09. Chuyện một người bị kỷ luật phần 1
Chuyện một người bị kỷ luật
1977 - 1997
Vừa rồi, một người bạn có nhà ở trung tâm thành phố bị "giải tỏa" đi lên Gò Vấp tìm đất, rủ tôi theo để "góp ý kiến". Chúng tôi bám gót một chú "cò" loanh quanh gần hết buổi sáng. Thấy chúng tôi chưa thật sự muốn "nhào vô" một miếng đất nào, chú "cò" dắt chúng tôi đến nhà một ông chủ vườn lan với lời trầm trồ dư sức kích thích trí tò mò và sự hám lợi: "Ông này trước đây làm giám đốc một xí nghiệp lớn, rất giỏi! Nhưng mà ổng "mở cửa" quá sớm nên bị cho "ao"! ổng về đây mua miếng đất này chỉ có năm cây. Bây giờ vườn lan của ổng trị giá cả ngàn cây vàng!"
Miếng "mồi của chú cò" quả nhiên là hết sức hấp dẫn. Cổng vào vườn lan rộng rãi, hai bên trồng hai cây bông giấy nở đầy hoa rực rỡ. Cái sân mênh mông với hoa kiểng đủ loại. Phía sau là một ngôi nhà kiểu biệt thự với lối kiến trúc của vài mươi năm trước. Bên phải, một hàng rào lưới B40 cao khỏi đầu ngăn cách một vườn đầy những giàn phong lan đang độ ra hoa đẹp mê hồn, chạy dài mút mắt, đến mức tuy không phải là người sành chơi phong lan, tôi cũng hiểu ngay được giá trị kinh tế của chúng! Chú "cò" đứng bên ngoài rào lưới, ló đầu qua cái cửa sắt đang mở, gọi lớn:
- Anh Ba ơi, có khách nè!
Trong vườn lan, có tiếng đáp:
- Xin lỗi, tôi đang lỡ tay chút xíu.
- Có khách quí mà, anh Ba!
Tôi tủm tỉm cười: chúng tôi là "khách quí" của chú "cò", chứ quí gì của ông chủ vườn, quấy rầy thì có! Nhưng cái vườn lan đẹp quá, rút lui không đành!
Chú "cò" có máu lì, lại thấy chúng tôi dùng dằng, nấn ná nên cứ lớn tiếng giới thiệu "hoa lan cây cảnh". Chẳng biết ông chủ vườn vì lịch sự hay vì tưởng lầm chúng tôi là khách "mua hoa" mà cuối cùng ông cũng hiện ra sau cánh cửa sắt. Đó là một người ngót sáu mươi tuổi, chắc đậm trong chiếc áo thun cộc tay và quần pi-gia-ma. Ông vừa lau tay vào một cái khăn vừa bước về phía chúng tôi. Tôi chợt sửng lại: gương mặt vuông, đôi mắt sáng cương nghị với cái nhìn thẳng thắn, trung thực. Tôi không thể lầm. Tôi mỉm cười, bước nhanh về phía anh:
- Chào anh Nguyên, còn nhớ tôi không?
Anh cũng nở cười, bắt chặt tay tôi:
- Quên sao được!
Đúng vậy, chúng tôi không thể nào quên nhau, dù hai mươi năm đã trôi qua và suốt thời gian đó, chúng tôi không gặp nhau lần nào.
Đó là vào những năm đầu sau giải phóng, tôi đi tìm "điển hình" giải quyết được những vấn đề mới nảy sinh để viết báo, còn anh đang là giám đốc một xí nghiệp quốc doanh làm ăn khấm khá. Tôi đã viết được hai bài báo khen cách làm ăn mới của anh, nhưng sau đó, tôi lại được tin anh "bị kỷ luật". Tìm hiểu kỹ, tôi thấy mình cần phải bênh vực anh. Nhưng lúc đó, tôi không có cách nào khác hơn nên đành phải viết một truyện ngắn! Tôi gửi cái truyện đó cho vài tờ báo nhưng không nơi nào in, mặc dù tôi đã cố gắng "lách" hết mức và bản thảo được sửa be bét. Ít lâu sau, tôi bặt luôn tin anh. Bây giờ gặp lại, thật là "trời xui đất khiến"!
Chú "cò" thấy tôi rối rít hỏi chuyện anh, biết cái gì đang xảy ra nên vội chào anh và lôi anh bạn của tôi đi nơi khác.
Tối hôm đó, tôi về nhà, lục lại cái truyện ngắn cũ. May quá, nó vẫn còn, tuy giấy đã ố vàng và những chỗ sửa lem nhem gần như không đọc được. Bản thảo đề ngày 1-8-1977. Tôi liền đánh máy lại và mấy hôm sau mang lên Gò Vấp cho anh Nguyên đọc chơi.
*
* *
Cái tin giám đốc Lê Hồng Nguyên bị kỷ luật nhanh chóng vượt khỏi thành phố, bay xa hàng ngàn ki-lô-mét. Bạn bè, người quen, cả những người chưa biết mặt anh đều bàn tán.
