Tưởng Giới Thạch - những bí mật về cuộc đời và gia thế - Phần 04 - Chương 05
Tưởng Giới Thạch vật lộn với Mao Trạch Đông mấy chục năm, điều thương tâm nhất không gì hơn là thảm bại ở Nam Kinh, Thượng Hải, mất hơn 40 vạn quân đội do Thang Ân Bá chỉ huy. Thất bại này, khiến cho Tưởng Giới Thạch tự cảm thấy giang sơn tươi đẹp rộng hơn 9 triệu kilômét vuông hầu như không còn một mảnh đất cắm dùi, không thể không chạy trốn tới hòn đảo Đài Loan cô độc xa cách đại lục để dựng xây sự nghiệp. Khi Tưởng Giới Thạch bái biệt phần mộ của mẹ, bước lên núi Phượng Hoàng, ngồi lên chiến hạm hiệu Thái Khang lái ra ngoài cửa khẩu Ngô Tùng, mặc dù đã nghiến răng nghiến lợi nói: Ta phải trở lại, nhất định ta phải phản công đại lục, trở về quê hương..., Thế nhưng Tâm tình đớn đau nặng trĩu, thì không có bút mực nào có thể miêu tả hình dung được chỉ một phần vạn.Tại sao Tưởng Giới Thạch lại cảm thương với sự thất bại ở Nam Kinh, Thượng Hải? Chẳng phải là Tưởng đã bắt buộc phải từ chức từ ngày 21 tháng 1 năm 1949 rồi sao?Há chẳng phải, Tưởng Giới Thạch chỉ từ chức chứ không từ quyền, trên thực tế, quân đội Quốc dân đảng vẫn do Tưởng Giới Thạch chỉ huy. Việc từ chức của Tưởng Giới Thạch chỉ là từ trước màn lùi ra sau màn mà thôi. Cuộc chiến tranh giải phóng tiến hành tới đầu năm 1949, tổng binh lực mà quân đội Quốc dân đảng bị tổn thất đã tới gần 5 triệu quân, quân chính quy tàn tồn chỉ có 227 sư đoàn với 1 triệu 15 vạn người, kể cả các binh chủng đặc biệt, các cơ quan, trường học và bộ đội địa phương, tổng binh lực cùng chỉ có 2 triệu 4 vạn người. Thắng lợi vĩ đại của ba chiến dịch lớn Liêu Thẩm, Hoài Hải, Bình Tân của quân giải phóng từ trên căn bản đã làm dao động, lung lay ách thống trị phản động của Tưởng Giới Thạch. Về các mặt quân sự, chính trị, kinh tế v.v.. của Quốc dân đảng đều đã lâm vào cảnh tuyệt vọng. Thế nhưng Tưởng Giới Thạch, đã không chịu cam tâm với thất bại ở trên chiến trường phương Bắc. Tưởng đã giống hệt như một con bạc vẫn còn vài xu nên không chịu rời khỏi sòng bạc, Tưởng vẫn cuồng vọng dựa vào phần nửa giang sơn còn lại ở phía nam Trường Giang, lại chỉnh đốn quân đội, hòng một phen quật khởi.
