Nhà Giả Kim - Chương 20 - 21 - 22 - 23 -24
20
Người nào leo hết dốc tới nơi đều mệt nhoài. Rồi họ thấy ở cửa hàng pha lê trên đó có bán trà bạc hà. Họ vào uống và trà được bưng ra trong những li mài rất đẹp.
“Thế mà bà vợ mình không nghĩ ra”, một người trầm ngâm rồi mua vài cái li, vì tối hôm ấy nhà ông có khách. Khách của ông ta nhất định sẽ trầm trồ những cái li đẹp này. Kẻ khác quả quyết rằng trà đựng trong li pha lê ngon hơn nhiều vì giữ được mùi thơm hơn. Người thứ ba cho rằng truyền thống của phương Đông là uống trà trong li pha lê mài vì chúng có những lực kì diệu. Chẳng bao lâu sau tin lan truyền đi và nhiều người cố công leo lên dốc tìm cho được một cửa tiệm xưa nay chuyên bán một loại hàng, giờ thêm một thứ mới. Nhiều tiệm khác cũng bắt chước bán trà trong li pha lê nhưng lại không nằm trên đỉnh dốc, thế là luôn luôn vắng khách. Ít lâu sau, ông chủ tiệm đã phải thuê thêm hai người nữa. Cùng với bình pha lê, ông nhập một khối lượng lớn trà cho các ông, các bà ngày ngày khao khát thưởng thức cái mới. Sáu tháng liền như thế trôi qua.
21
Chàng trai thức dậy trước cả lúc mặt trời mọc. Từ đó đến nay đã mười một tháng chín ngày, kể từ khi cậu đặt chân lên lục địa châu Phi lần đầu tiên. Khác trên người chiếc áo choàng bằng vải gai màu trắng cậu sắm để dành riêng cho ngày hôm nay rồi cậu trùm khăn lên đầu và dùng một cái vòng làm bằng da lạc đà chít khăn lại. Cậu xỏ chân vào đôi dép mới rồi đi xuống dưới, không gây tiếng động. Thành phố còn chìm trong giấc ngủ. Cậu lót dạ với một cái bánh mì mè và uống trà nóng trong li pha lê. Rồi cậu ra ngồi ở ngưỡng cửa, hút Nargileh một mình. Cậu cứ rít tràn, chẳng nghĩ ngợi gì, chỉ lắng nghe tiếng gió rì rào đem đến mùi thơm sa mạc. Rồi cậu thọc tay vào túi áo khoác lấy ra một gói nhỏ, ngắm nghía hồi lâu. Đó là một cuộn tiền, đủ để tậu một trăm hai mươi con cừu, mua vé tàu về nước và xin giấy môn bài buôn bán giữa quê hương cậu và cái đất nước mà cậu đang ngồi đây. Cậu kiên nhẫn chờ cho đến khi ông già chủ tiệm thức dậy, mở cửa hàng. Rồi hai người lại uống một tuần trà.
“Hôm nay cháu sẽ lên đường”, cậu mở lời. “Hiện cháu đã đủ vốn liếng để chuộc lại bầy cừu, còn ông cũng đủ tiền để hành hương đến Mekka.”
Ông già ngồi lặng thinh.
“Xin ông hãy ban phước lành cho cháu”, cậu nói. “Ông đã giúp cháu rất nhiều.”
Ông già lặng thinh khuấy trà. Cuối cùng ông quay sang cậu nói: “Ta rất hãnh diện vì cậu. Cậu đã đem đến cho cửa hàng của ta một sức truyền cảm mới. Nhưng cậu biết rõ rằng ta sẽ không đi Mekka. Cũng như cậu tự biết rằng mình sẽ không mua cừu.”
“Ai bảo thế?” Cậu hốt hoảng hỏi.
“Maktub”. Người chủ tiệm pha lê chỉ đáp có thế. Rồi ông ban phước lành cho cậu.
