Đời ảo - Chương 50 - 51 - 52
50
Chìa khóa vào văn phòng Camilletti mãi vẫn không tìm thấy ở đâu.
Tôi đã kiểm tra tất cả những nơi thông thường - mọi ngăn kéo bàn của nhân viên hành chính, trong chậu cây và hộp đựng ghim giấy, thậm chí cả tủ hồ sơ. Bàn của cô ta để mở ra hành lang, hoàn toàn lộ liễu, và tôi bắt đầu thấy căng thẳng khi cứ lục lọi quanh đó, rõ ràng tôi không thuộc về nơi này. Tôi tìm sau điện thoại, dưới bàn phím, dưới máy tính của cô ta. Có phải nó được giấu ở mặt dưới của ngăn bàn kéo bàn không? Không. Dưới bàn vậy? Cũng không. Có một khu vực phòng đợi nhỏ gần bàn của cô ta - chỉ là một chiếc ghế bành, bàn cà phê và vài cái ghế đẩu. Tôi tìm quanh đó, nhưng không thấy gì cả. Không có chìa khóa.
Vậy hẳn cũng không phải quá vô lý khi giám đốc tài chính của công ty có thể thực sự áp dụng một hai biện pháp an ninh đề phòng gì đó, khiến người ta khó đột nhập vào được văn phòng của mình. Phải khâm phục điều đó, đúng không?
Sau mười phút căng thẳng đến nghẹt thở tìm đủ mọi nơi, tôi quyết định không nhất định phải như thế, khi đột nhiên tôi nhớ ra một chi tiết nhỏ kỳ quặc về văn phòng mới của mình. Giống như tất cả các văn phòng khác trên tầng điều hành, nó được trang bị máy phát hiện chuyển động, không an ninh cao như tên nó gợi đến. Nó thực ra là một thiết bị an toàn thông thường trong những văn phòng cấp cao - một cách để chắc chắn là không bao giờ có ai bị khóa lại trong văn phòng của chính mình. Chỉ cần còn có chuyển động trong phòng, cửa sẽ không khóa lại. (Thêm bằng chứng là các văn phòng trên tầng bảy thực sự hơi nhiều bình đẳng hơn bình thường một chút.)
Nếu tôi nhanh tay, tôi có thể lợi dụng điều này...
Cửa vào văn phòng của Camilletti làm bằng gỗ gụ cứng, bóng loáng, nặng nề. Không có khoảng trống giữa cửa và tấm thảm tuyết dày; tôi thậm chí không thể đẩy một mẩu giấy trượt vào dưới nó. Điều này khiến chuyện trở nên hơi phức tạp một tí - nhưng không phải là bất khả thi.
Tôi cần một cái ghế để đứng lên, không phải ghế của nhân viên hành chính, nó có thể trượt trên bánh xe nhỏ và không vững chắc. Tôi tìm thấy một cái ghế có lưng ở khu vực phòng đợi và mang nó tới sát tường kính của văn phòng Camilletti. Rồi tôi quay lại khu vực phòng đợi. Trải ra trên bàn cà phê là đủ loại báo và tạp chí thông thường - tờ Thời báo Tài chính, tờ Tổ chức Đầu tư, CFO, Forbes, Fortune, Kinh doanh 2.0, Barron...
Barron. Phải. Nó được đấy. Nó mang kích cỡ, hình dáng và trọng lượng của một tờ báo khổ nhỏ. Tôi cầm lấy nó, rồi - nhìn quanh một lần nữa để chắc chắn rằng mình không bị bắt gặp làm điều mà mình thậm chí không thể bắt đầu giải thích nổi - tôi trèo lên ghế và đẩy một tấm trần cách âm vuông lên.
Tôi với vào khoảng trống phía trên trần, vào cái chỗ tối tăm bụi bặm đầy kẹt những dây, cáp và đủ thứ hổ lốn, tìm tấm trần tiếp theo, tấm nằm thẳng phía trên văn phòng của Camilletti, và nâng cả nó lên, đặt nó lên khung lưới sắt.
