Quán cà phê XY - Chương 01 - 02 - 03 - 04 - 05
1
Người ta thường nói, mùa hè ở Dương Thành giống như cái lồng hấp bánh bao, cả thành phố đều bị không khí nóng ẩm bao bọc, bất kể lúc ra ngoài bạn có sạch sẽ tươi mát thế nào, chỉ cần đi một đoạn ngắn, đảm bảo toàn thân trên dưới sẽ ướt đẫm mồ hôi. Dưới cái thời tiết khó chịu ấy, bạn thụ của chúng ta tưới nước cho đám hoa cỏ bên ngoài tiệm cà phê, dọn dẹp lau chùi những chiếc bàn ngoài trời. Làm hết từng đó việc, cậu đưa tay sờ lên mặt, rõ ràng mới sáng ra, nắng còn chưa gắt lắm, ấy thế mà trên đầu đã hơi âm ẩm mồ hôi rồi. Mùa hè sắp trôi qua được một nửa nhưng cậu vẫn chưa thể thích ứng được với nó.
Cũng may vừa bước vào trong tiệm cà phê lập tức có một luồng gió mát lạnh thổi tới, xem ra cái “bánh bao” này không có cơ hội bị “hấp chín” rồi. Cậu nhấc nửa cốc sinh tố khách hàng bỏ lại, chuẩn bị đem vào trong bếp thì ông chủ nãy giờ vùi đầu tính tính toán toán bỗng ngẩng lên gọi giật: “Tiểu Diệp!”.
Thụ quay đầu lại: “Có việc gì thế ông chủ?”
Ông chủ: “Người làm ca tối hôm nay có việc nên xin nghỉ rồi, cậu có thể trực thay một hôm được không?”
Thụ khẽ cười: “Được thôi”.
Đây là nơi làm việc của thụ, một quán cà phê nhỏ mở đến ba giờ sáng ở gần khu tòa nhà văn phòng cao cấp tại Dương Thành. Quán cũng không lớn lắm nhưng việc làm ăn lại tốt bất ngờ. Cậu làm ca sáng, mỗi ngày đến tầm năm giờ chiều là tan ca, còn một đồng nghiệp làm buổi tối, bảy giờ bắt đầu. Hai tiếng ở giữa thường là ông chủ trông tiệm. Nói cũng buồn cười, làm ở đây cũng được một thời gian rồi nhưng cho đến tận bây giờ, thụ vẫn chưa gặp đồng nghiệp làm ca tối của mình bao giờ, cho dù hai người họ thật ra đã sớm “quen biết” nhau. Cái việc kỳ lạ này là kết quả của thói kén ăn và tay nghề nấu nướng có hạng của thụ.
Thụ không phải người Dương Thành, đến thành phố xa lạ này chưa lâu, một thân một mình nơi đất khách quê người cũng chẳng có bạn bè gì, nấu ăn rất dễ nấu thừa. Liên tiếp nhiều lần phải bỏ đi kha khá đồ ăn, không khỏi cảm thấy lãng phí. Sau này, có một ngày lại nấu hơi quá tay, cậu quyết định cho vào hộp cơm, đóng gói cẩn thận rồi để vào tủ lạnh trong quán cà phê, bên trên còn dán một tờ giấy nhớ ghi mấy chữ đại ý là đồng nghiệp làm ca đêm không ngại thì hãy dùng làm bữa khuya. Đến hôm sau, thụ nhìn thấy hộp cơm được rửa sạch sẽ đặt trên giá. Từ đó, cậu thường xuyên mang ít đồ ăn để lại trong quán. Đôi khi rảnh rỗi không có việc gì làm còn viết mấy việc linh tinh hàng ngày lên tờ giấy nhớ: bị mất tiền, xem bộ phim nào, mới mua đồ gia dụng nào… giống như đang nói chuyện phiếm với người khác vậy. Mà vị đồng nghiệp làm ca tối kia, trừ việc mỗi lần đều rửa sạch sẽ hộp cơm ra thì hoàn toàn không trả lời gì, ngay đến câu “Cảm ơn” cũng chưa từng để lại, có điều thụ cũng chẳng để ý.
