06. Trăng lưỡi liềm phần 1

Trăng lưỡi liềm

1969

Buổi chiều trong rừng tối sớm. Bên ngoài đã ít ánh sáng, trong xưởng lán càng tối hơn. Màn sương mỏng trùm xuống màu xanh của cây rừng, khoát thêm một lớp ngụy trang cho mặt đất. Xa xa, những ngọn núi trùng điệp của dãy Trường Sơn đã ngả hẳn sang màu lam, cái màu lam vời vợi. Từ phía con đường ngoài kia, vẳng đến tiếng rì rầm của đoàn xe. Đặng lắng tai nghe. Trong cái nền âm thanh trầm và nặng của máy đi-ê-den, thỉnh thoảng lại nổi lên tiếng rú ga cao và gọn của những chiếc xe chạy xăng đang leo dốc.

Đặng đưa mắt nhìn lại đoàn xe chạy xăng hơn chục chiếc đang nằm yên dưới vòm cây ngoài xưởng, như những người ốm nằm không động đậy. Lá vàng rơi rắc trên nắp đầu máy, trên nóc ca-bin khô đét. Lũ xe đang ốm vì cái bệnh vỡ nắp bơm xăng. Đường Trường Sơn thì xe chạy xăng làm sao không ốm vì cái bệnh ấy! Nhưng khốn nỗi, Đặng chỉ là thợ chứ chưa phải là kỹ sư. Và cả cái trạm chữa xe dã chiến dọc Trường Sơn này không ai là kỹ sư cả. Mà nếu có kỹ sư thì anh ta sẽ tính cách nào đây nhỉ? Tháng trước, đồng chí trạm trưởng nói:

- Đặng à, bơm xăng dự trữ hết ráo rồi, tính sao mầy?

- Anh bảo mấy cậu vật tư ra Cục mà xin, sao lại hỏi tôi!

Anh trạm trưởng kéo Đặng ngồi xuống một hòn đá mồ côi:

- Xin được thì nói làm gì! Xin từ ba tháng trước. Giấy xin có, người xin có. Mà bơm xăng thì không có. Đề nghị cấp trên cho nhà máy T., nhà máy H. làm. Nhưng các nhà máy đều có kế hoạch nặng và gấp lắm lại đang chiến đấu ác liệt. Sớm nhất là ba tháng nữa họ mới có thể nhận được. Rồi còn phải làm thử.

- Gay go quá nhỉ!

- Ừ, gay lắm! Cho nên tao mới tính như vầy: ta đúc lấy!

- Đúc như thế nào?

- Làm khuôn. Nấu nhôm với ăng-ti-moan. Rót vào!

- Hì hì. Nói như anh thì.

Anh trạm trưởng trợn mắt:

- Được! Tao làm, cho mầy ngồi đấy cười!

Anh đứng dậy và bỏ đi. Đặng vội nắm vạt áo anh kéo lại. Xoạc! Cái túi áo bộ đội cũ quá, rách toạc. Một chiếc nắp bơm xăng rơi xuống hòn đá, vỡ đôi! Đặng toát mồ hôi trán, vội nhặt hai mảnh nắp đặt lên lòng bàn tay, chắp lại. Anh trạm trưởng cầm vạt áo rách, nhìn Đặng, la lên:

- Trời ơi! Mầy hại tao rồi!

Hai tai Đặng ù lên, nóng rực. Miệng Đặng méo xệch rồi bỗng nhiên, há tròn vo, cười lớn: vết gãy cũ, đã lên một lớp rỉ nhôm màu xám. Nắp bơm vỡ trước, lâu rồi! Đặng kéo tay anh:

- Ngồi xuống đây. Yên trí. Chiều vá lại cho.

Anh trạm trưởng vỗ vai Đặng, cười:

- Khá! Đó, cứ cầm cái nắp vỡ đó về. Vẽ triển khai ra thành các mảnh khuôn. Rồi đặt tổ rèn làm phôi thép.

