03. Lửa đêm

Lửa đêm

Dọc bãi sông quê tôi, có một rừng bần ngày ngày soi bóng nước. Cây bần xù xì, nhưng lá bần thì dày và mịn mướt một màu xanh. Hôm nào gió sông thổi, búp bần lủng lẳng giữa đám lá, đu đưa chùm nhụy phớt hồng bọc trong chiếc đài xanh hình ngôi sao bốn cánh. Những đêm tối trời, từng đàn đom đóm rủ nhau thắp đèn ra nô giỡn trên khắp các cành cây. Đèn của đom đóm đực màu vàng và nhỏ. Còn đèn của đom đóm cái thì rất to, từng chặp từng chặp lại lóe lên xanh biếc. Ông già bà cả cắt nghĩa rằng đó là dấu hiệu của đom đóm gọi nhau. Có người còn bảo đó là hồn kẻ khuất mặt hiện về soi sáng đường đi cho người đang sống. Chẳng biết có đúng như vậy không chứ riêng bọn trẻ con chúng tôi thì đứa nào cũng ham trò chơi bắt đom đóm. Đêm không trăng, bọn chúng tôi thường rủ nhau xuống xuồng theo con rạch nhỏ bơi ra sông. Vừa trổ ra vàm, thì chao ôi, sao mà mê làm vậy! Ngước mắt nhìn kia, đèn đom đóm như sao rơi. Vào cái tuổi chỏm đầu còn chưa đụng chót mái dầm mà thấy hằng hà sa số ánh lửa nhảy nhót rồi bay lả trên ngọn bần thì ruột gan cứ rộn lên, còn mê hơn là khi cho xuồng ra xa kia chơi nhảy sóng nữa. Chúng tôi đứa nào đứa nấy cứ cắm cổ, gò lưng mà bơi. Lắm lúc vì tranh đi mau, thằng sau gõ bốp cán dầm vào đầu thằng trước, hoặc nhiều khi té nước ướt cả áo quần, hay có bận xuồng va nhau lốp cốp làm bọn con gái sợ chết chìm la ré lên. Tranh thì tranh như vậy chứ đom đóm cũng khó bắt lắm. Phải là "bạn bè" thân thuộc mới đến gần nó được. Đứa nào hốp tốp trèo bừa lên cây thì một là ngã què giò, hai là cũng đến ôm bần trơ mắt ếch mà ngó theo rớt nước dãi thôi. Nhưng thường thường không đứa nào dám lội xuống nước trèo lên cây. Người ta bảo ở dưới sông có con ma da! Ai làm ác, ma da nó kéo cẳng, thay kiếp cho nó. Thằng Lâm, con ông cả Nghị, là đứa hay bộp chộp khuấy động đom đóm luôn nên thường bị nhiếc là ác. Còn chúng tôi thì có một cách bắt đom đóm rất khác lạ, khó cắt nghĩa được: cả bọn ngồi yên trên xuồng, ngay người như hòa thượng, mồm cứ luôn tụng đi tụng lại "Đom đóm ơi, xuống đây tao may quần áo lãnh áo nhiễu mày bận. Đom đóm ơi.".

Cứ thế, cứ thế. một lúc thì đom đóm sà xuống. Mỗi lần một con bay đến, lại một phen giành giật nhau. Trong đám con gái có con Ba Nở, con bác Tư thợ rèn, là dữ nhất. Khi đom đóm bay về phía nó, mấy đứa chồm sang định bắt thì nó giang hai cánh tay gạt cho ngã ngửa trên xuồng. Có lần, tôi và thằng Lâm tranh nhau bắt một con đom đóm cái thật đẹp. Thắng Lâm đẩy tôi ra, hai tay cứ quơ lia lịa vào không khí. Nhưng nó bắt hụt. Con đom đóm lập lòe một hột sáng biếc xanh lướt ngang mái đầu con Ba Nở. Thằng Lâm nhào theo. Con Ba Nở cũng với bắt. Con bé chộp được, còn thằng Lâm mất đà ngã dúi. Thằng kia hét lên:

- Đưa đây!

Con Ba Nở thu hai nắm tay giữ chặt chú đom đóm giữa ngực:

- Không đưa!

- Không đưa tao đánh!

- Đánh chết cũng không đưa! Nó là của tao!

