Những lá thư không gửi - Chương 15 - 16 (Hết)
XV
Gaspard
Bệnh cảm cúm đến rồi đi. Vốn không phải lười nhác, song Ernest vẫn thích cảm giác nằm yên trên giường, vùi trong đống chăn gối. Ở bên ngoài chiếc giường này có một thế giới khác, thế giới của mọi hoạt động, của những con người, nhưng nó không liên quan tới cậu. Bị ốm, đó là những kỳ nghỉ cho phép thoát ra khỏi sự vận hành của vụ trụ.
Cậu đi học trở lại, gặp lại Victoire, kết nối lại quan hệ với thế giới bên ngoài. Cậu trở lại học hành như trước kia, lại ăn những món ăn ngon do Henriette nấu và nghe những lời mỉa mai chua chát của bà Germaine, và cậu chờ đợi.
Cậu chờ đợi một lá thư. Nhiều ngày rồi nhiều tuần trôi qua mà không có tia hi vọng nào. Cho tới một hôm, không phải là một lá thư, mà là cả một thùng giấy to đã hạ cánh trước cửa nhà cậu, do một bác đưa thư ướt đẫm mồ hôi mang đến.
Lấy hết sức, cậu yên lặng tha cái thùng giấy vào trong tận phòng của mình không cho ai biết. Cậu tháo dây buộc, bóc băng dính, mở nắp và lôi ra mười cặp đựng hồ sơ . Trên mỗi cặp đựng hồ sơ có đề số năm. Năm đầu tiên trùng với năm sinh của cậu, rồi chín năm liên tiếp cho đến hôm nay. Cậu mở căng hai bìa cặp và đọc trang đầu tiên:
Ernest yêu quý,
Cha đã đặt cho con một cái tên kép gồm một nửa là tên của cha và nửa là tên con, song cha lại không muốn chăm sóc con. Đám tang của mẹ con cũng chính là đám tang của cha. Cha thấy như mình không còn thuộc về thế giới này nữa. Cha vẫn thở, vẫn đi lại, vẫn ăn, vẫn suy nghĩ, nhưng cha đã ở nơi khác… cùng với mẹ con. Cha không thể chịu nổi nỗi đau này. Nhưng dù sao thì việc cha đã để con cho bà nội hoàn toàn là vì lòng ích kỷ. Cha không thể mang theo bất cứ thứ gì ngoài bản thân mình. Sự thực là cha không còn được ôm mẹ con trong vòng tay nữa.
“Nhưng con đây, cha có thể ôm con trong vòng tay mà”, Ernest nghĩ và tiếp tục đọc. Dường như là người viết thư đã nghe được lời của cậu bé.
Con, con ở đó và ta là cha của con. Cha luôn nghĩ rằng cha là người mạnh mẽ… trước khi phải cần tới sức mạnh. Tuy được học hành nhưng cuộc đời buồn và u ám mà cha đã sống bên cạnh bà nội đã không chuẩn bị cho cha những cú va chạm thực tế khó khăn. Cha đã chạy trốn, dù biết rằng người ta không thể chạy trốn bản thân. Người ta dành cho cha một chỗ làm việc ở Canada. Cha lên đường. Cha thật hèn nhát và không thể tha thứ. Cha không biết sẽ tiếp tục những nghiên cứu của mình ra sao với một đứa bé trên tay. Có thể một ngày nào đó con sẽ tha lỗi cho cha.
Mỗi ngày đều có một lá thư. Cha cậu đã viết cho cậu liên tục mỗi ngày trong suốt cuộc đời ông, đôi lúc là những lá thư dài kể chi tiết về những sự việc trong ngày của ông, đôi khi là quan niệm sống của ông, hay công việc nghiên cứu lịch sử. Mỗi bức thư đều được bắt đầu bằng”Ernest yêu quý của cha” hoặc “Con trai yêu quý của cha”. Ernest đã đọc hết mấy tuần thư.
