15. Tây Ban Nha

[TÂY BAN NHA]

Sevilla - Chưa xa đã nhớ

ĐẶT CHÂN TỚI TÂY BA NHA lần đầu tiên vào những ngày giữa tháng Sáu năm 2009, tôi đã bị sốc bởi thời tiết khắc nghiệt của xứ sở này. Sau gần ba tiếng bay từ Đức, cô bạn thân Nienke đón tôi ở sân bay Sevilla. Khi xuống máy bay, câu đầu tiên tôi thốt ra là: “Trời ơi, nóng quá!” Trước đó một tháng, Nienke nhắn tin dặn tôi: “Bên này khoảng 38 độ, nhớ mang váy và quần áo mát mẻ nhé, thời tiết bên này không như ở Đức đâu.” Nhưng khi lái xe đưa tôi về nhà, Nienke bảo tôi: “Hiện tại bây giờ ở Sevilla là 44 độ.” Tôi chỉ còn biết lau mồ hôi và nói: “Chẳng trách…”

Sevilla nằm ở phía Tây Nam của Tây Ban Nha và cũng là thủ phủ của bang Andalusien. Lần đầu đến Tây Ban Nha, tôi không chỉ bị choáng bởi thời tiết mà còn bởi Tây Ban Nha khác Đức nhiều quá. Cùng nằm trong châu Âu và cũng chỉ cách nhau ba giờ bay nhưng quả thật có quá nhiều khác biệt giữa hai đất nước này. “Tây Ban Nha có nền văn hóa giống với những nước Nam Mĩ nhiều hơn”, Nienke vừa lái xe vừa tranh thủ kể cho tôi về đất nước mà cô đã ở trong vòng một năm qua. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, dù học rất giỏi nhưng cũng như rất nhiều những bạn trẻ khác ở Đức, Nienke không chọn ngay con đường vào đại học mà quyết định sẽ đi làm aupair[1] một năm vì cô nàng đã dành tình yêu cho đất nước Tây Ban Nha từ lâu. “Từ ngày đi làm aupair, cuộc sống của tớ cũng thay đổi rất nhiều, nhưng theo chiều hướng tích cực. Tớ học được rất nhiều điều và có những trải nghiệm rất quý báu”. Lời tâm sự của Nienke làm tôi thấy tiếc nuối cho quyết định của mình ngày xưa, bởi ngày đó tôi cũng đang làm giấy tờ sang Pháp một năm theo diện aupair, nhưng rồi sau đó lại đầu quân cho công ty nội thất của Đức và bỏ dở luôn kế hoạch của mình.

[1] Aupair là cụm từ Anh ngữ hóa từ tiếng Pháp có nghĩa là “đôi cặp” hoặc “ngang hàng”, để chỉ một bạn trẻ (thường là nữ) sống với một gia đình nuôi ở nước ngoài dựa trên cơ sở bình đẳng. Những người làm công việc aupair sẽ giúp đỡ gia đình đó chăm sóc trẻ, làm việc nhà hoặc cả hai trong thời gian sống như một người khách của gia đình và thông thường nhận được một khoản tiền tiêu vặt.

Nienke dẫn tôi về nhà chào gia đình bố mẹ nuôi của cô. Mẹ nuôi cô là người Đức và hiện đang giảng dạy ở trường đại học Sevilla và bố nuôi cô là bác sỹ người Tây Ban Nha. Họ có với nhau ba đứa con, hai cô con gái thì quá lém lỉnh, còn cậu út thì lại rất hiền. Vì không muốn làm phiền tới gia đình bạn nên tôi thuê hostel và ở cùng phòng với một cô gái người Pháp, nhưng hầu như ngày nào Nienke cũng ghé qua đón tôi về nhà cô ấy. Khi thì đi bơi với bọn trẻ, khi thì được bố mẹ cô mời qua ăn trưa với những món Tây Ban Nha do cô giúp việc người Maroko chế biến, khi thì cùng gia đình bố mẹ nuôi cô đi dự một buổi biểu diễn văn nghệ ngoài trời. Thời gian còn lại Nienke đưa tôi đi chơi suốt mọi nẻo đường Sevilla. Do thời tiết quá nóng nên tôi chọn phương án dậy sớm và đi chơi đêm vì đó là hai thời điểm đẹp và mát mẻ nhất trong ngày.

