Lá nằm trong lá - Chương 09
Mẫu mực trong tình cảm chưa chắc đã là mẫu mực trong học tập.
Kết quả thi học kỳ hai, và tính chung cả năm, thằng Thọ xếp dưới tôi, Hòa, Sơn, chỉ trên mỗi thằng Lợi.
Tính cả ban báo chí, toàn bộ thi sĩ lẫn văn sĩ đều xếp dưới các nàng thơ, thế mới nhục!
Tôi đau nhất, vì năm lớp tám, lúc thằng Thọ chưa bày ra bút nhóm Mặt Trời Khuya và chưa làm trưởng ban báo chí nhà trường, tôi học khá hơn nhiều. Cuối năm lớp tám, tôi đứng hạng nhì, ngày bế giảng ôm phần thưởng đến xệ cả vai, phải nhờ thằng Sơn lấy xe đạp chở về.
Năm nay tôi tụt xuống hạng sáu. Thỏ Con năm ngoái xếp hạng mười, năm nay đột ngột vọt lên hạng nhì, chiếm chỗ của tôi khiến tôi ấm ức vô kể. Tôi với nó là một cặp, cả năm dung dăng dung dẻ bên nhau, chia ngọt sẻ bùi bao nhiêu thứ, thế mà trong khi tôi cặm cụi lo làm thơ… cho nó thì nó cắm cổ học bài làm bài để bây giờ nó trèo lên cao chót vót và co cẳng đạp tôi văng tuốt luốt xuống dưới.
Mẹ tôi chắc cũng nghĩ như tôi. Khi nghe tôi rụt rè thông báo thứ hạng, mẹ tôi lắc đầu và nhìn tôi bằng ánh mắt phiền muộn như nhìn một đứa con hư:
- Con suốt ngày cứ cặp kè với mấy đứa con gái, đầu óc đâu mà học hành hả con!
Ba tôi cụ thể:
- Tao mà thấy mày rớ vô chiếc honda của tao lần nữa, tao đánh mày què tay!
Tôi đứng hạng sáu, đã ủ ê như thế, thằng Thọ xếp hạng mười lăm, tôi tưởng nó sầu đời đến mức nhảy xuống sông Ly Ly làm bạn với Hà Bá, nào ngờ nó tỉnh queo. Tôi trêu nó:
- Mày là thi sĩ lừng danh Lãnh Nguyệt Hàn, lại là trưởng ban báo chí, vậy mà xếp hạng dưới Hạt Dưa cả chục bậc, mày không thấy xấu hổ với nó hả?
- Ngu! Việc gì xấu hổ! – Thọ nhún vai như một triết gia và khi mở miệng thì nó giống triết gia thật – Thi sĩ ra đời là để hy sinh cho các nàng thơ, nếu không thế Thượng Đế chẳng sinh ra thi sĩ làm gì. Đàn ông con trai chứ đâu phải mớ giẻ rách mà lúc nào cũng tranh hơn thua với bọn con gái!
Tôi cảm giác lập luận của Thọ có vẻ ngụy biện nhưng tôi vẫn khoai khoái, ít ra là vì nếu có đứa nào trêu tôi (như tôi đang trêu Thọ) tôi có thể dùng lý lẽ của nó để đáp trả. Lòng nghĩ vậy, nhưng tôi vẫn chọc ngoáy nó, sung sướng khi thấy một đứa có hoàn cảnh khốn nạn giống mình:
- Tao nhớ năm ngoái lúc chưa cặp với Hạt Dưa thì mày đứng hạng tám, Hạt Dưa đứng hạng mười. Năm nay nó ngồi lên đầu mày rồi!
Tôi chọc tức, giọng hả hê. Nhưng Thọ chẳng tức. Nó nhếch môi:
- Lại ngu! Mày đừng bắt tao tin mày vừa lọt lòng mẹ đã ngu rồi đấy nhé!
Đột ngột, nó quắc mắt:
- Mày là Cỏ Phong Sương mà cóc biết sứ mệnh của thi sĩ là gì! Chỉ toàn so bì những thứ vớ vẩn!