Trường Giang là con sông lớn thứ nhất của Trung Quốc, mặt sông vùng hạ du chỗ rộng nhất đạt tới trên 10 kilômét, vào tháng 4, 5 hàng năm mức nước bắt đầu dâng cao, kỳ nước lũ hoa đào tháng 5 chẳng những mực nước đột ngột dâng mạnh, sóng gió cũng cao tới hơn 5 mét. Mỗi lần gặp hải triều lớn, dòng xoáy nước sông chảy ngựơc được các nhà quân sự gọi là một dòng cách trở tự nhiên. Men theo dòng sông, đại đa số là mạng lưới ruộng lúa nước của các tỉnh, dòng nước sông tung hoành, hồ đầm rải rác, rất bất lợi cho hành động của các binh đoàn. Thảm bại trên chiến trường Liêu Thẩm, Hoài Hải, Bình Tân, đã khiến cho Tưởng Giới Thạch đã đem Của báu áp đặt lên dòng cách trở tự nhiên ở Trường Giang này. Khi Tưởng Giới Thạch từ chức trở về Khê Khẩu Phụng Hóa Triết Giang, cũng đem phương án sắp đặt tác chiến ven theo bờ Trường Giang này về Phụng Hóa. Tưởng Giới Thạch về tới Phụng Hóa không lâu, lại bí mật triệu tập Hội nghị quân sự cỡ nhỏ bao gồm các tướng lĩnh cao cấp như Hà ứng Khâm, Cố Chúc Đồng, Thang Ân Bá v.v... quyết định đem phòng tuyến Trường Giang phân hoạch thành hai chiến khu lớn, lấy Hồ Khẩu làm ranh giới. Từ Hồ Khẩu trở sang phía Đông do Tổng Tư Lệnh cảnh vệ Hồ Hàng Thang Ân Bá chỉ huy, Từ Hồ Khẩu trở về phía Tây trao cho Bạch Sùng Hy. Tưởng Giới Thạch nói với các tâm phúc của mình rằng: Lấy phòng tuyến Trường Giang làm ngoại vi, lấy vùng đất tam giác Kinh Hộ Hàng làm trọng điểm, lấy Tùng Hộ làm trung tâm, sử dụng phương châm phòng ngự lâu dài, cuối cùng kiên trì giữ Tùng Hộ để dao tương hô ứng với Đài Loan. Khi cần thiết chúng ta sẽ dùng ưu thế hải không quân từ Đài Loan chi viện cho Tùng Hộ, sau cùng chờ thời cơ phản công!
Đây chính là sự sắp xếp chiến lược được xác định sau khi thất bại ở ba chiến dịch lớn Liêu Thẩm, Hoài Hải. Bình Tân của Tưởng Giới Thạch. Căn cứ vào sự sắp xếp này của Tưởng Giới Thạch, đến đầu tháng 4 năm 1949, trên bờ sông Trường Giang dài hơn 1800 kilômét từ Nghi Xương đến Thượng Hải, quân đội Quốc dân đảng đã sắp xếp 70 vạn binh lính. Trong đó, trên phòng tuyến hơn 800 ki lô mét từ Hồ Khẩu của Giang Tây đến Thượng Hải, 75 sư đoàn ước 45 vạn lính của Thang Ân Bá phòng thủ. Trên phòng tuyến ước 1000 kilômét từ Hồ Khẩu đến Nghi Xương, do 45 sư đoàn ước 25 vạn lính của Bạch Sùng Hy trưởng quan công sở quân chính Hoa Trung phòng giữ. Trong số 25 vạn người này còn có một số là quân đội của hệ thống Tưởng Giới Thạch. Ngoài ra, Tưởng Giới Thạch còn điều tập một bộ phận của hạm đội 2 hải quân phòng giữ biển và một số hạm đội phòng giữ sông tổng cộng 26 chiến hạm quân sự, 56 hạm đội pháo lần lượt đóng giữ ở các nơi như Nam Kinh, Vu hồ. Trấn Giang, Thượng Hải, An Khánh v.v..; đã điều động máy bay của 4 đại đội không quân lần lượt lấy Nam Kinh, Thượng Hải, Vũ Hán làm căn cứ, để chi viện cho lục quân tác chiến.