Đặng xoay xoay cái nắp trên lòng bàn tay, ngần ngừ:

- Cả trạm không có nghề đúc. Tôi lại là thợ nguội.

- Vậy! Cho nên tao mới tìm mày mà giao việc.

- Khó lắm, anh ạ. Nhất là cái này: ống chân không nằm lệch tâm, giữa ruột lại có hình trăng lưỡi liềm. Làm khuôn khó lắm!

- Khó! Nhưng lúc nãy mầy chỉ biết khó chung chung. Bây giờ biết khó ở cái ống chân không, cái trăng lưỡi liềm. Như vậy có phải là công việc đã tiến tới một bước không? Hả?

- Hì hì. Anh nói.

- Cứ bắt tay vào. Tao giúp. Anh em giúp. Cố gắng có nắp bơm xăng trước tuần trăng tháng sau, cho mấy cái thằng xe kia ra đường. Được không?

Đặng ngần ngại:

- Chưa chắc đã được!

- Như vậy là có tiến một bước so với "gay go quá". Mà "gay go quá" thì lại tiến hơn là "chịu thôi". Phải không? Hả?

Đặng tủm tỉm cười. Anh trạm trưởng nói thêm:

- Đừng có lo quá đến nỗi phát sợ mà không dám làm. Hồi đánh Tây, tao đã đúc kíp mìn, lựu đạn. Mấy năm trước cũng có thấy người ta đúc pít-tông, xy-lanh rồi. Họ đúc nhôm với đồng. Bây giờ đúc cái này, mới hơn, nhưng có làm mới ra chuyện. Không, chỉ có cách bó tay.

Thế rồi các bản vẽ cũng phải vẽ xong, các phôi thép cũng rèn xong, khuôn cũng tiện, phay xong, có điều là phải phay bằng máy khoan! Hôm nay cầm khuôn thép về làm nguội, Đặng vừa đi vừa huýt sáo. Đôi môi chúm lại nên chiếc cằm lẹm càng co lên. Những vết nhăn trên má cũng rõ hơn. Nhưng đôi mắt sáng thì làm cho khuôn mặt trẻ ra. Lúc ấy, trông thấy Đặng, không ai bảo là đã ngót ba mươi tuổi. Người ta thường bàn nhau về Đặng: "Thằng ấy khó được vợ vì nó cẩn thận quá. Với cô này thì nó thấy có nhiều tính cần phải "giũa" bớt đi. Với cô khác thì nó thấy có vết rạn, khôn dám lắp vào, e lúc khó khăn leo đèo vượt dốc lại "vỡ nắp bơm xăng" thì khốn!". Thật tình mà nói, Đặng hay nghĩ đến chuyện lâu dài. Liệu có lấy được nhau thì mới "tìm hiểu" chứ. Gặp ai cũng lao đến "tìm" rồi khi "tìm" mãi mà không "hiểu" nổi thì vứt nhau vào thùng phế liệu à? Phải nói là Đặng cũng có thân một cô thợ tiện ở thành phố V. Cô ta không đẹp, nhưng có duyên. Trạm trưởng nhận xét: Những cô gái có duyên thường là tốt. Cái duyên nó ở tự trong lòng. Lòng đẹp hiện thành duyên. Nhiều lần, anh em đã giục Đặng: "Thôi, gạt cần, tiện phăng đi. Cậu cứ rà tới rà lui mãi!" Đặng không phải là người hay do dự. Nhưng bắt tay vào làm việc gì, nhất là việc quan trọng, tính kỹ vẫn là hơn. Lúc ấy, địch đã bắt đầu đánh vào thành phố. Trong bom đạn, kéo "rơ-moóc" vượt dốc, phải tính kỹ chứ. Đã móc vào thì phải kéo cho tới nơi, đừng có "nửa đường gãy móc!" Đến khi trên Cục lập những trạm sửa chữa dã chiến, Đặng theo anh em vào rừng núi Trường sơn thì câu chuyện trở nên xa vời. Tuy vậy, những lá thư từ thành phố ngày đêm đầy tiếng bom và tiếng pháo, cũng đều đặn bay đến rừng này.