Cậu khó khăn lắm mới bắt mình đọc từ từ vì cậu muốn cùng một lúc ngốn ngấu hết thảy. Mỗi lá thư lại cho cậu biết thêm một chút xíu về cha mình và cậu cảm thấy như trái tim cậu… nó căng lên, gần như nổ tung.
Câu cảm thấy luôn ở bên cha, ngay cả khi cậu không ở trong phònkg để đọc thư, tới mức cậu ít dành thời gian hơn cho Victoire. Mắt cậu nhìn mơ hồ và không thể đoán biết được điều gì đang diễn ra đằng sau cái nhìn đó. Victoire giữ khoảng cách, đủ tế nhị để cảm nhận thấy rằng không nên làm phiền bạn. Germaine bình luận sự việc và nói rằng cậu đã “bình thường” trở lại. Henriette thì khiển trách Ernest bằng cách nhồi nhét cho cậu những món chị nấu thử, còn bà nội thì đành quan sát cháu, bản thân bà cũng đang chìm trong suy nghĩ và bị xáo trộn nên không thể làm gì hơn.
Chỉ có Benjamin vẫn đến thăm cậu đều đặn với những cuốn sách về chơi tem. Và Ernest cảm thấy rát tiếc khi nghĩ tới số lượng tem mà cậu đã có thể đem cho Benjamin nếu cha cậu gửi tất cả những lá thư này qua bưu điện.
Những lá thư ghi dấu chặng đường của Gapard qua Canda và Mỹ, từ đại học này tới đại học khác, trước khi tới sống ở Cambridge, bang Massachusetts, nơi ông đã gặp một nhà ngôn ngữ học người Mỹ và lấy làm vợ. Ông viết: “Sự trống rỗng trong trái tim vẫn hằn sâu vô cùng và không bao giờ có thể được hàn gắn, song tình yêu mới này như một lớp kem xoa dịu vết thương.”
Theo cha cậu, cô gái Mỹ này nói tiếng Pháp rất tốt. Một buổi tối cô báo cho Gaspard biết mình đã có bầu. Và trong mười năm sau đó, cô lặp lại tin này thêm bốn lần nữa.
Và như vậy, Ernest phát hiện ra mình là anh cả của một đại gia đình đông con, với năm cô em gái tên là Myrtille, Clèmentine, Prune, Cerise và Pomme, theo thứ tự là tám, sáu, bốn, hai tuổi và sáu tháng. Ernest nghĩ là sẽ gả cô em út cho Jérémie. Mỗi khi tưởng tượng đến những người em này, thì ước muốn, hi vọng, thậm chí là khát khao được gặp mặt mấy đứa cứ hành hạ cậu bé tới mức cậu phải dùng sô-cô-la để lấy lại bình tĩnh. Cha cậu đã khẳng định với cậu rằng những cô em sinh sau này không thể thay thế được cậu, và rằng tình phụ tử của Gaspard dành cho cậu vẫn lớn hơn hết thảy.
Mãi tới gần sáng, cậu vẫn còn đọc những bức thư, thứ làm nên miếng ghép còn thiếu trong cuộc đời giống như trò chơi ghép hình của cậu. Chưa bao giờ cậu đọc thứ gì hứng thú tới vậy. Cậu không muốn đọc hết, nhưng cậu cũng không thể kìm mình cứ đọc hết trang này đến trang khác.
Cậu đọc tới phần thư kể về việc cha cậu nhận một công việc trong một năm ở Pháp:
Để được ở gần con, để cố gắng bắt liên lạc. Cha đã đứng đợi con ở cổng trường, cũng là nơi cha đã qua những năm đầu tiên của đời học sinh, song cha đã không thể lại gần con được. Cha biết nói gì với con đây? “Chào con trai. Ta là cha của con. Con không nhớ cha sao? Cha là người đã bỏ rơi con khi con mới được ba ngày tuổi, là người đã bỏ lại cho con chính cuộc đời trĩu nặng mà cha đã từng sống.” Và cha đã nhận thấy rằng cha đã biến con thành người em sinh đôi của cha. Cha không biết về điểm đó thì cha cũng giống với tất cả những người cha khác. Cha càng chờ đợi thì việc xuất đầu lộ diện trước mặt con càng trở nên khó khăn hơn với cha, thậm chí là không thể. Cha là một con quỷ. Nhận lỗi cũng chẳng sửa chữa được sai lầm nữa.