Sáng sớm cô nàng đến đón tôi ở Hostel rồi hai đứa lân la đi xem những kỳ quan của Sevilla gần đó như quận của người Do Thái, vườn cam, và những khu phố đông kẹt người khi trời tắt nắng. Tầm đầu giờ chiều cho đến 4h chiều thì ở ngoài phố hầu như rất vắng người vì họ bận nghỉ trưa hoặc ra hồ bơi (Sevilla là thành phố có nhiều bể bơi nhất tiểu bang, trung bình ở những khu nhà giàu thì hầu như cứ ba nhà thì một nhà có bể bơi riêng). Nienke bảo tôi: “Thời tiết như thế này vẫn còn nhiều du khách đến thăm, nhưng vào cuối tháng Bảy đầu tháng Tám thì hầu như ở Sevilla luôn vắng người vì thời tiết quá nóng, có thể lên tới 48 độ. Ngoại trừ những công ty nhà nước và các siêu thị buộc phải mở cửa thì hầu hết tất cả mọi người đều ra biển hết.” Sau đó cô bạn còn nói thêm rằng người Tây Ban Nha “lười” lắm vì họ nghỉ trưa rất lâu. Giờ nghỉ trưa của họ thường kéo dài tới 2-3 giờ đồng hồ và nó đã thành tập tục không thể bỏ qua ở đất nước này. Tây Ban Nha có một nửa đất nước giáp với biển, nên vào mùa hè, người ta thường đổ về những thành phố biển hay những hòn đảo nhỏ xinh xắn để tránh nắng.

Tôi nhớ buổi tối đầu tiên, dù mệt nhưng tôi vẫn nhất định phải đi dạo một vòng quanh phố. Sevilla rực rỡ trong những ánh đèn. Những tòa nhà sáng lấp lánh, bên những quán cà phê, mọi người thong thả ngồi nói chuyện, trẻ em nô đùa ngoài đường phố. Một ngày ở Sevilla thường bắt đầu rất muộn nên kết thúc cũng rất muộn, tôi đã không còn bỡ ngỡ và thắc mắc tại sao hơn 10h tối rồi mà trẻ con vẫn tụ tập chơi và hò hét ngoài đường và quảng trường. Bởi cuộc sống của người Tây Ban Nha thiên về đêm, buổi tối là thời điểm lý tưởng nhất để trẻ em ở Sevilla có thể nô đùa sau khi kết thúc một ngày học ở trường. Tôi để những bước chân dẫn mình đi trên những con phố nhỏ, mơ màng nhìn về phía dòng sông, ngắm Tháp chuông Giralda và những vì sao lấp lánh phía trên trời.

Chiều hôm sau, hai đứa chúng tôi rủ nhau đi dạo dọc dòng sông Guadalquivir và ngắm hoàng hôn từ từ buông xuống, tôi thấy mình như vừa trút bỏ được những bộn bề cuộc sống ngoài kia và ngắm những giọt nắng từ từ buông trên dòng nước bằng tất cả say mê. Tự nhiên tôi nhớ tới cô giáo dạy tiếng Tây Ban Nha của mình, nhớ những bài thơ cô từng đọc cho cả lớp nghe, nhớ lời cô từng kể rằng người dân Sevilla luôn tự hào về thành phố của họ vì nơi đây là nơi Christopher Columbus bắt đầu cho chuyến đi kiếm tìm thế giới của mình, nhớ nhứng ngày hè trước khi năm học kết thúc, tôi và các bạn luôn đòi cô tổ chức nấu một bữa ăn Tây Ban Nha. Nỗi nhớ vô tình gợi lại kỉ niệm khiến tôi khẽ mỉm cười. Có ai ngờ được rằng sau khi thôi học tiếng Tây Ban Nha, tôi lại đặt chân đến mảnh đất này đâu. Âu có lẽ cũng là cái duyên của cuộc sống.

