Đời ảo - Chương 41 - 42 - 43
41
Chúng tôi chưa ăn được một nửa bữa tối. Tôi lái xe đưa Alana về nhà, xin lỗi rối rít suốt cả đường đi. Cô ấy thông cảm đến mức không thể hơn được nữa. Thậm chí còn đề nghị tới bệnh viện với tôi, nhưng tôi không thể cho bố thấy cô ấy, không sớm như thế: sẽ quá kinh khủng.
Sau khi thả Alana xuống, tôi phóng chiếc Porsche đi tám mươi dặm một giờ và đến bệnh viện trong mười lăm phút - thật may mắn, không bị cảnh sát tóm. Tôi lao tới phòng cấp cứu mà suy nghĩ biến đổi liên tục: cực kỳ cảnh giác, sợ hãi, hạn chế tầm nhìn. Tôi chỉ muốn tới chỗ bố và gặp ông trước khi ông mất. Mỗi một giây chết tiệt phải đợi ở bàn tiếp phòng cấp cứu, tôi lại đoán chắc rằng đó là giây bố tôi mất, và tôi không có cơ hội được nói lời vĩnh biệt. Tôi gần như gào tên ông lên với y tá sàng lọc ưu tiên thứ tự bệnh nhân, và rồi khi bà ta bảo nơi ông nằm, tôi chạy vội đi. Tôi nhớ đã nghĩ rằng nếu ông mất rồi thì bà sẽ phải nói thêm gì đó, vậy ông hẳn phải còn sống.
Tôi nhìn thấy Antwoine đầu tiên, đứng ở bên ngoài cái rèm xanh. Mặt anh ta không biết vì sao mà trầy xước và rướm máu, và anh trông sợ hãi.
“Sao rồi?” tôi gọi. “Ông ấy đâu?”
Antwoine chỉ vào tấm rèm xanh, phía sau tôi nghe được giọng nói. “Đột nhiên ông ấy thở rất vất vả. Rồi mặt ông ấy tím tái lại, hơi xanh. Ngón tay xanh mét ra. Thế là tôi gọi cấp cứu.” Anh nghe như tự bào chữa.
“Ông vẫn...?”
“Phải, ông ấy vẫn sống. Trời ạ, với tư cách một ông già què quặt thì ông vẫn còn chống đỡ được tốt lắm.”
“Ông làm anh như thế à?” tôi hỏi, chỉ khuôn mặt anh.
Antwoine gật đầu, cười ngượng nghịu. “Ông từ chối vào xe cấp cứu. Ông bảo mình vẫn ổn. Tôi mất phải đến nửa giờ xoay xở với ông ấy khi mà lẽ ra phải cứ thế nhấc ông lên và ném vào xe. Tôi hy vọng tôi không chờ quá lâu mới gọi xe cấp cứu.”
Một thanh niên dáng người nhỏ nhắn, da sẫm màu mặc áo y tá xanh bước lại chỗ tôi. “Anh là con của ông ấy à?”
“Phải!” tôi nói.
“Tôi là bác sĩ Patel,” anh ta nói. Anh có lẽ trạc tuổi tôi, bác sĩ nội trú hay thực tập nội trú gì đó.
“A, xin chào.” Tôi ngừng lại. “Ừm, ông sẽ qua được chứ?”
“Có vẻ như vậy. Bố anh chỉ bị cảm thôi. Nhưng phổi của ông ấy không thể trữ khí. Vì vậy với ông thì cảm mạo bình thường cũng nguy hiểm chết người.”
“Tôi gặp ông được chứ?”
“Dĩ nhiên,” anh ta vừa nói vừa bước tới kéo tấm rèm ra. Một y tá đang cắm túi truyền tĩnh mạch vào tay bố tôi. Ông đeo mặt nạ nhựa trong trên miệng và mũi, và trân trối nhìn tôi. Về cơ bản thì ông trông vẫn thế, chỉ nhỏ bé hơn, mặt nhợt nhạt hơn thường lệ. Ông được nối vào cả đống máy theo dõi.
Ông với tay kéo mặt nạ ra khỏi mặt. “Nhìn đống lộn xộn này xem.” Giọng ông yếu ớt.
“Ông thế nào rồi, ông Cassidy?” bác sĩ Patel hỏi.