Cha cứ quanh quẩn bên nhà hai bà cháu. Cha đã thấy sự xuất hiện của cô bạn gái xinh xắn đã mang lại cho con chút niềm vui. Thậm chí cha còn thấy một sự việc tưởng như không bao giờ xảy ra: cha thấy bà con cùng với con ra ngoài vào một ngày chủ nhật đẹp trời.
Mẹ của cha, tội nghiệp bà. Nói gì đây? Bà đã cố gắng hết sức lực tàn, Bà đã bị chấn động mạnh. Một vài người có thể vượt qua thử thách. Còn bà thì không! Ngay cả cha đây, dù theo cách của mình là hèn nhát và phản bội, cha cũng đã vượt qua được. Nhưng cha chưa bao giờ bỏ con, Ernest à. Và cha chưa bao giờ phản bội con. Bà nội con cũng vậy. Bà đã làm tất cả những gì có thể cho con, như bà đã làm dành cho cha vậy.
Ernest của cha ơi, để được gần con, cha đã nói chuyện với thầy của con. Ông nói với cha rằng đây là lần duy nhất trong đời dạy học của ông có một cậu học trò như con cứ như thể từ trên trời rơi xuống vậy. Và cha rất tự hào, dù cha chưa bao giờ giúp đỡ gì cho con cả. Con thật vững vàng và hơn cả những gì thầy mong đợi. Thầy con chưa bao giờ tự hỏi về những điều kiện học và điều kiện sống của con, cho tới ngày con viết bài luận kể về ngày chủ nhật của con và bà nội. Thầy nghĩ rằng con muốn được sống cô độc và hơi chút kỳ quặc.
Ernest này, cha đã muốn có con và rồi cha lại không muốn gặp con nữa, nhưng chưa một khoảnh khắc nào trong đời cha rời bỏ con. Cha đã viết cho con hàng ngày, dù đó là để cho cha hơn là cho con. Cha nghĩ tới con từ sáng tới tối, dù điều đó chẳng bao giờ cho con lợi lộc gì! Cha không biết con có thể tha lỗi cho cha không. Cha chỉ biết rằng cha không thể tha thứ cho mình. Cha đã không cho phép mình được ở gần con lúc bé, có thể để tự trừng phạt về cái chết của mẹ con. Mẹ con cũng đã ước ao có con tới mức nào. Mẹ là nạn nhân của một vụ tai nạn ngu ngốc (liệu có tai nạn nào thông minh không nhỉ?): chỉ vì một cú băng huyết không kìm lại được. Chính bản thân mẹ con cũng từng là trẻ mồ côi. Sẽ có ngày cha kể con nghe chuyện này. Mẹ con là một người phụ nữ rạng rỡ êm dịu. Cha đã yêu mẹ con đến phát điên. Và cha đã trở thành điên rồ vì tình yêu đó.
Cha nghĩ giờ đây vết thương cha đã lành. Không phải là lành hẳn song có thể nói là tiếp tục sống được. Và cha muốn được ôm con trong vòng tay mình, nói chuyện với con bằng giọng nói thực chứ không phải qua thư từ. Mong được gặp con hàng ngày. Mong cho con được làm quen với các em gái con và vợ của cha. Cha đã giấu sự thật về con với cô ấy, cho tới mãi gần đây. Con đã là bí mật thầm kín của riêng cha.
Tuy nhiên mong muốn không đủ để biến ý chí của cha thành hành động. Và người ta không phải lúc nào cũng có thể đạt được mọi điều mình mong muốn. Tiền luôn luôn là một vấn đề, như con biết đấy, giáo viên chẳng giàu có gì cho cam.
Ernest à, ta là cha của con, một người cha vô hiệu quả và bất lực cứ muốn tin rằng chỉ cần nghĩ trong đầu là đủ.