Thằng Lâm xấu thói. Nó níu áo con Nở và lần theo bàn tay con bé, cố sức mở ra, giật con đom đóm lại. Con Nở cứ nắm tay chặt cứng. Thằng Lâm thở phì phì mà vẫn không làm gì được. Con nhỏ đó giỏi thiệt! Tôi định nhảy vô tiếp con Nở thì thằng Lâm đã rán sức kéo tay con bé, vặn trái ra sau. Con Nở la lên một tiếng điếc tai rồi thình lình quay đầu sang cắn vào tay thằng Lâm một cái. May mà răng nó vừa đụng vào, thằng nọ hoảng vía vội buông ra ngay, nếu không thì mất đứt một miếng thịt chứ chẳng chơi. Con Ba Nở bò lại phía sau xuồng cho xa thằng Lâm. Nó tém mớ tóc mai, quệt mồ hôi trán, hít mũi mấy cái rồi khom xuống nhìn vào mấy ngón tay đang mở ra he hé. Tôi chạy lại bên con Ba Nở cùng xem, bụng vẫn lo con đom đóm chết bẹp mất vì lúc nãy thằng Lâm vặn tay con Nở mạnh lắm. Nhưng không, giữa lòng bàn tay xinh xinh của con bé, ánh xanh ngời ngời cứ chạy dọc ngang. Con Ba Nở hai tay nâng đốm sáng, người ngã tới ngã lui, đầu gục gật theo nhịp chân đập trên xuồng. Nó nói với con đom đóm:

- Đom đóm ơi, không chết! Không chết!

Rồi nó ngửa mặt lên cười có vẻ đắc ý lắm. Tôi biết nó muốn chọc tức thằng Lâm nên tôi càng hòa theo nó cười dòn. Thằng Lâm chửi lầm thầm mấy tiếng nhưng không biết làm cách nào, đành chịu vậy. Tôi nghe nó nuốt nước bọt đánh ực một cái vào bụng.

Bỗng chú đom đóm dừng lại trên bàn tay con Ba Nở rồi vụt bay thẳng. Con bé kêu ố lên. Nó đứng phắt dậy với theo chụp cái chấm xanh xanh đang bay lượn trên đầu. Trật rồi. Chấm xanh tạt sang bên trái, nó lao theo, và tùm một cái, nó mất hút trong dòng nước đen ngòm. Trừ thằng Lâm, cả bọn chúng tôi đều nhốn nháo hết.

Nhưng thằng Trai đã phóng theo rồi. Tôi chồm lên be xuồng ngó theo, bụng hồi hộp quá. Thằng Trai là con bác Năm thợ chài. Nó lặn giỏi lắm. May ra kịp. Chưa dứt một hơi thở, nó đã nổi lên. Nó gọi một tiếng vang cả mặt nước. Tôi lật đật rút mái dầm rà xuồng lại. Cánh tay thằng Trai to sù và chắc nịch bám xệ hẳn một mạn xuồng. Tay kia nó đỡ ngang lưng con Ba Nở kéo mạnh đến. Con Ba Nở vừa sặc nước vừa đeo riết thằng Trai chẳng chịu buông ra. Thằng kia phải gắt om.

Lên được xuồng, con Ba Nở run cầm cập và ho dữ quá. Thằng Trai thì vừa vỗ vào những bắp thịt trên ngực nghe bịch bịch vừa nói lớn:

- Ê bây, đứa nào có áo khô cho con Nở mượn!

Tôi vội lột áo của mình giúp con Ba Nở mặc vào. Con bé liếc nhìn sang. Tôi thấy đôi mắt nó đang mỉm cười với tôi thân thiết.

Từ đó, tôi thích nhìn đôi mắt lá răm của con Ba Nở. Càng nhìn càng quen, tôi thấy mắt nó sáng lạ lùng lắm. Lông mi dài, hơi cong. Giữa tròng đen lay láy, con ngươi nở to ra. Mỗi khi nó giận dữ, đôi mắt nó lóe rực lên như hai hòn than đỏ trong bễ lò rèn của nhà nó vậy.

Ngày qua, chúng tôi càng lớn và không thể chơi trò đom đóm nữa. Nhưng một trưa, tôi đi ra rừng bần hái trái về cho mẹ nấu canh chua cá lóc thì nghe từ chỗ khuất có tiếng hai người nói chuyện nho nhỏ. Tim tôi vụt đập liên hồi. Tôi nấp vào một góc bần lắng nghe. Rõ ràng là tiếng nói của thằng Trai và con Ba Nở:

- Anh buông em ra em mới cho ăn.

- Không buông đâu.

Sau đấy thì rừng bần im lặng như tờ, im lặng đến phát run người lên. Bỗng có vật gì rơi tõm trên mặt nước. Tôi giật nẩy mình, vụt sờ ngay lấy tim. Không, đấy chỉ là một quả bần vừa đến ngày chín rụng. Tiếp đó, có tiếng cười khúc khích.

Một lát, con Ba Nở chống xuồng ra trước. Khi nó vừa đến chỗ lùm bần thâm thấp thì từ mé rừng ngoài sông có tiếng hỏi vọng lại:

- Ai làm gì trong đó, hả?

Con Ba Nở giật mình, nép vào giữa đám lá xanh um. Trên mái tóc của nó, mấy cái búp bần vừa hé mở, nhụy phơn phớt hồng cứ đu đưa, run rẩy. Tay nó cầm một quả bần ổi chín đang cắn dở chừng.

