Những lá thư không gửi - Chương 05 - 06
V
Bà Germaine
“Bố cháu còn sống.” Câu nói của bà vang lên trong đầu khiến Ernest không tài nào ngủ được. Ernest không dám đặt những cậu hỏi khác mà cậu vẫn còn thắc mắc: “Vậy thì bố ở đâu? Sao bố không tới thăm cháu? Sao bố không viết thư cho cháu?” Những câu hỏi này cứ bám riết lấy cậu, cả những khi cậu đánh răng, chải đầu, và khi nhìn vào trong gương với đôi mắt thách thức.
Germaine đứng yên lặng trong bếp, bà đang rửa hai cái đĩa để lại từ tối qua. Những cái bát đã được đặt trên bàn. Bà nội đang ngồi bên bàn. Ernest cất tiếng chào hai bà như thường lệ. Đúng lúc đó thì cái chuông cửa vốn chưa từng bao giờ kêu, ngân lên như thức tỉnh những người chết và khiến hai bà cụ vốn luôn có vẻ vô cảm hốt hoảng.
“Tôi ra xem!” Germaine nói, vẻ dũng cảm.
Bà vừa mở cửa thì Victoire lao vụt vào phòng ngoài và theo bản năng đi về phía nhà bếp.
“Xin chào! Cháu là Victoire de Montardent, bạn của Ernest ạ.”
Germaine đành phải đi sau cô bé, bà gắng hết sức mà không thể ngăn cô bé cứ ào ào như cơn lốc này, hay chặn bước đi của cô lại.
Victoire hăng hái đặt một chiếc túi đựng nào là bánh sừng bò, bánh xốp và bánh sô-cô-la lên bàn: “Bố đã mua hết cả đồ ở cửa hàng bánh sáng nay. Nhà cháu có nhiều quá. Cháu đã thủ theo vài chiếc và quyết định mang tới đây ăn cùng với cả nhà trước khi đến trường với Ernest.” Không hề ý thức về hậu quả điều cô đang làm, Victoire tiếp tục: “Hai bà khỏe chứ ạ? Hai bà ngủ ngon không ạ? Còn mình thì nằm mê thấy cậu đấy, Ernest à. Mơ thấy chúng mình là người lớn, yêu nhau và sắp cưới nhau. Mình chẳng biết rồi thế nào nữa. Jérémine tự nhiên tỉnh giấc và khóc rú lên. Mình nghĩ thằng bé cũng mê thấy cậu. ” Victoire chẳng cần ai khích lệ để tiếp tục nói một mình, trừ mỗi việc cô bé phải dừng lại nghỉ lấy hơi và nhân thể cầm lên một miếng bánh xốp to tướng rồi lại đặt vào trong túi ngay lập tức.
“Hai bà và bạn dùng bánh đi!” cô bé chìa cái túi ra và đề nghị. “Cháu mà cầm lên ăn đầu tiên thì không ngoan. Mẹ cháu nói là mẹ đã nuôi dạy cả bầy chúng cháu mà không có vấn đề gì. Mẹ chỉ mong có thế. Còn nuôi dạy tốt cả bầy con như vậy thì quả là đòi hỏi cao quá.”
Germaine và Bà nội Ernest sững sờ và gần như ngồi đóng băng trên ghế. Còn Ernest cố tỏ ra là người được dạy dỗ tốt, cậu lấy một chiếc bánh sừng bò từ trong chiếc túi Victoire đang chìa ra, nhìn chăm chú như thể chiếc bánh do người ngoài hành tinh làm. Rồi, không nhìn hai người chăm lo về dinh dưỡng của cậu, vì lịch sự, cậu dũng cảm cho miếng bánh vàng ươm và giòn tan vào miệng, và chờ sẽ bị chết ngay tức khắc.
“Ôi, mềm thật. Ngon lắm”, cậu nói và dùng một từ cho tới khi đó mới chỉ có trong lý thuyết. “Bà nếm thử mà xem!”
“Bà biết rồi”, bà nói giọng khô khốc.
