Vợ người du hành thời gian - Phần I - Chương 04 phần 1

Bài học sinh tồn

Thứ Năm, 7/6/1973 (Henry 27 tuổi, và Henry 9 tuổi)

HENRY: Tôi đang đứng bên kia đường đối diện với Viện Nghệ thuật Chicago vào một ngày tháng Sáu nắng chói chang năm 1973, cùng với tôi tuổi lên chín. Thằng bé du hành đến từ thứ Tư; còn tôi đến từ năm 1990. Chúng tôi có một buổi chiều dài và một buổi tối để tiêu khiển cùng nhau, nên chúng tôi đã đến một trong những viện bảo tàng nghệ thuật tuyệt vời nhất thế giới cho bài học móc túi.

“Chúng ta không thể chỉ thưởng ngoạn thôi sao?” Henry nài nỉ. Thằng bé đang lo lắng.  chưa bao giờ làm việc này.

“Không. Cháu cần phải học. Cháu sẽ sống sót thế nào nếu không biết ăn trộm?”

“Ăn xin.”

“Ăn xin rất phiền phức, cháu sẽ không ngừng bị công an gô cổ. Nghe này, khi chúng ta vào trong đó, chú muốn cháu đứng càng xa chú càng tốt, giả vờ như chúng ta không biết nhau. Nhưng đủ gần để theo dõi những gì chú làm. Nếu chú đưa vật gì cho cháu, đừng làm rơi nó, hãy nhét nó vào túi nhanh hết mức có thể. Được chứ?”

“Chắc là được. Chúng ta đi xem Thánh George được không?”

“Dĩ nhiên rồi.” Chúng tôi bước qua đại lộ Michigan, đi giữa các sinh viên và những bà nội trợ đang phơi nắng trên bậc thang của viện bảo tàng. Henry vỗ vào một con sư tử bằng đồng khi chúng tôi đi qua.

Tôi cảm thấy hơi áy náy. Một mặt, tôi đang dạy cho chính mình những kĩ năng sinh tồn cần thiết bức bách. Các bài học khác trong chương trình giảng dạy này bao gồm trộm đồ trong cửa hàng, đánh người, cậy khóa, trèo cây, lái xe, đột nhập, nhảy dù vào thùng rác và cách sử dụng những đồ vật kì quái như rèm cửa và nắp thùng rác để làm vũ khí. Mặt khác, tôi đang đầu độc thằng bé ngây thơ tội nghiệp là tôi. Tôi thở dài. Phải có người đứng ra làm thôi.

Hôm nay là ngày nghỉ nên bảo tàng chật kín người. Chúng tôi đứng xếp hàng, di chuyển dần vào cửa chính và chậm rãi trèo lên những bậc thang trung tâm vĩ đại. Chúng tôi bước vào phòng trưng bày nghệ thuật châu Âu và đi lùi từ Hà Lan thế kỉ 17 đến Tây Ban Nha thế kỉ 15. Thánh George đứng hiên ngang, như mọi lần, sẵn sàng đâm xuyên qua con rồng bằng lưỡi giáo mỏng manh của mình, trong khi nàng công chúa áo hồng e thẹn đứng đợi. Bản sao tôi và tôi yêu con rồng bụng vàng vô cùng, và chúng tôi luôn cảm thấy nhẹ nhõm khi biết giờ chết của nó chưa điểm.

Henry và tôi đứng trước một bức tranh của Bernardo Martorell trong khoảng năm phút, và rồi thằng bé quay về phía tôi. Trong phòng trưng bày lúc này chỉ có hai chúng tôi.

“Không khó lắm đâu”, tôi nói. “Hãy chú ý. Tìm người nào đang lơ là. Quan sát xem họ để ví ở đâu. Hầu hết đàn ông nhét ở túi quần phía sau hoặc túi trong áo vét. Phụ nữ thì để ví sau lưng. Nếu cháu đang ở ngoài đường thì cháu có thể giật cả túi, nhưng làm vậy, cháu sẽ phải chắc chắn rằng có thể chạy nhanh hơn bất kì ai có ý định đuổi theo. Sẽ an toàn hơn nhiều nếu có thể lấy mà không bị ai phát hiện.”

“Cháu xem trên ti vi thấy họ thực hành với chiếc áo vét không người mặc có gắn chuông, nếu họ làm dịch chuyển áo vét trong khi lấy ví thì chuông sẽ kêu lên.”