22
Chàng trai lên phòng, thu vén tất cả những gì mình có. Được ba túi đầy. Vừa dợm đi cậu chợt thấy ở góc phòng chiếc bị đeo vai cũ thời chăn cừu của mình. Nó sờn đến nỗi không nhận ra. Trong bị còn quyển sách dầy và chiếc áo khoác cũ. Cậu lấy áo ra, định đem cho một đứa trẻ sống lang thang nào đó thì hai viên đá Urim và Thummim rơi xuống. Lúc này cậu mới nhớ đến vị vua già và sửng sốt vì không ngờ bấy lâu nay mình không hề nghĩ đến ông. Suốt một năm qua cậu chỉ bận lo kiếm tiền để khi trở về Tây Ban Nha khỏi mang tiếng là kẻ thất bại.
“Đừng bao giờ từ bỏ ước mơ của mình”, ông vua già đã bảo cậu thế, và “hãy lần theo dấu hiệu”. Cậu nhặt hai viên đá lên và có lại cảm giác lạ lùng rằng ông đang ở gần bên mình. Một năm dài cậu đã làm việc cật lực và giờ đây dấu hiệu chỉ rằng đã đến giờ lên đường.
“Bây giờ mình sẽ lại sống hệt như xưa”, cậu nghĩ thầm. “Dù lũ cừu đã không dạy được cho mình tiếng Arập”. Tuy nhiên lũ cừu đã dạy cậu một điều còn quan trọng hơn nữa: rằng trên thế giới có một ngôn ngữ ai cũng hiểu cả và chính cậu đã dùng suốt bấy lâu nay để làm cho cửa hàng phát đạt. Đó là ngôn ngữ của sự phấn khởi, của nỗ lực, hăng say dốc sức thực hiện điều mình vững tin và mong mỏi đạt được. Tanger không còn là một thành phố xa lạ đối với cậu nữa, và cậu cảm thấy mình có thể chinh phục cả thế giới cũng bằng phương cách cậu đã chinh phục thành phố này.
“Khi cậu quyết tâm muốn điều gì thì cả vũ trụ sẽ tác động để giúp cậu đạt mục đích”, ông vua già đã nói thế. Nhưng nhà vua không hề đề cập đến bọn cướp đường, đến sa mạc mênh mông vô tận, đến những kẻ biết mình có ước mơ mà không muốn thực hiện nó. Nhà vua cũng không hề bảo rằng Kim Tự Tháp chỉ là những đống gạch cũ mà ai cũng có thể tự dựng lấy trong vườn mình được. Và ông cũng quên luôn không nói rằng khi người ta có đủ tiền để mua một đàn cừu lớn hơn thì cứ nên mua.
Xách bị với những túi kia, cậu xuống thang. Ông chủ tiệm đang tiếp một cặp khách ngoại quốc, trong khi hai khách hàng khác tha thẩn trong cửa hàng và uống trà trong li pha lê. Vào cái giờ sớm này thì nhiều vệc lắm đây. Từ chỗ đang đứng lần đầu tiên cậu để ý thấy rằng tóc chủ tiệm gợi cậu nhớ đến tóc ông vua già. Rồi cậu nhớ lại nụ cười của người bán bánh kẹo vào cái ngày đầu tiên không biết đi về đâu, không biết lấy gì ăn; nụ cười ấy cũng giống như nụ cười của nhà vua nữa.
“Khác nào ông đã đến đây và để lại tung tích vậy”, cậu ngẫm nghĩ. “Như thể người nào cũng một lần trong đời có dịp gặp gỡ nhà vua. Ông đã từng nói rằng sẽ luôn xuất hiện với kẻ nào quyết chí đi theo con đường mình tự chọn mà.”
Cậu đi, không từ giã chủ tiệm. Vì cậu không muốn khóc, không muốn ai nhìn thấy nỗi đau đớn của cậu. Nhưng chắc chắn cậu sẽ nhớ mãi thời gian ở đây và những gì đã học được. Giờ đây cậu thêm tự tin và cảm thấy nếu cần mình có thể chinh phục cả thế giới. “Tuy nhiên mình vẫn trở về chốn cũ thân quen và sẽ lại chăn cừu”. Bỗng dưng cậu chợt thấy không thích như thế nữa. Cậu đã làm việc suốt một năm ròng để thực hiện giấc mơ này, thế mà bây giờ ước mơ ấy cứ mỗi lúc một mờ nhạt dần. Có thể đó không thật sự là ước mơ của cậu..