Bức thư cuối cùng để ngày hôm trước khi thùng thư được chuyển tới địa chỉ nhà cậu:
Ernest, Ernest của cha, con đã đáp lại tất cả những lời nguyện cầu của cha. Như vậy chính con sẽ có được lòng dũng cảm mà cha không có. Chính con sẽ bước về phía cha. Chính những đứa con dạy cho người ta cách làm cha mẹ. Cha đã bị muộn màng quá nhiều rồi. Hãy đến với cha khi con có thể. Con hãy đến nhanh lên nhé! Gia đình cha sắp phải trở lại Mỹ rồi.
Ernest tự trách mình vì đã không bắt đầu đọc từ lá thư cuối cùng. Có thể đã quá muộn rồi.
XVI
Adrien
Khi Ernest đọc xong hết mười tập thư, thì mùa đông ảm đạm với những trận cảm cúm đã qua, và thậm chí mùa xuân với chút nắng cũng sắp qua để nhường chỗ cho mùa hè. Henriette vẫn hát khe khẽ khi làm những món sốt của mình. Germaine vẫn thì thào trước cái ti-vi. Précieuse thì vẫn kiên nhẫn chờ đợi. Một hôm, Victoire gõ cửa bế theo Jérémie trên tay. Cô bé báo tin cho cả nhà: “Mọi người hãy xem đây!” Cô bé thả Jérémie xuống đất và thằng bé bước loạng choạng như một gã say về phía Germaine đang bình phẩm: “Điều đó nhắc tôi nhớ lại một vài thứ.”
Ernest đã quyết định, cậu chuồn vào phòng khách lúc này không còn một khán giả màn ảnh nhỏ nào và bấm số của cha cậu. Cậu phải lặp lại động tác này tới cả trăm lần trước khi quyết định mình tới đó.
Năm học kết thúc nhẹ nhàng theo nhịp của người thầy giáo mệt mỏi. Ernest thường xuyên quay về nhà gia đình Montardent mỗi khi tan học. Cậu thích nhìn Jérémie chập chững đi. Cậu dẫn em ra vườn và thích chạy theo em. “Không thể tưởng tượng được!” Ernest thốt lên.
“Ai chả có thời như thế”, Victoire nhận xét.
Một sáng thứ tư, Ernest cảm thấy đã sẵn sàng cho cuộc viếng thăm này. Vậy đấy… ta nghĩ, ta mơ ước, ta tưởng tượng, và ta chẳng làm gì cho điều mơ ước đó trở thành hiện thực. Và một ngày, đùng một cái! ta quyết định và lên đường.
Ernest đi bộ, kiếm được một tấm bản đồ, tìm con phố cần đến, mò tìm đường và đi tới đó không khó khăn gì. Cậu bấm chuông ở cửa ra vào tòa nhà và nhận được cùng câu trả lời giống như ở điện thoại. Không có ai ở nhà.
Cậu hỏi thăm người gác cổng và được biết gia đình Morlaisse đã trở về Mỹ từ một tuần trước. “Tôi nhớ lũ bé con quá! Chúng nó xinh ơi là xinh!”
Ernest quay đi, rồi lại vội vàng quay lại để hỏi người gác cổng: “Họ có để lại một địa chỉ nào không ạ?”
“Có, để tôi đưa cho cậu… chờ nhé…”
Ernest có cảm tưởng mình là một cây anh đào bị người ta cưa thân đúng lúc tất cả quả của nó đã chín. Cậu như bị cắt cụt! Cậu quay trở lại con đường, đi loạng choạng giống như Jérémie. Cậu soạn nhẩm một lá thư trong đầu: “Cha thân yêu, con đã tha lỗi cho cha một lần. Con đã đọc hết tất cả những lá thư của cha, chung đã gieo trong con những giọt mật của tình yêu thương và lòng ngưỡng mộ. Như chú bé Poucet, theo giấu những giọt mật, con đã tới cửa nhà cha. Song lại một lần nữa cha đã bỏ con. Con có cả một mùa hè trước mặt để đọc lại những lá thư của cha và cố gắng hiểu.”