“Bà Germaine nếm thử đi ạ” Germaine, dù không muốn, vẫn bị một miếng bánh sô-cô-la to cám dỗ. Để an ủi lương tâm, bà chìa chiếc bánh xốp cho bà chủ và nói: “Bà ăn thử đi… một lần thôi mà…”
“Nhà mình có sô-cô-la nóng không ạ?” Victoire hỏi.
“Chúng tôi có nước rễ rau diếp xoăn”, Germaine trả lời, vẻ người trên.
“Thôi, không sao, cháu xin một cốc sữa lạnh ạ.”
“Không tốt cho tiêu hóa đâu”, Germaine cảnh báo cô bé.
“Nhưng uống sữa mới lớn ạ.”
“Cô muốn lớn nhanh hơn ư, thưa cô?”
“Dạ vâng, để cưới Ernest ạ!”
Ernest thấy trong lòng một cảm giác thú vị lạ kỳ, và ngượng chín cả người. Bà cậu và Germaine không nói gì, nhưng tỏ ra rất tò mò, như thể điều lạ kỳ, một chút lóe sáng của cuộc đời này, cuối cùng đã thâm nhập vào gian phòng gần như nghĩa trang mà họ đang sống này. Một cánh cửa đã mở ra.
Ernest nhìn đồng hồ, hốt hoảng. “Chúng ta phải đi thôi. Muộn rồi.” Từ trước tới giờ cậu luôn thong dong, không bao giờ vội vàng.
“Nào! Giờ thì đi học!” Victoire thốt lên. Mà đến trưa, hai bà đừng đợi Ernest nhé. Bạn ấy được mời tới nhà cháu. Hôm nay mẹ cháu ở nhà và mẹ muốn gặp mặt người đàn ông của đời cháu. Cả nhà sẽ ăn món lẩu thịt bò nấu rượu vang. Cháu khoái lắm! chính cháu lên thực đơn đấy.Và sau đó, khi tan trường, cháu sẽ tới đây làm bài tập, vì hôm nay cháu không phải trông em. Cháu sẽ được xả hơi! Đồng ý? Chúng ta đi thôi! Cô lăn vào Bà và Germaine, hôn lên đôi má dăn dúm của hai bà, mỗi người hai lần. Bị cuốn theo Victoire, Ernest làm y như bạn… và đây là lần đầu tiên trong đời cậu làm như vậy!
Ernest không bước đi chậm rãi đều đều như mọi ngày; cũng không phải cậu chạy. Cậu vừa đi theo Victoire vừa vung vẩy tay, một việc hoàn toàn mới mẻ.
Cậu không nhìn thấy đám con gái cùng lớp đang lườm như muốn thiêu đốt Victoire. Nhưng Victoire thì nhìn thấy bọn họ và đó không phải là một chiến công. Cô đọc những lá thư nặc danh trên bàn học: “Chúng tao quen cậu ấy trước mày! Coi chừng đấy!” “Cẩn thận đấy con ranh nhà Montardent, buông Ernest ra!” “Đồ nhãi nhép! Đồ quái ác! Ernest là của chúng tao.” Cô bé kiên nhẫn trả lời từng tờ giấy với một lời giải thích duy nhất: “Tôi yêu Ernest. Thế thôi. Việc là như vậy. Chúng tôi chẳng thể làm gì được. Hơn nữa, tôi hiểu cậu ấy và tôi muốn cậu ấy hạnh phúc. Mười ba năm, tám tháng, ba ngày nữa, chúng tôi sẽ tổ chức đám cưới. Tôi mời các bạn.”
Ernest tiếp tục làm việc trên cả mức cần thiết, trừ việc là cậu còn đặt nhiều tình cảm vào đó hơn, từ khi cậu phát hiện rằng mình cũng có con tim biết rung động. Trái tim bị ngủ quên đã bắt đầu được thức tỉnh, trái tim khô khan bắt đầu biết vui nhộn, trái tim câm lặng đã có những nhịp đập mới, trái tim trầm tĩnh đã đặt ra câu hỏi, trái tim từ nay được nối bằng một sợi dây gần như hữu hình với cô bạn hàng xóm đầy mạnh mẽ, và rất rất hay cười.