Cầm lấy tờ Barron, tôi với ra, chầm chậm hạ nó xuống, huơ huơ. Tôi hạ nó thấp nhất có thể, vẫy mạnh thêm một chút - nhưng không có gì xảy ra. Có lẽ máy phát hiện chuyển động không với lên được cao đến thế. Cuối cùng, tôi đứng trên đầu ngón chân, gấp khuỷu tay lại càng chặt càng tốt, và xoay xở hạ được tờ báo thêm độ một gang, vẫy loạn xạ cho tới khi tôi thực sự bắt đầu bị căng vài cơ bắp.
Và tôi nghe thấy một tiếng cách.
Một tiếng cách nhẹ, không nhầm lẫn vào đâu được.
Kéo tờ Barron về, tôi đặt lại tấm trần cách âm khít khao vào đúng chỗ. Rồi tôi leo xuống, đặt ghế về chỗ cũ.
Và thử vặn núm cửa phòng Camilletti.
Cửa mở ra.
Trong túi đi làm, tôi mang theo vài dụng cụ, bao gồm cả một đèn flash hiệu Mag-Lite. Tôi lập tức kéo mành cửa Venetian, đóng cửa lại, rồi bật luồng ánh sáng mạnh lên.
Văn phòng của Camilletti cũng thiếu tính cá nhân như văn phòng của bất cứ ai khác - cũng những tấm ảnh gia đình trong khung như phổ biến, thẻ đồng và giải thưởng, cũng hàng sách kinh doanh cổ điển mà tất cả bọn họ đều giả vờ mình có đọc. Thực ra văn phòng này khá là đáng thất vọng. Đây không phải là một phòng ở góc, không có cửa sổ từ trần tới sàn như ở hãng Truyền thông Wyatt. Không có quang cảnh gì cả. Tôi tự hỏi liệu Camilletti có ghét phải tiếp khách quan trọng ở trong một văn phòng khiêm tốn như thế này không. Đây có thể là phong cách của Goddard, nhưng nó chắc chắn không phải là của Camilletti. Dù bủn xỉn hay không, hắn vẫn có vẻ phô trương. Tôi nghe nói là có một khu tiếp khách xa hoa trên tầng mái của tòa nhà điều hành, Cánh A, nhưng tôi không biết người nào đã từng được thấy nó. Có lẽ đó là nơi Camilletti tiếp các ông to.
Máy tính của hắn vẫn để mở, nhưng khi tôi gõ phím cách trên bàn phím màu đen hiện đại, và màn hình sáng lên, tôi thấy dòng chữ NHẬP MẬT KHẨU, con trỏ nhấp nháy. Không có mật khẩu, dĩ nhiên, tôi không thể vào các tập tin trong máy tính hắn được.
Nếu hắn có viết mật khẩu xuống đâu đó, tôi rõ rành rành không tìm nổi nó - trong ngăn kéo, dưới bàn phím, dán vào đằng sau cái màn hình phẳng to đùng. Không nơi nào cả. Chỉ để cho có, tôi gõ tên tài khoản của hắn (PCamilletti@trionsystems.com) và rồi cũng mật khẩu đó, PCamilletti.
Không được. Hắn thận trọng hơn thế, và sau vài nỗ lực, tôi bỏ cuộc.
Tôi phải lấy mật khẩu của hắn theo cách cũ: lén lút thôi. Tôi đoán là hắn có lẽ sẽ không để ý nếu tôi đổi dây cáp nối giữa bàn phím và đầu CPU với một con KeyGhost. Và tôi làm vậy.