Đối với sự sắp xếp phòng ngự trù hoạch chu đáo tỉ mỉ như thế này, lúc mới bắt đầu đối với quyền tổng thống Lý Tông Nhân và trưởng ban quân chính Hoa Trung Bạch Sùng Hy, Tưởng Giới Thạch cũng vẫn còn giữ bí mật. Tưởng Giới Thạch chỉ cho người đem phương án sắp xếp từ Hồ khẩu về phía Tây trao cho Bạch Sùng Hy, còn thi hành việc mật báo đối với quân đội hệ Tưởng dưới quyền Bạch Sùng Hy, để cho Thang Ân Bá khống chế vững chắc vùng đất tam giác Hộ Hàng làm trọng điểm sắp xếp. Khắc hẳn với trước đây, sự bố phòng Trường Giang được tiến hành dưới chiêu bài Hòa đàm với Đảng Cộng sản Trung Quốc, chỉ là do Lý Tông Nhân chỉ huy Hòa Đàm ở trước đài, bản thân Tưởng Giới Thạch thì chỉ huy quân đội ở sau đài, vấn đề trọng đại của Hòa Đàm, Tưởng Giới Thạch cũng cần phải góp ý. Ngày 13 tháng 2 năm 1949, Lý Tông Nhân trước tiên phải cử Đoàn Đại biểu hòa bình của nhân dân Thượng Hải tổ thành bởi bốn người là Nhạn Huệ Khanh, Trương Sĩ Siêu v.v., tới khách sạn Bắc Bình Lục quốc để ký hiệp định về vấn đề thông hàng, thông bưu. Ngày 26 tháng 3, đoàn đại biểu Chính phủ Nam Kinh cùng đoàn đại biểu Đảng Cộng sản Trung Quốc hợp thành do Chu Ân Lai, Lâm Bá Cừ, Lâm Bưu, Diệp Kiếm Anh, Lý Duy Hán v.v... đã tiến hành đàm phán ở Bắc Bình, thế nhưng Chính phủ Quốc dân đảng không có thiện chí đàm phán, chỉ mượn đàm phán làm cái cớ, tranh thủ thời gian, mở rộng biên chế quân đội, xây dựng phòng tuyến Trường Giang. Thang Ân Bá phụ trách phòng thủ đoạn đường hạ du Trường Giang là một trong ba đầu sỏ quân sự của chính quyền Tưởng Giới Thạch, sau khi kết thúc cuộc kháng chiến đã cùng phân chia việc nắm giữ quân đội với Trần Thành, Hồ Tông Nam, tự phong là Vua Trung nguyên. Sau khi Tưởng Giới Thạch đem trách nhiệm nặng nề phòng thủ thiên hiểm Trường Giang, bảo đảm chắc chắn một nửa giang san Giang Nam, đối lập với Đảng Cộng sản trao cho Thang Ân Bá, Thang Ân Bá đã phí hết tâm can, dùng một số ít binh lực khống chế một số cứ điểm nào đó ở trên bờ Giang bắc làm trận địa cảnh giới, dùng 54 sư đoàn chủ lực bố phòng ở bờ nam Trường Giang, trọng điểm đặt ở vùng đất phía đông Nam Kinh, trên đê sông bờ nam Trường Giang khắp nơi đều xây đắp chiến hào, trong những vách đá dốc núi cheo leo còn dựng nên những pháo đài cao to, các cửa sông bến bãi, không những xây dựng hàng loạt lô cốt, còn bắc lên những mạng lưới dây thép gai; ở trung thâm còn đặt phối hợp những lực lượng cơ động nhất định. Hễ giải phóng quân vượt sông thì lợi dụng sự hiểm trở của Trường Giang và những công sự đã xây dựng, với sự phối hợp của hải quân và không quân, sẽ tiêu diệt ngay quân giải phóng ở giữa dòng hoặc ở trận địa đầu bến. Vạn nhất, có đoạn đất cá biệt nào bị giải phóng quân đột phá cũng có thể rút về Thượng Hải theo đường sắt Triết cống tổ chức phòng ngự mới. Thang Ân Bá cảm thấy sự sắp xếp này của mình hoàn toàn có thể khiến cho Tưởng Giới Thạch yên tâm. So sánh với giải phóng quân, quân đội của Thang Ân Bá, trên mặt trang bị, trên mặt hỏa lực đều ở vào ưu thế, lại còn sự phối hợp của hải quân và không quân nữa, điều này đủ để tạo ra sát thương lớn nặng nề cho giải phóng quân.