Trong bức thư gần đây nhất, cô bạn gái viết: Em muốn được sống gần mặt trận, trực tiếp phục vụ mặt trận. Xưởng em dạo này cũng đang chuyển hướng kế hoạch, có lẽ thừa người. Ở chỗ anh có cần thợ tiện không? Anh có xin cho em đến đấy được không? Sau mấy ngày đêm suy nghĩ và hỏi ý kiến trạm trưởng, Đặng trả lời trên một bức thư xanh, khác với thư thường màu trắng: Em đến, anh rất sung sướng. Và anh tin rằng cả trạm đều sẽ hoan nghênh!

Trời sụp tối. Hơi lạnh của rừng núi thấm cả vào vai, vào tóc Đặng. Anh cạo nốt những nhát cuối cùng rồi cầm mảnh khuôn thép ngắm nghía. Lúc ấy, anh trạm trưởng cũng tất tả đi đến, mồm ngậm một chiếc tăm:

- Đặng ơi! Đến đâu rồi? Đi ăn cơm đi chớ!

Đặng mỉm cười, tung mảnh khuôn trên tay. Mảnh khuôn thép gọn gàng mà nặng chịch:

- Coi như là xong.

Anh trạm trưởng vứt cái tăm, cầm khuôn thép:

- Vậy à, đưa coi!

Anh lật qua lật lại, soi mói nhìn. Rồi phủi lá rừng và mạt thép trên mặt bàn, anh đặt khuôn lên, đo lại cẩn thận. Một lúc sau, anh cười, vỗ vai Đặng:

- Khá! Mày khá quá! Thế là tiến thêm một bước nữa, bước quyết định về chất rồi! Hà hà.

Đặng thở phào một hơi, khoan khoái. Anh lúi húi thu dọn đồ lề, cất vào thùng. Trạm trưởng giục:

- Đi ăn cơm đi! Tối nay ta đổ thử.

- Anh bảo tổ rèn đừng dập lửa.

- Bảo rồi. À này, viết thư cô ấy đi. Báo tin: mình đã gửi công văn xin cô ấy rồi. Bảo: khi nào lên mang luôn kẹo, bánh thuốc lá. Tổ chức luôn chứ, hả? Làm tới luôn đi.

Đặng lúng túng:

- Đã có gì đâu mà.

- Ấy! Xin lên đây là bước quyết định rồi. Nó mê mầy rồi! Thôi, đi ăn cơm.

Đặng cất bước về lán ăn. Lá rừng dưới chân, ngậm sương chiều im xốp. Anh chợt nhìn thấy: mảnh trăng lưỡi liềm vàng rơm đang treo lơ lửng trên những ngọn núi Trường Sơn tím ngắt. Đặng lẩm bẩm:

- Đêm nay có trăng rồi.

*

* *

Bể rèn đặt trong một góc lán. Đêm khuya. Tiếng quạt gió quay tay kêu rè rè. Từ những hòn than hồng, vươn lên một ngọn lửa thấp, biêng biếc, tim tím, nhảy múa theo sức gió. Những lưỡi lửa liếm quanh chiếc nồi đúc con con như vuốt ve, như dò hỏi: chẳng biết nồi này làm bằng thứ gì mà mình đốt mãi, nó vẫn cứ trơ trơ. Các mẩu nhôm trong lòng nồi từ màu xám ngã sang hồng, đỏ rực, rồi bắt đầu chảy. Ánh lửa hắt lên khuôn mặt chữ V, với chiếc cằm lẹm, đôi mắt sáng và cái trán mướt mồ hôi, trên đó dần dần hiện lên những vết nhăn của cái tuổi đã bắt đầu suy nghĩ. Xung quanh Đặng, những chiếc đe, chiếc búa và những đống than hiện lên lờ mờ. Mặt đe và mặt búa bóng nhẵn, bắt ánh lửa, cũng lấp lánh như những con mắt.