“Phải, chú cũng đã xem bộ phim đó. Cháu có thể tập ở nhà. Giờ thì theo chú nào.” Tôi dẫn Henry đi từ thế kỉ 15 đến thế kỉ 17; chúng tôi đến giữa trường phái Ấn tượng Pháp. Viện nghệ thuật này nổi tiếng vì bộ sưu tập tranh thuộc trường phái Ấn tượng của nó. Tôi có thể dừng lại hoặc bỏ đi, nhưng như thường lệ, các căn phòng này chật kín người đang xô lấn, chen chúc nhau cho dù chỉ để kịp liếc nhìn Ngày Chủ Nhật ở La Grande Jatte hoặc một bức Đống rơm của Monet. Henry quá thấp để nhìn qua đầu những người lớn đang chen chúc, nên không thấy được các bức tranh, dù sao thằng bé cũng đang quá lo lắng để ngắm chúng. Tôi liếc quanh căn phòng. Một người phụ nữ cúi xuống đứa con nhỏ đang vặn vẹo khóc rống lên. Hẳn đã đến giờ ngủ trưa của nó. Tôi gật đầu với Henry và bước về phía cô ta. Túi xách của cô ta chỉ có móc gài đơn giản và được đeo trên vai, thả lỏng xuống một bên hông sau lưng. Cô ta hoàn toàn tập trung vào việc dỗ cho con khỏi khóc. Cô ta đang đứng trước bức Cối xay gió đỏ của Toulouse Lautrec. Tôi giả vờ ngắm nó trong lúc đi ngang qua, va phải cô ta, khiến cô ta bổ nhào về phía trước, tôi chụp lấy tay cô ta, “Tôi xin lỗi, tôi không để ý. Cô không sao chứ? Trong này đông quá...” Tay tôi đã luồn vào trong túi xách, cô ta bối rối. Cô ta có cặp mắt sẫm màu, tóc dài và ngực bự, vẫn đang cố giảm đi số cân đã tăng trong thời gian mang thai. Tôi nhìn vào mắt cô ta trong lúc vẫn mò tìm chiếc ví, tiếp tục xin lỗi, ví chạy tuột lên ống tay áo khoác của tôi, tôi nhìn cô ta từ đầu đến chân và mỉm cười, lùi lại, quay người bước đi, ngó nhìn qua vai. Cô ta đã bế con lên và đang nhìn tôi chằm chằm, có chút hụt hẫng. Tôi mỉm cườivà bước đi. Henry chạy theo trong lúc tôi đang đi cầu thang bộ xuống Bảo tàng Thiếu niên. Chúng tôi gặpnhau trong nhà vệ sinh.

“Thật kì quái” Henry nói. “Tại sao cô ấy nhìn chú như vậy?”

“Cô ấy cô đơn”, tôi đáp. “Có thể chồng cô ấy thường xuyên vắng nhà.” Sau khi cùng chui vào một buồng vệ sinh, tôi mở ví ra. Tên cô ta là Denise Radke, sống  Villa Park, Illinois. Cô ta là thành viên của viện bảo tàng và là cựu sinh viên Đại học Roosevelt. Cô ta mang theo 20 đô la tiền mặt, chưa kể tiền xu. Tôi chìa tất cả ra cho Henry xem trong im lặng, rồi đặt mọi thứ trở lại vào ví và đưa cho thằng bé. Chúng tôi bước ra khỏi buồng, ra khỏi nhà vệ sinh, quay trở lại cổng vào viện bảo tàng. “Đưa nó cho bảo vệ. Nói rằng cháu nhặt được trên sàn nhà.”

“Tại sao?”

“Chúng ta không cần đến nó; chú chỉ muốn làm mẫu cho cháu thôi.” Henry chạy lại phía bảo vệ - một phụ nữ da màu đứng tuổi - bà ta mỉm cười và cúi xuống ôm Henry nửa vời. Thằng bé chậm rãi quay trở lại và chúng tôi đi chỗ khác, cách đó chừng năm mét. Tôi đi trước dẫn đường xuống hành lang dài tối mò mà về sau sẽ là nơi trưng bày nghệ thuật trang trí và dẫn tới việc mở rộng khu nhà Lúa, còn lúc này chỉ là nơi chứa đầy áp-phích quảng cáo. Tôi đang tìm một mục tiêu dễ, và ngay trước mắt là đối tượng trong mơ của một kẻ móc túi. Lùn xủn, béo tốt, da cháy nắng, hắn ta trông như thể vừa đi lạc từ sân vận động Wrigley Field trong chiếc mũ bóng chày và cái quần vải poly với chiếc áo sơ mi ngắn tay, khuy nổi màu xanh sáng. Hắn đang lên lớp cho cô bạn gái rụt rè về Vincent van Gogh.

