Nhím thanh lịch - Phần 01 chương 01 - 02
MARX
(Mở đầu)
1
Ai gieo đam mê
- Marx đã làm thay đổi hoàn toàn cách nhìn thế giới của cháu.
Sáng nay cậu bé Pallières đã tuyên bố với tôi như vậy, mặc dù thường ngày cậu chưa bao giờ nói gì với tôi.
Antoine Pallières là người thừa kế may mắn của một triều đại công nghiệp lâu đời và là con trai của một trong tám ông chủ của tôi. Là cái ợ hơi cuối cùng của giới đại tư sản mại bản - cái giới chỉ được truyền đời bằng những tiếng nấc sạch sẽ và không kèm theo tội lỗi nào cả, vậy mà cậu lại hớn hở khám phá ra điều đó và kể lại cho tôi theo phản xạ, thậm chí cậu không nghĩ rằng tôi có thể hiểu được điều gì đó. Liệu quần chúng lao động có thể hiểu được gì trong các tác phẩm của Marx? Bởi vì chúng rất khó đọc, từ ngữ thanh cao, văn phong tinh tế, luận đề phức tạp.
Chính lúc đó, suýt nữa tôi đã để lộ mình một cách ngớ ngẩn. Tôi nói với thằng bé ngốc nghếch mặc chiếc áo khoác màu xanh lá thông có mũ:
- Cháu nên đọc cuốn Hệ tư tưởng Đức.
Để hiểu được Marx và hiểu tại sao ông ấy có chút nhầm lẫn, cần phải đọc cuốn Hệ tư tưởng Đức. Đó là cái nền nhân học từ đó sinh ra tất cả những lời cổ vũ, khuyến khích hướng tới một thế giới mới, và trên nền đó gần chắc một niềm tin chủ đạo: những người đắm chìm trong đam mê không nên đòi hỏi quá nhu cầu của chính mình. Trong một thế giới mà sự đam mê quá mức bị ngăn chặn, có thể sẽ sinh ra một tổ chức xã hội mới, không có đấu tranh, áp bức và các thứ bậc xã hội nguy hại.
- Ai gieo đam mê sẽ gặt áp bức, - tôi thì thầm nói tiếp như thể chỉ mỗi con mèo đang nghe tôi nói.
Nhưng Antoine Pallières, với bộ ria đáng ghét đang lún phún chẳng làm bớt đi chút nào cái vẻ yểu điệu của cậu, nhìn tôi và không hiểu những lời nói lạ lùng của tôi. Giống như mọi lần, tôi thoát được vì người ta không thể tin nỗi những điều phá vỡ khuôn khổ thói quen suy nghĩ tầm thường của họ. Một bà gác cổng không thể đọc Hệ tư tưởng Đức và do đó sẽ không thể trích dẫn luận đề thứ mười một về Feuerbach. Hơn nữa, một bà gác cổng đọc sách của Marx chắc chắn ngấp nghé chuyện lật đổ, linh hồn đã bị bán con quỷ có tên là Tổng Liên đoàn Lao động. Không một người tư sản nào nghĩ đến chuyện một bà gác cổng lại có thể đọc sách của Marx để nâng cao kiến thức.
- Cho cô gửi lời hỏi thăm mẹ cháu nhé, - tôi lẩm bẩm rồi đóng sập cửa trước mặt thằng bé, hy vọng rằng hai câu nói phát âm khó nghe sẽ bị sức mạnh của những định kiến có từ hàng trăm năm che lấp.
2
Những phép màu của Nghệ thuật
Tôi tên là Renée, năm mươi tư tuổi. Từ hai mươi bảy năm nay, tôi làm công việc gác cổng ở tòa nhà số 7 phố Grenelle, một dinh thự to đẹp có sân vườn bên trong, chia làm tám căn hộ cực kỳ cao cấp, tất cả đều có người ở và đều rất rộng. Tôi đã góa chồng, người thấp, xấu xí, béo ủng, bị chai chân và vào những buổi sáng khó ở, tôi còn thở như voi mamút. Tôi không được học hành, vốn dĩ luôn nghèo khổ, kín đáo và mờ nhạt. Tôi sống một mình cùng mới một chú mèo đực to béo, lười nhác và chẳng có gì đặc biệt ngoài việc chân bốc mùi khó chịu khi bị trái ý. Cả nó và tôi đều không mấy cố gắng để hòa nhập với đồng loại sống xung quanh. Vì tôi hiếm khi tỏ ra dễ gần, cho dù luôn lễ phép, nên người ta không yêu quý tôi, nhưng dù sao họ cũng chịu đựng tôi, bởi vì tôi quá đúng với hình mẫu mà xã hội vẫn quan niệm về một người gác cổng của tòa nhà: tôi là một trong vô vàn bánh xe làm quay ảo tưởng lớn và phổ biến cho rằng ý nghĩa của cuộc sống dễ dàng được nhận ra. Và vì ở đâu đó có viết là các bà gác cổng thường già, xấu xí và khó tính, cho nên ngay dưới vòm trời đáng ghét kia cũng được khắc hàng chữ lửa nói rằng các bà gác cổng ấy nuôi những con mèo béo ú lười nhác, chúng thường ngủ gà gật cả ngày trên những chiếc gối tựa, vỏ gối được móc bằng tay.