Anh trạm trưởng bấm đèn, soi ánh sáng vào lòng nồi. Chất nước vàng chói vẫn nằm yên, gan lì, không nhảy nhót lung tung trước sức nóng gần nghìn độ. Chỉ có lớp váng, với những đường vân sạm đen, thỉnh thoảng hơi rung động.

Đặng nói:

- Anh sấy khuôn đi. Khuôn lạnh, chốc nữa rót vào nó bắn tóe lên như pháo hoa thì mình mang mặt rổ suốt đời.

- Được, không lo. Tao bảo đảm là có làm sao thì nó vẫn yêu mày mà.

Vừa cười, anh trạm trưởng vừa tìm chỗ kê khuôn, đốt nóng.

- Cô ta chưa bao giờ nói yêu tôi.

- Mầy đã bao giờ nói yêu nó chưa?

Đặng trật chiếc mũ, gãi gãi tóc:

- Biết thế nào mà nói.

- Ngốc! Mầy cũng như tao hồi đó. Cứ đặt mọi thứ lộn ngược hết. "Nói thế nào mà biết". Như vậy mới là xuôi.

Anh trạm trưởng nhổm người lên, cầm đèn soi vào lòng nồi một lần nữa:

- Cho ít nhôm thỏi vào. Hạ xuống khoảng sáu trăm độ thì rót.

- Ừ.

Đặng cầm lấy chiếc gáo rót đã làm sẵn. Anh trạm trưởng khử váng xỉ. Dòng nước vàng chói từ miệng gáo chảy vào khuôn, nom như một chiếc đũa bằng hổ phách. Những tiếng nổ lẹt đẹt. Một làn khói vương vất bay lên, tan biến ngay. Một mẻ nguyên liệu mới, cân sẵn, lại dốc vào nồi. Chiếc quạt tay tiếp tục bản nhạc một điệu rè rè, nhưng vô cùng bền bỉ.

- Phải hai tiếng nữa mới tháo khuôn được, anh ạ.

- Ừ thì hai tiếng. Mầy buồn ngủ chưa?

- Chưa.

Mấy hạt mưa rơi lộp độp trên mái nứa. Mưa hay là sương? Ở rừng, ban đêm lạnh ghê. May mà ngồi bên đống lửa. Bây giờ, có mấy củ sắn lùi thì tuyệt trần đời. Được nửa giờ chưa? Sốt ruột quá.

- Nó lên thì tính sao, hả Đặng?

Đặng ngần ngừ:

- Có thể là cô ta chỉ thích phục vụ mặt trận, thế thôi.

- Cái thằng. Ừ, cho là như vậy đi nữa thì mầy tính sao? Có dám đặt vấn đề không? Có dám dứt điểm không?

- Còn để xem.

Anh trạm trưởng phá lên cười:

- Hồi tao bằng tuổi mày, có yêu một cô, yêu ghê lắm, đến nỗi mê đi. Khi nói chuyện với bạn, ví dụ như nói với mầy đây, tao không gọi là Đặng mà cứ gọi mầy bằng tên cô ta! Nhiều lần, hai đứa dắt nhau đi chơi, tao đánh liều, cầm tay cô ta. Cô dãy ra. Lần sau tao liều hơn nữa. Cô càng đẩy mạnh, tao suýt té nhào. Tao nghĩ: Đã không yêu thì lằng nhằng làm gì, chỉ đi vào chỗ bậy bạ hay là bế tắc. Vậy là tao cắt đứt. Nhưng nghĩ lại: có lẽ cô ta là người tự trọng, mình là cái anh liều, nên hỏng. Tiếc quá. Một đêm, bỗng nhiên giữa đường, gặp lại cô. Đi với nhau mãi mỏi cả chân, mình mới cả gan nói yêu cô và có ý xây dựng lâu dài. Nói rất nghiêm chỉnh. Không hiểu sao cô vội gọi xích lô, nhảy phốc lên, đi mất. Năm năm sau, gặp lại, cô đã có con. Thằng bé kháu lắm. Mình bế nó lên, thơm nó, khen nó giống mẹ. Cô liền nói, rất nghiêm chỉnh: "Đáng lẽ nó là con anh! Tại anh.". Mình bỏ thằng bé xuống đứng sững sờ. Tại mình chỗ nào? Hả, cậu bảo tại mình chỗ nào?