Cả ngày bận rộn, thời gian trôi qua rất nhanh, đến buổi tối, thụ một mình trông quán. Những việc cần làm thì đã làm rồi, buổi tối lại chẳng có mấy khách, cậu nghe nhạc, nghịch máy tính một lúc rồi lại đọc tạp chí, vẫn thấy thật nhàm chán. Hiện còn chưa đến tám giờ, vẫn còn sớm. Chẳng hiểu bình thương người đồng nghiệp kia làm thế nào mà chịu được nữa. Còn đang nghĩ ngợi vẩn vơ thì nghe tiếng cửa mở, một vị khác bước vào trong. Thụ lập tức đứng dậy hỏi: “Xin chào, quý khách muốn dùng gì?”
Vị khách đó không trả lời ngay, chăm chú nhìn cậu một hồi rồi mới cất tiếng: “Tôi muốn uống canh sườn lần trước cậu nấu”.
2
Không sai, vị khách mới đến chính là công.
Thụ nghe đối phương nói thế, lập tức nhận ra đây chính là người đồng nghiệp làm ca tối mình chưa từng gặp mặt. Nói thật, cậu luôn cho rằng công là một ông chú trầm mặc ít lời, tính cách cẩn thận, tỉ mỉ và dịu dàng. Có điều người trước mặt không giống tưởng tượng của cậu cho lắm: Nhìn bề ngoài quả là có vẻ kiệm lời nhưng tuổi tác thì cũng chẳng lớn hơn cậu bao nhiêu, khí chất rất đặc biệt, không giống người làm công trong quán cà phê.
Một khi đã nghĩ gì thì thụ khó mà dừng ngay lại được, thế là cậu cứ một mực nhìn chăm chăm vào người trước mặt. Công tưởng thụ không nhận ra mình, vội vàng chỉ vào bản thân, tự giới thiệu: “Tôi là người trực ca tối ở đây.”
Thụ cười cười, tỏ ý mình đã biết, mở miệng nói: “Buổi tối không có nguyện liệu, không nấu được món đó. Hay tôi nấu cho anh bát mỳ nhé?”
Công gật gật đầu: “Được, tôi muốn mỳ sườn.”
Thụ thuận tay lấy từ ngăn kéo ra một gói mỳ ăn liền, lắc đầu với đối phương: “Sườn hơi nhỏ, anh mò cho kỹ nhé.”
Công dường như còn chưa ăn tối, mỳ vừa nấu xong liền lập tức ăn như hổ đói. Thụ nhìn anh, hiếu kỳ hỏi: “Không phải hôm nay anh có việc à, sao còn đến đây?”
Công khựng lại, lắc đầu không nói gì. Đặc biệt xin nghỉ trốn làm để đến gặp người đối diện, chuyện này anh tuyệt đối không thể nói được. Thụ cho là câu hỏi của mình động chạm đến đời tư của đối phương, cũng không tiếp tục nữa. Có điều, hôm nay có thể gặp được công, cậu cũng rất vui. Đến Dương Thành đã lâu như thế vẫn chưa có người bạn nào, khó khăn lắm mới có cơ hội nói chuyện trên trời dưới biển thế này. Công là người rất biết lắng nghe, lại thêm việc cả hai sớm đã “quen biết” nhau bởi vậy chỉ mới qua bữa ăn mà thụ đã thấy hai người gần gũi hơn hẳn.
Công ăn xong liền đem bát đũa đi rửa, thụ nhớ đến mấy hộp cơm được rửa sạch sẽ, cất giọng trêu:
“Bình thường anh ăn của tôi bao nhiêu đồ ăn rồi, sao không thấy trả lời cái giấy nhớ nào thế?”.
Đợi cả nửa ngày vẫn không thấy công trả lời, thụ tưởng anh không nghe thấy, vừa định lặp lại lần nữa thì phát hiện tai công đỏ hết lên rồi. Cậu hơi ngây ra, định mở miệng nói gì đó, lại thấy bộ dạng công vừa rửa bát vừa như đang suy ngẫm điều gì, liền hiếu kỳ hỏi: “Sao thế?”