Cậu không phản đối khi hai đứa đi qua trước ngôi nhà của cậu và khi cô đẩy cậu tiến lên.
“Cậu thích món lẩu thịt bò nấu rượu vang không?”
“Mình không biết. Mình chưa ăn bao giờ.”
“Cậu có thích món chili con carne không?”Victoire tự trả lời câu hỏi của mình và trêu cậu: “Mình không biết. Mình chưa bao giờ nếm! Đừng giận mình, Ernest, mình sẽ chịu trách nhiệm dạy cậu về nghệ thuật ẩm thực, nhưng nếu cậu quyết định thích sô-cô-la thì sẽ tốt cho mình hơn. Từ đây tới năm 2000, mình muốn có hai nghìn tờ giấy bạc của những thanh sô-cô-la.”
Ernest rất muốn nói với cô bé điều cậu đang nghĩ một cách hài hước: “Đó quả là một tham vọng lớn mang đầy tinh nhân đạo.” Yêu không có nghĩa là phải luôn luôn đồng ý.
Jérémie cười toe toét với cậu một lúc lâu. Mẹ của Victoire cũng vậy. “Giới thiệu với cậu đây là Mẹ tớ.” Cô bé muốn nói là “mẹ vợ tương lai của cậu”, nhưng lần này, một thoáng bẽn lẽn đã giữ cô lại.
Ernest – chẳng biết học được phép lịch sự ở đâu – nói ngon xớt: “Xin chào bác Montardent, xin cám ơn bác đã mời cháu tới dự bữa trưa.”
“Cháu cứ gọi bác là Catherine. Xin lỗi vì vẻ xoàng xĩnh. Từ mấy tuần qua bác bận dỡ đồ khỏi các thùng các-tông. Bác mệt quá, nhưng cháu đừng bận tâm, đấy là vẻ tự nhiên của bác.”
Ernest quan sát người phụ nữ này, đã mất mười hai năm rưỡi cuộc đời để mang thai, trải qua mười bốn lần sinh. “cậu nghĩ gì về món lẩu” Victoire hỏi Ernest, thúc giục cậu trả lời bằng vẻ nhiệt tình. Ernest có lẽ nghĩ tới thái độ ghê tởm của Germaine vốn sợ tiếng nổ lốp đốp của dầu nóng (dầu ăn, kẻ thù số một), và sáu món nước sốt dùng để nhúng những miếng thịt (nước sốt, kẻ thù số hai), và cả núi thịt đỏ (thịt đỏ, kẻ thù số ba). Ernest trả lời xã giao: “Ăn lẩu vui thật. Bác làm thế nào khi cả nhà ở đây ạ?”
“Cả nhà không bao giờ ăn cùng một lúc, Catherine nói. Nhưng nếu đông người hơn thì thêm nồi thôi.”
“Vâng, hay thật”, Ernest nói và dần dần những miếng thịt biến mất, “cháu cảm ơn bác.”
Victoire nghiền một quả chuối đưa cho Jérémie rồi đưa cho Ernest. “Mình nhường cậu ân huệ được cho em bé ăn… nhưng với điều kiện là cậu phải nếm món sô-cô-la hình sò.” Ernest vừa nếm vừa nhẩm trong đầu: “Đường, kẻ thù số bốn.”
Trước khi hai đứa đi, Catherine nồng nhiệt ôm hôn cậu bé và nhắc: “Khi nào muốn cháu cứ tới nhà bác ăn cơm.”
“Có lẽ nhà bác đã có quá nhiều miệng ăn phải nuôi rồi.”
“Nếu đủ đồ ăn cho mười sáu người thì cũng đủ cho mười bảy người thôi!”
“Cháu cảm ơn bác, bác tốt bụng quá, nhưng Bà cháu có mỗi một mình ở nhà.”