Tôi nhìn ra bìa rừng thì thấy thằng Lâm, cái thằng ma da, con ông cả Nghị. Nó mặc một bộ đồ bà ba trắng lốp, tay cầm dầm gạt bôm bốp vào thân cây bần, lách xuồng đi tới. Bỗng nó đứng ngây người ra, rồi xô xuồng đến chỗ con Ba Nở:

- Ủa! Đi đâu đó, em bậu? Cho qua ăn bần với, coi!

Nó chồm tới phía trước, chìa bàn tay có mấy nốt ghẻ, định cầm lấy quả bần trong tay con Ba Nở. Con Ba Nở đứng phắt dậy thủ thế. Thằng Lâm quên hết cả mọi sự đời, nó xáp đến. Mũi nó hếch lên, hít hít mấy cái, mồm cười nói chả chớt:

- Chà, lâu gặp em bậu quá. Lóng rày coi lớn xộn mà mập mạp dữ, hé!

Nó đưa tay định vuốt má con Ba Nở. Nhưng cô bé đã quắc đôi mắt sáng nhìn nó và giang tay gạt phăng nó ra làm nó suýt ngã ngửa trên xuồng. Chiếc áo trắng bị cành bần móc vào rách toạc. Nó nghiến răng lồm cồm đứng dậy chụp lấy cổ tay của con Ba Nở mà bóp thật mạnh, mồm gừ gừ:

- Mày dữ hả! Mày dữ hả!

Con Ba Nở giơ tay định tát thằng Lâm thì thằng Trai và tôi cũng vừa đến kịp. Thằng Trai giận tái xanh cả mặt lại. Hai bàn tay nó như gọng kìm giáng xuống vai thằng Lâm và cắp chặt cứng. Tôi nghe có tiếng gẫy răng rắc của cành cây. Thằng Lâm kêu không ra hơi nữa. Miệng nó méo xệch, mồ hôi rịn ướt trán. Thịt trên má nó dãy lia lịa như cá lóc bị đập đầu.

Lần ấy là lần cuối cùng ba chúng tôi gặp nhau tại rừng bần vì kế đó, có việc không may xảy ra:

Chừng nửa tháng sau, vào một buổi chiều, lúc mặt trời gần lặn, tôi thấy hai cha con thằng Trai bơi xuồng dưới sông; giữa xuồng, đặt một cái khay sơn đen, trong có trầu, cau và một nhạo rượu. Tôi đoán là nhà thằng Trai đi hỏi vợ cho nó nên cũng mừng giùm, định bụng hôm cưới sẽ đến giúp một tay. Tôi gọi thằng Trai, vẽ hình lá răm lên hai mắt rồi hất hàm cười, hỏi nó. Nó lắc đầu, lấy tay chỉ về phía nhà ông cả Nghị. Thôi chết rồi! Từ trước đến nay, nhà cả Nghị vẫn thường là chỗ tới lui của tụi quan Tây trên tỉnh, còn bà con tá điền chúng tôi ai có chuyện phải đem trầu rượu lại thì thật là khốn đốn đến nơi. Cả Nghị là tay chúa đất ở vùng này, quyền hành số một. Trong phút chốc đây, thằng Trai sẽ phải chịu đắng cay dập trán xuống cho ngang đàn kiến con con bò trên mặt đất mà thay cha quỳ lạy sống tía con thằng Lâm. Cái cảnh này năm nào tôi cũng có nếm qua khi cha tôi và mấy bác ở xóm vàm đến khất nợ tô nhà cả Nghị. Hôm nay đến lượt thằng Trai phải làm để "tạ lỗi" vì đã chạm đến "cậu Hai", chạm đến uy quyền nhà ông cả!

Nhưng cha con thằng Trai đã chịu nhục đến nước ấy mà tía con thằng Lâm vẫn một mực đuổi đi khỏi đất này. Thằng Lâm tung tin là cha con thằng Trai làm cộng sản, chưa có chứng cớ để bắt, nhưng để thì sợ liên lụy đến vùng "đất đai" nhà nó nên tía nó phải đuổi. Tôi thì đi guốc khắp đường ngang ngõ tắt trong bụng tía con thằng Lâm rồi, song tôi chưa tiện nói.

Cái đêm thằng Trai bị buộc phải ra đi, tôi đưa nó đến vàm bần trổ luôn ra sông cái. Nước ròng đang đổ xuôi về biển đông gặp mấy cột đáy chắn ngang nên cứ phát ra từng tiếng kêu ưng ức. Tôi khuyên thằng Trai nên tìm gặp con Ba Nở rồi hãy đi. Nó nín thinh hoài đến phát sợ. Bỗng nó giơ dầm phang mạnh vào một cột đáy rồi xòe bàn tay ra vỗ bịch bịch vào ngực mình:

- Anh hùng "ninh thọ tử bất ninh thọ nhục". Tao đã bị nhục rồi, chẳng muốn gặp con Ba Nở, vả lại thân tao bây giờ thành ra "trôi sông lạc chợ", thương nó thì chỉ làm cho nó mang khổ chớ có ích gì. Mày còn ở lại nhớ chăm lo nó. Thôi, tao đi.