Hơn nữa quân đội của Thang phòng thủ ở cách sông, lấy sự an nhàn xử trí sự vất vả mệt nhọc. Trước mặt giải phóng quân có Trường Giang cách biệt hiểm trở, trong tình trạng không có công cụ giao thông hiện đại, mạo hiểm công kiên, cho dù có lên được bờ cũng chẳng có hậu phương. Những điều đó đều phạm vào đại kỵ trên mặt binh pháp. Hơn nữa Giải phóng quân từ bắc xuống nam, rất nhiều người không quen sóng nước, liệu có thể vượt qua được sóng gió trên mặt sông Trường Giang chăng? Do vậy, Thang Ân Bá rất lấy làm đắc ý nói trên hội nghị từ cấp trung đoàn trưởng trở lên của bộ đội phòng giữ tuyến Kinh Hộ rằng: Chúng ta nhất định phải giữ chắc Trường Giang, mới có thể xoay chuyển được cục thế... Trường Giang đối với chúng ta mà nói, là mấu chốt của sống và chết, các bộ đội giữ sông quyết không thể tê liệt ý chí... Cộng quân từ trước không biết đánh trận địa chiến, chúng chỉ giỏi đánh kiểu du kích, Trên trời chúng ta có máy bay, dưới sông chúng ta có chiến hạm, trên bờ có phòng tuyến quan trọng, súng đạn chiếm ưu thế hơn cộng quân, đối với những thuyền nhỏ của dân lén trộm qua sông thì không đáng phải suy nghĩ. Thang Ân Bá còn mượn những thứ này để lấy lòng, làm cho Tưởng Giới Thạch vui vẻ.Thế nhưng, những cố gắng này của Thang Ân Bá cũng không thể làm đẹp giấc mộng của Tưởng Giới Thạch, mưu đồ cuồng vọng giữ chắc nửa phần giang sơn của Tưởng Giới Thạch đã bị Mao Trạch Đông đập tan rất nhanh chóng. Đầu năm 1949, giải phóng quân nhân dân thông qua việc thống nhất chỉnh biên và bổ sung quân số, tổng binh lực đã đạt tới 4 triệu người. Trên mặt số lượng đã vượt quá quân đội Quốc dân đảng gần 2 triệu người. Từ trước chưa hề chỉ huy qua một đội quân lớn mạnh như thế này bao giờ, Mao Trạch Đông cho rằng Chỉ có triệt để tiêu diệt bọn phản động ở Trung Quốc, đuổi cút thế lực xâm lược của bọn đế quốc Mỹ ra khỏi Trung Quốc, Trung Quốc mới có thể có độc lập, mới có thể có dân chủ, mới có thể có hòa bình[1] , giải phóng quân nhân dân cần phải không chút dao động tiến quân xuống phía Nam Trường Giang. Trong tháng 2 và tháng 3, Mao Trạch Đông đã điều động tập trung 21 quân đoàn và bộ đội địa phương gồm 1 triệu quân của hai Dã chiến quân thuộc Trần Nghị và Lưu Bá Thừa, chuẩn bị trong tháng 4 sẽ vượt sông Nam Tiến, tiêu diệt tập đoàn Thang Ân Bá, đầu tiên cướp lấy các vùng Nam Kinh, Thượng Hải, Hàng Châu, sau đó lại tiến về phía Nam. Sau khi 1 triệu đại quân giải phóng quân tiến đến gần bờ bắc Trường Giang, đã tiến hành công việc chuẩn bị vượt sông rất khẩn trương, đã trinh sát tường tận sự sắp xếp phòng ngự của quân đội Quốc dân đảng, đã điều tra tìm hiểu thủy tính của Trường Giang và địa hình của bờ bên kia, đã triển khai cuộc luyện tập chiến thuật, kỹ thuật vượt sông ở nơi cường độ rộng nhất và mạng lưới ruộng lúa nước nhiều nhất. Được sự ủng hộ và giúp đỡ của Đảng và quần chúng nhân dân địa phương đã tập hợp được hơn 9400 