“Cháu đưa bà tới đây. Càng đông người càng vui…”
Ernest mỉm cười. Giờ thì cậu hay cười rồi. Victoire nói với mẹ là tối nay cô về muộn. Jérémie hét toáng lên.
Sau giờ học, thật ngạc nhiên đã có sẵn hai quả táo trên bàn. Ernest mời Victoire ngồi xuống. Cô ngấu nghiến quả táo phần mình: “Táo ngon quá! Phải cố gắng ăn cả sô-cô-la nữa!”
“Chúng mình sẽ ngồi đây làm bài tập.”
“Cậu phải giảng lại hết cho mình đấy. Mình chẳng hiểu gì cả.” Ernest bình tĩnh giải thích cho cô lần lượt các vấn đề về toán, các bài tập ngữ pháp, từ vựng, và cảm thấy hài lòng khi truyền lại những điều cậu đã hiểu.
“Mình bị chậm nhiều quá” Victoire thổ lộ.
“Cậu sẽ nắm được hết thôi mà, cậu học nhanh lắm.”
“Hy vọng thế. Mấy ông anh mình chẳng bao giờ có thời gian giải thích cho mình điều gì. Các anh ấy nói rằng mình ngốc! Mà thôi! Quên nó đi. Chúng ta học xong rồi. Giờ thì đi xem ti-vi đi.”
“Không có ti-vi”. Cậu đưa mắt nhìn về hướng tủ có những lá thư. Cậu rất muốn cho Victoire xem, nhưng đúng lúc đó thì Bà nội bước vào chào hai đứa.
VI
Alphonse
Sáng chủ nhật, bà nội Ernest không ra ngồi bên bàn ăn trong bếp như mọi khi. “Đây là lần thứ hai bà như vậy trong vòng có ít ngày”, Ernest nghĩ. Sống với bà chẳng mấy vui nhộn. nhưng Ernest không thể tưởng tượng được cuộc sống mình thiếu vắng bà. Mỗi sáng thức dậy và khi tối đến, được gặp bà ít nhiều cũng khiến cậu cảm thấy yên tâm. Khi cậu đem phiếu điểm về, và đặt tay lên đầu Ernest, gần giống như người ta vuốt ve chú cún con. Điểm tốt là tất cả những gì cậu có thể mang tới cho bà từ thế giới bên ngoài. Và bây giờ có Victoire! Và món bánh xốp. Bỗng cậu cảm thấy sợ sẽ phải thấy bà bất động trên giường.
Ernest gõ cửa phòng bà. Cậu thở phào khi nghe thấy tiếng đáp lại yếu ớt “Gì thế cháu?”. Cậu bước vào. Bà đang nằm vẫn với tập thư trên đùi. Bà cố giấu chúng thật nhanh dưới gối nhưng bà chẳng thể làm gì nhanh được nữa.
Ernest lại gần giường, đờ người như một người lính trước vị chỉ huy, nhưng quả quyết bởi nỗi sợ cậu vừa có, và nói: “Bà ơi, bà cháu ta đã quen biết nhau từ mười năm nay, và suốt thời gian qua của cuộc đời cháu, cháu chẳng biết gì về bà, về gia đình ta, về mẹ cháu, về cha cháu…ngoại trừ những bức chân dung của những con người không quen biết này trên tường. Chẳng hạn như ông đây”. Cậu lấy ngón tay chỉ bức ảnh lớn một người đàn ông vẻ nghiêm nghị, tầm khoảng ba mươi hay bốn mươi tuổi, rất đẹp trai, vẻ hơi ngạo nghễ như một người làm dáng chụp ảnh để lại cho hậu thế.
Thật ngạc nhiên là bà cậu trả lời đơn giản, như thể câu hỏi duy nhất này là một chiếc chìa khóa sẽ mở cánh cửa của lời nói: “Ông đấy à, đó là ông nội con, chồng của bà, ông Aphonse. Ông bà sống với nhau được tám năm. Ông mất trên chiến trận năm 1940. Cha con sinh ra sau đó. Nó chưa hề biết mặt cha mình.”
“Cũng như cháu ạ.”
“Cũng như cháu.”