Thấy mặt tôi nghệt ra thay cho câu hỏi “Là gì?”, Thọ xung tay làm một tràng:
định nghĩa “Làm thi sĩ nghĩa là ru với gió/ Mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”. Xuân Diệu cũng cóc thuộc bài, cũng dốt toán như tao. Rất có thể lúc học lớp chín, Xuân Diệu cũng xếp hạng mười lăm. Nhưng Xuân Diệu hãnh diện vì điều đó: “Hãy biết rằng tôi lúc ở trường/ Rất tồi toán pháp, khá văn chương/ Chàng trai đi học nghe chim giảng/ Không thuộc bài đâu: ấy sự thường!”.
Thọ đập tay lên lưng tôi, cười hè hè:
- Nếu hổi đi học Xuân Diệu không suốt ngày “ru với gió, mơ theo trăng và vơ vẩn cùng mây”, lớn lên ông chẳng thể trở thành nhà thơ xuất chúng được! Thi sĩ chỉ cần làm thơ hay, cóc cần học giỏi! Học dốt càng tốt! Mày thấy Xuân Diệu nói gì không? “Không thuộc bài đâu: ấy sự thường!”.
Nó cao hứng:
- Bị đuổi học càng tốt nữa!
Thọ càng nói càng chướng tai, nhất là khoản bị đuổi học. Nhưng tôi không đủ lý lẽ để bắt bẻ nó, chỉ ngây ngô hỏi lại:
- Thiệt không đó mày, chuyện bị đuổi học ấy?
Thọ chẳng thèm trả lời tôi. Nó hỏi lại:
- Mày biết Đinh Hùng không?
- Biết! “Ta yêu em, mê từng ngón bàn chân… ”
Thọ nhún vai:
- Đó là bài Kỳ nữ. Đinh Hùng còn bài khác, hay hơn. Bài Khi mới lớn.
Không đợi tôi đề nghị, nó lim dim mắt, ngân nga:
- “Ta ném bút dẫm lên sầu một buổi/ Xa vở bài, mở rộng sách ham mê/ Đã từng phen trèo cổng bỏ trường về/ Xếp đạo đức dưới bàn chân ngạo mạn”.
Rồi nó nhe răng bình luận, trông nó khoái trá như thể cầu cho tác giả “Mê hồn ca” bị đuổi học quách cho rồi:
- Học hành kiểu đó, Đinh Hùng không bị tống cổ ra khỏi trường là tao đi đầu xuống đất!
Tôi nhìn Thọ, không một đứa học bài không bao giờ thuộc như nó lại có thể thuộc thơ nhiều đến thế. Lại toàn thơ hay. Tôi thích thơ Đinh Hùng hơn thơ Xuân Diệu. Có lẽ lúc đó tôi chưa biết yêu. Tôi mới lớn, khoái mộng giang hồ, vì vậy thích chất phóng khoáng, ngang tàng của tác giả “Mê hồn ca”, “Đường vào tình sử”.
“Xếp đạo đức dưới bàn chân ngạo mạn”, câu thơ ngông cuồng của Đinh Hùng đã bỏ bùa đứa con trai mới lớn. Tôi bắt chước Thọ, nhắm tịt mắt, nhẩm lại câu thơ trong đầu. Tôi cũng muốn “nhiều phen trèo cổng bỏ trường về” lắm, nhưng tôi còn có gia đình. Tôi còn ba mẹ. Tôi không sợ mẹ tôi quở trách. Chỉ sợ mẹ tôi buồn.
- Mẹ tao mới rầy tao về chuyện tụt hạng đó! – Tôi ngập ngừng nói.
Thọ nhìn tôi khinh khỉnh:
- Thằng Hòa động tí là kêu ba, mày động tí là kêu mẹ. Thế mà cũng đòi làm thi sĩ!
Tôi ngượng ngập:
- Nhưng…
- Không “nhưng” gì cả! – Thọ cắt ngang lời tôi – Chỉ có tụi mày mới có ba mẹ, còn Đinh Hùng mồ côi chắc? Ông cũng có ba có mẹ, nhưng ông có chí hướng của mình. Nhà thơ lớn phải biết vượt lên tình cảm “nhi nữ thường tình”!Thọ “xổ nho”, tôi đã hoảng. Nó còn ngoác miệng đọc thơ để minh họa làm tôi hoang mang quá đỗi:
- “Đời đổi mới từ ngày ta dấy loạn/ Sớm như chiều hư thực bóng hoa hương/ Ta ra đi tìm lớp học thiên đường/ Và khi đó thì mẹ yêu ngồi khóc… ”
Tôi liếm môi:
- Cũng Đinh Hùng hả mày?