Phải thừa nhận rằng ở trong văn phòng của Camilletti, tôi thậm chí còn căng thẳng hơn ở trong văn phòng của Nora. Bạn sẽ nghĩ đến giờ tôi hẳn phải là dân chuyên về đột nhập văn phòng, nhưng không phải như vậy, và văn phòng của Camilletti có một rung cảm khiến tôi sợ vãi tè ra quần. Bản thân con người này đã đáng sợ, và hậu quả nếu như bị bắt quả tang thật không dám nghĩ tới. Hơn nữa tôi phải dự đoán rằng các biện pháp an ninh phòng ngừa trong các văn phòng ở mức điều hành tinh vi hơn phần còn lại của Trion. Họ phải làm như vậy. Dĩ nhiên tôi đã được đào tạo để đánh bại phần lớn các phương thức an ninh thông thường. Nhưng luôn có những hệ thống phát hiện vô hình mà không đổ chuông hay chớp đèn báo động. Khả năng đó khiến tôi sợ hãi nhất.
Tôi nhìn quanh, mò mẫm tìm cảm hứng. Vì lý do nào đó văn phòng trông có vẻ ngăn nắp và rộng rãi hơn các văn phòng tôi từng vào ở Trion. Rồi tôi nhận ra vì sao: không có các tủ hồ sơ trong này. Vì thế mà nó trông thoáng đãng như vậy. Chà, vậy thì các hồ sơ của hắn ở đâu.
Khi cuối cùng cũng đoán ra nơi chúng phải để, tôi cảm thấy như một thằng ngốc. Dĩ nhiên. Chúng không có ở đây, bởi vì không có chỗ, và chúng không có ở chỗ nhân viên hành chính của hắn, bởi nó quá lộ liễu với mọi người, không đủ bảo mật.
Chúng phải ở trong phòng đằng sau. Giống như Goddard, mỗi điều hành viên cấp cao nhất ở Trion đều có văn phòng đôi, một phòng họp đằng sau cùng cỡ với đằng trước. Đó là cách Trion lách qua vấn đề bình-đẳng-về-không-gian-văn-phòng. Đó, văn phòng của ai cũng cùng cỡ, chỉ có điều những gã trên đỉnh có hai cái mà thôi.
Cửa vào phòng họp bị khóa. Tôi chiếu đèn Mag-Lite quanh phòng, thấy một cái máy sao chép nhỏ, để ý rằng mỗi mặt tường đều xếp những tủ hồ sơ gỗ gụ. Ở giữa là một chiếc bàn tròn, như của Goddard nhưng nhỏ hơn. Từng ngăn kéo được dán nhãn tỉ mỉ như dưới bàn tay của một kiến trúc sư. Hầu hết đều đựng các bản ghi về tài chính và kế toán, có lẽ sẽ có thông tin hay miễn là tôi biết phải tìm ở đâu.
Nhưng khi tôi thấy ngăn kéo dán nhãn sự PHÁT TRIỂN CỦA TẬP ĐOÀN TRION, tôi mất hết hứng thú với những thứ khác. Sự phát triển của tập đoàn chỉ là một từ chuyên ngành trong kinh doanh chỉ về sát nhập và mua lại. Trion khét tiếng vì việc nuốt trọn những công ty mới, hoặc cỡ nhỏ và trung. Trong những năm tăng trưởng mạnh cuối thập niên chín mươi của thế kỷ hai mươi thì nhiều hơn bây giờ, nhưng họ vẫn mua lại vài công ty một năm. Tôi đoán những hồ sơ này ở đây vì Camilletti giám sát các vụ mua lại, tập trung chủ yếu vào vấn đề chi phí, tiềm năng đầu tư, những chuyện như thế.
Và nếu Wyatt đoán đúng rằng Dự án AURORA là tập hợp của một loạt công ty Trion đã bí mật mua lại thì câu trả lời cho điều kỳ bí AURORA hẳn phải ở đây.
Tủ cũng không khóa, lại một may mắn nữa. Tôi đoán đó là vì nếu bạn không thể vào được văn phòng sau của Camilletti, bạn thậm chí sẽ không đến gần được các tủ hồ sơ, vì vậy khóa chúng chỉ thêm phiền phức không cần thiết.