Tương tự như vậy, người ta cũng cho rằng các bà gác cổng suốt ngày xem tivi, trong khi con mèo của họ ngủ lơ mơ, rằng tiền sảnh của các tòa nhà nhất định phải có mùi thịt bò hầm rau, mùi súp bắp cải hay ragu nấu đỗ. Tôi vô cùng may mắn được làm gác cổng ở một tòa nhà sang trọng. Tôi thẹn đó. Ông de Broglie, cố vấn Tham chính viện sống ở tầng hai, đã có giải pháp cho vấn đề này. Ông muốn chứng tỏ với bà vợ rằng cách giải quyết của mình lịch thiệp nhưng cương quyết: tống khứ những thứ mùi bình dân ra khỏi không gian chung. Tôi nhẹ nhõm cả người, nhưng tôi giữ kín điều này hết mức, bề ngoài vẫn làm ra vẻ đây chỉ là sự phục tùng miễn cưỡng.
Đó là chuyện của hai mươi bảy năm trước. Từ đó hàng ngày tôi đến cửa hàng thịt mua một lát giăm bông hay gan bê rồi nhét vào trong túi lưới, giữa gói mì và bó cà rốt. Tôi khoái chí trưng ra thức ăn của người nghèo, nhưng đó là những loại thức ăn được đề cao do có đặc điểm đáng kể là không gây mùi - vì tôi nghèo nhưng lại sống trong nhà của những người giàu có -, để cùng lúc thỏa mãn được cả điều kiện đã thỏa thuận và con mèo của tôi. Chú mèo Léon béo lên chỉ nhờ những đồ ăn lẽ ra dành cho tôi, nó ních chặt bụng những thịt lợn và mì trộn bơ, trong khi đó tôi có thể thấy no mà không gây xáo trộn khứu giác của người khác và chẳng ai nghi ngờ gì về khẩu vị của tôi.
Vấn đề tivi thì nan giải hơn. Hồi chồng tôi còn sống, tôi vẫn quen với chuyện ông ấy kiên nhẫn xem tivi và tránh cho tôi gánh nặng này. Tiếng tivi vọng đến tiền sảnh tòa nhà đủ để tiếp tục kéo dài trò chơi của các thứ bậc xã hội. Sau khi Lucien mất, tôi phải vắt óc suy nghĩ để duy trì vẻ bề ngoài như vậy. Khi còn sống, ông ấy gánh đỡ cái nghĩa vụ bất công này cho tôi; khi mất đi, ông ấy mang theo cả cái vẻ ít học, vốn là thành trì không thể thiếu được để chống lại sự ngờ vực của những những xung quanh.
Tôi đã tìm được giải pháp nhờ sử dụng thiết bị không nút bấm.
Từ nay, cái chuông nối với một cơ chế hồng ngoại giúp tôi biết được những ai đã đi qua đi lại trong sảnh, vì thế người ta không cần bấm bất cứ nút chuông nào mà tôi vẫn biết sự có mặt của họ, mặc dù tôi ở khá xa. Trong khi đó, tôi ở căn phòng trong cùng, nơi tôi thích ngồi trong phần lớn thời gian nhàn rỗi của mình. Ở đó không có tiếng ồn và các loại mùi luôn đi kèm thân phận của tôi, tôi có thể sống theo ý mình mà không bị tách rời khỏi những thông tin cốt yếu đối với công việc thường trực: ai vào, cùng với ai và vào lúc nào.
Như vậy, khi đi qua sảnh, những người sống trong tòa nhà nghe thấy âm thanh nghèn nghẹt, qua đó họ biết rằng có một chiếc tivi đang được bật và, do thiếu trí tưởng tượng chứ không phải do có cảm hứng tưởng tượng, họ nghĩ tới hình ảnh bà gác cổng say sưa trước máy thu hình. Trong khi đó, tôi lui vào chiếc ổ của mình, không nghe thấy gì nhưng tôi biết ai đang qua lại. Trong căn phòng bên cạnh, qua ô cửa mắt bò đối diện với cầu thang, ẩn sau tấm rèm bằng vải mutxơlin trắng, tôi bí mật nhận diện người qua lại.
Băng video, rồi sau đó là đĩa DVD thần diệu xuất hiện càng làm thay đổi triệt để hơn nữa các sự kiện theo ý muốn của tôi. Do hiếm khi có chuyện một bà gác cổng khoái xem phim Chết ở Venise và từ phòng của bà ấy lại vọng ra tiếng nhạc của Mahler, nên tôi rút bớt số tiền tiết kiệm mà hai vợ chồng khó khăn lắm mới ki cóp được, để mua một cái tivi khác đặt trong phòng riêng của tôi. Trong khi chiếc tivi ở bên ngoài, vật bảo đảm cho cuộc sống bí mật của tôi, vẫn gào rú mà tôi không nghe những chuyện điên rồ dành cho những kẻ không có đầu óc, thì tôi ngây ngất xúc động, nước mắt tuôn trào trước phép màu của nghệ thuật.