“Ông ta cắt tai của mình và tặng cho cô gái. Sao, em có thích được tặng một thứ như vậy không? Một cái tai nhé. Người ta ném ông ấy vào nhà thương điên...”

Tôi không dằn vặt chút nào khi phải móc túi gã này. Hắn điềm nhiên bước đi, cứ ông ổng nói không hề biết trời đất, ví nằm trong túi sau bên trái. Hắn ta bụng ễnh, mông lép, và chiếc ví chềnh ềnh vẫy gọi tôi lấy đi. Tôi thong thả đi sau họ. Henry có thể quan sát tường tận cảnh tôi khéo léo thò ngón cái và ngón trỏ vào túi đối tượng rồi nhẹ nhàng rút ví ra. Tôi dừng lại, họ đi tiếp, tôi luồn chiếc ví qua cho Henry và thằng bé nhét ngay vào trong quần khi tôi bước tiếp.

Tôi chỉ cho Henry một số kĩ năng khác như: cách lấy ví từ túi trong áo vét, cách che tay khi đang mò mẫm bên trong túi xách của mục tiêu, sáu cách làm phân tán một người khi đang lấy ví của họ, cách lấy ví ra khỏi ba lô, và cách khiến người ta vô tình chỉ cho bạn họ để tiền ở đâu. Thằng bé đã thư giãn hơn, thậm chí bắt đầu thấy thích thú. Cuối cùng, tôi nói, “Được rồi, giờ đến lượt cháu thử.”

Ngay lập tức thằng bé chết điếng. “Cháu không thể.”

“Dĩ nhiên cháu có thể. Hãy nhìn quanh và tìm một đối tượng.” Chúng tôi đang đứng trong phòng tranh Nhật Bản. Trong phòng toàn các phụ nữ luống tuổi.

“Không phải ở đây.”

“Vậy ở đâu?”

Thằng bé suy nghĩ một chút. “Trong nhà hàng.”

Chúng tôi im lặng đi đến nhà hàng. Tôi vẫn còn nhớ như in chuyện xảy ra. Tôi đã vô cùng sợ hãi. Tôi nhìn thằng bé và biết chắc điều đó, mặt  trắng bệch vì sợ. Tôi mỉm cười, vì tôi biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp theo. Chúng tôi đứng cuối hàng đợi đến lượt vào nhà hàng sân vườn. Henry nhìn quanh, suy nghĩ.

Đứng trước chúng tôi là người đàn ông trung niên cao lêu nghêu đang mặc một bộ vét nhẹ được may tinh tế màu nâu; không có cách nào biết được ông ta để ví ở đâu. Henry tiến lại gần, trên tay cầm một trong những chiếc ví tôi đã móc được trước đó.

“Đây có phải ví của bác không ạ?” Henry nhỏ nhẹ nói. Nó rơi dưới đất.”

“Hả? Ồ”, người đàn ông sờ túi quần sau bên phải để kiểm tra thấy ví của mình vẫn còn nguyên, ông ta nhoài người về phía Henry để nghe thằng bé rõ hơn, nhận lấy chiếc ví từ tay Henry và mở ra “Cháu nên đưa nó đến cho bảo vệ. Ồ, trong này có khá nhiều tiền.” người đàn ông liếc mắt qua cặp kính dày cộm của mình để nhìn Henry, trong khi ông ta nói và Henry luồn tay ra sau dưới lớp áo của ông ta, móc lấy chiếc ví. Vì Henry đang mặc áo phông ngắn tay nên tôi bước lại gần và nhận lấy chiếc ví từ thằng bé. Henry bỏ đi theo hướng người đàn ông chỉ dẫn, và tôi theo sau, vượt qua Henry, dẫn nó ra ngoài bảo tàng, qua mặt bảo vệ, tiến vào đại lộ Michigan cho đến khi chúng tôi dừng lại cười ranh mãnh ở Café Artists, nơi chúng tôi tự thưởng cho mình hai li kem sữa và khoai tây rán bằng những đồng tiền chúng tôi kiếm được (một cách không chính đáng). Chúng tôi ném tất cả số ví vào thùng thư sau khi đã móc hét tiền, và thuê một phòng ở Palmer House.

“Thế nào?” Tôi hỏi khi đang ngồi trên thành bể tắm nhìn Henry đánh răng.

“Sao ạ?” Henry trả lời, miệng đầy bọt kem đánh răng.

“Cháu thấy thế nào?”.

Thằng bé nhổ bọt. “Về cái gì cơ?”

“Móc túi.”