- Còn ai nữa! – Thọ gật gù, cảm khái – Đinh Hùng cũng thương mẹ, cũng biết “dấy loạn” sẽ khiến “mẹ yêu ngồi khóc”, nhưng chí làm trai mà…
Tôi không biết nó vừa nói vừa theo dõi tôi qua khóe mắt. Thấy tôi đực ra như ngỗng, chắc nó khoái lắm.
Nó vỗ vai tôi trước khi bỏ đi:
- Đừng băn khoăn chuyện thứ hạng nữa nhé! Nếu quan tâm đến tiểu tiết, mày sẽ không bao giờ hoàn thành đại nghiệp
Thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn có tài rót mật vào tai người khác. Nó đi cả buổi rồi mà câu nói của nó vẫn còn làm tôi ngẩn ngơ, chếnh choáng.
Một lúc lâu, phải lúc lắc đầu cả chục cái để đầu óc thôi mụ mị, tôi mới nhận ra nó bỏ thì giờ đọc hết bài thơ này đến bài thơ khác cho tôi nghe chẳng qua là để thanh minh cho chuyện học dốt của nó.
*
* *
Bây giờ thì không chỉ Xí Muội, cô Hiền, cô Mười và lũ bạn trong trường mà ngay cả thi sĩ Lãnh Nguyệt Hàn cũng sốt ruột trước câu chuyện về chàng chăn ngựa của Lợi.
Những ngày gần đây, lúc nào tôi cũng thấy Thọ nhăn nhó:
- Thằng Lợi này! Chả biết nó định kéo lê câu chuyện của nó đến chừng nào!
Hòa tặc lưỡi:
- Tao thì tao muốn câu chuyện của nó không bao giờ kết thúc! Truyện hay, càng dài đọc càng thích!
Sơn xuýt xoa:
- Nó pê-đê mà sao nó viết chuyện tình thơ mộng quá hả tụi mày?
Thọ hừ giọng:
- Tụi mày chả có đầu óc gì hết! Hay thì hay nhưng nó phải kết thúc để tao in vô đặc san Mùa Hè chứ! Ngồi chờ nó có khi công việc hỏng bét!
Nghe Thọ nhắc chuyện làm báo, ba đứa tôi giật mình ngó nhau. Hai tuần nay, ban báo chí bọn tôi quả là tất bật vô cùng. Các nàng thơ lo việc đi mua mực, mua giấy ram và giấy stancil. Thọ phụ trách duyệt bài kiêm họa sĩ trình bày và vẽ minh họa (dĩ nhiên sau đó thầy Chinh dạy văn và thầy hiệu trưởng coi lại lần nữa). Thằng Sơn và tôi đảm nhiệm khâu đánh máy, Hòa lãnh phần quay ronéo.
Cúc Tần đã ra khỏi ban báo chí nhưng vẫn tích cực tham gia, chẳng hạn khi tôi và Sơn ngồi đánh máy chữ trong phòng giáo vụ thì nó ngồi một bên đọc bản thảo cho hai đứa tôi gõ. Chỉ đi lăng xăng ngoài đường với bọn tôi như thì nó không dám.
Riêng thằng Lợi, cũng là một thành viên trong ban báo chí nhưng chẳng bao giờ thấy nó đụng tay vào bất cứ chuyện gì. Cứ trống tan học vang lên là nó ôm cặp lủi suốt. Kêu làm gì nó cũng bảo tao bận lắm, cứ như thể nó chẳng dính dáng gì đến chuyện báo biếc.
Thọ ức lắm, nhưng chỉ biết thở dài:
- Mặc xác nó! Cứ để nó ngồi nhà viết truyện. Tụi mình chỉ cần nó đóng góp vậy thôi!
Nhưng lần này sự đóng góp của Lợi có phần bê trễ khiến Thọ lo sốt vó. Bọn tôi giục Lợi, lần nào nó cũng nói tao sắp kết thúc rồi, tao sắp kết thúc rồi nhưng rốt cuộc chẳng thấy nó đưa đoạn kết.
