu rồi đó, bao giờ đi?

Thịnh nhìn đồng hồ tay:

- Các cô làm bánh bao giờ xong?

- Chừng nửa giờ nữa.

- O.K. Vậy nửa giờ nữa anh em mình đi. Đi xuất này cỡ 6 giờ rưỡi ra là vừa.

Thịnh vừa quay lên nhà vừa nói:

- Anh đi lại đằng này tí, các cô làm bánh xong lên thay đồ sẵn đợi anh nhé.

Thịnh đi rồi Thu cằn nhằn:

- Tao không thích đi cinéma. Xem về mệt trí mỏi mắt.

Tuyết cãi:

- Xem cho vui, cho khuây chứ ai bảo mày suy nghĩ mà mệt óc! Phim ảnh là để cho mình giải trí mà! Vả lại, cuốn phim này thuộc loại đánh đấm, tao bảo đảm mày xem xong sẽ không nghĩ gì hết.

Thu nghĩ mình không nên nói nhiều. Anh em Tuyết chỉ muốn giúp mình vui thôi. Hai cô bé tiếp tục cho bánh vào khuôn và đưa lên lò nướng. Sự im lặng kéo dài. Sự im lặng là cả một hình phạt lớn cho nỗi buồn của Thu.

Đến rạp, Thịnh dặn hai em:

- Đứng đây chờ anh lấy vé nhé.

Tuyết gật đầu, kéo tay Thu lại trước mấy tấm áp phích. Quầy vé thật đông người nên Thịnh chờ có vẻ lâu. Chợt một giọng nói quen thuộc vang lên sau lưng Thu.

- Ủa, bé Thu cũng đi xem phim này à?

Thu quay phắt lại. Hoạt đang đứng đó. Bàn tay Thu trong tay Tuyết chợt run lên và mướt mồ hôi? Tuyết xiết tay bạn như để truyền thêm cho Thu sự can đảm. Thu ấp úng:

- Anh...

Hoạt cười:

- Thì anh đây. Ghê quá, phim đánh đấm thế này mà cô bé dám đi à.

Thu cười cho qua. Cô bé chợt quên là mình chưa giới thiệu bạn và Hoạt. Thu quay sang Tuyết:

- Đây là Tuyết, bạn em. Anh Hoạt, bạn anh Nghĩa.

Tuyết láu lỉnh:

- Anh ạ. Lâu nay cứ nghe Thu nhắc anh luôn.

Thu đỏ mặt:

- Mày nói láo. Tao nhắc bao giờ.

Hoạt biết thu ngượng, chàng nói đỡ:

- Nhắc anh thì có sao. Hai cô mà đi xem phim này về đau tim thì nguy.

Tuyết tự nhiên như quen Hoạt đã lâu:

- Không sao anh ạ. Khoa học bây giờ tiến bộ lắm mà. Đau tim chửa dễ lắm.

Thịnh trở ra, Tuyết nói trước:

- Anh Thịnh, anh của Tuyết. Anh Hoạt, anh của Thu.

Thịnh và Hoạt bắt tay nhau. Thịnh lịch sự:

- Vậy anh vào xem với chúng tôi luôn.

Hoạt từ chối:

- Cảm ơn anh, tôi đang chờ thằng bạn. Có lẽ nó cũng sắp đến.

Thu bỗng thấy cái không khí này có gì gượng gạo. Ở Thu bây giờ tâm trạng thật mâu thuẫn, Thu vừa muốn Hoạt cùng với Thu và anh em Tuyết vào ciné, vừa muốn Hoạt đi đi, đừng đứng lại giây phút nào nữa. Cuối cùng, Thu bậm môi bảo Thịnh.

- Vậy anh em mình vào trước đi anh Thịnh.

Tự nhiên Thu muốn tỏ ra thân thiết với Thịnh hơn. Thu không hiểu có phải vì mình muốn trả thù Hoạt hay không? Nhưng vì sao lại trả thù? Khi cả ba xoay lưng đi vào rạp, Thu rất muốn quay nhìn xem Hoạt có đứng trông theo không, nhưng cô bé không dám. Thu sợ một sự thật phũ phàng hơn mình tưởng.

Trong rạp, Tuyết nói nhỏ với Thu:

- Sao lúc này vừa gặp anh chàng Hoạt là mặt mày mày xanh lét mà tay lạnh run vậy?

Thu chối nhanh:

- Đâu có.

Tuyết cười trong bóng tối:

- Mày ở đó mà chối già chối non nữa. Lúc nãy chính tao nắm tay mày và nhìn mặt mày mà.

- Sự xúc động bình thường khi bất ngờ bắt gặp người quen của mình ở một nơi như thế này?

- Một sự xúc động hơi quá lố phải không?

Thu im lặng. Tuyết có thể đã hiểu nhưng đáng lẽ Tuyết không nên hỏi Thu. Hãy âm thầm hiểu và âm thầm quên, như Thu đã âm thầm thương và âm thầm đau khổ. Ba người trẻ tuổi cùng nhìn lên màn ảnh nhưng mỗi người dường như theo đuổi một ý nghĩ riêng tư. Thịnh muốn gợi chuyện với Thu nhưng thấy cô bé có vẻ trầm tư, anh lại thôi. Thỉnh thoảng Thịnh nhìn sang Thu. Khuôn mặt thanh tú nổi bật những đường nét rõ trong cái ánh sáng lờ mờ của những scène sáng. Thịnh bỗng muốn nói với Thu về những điều mà mình đã nghĩ nhưng anh lại im lặng.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3