“Ờ, tốt lắm,” bố đáp, giọng đầy mỉa mai. “Anh không tự thấy à?”
“Tôi nghĩ tình trạng của ông khá hơn người chăm sóc đấy.”
Antwoine đang khẽ khàng lại bên giường xem ông thế nào. Bố đột nhiên trông áy náy. “Ồ, vụ đó à. Xin lỗi vì cái mặt nhé, Antwoine.”
Antwoine hẳn đã nhận ra lời xin lỗi anh có thể nhận được từ bố tôi cũng chỉ trau chuốt đến thế là cùng, trông anh nhẹ hẳn người đi. “Tôi học được bài học rồi. Lần sau tôi sẽ chống lại dữ hơn.”
Bố cười như nhà vô địch hạng cân nặng.
“Quý ông này đã cứu mạng ông đấy,” bác sĩ Patel nói.
“Thật à?” bố hỏi.
“Chắc chắn vậy.”
Bố hơi nghiêng đầu nhìn Antwoine. “Mày làm thế làm gì chứ?”
“Tôi không muốn phải sớm đi tìm việc khác thế,” Antwoine đáp trả ngay.
Bác sĩ Patel nói khẽ với tôi. “X-quang chụp ngực ông bình thường, với ông là thế, và lượng bạch cầu trong máu là tám phẩy năm, cũng bình thường. Khí máu lại quay lại, cho thấy ông đang tiềm ẩn suy hô hấp, nhưng giờ ông chắc đã ổn định lại. Chúng tôi đã cho ông truyền kháng sinh, ôxy và steroid.”
“Còn mặt nạ?” tôi nói. “Ôxy à?”
“Đó là máy bơm thuốc. Albuteral và Atrovent, đều là thuốc trợ thở.” Anh rướn người qua bố tôi và đặt lại mặt nạ. “Ông đúng là một chiến sĩ cừ, ông Cassidy.”
Bố chỉ chớp mắt.
“Đánh giá thế là thấp đấy,” Antwoine nói, cười khàn khàn.
“Tôi xin phép.” Bác sĩ Patel kéo rèm lại và đi vài bước. Tôi đi theo, còn Antwoine ở lại với bố.
“Ông vẫn hút thuốc à?” bác sĩ Patel thẳng thắn hỏi.
Tôi nhún vai.
“Có vết lấm nicotine trên ngón tay. Thật điên rồ, anh biết vậy mà.”
“Tôi biết.”
“Như thế là tự sát.”
“Đằng nào ông cũng đang chết dần.”
“Chà, ông đang đẩy nhanh tiến trình đấy.”
“Có lẽ ông muốn vậy,” tôi nói.
42
Tôi bắt đầu ngày đầu tiên chính thức làm cho Jock Goddard sau khi đã thức cả đêm.
Tôi rời bệnh viện quay về căn hộ mới vào khoảng bốn giờ sáng, cân nhắc muốn ngủ khoảng một tiếng, rồi từ bỏ ý tưởng đó vì tôi biết tôi sẽ ngủ quá giờ. Đó có lẽ không phải là cách tốt nhất để bắt đầu với Goddard. Vậy nên tôi đi tắm, cạo râu, bỏ chút thời gian lên mạng và đọc về những đối thủ cạnh tranh của Trion, mải mê trên trang News.com và Slashdot đọc tin công nghệ mới nhất. Tôi mặc áo chui đầu vải nhẹ màu đen (thứ gần với một chiếc áo cổ lọ đen điển hình của Jock Goddard nhất), quần kaki và áo vét kẻ ô vuông màu nâu, loại quần áo “thông thường” mà nhân viên hành chính người nước ngoài của Wyatt đã chọn cho tôi. Giờ tôi trông giống như một thành viên đủ lông đủ cánh trong đội ngũ thân cận của Goddard. Rồi tôi gọi xuống cho người phục vụ và bảo họ đưa chiếc Porsche tới.
Người giữ cửa thường có mặt vào sáng sớm và buổi chiều, thời gian tôi hay đi và về, là một gã người Tây Ban Nha khoảng hơn bốn mươi tên là Carlos Avila. Anh ta có giọng nói nghèn nghẹn kỳ quặc như thể đã nuốt một vật sắc và không thể ực nó xuống. Anh ta ưa tôi - tôi nghĩ là gần như thế, bởi tôi không lờ anh ta đi như tất cả những người khác sống ở đó.
