Nhím thanh lịch - Phần 10 chương 12 - 13
SUY NGHĨ SÂU SỐ 6
Bạn xem gì
Bạn đọc gì
Trong bữa sáng
Và tôi biết
Bạn là ai
Sáng nào cũng vậy, trong bữa sáng, bố tôi uống một cốc cà phê và đọc báo. Nhiều loại báo, ví dụ như Le Monde, Le Figaro, Libération, và mỗi tuần một lần L’Express, Les Échos, Time Magazine và Courrier international. Nhưng tôi biết rõ là bố tôi thích nhất cốc cà phê đầu tiên cùng tờ Le Monde trước mặt. Ông say sưa đọc trong khoảng nửa giờ. Để có được nửa giờ đó, bố tôi thực sự phải dậy rất sớm vì ông bận suốt cả ngày. Nhưng mỗi buổi sáng, ngay cả khi có buổi làm việc đêm và chỉ được ngủ hai tiếng, ông vẫn dậy lúc sáu giờ và vừa đọc báo, vừa uống một cốc cà phê thật đặc. Mỗi ngày của bố tôi được xây dựng như vậy. Tôi nói “xây dựng” vì tôi nghĩ rằng mỗi lần là một công trình mới, cứ như tất cả bị biến thành tro trong đêm và cần phải làm lại từ con số không. Người ta thấy cuộc sống của bố tôi như thế này trong vũ trụ của chúng ta: cần phải không ngừng xây dựng lại hình ảnh người lớn của bố tôi, đó chính là tập hợp khập khiễng và phù du, rất đỗi mong manh, bao bọc bên ngoài sự thất vọng, và đứng trước gương tự kể cho mình lời nói dối mà mình cần phải tin. Đối với bố tôi, báo chí và cà phê là những chiếc đũa thần biến bố thành con người quan trọng. Hãy nhớ rằng bố tôi rất thỏa mãn với chúng: tôi chưa bao giờ thấy bố mình thanh thản và thư thái đến thế như trước cốc cà phê lúc sáu giờ sáng. Nhưng còn cái giá phải trả! Cái giá phải trả khi người ta còn sống một cuộc sống giả tạo! Khi các mặt nạ rơi xuống, vì xuất hiện khủng hoảng - và nó luôn luôn xuất hiện với mọi người - sự thật vô cùng khủng khiếp! Hãy nhìn ông Arthens, nhà phê bình ẩm thực ở tầng 7, đang hấp hối. Trưa nay, khi đi mua sắm về mẹ tôi lao vào nhà như cơn lốc. Vừa vào đến nhà, mẹ đã vội thông báo: “Pierre Arthens đang hấp hối!” Đó là mẹ thông báo cho Hiến Pháp và tôi. Bấy nhiêu đủ để nói với các bạn rằng câu hỏi đó không hề có hiệu quả. Lúc đó tóc tai mẹ tôi hơi rối, vẻ mặt thất vọng. Tối nay, khi bố tôi vừa về đến nhà, mẹ tôi vội lao ra để thông báo chuyện này. Bố có vẻ ngạc nhiên: “Tim ư? Nhanh thế sao?”
Tôi phải nói rằng ông Arthén là một người thực sự độc ác. Bố tôi là một đứa trẻ đóng vai người lớn không mấy kỳ cục. Nhưng ông Arthens… kẻ độc ác hạng nhất. Khi nói độc ác, tôi không định nói là xấu bụng, tàn bạo hay chuyên chế, mặc dù cũng hơi giống như thế. Không, khi nói “là một người thực sự độc ác”, tôi muốn nói rằng đó là một người đã từ bỏ tất cả những gì tốt đẹp trong ông ấy đến mức có có thể nói đó là một cái xác trong khi ông ấy vẫn còn sống. Bởi vì những kẻ thực sự độc ác căm ghét tất cả mọi người, chắc chắn rồi, nhưng nhất là chính bản thân họ. Các bạn không cảm thấy như thế sao khi ai đó thù hận bản thân anh ta? Điều đó khiến anh ta chết trong khi vẫn còn đang sống, gây tê những tình cảm xấu và cả những tình cảm tốt để không cảm thấy ghê tởm khi là chính mình.