“Biết đâu như ông chủ tiệm pha lê mà lại hóa hay: sẽ không bao giờ đi Mekka cả nhưng cả đời mơ đến nó. “Cậu băn khoăn cầm hai viên Urim và Thummim trong tay; chúng truyền cho cậu sức mạnh của ý chí của vị vua già. Tình cờ - hoặc cũng có thể do dấu hiệu - cậu vào đúng cái quán nước ngày xưa. Không thấy gã đã bịp cậu đâu; chủ quán bưng đến cho cậu một tách trà.
“Bất cứ lúc nào mình cũng có thể trở lại chăn cừu được”, cậu ngẫm nghĩ. “Mình đã biết cách chăn cừu rồi thì không thể nào quên được. Còn đi đến Kim Tự Tháp Ai Cập thì biết đâu mình không có dịp nào khác nữa. Ông già có áo giáp bằng vàng ròng và biết chuyện đời mình thì nhất định phải là vua, một minh quân thật sự.” Chỉ có hai giờ tàu ngăn cách cậu với đồng cỏ vùng Andalusia, còn giữa cậu và Kim Tự Tháp là sa mạc mênh mông. Cậu thấy nghĩ ngược lại thế này cũng được chứ: tính ra thì cậu hiện ở gần kho tàng hơn hai tiếng, cho dù đã mất gần một năm để vượt quãng đường này.
“Thật dễ hiểu vì sao mình cứ thiên về lũ cừu của mình. Vì mình biết rõ chúng rồi; chăn chúng cũng chẳng cực gì và chúng dễ thương. Còn minh có ưa được sa mạc không thì chưa biết, nhưng mà kho tàng của mình chôn ở đó. Nếu không tìm thấy kho tàng thì mình vẫn trở về nước được mà. Hiện mình đủ tiền và thừa thì giờ, tại sao không thử nhỉ?”
Một nỗi vui ập đến tràn ngập trong lòng cậu. Lúc nào cậu muốn làm kẻ chăn cừu hay thành người bán hàng pha lê cũng được. Có thể trên thế giới còn nhiều kho tàng bí mật khác nữa, nhưng cậu đã nằm mộng hai lần và một nhà vua đã xuất hiện với cậu. Đâu phải ai cũng được thế. Cậu hân hoan rời khỏi quán nước vì chợt nhớ ra rằng một trong những người cung cấp hàng cho chủ tiệm pha lê đã chở hàng vượt sa mạc cùng với một đoàn lữ hành. Cậu nắm chặt hai viên đá Urim và Thummim; nhờ chúng mà cậu đã trở lại con đường dẫn đến kho tàng.
“Ta luôn luôn ở cạnh những kẻ đi theo con đường mình tự chọn”, ông vua già đã nói. Vậy thì mất gì mà không hỏi thử ở nhà kho xem Kim Tự Tháp có xa thật thế không.
23
Anh chàng người Anh nọ ngồi trong một toà nhà nồng mùi thú vật, mồ hôi và bụi bặm. Không thể nào gọi là nhà kho được, một cái chuồng thì đúng hơn.
“Mình đã học hành cả đời để rồi lạc loài đến đây”, anh thầm nghĩ trong khi lơ đãng lần giở một tập san hóa học, “mười năm học đổi lấy một chuồng nhốt thú vật!”
Nhưng anh không được thoái chí. Phải tin vào dấu hiệu, cả đời anh, tất cả sự học của anh tập trung vào việc hiểu cho được thứ ngôn ngữ vũ trụ. Mới đầu anh quan tâm đến Esperanto, sau đó đến tôn giáo rồi sau cùng là thuật giả kim. Đến nay anh đã nói được tiếng Esparanto, thấu hiểu các tôn giáo lớn nhưng anh vẫn chưa thành nhà giả kim. Chắc chắn anh đã học được cách giải đoán nhiều điều quan trọng, nhưng sự thâm cứu của anh đã đạt tới một mức để rồi không tiến thêm được nữa. Anh đã hoài công tìm cách liên hệ với nhà giả kim này, nhà giả kim nọ, nhưng họ là những con người kì dị, chỉ nghĩ đến mình và hầu như không hề chịu giúp đỡ ai. Biết đâu họ đã tìm ra “Đá tạo vàng” rồi và vì thế sẽ không bao giờ hé môi tiết lộ.
