Giờ ra chơi của nhóc Nicolas - Chương 10
Bảo tàng tranh
Hôm nay, tôi rất vui bởi vì cô giáo cho cả lớp đi bảo tàng để xem tranh. Đi chơi chung cả bọn như thế đúng là vui kinh lên được. Thật đáng tiếc là cô giáo, vốn dĩ rất là tốt bụng, lại không muốn làm điều này cho nó thường xuyên hơn.
Một cái xe khách sẽ chở chúng tôi từ trường đến bảo tàng. Vì cái xe không thể đỗ ngay trước cổng trường nên chúng tôi phải băng qua phố. Thế nên cô giáo bảo chúng tôi: “Các em hãy xếp thành hai hàng và phải nắm tay nhau; và phải hết sức chú ý!” Tôi ấy à, tôi chẳng thấy thích cái đó lắm bởi vì tôi ở cạnh Alceste, cái thằng rất to béo và lúc nào cũng ăn luôn mồm, và đưa tay cho nó nắm thì chẳng dễ chịu gì. Tôi rất quý Alceste nhưng hai tay nó luôn luôn nhầy mỡ hoặc dính nhớp, tùy thuộc vào việc nó ăn cái gì. Hôm nay, tôi gặp may: hai tay nó khô. “Mày ăn gì vậy hả Alceste?” tôi hỏi nó. “Bánh quy khô”, nó vừa trả lời vừa làm bắn đầy vụn bánh vào mặt tôi.
Ở đằng trước, ngay cạnh cô giáo, là thằng Agnan. Đấy là thằng đứng đầu lớp và là cục cưng của cô giáo. Chúng tôi ấy à, chúng tôi không thích gì nó, nhưng chúng tôi không đả nó được mấy vì nó có kính. “Tiến lên, bước!” thằng Agnan hô to và chúng tôi bắt đầu băng qua đường, trong khi đó một chú cảnh sát dừng các xe ô tô lại để cho chúng tôi qua đường.
Đột nhiên, thằng Alceste thả tay tôi ra và nó nói rằng nó sẽ quay lại ngay, rằng nó đã để quen kẹo caramel ở trong lớp. Alceste bắt đầu băng qua đường theo hướng ngược lại, và còn len giữa các hàng, nên hơi bị lộn xộn một tí. “Alceste, em đi đâu đấy? cô giáo kêu lên; quay lại đây ngay!” “À phải: Alceste, cậu đi đâu đấy? Thằng Agnan nói, quay lại đây ngay!” Thằng Agnan nói vạy khiến thằng Eudes không hài lòng. Eudes rất khỏe và nó rất thích đấm vào mũi những đứa khác. “Mày nghĩ mày là ai vậy hả thằng cục cưng? Tao đấm cho mày một quả vào mũi bây giờ”, thằng Eudes nói và tiến về phía Agnan. Agnan đứng ra đằng sau cô giáo và nó nói rằng không được đánh nó, rằng nó có kính. Thế là Eudes, thằng này đang đứng ở phía cuối hàng, vì nó rất to con, đã xô đẩy tất cả bọn; nó muốn lên tóm thằng Agnan, lột kính của thằng này ra và đấm cho một quả vào mũi. “Eudes, quay về chỗ của em ngay!” cô giáo quát lên. “Đúng vậy, Eudes, thằng Agnan nói, quay về chỗ của cậu ngay!” “Tôi không muốn làm phiền tới cô, chú cảnh sát nói, nhưng tôi cũng đã phải dừng xe cộ lại một lúc lâu rồi; cho nên, nếu cô định lên lớp ngay giữa đường phố đông đúc thì cô cứ nói; để tôi sẽ cho ô tô quành vào trường vậy!” Chúng tôi ấy à, được xem chuyện đó thì chúng tôi thích lắm, nhưng cô giáo thì lại đỏ dừ hết cả mặt mũi, và qua cái cách mà cô quát chúng tôi đi lên xe khách, chúng tôi hiểu rằng đây không phải lúc để mà đùa cợt. Chúng tôi tuân lời ngay.
Chiếc xe khách đã khởi động, và ở đằng sau, viên cảnh sát đã ra hiệu cho xe cộ có thể đi tiếp, thế rồi, chúng tôi nghe thấy những tiếng phanh kít và tiếng la hét. Đấy là tại thằng Alceste nó chạy băng qua phố, với hộp kẹo caramel trong tay.