Đặng nhìn anh trạm trưởng, cũng rất ngạc nhiên. Chuyện đời! Có trời mà biết! Nhưng anh trạm trưởng liền cười hì hì:

- Mất mười năm, mình mới đi đến kết luận này: tại mình non gan! Cậu bảo có đúng không hả?

Sương xuống nặng hạt, nhỏ lên mái nứa như giọt đồng hồ xưa, đếm thời gian. Bộp, bộp. Một phút, hai phút. Sương lạnh tràn vào gian xưởng trống trải. Những hòn than mới đổ trên bễ nổ rắc rắc.

- Được rồi đấy, anh ạ.

- Ừ.

Hai anh em cẩn thận tháo khuôn thép. Đặng cầm kìm, gắp nhanh chiếc nắp bơm xăng mới đúc bỏ lên mặt đe bên cạnh, sau khi thổi phù một cái, chẳng biết để làm gì. Anh trạm trưởng bấm đèn. Vệt sáng soi rõ chiếc nắp bơm mới đúc. Nó nằm đấy, tròn tròn, cao cao, trắng lóa một màu bạc trên mặt đe nhẵn bóng. Đặng đứng sững sờ: ống chân không lệch tâm và cái lỗ hút hình trăng lưỡi liềm không có! Đúng hơn là nó bị cụt, thiếu linh tinh. Cái ống đáng lẽ tròn, đầy, phẳng, sắc cạnh, bây giờ như một ngọn nến đốt dở, méo, cong, khuyết đi, trong chẳng ra cái hình thù gì cả.

Anh trạm trưởng:

- Cái đầu, khuôn chưa nóng đều nên nước nhôm đông sớm. Làm lại.

Đặng lắp khuôn. Và cảnh cũ lại diễn lại.

- Nó học lớp mấy?

Phải mất một phút, Đặng mới hiểu:

- Lớp bảy.

- Thợ tiện à?

- Ừ.

- Phải thợ đúc thì hay quá, hả?

- Ừ.

Đặng cứ trả lời bừa. Đến bây giờ, Đặng vẫn còn ngẩn ngơ trước cái thất bại đầu tiên. Tại khuôn? Tại nước nhôm? Tại cái gì? Bộp, bộp. Sương rơi. Bên ngoài, cặp chim đối đáp không ngơi. Kêu mãi, kêu mãi. Trời tối, tối mù mịt. Quá nửa đêm. Nhưng chính là ngày mới đã bắt đầu. Ừ nhỉ, mình cứ hay quên là ngày bắt đầu vào lúc đêm khuya nhất.

- Được rồi đấy, Đặng à.

- Ừ.

Lại tháo khuôn, lại gắp ra, lại bấm đèn soi nắp bơm xăng đúc lần thứ hai. Nó nằm đấy, tròn tròn, cao cao, trắng lóa một màu bạc trên mặt đe nhẵn bóng. Đặng nhìn sững: ống chân không và lỗ hút hình trăng lưỡi liềm lại thiếu. Có điều là những hình thù khuyết, méo lại khác những hình thù lần trước. Như là đổ một thìa chì chảy vào nước, mười lần có mười hình dáng khác nhau! Đặng ngẩn ngơ: đây là khuôn thép chứ có phải là nước đâu nhỉ?

- Hả? Cậu bảo sao Đặng?

- Có trời mà biết!

- Làm lại!

Cái nắp bơm xăng đúc lần thứ ba. Nó nằm đấy, tròn tròn, cao cao, trắng lóa một màu bạc trên mặt đe nhẵn bóng. Ống chân không với lỗ hút hình trăng lưỡi liềm: vẫn thiếu!

- Hả? Tại sao, hả Đặng?