Nó bỏ mái dầm xuống nước cuốc mạnh một hơi. Xuồng nó vọt thẳng lên, trôi băng băng về phía trước. Tôi gác dầm, thả xuồng lờ lững ngó theo. 

*

* *

Thằng Lâm bắn tin muốn lấy con Ba Nở. Con Nở cự kịch liệt. Có một đêm, tình cờ con bé gặp tôi, nó nhắc đến thằng Trai và khóc ướt cả một vạt áo. Nó bảo nếu ức hiếp quá nó sẽ bỏ nhà trốn theo thằng Trai. Nó hỏi tôi có dám đưa nó đi đến chỗ ấy không. Tôi ngồi lặng thinh vì tôi cũng chưa biết thằng Trai đã tới nguồn lạch bến sông nào nữa. Vàm bần đất rộng mênh mông, bần xanh bát ngát, tại sao mà thằng Trai phải ra thân "trôi sông lạc bến"? Còn con Ba Nở và tôi, nay mai đây thân phận sẽ ra sao? Tôi nhìn nước chảy tìm mãi một câu trả lời mà không thấy.

Ngày một ngày hai, thằng Lâm hết thúc ép rồi hăm he. Nhà con Nở hẹn lần hẹn hồi. Song cuối cùng, bác Tư thợ rèn cũng không dám làm trái ý cả Nghị, đành hẹn tháng Tám sang năm sẽ cho cưới.

Năm sau, tháng Tám đến, nhưng không có đám cưới. Không phải vì con Ba Nở đã bỏ nhà ra đi. Cũng không phải vì thằng Lâm mắc ôn dịch chết. Mà vì Cách mạng tháng Tám đã thành công ở quê tôi. Nhà thằng Lâm vơ vét bạc vàng chạy hết ra tỉnh.

Một buổi chiều mùa thu nổi gió, tôi đang ngồi trên bến móc mồi sửa soạn đi câu thì có một bàn tay đập lên vai tôi. Tôi giật mình quay lại. Trời ơi, thằng Trai! Tôi ôm chầm suýt nữa móc phải lưỡi câu vào tai nó. Sau khi nói chuyện huyên thiên xích đế, chúng tôi dắt nhau đến thăm con Ba Nở. Con bé nghe tin thằng Trai về, từ phía sau vườn chạy bổ ra. Thấy thằng Trai, nó đứng sựng lại, ôm lấy gốc cau lả đi như người chết đuối. Ngực nó thở dập dồn. Nó gọi thằng Trai một tiếng nhỏ, miệng nở cười nhưng từ đôi mi, hai giọt nước mắt đã lăn ra chảy dài trên má.

Đêm ấy, thằng Trai theo tôi ra vàm bần giăng câu. Chúng tôi nói những chuyện tâm tình kể từ ngày xa cách. Thằng Trai cho biết cha nó đã chết vì nhuốm bệnh mà nằm sương, không có một mảnh đất con che lều tránh nắng. Thằng Trai bỗng đập chát mái dầm lên mặt nước. Nó hỏi tôi:

- Mày thấy "mình" mạnh hay yếu?

Tôi đớ người ra, tôi tưởng đêm nay nó sẽ hỏi tôi nhiều về chuyện con Ba Nở. Nhưng không, thằng Trai bước đến gần, nó xách cái lồng đèn con soi sáng lên giường câu cho tôi. Giọng nó nho nhỏ:

- Mày biết "đoàn thể" là cái gì không? Ở làng mình cũng có đó! Trước đây phải tao biết sớm thì.

Tôi nhìn sững chiếc tim đèn đang cháy đỏ đặt kế một bên không biết thế nào mà trả lời được nữa. Đầu óc tôi cứ lộn xộn, mênh mông. Nhiều ý nghĩ lóe lên rồi lại trôi đi. Dòng nước lờ mờ xuôi về biển. Ven sông, những đốm xanh tắt cháy lập lòe.

Từ hôm đó, tôi và con Nở lại càng gắn bó với thằng Trai hơn. Chúng tôi cùng vô Dân quân, chiều chiều ra vàm sông tập luyện. Con Ba Nở vui lắm, lúc nào tôi cũng thấy nó cười. Nó thường mặc một bộ đồ bà ba đen, tóc búi gọn sau gáy, ngang lưng nịt một chiếc khăn rằn. Những bắp thịt tròn trên ngực trên vai hằn lên rắn chắc. Tay nó cầm tầm vông vạt nhọn, lựu đạn giắt ngang lưng. Mỗi khi ngồi nghe thằng Trai cắt nghĩa tại sao chúng tôi phải đánh giặc để giữ lấy đất này, đôi mắt nó sáng ngời, thiết tha, thu cả hình ảnh thằng Trai và mây nước sông trời trong con ngươi đen láy.