Công nhìn cậu một cái, ấp a ấp úng trả lời: “Thật ra hôm nay tới là muốn cám ơn cậu đã để lại cơm cho tôi… Tôi có món quà nhỏ muốn tặng cậu, lại quên đem theo rồi”.
Thụ đoán công nghe thấy câu đùa vừa rồi nên thấy ngại, trong lòng cũng áy náy, lập tức từ chối: “Dù sao làm nhiều quá cũng ăn không hết, anh không chê là tôi vui lắm rồi”.
Công lắc đầu: “Ông chủ bảo ngày mai cậu nghỉ, để ngày mai tôi đến làm ca tối thì mang đồ theo, ngày kia cậu đi làm sẽ nhận được”.
Dáng vẻ của anh trông rất thành khẩn, thụ cũng không nỡ từ chối, đành vui vẻ nhận.
Sáng sớm hai hôm sau, lúc thụ tới làm, nhớ đến lời công nói hôm trước liền tìm một hồi trong ngăn kéo, trên giá đựng đồ, nhưng tìm mãi vẫn chẳng thấy thứ gì đặc biệt. Cậu liền đổi sang tìm trong tủ lạnh, vừa mở ra liền nhìn thấy một hộp cơm hai tầng lạ mắt, bên trên còn dán tờ giấy nhớ ghi tên thụ. Thụ mở hộp cơm ra xem: tầng trên là nguyên một hộp kẹo hoa quả màu sắc rực rỡ, tầng dưới là một quyển sách, tên “Năm mươi cách chế biến sườn”. Thụ bất giác buồn cười, lấy sách ra, lại tìm một cái lọ thủy tinh đổ hết kẹo vào.
Cậu không thích đồ ngọt, có điều cho vào lọ thủy tinh nhìn cũng đẹp phết.
3
Công lúc này, đang nói chuyện điện thoại…
Công: “Tôi làm theo lời ông nói rồi”.
Đầu bên kia là anh bạn A của công. Cậu ta chẳng hiểu đầu cua tai nheo ra sao cả: “Làm cái gì rồi?”
Công: “Thì việc lần trước ông nói ấy, cái gì mà muốn dỗ người ta thì có thể tặng kẹo…”
A hiếu kỳ: “Ông không phải ‘tìm được giới tính thật’ của mình rồi à, còn tặng quà cho con gái làm gì?”
Công: “Tôi không tặng con gái, tặng con trai mà”.
A: “…”.
Công nghiêm túc lặp lại lần nữa: “Người ta là con trai, có yết hầu, tôi nhìn thấy rất rõ ràng”.
A thở dài: “Lần trước tôi nói kẹo hoa quả màu sắc sặc sỡ có thể dỗ dành người khác là nói đối với con gái. Ông thấy bao nhiêu thằng con trai thích ăn kẹo nào?”
Công dập điện thoại cái rầm, trong lòng không ngừng gào thét: “Tặng nhầm đồ rồi!”
Nói thật, lúc này anh vừa lo lắng vừa ảo não. Anh thật tâm muốn biểu đạt thái độ cảm ơn của mình, kết quả lại chẳng biết đã thành cái thể loại gì nữa. Nghĩ tới nghĩ lui một hồi, cuối cùng quyết định nhanh chóng thực hiện phương án cấp cứu an toàn nhất: Tặng hoa cho thụ.
Nghĩ đến đây, công lập tức lên mạng tìm hiểu ý nghĩa các loài hoa, dùng phương pháp loại trừ xong xuôi đâu đấy, quyết định chọn hoa thủy vu trắng, sau đó gọi điện đến hàng hoa đặt một bó, bảo bọn họ sáng sớm mai đưa đến quán cà phê. Làm xong xuôi hết rồi, công mới thở phào một hơi nhẹ nhõm, vui vẻ tưởng tượng bộ dạng thụ khi nhận được hoa, nói không chừng còn gửi cho mình một tờ giấy nhớ ghi “Rất thích!” ấy chứ.