Cậu đem bức thư này ra bưu điện, nơi lần đầu tiên cậu thấy một cuộc triển lãm tem. Cậu xếp hàng và mua tem bằng tiền vay của Henriette.
Cậu chờ đợi trong cái nóng bức oi ả cuối tháng sáu. Ernest không phải đợi lâu. Cậu đã nhận được một gói thư mới mà lá cuối cùng muốn mời cậu qua Mỹ nghỉ hè, “Nếu bà nội đồng ý, cha rất muốn bà sẽ đi cùng con, bà sẽ gặp các đứa cháu gái của bà, mong rằng bà sẽ nhận những lời xin lỗi… và tình yêu của cha. Cha sẽ tìm cách để gửi vé cho hai bà cháu. Con có thể cho bà nội đọc những bức thư của cha nếu con muốn.”
Đọc xong Ernest cảm thấy tim mình se lại. Cậu vòng quanh căn hộ tới sáu lần như một con khỉ bị nhốt trong chuồng. Cậu rất muốn đưa bà nội đọc những bức thư, nhưng bỏ đi mấy chữ “gắng hết sức lực tàn” khi cha nói về bà.
Cậu bê cái thùng carton “đã thanh lọc” vào phòng Bà nội và nói: “Cha cháu đã viết thư cho cháu liên tục mỗi ngày kể từ ngày cha bỏ đi. Cháu đã nhận được chúng cách đây vài tháng. Bà ơi, bà đọc đi.”
Cậu sẽ nói với bà là cha cậu đã mời hai bà cháu sang Mỹ sau. Nhưng cậu phải nói ngay việc này với Victoire.
“Cậu sướng thật! Mình mơ cũng chẳng được!”
“Cũng có thể bạn đi cùng mình và bà, có điều việc mình chắc chắn là bà sẽ không chịu đi đâu.”
Cả gia đình Montardent mừng cho Ernest vì cậu sắp được gặp cha và gia đình mới của cậu bé. Ernest rất muốn chia sẻ những lá thư với họ.
Dan có một tin vui cho Ernest. “Anh đã nói chuyện với một ông thầy rất giỏi về chữ cổ. Ông ấy rất muốn ngó qua cái thư nổi tiếng của em.”
Giữa hai nhà đã qua lại rất thường xuyên nên Ernest không khó khăn gì để chuyển thư cho Dan. “Em chắc là khỏi phải nói với anh là phải giữ lá thư thật cẩn thận. Em không nói gì với Bà cả.”
“Em có muốn đi cùng anh không?” Dan đề nghị.
“Dạ, có, em rất muốn ạ, em đã cố hết sức để hiểu được nghĩa của lá thư này.”
“Được rồi, anh sẽ xin gặp thầy vào thứ tư tuần tới, sau khi thi xong xuôi.”
Bà Précieuse chỉ ra khỏi phòng vào giờ ăn và lúc nào cũng thấy mắt bà đỏ sưng húp. Germaine chuẩn bị trở về nhà bà ấy. Cả, thấy sức khỏe đã hồi phục, bà không thể chịu đựng nổi phải bơi trong những món ăn mỡ màng và những món súp kem của Henriette được nữa. Mà hơn nữa, Henriette được mời nấu ăn cho một nhà nghỉ nhỏ ở Côte d’Azur trong cả mùa hè. Précieuse đã động viên cô nhận lời mời. “Hai bà cháu sẽ xoay sở được thôi.”
Ernest cảm thấy rằng đó là thời điểm thuận lợi để nói về lời đề nghị của cha cậu, nhưng cậu vẫn chưa đủ dũng cảm.
Cậu kết thúc năm học với kết quả xuất sắc như mọi lần. Thậm chí bà hiệu trưởng còn tới ôm cậu và tặng cậu tuyển tập chọn lọc tiểu thuyết của Marcel Pagnol mà cậu đã nhận được năm trước. Victoire cũng được chúc mừng rất nhiều vì kết quả cố gắng phi thường của cô bé. Ernest tặng bộ truyện của Pagnol cho cô như là phần thưởng.