“Làm việc vất vả nhỉ, Carlos?” tôi nói khi đi qua. Thông thường thì đây là câu anh ta hay nói với tôi khi tôi về rất muộn, trông mệt lả.
“Cũng vất vả, ông Cassidy,” anh ta cười nói rồi quay lại bản tin trên ti vi.
Tôi lái xe đi qua vài khu tới quán Starbucks, nó chỉ vừa mở cửa, và mua một tách cà phê latte cỡ lớn, và trong khi đang đợi thằng nhóc muốn-hát-nhạc-grunge-Seattle nạn-nhân-bị-xỏ-khuyên-quá-nhiều đun nóng cả một lít sữa hai phần trăm, tôi cầm tờ Nhật báo phố Wall lên và bụng tôi thắt lại.
Đấy, ngay ở trang đâu là một bài báo nói về Trion. Hay như họ viết, “Tai ương Trion”. Có một bức vẽ Goddard trông giống như tượng điêu khắc, với vẻ hoạt bát không phù hợp, cứ như thể hoàn toàn mê mụ hay ngấm thuốc. Một trong những dòng tít nhỏ nói “Có phải thời kỳ của nhà sáng lập Augustine Goddard sắp chấm dứt hay không?” Tôi phải đọc nó lại tới hai lần. Óc tôi không hoạt động ở hiệu suất cao nhất, và tôi cần tách cà phê latte cỡ lớn mà thằng nhóc mê nhạc grunge vẫn còn đang vật lộn. Bài báo là một bản tường thuật sắc sảo và mạnh mẽ do một nhà báo kỳ cựu của tờNhật báo là William Bulkeley viết, hắn rõ ràng phải có các mối quen biết tốt ở Trion. Ý chính của nó đại khái là giá cổ phiếu của Trion đang sụt giảm, sản phẩm đã cổ lỗ sĩ, công ty (“được rộng rãi cho rằng là nhà dẫn đầu trong lĩnh vực đồ điện tử tiêu dùng trên nền tảng truyền thông”) gặp rắc rối, và Jock Goddard, người sáng lập của Trion, dường như lại không còn liên hệ. Nhiệt huyết không còn đặt vào đó nữa. Có cả đoạn nhạc nền “truyền thống lâu đời” về những nhà sáng lập của các công ty công nghệ cao đã bị thay thế khi công ty của họ phát triển tới một tầm cỡ nào đó. Nó nêu câu hỏi rằng liệu có nhầm người không khi để ông lãnh đạo thời kỳ ổn định diễn ra sau thời kỳ bùng nổ tăng trưởng. Bài báo nhắc nhiều tới những chuyện về lòng bác ái của Goddard, những nỗ lực từ thiện, thú vui sưu tầm và phục chế xe ô tô Mỹ cổ, việc ông tái tạo lại hoàn toàn chiếc ô tô mui trần Buick Roadmaster sáng giá năm 1949. Goddard, theo như bài báo nói, đang tiến thẳng tới bờ thất thế.
Hay thật, tôi nghĩ. Nếu Goddard thất thế, thử đoán xem ai sẽ thất thế cùng ông ta.
Rồi tôi nhớ ra: Đợi chút nào, Goddard không phải ông chủ thực sự của tôi. Ông ta là mục tiêu, sếp thực sự của tôi là Nick Wyatt. Thật dễ quên mất lòng trung thành thực sự của tôi nên nằm ở đâu, với tất cả những chuyện như sự hào hứng của ngày đầu tiên.
Cuối cùng thì cốc cà phê latte của tôi cũng xong, tôi khuấy vào vài gói đường Turbinado, uống một ngụm lớn khiến cổ họng bỏng rát, và ấn lên cái nắp nhựa. Tôi tìm bàn ngồi xuống để đọc nốt bài viết. Tay nhà báo có vẻ có nhiều thông tin về Goddard. Người ở Trion có nói chuyện với hắn. Mũi dùi chĩa vào ông ta rồi.