Bên ngoài, đôi chim kêu nghe sao mà thảm thiết! Trăng lưỡi liềm đã lặn mất từ bao giờ sau dãy Trường Sơn. Trời sắp sáng. Vì thế nên mặt đất càng thêm tối.

*

* *

Tan trận bom, Đặng chạy bổ về phía xưởng. Một góc xưởng đổ sụp, ngay chỗ bễ lò. Cột, kèo, đòn tay, mái nứa xóc lộn vào nhau. Người ta bảo mái nứa bị bom không cháy, đúng thật. Bên cạnh xưởng, một hố bom to, mới tinh. Lòng Đặng bộn bề chẳng kém đống cây, nứa trước mặt. Có điều là nó cũng không cháy. Đặng cẩn thận gỡ cái đống ấy, xếp ra một bên. Anh em đến. Một chốc, gian xưởng đổ đã được thu gọn. Cái nền phơi ra. Chỗ đống than, sạch nhẵn như quét. Hòn đe to nằm chổng kềnh trong một góc. Còn khuôn thép, nó đã biến đâu mất, không để lại dấu vết gì. Đặng đứng sững nhìn nền nhà bụng ngao ngán quá.

Anh trạm trưởng đến, cánh tay bị bỏng quấn băng trắng lốp.

- Sao, các cậu?

- Không sao.

- Thôi, dựng lại. Chiều làm.

Trong thấy gương mặt ỉu xìu của Đặng, anh hỏi:

- Sao, Đặng?

- Mất rồi!

- Mất rồi? Thế là.

Đặng thoáng bực mình. Thằng cha sắp nói thế là tiến thêm một bước!

- Nè, bắt đền đây.

Đặng liếc nhìn: thư của cô ấy. Đặng cầm lấy, đút vội vào túi áo, chẳng thấy vui mà cũng chẳng thấy buồn. Anh trạm trưởng nhìn Đặng một lúc, tủm tỉm cười như giục: Cứ xem đi. Còn bụng dạ nào mà xem nữa! Anh trạm trưởng như hiểu điều ấy, cười hỏi:

- Hôm qua, mầy để khuôn ở đâu?

- Trên mặt đe.

Anh trạm trưởng nhìn chiếc đe đang chổng kềnh trong góc nền nhà, mắt bỗng sáng lên:

- Cứ theo hướng cái đe đổ kia mà tìm!

Anh ấy nói có lý. Trong tình thế nào, anh ấy cũng nhanh chóng tìm ra được hướng. Chẳng hiểu tại sao, lúc ấy Đặng bỗng nghĩ: Có thể là tại khuôn! Ừ, khuôn thép, bí hơi, nước nhôm bị nén lại, không tràn khắp được, nên thiếu. Phải rồi: khoan thêm lỗ thoát hơi. Ý nghĩ ấy làm cho Đặng thêm hăng hái. Phải tìm lại cho bằng được khuôn thép. Từng bước, từng bước, đặng chăm chú dò đi. Qua gốc cây to mà rễ ăn trồi lên mặt đất đỏ. Qua khúc gỗ mục mọc đầy những nấm trắng. Qua cái rãnh con mà nước xói mòn mài nhẵn những hạt sỏi trắng.

Đặng quay lại gặp anh trạm trưởng. Trong thấy anh rồi mà vấp một cái, ngã dúi. Đặng cười:

- Được rồi! Nhưng chỉ mới có một nửa!

- Tìm, tìm! Quanh đây thôi.

- Tìm rồi. Chưa thấy. Này, tôi định khoan một lỗ thoát hơi.

- Ờ, ờ. Phải! Khá! Mầy khá lắm.

Suốt buổi chiều hôm ấy, Đặng cứ hướng đó tìm. Đi dọc. Rồi đi ngang. Không thấy. Chia mặt đất ra từng ô, tìm. Không thấy. Rủ bốn, năm anh em, mang dao ra, chặt sạch cả bụi mây, tìm. Cũng không thấy nốt.