Có cả đống hồ sơ ở đây, về những công ty mà Trion hoặc mua lại cả gói, mua một phần, hoặc tìm hiểu kỹ và quyết định không dính líu vào. Tôi nhận ra một số tên công ty, nhưng phần lớn thì không. Tôi xem lướt qua một tập hồ sơ về mỗi công ty để cố đoán ra chúng là về cái gì. Đây là một công việc khá chậm chạp, và tôi thậm chí không biết mình đang tìm gì, thật đấy. Làm thế quái nào mà tôi biết được liệu một công ty nhỏ mới thành lập nào đó có phải là một phần của AURORA không, khi tôi thậm chí còn không biết AURORA là cái gì? Có vẻ thật bất khả thi.
Nhưng rồi rắc rối của tôi được giải quyết.
Một trong những ngăn kéo về sự phát triển của tập đoàn dán nhãn DỰ ÁN AURORA.
Và nó đấy. Đơn giản như vậy thôi.
51
Thở gấp, tôi mở ngăn kéo ra. Tôi đã phần nào nghĩ ngăn kéo sẽ trống trơn, như những hồ sơ AURORA trong bộ phận nhân sự. Nhưng nó không trống. Nó xếp chật các tập hồ sơ, được đánh mã màu theo một cách nào đó tôi không hiểu, từng tập được đóng dấu TRION TUYỆT MẬT. Đây rõ ràng là thông tin tốt.
Theo những gì tôi thấy, những hồ sơ này là về vài công ty mới thành lập - hai cái ở Thung lũng Silicon, California và một vài công ty khác ở Cambridge, Massachusetts - được Trion gần đây mua lại với những điều khoản về bảo mật tuyệt đối. “Hoạt động kín,” hồ sơ ghi vậy.
Tôi biết đây là chuyện lớn, chuyện gì đó quan trọng, và mạch tôi thực sự đập loạn lên. Từng trang được đóng dấu BÍ MẬT hoặc THÔNG TIN MẬT. Thậm chí ngay trong những hồ sơ tuyệt mật, được giữ ở văn phòng khóa kín của Giám đốc Tài chính như thế này, ngôn ngữ sử dụng vẫn khó hiểu, cứ úp úp mở mở. Có những câu, những đoạn như “Đề xuất mua lại sớm nhất” và “Phải giữ dưới tầm ra đa”.
Vậy là bí mật của AURORA nằm ở đây.
Tôi thật sự không hiểu được dù có miệt mài với những hồ sơ như thế nào. Một công ty dường như đã phát triển được giải pháp để kết nối các thành phần điện tử với quang học trong một mạch tích hợp. Tôi không biết thế có nghĩa là gì. Có ghi chú nói rằng công ty đó đã giải quyết được vấn đề “hiệu suất thấp của vật liệu bán dẫn”.
Một công ty nữa đã tìm ra cách để sản xuất hàng loạt mạch lượng tử. Được rồi, nhưng thế nghĩa là gì chứ? Một vài công ty khác hoạt động trong ngành phần mềm, nhưng tôi chẳng có khái niệm họ làm gì.
Một công ty gọi là Liên hợp Delphos. - công ty này thực sự lại tỏ ra thú vị - đã xây dựng được quá trình chế luyện và sản xuất một hợp chất hóa học nào đó gọi là inđi phốt phua, tạo thành bởi “tinh thể nhị phân từ nguyên tố kim loại và phi kim loại”, dù nó nghĩa là gì đi nữa. Thứ này có “thuộc tính hấp thụ và truyền dẫn quang học độc nhất vô nhị”, theo bản tường trình chi tiết của nó. Hình như nó được sử dụng để chế tạo một loại laser nào đó. Theo những gì tôi thấy, Liên hợp Delphos đã thao túng thị trường inđi phốt phua. Tôi chắc chắn rằng những đầu óc khá khẩm hơn tôi sẽ đoán ra được một lượng lớn inđi phốt phua thì làm nên được chuyện gì. Ý là, một người thì cần đến bao nhiêu laser cơ chứ?