Pierre Arthens chắc chắn là một kẻ thực sự độc ác. Người ta nói rằng ông ấy là cha đẻ của ngành phê bình ẩm thực và quán quân trên thế giới về ẩm thực Pháp. Điều này chẳng làm tôi ngạc nhiên. Ý kiến của tôi là: ẩm thực Pháp là một sự đáng thương. Biết bao tài năng, tiền bạc, của cải cho một kết quả nặng nề như thế… Và các loại nước xốt, nhân nhỏi và bánh ngọt làm nứt cả bụng! Gu thật tệ… Và nếu không nặng nề, thì lại hết sức kiểu cách: người ta chết vì đói với ba củ cải nhỏ cách điệu và hai con sò Saint- Jacques trong thạch rau câu, đặt trong những chiếc đĩa giả thiết với những nhân viên phục vụ vẻ mặt coi như đưa đám. Thứ Bảy, nhà tôi đi ăn ở một nhà hàng rất cao cấp, đó là Napoléo’s Bar. Cả nhà ăn mừng sinh nhật chị Colombe. Chị ấy vẫn yểu điệu chọn món ăn như mọi lần: những món ăn kiêu kỳ với hạt dẻ, thịt cừu với những loại rau thơm không thể đánh vần nổi tên, món kem sabayon với rượu Grand Marnier (kinh hoàng hết cỡ). Kem sabayon là biểu tượng của nền ẩm thực Pháp: một món ăn tưởng là nhẹ nhưng lại rất ngấy. Tôi không ăn món khai vị nào cả (tôi tránh nói với các bạn những nhận xét của chị Colombe về chứng chán ăn của con bé rắc rối là tôi), sau đó, tôi ăn món philê cá phèn nấu cà ri giá sáu mươi ba euro (với những miếng bí non và cà rốt giòn thái quân cờ đặt dưới cá), tiếp đó tôi ăn thứ ít dở nhất trong các món, giá ba mươi tư euro: kẹo tan làm từ sôcôla đắng. Tôi sẽ nói với các bạn rằng, với giá đó, tôi thích đăng ký ăn cả năm McDo hơn. Ít nhất như thế cũng không kiểu cách gì trong gu tồi cả. Và tôi thậm chí không tô vẽ thêm về phần trang trí của phòng ăn và bàn ăn. Khi người Pháp muốn thoát khỏi truyền thống “Đế chế” với đầy những màn trướng màu đỏ boóc-đô và vàng, họ lại rơi vào phong cách bệnh viện. Người ta ngồi xuống ghế Le Corbusier(15) (mẹ tôi gọi là “de Corbu”), ăn trong đĩa màu trắng hình thù đơn điệu đặc trưng của chủ nghĩa quan liêu xô viết và lau tay trong nhà vệ sinh bằng thứ khăn xốp mịn đến nỗi chẳng thấm được gì.
15. Biệt danh của kiến trúc sư người Pháp gốc Thụy sĩ, ông nổi tiếng với phong cách đơn giản.
Những nét chủ yếu, sự giản dị, không phải như vậy. “Thế thì em muốn ăn gì?” chị Colombe hỏi tôi với vẻ bực tức vì tôi không thể ăn hết được món cá phèn đầu tiên. Tôi không trả lời. Bởi vì tôi không biết. Dù sao tôi cũng chỉ là một đứa con gái nhỏ. Nhưng trong các manga, nhân vật có vẻ ăn theo cách khác. Có vẻ như giản dị, thanh tao, có chừng mực, ngon lành. Người ta ăn như xem một bức tranh đẹp hay như hát trong một dàn hợp xướng hòa hợp. Không nhiều quá, cũng không ít quá: có chừng mực, theo đúng nghĩa tốt đẹp của từ này. Có thể tôi nhầm hoàn toàn; nhưng tôi cảm thấy ẩm thực Pháp già nua và lắm tham vọng, trong khi ẩm thực Nhật có vẻ… vâng, không trẻ cũng không già. Vĩnh cửu và thanh cao.