chiếc thuyền gỗ, đã động viên được trên một vạn người lái thuyền theo quân đội tham gia chiến đấu, đã bồi dưỡng huấn luyện được mấy ngàn thủy thủ bộ đội để bảo đảm nhu cầu vượt qua sông Trường Giang. Để giúp đỡ bộ đội tác chiến, chính quyền địa phương đã tổ chức hơn 3 triệu dân công lâm thời, tổ chức xây dựng thành 16 trung đoàn dân công phục vụ quân đội, thực hiện được khẩu hiệu Cần lương có lương, cần người có người, cần thuyền có thuyền quân đội đánh đến đâu, quần chúng nhân nhân chi viện đến đấy. Tất cả những điều này, sau khi đã thất bại. Tưởng Giới Thạch đã suy nghĩ tới hàng trăm lần mà vẫn không tìm được lời giải. Trong tiếng trống tiếng chiêng dồn dập sắp xếp binh lực ở bên bờ sông Trường Giang, đoàn đại biểu song phương Quốc dân đảng và Cộng sản đã tiến hành cuộc đàm phán hòa bình chính thức ở Điện Cần chính Trung Nam Hải Bắc Kinh. Mao Trạch Đông bằng lòng tiến hành đàm phán hòa bình với Chính phủ phản động Quốc dân đảng Nam Kinh cùng bất kỳ Chính phủ Quốc dân đảng nào khác hoặc các tập đoàn quân sự, chính là đã suy nghĩ tới cuộc đàm phán này nếu có thể thành công sẽ có lợi ích rất to lớn đối với việc quân giải phóng tiến quân về phương nam và chiếm lĩnh các thành phố lớn ở phương nam. Lẽ đương nhiên, quyết tâm của Mao Trạch Đông đã định, bất luận là hòa hay chiến, giải phóng quân đều phải vượt qua sông, cần phải tiến hành cuộc cách mạng tới cùng. Do đó, khi Quốc dân đảng đề xuất ra hơn 40 điều sửa chữa ý kiến về Phương án dự thảo hiệp định hòa bình trong nước đã được nêu ra trên cơ sở 8 nguyên tắc, đoàn đại biểu Trung cộng đã biểu thị không thể nhượng bộ. Thậm chí Chu Ân Lai đã thẳng thắn nói: Cuộc cách mạng ngày nay, quyết không thể giống như cuộc cách mạng Tân Hợi và cuộc chiến tranh Bắc phạt, do vì thỏa hiệp giữa chừng mà đã khiến cho bọn phản động giành được thắng lợi cuối cùng![2]. Trước mắt đã nhìn thấy Trăm vạn hùng binh vượt qua sông lớn đã sắp trở thành sự thực, một số tướng lĩnh cao cấp của Quốc dân đảng cho rằng: Mặc dù điều kiện hòa bình đàm phán mà Trung cộng nêu ra có quá cao một chút, nếu có thể hiểu biết được điều đạo lý Chiến bại cầu hòa Thiên hạ là của chung, không bị khốn khổ bởi tư lợi của một phe một phái, coi nguyên khí của quốc gia, sinh mệnh tài sản của nhân dân làm trọng, thế thì chỉ có cách thẳng thắn tiếp nhận; dùng thành tâm thừa nhận sai lầm, lấy dũng khí tiếp thu thất bại, thế thì đối với đất nước, đối với nhân dân, đối với Quốc dân đảng sẽ bảo toàn được thực nhiều, thế thì sẽ tốt hơn việc ngoan cố tới cùng thất bại tới cùng! Thế nhưng, Tưởng Giới Thạch vẫn không cam tâm với thất bại của mình, Tưởng vẫn còn thêu mộng đẹp trong việc thống trị một nửa giang sơn vùng Giang Nam. Tưởng Giới Thạch đã viết trong nhật ký: Cộng phỉ đối với 24 điều khoản mà đoàn đại biểu chính phủ nêu ra những điều kiện xét lại, đúng là những điều kiện giải quyết đầu hàng vô điều kiện...