Nhưng đây mới đến phần thú vị: Hồ sơ về Delphos được đóng dấu CHỜ MUA LẠI. Như vậy Trion đang thương thuyết để mua công ty này. Hồ sơ đầy thông tin về tài chính, chỉ là một đám mờ ảo trước mắt tôi. Có một tài liệu mười hay mười hai trang, một bản điều khoản chuẩn bị cho việc Trion mua lại Delphos. Dòng cuối hình như là Trion ra giá năm trăm triệu đô để mua công ty. Có vẻ như các viên chức của công ty, một đám nhà khoa học nghiên cứu từ Palo Alto, cũng như một hãng đầu tư vốn mạo hiểm đặt tại London sở hữu phần lớn công ty này, đã đồng ý với các điều khoản. Phải rồi, nửa tỷ đô hẳn có thể bôi trơn mọi chuyện. Họ chỉ còn mỗi việc tô thêm dấu chấm trên chữ i mà thôi. Người ta đã tạm lên kế hoạch cho ra một thông báo trong vòng một tuần tới tính từ bây giờ.
Nhưng tôi phải làm thế nào để sao chép những hồ sơ này? Sẽ lâu vô cùng - hàng tiếng đứng trước máy sao chép. Lúc này đã là sáu giờ sáng, và nếu Jock Goddard tới làm vào bảy giờ ba mươi, bạn nên tin rằng Paul Camilletti đến trước lúc đó. Vì vậy tôi thật sự phải cuốn xéo khỏi đây. Tôi không có thời gian để sao chép.
Tôi không thể nghĩ ra cách nào khác ngoài lấy chúng. Có lẽ chuyển vài hồ sơ từ đâu đó vào lấp đầy khoảng trống, và rồi...
Và rồi làm phát sinh đủ loại báo động ngay khi Camilletti hay trợ lý của hắn cố tìm hồ sơ AURORA.
Không. Ý tồi.
Thay vì thế, tôi lấy ra từ tám hồ sơ công ty, mỗi tập một hai trang quan trọng, bật máy phô tô lên và sao chép lại chúng. Trong chưa đầy năm phút, tôi đặt lại các trang giấy vào cặp hồ sơ và cho bản sao vào túi mình.
Tôi đã xong việc, và đến lúc cuốn gói khỏi đây rồi. Nâng một thanh trên tấm mành che cửa sổ của văn phòng phía trước lên, tôi ghé mắt nhìn ra để chắc chắn không có người đến.
Vào sáu giờ mười lăm phút sáng, tôi đã trở lại văn phòng của mình. Suốt cả ngày hôm đó tôi sẽ phải mang theo mình những hồ sơ AURORA tuyệt mật này, nhưng như thế còn tốt hơn bỏ chúng lại ngăn kéo tủ với nguy cơ bị Jocelyn phát hiện ra. Tôi biết nghe có vẻ hoang tưởng, nhưng tôi phải dự trù rằng Jocelyn có thể sẽ lục lọi ngăn kéo tủ của tôi. Có thể chị ta là trợ lý hành chính “của tôi”, nhưng chi phiếu lương của chị ta là do Hệ thống Trion trả, không phải tôi.
Vào đúng bảy giờ, Jocelyn đến. Chị ngó đầu vào văn phòng tôi, nhướn mày và nói, “Chào buổi sáng,” với giọng điệu ngạc nhiên và đầy hàm ý.
“Chào buổi sáng, Jocelyn.”
“Anh đến sớm thật.”
“Ờ,” tôi lẩm bẩm.
Rồi chị nheo mắt. “Anh... anh tới đây một lúc rồi cơ à?”
Tôi thở hắt ra. “Chị không biết thì tốt hơn,” tôi nói.
52
Bài thuyết trình lớn của tôi cho Goddard cứ bị hoãn lên hoãn xuống. Nó đáng lẽ ra phải vào tám giờ ba mươi, nhưng mười phút trước đó, tôi nhận được tin nhắn của Flo trên InstaMail bảo rằng buổi họp giữa đội ngũ điều hành của Jock được ưu tiên trước nên phải lùi lại chín giờ. Rồi lại một thông báo tức thời nữa từ Flo: cuộc họp vẫn chưa có dấu hiệu kết thúc, lùi lại tới chín giờ ba mươi.