Tóm lại, ông Arthens đang hấp hối. Tôi tự hỏi ông ta thường làm gì mỗi buổi sáng để trở lại vai diễn kẻ độc ác thực sự của mình. Có lẽ là uống một cốc cà phê đặc và đọc về sự cạnh tranh hay dùng bữa sáng kiểu Mỹ với xúc xích và khoai tây rán. Còn chúng tôi làm gì mỗi buổi sáng? Bố tôi vừa đọc báo vừa uống cà phê, mẹ tôi vừa uống cà phê vừa xem vài cuốn catalogue, chị Colombe vừa uống cà phê vừa nghe đài Frace Inter, còn tôi vừa uống sôcôla vừa đọc manga. Trong lúc này đây, tôi đang đọc manga của Taniguchi, một thiên tài dạy cho tôi rất nhiều điều về con người.
Nhưng hôm qua, tôi đã hỏi mẹ liệu tôi có thể uống trà được không. Bà tôi uống trà đen trong bữa sáng, loại trà ướp hương cam bergamot. Ngay cả khi tôi không thấy món này khủng khiếp lắm, trà luôn có vẻ tử tế hơn cà phê, thứ đồ uống của kẻ ác. Nhưng tối hôm qua, lúc ở tiệm ăn, mẹ tôi đã gọi một cốc trà nhài và cho tôi nếm thử. Tôi thấy rất ngon, rất “tôi” đến mức sáng nay, tôi đã nói rằng đó là thứ mà từ nay tôi muốn uống trong bữa sáng. Mẹ nhìn tôi rất lạ (về “chưa hết thuốc ngủ”) rồi nói “được, được, rận con của mẹ, giờ thì con lớn thật rồi.”
Trà và manga đối lại với cà phê và báo: phong cách thanh lịch và sảng khoái đối lại với tính hung hăng đáng buồn trong những trò chơi quyền lực của người lớn.
12
Vở kịch ma
Sau khi Manuela đi khỏi, tôi chúi đầu vào đủ loại công việc hấp dẫn: dọn dẹp, lau sảnh, mang thùng rác ra ngoài phố, lượm tờ rơi, tưới hoa, chuẩn bị đồ ăn cho mèo (một lát giăm bông với một miếng bì nở to), nấu bữa ăn cho chính mình - mì lạnh Trung Quốc nấu với cà chua, rau húng và pho mát parmesan -, đọc báo, lui về phòng riêng để đọc một cuốn tiểu thuyết Đan Mạch rất hay, theo dõi khủng hoảng trong sảnh vì Lotte, cô cháu gái nhà Arthens, con gái lớn của Clémence, đang khóc trước cửa phòng tôi, nhưng ông ngoại không muốn gặp nó.
Lúc hai mốt giờ, tôi kết thúc công việc và bỗng cảm thấy mình già nua và suy sụp. Cái chết không làm tôi sợ, huống chi là cái chết của Pierre Arthens, nhưng chính chờ đợi mới là điều không thể chịu đựng, sự ngừng lại trống rỗng của bước chân qua đó chúng ta cảm nhận được rằng chiến đấu là vô ích. Tôi ngồi trong bếp, trong im lặng, không có ánh đèn, và tôi nếm thử cảm giác cay đắng của điều phi lý. Đầu óc tôi chầm chậm chuyển dòng. Pierre Arthens... Kẻ chuyên chế tàn nhẫn khát khao hào quang và danh vọng nhưng, bằng ngôn ngữ của mình, vẫn cố gắng theo đuổi đến tận cùng một ảo tưởng không thể nắm bắt được, bị giằng xé giữa khát vọng vươn tới Nghệ thuật và khát khao quyền lực... Cuối cùng, đâu là cái thật? Và đâu là ảo tưởng? Trong quyền lực hay trong Nghệ thuật? Liệu có phải bằng sức mạnh của những lời nói đã thuộc lòng mà chúng ta tâng bốc lên tận mây xanh những sáng tạo của con người, trong khi bằng tội ác của tính kiêu căng hão huyền, chúng ta đang tố cáo cơn khát uy quyền đang khuấy động tất cả mọi người - vâng, tất cả, kể cả bà gác cổng đáng thương trong căn phòng chật chội của mình, mặc dù từ bỏ quyền lực hữu hình, nhưng từ bỏ giấc mơ quyền lực trong tâm trí?