Ta chủ trương một mặt cứ nêu ra phương án trả lời giao cho Cộng phỉ, một mặt cự tuyệt những điều kiện của họ. Mộng đẹp của Tưởng Giới Thạch không dài. Hàng triệu đạo quân giải phóng quân nhân dân đã tuân theo mệnh lệnh Phấn đấu anh dũng tiến lên, kiên quyết, triệt để, tiêu diệt sạch sẽ toàn bộ mọi bọn phản động Quốc dân đảng dám chống lại của Mao Trạch Đông, Chu Đức phát động ra, sáng sớm ngày 21 tháng 4, trên chiến tuyến dài hơn 500 kilômét từ Hồ Khẩu đến Giang Âm, đã vượt qua Trường Giang, vượt qua sự ngăn cản của pháo hạm và pháo phòng thủ mặt sông của địch, chiếm giữ các trận địa bến sông. Hệ thống phòng ngự ven sông của quân Quốc dân đảng rất nhanh chóng đã bị quân giải phóng đột phá toàn tuyến. Hơn 7000 sĩ quan binh lính Quốc dân đảng và 25 tầu chiến của hạm đội 2 hải quân ở Yếu Trại Giang Âm lần lượt tiến hành khởi nghĩa, 23 tàu chiến đã đầu hàng giải phóng quân ở mặt sông Trấn Giang. Buổi chiều ngày thứ hai, Thang Ân Bá bị bức triệt thoái ra khỏi Nam Kinh. Ngày 23, Nam Kinh được giải phóng, ách thống trị phản động suốt 22 năm của Quốc dân đảng từ đây đã tuyên cáo diệt vong. Đối mặt với sự tấn công dũng mãnh của giải phóng quân, Tưởng Giới Thạch tự thân sắp đặt rút về chiếm giữ Thượng Hải cùng với tập đoàn Thang Ân Bá ở các khu vực xung quanh gồm 25 sư đoàn ước khoảng 20 vạn người, âm mưu dựa vào nguồn tài nguyên vật tư phong phú và hơn 4000 công sự vững chắc của Thượng Hải để tiếp tục ngoan cường chống lại. Thượng hải nằm trên bờ Đông Hải là thành phố và Trung tâm công thương nghiệp lớn nhất của Trung Quốc, cũng là khu vực tụ tập của các thế lực phản động, tình hình chính trị vô cùng phức tạp. Vùng ngoại ô Thượng Hải địa hình bằng phẳng, thôn làng dày đặc, sông ngòi luồng lạch dọc ngang không tiện cho sự cơ động của các binh đoàn lớn. Tưởng Giới Thạch vọng tưởng mượn địa hình có lợi cho việc phòng thủ này tranh thủ thời gian vận chuyển vật tư, đâu có biết sự phòng ngự của Thượng Hải cũng chỉ là một miếng đậu phụ. Ngày 12 tháng 5, giải phóng quân đã bắt đầu phát khởi tấn công vào các trận địa ngoại vi Thượng Hải, từng trận địa một lần lượt rơi vào trong tay giải phóng quân. Ngày 23 tháng 5, Tưởng Giới Thạch điều động năm trung đoàn của Thang Ân Bá tác chiến với quân giải phóng ở một vùng Kim Gia Kiều, kết quả là lại vấp phải thảm bại. Lúc này, Tưởng Giới Thạch mới nhận thức được cục diện thất bại đã không còn cách nào cứu vãn được, đành để cho Thang Ân Bá hạ lệnh tổng triệt thoái. Ngày 26 Thượng Hải giải phóng, tập đoàn Thang Ân Bá ngoài 54 quân đoàn ước khoảng 5 vạn tên bước lên tàu thủy chạy trốn ra, số còn lại 15 vạn người toàn bộ bị tiêu diệt hết. Trọng điểm phòng ngự lấy Hộ Hàng làm trung tâm do Tưởng Giới Thạch xác định đã hoàn toàn tan rã. Trong chiến