Victoire đi cùng cậu với Dan tới nhà ông giáo sư chuyên gia về chữ cổ. Ông thầy này đã luận được tất cả chữ trong lá thư, dù cũng khá khó khăn. Ernest ghi lại từng chữ một. Và cuối cùng cậu đi tới kết quả sau:
Cả nhà yêu quý,
Ở đây, ngoài mặt trận trời lạnh khủng khiếp. Mọi người có thể gửi cho tôi mấy chiếc quần lót ấm hơn và tất được không? Tôi đã nhận được bánh ga-tô và quần.
Hẹn gặp lại, Adrien
Ernest cảm thấy rất buồn cười, ngớ ngẩn, thất vọng và ngạc nhiên, đúng là một người săn bắn cọp bằng giấy thật sự. “Chỉ có thế thôi ư?”
“Thế thôi.”
“Ông có chắc không ạ?”
“Tôi nghĩ là chắc chắn rồi. Đây là một bức thư đặc trưng của một người lính gửi cho gia đình mình, một người lính bị lạnh, sợ hãi và không muốn nói gì khác.”
“Thế chúng ta có nên nói với Bà không nhỉ?” Ernest hỏi Dan.
“Có thể bà sẽ cảm thấy nhẹ nhõm. Một bí mật đã được vén màn. Vậy là bớt đi được một bí mật.”
“Chúng tôi sẽ về với em.”
Họ ngạc nhiên khi thấy bà đang nói chuyện rất sôi nổi với Benjamin. Cậu này nhảy lên khi thấy mấy người về.
“Bà ơi, cháu có điều này muốn báo cho bà biết. Nhờ anh Dan giúp đỡ, cháu đã mang lá thư tới một vị giáo sư. Ông ấy đã đọc được bà ạ. Đây là nội dung ông ấy đọc được.” Cậu chìa tờ giấy ra cho bà, và thay vì khóc, bà cậu bật cười.
“Những bí mật này thật tuyệt vời, Ernest ạ. Đây là bí mật của cuộc đời: cố để sống sót! Chúng ta sẽ ăn mừng sự kiện này. Henriette đã chuẩn bị một bữa ăn nhẹ để chia tay và bà đã mời cả gia đình nhà Montardent.
“Nhưng cháu đã chờ đợi nhiều hơn ở lá thư này !” Ernest kêu lên.
“Nói cho cậu ấy nghe đi, Benjamin!” Bà khích lệ.
“Lá thư thì chỉ thế thôi. Nhưng chính cái tem mới là cả một gia tài! Đó là một con tem trong một loạt tem rất nổi tiếng thời đó vì nó có lỗi. Anh đã tìm được một người mua hàng sẵn sàng trả một khoản tiền rất lớn.”
“Anh đùa đấy à?”
“Không hề, anh nói nghiêm túc đấy.”
Henriette bước vào với món bánh kem sô-cô-la và một phong bì lớn. “Ernest, vé máy bay của em đã có rồi này.”
“Bà có đi không ạ?”
“Chúng ta sẽ cùng đi, Ernest ạ.Vé sẽ chẳng còn giá trị khi ta chết.”
Ernest ngồi xuống, cậu gục đầu vào tay để che những giọt nước mắt. Mọi người để cậu một mình.
Lúc ngẩng mặt lên, cậu thấy Victoire, trong ánh chớp hạnh phúc có hơi thoảng chút buồn: “Mình sẽ không gặp cậu suốt cả mùa hè.”
“Ernest này, bà nói. Có những ba vé. Một vé đề tên Cô Montardent. Cha cháu đã dàn xếp với bố mẹ cô ấy rồi.”
Victoire nhảy chồm lên Ernest, ôm hôn bà Précieuse, Henriette, mấy người anh của cô và ôm trọn cả bầu trời. “Đây sẽ là chuyến đi nghỉ trăng mật sớm của chúng ta.”
Còn Benjamin thì hú lên như những người Mỹ đầu tiên đến miền đất mới ngày xưa: “Tiến về miền Tây!”