Còn một nửa khuôn thì làm ăn gì? Anh trạm trưởng bảo:

- Thôi. Không tìm nữa. Làm lại cái nửa kia. Rồi khoan lỗ.

Đặng nghĩ bụng: vất vả quá! Nhưng may ra, còn có hy vọng. Một tia nắng lóe sáng chiếu xuống cánh rừng. Lá cây, bụi cỏ, cái nấm và cả hạt cát cũng đẹp lên, như muốn cựa quậy, có hồn.

Cơm chiều xong. Chiều ở rừng gợi cho người ta một nỗi buồn bâng khuâng. Có lẽ đó là nỗi lo sợ bóng đêm của con người từ hàng vạn năm về trước còn lưu lại? Chiều. Sâu và lắng. Đặng ngồi một mình dưới gốc cây, chậm chạp bóc bức thư: Ban giám đốc vừa gọi em lên cho biết trạm đã gửi công văn về. Em mừng quá. Nhưng các anh bảo xưởng vừa nhận kế hoạch mới. Có thể vẫn cần người. Nếu em phải ở lại. Anh nghĩ sao?

Còn nghĩ sao nữa? Thôi cứ để em tự làm chủ phận mình, sao cho nó ích nhất cho cuộc chiến đấu chung.

Trời sụp tối. Mảnh trăng lưỡi liềm lơ lửng hiện ra. Trời càng tối, nó càng sáng, Đặng nghĩ: Trăng đêm nay cao và đầy hơn trăng đêm qua.

*

* *

Trăng khuyết, rồi trăng tròn dần. Nhưng cái nắp bơm xăng có hình trăng lưỡi liềm thì thiếu vẫn hoàn thiếu, mặc dù Đặng đã đúc đến cái thứ mười lăm. Lỗ thoát hơi cũng không gỡ được thế bí. Đặng hỏi anh trạm trưởng:

- Bây giờ tính sao, hở anh?

Trạm trưởng im lặng như đang cân nhắc một điều gì từ lâu anh đã nghĩ đến. Bây giờ anh mới nói ra:

- Thiếu, rỗ, rạn nứt là chuyện thường gặp trong nghề đúc. Và người ta đã nghĩ ra những phương pháp tốt: đúc ép phân tử, hay đúc ly tâm. Cái khó là chúng mình chưa thạo nghề này. Trạm lại không có đồ lề gì để đúc.

- Thế thì làm sao?

Trạm trưởng giơ cánh tay bỏng quấn bông trắng, vuốt mái tóc ngắn:

- Làm tới thôi!

- Anh định đúc ly tâm à?

Im lặng một lúc, trạm trưởng mới đáp:

- Đúc ép. Đúc ly tâm thích hợp với xy-lanh và pít-tông. Hoàn cảnh ta, đúc ép phải hơn.

- Người ta đúc ép như thế nào?

- Tao chỉ nắm nguyên lý chung, còn cụ thể thì.

Đặng thở dài. Trạm trưởng liếc nhìn Đặng, nói tiếp:

- Nếu chúng mình biết cách làm tỉ mỉ thì tốt quá rồi. Nhưng dù sao, trong hoàn cảnh trạm ta, không thể làm giống hệt như người khác. Đằng nào cũng phải suy nghĩ, cũng phải tạo ra cách làm thích hợp cho riêng mình, cậu ạ.

Đặng không phản đối ý kiến trạm trưởng. Nhưng Đặng nghĩ: Làm một việc khó và mới như thế, không có thầy, thì ít ra cũng có sách. Nhưng bây giờ, tìm sách ở đâu? Trong rừng à? Đặng thoáng nghĩ: ở rừng, lắm lúc cũng thấy sợ.

Buổi chiều, trạm trưởng họp tất cả anh em thợ lại, dưới những gốc cây rậm rạp, trong rừng:

- Bây giờ khó như vậy đó. Đồng chí nào có cách gì không?