Sau rốt, thằng Alceste đã leo lên xe khách và chúng tôi có thể khởi hành được. Trước khi rẽ vào góc phố, tôi nhìn thấy chú cảnh sát quăng cái gậy trắng xuống đất, đứng giữa đống ô tô ken cứng lẫn nhau.
Chúng tôi tiến vào bên trong bảo tàng, xếp hàng ngay ngắn, ngoan ngoãn, bởi vì chúng tôi rất là quý cô giáo, và chúng tôi nhận ra rằng cô có vẻ rất chi là căng thẳng, y hệt như mẹ khi bố để rơi tàn thuốc lá xuống tấm thảm. Chúng tôi bước vào một cái sảnh lớn, có hàng đống và hàng đống các bức tranh treo ở trên các bức tường. “Các em sẽ thấy ở đây các bức tranh được vẽ bởi các bậc thầy vĩ đại của trường phái phờ la măng”, cô giáo giải thích. Cô giáo không thể nói tiếp được lâu, bởi vì một ông bảo vệ đã chạy đến và kêu thét lên bởi vì thằng Alceste đã lấy ngón tay di lên một bức họa để xem sơn vẽ có còn tươi nguyên hay không. Ông bảo vệ nói rằng không được phép sờ vào tranh và ông ta đã bắt đầu cãi vã với Alceste, cái thằng này thì bảo rằng người ta có thể sờ vào bởi vì tranh đã khô rồi và mình có sờ vào thì cũng không bị bẩn tayđược. Cô giáo bảo thằng Alceste hãy im đi và cô hứa với ông bảo vệ là sẽ trông coi chúng tôi. Ông bảo vệ vừa bỏ đi vừa lắc đầu.
Trong lúc cô giáo tiếp tục giảng giải thì chúng tôi thi nhau trượt; trò này thật hết sảy bởi vì nền nhà lát gạch vuông và rất là trơn. Cả lũ chúng tôi đều chơi, chỉ trừ mỗi cô giáo đang quay lưng lại để giải thích một bức tranh và Agnan, cái thằng đứng cạnh cô giáo và vừa nghe vừa ghi chép. Thằng Alceste cũng không trượt. Nó dừng lại trước một bức tranh vẽ các con cá, mấy miếng bít tết và hoa quả. Thằng Alceste vừa ngắm bức tranh vừa liếm mép.
Còn chúng tôi, chúng tôi chơi vui ghê và thằng Eudes trượt đúng là cực kỳ; nó trượt dài đến gần hết cả cái sảnh. Trượt chán, chúng tôi bắt đầu chơi trò nhảy cừu, nhưng chúng tôi đã phải dừng chơi bởi vì thằng Agnan đã quay đầu lại và lên tiếng: “Em thưa cô, các bạn kia chơi ạ!” Thằng Eudes rất tức và nó đã tiến đến chỗ Agnan, thằng này thì đã tháo kính ra lau nên không thấy thằng kiatới. Agnan thật là không may: nếu nó không tháo kính ra, thì nó đã chẳng xơi một quả đấm của thằng Eudes vào mũi.
Ông bảo vệ chạy tới và ông ấy bảo cô giáo rằng chẳng lẽ cô không thấy tốt hơn là cho chúng tôi đi ra hay sao. Cô giáo bảo vâng, rằng cô cũng thấy đủ lắm rồi.
Chúng tôi đang sắp sửa ra khỏi bảo tàng thì thằng Alceste tiến lại chỗ ông bảo vệ. Nó kẹp dưới nách bức tranh nhở có cả cá, bít tết với lại hoa quả mà nó rất là thích kia, và nó nói rằng nó muốn mua bức tranh. Nó muốn biết ông bảo vệ đòi giá bao nhiêu.
Khi chúng tôi ra khỏi bảo tàng, thằng Geoffroy nói với cô giáo rằng một khi cô đã mê hội họa đến thế, cô có thể đến nhà nó xem, rằng bố và mẹ nó có một bộ sưu tập hết sảy mà mọi người ai cũng phải trầm trồ. Cô giáo lấy tay lau mặt và cô nói rằng từ nay đến hết đời cô không còn muốn xem một bức tranh nào hết, rằng thậm chí cô còn muốn là đừng ai nhắc đến tranh ảnh gì với cô nữa.
Chính do đó nên tôi mới hiểu tại sao cô giáo lại có vẻ không vui về cái buổi thăm bảo tàng cùng với cả lớp. Nguyên nhân sâu xa là cô không thích hội họa.