Vậy thì cuộc đời trôi qua như thế nào? Ngày này qua ngày khác, chúng ta dũng cảm cố gắng giữ vai của mình trong vở kịch ma này. Với tư cách là loài linh trưởng, điều cốt yếu trong hoạt động của chúng ta là giữ vững và duy trì lãnh địa của mình, để nó bảo vệ chúng ta và làm chúng ta vui, là trèo lên cao không rơi xuống trên chiếc thang thứ bậc của bộ lạc và là quan hệ xác thịt theo tất cả các cách có thể - cho dù là thuyền trưởng - vừa vì lạc thú, vừa để sinh ra lũ con cháu đầy triển vọng. Vì thế chúng ta sử dụng đáng kể một phần năng lượng của mình để hăm dọa hay quyến rũ, chỉ riêng hai chiến lược này đủ để đảm bảo tìm kiếm lãnh thổ, thứ bậc và tình dục, sự tìm kiếm đó thúc đẩy nỗ lực của chúng ta. Nhưng không có gì giống vậy xuất hiện trong ý thức của chúng ta. Chúng ta nói về tình yêu, về cái thiện và cái ác, về triết học và văn minh, và chúng ta bám vào những bức tranh thánh đáng kính đó như con ve cứng khát máu bám chặt lấy thân con chó to và nóng ẩm.
Thế nhưng đôi khi chúng ta cảm thấy cuộc đời như một vở kịch ma. Như bước ra từ một giấc mơ, chúng ta nhìn nhau hành động và, sững sờ vì nhận thấy hao tổn nhiều sức lực để duy trì những đòi hỏi nguyên thủy của mình, chúng ta ngơ ngác hỏi về cái được gọi là Nghệ thuật. Bỗng nhiên chúng ta cảm thấy những cái nhăn mặt và liếc mắt trở nên cực kỳ vô nghĩa, tổ ấm nho nhỏ của chúng ta, kết quả của nợ nần trong hai mươi năm, là một thói quen man di vô ích, và địa vị trong bậc thang xã hội mà phải khó khăn lắm chúng ta mới đạt được nhưng lại luôn rất mong manh, là sự kiêu căng thô lỗ. Về mặt con cái, chúng ta nhìn nó bằng một con mắt mới và khiếp sợ, bởi vì khi không có lớp vỏ bọc vị tha, hành động sinh sản dường như bị chuyển động mạnh mẽ sang hướng khác. Chỉ còn lại thú vui tình dục, nhưng khi bị kéo vào bể khổ sơ khai, chúng ta bị chao đảo, thể dục không tình yêu không nằm trong những bài học mà chúng ta đã thuộc.
Sự vĩnh cửu tuột khỏi chúng ta.
Những ngày đó, khi trên bàn thờ của bản chất sâu xa của chúng ta sụp đổ tất cả các tín ngưỡng lãng mạn, chính trị, trí thức, siêu hình và đạo đức mà nhiều năm học tập đã cố in sâu trong chúng ta, thì xã hội, lãnh địa có các sóng thứ bậc mạnh xuyên qua, chìm sâu trong sự vô nghĩa. Kẻ giàu và người nghèo, các nhà tư tưởng, các nhà nghiên cứu, những người có quyền quyết định, những nô lệ, những người tốt và kẻ xấu, những người sáng tạo và những người làm theo khuôn mẫu, những nhà hoạt động công đoàn và những nhà người theo chủ nghĩa cá nhân, những người tiến bộ và những kẻ bảo thủ, đã ra đi; chỉ còn lại phân bộ người nguyên thủy mà cái nhăn mặt hay nụ cười, dáng đi hay đồ trang sức, tiếng nói hay mật mã ghi trên bản đồ gen của loài linh trưởng trung bình, chỉ có nghĩa là: giữ nguyên địa vị của mình hoặc là chết.
Những ngày đó, các bạn cần đến Nghệ thuật một cách vô vọng. Các bạn khao khát đến cháy bỏng được nối đến ảo tưởng tinh thần của mình, các bạn mong muốn đến say mê được cái gì đó cứu khỏi số phận sinh học để thi ca và sự vĩ đại không bị gạt ra khỏi thế giới này.