Thơ, văn, truyện vui, các mẩu chuyện về danh nhân địa phương, những bài lưu bút hay của học sinh các lớp, kể cả truyện Chàng chăn ngựa của nhà vua những ngày vừa qua bọn tôi đã đánh máy gần hết và đã in được phân nửa. Chỉ còn chờ phần kết truyện của văn sĩ Mã Phú.
Nhưng Lợi cứ lì ra như đất.
*
* *
Rốt cuộc, tôi và thằng Sơn quyết định mò tới nhà Lợi, quyết ép nó ngồi viết đoạn kết tại chỗ để hai đứa tôi cầm về. Tôi và Sơn đã bàn với nhau rồi. Gặp mặt Lợi là tuyên bố ngay “Mày viết không xong, tụi tao dứt khoát không về!”.
Hôm đó là chủ nhật. Thọ, Hòa và Hạt Dưa đi thành phố từ sáng sớm để đặt in bìa đặc san vì thị trấn tôi ở không có nhà in. Thành phố cũng chỉ có một nhà in duy nhất – nhà in Lam Sơn. Lam Sơn là nhà in nhỏ, chỉ in typô, nhưng đối với bọn tôi hồi đó bìa in hai màu xanh đỏ đã sung sướng lắm rồi.
Thực ra, ngay từ đầu tôi và Sơn không định đi kiếm thằng Lợi.
Thọ và Hòa tếch đi thành phố, ăn sáng xong tôi không biết làm gì nên chạy tới nhà Sơn rủ nó đi uống cà phê.
Chỉ định ngồi quán chơi một lát rồi về, nào ngờ uống cà phê xong Sơn nằng nặc rủ tôi lên nhà Xí Muội.
- Tao không có xe – Tôi chép miệng rầu rĩ – Năm nay tao tụt bốn hạng, ba tao cấm tao đụng vô chiếc honda.
- Mày yên tâm – Sơn vui vẻ – Để tao lấy chiếc 67 của ba tao chở mày đi.
Thực lòng tôi không muốn đi với thằng Sơn lên nhà Xí Muội. Hôm nay chủ nhật, tôi biết thế nào nhà Xí Muội cũng lúc nhúc đám “du học sinh” thành phố về nghỉ cuối tuần. Hôm trước thằng Sơn tuy đã hứa hẹn đủ thứ với bọn tôi nhưng tôi không tin khi nhìn thấy đám con trai cấp ba bu quanh Xí Muội tán nhăng tán cuội nó có thể giữ được bình tĩnh.
- Thôi, lên nhà nó xa lắm – Tôi tìm cớ thoái thác – Tao với mày đi đánh bi-a đi.
Sơn sầm mặt:
- Mày không đi, tao đi một mình.
- Vậy tao đi với mày.
Biết không cản được nó, tôi đành xuôi theo. Có tôi bên cạnh, nhỡ nó lên cơn điên còn có người can gián. Để “thằng cộc tính” này đi một mình, tôi chẳng yên tâm chút nào.
Tôi chỉ phòng ca, không ngờ Sơn lên cơn thật.
Khách của Xí Muội mấy chủ nhật trước chỉ là tụi con trai thị trấn ra thành phố trọ học. Đến chủ nhật này, thêm một đám “độc giả mới” kéo về. Mặt mày bọn này lạ hoắc lạ huơ, nhưng trông cách ăn mặc diêm dúa, kiểu cọ, tụi tôi biết ngay bọn nó là “dân thành phố”, chắc là bạn học cùng lớp cùng trường với đám “du học sinh” của thị trấn tôi.
So với đám con trai thị trấn, bọn này trông bảnh bao hơn (thế thằng Sơn mới bực), cách bày tỏ lòng ái mộ với văn sĩ Xí Muội văn hoa hơn và cuối cùng cách tán tỉnh cũng táo tợn hơn.
Bọn nó coi tôi và thằng Sơn như đồ cóc nhái, chẳng cần biết hai đứa tôi là ai, có quan hệ gì với Xí Muội, cứ bô bô cười nói, thản nhiên chòng ghẹo, còn nhăn nhở rủ Xí Muội hè này vô thành phố đi cắm trại chung với bọn nó.