Đến tối ngày hôm sau, công đến quán cà phê chuẩn bị vào ca tối. Thụ đương nhiên không có ở đây, ông chủ đang cắm đầu vào tính toán như thường lệ. Thấy công đến, ông chủ liền ngồi nói chuyện mấy câu, bảo cả chiều nay một mình phải ngồi trông tiệm, chẳng biết người ở đâu mà nhiều thế, bận gần chết. Công thấy kỳ kỳ, hỏi: “Diệp Chiêu Ninh không trông sao?”.
Ông chủ lắc đầu: “Cũng không biết được ai tặng một bó hoa, cậu ấy bị dị ứng phấn hoa, cả buổi sáng khó chịu quá, tôi vừa đến tiệm thì cũng cho cậu ấy về nghỉ luôn”.
Công nhất thời đần ra.
Làm sao đây, làm sao đây, làm sao đây, làm sao đây, làm sao đây, làm sao đây? Công nhìn lọ thủy tinh đựng kẹo trên bàn, cả người như ngồi trên bàn chông: Thụ quả nhiên không thích ăn kẹo, nếu không đã chẳng nhét trong lọ bày ra đó rồi. Muốn tặng hoa cứu vãn tình thế lại còn hại người ta dị ứng. Tâm trạng của công từ phút đó phải nói là áy náy vô cùng, mãi đến tận lúc tan ca về nhà, gọi điện thoại cho A.
A mắt nhắm mắt mở nghe công kể lại, lệ rơi đầy mặt: “Bây giờ là ba giờ rưỡi sáng, tôi đang chui trong chăn ấm mơ mộng đẹp thì ông gọi điện đánh thức. Thế cũng cho qua đi, ông không thể gọi điện thoại bàn được à? Cái đồ chết tiệt nhà ông còn gọi di động! Di động tôi để trong phòng khách không cầm theo! Ông gọi một lần tôi đã không nhận điện, ông còn gọi đi gọi lại cho đến khi tôi nhận mới thôi! Ông làm thế mà coi được à?!”.
Công: “… Hay là, tôi cũng tặng ông một bó thủy vu nhé?”.
A: “…”.
Công vô cùng nghiêm túc: “Ông không bị dị ứng phấn hoa đúng không?”.
Vì A nửa đêm nửa hôm đầu tiên là tai bị tàn phá, sau đó mặc mỗi cái quần đùi chui ra phòng khác lấy điện thoại, cả tinh thần lẫn thể xác đều bị tổn thương nghiêm trọng, điều kiện trước mắt không cho phép đảm nhận vai trò cố vấn, liền bảo công mai đến quán, lúc đó mình sẽ nhắn tin bảo phải làm gì.
Lại nói đến thụ, sau khi về nhà nghỉ nửa ngày cơ bản cũng không có gì đáng ngại nữa. Hôm sau đến quán tiếp tục làm việc như thường lệ, vừa mở cửa đã thấy công xông thẳng vào, mắt đỏ quạch không nói năng gì, tìm luôn một chỗ ngồi xuống. Thụ kinh ngạc, có điều nhìn bộ dạng công không ổn lắm, cũng không dám hỏi han gì nhiều, chỉ thuận miệng hỏi: “Sớm thế này, anh đã ăn sáng chưa?”. Công lắc đầu.
Thụ: “Vậy để tôi đi hâm cốc sữa, làm ít sandwich”.
Công nhân thời gian thụ làm bữa sáng, lập tức gửi tin nhắn cho A: “Làm thế nào?”.
Rất nhanh đã thấy A hồi âm: “Xin lỗi đi, còn có thể làm gì nữa?”
Công ngẫm nghĩ một lúc thấy cũng đúng, liền bắt đầu chuẩn bị tâm lý. Chẳng bao lâu sau, thụ mang sữa nóng cùng sandwich đến để trước mặt công: “Anh ăn trước, tôi đi dọn dẹp đã”.
Công lập tức giữ chặt lấy tay thụ, hồi hộp tới mức mặt đỏ bừng: “Tôi… cậu… tôi… cậu… tôi, tôi đi toilet”, nói xong lập tức chạy thẳng vào nhà vệ sinh, để lại thụ vẫn còn đang ngơ ngác.