Mọi người im lặng. Gió thổi. Lá rừng kêu xào xạc. Đặng rùng mình. Trời nắng mà anh thấy lạnh ghê. Đằng kia, lũ xe ốm nằm bất động. Những chiếc lốp xuống hơi, bẹp dần. Đặng nhớ một lần vào nhà thương thăm bạn bị bệnh liệt. Cái chân teo quắt lại, thương quá. Cây rừng trút xuống đầu xe những giọt lá vàng.

Một anh thợ có tuổi, đã từng làm việc ở nhiều xưởng máy, tay cầm một cành khô vẽ xuống mặt đất, nói:

- Hình như cái loại này người ta đúc ép phân tử.

- Đúc ép phân tử như thế nào?

- Tôi cũng không rõ nhưng có lẽ thế này: Kim loại nấu chảy, các phân tử dãn nở, đến lúc nguội nó co lại. Do đó mà thiếu. Đúc ép làm cho các phân tử nở ra ít, co lại ít, khắc phục tình trạng thiếu.

Đặng nghe anh ấy nói cũng có lý. Nhưng mà. chung chung quá. Một bác thợ già cũng bảo:

- Phải, đúc ép phải đấy.

Một tia nắng xuyên lá rừng chiếu xuống. Bóng lá in trên tay Đặng một vệt tròn, hay hay. Gió thổi, lá rung. Bóng cũng mất. Rồi nó lại hiện ra. Nhưng trước sau, vẫn chỉ là cái bóng.

Tối hôm đó, trạm trưởng gặp Đặng:

- Ta đúc ép chớ, Đặng? Cứ làm thôi, cậu ạ. Vừa làm vừa nghĩ.

Vầng trăng đêm nay như một cái đĩa vỡ treo giữa trời. Mà không, nửa bên khuyết trông mỏng manh, ít sáng hơn, nhưng nó là cái gì đang nhú. Một ý nghĩ mới cũng vừa nhú lên trong óc Đặng ép à? Vậy thì thêm hai cọc định vị. Trục vít vặn ép mảnh khuôn trên xuống. Đặng lấy giấy ngồi vẽ, tính đi tính lại. Ừ, có thể được đấy. Nhưng Đặng vẫn thấy nó thế nào. Đúc ép phân tử. Một vấn đề kỹ thuật nghe rất phức tạp, chẳng lẽ lại làm một cách thô thiển thế này ư? Nhưng, ở rừng, không sách, không thầy, mấy cái máy nhỏ và lũ xe ốm đang từng ngày chờ đi đánh giặc. Đặng muốn khóc quá. Bây giờ, cho Đặng đi cầm súng, có lẽ Đặng đỡ khổ tâm hơn.

Đặng đem những điều suy nghĩ, nói lại với trạm trưởng. Trạm trưởng im lặng rất lâu, khác hẳn cái tính thường ngày của anh. Một lúc, anh mới nói:

- Được rồi! Mầy cứ làm xong trục vít đi. Ở nhà tao đúc thử. Cho mầy về Cục hỏi phòng kỹ thuật hoặc tìm sách. Liệu đi về mười hôm có kịp không?

- Khéo mất nửa tháng.

- Đến tuần trăng sau à? Lâu quá, hả. Thôi, được. Cố về sớm chừng nào hay chừng nào nấy, nghe!

Hôm sau, cấy xong hai cọc định vị có trục vít, Đặng lấy dấu, khoan hai lỗ ở nửa khuôn trên, lồng vào. Anh vặn vít, hai mảnh khuôn ép chặt vào nhau. Chợt một chiếc xe con quanh co theo con đường nhỏ lẫn dưới bóng cây rừng bò lên, và đỗ xịch trước cửa trạm. Đồng chí phó phòng quản lý xe của Cục mở cửa trước, bước xuống. Đặng mừng quá, bỏ đồ lề trên bàn, chạy ra. Chưa đến nơi, Đặng đã sững lại như trời trồng: cửa sau xe mở ra, và một cô gái bước xuống! Cô với tay lấy chiếc ba-lô bên trong, khoác vào vai. Trời! Chính cô, chính cô ấy!

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3