Nhưng chúng tôi sống gần nhau như vậy chưa được bao lâu thì Tây trở lại chiếm đóng quê tôi. Phía sông cái trên kia, khói đốt nhà bay lên từng cụm. Tôi theo anh em đánh giặc. Thằng Trai được đoàn thể bảo ở lại.

Bước chân ra đi nhưng trọn cả tấm lòng tôi gửi lại quê hương. Con Ba Nở và thằng Trai bịn rịn tiễn đưa, hẹn tôi hai năm sau về ăn đám cưới.

*

* *

Chúng tôi đi rồi thằng Lâm dẫn Tây trở lại hoành hành dữ ở quê tôi. Theo lệnh của bọn chỉ huy Tây dưới tỉnh, nó bắt bà con về làm tá điền cho nó như trước, ai không nghe thì nó giết. 

Có một lần nó dẫn Tây đi lùng thằng Trai và anh em mình. Con Nở không muốn ở nhà, sợ gặp cái mặt của nó nên lánh ra rừng bần giả vờ hái trái. Hôm ấy chẳng may thằng Lâm đi sục tìm, trông thấy con Nở. Thằng kia mừng lắm, nó bảo lính chống xuồng đến. Rồi đứng giữa xuồng, nó thọc tay vào túi quần, hất hàm hỏi con Nở:

- Cô trốn vô đây làm gì? Ăn trộm bần phải không?

Con Nở liếc nhanh nhìn nó và hứ một tiếng nhỏ:

- Anh nói gì lạ vậy? Bần của sông của nước chớ bần là của anh sao?

Thằng kia trợn mắt lên:

- Bần này mọc trên đất tao! Nay mai tao sẽ kêu người tới bán! Bây không được hái nữa, nghe chưa!

- Cứ hái!

Thằng Lâm cười khẩy, hai bàn tay nó ngọ nguậy trong túi quần:

- Hừ tao biết rồi. Bây hái bần nấu canh chua cho tụi thằng Trai ăn chớ gì? Bây muốn tiếp tế cho Việt Minh phải không? Đâu có được, em bậu!

Vừa nói nó vừa khom xuống cầm một cái dầm với qua xuồng con Nở chọc nát mấy quả bần chín rồi vít cho rơi xuống nước lũm chũm. Mặt nước đang phẳng lặng bỗng vỡ tan ra. Tăm cứ liên tiếp sủi lên như có một nồi nước sắp sôi nằm phía dưới.

Con Ba Nở trừng mắt nhìn thằng Lâm. Hàm răng nó cắn chặt và đôi môi đo đỏ cứ mấp máy. Thằng kia bỗng đứng ngây ngắm con Nở. Một lúc, nó đánh lưỡi một cái thật to. Rồi đổi giọng, nó nói:

- Sao cô em? Nói thật đi. Thằng Trai nó ở đâu?

- Tôi không biết!

- Hừ thôi, đừng có mơ tưởng đến nó nữa. Mai đây ông sếp Giăng bắt nó mổ bụng lấy gan nhậu rượu chơi đó! Em có muốn làm bà sếp không, hả?

Nó làm bộ cúi xuống phủi bụi trên đầu con Ba Nở và bất thần béo cằm con Nở một cái. Con Nở hất tay thằng Lâm ra thật mạnh:

- Anh bỏ cái thói đó đi!

Nó xô xuồng chống ra xa, miệng lầm bầm những câu gì nho nhỏ. Thằng Lâm nhìn tên lính. Nó định nói chi đấy, nhưng thấy tên kia cứ ngồi không nhúc nhích nên nó lại thôi. Nó đứng chống nạnh ngó theo con Nở đang rẽ xuồng vòng qua khuất trong đám lá xanh rồi nghiến răng hăm dọa:

- Bây sẽ biết tay tao!

Đêm ấy, con Nở ra gặp thằng Trai tại rừng bần. Nó nói:

- Anh cho em theo với.

Thằng Trai vuốt mái tóc nó khuyên:

- Em ở lại lo cho tía má. Bây giờ còn cực khổ, sông nay chết mai, em là gái theo chưa được đâu.

Con Ba Nở rứt cái búp bần ném ngay xuống nước mà nói một lời:

- Chớ sống trong lòng bàn tay nó thì còn hơn là chết đi. Anh cho em theo đánh chúng nó bằng không thì nay mai chúng nó cũng cắt cổ em và tía má như bà con mình vậy. Mà sợ không được chết nữa, lại phải theo nó.

Thằng Trai nhìn vào mắt con Ba Nở. Nó thấy hình như từ trong đáy tâm hồn của cô bạn nghèo lúc bé, phát ra một ánh lửa lạ lùng.

Nó nhẹ nhàng cầm lấy tay con Nở đặt vào giữa ngực:

- Em biết cái gì đây không?