Nhưng thay vì nghĩ tới thân phận mình thì cậu lại nói: “Bà ơi, đời bà khổ quá.”
“Nỗi mất mát càng lớn thì ta càng ít có thể nói tới nó.”
“Bà có thể kể cho cháu nghe về ông Alphonse không ạ?” Cậu nói “Alphonse” để có thể dần dần nhắc tới Gaspard, cha của cậu.
“Với ông thì chỉ có những lời khen thôi. Ông không có thời gian làm bà thất vọng.” Bà đang không biết nói thế nào. “Ông rất cao lớn, vạm vỡ, tao nhã…thông minh, sáng láng, oai vệ, và đẹp trai vô cùng… giống như cháu ấy!” Bà tiếp tục nói thì thầm” “Giống cha cháu.”
“Đẹp trai chỉ là hình thức bên ngoài, chẳng quan trọng. Bà nói cho cháu ông thế nào cơ.”
“Ông là người luôn muốn tìm hiểu sự thật. Ông muốn hiểu vấn đề thật sâu. Ông chưa bao giờ biết nói dối. Ông lúc nào cũng suy ngẫm.”
“Thế còn những lá thư bà hay đọc trên giường thì sao?”
“Bà đã thuộc lòng chúng, Ernest à. Đó là những lá thư tình Alphonse viết cho bà ở đây, tại ngôi nhà này. Ông bẽn lẽn lắm nên không thể nói với bà, vì thế ông phải viết ra giấy.”
“Ông mất đã hơn năm mươi năm rồi. Bà vẫn nhớ ông sao?”
“Nhớ, nhớ lắm, nhớ từng ngày, từng phút… chỉ có điều bà không thể chạm được vào ông. Và ông cũng không thể làm như thế với bà.”
“Thế còn bố cháu?” Ernest hỏi, theo bản năng, cậu biết rằng mình đã vượt qua giới hạn, như thể người ta có quyền nhắc tới người chết chứ không có quyền nói về người đang sống. Bà cậu giả như không nghe thấy gì.
“Cháu đem bữa sáng tới cho bà nhé?”
“Thôi, khỏi cần, bà dậy bây giờ đây. Cháu có thể bảo hâm nóng sữa.”
Chưa bao giờ hai bà cháu nói chuyện nhiều đến thế, cứ như thể bà cậu y theo danh ngôn: “Cái miệng là một cánh cửa, phải luôn đóng lại.”
Nhờ những câu hỏi, Ernest đã tìm thấy một chiếc chìa khóa mở ra cánh cửa, và cậu nhận thấy khi cánh cửa hé mở, bà thấy dễ chịu hơn. Và cậu cũng vậy. Trông bà như trẻ ra, và đỡ yếu ớt hơn.
Từ cửa sổ phòng bếp, Ernest thấy một mảng trời xanh và cảm nhận một niềm ao ước điên rồ muốn được ôm lấy.
“Bà ơi – cậu nói – chúng ta có thiếu tiền không ạ?”
“Sao cháu lại hỏi vậy?”
“Chúng ta sống thật khắc khổ.”
“Chúng ta có những thứ để sống, Ernest. Song cần phải có thể sống…”
“Bà ơi, trời đẹp lắm. Hai bà cháu thay đồ và ra ngoài đi dạo đi. Bà cháu mình sẽ đi vào khu vườn tươi đẹp kia và sau đó tới nhà hàng ở góc phố.”
Sửng sốt, bà cậu thở dài: “Ôi, bà không thể đi được. Bà già rồi, Ernest à. Và mệt mỏi lắm. Còn cháu thì phải làm bài tập.”
“Bà ơi, cháu làm hết bài từ hôm qua rồi.” Hy vọng chợt đến của cậu đã tan, nhưng cậu vẫn cố nài nỉ thêm một chút: “Nào, Bà ơi, cứ khép kín mình trong căn hộ tối om thế này thật không bình thường chút nào.” Cậu nhắc lại lời nói của Victoire: “Sức lực cũng giống như cảm giác ăn ngon, nó đến trong lúc ăn.”