Thi sĩ Hận Thế Nhân ngồi cạnh cố tình hắt xì hơi ầm ầm nhưng bọn này vẫn tỉnh bơ, đã vậy con nhỏ Xí Muội từ ngày giận thằng Sơn chẳng buồn quan tâm đến thái độ của thằng này nữa, cứ nói cười đưa đẩy với bọn con trai một cách vui vẻ khiến thằng Sơn như bị liệng đá tới hai lần.
Cuối cùng, nhịn không nổi Sơn hầm hầm kéo tôi ra sau hè, hầm hầm co chân đá xẹp lép cái lồng gà cạnh chái bếp, gầm gừ:
- Mày kiếm cho tao cái hộp quẹt.
- Chi vậy? – Tôi thắc mắc – Định hút thuốc cho đỡ buồn hả?
- Không! – Sơn nghiến răng ken két – Tao đốt nhà con Xí Muội!
- Giỡn chơi mày! – Tôi giật nảy – Mày muốn đi tù hả?
- Đi tù cũng được! Tao muốn đốt trụi cả thế giới!
Tôi nhớ đến bút danh Hận Thế Nhân của nó, mặt lộ vẻ lo lắng:
- Đừng có điên! Mày thích nhỏ Nguyệt chứ đâu có thích Xí Muội!
- Tụi nó mò tới Vinh Huy hoài, chắc chắn sẽ có đứa quay sang tán tỉnh nhỏ Nguyệt! – Sơn nói bằng giọng chắc như đinh đóng cột, như thể nếu điều đó không xảy ra nó sẵn sàng đâm đầu xuống sông Ly Ly.
Cũng may, từ lúc vào nhà đến giờ tụi tôi không thấy nhỏ Nguyệt đâu mặc dù bây giờ tụi tôi đã biết chủ nhật nào nó cũng về Vinh Huy chơi với mẹ và chị. Con nhỏ này hay mắc cỡ trước người lạ, chắc nó trốn biệt trong buồng. Nếu bắt gặp nhỏ Nguyệt ngồi cười cười nói nói với đám độc giả của Xí Muội, chẳng biết thằng Sơn sẽ làm những trò gì.
Hận Thế Nhân khi đã điên lên, trò khùng khùng gì nó cũng dám làm. Tất nhiên là trừ trò… đốt nhà.
Sở dĩ tôi nói như vậy vì lúc đi về, như để xả giận thằng Sơn rú ga lượn vòng vèo trên con đường viền quanh chân đồi khiến tôi suýt văng khỏi yên xe, phải vòng tay ôm chặt lấy nó.
Ngay lúc đó tay tôi chạm phải vật gì cộm cộm nơi túi áo nó:
- Mày bỏ gì trong túi vậy?
- Hột quẹt.
- Vậy sao khi nãy còn kêu tao đi kiếm?
Sơn cười khì khì:
- Tức lên thì nói vậy thôi! Tao đâu có ngu mà đi đốt nhà người ta!
*
* *
Sơn không chở tôi về nhà.
Nó băng qua nhà thương, sân vận động, chạy ngang qua tiệm thuốc bắc Xuân Lan Đường, ngang qua nhà tôi, chạy ngang qua cổng chợ.
Tôi chẳng nói gì, tưởng nó chở tôi về nhà nó chơi. Đến khi tới trước cổng nhà nó, Sơn vẫn rồ ga vọt đi luôn thì tôi không làm thinh được nữa:
- Mày chở tao đi đâu đây?
- Xuống Liễu Trì.
- Chi vậy? – Tôi ngạc nhiên, nhưng rồi sực nhớ ra – Mày định xuống nhà thằng Lợi hả?
- Ừ.
- Xuống kêu nó nộp đoạn kết truyện chàng chăn ngựa hả?
- Không! – Sơn hừ mũi – Tao xuống kêu nó nhận nó là Mã Phú!
- Dẹp đi! – Tôi xắng giọng – Hôm trước cả bọn đã thống nhất ý kiến rồi, mày không được chơi trò phá đám!
Sơn lái xe bằng 1 tay, tay kia vung lên:
- Tao không muốn tuần nào Xí Muội cũng bị quấy rầy. Cứ như thế này, sớm muộn gì nó cũng bị mẹ nó cho ăn đòn.
Lý do của Sơn nghe thật cao cả. Tôi không biết nó có nói thật lòng không nhưng tôi không nghĩ ra cách nào để phản bác.