Con Nở co mấy ngón tay lại, mỉm cười và lắc đầu. Thằng Trai bỏ tay con Nở ra. Nó mở lần lần mấy chiếc cúc áo bà ba đen. Giữa bộ ngực chắc chắc của nó, hiện lờ mờ một xếp vải. Nó cẩn thận gỡ trao cho Ba Nở. Con Nở đưa hai tay đỡ lấy, nâng lên xem. Trong ánh sáng đom đóm lập lòe, nổi lên một cánh sao nho nhỏ. Con Ba Nở rung rung mở nhanh tấm vải:

- Úy trời! Ai may cờ vậy anh?

Con Nở giơ thẳng lá cờ, cố nhìn ngôi sao vàng năm cánh qua bóng tối lờ mờ. Nó chập hai tay lại, rồi úp mặt vào vuông vải mới. Bỗng nó ngẩng đầu lên, mỉm cười nói:

- Thơm mùi của anh lắm!

Thằng Trai cố nín một tiếng cười. Nó xòe bàn tay đặt lên mồm con Ba Nở:

- Thôi đừng có nói giỡn nữa. Đưa đây, anh treo lên rồi còn đi về. Ở đây lâu không tốt.

Nó đưa tay cầm lấy lá cờ. Nhưng con Nở cứ giữ chặt.

- Để em treo cho!

Thằng Trai định gạt đi, song nó thấy đôi mắt con Nở nhìn nó như van xin tha thiết nên nó do dự một phút rồi nó nho nhỏ:

- Ừ thì treo. Mà mau lên. Làm cho khéo nghe không!

Con Nở gật đầu một cái thật mạnh. Nó đứng phắt dậy bíu lấy một nhánh bần rồi nhanh nhẹn trèo lên. Thằng Trai hơi ngại:

- Coi chừng, leo cho tử tế! Bần dòn lắm đó!

- Anh không lo. Em chuyên môn hái bần cho anh ăn, bộ anh không nhớ sao?

Thiệt vậy! Con Ba Nở nó thuộc lòng từng cây bần ở rừng này cho nên nó leo thoăn thoắt. Chân nó đặt vào những chạc cây vừa nhanh vừa nhẹ, chỉ nghe tiếng lá lào xào chạm vào nhau như khi có ngọn gió mùa thu nhẹ nhàng thổi qua vậy. Chẳng mấy chốc, nó đã ở trên cao.

Thằng Trai dõi theo bóng con Ba Nở đen mờ. Con Nở leo lên đến đâu, từng đàn đom đóm xanh xanh bay túa ra, lập lòe như những tia hào quang của ngôi sao năm cánh.

Từ ấy, ở quê tôi, vào những ngày kỳ niệm, cờ đỏ vẫn thường hiện ra treo cao vút tại vàm bần. Gió sông lên, cánh sao vàng tỏa tung bay phấp phới trên đám nhụy hồng tươi. Đêm đêm, tiếng súng diệt tề vẫn nổ.

Nhưng sống trong lòng giặc thì sao khỏi có người phải đổ máu hy sinh. Thằng Trai chẳng may bị thằng Lâm rình bắt được đem cho Tây giết, bêu đầu mấy ngày đêm tại rừng bần. Con Nở hay tin ấy chết lặng người đi. Nó âm thầm cùng anh em đồng chí chôn cất tử tế cho thằng Trai. Đêm ấy, nó ra rừng bần ngồi khóc một mình. Từ đôi mắt nó, nước mắt cứ rơi nhòa, hòa với nước sông trôi cuồn cuộn.

Những người dân quê tôi lần lượt theo nhau đứng dậy. Giặc phải co vòi. Người ở khu căn cứ đã bắt đầu sang sông trở về mở rộng vùng du kích quê tôi.

Một đêm, theo lệ thường, con Ba Nở sửa soạn ra giữ mối liên lạc ở ngoài bãi. Nó sắp đặt lại xuồng, mang theo mấy giường câu, giả tuồng như đi đánh cá phòng khi bất trắc. Nó đến cái trang thờ con con làm bằng thùng gỗ thông treo giữa nhà kiễng chân lên, cẩn thận đỡ xuống một chiếc đèn bánh ú và rót dầu vào đầy bình. Nó lắc lắc cái chai xem dầu còn lại bao nhiêu. Nó hơi mỉm cười vì chai dầu tuy ít ỏi, nhưng vẫn chưa hề cạn.

Xong xuôi nó mang đèn đặt vào trong một chiếc lồng con, mặc vào bộ bà ba đen ngày trước, lấy khăn rằn bịt đầu cẩn thận, rồi cầm dầm xách đèn bước xuống xuồng. Nó lặng lẽ bơi ra vàm bần.

Dòng sông cái vẫn im trôi trong bóng tối đen, chỉ có những đốm sao lưa thưa rắc trên mặt nước. Con Nở bơi xuồng dọc theo rừng bần xem xét. Xa xa, từng khoảng cách đều nhau, đèn những xuồng câu lập lòe chiếu sáng. Trên cây, đèn muôn ngàn đom đóm cũng nhấp nháy xanh xanh.