Những ngày ở Sevilla, Nienke đã là một cô hướng dẫn viên thật tuyệt vời, đưa tôi thăm thú Sevilla. Cô nàng dẫn tôi đi tới Thánh đường Sevilla và Cung điện Real Alcazares. Hai công trình kiếm trúc nằm giữa trung tâm này có thể được xem là biểu tượng của thành phố và thu hút khách du lịch nhiều nhất.

Từ trên đỉnh của thánh đường bạn có thể ngắm nhìn toàn bộ thành phố và dễ dàng thấy một khu vườn với rất nhiều cam. Ở Sevilla vào khoảng tháng Tư và tháng Năm khi mùa cam bắt đầu, trên khắp các thành phố hay những công viên người ta có thể thấy hàng loạt những cây cam nặng trĩu cành. Khi chúng tôi đi dạo trong công viên, vẫn còn những cây cam cuối mùa còn sót lại. Tôi nhắm mắt và tận hưởng mùi hương của nó. Nienke quay sang dặn: “Cẩn thận kẻo vấp phải quả cam đấy” bởi dưới chân tôi những quả cam lăn tròn long lóc. Tôi vừa đi vừa bảo: “Sao cam ở đây rụng nhiều thế mà không ai nhặt nhỉ?” Cô bạn phá lên cười: “Đắng lắm làm sao mà nuốt nổi, cậu thích ăn thì gom lại đi, mang về Đức mà làm mứt”. Tính tôi xưa nay vẫn vậy, rất thường hay tiếc vặt, dù đôi khi có những thứ chẳng liên quan gì tới mình.

Thánh đường Sevilla được thiết kế theo kiến trúc Gothic và cũng là một trong những thánh đường cao nhất thế giới, Thánh đường này có chiều dài gần 115 m và rộng 76 m, ở bên trong được trang trí rất cầu kì và cũng tốn kém rất nhiều, bởi phần lớn các hình ảnh được tái hiện ở thánh đường này đều mô tả cuộc đời của Chúa Giêsu. Ở Tây Ban Nha, 90% dân số theo đạo Thiên Chúa giáo bởi vậy nên họ rất tự hào gìn giữ nét đẹp cổ truyền. Những bức tranh quý giá của Murillo, Valázquenz hay Zurbarán[2] cũng được lưu giữ ở trong này. Nienke dẫn tôi tới bàn thờ chính, nơi cất giữ mộ của Columbus, người đã phát hiện ra châu Mĩ. Thi hài ông ban đầu được chôn ở Santo Domingo rồi sau đó đã được cải táng ở Cuba và cho đến khi Cuba độc lập thì người ta mang thi hài ông về và chôn ở Sevilla. Cho đến bây giờ thì vẫn có nhiều giả thuyết cho rằng mộ của Columbus ở Sevilla chỉ là mộ giả, còn mộ thật thì vẫn được chôn ở Santo Domingo và cuộc tranh chấp giữa Sevilla và Santo Domingo vẫn diễn ra. Dạo quanh ở bên trong thánh đường, chúng tôi trèo hơn mấy trăm bậc thang để leo lên Tháp chuông Giralda. Từ tháp chuông này, bạn có thể nhìn toàn bộ thành phố từ phía trên cao, rất đẹp!

[2] Các họa sĩ nổi tiếng người Tây Ban Nha.