Anh đã dùng một phần gia tài thừa hưởng của bố vào việc đi tìm “Đá tạo vàng” cũng như đã tìm đến những thư viện tiếng tăm nhất thế giới và đã mua những tác phẩm quan trọng và hiếm nhất về thuật giả kim. Trong một tác phẩm có ghi chép rằng nhiều năm trước một nhà giả kim trứ danh người Arập đã sang thăm châu Âu. Nghe đồn rằng ông này đã hơn hai trăm tuổi và đã phát hiện ra “Đá tạo vàng” cũng như tìm ra “Thuốc trường sinh bất lão”. Chàng người Anh lấy rất làm khâm phục nhưng anh sẽ vẫn cho rằng đó chỉ là một trong những huyền thoại thôi, nếu như một người quen của anh trở về sau chuyến khảo cổ trong sa mạc không tình cờ kể về một người Arập già có những năng lực phi thường.
“Ông ta sống ở ốc đảo El Fayum”, người quen nọ nói. “Người ta kháo rằng ông ta hai trăm tuổi và có thể biến mọi kim loại thành vàng.”
Chàng người Anh quá sức háo hức. Tức khắc anh xin được giải nhiệm, lục tìm cho ra những pho sách quan trọng nhất để rồi cuối cùng đến đây, trong cái chòi không khác chuồng thú vật này. Ngoài kia, một đoàn lữ hành rất đông đang chuẩn bị để vượt sa mạc Sahara. Đoàn sẽ đi ngang ốc đảo El Fayum
“Mình nhất định phải gặp nhà giả kim vĩ đại này”, anh nghĩ và nhờ thế mà cảm thấy mùi mồ hôi của lũ vật có phần dễ chịu hơn chút ít. Một gã Arập còn trẻ vác bao bị bước vào chào chàng người Anh
“Anh đi đâu đấy?” Gã hỏi.
“Vào sa mạc”, chàng người Anh cộc lốc đáp rồi lại tiếp tục đọc. Anh không có hứng trò chuyện. Anh phải ôn lại mọi thứ đã học trong mười năm qua vì thế nào nhà giả kim cũng sẽ thử thách anh cho mà xem. Gã Arập cũng lấy sách ra đọc. Quyển sách viết bằng tiếng Tây Ban Nha.
“May phước”, chàng người Anh nghĩ, vì anh nói thạo tiếng Tây Ban Nha hơn tiếng Arập và nếu gã kia cũng đi đến El Fayum thì khi rảnh rỗi ít ra cũng có người để mình trò chuyện.
24
“Tức cười thật”, cậu chăn cừu - chính là gã Arập trẻ kia - thầm nghĩ khi đọc lại cảnh đám tang tả ngay đầu quyển sách. “Mình đã bắt đầu đọc từ gần hai năm trước, thế mà vẫn không hết nổi mấy trang đầu.”
Tuy chẳng ông vua nào cắt ngang, cậu cũng không tập trung nổi. Vì cậu chưa dứt khoát với quyết định của mình. Nhưng cậu nghiệm ra một điều quan trọng: quyết định mới chỉ là bước khởi đầu. Khi đã quyết định rồi thì ta trôi nổi trong một dòng sông cuồn cuộn chảy; nó cuốn ta theo đến một nơi mà lúc quyết định ta không hề dám nghĩ tới.
“Khi lên đường tìm kho tàng có đời nào mình lại nghĩ rằng sẽ làm việc trong một cửa hàng pha lê đâu”, cậu thấy điều mình vừa ngẫm nghĩ đã được chứng nghiệm. “Cũng như mình quyết định đi với đoàn lữ hành này nhưng nó sẽ dẫn mình tới đâu thì vẫn là điều bí mật”.
Chàng người Anh ngồi trước mặt cậu cũng đọc. Anh có vẻ không mấy thân thiện và đã khinh khỉnh nhìn cậu bước vào. Lẽ ra họ có thể thành bạn được, nhưng mà anh ta không muốn trò chuyện. Cậu gấp sách lại vì không muốn làm bất cứ điều gì mà anh chàng người Âu kia cũng đang làm. Thế là cậu moi túi lấy ra hai viên Urim và Thummim nghịch chơi.