Nó đưa mắt nhìn dòng sông rộng, nhìn bờ bên kia xa thẳm, mờ mờ. Đâu đó đều im ắng. Thỉnh thoảng vài tiếng cá tôm ăn móng kêu lách chách. Gió sông mát lạnh mơn man trên vai, trên má nó như một bàn tay thân thuộc dịu dàng. Nó nhắm mắt lại và bỗng rùng mình, lòng dạ mênh mang như con nước bập bềnh trong những đêm gió lạnh. Nó lắc đầu mấy cái, bỏ dài mái dầm bơi dấn lên quay về chỗ cũ.

Đến khoảng rừng có một cây bần cao vút lên, nó lắng nghe sau trước, rồi nhẹ nhàng cho xuồng nép kín vào. Nó cắm chắc mái dầm xuống bãi, cặp xuồng tựa chặt với thân cây. Xong xuôi nó lôi chiếc lồng đèn dưới sạp xuồng lên. Nó mở cửa lồng nhấc chiếc đèn ra đặt kế bên và tháo khăn rằn xuống lau hai mặt kính. Qua lần khăn, mặt kính áp vào da nó nhẳn lì và mát lạnh. Nó luồn tay vào cửa lồng lau đi lau lại thật kỹ. Phải lau cho thật trong, thật sáng để anh em bên kia sông nhìn cho tỏ rõ. Dù cho trời tối, nó cũng thuộc lòng màu kính một đỏ một xanh. Đèn đỏ là sông có động, phải quay lại. Đèn xanh là dấu hiệu sang sông. Đã mấy lần, từng đoàn cán bộ của ta theo dấu ấy mà về đây gây cơ sở cho vùng du kích. Sau hiệu đèn xanh là bao nhiêu tính mạng quí báu của đồng chí mình. Sau hiệu đèn xanh là cả một phong trào du kích, là cả mối run sợ của giặc Pháp và Việt gian. Lâu nay, lũ giặc vẫn rình mò, nhưng chưa thể nào hiểu ra dấu hiệu đèn xanh ấy.

Con Ba Nở ngồi vuốt ve đôi mặt kính. Bỗng từ xa, phía những ngọn đèn câu lấp lóe, vang lên một tiếng chim kêu nho nhỏ. Tiếng chim êm đềm bay lướt trên sông. Con Ba Nở ngồi ngay ngắn lại, quay mặt sang bờ kia, và bắt đầu báo hiệu. Nó móc trong túi ra cái bật lửa nhỏ, đánh lên, châm vào chiếc đèn bánh ú, cái đèn câu mà ngày xưa thằng Trai đã từng soi sáng cho tôi. Con Nở nhanh nhẹn đặt chiếc đèn con vào lồng kính, khép cửa lại cẩn thận cho gió bốn bên không thể lọt vào. Nó cầm cái lồng kính xanh biếc nhấc cao lên. Trong lồng, chiếc tim đèn hút mạnh dầu cháy đỏ, tỏa ánh sáng rung rinh, chiếu lên giữa bóng đêm đen thẳm.

Trong cảnh sông khuya vắng vẻ, bỗng con Nở nghe có tiếng xuồng rẽ nước đi nhè nhẹ và tiếng dầm bơi vô ý thỉnh thoảng chạm vào be xuồng lộp cộp. Nó hơi lo, lắng tai dõi theo tiếng động. Rõ ràng là có nhiều mái dầm đang lặng lẽ khuấy nước và hai ba người đang nói chuyện lào thào. Anh em đồng chí mình không bao giờ đi đông như thế. Chỉ có bọn "chúng nó" thôi. Đêm nay, có lẽ chúng nó muốn phục kích tại vàm sông chăng? Nguy mất! Phải báo ngay cho các đồng chí bên kia biết mà quay trở lại. Con Nở không do dự gì nữa, nó lập tức xoay mặt đèn đỏ ra sông.

Vừa lúc ấy, một mũi xuồng lạ ló ra và một họng súng đen ngòm chĩa vào ngực con Ba Nở:

- Ai làm gì đó, hả?

- Dạ, tôi đi giăng câu, ông à!

Con Nở vừa trả lời vừa đặt ngọn đèn xuống sạp thuyền. Nó với tay chụp lấy gắp lưỡi câu tháo tung ra rồi nhúng xuống nước. Nó lôi cái gáo dừa đựng đầy trùn cơm đến tìm mồi móc vào lưỡi câu. Nó làm mọi việc rất nhanh nhẹn và bình tĩnh, mắt vẫn nhìn chăm chăm về phía mũi xuồng kia tìm cách đối phó. Một vệt sáng đèn pin chiếu ngay vào mặt làm nó nheo đôi mắt lại.

Có tiếng thốt lên qua hai hàm răng:

- A, tưởng ai, té ra cô Ba Nở? Cô mà cũng đi câu nữa sao?

Thôi, đúng là thằng Lâm rồi! Phen này gay go đây. Con Nở chưa trả lời, cứ tiếp tục móc mồi vào giường câu.