Tôi đoán tất cả các quản lý cấp cao đều đang đấu đá nhau xem ai sẽ phải chịu gánh nặng của cuộc cắt giảm. Có lẽ tất cả bọn họ đều ủng hộ cắt giảm nhân sự, theo một cảm nhận chung nào đó, nhưng không phải ở bộ phận của mình. Trion cũng không khác gì hơn so với các tập đoàn khác: càng nhiều người dưới bạn trên sơ đồ tổ chức, bạn càng có nhiều quyền lực. Không ai muốn mất nhân số.
Tôi đói lả, vì vậy tôi nhấm từng khúc một thanh protein. Tôi cũng thấy kiệt sức, nhưng tôi quá căng thẳng nên không thể làm gì khác ngoài việc tiếp tục hoàn thiện bài thuyết trình PowerPoint của mình, làm nó càng mượt mà hơn nữa. Tôi chèn vào giữa các slide hiệu ứng mờ dần. Tôi nhét vào hình người que đang gãi đầu với một dấu hỏi trên đầu, chỉ để đem lại tiếng cười thư giãn. Tôi cứ tỉa dần từ ngữ: tôi đã đọc ở đâu đó về Quy tắc “con số Bảy” - không có nhiều hơn bảy từ trên một dòng và bảy dòng hay gạch đầu dòng trên một trang. Hay đó là Quy tắc “con số Năm” nhỉ? Chắc bạn cũng đã nghe thấy rồi[19]. Tôi đoán Jock có thể sẽ hơi ít tính kiên nhẫn và sự tập trung, xét trong hoàn cảnh ông ta đang phải trải qua, vì vậy tôi cứ tiếp tục làm nó ngắn hơn, súc tích hơn.
[19] Adam nhớ nhầm, đúng ra phải là Quy tắc “con số Sáu”.
Càng đợi, tôi càng căng thẳng, và bài trình chiếu PowerPoint của tôi càng trở nên tối giản. Nhưng hiệu quả đặc biệt càng lúc càng đáng nể hơn. Tôi còn mò ra làm thế nào để biểu đồ thanh co vào và mở ra trước mắt. Goddard sẽ ấn tượng đây.
Cuối cùng, vào mười một giờ ba mươi, tôi nhận được thông báo từ Flo bảo rằng giờ tôi có thể đến Trung tâm Chỉ thị Điều hành, vì buổi họp đang đi đến hồi kết.
Mọi người đang đi ra khi tôi tới đó. Tôi nhận ra được vài người - Jim Colvin, Giám đốc Điều hành; Tom Lundgren; Jim Sperling, đứng đầu bộ phận Nhân sự; một vài phụ nữ dáng vẻ quyền thế. Không ai có vẻ vui mừng gì cho cam. Goddard bị một đám người huyên náo vây quanh, tất cả đều cao hơn ông ta. Trước tôi không thực sự nhận ra ông nhỏ con như thế nào. ông trông cũng thật tệ - mắt đỏ ngầu, viền đỏ, quầng dưới mắt thậm chí còn to hơn mọi khi. Camilletti đứng cạnh ông, và họ dường như đang tranh cãi. Tôi chỉ nghe được vài đoạn.
“... Cần nâng sự chuyển hóa của nơi này lên,” Camilletti nói.
“... Đủ loại phản đối, đúng là mất khí thế,” Goddard lẩm bẩm.
“Cách tốt nhất để xử lý phản đối là một cái rìu đẫm máu,” Camilletti nói.
“Thường thì tôi thích thuyết phục đơn thuần kiểu cổ điển hơn,” Goddard mệt mỏi. Những người khác đứng thành vòng quanh hai người, xem họ tranh cãi.