“Germaine đã để đồ ăn cho chúng ta rồi. Không được bỏ phí…và hơn nữa, nó vượt quá sức của bà.”
“Bà ạ, cần phải sống … trước khi chết.”
Bà nội không nói gì thêm. Bà yên lặng dùng bữa sáng và ra khỏi phòng bếp.
Ernest cảm thấy vô cùng thất vọng, cậu mặc quần áo và ra ngồi lên chiếc tràng kỷ cũ với một cuốn sách, như thường lệ, nhưng thói quen hàng ngày đã bị nhuốm chút cay đắng. Cậu không thể dõi theo những dòng chữ trong sách, đầu cậu ngập trong một màn sương mù buồn bã.
Khi bà bất chợt xuất hiện trong chiếc áo choàng màu đen, đầu đội chiếc mũ đen và tay đeo túi sắc như một bà phù thủy, bà nói với cậu: “Cháu chưa bao giờ đòi hỏi bà điều gì. Bà có thể làm điều đó vì cháu…dù chỉ một lần.”
Ernest gấp vội cuốn sách, mặc áo và khoác tay bà. Hai bà cháu làm thành một đôi kỳ lạ, như thể ở trong một cuốn sách mà cậu vừa khép lại, một cuốn sách xa xưa.
Hôm sau là một ngày thứ hai xám xịt dường như đã quên hẳn cái ánh sáng của ngày chủ nhật. Thầy giáo cứ như bị khô cổ nhức đầu vì uống nhiều rượu. Ông càu nhàu và mặt mũi thì càu quặu ngay cả với Ernest. Thay vì bắt đầu tuần học mới này với ông Bled như bình thường, thì thầy lại giở cái trò mà những ông thầy lười nhác dành cho những khi cực kỳ lười, và ông phát giấy. Thậm chí chẳng thèm nói, ông ghi lên bảng: “Ngày Chủ nhật” và làm động tác ra hiệu “Viết đi!” Quả là ngày nào cũng phải làm thầy giáo thì chẳng thú vị gì.
Ernest mừng rơn vì ít ra lần này cậu có gì đó để kể chứ không phải mệt mỏi bịa ra một câu chuyện. Cậu mỉm cười với Victoire, lấy đà, đặt ngòi bút sang bên trái dòng kẻ đầu tiên và buông cho nó chạy từ trên xuống dưới như tham gia vào cuộc đua mô tô công thức 1. Và cậu là người chiến thắng, vì, khi cậu đặt bút dấu chấm hết bài, các bạn khác vẫn đang viết. Thầy giáo ngồi ở bàn của thầy, hai tay ôm đầu, như để cho nó khỏi rơi xuống đất. Victoire vẫn đang say sưa viết. Cô ấy may mắn thật. Chỉ cần viết tên của tất cả mấy người anh của cô là đã đủ hết một trang rồi. Khi thu bài, trông thầy có vẻ tươi tỉnh hơn. Theo thói quen, thầy xếp bài của Ernest lên trên cùng để đọc nó đầu tiên, lấy dũng cảm mà đọc hết những bài còn lại. Thầy đọc to:
Ngày chủ nhật của món couscous.
Cả đời tôi chưa một lần đến nhà hàng. Tôi chưa bao giờ đi chơi ngày chủ nhật. Tôi chưa bao giờ được ăn món couscous. Từ khi biết Bà nội cho tới nay, chưa bao giờ tôi thấy bà rời khỏi phòng riêng của mình. Ngày mà chúng tôi xóa bỏ đi cái từ “chưa bao giờ” là một ngày thật quan trọng. Ngày mà chúng tôi xóa bỏ đi ít nhất ba từ “không bao giờ” để thay vào đó những lần đầu tiên thì càng quan trọng gấp bội phần.
Hôm qua, tôi đã đi ra ngoài với bà nội, tới một quán ăn ở góc phố nhà chúng tôi, để ăn món couscous.