- Thôi, được rồi! – Tôi thở ra – Chuyện đó hôm nào họp ban báo chí rồi tính.
Sơn bướng bỉnh.
- muốn tính ngay bây giờ.
- Vậy thì mày đi một mình đi! – Tôi nổi quạu – Mày thả tao xuống đây, tao đi bộ về.
- Mày nhất quyết không đi phải không?
- Không!
- Đi kiếm thằng Lợi kêu nó nộp truyện cũng không đi hả?
Tôi thụi vô lưng Sơn:
- Nếu vậy thì đi!
Cả ban báo chí không đứa nào biết nhà cậu thằng Lợi. Tôi chỉ biết nhà cậu nó ở Liễu Trì nhưng chưa tới bao giờ. Lợi cũng chẳng hề rủ bạn về nhà chơi. Sinh hoạt của nó nói chung là hoàn toàn tách biệt với bọn tôi. Nhưng tôi chẳng trách nó. Phận ăn nhờ ở đậu, lại mới dọn về, nó không thể xem nhà cậu nó như nhà của ba mẹ nó được.
Liễu Trì nhà cửa thưa thớt. Đi qua mấy khoảnh ruộng mới thấy một ngôi nhà. Thôn này ở vùng trũng nên ao đầm rải rác. Hai đứa tôi vừa đi vừa hỏi thăm đường, quanh co một hồi đã dừng xe trước cổng một ngôi nhà gạch cũ kỹ có mấy cây cau cao vút trước ngõ. Bên phải nhà là con mương chạy dọc theo rặng tre gai. Bên trái, tiếp giáp với căn nhà gạch là một chái bếp bằng tranh. Kế chái bếp là giếng nước nằm cạnh mấy bụi chuối um tùm.
Sơn dừng trước ngõ, tắt máy nhưng vẫn ngồi trên xe, quay lại nhìn tôi:
- Chắc nhà này?
- Ờ.
Sơn lại nhìn vào trong sân, nghiêng ngó, vẫn chẳng thấy một bóng người thấp thoáng.
- Lợi ơi, Lợi!
Sơn ngoác miệng kêu lớn làm tôi giật mình. Tôi chưa kịp đưa tay bụm miệng nó, nó đã rống to hơn khi nãy:
- Lợi ơi, mày có nhà không vậy?
Giọng thắng Sơn lồng lộng đến nỗi tôi có cảm tưởng cả làng đều nghe thấy nhưng trong căn nhà gạch chẳng có động tĩnh gì.
- Về thôi!– Chắc cả nhà nó đi vắng hết rồi.
Trong khi Sơn loay hoay quay đầu xe, tôi nhác thấy một đứa con gái trạc tuổi bọn tôi đang xách giỏ từ ngoài con đường đất đi vào.
Con nhỏ đó nhìn bọn tôi bằng cái nhìn thăm dò, tất nhiên hai đứa tôi cũng giương mắt ra nhìn lại nó. Hai bên tò mò nhìn nhau nhưng chẳng bên nào mở miệng.
Tôi nhận ra con nhỏ này trông quen quen, hình như tôi từng gặp nó ở đâu rồi.
Sơn chắc cũng ngờ ngợ như tôi nên sau một thoáng ngập ngừng, nó nặn ra một nụ cười nịnh nọt:
- Bạn… bạn ở đây à?
- Tôi không ở đây thì ở đâu!
Thái độ cầu cạnh của Sơn chẳng làm con nhỏ xúc động mảy may. Nó trả lời bằng giọng chua như giấm rồi xách giỏ đi thẳng một mạch vô trong sân.
Thằng Sơn bất giác đờ ra, nụ cười trên mặt nó rơi đi đâu mất.
Tôi thở hắt ra:
- Về quách! Đụng thú dữ rồi!
- Về sao được! – Sơn hừ mũi – Con nhỏ này chắc là chị em họ của thằng Lợi. Nhà nó đây mà!
Nói xong, nó quay nhìn theo con nhỏ lúc này đã về gần tới cửa, gân cổ hét lớn:
- Thằng Lợi có nhà không, bạn gì đó ơi?
Câu hỏi của Sơn rơi tõm vào im lặng.
Hai đứa tôi chưa kịp chớp mắt, con nhỏ đã biến mất sau cánh cửa.