Công chui vào nhà vệ sinh ấn số điện thoại A.
A: “Nói xong rồi?”.
Công ngữ khí như đinh đóng cột: “Chưa”.
A bó tay: “Mợ nó chứ, ông bị làm sao thế? Việc này khó đến thế à?”.
Công: “Tôi vừa nhìn thấy cậu ấy liền áy náy, vừa áy náy tôi lập tức không biết phải nói gì nữa cả”.
A: “Việc này có gì mà không nói được? Thôi đi, đừng có lề mề nữa, có gì cần xin lỗi thì xin lỗi đi, nói rõ ràng với người ta”.
Công từ nhà vệ sinh đi ra đã thấy thụ ngồi ở chỗ đối diện mình. Anh vừa ngồi xuống, cậu liền mở miệng: “Kẹo, sách và hoa thủy vu tôi đều nhận được rồi”.
Cả người công lập tức cứng đờ, vội vàng cất tiếng: “Tôi…”.
Thụ ngắt lời anh, tiếp tục nói: “Chỗ kẹo hoa quả anh tặng, tôi đã cho vào lọ thủy tinh rồi. Tôi thấy nhìn rất đẹp, rất thích. Hoa thủy vu trắng anh tặng, xin lỗi, tôi bị dị ứng phấn hoa, không thể để trong nhà hoặc trong quán được, nhưng tôi cũng không muốn vứt nó đi nên đã tặng lại cho chủ nhà trọ. Bác ấy rất thích, còn vì thế mà miễn một tháng tiền điện của tôi. Anh xem, đồ anh tặng, rất tốt đấy”, nói xong liền bật cười.
Đúng lúc này, điện thoại của công rung lên, là tin nhắn A gửi, Công liếc qua…
A: Đừng có lề mà lề mề như đàn bà nữa, lúc trước làm không ra gì thì bỏ qua đi, nhân cơ hội thuận theo tiếng gọi trái tim mình, tiến lên như một thằng đàn ông.
Thuận theo tiếng gọi trái tim mình, tiến lên như một thằng đàn ông! Thuận theo tiếng gọi trái tim mình, tiến lên như một thằng đàn ông! Thuận theo tiếng gọi trái tim mình, tiến lên như một thằng đàn ông! Thuận theo tiếng gọi trái tim mình, tiến lên như một thằng đàn ông! Thuận theo tiếng gọi trái tim mình, tiến lên như một thằng đàn ông!
Công nhất thời như được tiêm đô-ping, bị câu nói này kích động, anh cảm thấy nếu bản thân không “theo tiếng gọi trái tim mình, tiến lên như một thằng đàn ông” thì quả thật là đã phụ lòng A đang đứng sau âm thầm cổ vũ rồi. Thế là, công hít một hơi thật sâu, từ từ đứng dậy. Thụ nghi hoặc ngẩng đầu nhìn người đối diện. Công nghiêng người về phía trước, gần một chút, gần một chút, lại gần thêm một chút…
Chụt!
Thời gian dừng lại ngay giây phút này. Di động của công lại lần nữa rung bần bật, vẫn là tin nhắn đến từ A:
A, lúc nãy ấn nhầm nút gửi đi luôn rồi. Tôi muốn nói là: Đừng có lề mà lề mề như đàn bà nữa, lúc trước làm không ra gì thì bỏ qua đi, nhân cơ hội thuận theo tiếng gọi trái tim mình, tiến lên như một thằng đàn ông mà thành thật xin lỗi và cảm ơn đi!
4
Công hôn xong, nhìn thấy thụ mặt đỏ bừng đầy kinh ngạc mới đột nhiên ý thức được bản thân vừa làm gì. Có điều anh cũng rất bình tĩnh, chỉ liếc mắt nhìn ra ngoài, điềm tĩnh nói: “Trời sắp tối rồi, tôi đi trước đây”.