Anh chàng kia kêu lên: “Urim và Thummim!”
“Không bán đâu”, Cậu vội vàng nhét đá vào túi.
“Chúng chẳng quí gì lắm đâu”, chàng người Anh nói. “Chỉ là thạch anh thôi. Thạch anh thì trên trái đất này thiếu giống gì; còn với người sành thì đó là Urim và Thummim. Tôi không biết là ở đây cũng có đấy”.
“Đây là tặng vật của một vị vua”, cậu đáp.
Anh chàng kia không nói nữa mà móc túi quần lấy ra hai viên giống như thế.
“Cậu vừa nói đến một vị vua thì phải”, anh ta nói.
“Và anh không tin rằng có một ông vua nào lại đi trò chuyện với một kẻ chăn cừu tầm thường chứ gì”, cậu muốn chấm dứt câu chuyện.
“Hoàn toàn ngược lại. Trẻ chăn cừu là những kẻ đầu tiên nhận biết một vị Vua trong khi toàn thế giới không chịu nhìn nhận Người. Cho nên vua chúa trò chuyện với người chăn cừu là điều dám có lắm chứ.”
Rồi vì sợ rằng cậu không hiểu ý mình, anh ta nói thêm: “Chuyện đó có trong Kinh Thánh đấy, đó chính là quyển sách đã dạy tôi sử dụng Urim và Thummim. Loại đá này là thứ duy nhất Chúa cho phép dùng để bói toán. Các tu sĩ đeo nó trên áo giáp bằng vàng ròng”.
Nghe tới đây thì cậu chăn cừu mừng quá.
“Có lẽ đây là dấu hiệu” chàng người Anh nói với chính mình, như thể ngẫm nghĩ rồi buột miệng
“Ai kể cho anh về dấu hiệu?” Cậu hỏi, càng lúc càng thêm quan tâm
“Mọi thứ ở trên đời đều là dấu hiệu cả”, anh kia gấp sách lại đáp. “Vũ trụ là một ngôn ngữ ai cũng có thể hiểu nhưng chúng ta đã quên mất. Cả tôi cũng đang đi tìm nhiều thứ, trong đó có thứ ngôn ngữ bằng dấu của vũ trụ. Chính vì thế mà tôi đến đây. Tôi phải tìm cho ra một người biết rõ thứ ngôn ngữ này, một nhà giả kim”.
Người chủ nhà kho cắt đứt câu chuyện của họ.
“Các anh may mắn lắm đấy”, người Arập mập mạp này nói. “Xế trưa nay một đoàn lữ hành sẽ lên đường đi El Fayum”.
“Nhưng tôi sẽ đi Ai Cập cơ mà”, cậu chăn cừu đáp.
“El Fayum ở Ai Cập chứ sao”, ông ta trả lời. “Cậu là thứ Arập gì mà không biết điều này?”
Cậu bé chăn cừu bèn đáp rằng mình là người Tây Ban Nha. Nghe thế anh chàng người Anh mừng quá, vì tuy cậu ăn mặc như người Arập nhưng hóa ra lại là người Âu.
“Hắn dùng chữ “may mắn” khi nói về dấu hiệu”, người Anh nhận xét khi chủ kho đi khỏi. “Nếu có khả năng thì tôi sẽ viết một quyển toàn thư dày về hai từ “may mắn” và “ngẫu nhiên”, vì hai từ này là một phần của thứ ngôn ngữ vũ trụ kia”.
Sau đó anh ta giải thích rằng không phải ngẫu nhiên anh ta gặp cậu với hai viên Urim và Thummim trong tay. Anh ta hỏi có phải cậu cũng trên đường đi tìm nhà giả kim kia không.
“Tôi đang trên đường đi tìm một kho tàng”, cậu đáp rồi ân hận đã lỡ lời. Nhưng chàng người Anh nọ không hề để ý.
“Tôi cũng thế, nếu hiểu theo một nghĩa nào đó”, anh ta nói.
“Đúng ra tôi chẳng hiểu thuật giả kim nghĩa là gì”, cậu vừa nói thì chủ nhà kho kêu họ ra.