Từ thánh đường Sevilla, chúng tôi đến thăm cung điện của Vua Reales Alcazares, cũng là một công trình kiến trúc rất kì công. Từng viên gạch trên tường, từng cột nhà đều được làm rất công phu. Khi bước chân vào đây, tôi như thấy mình đi lạc vào một thế giới cổ tích với những khu vườn rất đẹp, những căn phòng được trang trí lộng lẫy. Trên các tường nhà, trần nhà là hàng trăm các bức chạm khắc vô cùng tuyệt vời, thậm chí có những vòm trần còn được dát vàng trông vô cùng rực rỡ. Tôi chẳng nhớ mình đã đi qua bao nhiêu căn phòng, bao nhiêu hành lang rộng lớn được trang trí cầu kì, phức tạp, để rồi cứ vừa đi vừa trầm trồ, chẳng biết có khi nào trong đời mình lại được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật có một không hai này không nữa, dù có phải giá trị nghệ thuật nào tôi cũng hiểu hết được đâu. Nhưng chính những cái lạ đó đã khiến tôi thích thú, tò mò và tin chắc một điều rằng khi đã lạc vào chốn này, bạn cũng sẽ có những cảm giác như tôi.

Chúng tôi đi bộ trên những con phố dài với những dãy cửa hàng bán quần áo, bán đồ lưu niệm, tranh ảnh và những thứ làm bằng tay của người dân Sevilla. Thỉnh thoảng khi đi dạo trên đường, tôi lại bắt gặp tiếng nhạc rộn rã phát ra từ những người nghệ sĩ đường phố hay những cô nàng diện trên mình chiếc váy Flammenco trông thật yểu điệu và quyến rũ. Mỗi con đường, mỗi góc phố đều mang một vẻ đẹp riêng, nhưng tôi vẫn thích nhất là được đi trên những con phố hẹp với những ngôi nhà nho nhỏ được trang trí bằng những giàn dây leo màu xanh và những giỏ hoa treo lơ lửng bên cửa sổ. Phố hẹp nên chỉ có những người đi bộ hoặc đi xe đạp mới có thể vào được, tha hồ được tận hưởng sự yên tĩnh và hít hà mùi hương hoa tỏa ra trên khu phố. Khi ngồi gõ những dòng chữ này, tôi không tài nào nhớ nổi tên những con phố mà mình đã bước qua, nhưng khi nhắm mắt lại, tôi vẫn thấy trước mắt mình là một bức tranh Sevilla thơ mộng. Không biết bây giờ, nếu có dịp đi lại trên những con đường đó, tôi có còn nhận ra không nữa. Những con phố có bao giờ đổi thay?

Một buổi sáng đẹp trời, chúng tôi dừng chân ở công viên Maria Luisa. Đây là một trong những công viên đẹp nhất Tây Ban Nha với hàng ngàn cây xanh và rất nhiều vườn hoa lộng lẫy. Tôi và Nienke làm một cuộc picnic nhỏ trên thảm cỏ, vừa ăn vừa nói chuyện về những tháng ngày cùng nhau đi học, những đổi thay kể từ ngày cô rời nước Đức và nằm nghe tiếng ve sầu kêu. Cho đến tận bây giờ tôi vẫn chẳng biết đó có phải là tiếng ve sầu không nữa, nhưng tiếng kêu của nó hệt như tiếng ve sầu mà thuở còn đi học ở Việt Nam tôi vẫn thường được nghe. Đã lâu lắm rồi kể từ ngày rời quê hương, tôi cứ ngỡ sẽ không bao giờ được nghe tiếng ve sầu kêu vào những ngày mùa hạ nữa, nhưng Sevilla đã cho tôi được sống lại cái cảm giác của ngày xưa.