“Giống như Al Capone đã nói, ông làm được nhiều việc bằng lời tử tế và một khẩu súng, hơn là chỉ bằng lời tử tế suông,” Camilletti nói. Hắn cười.
“Tôi chắc tiếp theo anh sẽ bảo tôi anh phải đập trứng để làm trứng ốp lết.”
“Lúc nào ông cũng đi trước tôi một bước,” Camilletti nói, vỗ vào lưng Goddard khi hắn bước đi.
Trong lúc đó, tôi bận rộn cắm máy tính xách tay vào máy chiếu gắn với bàn họp. Tôi bấm nút để hạ mành bằng điện.
Giờ chỉ còn Goddard và tôi trong phòng tối. “Chúng ta có gì đây - nhạc kịch à?”
“Xin lỗi, chỉ là một bài thuyết trình thôi,” tôi nói.
“Tôi không chắc tắt đèn là ý hay đâu. Tôi rất có thể sẽ ngủ gục ngay mất,” Goddard nói. “Tôi đã thức gần như cả đêm, khổ sở vì tất cả chuyện vớ vẩn này. Tôi coi vụ cắt giảm này là một thất bại cá nhân.”
“Không phải đâu,” tôi nói, rồi thầm rúm người lại. Tôi là ai mà cố an ủi Tổng Giám đốc Điều hành chứ? “Dù sao,” tôi nhanh chóng bổ sung, “tôi sẽ nói ngắn gọn thôi.”
Tôi bắt đầu với một hình ảnh động rất hay về Trion Maestro, tất cả các mẩu ảnh bay vào từ ngoài màn hình rồi khớp hoàn hảo với nhau. Sau đó là hình người gãi đầu với dấu hỏi chấm trên đầu.
Tôi nói, “Điều duy nhất nguy hiểm hơn việc ở trong thị trường điện tử tiêu dùng thời nay là hoàn toàn không ở trong thị trường này.” Giờ chúng tôi đang ở trong một chiếc xe đua Công thức Một lao với tốc độ nhanh hơn ánh sáng. “Bởi nếu anh không lái chiếc xe thì anh có thể sẽ bị chẹt qua.” Rồi một slide trôi lên, có ghi ĐIỆN TỬ TIÊU DÙNG TRION - THIỆN, ÁC, TÀ.
“Adam.”
Tôi quay lại. “Vâng?”
“Chuyện quái quỷ gì thế này?”
Mồ hôi túa ra sau gáy tôi. “Đó chỉ là phần mở đầu,” tôi nói. Rõ ràng là quá đà. “Giờ chúng ta sẽ vào phần chính.”
“Anh có nói cho Flo biết điều anh định làm không, thứ này gọi là cái quỷ gì thế, Power - PowerPoint?”
“Không...”
Ông đứng dậy, đi tới chỗ công tắc đèn và bật đèn lên. “Chị ta lẽ ra phải cho anh biết - tôi ghét thứ tào lao đó.”
Mặt tôi nóng bừng. “Tôi xin lỗi, không ai nói gì cả.”
“Chúa ạ, Adam, anh là một thanh niên thông minh, sáng tạo, suy nghĩ độc đáo. Anh nghĩ tôi muốn anh lãng phí thời gian cố quyết định xem nên dùng kiểu chữ Arial cỡ mười tám hay Times Roman cỡ hai mươi tư à, vì Chúa? Thế anh nói luôn cho tôi biết anh nghĩ gì thì sao nhỉ? Tôi không phải thằng nhóc. Tôi không cần được bón cho món bột lúa mì chết tiệt này.”
“Tôi xin lỗi...” tôi lại lặp lại.
“Không, tôi xin lỗi. Lẽ ra tôi không nên gắt với anh. Hạ đường huyết, có lẽ vậy. Đến giờ ăn trưa rồi, và tôi chết đói mất.”
“Tôi có thể xuống lấy cho chúng ta ít bánh sandwich.”
“Tôi có ý hay hơn,” Goddard nói.