dịch vượt sông, mấy chục vạn quân đội của quốc dân đảng tại sao lại thất bại thảm hại đến như vậy? Phòng tuyến Trường Giang mà Tưởng Giới Thạch gửi gắm hi vọng rất lớn tại sao lại không chịu đựng với một đòn đánh của quân giải phóng?Tưởng Giới Thạch đã từng nói với một tên tướng lĩnh tâm phúc của mình rằng: Nguyên nhân chủ yếu nhất mà chúng ta thất bại trên mặt quân sự chính là ý chí chiến đầu của quân đội chúng ta quá bạc nhược! Một sư đoàn, thậm chí một quân đoàn vừa bị Cộng phỉ bao vây, chỉ có vài tiếng đồng hồ hoặc nhiều nhất là một hai ngày, đã bị cộng phỉ hoàn toàn tiêu diệt. Hành động của Cộng phỉ chơi vơi chấp chới, quân ta thường không dễ dàng tìm thấy chủ lực của chúng để tiến hành quyết chiến. Một đơn vị bộ đội bị bao vây, nếu một sĩ quan chỉ huy dũng cảm bình tĩnh, tìm chọn những điểm quan trọng, cố thủ chờ đợi chi viện, vốn là thời cơ tốt nhất để cho quân ta tóm bắt và tiêu diệt Cộng phỉ; thế nhưng mỗi khi quân đội tăng viện sắp sửa tới nơi, thì quân đội bị bao vây đã bị nuốt sống hết sạch rồi. Kết quả vẫn luôn luôn chỉ là hẫng hụt, thế rồi cũng khiến cho các quân đội khác ở vào tình trạng gân trùng sức kiệt, tạo ra rất nhiều khe hở để cho cộng quân len vào. Và như vậy, làm cho lực lượng của cộng phỉ ngày cáng lớn mạnh lên, còn chúng ta thì ngày càng suy yếu. Trong thời kỳ kháng chiến, một đơn vị bộ đội nhỏ bé của Nhật bản, trấn giữ một cứ điểm, chúng ta dùng binh lực gấp mấy lần, thậm chí gấp mười lần, bao vây tấn công nhiều ngày không thể đánh hạ được, chính là bởi vì quân đội Nhật Bản có tinh thần Võ Sĩ đạo, sĩ quan và binh lính coi cái chết như đi về nhà mình. Trong thời kỳ trước đây chúng ta thống nhất Lưỡng Quảng và Bắc Phạt, có thể lấy ít đánh nhiều, lấy một địch mười, là bởi vì sĩ quan và binh lính có tinh thần cách mạng không tham tài, không sợ chết. Trong thời gian kháng chiến, rất nhiều bộ đội trên đại thể có thể gìn giữ được tinh thần truyền thống này, anh dũng phấn đấu. Thế nhưng sau khi kháng chiến thắng lợi, rất nhiều bộ đội đã hoàn toàn chôn vùi mất tinh thần này, đặc biệt là trong rất nhiều các sĩ quan trung, cao cấp, lợi dụng cơ hội sau khi kháng chiến thắng lợi tới tiếp thu các thành phố lớn đã vơ vét tiền của, buôn bán, mua nhà cửa tài sản tham hám nữ sắc, sa hoa dâm dật, đồi bại, trụy lạc, làm cho trên dưới xa rời nhau, quân đội không còn ý chí chiến đấu. Đây chính là nguyên nhân căn bản làm cho chúng ta thất bại trên mặt quân sự. Những lời nói này của Tưởng Giới Thạch đã vén lên bức màn bí mật về sự bại binh của mình một cách hết sức sinh động!
-------------------------------------
[1] Mao Trạch Đông tuyển tập Trang 1315, NXB Nhân dân tháng 7 năm 1966
[2] Chu Ân Lai tuyển tập quyển thượng trang 318, NXB Nhân dân tháng 12 năm 1980