Thụ: “…”
Thực ra đối với nụ hôn bất ngờ này, thụ hoàn toàn không thấy tức giận gì, chủ yếu là kinh ngạc và khó hiểu. Thụ luôn cho rằng công là người hơi kỳ quái nhưng cũng rất thú vị, bởi vậy hành động vừa rồi của anh, cậu chỉ đơn giản cho rằng đó là phương pháp biểu đạt cảm ơn hay xin lỗi mà thôi. Có điều dù nghĩ vậy, thụ vẫn thấy lúng túng, những ngày sau đó hoàn toàn không để cơm hay giấy nhớ gì cho công nữa.
Công cũng cảm nhận được, thế là anh lại bắt đầu suy nghĩ xem nên tặng cái gì để chuộc tội. Nhưng trong mấy ngày ngắn ngủi vừa rồi, anh tặng kẹo, tặng thủy vu, còn tặng cả một nụ hôn, hoàn toàn chẳng có thứ nào tặng đúng cả, đến cả quyển sách cũng là một món quà mang chút tư lợi.
Công hoàn toàn mất tinh thần.
Anh nhìn thấy quyển sách “Năm mươi cách chế biến sườn” mình tặng thụ đặt trên bàn, thuận tay lật giở vài trang, phát hiện có một trang được đánh dấu bằng kẹp sách, có lẽ thụ đang xem đến đấy. Công nhìn cái kẹp sách, nghĩ một lúc, lại lấy một tờ giấy nhớ cắt thành hình kẹp sách, viết lên hai chữ “Xin lỗi”, sau đó đem cả tờ giấy nhớ lẫn kẹp sách để vào một chỗ khác, trang ghi hướng dẫn làm món sườn muối tiêu.
Sáng hôm sau thụ đến làm, mở sách ra thì phát hiện không phải trang hôm qua mình xem, còn nhiều thêm một tờ giấy có chữ nữa. Cậu tỉnh bơ đặt tờ giấy kia vào trang hướng dẫn làm sườn muối tiêu, còn cái kẹp sách của mình thì chuyển sang đánh dấu chỗ khác.
Ngày thứ ba, thứ tư, thứ năm… thụ phát hiện bất kể mình đang xem đến đâu, kẹp sách đều xuất hiện một cách vô cùng thần kỳ ở trang hướng dẫn làm sườn muối tiêu kia, đặt cùng với tờ giấy ghi dòng chữ “Xin lỗi”. Cậu thật cười không được mà khóc cũng chẳng xong, đây chắc chắn là do công làm. Thế là một ngày, thụ tan ca liền tha luôn cả quyển sách dạy nấu ăn kia về nhà. Buổi tối công đến quán, phát hiện thụ mang sách về rồi, nhất thời cảm thấy thụ muốn đoạn tuyệt quan hệ với mình.
Công không nhịn được, kinh hãi vô cùng.
Khoảng tầm chín giờ tối, có người đẩy cửa bước vào. Công ngẩng đầu lên nhìn, không ngờ lại là thụ. Thụ bảo mình vừa đi siêu thị mua đồ, ngang qua đây liền ghé vào xem thế nào. Lòng công mở cờ nhưng lại không dám biểu lộ, chỉ sợ dọa thụ chạy mất, đành phải rót cho thụ cốc nước, làm ra vẻ bản thân rất bận, đổ một lọ hạt cà phê ra đếm đi đếm lại. Thụ cũng chẳng nói gì, ngồi một bên xem công đếm hạt cà phê. Đợi đến khi uống hết cốc nước liền đứng dậy chào một tiếng rồi đi về.
Công thấy cái túi thụ cầm đến còn ở trong quán, lập tức cầm lên gọi thụ, nhưng đối phương chẳng thèm để ý, cứ thế đi thẳng. Công còn đang do dự có nên đuổi theo không thì một mùi thơm như có như không từ trên tay bay lên khiến công nhìn vào trong túi: Là hộp cơm đã lâu không nhìn thấy. Công ngây ra một lúc nhẹ nhàng cẩn thận nhấc hộp cơm ra, vừa mở ra xem…
Cả một hộp đầy sườn muối tiêu nóng hôi hổi.