Mấy năm gần đây, giám đốc Nguyên bắt đầu nổi tiếng như là một cán bộ trẻ, có năng lực trong ngành công nghiệp. Nổi tiếng từ khi anh còn là quản đốc phân xưởng sợi của nhà máy dệt Mồng 1 tháng Năm ở Hà Nội. Báo chí có lần nói đến phân xưởng anh: mấy năm liền vượt mức kế hoạch trong những điều kiện hết sức khó khăn. Anh là cộng tác viên của báo Khoa học, của chuyên san ngành dệt, viết những bài về kỹ thuật và quản lý được người đọc chú ý. Miền Nam giải phóng, anh về Sài Gòn làm giám đốc xưởng dệt đay XUDÊĐA. Hai năm nay, xưởng anh làm ăn khấm khá, và cũng bắt đầu nổi tiếng. Vậy mà đánh đùng một cái, có tin anh bị thi hành kỷ luật.
Người ta nói rằng anh đã móc ngoặc với tư sản, ký lệnh chi vô nguyên tắc cả chục ngàn đồng tiền mặt. Rằng gần đây, anh "bắt bồ" với một cô kỹ sư cũ, tìm cách đưa cô vào xưởng, mà cô này trước đây thấy xuất hiện nhiều năm tại Tô-ky-ô (?). Rằng một mình anh chiếm tới ba bộ xa lông, ba cái máy nói, ba tủ buýp phê đầy rượu đắt tiền và mấy bộ cốc tách hết sức là sang. Rằng anh ngồi giữa ba máy lạnh chạy vù vù suốt ngày đến nỗi anh nói chuyện nghe như một người bị cảm cúm luôn luôn tắc mũi. Vân vân.
Bạn bè anh nghi hoặc: những điều này không đúng với chất người của Lê Hồng Nguyên. Song "chất người" không phải là một bằng chứng để bác bỏ những chứng cớ buộc tội hiển nhiên. Tốt hơn là nên thận trọng. Vì bênh một người "thiếu cảnh giác", "mất lập trường", "kém phẩm chất" cũng phiền lắm chứ. Cái tin cứ thế bay đi, rồi bay lại với nhiều chi tiết mới lạ và hấp dẫn hơn. Vậy là mấy cán bộ thanh tra được phái đến xưởng XUDÊĐA.
*
* *
Giám đốc Nguyên về xưởng này từ cuối năm 1975. Lúc đó, chủ tư bản nước ngoài đã hối hả bán hết sản phẩm để về nước. Nhà máy gần cạn nguyên liệu, thoi thóp chờ chết. Tám trăm trong số một ngàn thợ của xưởng phải nghỉ việc. Số còn lại làm việc hai ngày trong tuần, làm ngày nào ăn lương ngày ấy. Nhiều người gia nhập đội quân thất nghiệp ở chợ Trời trong cái thành phố Mỹ vừa rút. Nhiều người rưng rưng nước mắt xếp cái kìm, cái búa, xếp cả tay nghề có khi đến hàng chục năm vào hòm, đi mua cuốc, rựa, tìm đất cắm sắn, mì nuôi vợ con.
Ngày mới chân ướt chân ráo về đây tiếp thu, giám đốc Nguyên đi thăm ngay kho và xưởng dệt ở bên kia cầu chữ Y. Kho trống rỗng. Còn ở xưởng dệt thì những cô thợ nháo nhác như một bầy nai phải hơi cọp khi nghe tin giám đốc đến. Nhiều cô xanh mặt. Nhiều cô chân tay luống cuống. Ai cũng linh cảm rằng số phận mình được quyết định khi nghe có người la lên: "Chủ mới tới!" Giám đốc, nói nôm na là chủ nhất! Mà chủ nhất thì. Chị em rất ít người biết mặt chủ nhất trước đây. Nhưng hễ có hơi chủ nhất tới thì sau đó, ít ra cũng vài người bị đuổi việc, hoặc cô nào được chủ nhất gọi lên thì liệu mà giữ hồn, người ta chỉ có biết ngầm với nhau. "Chủ nhất mới" này còn trẻ, dáng nhanh nhẹn, mặc quần ka ki xám hơi nhầu và chiếc sơ mi tê-tơ-rông loại rẻ tiền, mới may. Ông ta đi vào xưởng, tay luôn che mũi vì bụi đay mịt mù. Ông ta dừng lại bên chiếc máy sợi con, làm cho cô thợ đứng máy này cuống đến nỗi không nối được sợi. Ông ta bước tới và nối ngay mối đứt bằng một động tác nhanh nhẹn và thành thạo trước những cặp mắt kinh ngạc của nhiều người. Xong ông ta nhìn cô thợ mỉm cười. Ngày hôm đó, cô thợ cứ bần thần cả người. "Khéo mình bị đuổi mất thôi". Nhưng có người bảo: "Đừng lo, ông ta cười, nghĩa là mày xinh!" Càng chết!