Trên đường lái xe, tôi cố nghe đĩa CD của Ani DiFranco tôi mua tại Tháp như một phần trong cuộc nghiên cứu Alana, nhưng chỉ sau vài bài tôi đã phải bật đĩa ra. Tôi chịu không nổi. Một vài bài hoàn toàn chẳng phải là bài hát mà chỉ là những đoạn phát biểu. Nếu tôi thích thế, tôi đã nghe nhạc rap của Jay-Z hoặc Eminem rồi. Thôi, xin cảm ơn.
Tôi nghĩ về bài trên tờ Nhật báo và cố gắng nặn óc ra một quan điểm phòng trường hợp có ai đó hỏi tôi về nó. Tôi có nên nói rằng đó là mớ rác một đối thủ cạnh tranh tung ra để ngầm phá hoại không? Tôi có nên bảo là tay nhà báo không hiểu thực chất vấn đề (dù cái thực chất đó có là gì đi nữa)? Hay tôi nên bảo hắn đã đưa ra một số câu hỏi hay cần phải giải quyết? Tôi quyết định theo bản chỉnh sửa của phương án cuối cùng này - rằng cho dù sự thật của luận điệu đó thế nào, điều quan trọng là các cổ đông của chúng ta nghĩ gì, và tất cả bọn họ hầu như đều đọc Nhật báo phố Wall, vì vậy chúng ta phải coi bài báo là vấn đề nghiêm chỉnh, dù có phải sự thật hay không.
Và thầm trong lòng tôi tự hỏi kẻ địch của Goddard có phải là những kẻ đang gây chuyện không - liệu Jock Goddard có thật sự đang gặp rắc rối không, và phải chăng tôi đã lên một con tàu đang chìm. Hay đúng hơn, liệu có phải Nick Wyatt đã ném tôi lên một con tàu đang chìm. Tôi nghĩ: ông ta hẳn phải trong tình trạng tệ lắm - ông ta thuê tôi cơ mà, không phải sao?
Tôi uống một ngụm cà phê, nhưng cái nắp không đóng chặt lắm, thế là chất lỏng nâu đục màu sữa ấm áp hắt lên lòng tôi. Trông như thể tôi vừa có “sự cố” vậy. Cách bắt đầu công việc mới thật hay làm sao. Đáng ra tôi nên coi nó là lời cảnh báo.
43
Trên đường rời khỏi phòng vệ sinh nam ở tiền sảnh, nơi tôi cố hết sức để tẩy sạch vết loang cà phê, khiến quần kaki ẩm và nhàu nhĩ, tôi đi qua một quầy báo nhỏ trong tiền sảnh của Cánh A, tòa nhà chính, ở đó có bán báo địa phương cùng tờ Nước Mỹ Ngày nay, Thời báo New York, Thời báo Tài chính màu hồng cam và tờ Nhật báo. Đống Nhật báo phố Wall mọi khi vẫn chất chồng giờ đã vơi một nửa, mà mới chỉ chớm bảy giờ sáng. Rõ ràng là mọi người ở Trion đều đang đọc nó. Tôi đoán các mẩu tin sao từ website của tờ Nhật báo giờ đã đến thư điện tử của tất cả mọi người. Tôi chào đại sứ hành lang và đi thang máy lên tầng bảy.
Trưởng nhân viên hành chính của Goddard, Flo, đã gửi thư cho tôi thông tin chi tiết về văn phòng mới. Đúng vậy, không phải một khoang làm việc mà là một văn phòng thứ thiệt, cùng cỡ với phòng của Jock Goddard (và nhân tiện nói luôn, cùng cỡ với phòng Nora và Tom Lundgren). Nó ở cuối hành lang đi từ văn phòng của Goddard, cũng tối như tất cả các văn phòng khác trên hành lang dành cho cấp điều hành. Tuy nhiên văn phòng của tôi sáng điện.
Ngồi ở bàn bên ngoài văn phòng là trợ lý hành chính mới của tôi, Jocelyn Chang, một phụ nữ Mỹ gốc Trung Quốc khoảng bốn mươi tuổi, trông độc đoán, mặc đồ thuần xanh. Chị ta có cặp lông mày cong hoàn hảo, tóc đen ngắn và đôi môi hình cánh cung nhỏ xíu được tô son màu hồng đào ướt mọng. Chị đang dán nhãn bản sắp xếp thư từ. Khi tôi tới gần, chị mím môi nhìn lên và chìa tay ra. “Anh hẳn là Cassidy.”