Vậy thì hãy uống một chén trà hoặc xem một bộ phim của đạo diễn Ozu, để thoát khỏi vòng quay của đua tranh và chiến trận, những thứ vốn là phong tục của riêng chúng ta, loài thống trị, và đem lại cho vở kịch thống thiết này dấu ấn của Nghệ thuật và của những tác phẩm nghệ thuật chủ đạo.
13
Sự vĩnh cửu
Lúc hai mốt giờ, tôi cho băng Chị em nhà Munakata, một cuốn phim của Ozu, vào đầu video. Đây là phim thứ mười của Ozu mà tôi xem trong tháng này. Tại sao? Vì Ozu là một vị thần cứu tôi khỏi số phận sinh học.
Tất cả bắt đầu từ việc một hôm, tôi tâm sự với cô thủ thư thấp bé Angèle rằng tôi rất thích những bộ phim đầu tay của Wim Wenders, và cô ấy nói với tôi: À,thế chị đã xem Tokyo-Ga chưa? Và khi đã xem Tokyo-Ga, một phim tài liệu đặc biệt nói về Ozu, đương nhiên người ta sẽ muốn khám phá Ozu. Tôi đã khám phá Ozu như thế, lần đầu tiên trong đời, Nghệ thuật điện ảnh khiến tôi cười và khóc như một trò giải trí thực sự.
Tôi cho băng vào rồi rót một chén trà nhài. Thỉnh thoảng, tôi xem lại những cảnh trước nhờ tràng hạt đời thường mà người ta gọi là điều khiển từ xa.
Và đây là một cảnh đặc biệt.
Người cha sắp chết - do Chishu Ryu đóng, diễn viên này được Ozu ưa thích và là nhân vật chính trong tác phẩm của ông, một con người tuyệt vời, nổi bật bằng sự nồng nhiệt và nhún nhường - trò chuyện thân mật với cô con gái Setsuko về buổi dạo chơi mới đây của họ ở Kyoto. Họ uống rượu Sakê.
NGƯỜI CHA
Ôi đền thờ Rêu! Ánh sáng càng làm nổi bật rêu.
SETSUKO
Và cả cây hoa trà bên trên nữa.
NGƯỜI CHA
Ôi, con cũng để ý đến nó ư? Đẹp quá! (Ngừng). Ở nước Nhật ngày xưa có những thứ rất đẹp. (Ngừng). Bố thấy quá cực đoan khi tuyên bố tất cả những thứ đó là xấu.
Rồi bộ phim tiếp tục, và ở cuối phim, cảnh cuối cùng diễn ra trong công viên, khi Setsuko, cô con gái lớn, nói chuyện với Mariko, cô em đỏng đảnh của mình.
SETSUKO, khuôn mặt rạng rỡ.
Mariko, nói cho chị biết đi, tại sao núi ở Kyoto lại có màu tím?
MARIKO, tinh nghịch.
Đúng thế. Trông như bánh đậu đỏ azuki ấy.
SETSUKO, cười.
Màu đó thật dễ thương.
Phim nói về tình yêu không thành, hôn nhân sắp đặt, quan hệ dòng tộc, gia tộc, cái chết của người cha, nước Nhật cũ và mới, cả về rượu và sự hung bạo của đàn ông.
Nhưng trên hết phim còn nói về thứ gì đó mà người phương Tây chúng ta không thể nắm bắt, chỉ duy nhất văn hóa Nhật mới làm sáng tỏ được. Tại sao hai cảnh ngắn và không có lời giải thích đó, mặc dù không có lý do trong cốt truyện, lại gây nên cảm xúc mạnh mẽ đến thế và đem lại cho toàn bộ phim một ý nghĩa khó nói thành lời?
Và đây là chìa khóa của phim.
SETSUKO.
Cái mới thực sự là cái không già đi theo thời gian.
Bông hoa trà trên đám rêu ở đền thờ, màu tím của dãy núi ở Kyoto, một chiếc chén bằng sứ màu lam, sắc đẹp thuần khiết hiện ra giữa những đam mê phù phiếm, đó chẳng phải là thứ mà tất cả chúng ta đều khao khát sao? Và thứ mà chúng ta, những nền Văn minh phương Tây, không biết đạt tới?
Ngắm nhìn sự vĩnh cửu trong chính vận động của cuộc sống.