4.5
Câu chuyện về công và món sườn
Lúc công còn nhỏ, trong nhà có nuôi một con chó mực, gọi là Hoa Tuyết. Về vấn đề tại sao một con chó đen thui từ đầu đến chân lại gọi là Hoa Tuyết, công giải thích thế này: “Tôi muốn nó trắng hơn một chút!”. Chẳng là lúc nhỏ công có một niềm tin mãnh liệt với thuyết tên tuổi có ảnh hưởng thần bí đến con người, siêu nhân có thể bay là bởi vì tên người đó là Siêu Nhân. Công còn từng có lúc muốn đổi tên mình thành “Hướng Bơi Lội” vì nhìn thấy các bạn khác ai cũng biết bơi nhưng chính mình lại không biết.
Thế rồi vào một ngày tuyết rơi, mẹ công làm món sườn xào chua ngọt, công xung phong nhận việc bưng bát sườn dọn lên bàn. Lúc đó, nhà có một cái vườn, nhìn thấy bên ngoài đột nhiên có tuyết, công liền vui vẻ bưng cả bát sườn chạy ra ngoài, ngẩng mặt lên trời hét to: “Hoa tuyết, hoa tuyết…”.
Hoa Tuyết vừa nghe thấy, vui mừng khôn xiết: Chủ nhân tay cầm một đĩa sườn gọi Hoa Tuyết, chính là gọi mình đến ăn chứ còn gì nữa. Thế là cậu chàng lập tức nhảy bổ lại, gọn gàng nhanh chóng giải quyết sạch bát sườn.
Công mắt trợn tròn, mồm há hốc. Bạn nhỏ công của chúng ra tận mắt nhìn thấy cả đĩa sườn thơm phức ngon lành chui tọt vào bụng con chó đang vui vẻ liếm mép vẫy đuổi trước mắt, thật sự tức giận đến không chịu nổi, “oa” một tiếng khóc váng lên.
Từ đó, đối với món sườn, công có một sự cố chấp vô cùng khó hiểu.
Đương nhiên, cái vụ so đo với chó này, công thà chết không nói, bởi thế nếu có người hỏi công vì sao lại thích sườn, công thông thường chỉ lạnh nhạt đáp một câu: Bởi vì nó khiến tôi nhớ đến lúc còn nhỏ. Thực ra câu này, nếu nói đầy đủ thì phải là: Bởi vì nó khiến tôi nhớ đến lúc còn nhỏ, cả bát sườn thơm ngon như thế, ấy vậy mà lại bị một con chó ngu ngốc ăn hết! Tức chết tôi rồi!
5
Thế là, công và thụ đã làm hòa với nhau. Mỗi ngày lại giống như trước kia: Thụ hay đem ít đồ ăn đến để trong tủ lạnh cho công, đôi lúc lại ghi một tờ giấy nhớ viết mấy thứ linh tinh; Công thường xuyên được thưởng thức món ăn ngon, nhìn mẩu giấy thụ viết nhưng vẫn không hồi đáp lấy một lần.
Về chuyện này, A đã từng hỏi công, sao không viết giấy trả lời thụ. Giao lưu hai chiều như thế mới tốt. Công mặt mũi hiện rõ dòng chữ “không thể tin được”, đáp: “Như thế không phải là quá tầm thường rồi sao?”
A: “… Mấy việc khác ông làm thì không phải quá tầm thường chắc?”.
Có điều A cũng nhắc nhở công, mặc dù công đã xác định ‘giới tính thật’ của mình rồi, nhưng thụ hình như vẫn là một cậu con trai bình thường mà thôi, bảo công phải chuẩn bị tâm lý trước đi. Công nghe xong, một lúc lâu không nói gì, mãi mới mở miệng: “Tôi cũng chẳng nghĩ gì, chỉ là thích đồ ăn cậu ấy nấu, thật đấy, thật đấy”.
Nói thì nói thế, nhưng công vẫn không kìm chế được mà muốn tiếp xúc nhiều hơn với thụ. Anh không chịu viết trả lời trên giấy nhớ, đành phải nghĩ cách khác để nhấn mạnh sự tồn tại của mình: ví dụ như để một chú ếch gấp bằng giấy trong hộp cơm được rửa sạch sẽ; ví dụ như để một con hươu gấp bằng giấy trong hộp cơm được rửa sạch sẽ; ví dụ như để một con thỏ gấp bằng giấy trong hộp cơm được rửa sạch sẽ…
Khoảng một tháng sau, thụ nhìn thấy trên bàn một đoàn thú: “Ừm, hay là tô thêm màu nhỉ, chừng này đủ để mở một vườn thú rồi”.