Nó nhìn tôi qua gương nói “Không tệ”, rồi quay lại nhìn thẳng vào tôi, miệng cười toe toét, “Cháu đã làm được!”

“Cháu đã làm rất tốt!”

“Đúng nhỉ?” Nụ cười vụt tắt. “Henry, cháu không thích du hành thời gian một mình. Đi với chú tốt hơn. Chú không thể luôn đi cùng cháu sao?”

Thằng bé đang đứng quay lưng lại phía tôi, và chúng tôi nhìn nhau trong gương. Tội nghiệp thằng bé tôi nhỏ bé: lưng gầy nhom, hai xương đòn gánh chòi ra như đôi cánh non. Thằng bé quay lại đợi câu trả lời, và tôi biết phải nói với nó điều gì. Tôi xoay thằng bé lại và bế nó lên để chúng tôi đứng ngang tầm nhau, mặt cùng quay vào gương.

“Cháu nhìn xem.” Chúng tôi quan sát cái bóng của nhau, cặp song sinh trong phòng tắm nguy nga mạ vàng ở Palmer House. Tóc chúng tôi cùng có màu nâu đen, mắt chúng tôi có cùng cái nhìn u ám và thâm quầng, vành tai có hình dáng y hệt nhau. Tôi cao và to con hơn, râu cạo nhẵn. Thằng bé mảnh khảnh, vụng về, chẳng có gì ngoài da và xương. Tôi đưa tay lên vuốt ngược tóc ra sau, chỉ cho thằng bé thấy vết sẹo sau tai nạn. Thằng bé làm theo trong vô thức, đưa tay chạm vết sẹo trên trán .

“Nó giống hệt của cháu”, thằng bé tôi nói, vẻ ngạc nhiên thích thú. “Sao chú cũng có nó?”

“Cùng một lí do như cháu. Nó cùng là một vết sẹo. Chúng ta là một.”

Một chút mơ hồ. Tôi đã không hiểu, rồi tôi hiểu, đơn giản vậy đấy. Tôi đứng nhìn nó diễn ra. Tôi muốn được trở thành cả hai chúng tôi cùng một lúc, để một lần nữa cảm nhận cảm giác quá sức chịu đựng, để lần đầu tiên nhìn thấy sự trộn lẫn giữa hiện tại và tương lai. Tôi đã quá quen thuộc, quá thoải mái với nó, nên tôi chỉ có thể ở ngoài nhìn vào, nhớ lại sự kì diệu của tuổi lên chín đột nhiên nhận ra người bạn, người chú, người hướng dẫn cũng chính là tôi. Tôi, chỉ tôi. Cô đơn du hành giữa dòng thời gian.

“Chú là cháu?”

“Khi cháu lớn lên.”

“Nhưng... còn những người khác thì sao?”

“Những người du hành thời gian khác?”

Thằng bé gật đầu.

“Chú không nghĩ còn ai khác. Chú chưa từng gặp bất kì ai.”

Nước mắt rớm chảy trong khóe mắt trái của thằng bé. Khi còn nhỏ, tôi đã hình dung ra cả một cộng đồng những người du hành thời gian, mà ở đó, Henry, người thầy giáo của tôi, là một đặc phái viên được cử đến hướng dẫn cho tôi để chuẩn bị cho sự gặp mặt sau cùng trong tình thân bao la. Giờ tôi vẫn cảm thấy như một kẻ bị ruồng bỏ, như thành viên cuối cùng của một loài giống đã từng đông đảo. Hệt như khi Robinson Crusoe khám phá ra bước chân trên bãi biển rồi nhận ra đó là của chính mình. Tôi, nhỏ như một chiếc lá, mỏng manh như làn nước, bắt đầu bật khóc. Tôi ôm lấy thằng bé, ôm lấy tôi, thật lâu.

“Sau đó chúng tôi gọi hai cốc sô-cô-la nóng và xem Johnny Carson. Henry chìm vào giấc ngủ khi đèn vẫn còn sáng. Khi chương trình kết thúc tôi nhìn qua và thằng bé đã biến mất, nó đã quay trở lại căn phòng cũ của bố tôi, đứng ngái ngủ bên cạnh chiếc giường rồi thả mình xuống đó trong hân hoan. Tôi tắt ti vi và tắt đèn ở đầu giường. Những âm thanh ồn ào của đường phố năm 1973 luồn qua ô cửa sổ đang mở vào trong phòng. Tôi muốn về nhà. Tôi nằm trên chiếc giường cứng ngắc của khách sạn, lẻ loi và đơn độc. Tôi vẫn không hiểu.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3