Khi đã xế trưa, Anne gọi điện rủ chúng tôi đi uống cà phê ở Quảng trường Plaza de América. Anne cũng đang làm aupair ở Sevilla và tôi thực sự phục cái sự đi của cô gái người Đức này. Sau khi tôi đã trở về Đức, Anne vẫn giữ liên lạc với tôi và qua Facebook, tôi cũng biết được rằng cô cũng vừa có một chuyến đi bụi thú vị ở Việt Nam. Chúng tôi ngồi trong quán cà phê tán ngẫu và ngắm những chú chim bồ câu rồi sau đó cả bọn rủ nhau đi ăn trưa trong một nhà hàng mà theo lời Nienke nói là “ngon nhất Sevilla”. Họ bắt tôi thử món Tapas, một món ăn nhẹ truyền thống của Tây Ban Nha, có thể ví như món khai vị thường là mực chiên, khoai tây chiên, các loại thịt, ô liu, cà rốt, rau quả trông rất hấp dẫn và ngon miệng, để rồi sau này dù đã rời Sevilla, tôi vẫn nhớ mãi mùi hương tuyệt vời đó.

Đêm cuối trước khi trở về Hostel sửa soạn vali cho chuyến bay ngày hôm sau, Nienke dẫn tôi đi thăm Quảng trường Plaza de Espana (Spain Square). Quảng trường này là biểu tượng chính của thành phố từ khi ra đời vào năm 1929. Khung cảnh buổi đêm với tòa nhà dài 200m trải dài hai bên chân tháp cùng những cây cầu trong ánh đèn mờ mờ ảo ảo đã tạo nên một bầu không khí thật sự yên bình và lãng mạn. Phía dưới chân tường được trang trí bằng những bức tranh vẽ hình phong cảnh của những thành phố khác nhau của Tây Ban Nha. Tôi chọn Barcelona với hy vọng trong chuyến đi Tây Ban Nha tới của mình, sẽ được đặt chân ở thành phố đó. Đến tận lúc này, trong tôi Sevilla có một cái gì đó vừa cổ điển, vừa hiện đại, vừa nồng nhiệt nhưng cũng rất kiêu kì. Vẻ đẹp của thành phố phương Nam này đã được dung hòa như thế, nhưng thật tiếc, chuyến đi nào rồi cũng phải trở về, cho dù có phải khó khăn để nói lời tạm biệt. Tôi biết rồi tôi sẽ nhớ lắm một Sevilla với những nụ cười trong trẻo của người dân nơi đây, đã làm tôi quên đi cái nắng nóng tới hơn 40 độ của xứ sở này. Tôi sẽ nhớ lắm mùi cam thơm ngây ngất mà có thể ngửi được từ bất cứ con đường nào trong thành phố. Nhớ một sáng tinh mơ nằm dài trên bãi cỏ trong tiếng gió đu đưa và ve kêu của mùa hè, nghe tiếng nhạc du dương và những vũ điệu nhảy Flammenco của những cô nàng Sevilla xinh đẹp. Nhớ một thành phố phương Nam nồng nàn và quyến rũ…

Tạm biệt Sevilla - thành phố yêu thương đầy thơ mộng, nơi đã cho tôi những ngày rất đẹp. Và tôi biết nếu bất kỳ ai đã từng nghe đến cái tên Anda-Louise Bogza thì chắc chắn họ sẽ biết tới thủ đô Sevilla yêu dấu của bang này. Cái thành phố nhìn bề ngoài có vẻ tĩnh lặng và cổ điển nhưng lại chứa chất rất nhiều điều kì thú để bất cứ du khách nào đến đây đều háo hức khám phá và không hề ân hận khi trở về. Khi lái xe đưa tôi ra sân bay, trên Radio đang chạy bản nhạc Time to say Goodbye, tự nhiên tôi thấy lòng mình trùng xuống. Nienke quay sang nhìn tôi rồi nói khẽ: “Hai tuần nữa tớ cũng sẽ theo chân nàng về Đức, đến bây giờ tớ vẫn chưa định hình được cảm xúc của mình nữa. Chỉ biết là sẽ rất nhớ thôi.” Tôi im lặng một hồi, mãi sau mới nói: “Ừ, Sevilla là vậy đó, chưa xa mà đã nhớ…”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3