Nói thật, thụ chẳng có cảm giác gì với mấy thứ này, toàn bộ đều đem cho con gái nhà chủ trọ hết. Cô bé đó thích lắm, kéo tay cậu nói: “Chú ơi, cháu sẽ về nói mẹ giảm thêm cho chú một tháng tiền điện nữa”. Thụ quả thật dở khóc dở cười, có điều trong lòng cậu lại vô cùng rối rắm. Về lý mà nói, ngoại hình của công cũng rất tuấn tú, hành vi, cử chỉ, lời nói đều rất phóng khoáng, sao lại làm mấy chuyện đầy nữ tính thế này không biết?
Mặt khác, trong lòng công lúc này đang vui vẻ vô cùng, anh cho rằng người chỉ nhìn qua cũng thấy là dạng người tốt bụng, yêu thương động vật như thụ, nhất định sẽ thích mấy thứ đồ kia.
Để tránh việc công tiếp tục gấp cả đoàn xiếc thú, thụ cảm thấy mình bắt buộc phải tìm đến gặp anh một lần. Thế là, buổi tối một ngày, thụ lại đến quán cà phê. Ánh đèn của tiệm trong đêm tối càng trở nên rực rỡ, từ đằng xa cậu đã nhìn thấy công không biết đang chuyên chú làm cái gì đó. Đợi đến lúc cậu tiến đến gần, đứng ngay bên ngoài nhìn vào mới thấy…
Công đang gấp giấy.
Trước mặt công là một quyển sách để mở, trên bàn bày rất nhiều giấy, có những cái đã bị vo thành một cục, xem ra đã thất bại không ít lần. bên cạnh còn có một ít đồ văn phòng như giấy màu, kéo, bút lông…, tóm lại là rất lộn xộn. Anh gấp rất chăm chú, hoàn toàn không phát hiện có người đang nhìn mình. Thụ đứng bên ngoài nhìn công tay chân lóng ngóng, lại còn rất kỹ tính, soi từng góc một cho đều, thầm nghĩ: Anh ta chắc chẳng bao giờ biết bộ dạng anh ta lúc này hay ho đến thế nào.
Thụ lại đứng xem thêm một lúc nữa, sau đó bước vào tiệm, đi thẳng đến trước bàn của công, gõ gõ lên mặt bàn. Công ngẩng đầu lên, nhận ra người đến là thụ thì có phần kinh ngạc: “Sao cậu lại đến đây?”
Thụ không nói gì, chỉ nhìn chăm chăm món đồ trên tay công. Công thấy thế có phần mất tự nhiên, nói: “Con cá ngày hôm nay gấp hơi khó…”
Thụ: “Anh gấp con ếch cho tôi đi”.
Công vui sướng vô cùng: “Được, cái đó tôi giỏi lắm, không cần nhìn sách cũng làm được”.
Quả nhiên chỉ một loáng sau công đã làm xong, còn tô cả màu nữa. Thụ đặt con ếch xanh vào lòng bàn tay, nói: “Về sau đừng gấp những thứ này nữa”.
Công lập tức trở nên lo lắng: “Cậu không thích à?”. Khó khăn lắm công mới nghĩ ra được một phương pháp giao lưu không “quá tầm thường” như thế mà!
Thụ cố ý liếc mắt nhìn đám giấy bị vo viên vứt đi: “Bảo vệ rừng, ai cũng có trách nhiệm”, sau đó đến trước quầy thanh toán, đặt con ếch xanh vào hộp thủy tinh đựng kẹo, quay người nhìn công đang ủ rũ cúi đầu thu dọn đồ đạc trên bàn, nói: “Trước khi đến làm ca tối anh qua nhà tôi ăn cơm chiều đi. Tất nhiên là nếu anh không ngại mỗi ngày đều phải đi chợ mua đồ đợi tôi tan ca”.