Món couscous là một món ăn đặc sản của dân vùng Bắc Phi, được làm bằng hạt bột lúa mỳ cứng. Ông chủ nhà hàng đã trịnh trọng bê món này tới bàn, chia làm bốn phần. Gồm có:
1/ couscous,
2/ nước dùng và rau,
3/ thịt,
4/ một thứ nước sốt dậy mùi.
Cách dùng như sau: người ta vun bột mỳ thành một hình như ngọn đồi nhỏ trong cái đĩa sâu của mình, trên đó bày thêm rau gồm có cà-rốt, củ cải tây, tỏi tây và những viên nhỏ là những hạt đậu mỏ. Người ta còn dùng thêm thịt và rưới nước dùng vào. Nếu dũng cảm, ta có thể cho thêm nước sốt harissa(4), ớt đỏ, làmcháy lưỡi bởi sức nóng của những xứ sở chan hòa ánh nắng.
4. Nước sốt làm từ dầu ăn và ớt,có nguồn gốc từ Bắc Phi - ND
Lúc đầu Bà sợ không dám ăn, nhưng rồi bà cũng ăn ngon miệng. Mỗi miếng là một sự ngạc nhiên. Và thật tuyệt vời khi cảm nhận được những hương vị của miền xa xôi ấy và được những mùi vị nóng bỏng xâm nhập vào cơ thể giữa mùa đông giá lạnh. Niềm thích thú mang tới năng lượng và sự dũng cảm. Thấy rõ hiệu quả nhất là ở Bà, bình thường vốn lặng lẽ, giờ đã bắt đầu nói chuyện. Bà nói về những cuộc chiến và về những người đã quá cố, về nỗi đau và mất mát. Nhưng thà nói về người chết để họ được sống thêm một chút còn hơn là để họ chết mỗi ngày thêm một chút. Mỗi lần ta nhắc đến kỷ niệm nào đó, ta làm họ sống lại một chút, dù chỉ bằng một giọt nước mắt.
Và ngay cả chúng tôi, những người đang sống thực sự, những người đang sống chả ra sống, điều đó có vẻ như ngốc nghếch, nhưng món couscous gợi cho tôi ý nghĩ rằng chúng ta vẫn có thể học cách sống, nếu có một người thầy giỏi và sức mạnh. Tôi rất muốn có sức mạnh đó, và muốn được học không chỉ các kỹ thuật như đọc và viết, mà cả học cách sống, bởi vì sau đó người ta phải chết và như vậy sẽ quá muộn.
Bà khó chấp nhận trả tiền. Bà cho là bữa ăn đắt quá và có lẽ những đồng xu đã trở thành một phần xương thịt của bà. Bà đã đọc đi đọc lại hóa đơn tới năm lần với đôi kính bé tý nửa tròng. Bà còn bắt tôi kiểm tra lại.
Trên đường về nhà, hai bà cháu tôi đi qua khu vườn. Dường như bà đã biết khu vườn này từ kiếp trước. Chắc chắn, bà đã biết khu vườn bởi vì bà vẫn sống ở khu này. Bà đi thẳng tới một chiếc ghế băng như bà là chủ nhân của nó. Hai bà cháu ngồi yên lặng chẳng nói gì, như thường lệ. Nhưng lời nói đã bao quanh chúng tôi như một lời hứa nhẹ nhàng về kỷ niệm của bữa ăn đặc biệt mà hai bà cháu vừa cùng ăn, khoảnh khắc đáng nhớ trong một cuộc đời nhạt nhẽo. Trên đường về, khi ngang qua trước nhà hàng Trung Quốc bên kia phố, tôi đã nói với Bà nội: “Để dành cho chủ nhật sau bà nhỉ.” Và Bà đã trả lời: “Đâu có đó.”
Cả lớp im phăng phắc và Ernest thấy xấu hổ đã dốc hết bầu tâm sự vào bài luận. Victoire nắm lấy bàn tay cậu đang để trên đùi. Cô giơ bàn tay cậu lên và cọ cọ vào má mình.
Và Ernest nhớ lại là hôm qua, lần đầu tiên hai bà cháu không lôi bức thư ra ngắm nghía.