Thằng Lâm áp xuồng đến gần, nó nhìn con Nở từ đầu đến lưng như dò xét. Nó giằng đường câu trong tay con Nở, kề sát vào đèn. Nó se ngược sợi nhợ, tháo ra xem kỹ những chỉ gai phía trong.

Bỗng nó cười gằn một tiếng, có vẻ đắc ý:

- Đi câu hả? Cô thả câu hồi nào mà tới bây giờ nước chưa thấm vô nhợ câu, hả? Thôi, đừng có qua mặt tôi nữa. Cô đến đây làm gì? Nói mau!

Nó luồn họng súng lục vào cổ con Nở, hất cằm cô lên. Con Nở né đầu tránh qua một bên, giọng nó vang trên mặt nước:

- Tôi vừa ra đây câu thôi! Anh cũng thấy đó. Dọa tôi làm gì?

Thằng Lâm giơ chiếc đèn câu lên. Đôi mắt trắng dã của nó ngó lom lom vào con Ba Nở, răng nanh nó nhe ra:

- Nè, lôi thôi tao bắn nát óc bây giờ chớ dọa không thôi à?

Con Nở chẳng trả lời. Nó nhíu mày nhìn thẳng vào mặt thằng Lâm. Từ trong mắt nó, một ánh lửa căm thù lâu nay đang âm ỉ, lóe rực lên, phóng ra qua cái nhìn bén ngót.

Thằng Lâm run tay, nó xoay cái lồng đèn, nhìn sang chỗ khác.

Thấy đèn xanh lại chiếu ra sông, con Nở lo lắng nên quên cả giữ gìn. Nó vội vàng giật lấy cái lồng đèn trong tay thằng Lâm. Nó tìm cách giơ mặt kính đỏ lên cao cho bờ bên kia trông thấy.

Lúc đầu thằng Lâm chưa hiểu. Nhưng qua một phút nó đã đoán ra. Như một con ma da bắt mồi, nó chồm tới xòe bàn tay lạnh ngắt ra chụp lấy con Ba Nở. Con Nở cắn răng, cố sức giơ chiếc đèn đỏ lên cao, quay tít.

Thằng Lâm gừ lên một tiếng trong cổ như tiếng chó dại nhe răng sắp cắn người, một tay nó vặn mạnh chiếc đèn, tay kia nó rút dao găm chọc vào dưới cằm con Ba Nở:

- Buông ra!

- Không buông!

- Không buông tao giết chết!

- Chết cũng không buông!

Ánh lửa chao đi chao lại trong cuộc vật lộn giữa hai bên. Cuối cùng con Nở giật được chiếc đèn giơ cao lên, đôi mắt nó sáng quắc như sao nhìn vào thằng Lâm ngay giữa mặt.

*

* *

Anh chỉ huy du kích của một xã ven sông Cửu Long kể lại chuyện này hôm chúng tôi nằm chờ lệnh để về vùng ấy.

Đêm đó, ngồi ở ven sông, mắt anh đăm đăm nhìn sang quê cũ. Bên kia đã là vàm bần rồi. Dài theo bãi, đom đóm vẫn thắp đèn nhảy múa trên cành cây. Anh bụm hai tay, múc nước sông lên rửa mặt rồi rút khăn ra lau đôi mắt. Tôi chờ cho anh lau xong mới dám hỏi tiếp câu chuyện còn dở dang:

- Rồi nó giết chết cô Ba Nở phải không?

- Không! Không chết!

Im lặng một lúc lâu, anh vụt thốt lên như tiếng nấc:

- Nhưng nó làm một chuyện còn ác hơn là giết chết nữa kia: nó móc mắt cô ấy!

Một con vật gì phía dưới chạy hoảng nhảy tung lên làm tan cả hai ánh sao đang lung linh trên mặt nước. Một tiếng thở dài.

Gió thổi mạnh trên dòng sông. Những ngọn sóng từ xa chạy vào dồi xuồng chúng tôi trồi lên hụp xuống.

Anh du kích vẫn còn ngóng mãi sang bờ bên kia. Có lẽ anh đang nhớ đến quả bần xanh, đến con cá trắng, nhớ đến bãi sông màu mỡ phù sa? Hay anh nghĩ đến cuộc vật lộn gay go vẫn còn đang tiếp diễn?

Bỗng từ phía ấy, trong rừng bần lấm tấm sao rơi, một ánh lửa lóe lên xanh biếc cứ lập lòe bay dọc bay ngang. Tôi nhớ ngay đến chú đom đóm xinh trong lòng bàn tay cô Ba Nở.

Có lệnh sang sông. Chúng tôi giơ cao dầm, gò lưng, cắm cổ, nhằm ánh lửa chập chờn mà bơi tới. Trong màn đêm còn mù mịt bên kia sông, ánh lửa xanh biếc của quê tôi cứ ngời sáng thâu đêm, không bao giờ tắt được. 

1959

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3