“Cứ gọi tôi là Adam,” tôi nói. Tôi không biết nữa, liệu đó có phải lỗi đầu tiên của tôi không? Tôi có phải giữ khoảng cách, tỏ ra nghi thức? Như thế dường như thật nực cười và không cần thiết. Rốt cuộc thì hầu hết tất cả mọi người ở đây có vẻ đều gọi Tổng Giám đốc Điều hành là “Jock”. Và tôi chỉ khoảng bằng nửa tuổi chị.
“Tôi là Jocelyn,” chị nói. Chị nói kiểu giọng mũi đều đều của vùng Boston, làm tôi không ngờ tới. “Rất vui được gặp anh.”
“Tôi cũng vậy. Flo bảo chị đã ở đây rất lâu, tôi rất mừng nghe tin đó.” Ối. Phụ nữ không thích bị nói thế đâu.
“Mười lăm năm,” chị thận trọng. “Ba năm cuối là cho Michael Gilmore. Người tiền nhiệm của anh. Ông ấy đã được giao nhiệm vụ khác vài tuần trước, vậy nên tôi trống việc.”
“Mười lăm năm. Tuyệt vời. Tôi sẽ cần mọi sự trợ giúp có thể được.”
Chị gật đầu, không cười, không gì cả. Rồi chị có vẻ nhận ra tờ Nhật báo dưới cánh tay tôi. “Anh không định kể nó với ông Goddard chứ?”
“Thật ra tôi định bảo chị viền và đóng khung nó rồi gửi làm quà cho ông ấy. Cho văn phòng của ông ấy.”
Chị trân trối nhìn tôi kinh hãi một lúc lâu. Rồi chầm chậm cười. “Đấy là đùa,” chị nói. “Đúng không?”
“Đúng vậy.”
“Xin lỗi. Ông Gilmore cũng không hẳn là có tính hài hước lắm.”
“Không sao. Tôi cũng thế.”
Chị gật đầu, không chắc phải phản ứng thế nào. “Được rồi.” Chị liếc mắt sang đồng hồ đeo tay. “Anh có cuộc họp lúc bảy giờ ba mươi với ông Goddard.”
“Ông ấy vẫn chưa tới.”
Chị lại nhìn đồng hồ. “Ông ấy sẽ tới. Thực ra tôi cá là ông ấy vừa mới đến. Ông ấy giữ một thời gian biểu rất đều đặn. Ồ, chờ đã.” Chị trao cho tôi một tài liệu nhìn rất hoành tráng, phải dài đến cả trăm trang, bọc trong da giả gì đó, trên đề BAIN & CÔNG TY. “Flo bảo ông Goddard muốn anh đọc cái này trước buổi họp.”
“Buổi họp là... hai phút rưỡi nữa.”
Chị nhún vai.
Đây có phải bài kiểm tra đầu tiên cho tôi không? Tôi không đời nào lại đọc được dù chỉ một trang của cái mớ lảm nhảm không thể hiểu nổi này trước khi họp, và tôi chắc chắn sẽ không đến muộn. BAIN & CÔNG TY là một hãng tư vấn quản lý toàn cầu cao giá, hay nhận những gã trạc tuổi tôi, những gã hiểu biết thậm chí còn ít hơn tôi, và vắt kiệt sức lao động của họ cho tới khi họ biến thành lũ ngu xuẩn chảy dãi, bắt họ tới các công ty và viết báo cáo, và thu hàng trăm nghìn đô cho sự thông thái giả tạo của mình. Tài liệu này có nhãn BÍ MẬT CỦA TRION. Tôi đọc lướt nó thật nhanh, và tất cả những câu rập khuôn và từ thông dụng nhảy ngay ra phía trước - “tổ chức lại quản trị tri thức”, “lợi thế cạnh tranh”, “tối ưu hóa hoạt động”, “chi phí không hiệu quả”, “những điểm không kinh tế về quy mô”, “giảm thiểu những việc không-gia-tăng-giá-trị”, vân vân vân - và tôi biết tôi thậm chí không cần phải đọc để biết chuyện gì sẽ xảy ra.
Cắt giảm nhân sự. Gặt đầu người trên cánh đồng đầy những lô làm việc.
Hấp dẫn ghê, tôi nghĩ. Hoan nghênh đến với cuộc sống ở tầng cao.