Trở lại văn phòng đẹp lộng lẫy đặt tại một con đường ở quận một, giám đốc Nguyên vùi đầu vào những hồ sơ và báo cáo. Suốt mấy ngày, hôm nào anh cũng làm việc tới tận giờ giới nghiêm. Hai bữa cơm là hai ổ bánh mì thịt khô không khốc. Ba cái máy nói giúp anh nhiều việc trong khi anh vẫn ngồi tại chỗ để nắm tình hình cũ. Một máy thẳng với xưởng, một máy nói chuyện trong thành phố, một máy nói đi xa. Máy sau này, chủ cũ chỉ ngồi tại chỗ a-lô mươi phút là nguyên liệu từ Xanh-ga-po hay Thái Lan sẽ về xưởng đúng hạn. Hồng Nguyên không để ý đến ba bộ xa lông vì anh biết đây là văn phòng của một công ty kinh doanh cùng lúc ba thứ hàng: đay, cao su, cà phê. Ba bộ xa lông để tiếp ba thứ khách của công ty, chẳng có gì là kỳ quặc. Anh cũng không có thời giờ để ý đến sự bất hợp lý mới của ba bộ xa lông, trong khi ba bộ xa lông nó vẫn để ý đến anh và chờ đúng dịp thì gây rắc rối cho anh.
Sau đó, anh lao về các tỉnh miền Tây, ký hợp đồng khơi nguồn mua đay trong nước. Nếu kể tỉ mỉ những "nỗi đoạn trường" của chuyến công tác này thì quá dài. Chỉ xin nói gọn là sau chuyến đi ấy. Hồng Nguyên sụt mất mấy kí lô thịt. Bù lại, nhà máy bắt đầu chạy lại, một ca, rồi hai ca. Mấy bác thợ già mừng chảy nước mắt khi cầm lại cái kìm, cái búa trở vào xưởng làm việc. Những chị thợ miệng cười mà nước mắt rưng rưng khi nhận hộp sữa bán tại căng tin với giá chính thức, sau giờ tan tầm, mang về cho con nhỏ. Mấy tháng sau, hàng chục chị em quen thuộc xưởng máy, có tay nghề khá được đi học một tuần rồi được cử làm tổ trưởng, trưởng ngành, trong số này, có cô thợ dệt mà ông giám đốc đã nhìn cô mỉm cười ngày ông ta mới về xưởng. XUDÊĐA là xí nghiệp đầu tiên của thành phố xếp xong lương mới theo thông tư của Bộ Lao động cho vùng mới giải phóng. Gần một ngàn chị em lương được tăng. Một ngàn nụ cười, đó không phải là một chuyện nhỏ! Rồi thì thưởng năng suất, thưởng sáng kiến, mọi chế độ, qui định của Nhà nước đều được giám đốc Nguyên đưa vào xưởng thật nhanh chóng, sát với tình hình. Các bác thợ già cười nói với giám đốc: "Làm việc với chú Ba tới đâu, chú biết cho tới đó, lớp già chúng tôi chẳng đòi gì hơn!" Họ không gọi anh là ông nữa, mà gọi là chú Ba, hay thân mật hơn: Ba Nguyên, y như cô bác gọi anh hồi anh còn nhỏ ở miền quê Thủ Thừa, Bến Lức. Giữa bữa cơm trưa trong cái kho vừa được lắp quạt, kê bàn làm nhà ăn tạm, nhiều chị thợ hỏi giám đốc: "Chú Ba có vợ con chưa mà bữa nào cũng vô đây ăn cơm tập thể?" Giám đốc Nguyên chỉ cười: "Bữa nào qua xưởng làm việc, tôi mới ăn cơm đây thôi". Người ta nói XUDÊĐA làm ăn khấm khá? Nghĩa là mỗi ca hồi chủ cũ dệt 500 bao giờ được 900 bao là vì những chuyện kể trên. Mùa hè 1976, XUDÊĐA tổ chức cho cả trăm lao động tiên tiến và chiến sĩ thi đua đi nghỉ mát Vũng Tàu không mất tiền. Đây là lần đầu tiên trong đời, chị em thợ dệt giỏi của XUDÊĐA được nếm mùi như vậy. Giám đốc Nguyên có ngờ đâu rằng làm ăn khấm khá cũng có thể là một nguyên nhân khiến cho người ta để ý. Có nhiều cách để ý tin tưởng, yêu mến. Nhưng cũng có sự để ý này: Vũng Tàu là nơi giám đốc Nguyên cặp kè miết với cô "kỹ sư Tô-ky-ô"!
Phải trở về trước một chút để hiểu rõ việc này hơn. Đầu năm 1976, nguyên liệu đay từ các tỉnh miền Tây về xưởng không đều. Việc này cũng dễ hiểu khi mà giá mua đay không hấp dẫn nông dân. Giám đốc Nguyên lo lắng, và công nhân thì lại càng lo lắng hơn cả giám đốc. Một đêm, giám đốc Nguyên đi thăm xưởng, đến dãy máy chuyên dùng chải đay vụn, anh chợt nảy ra một ý: Những năm còn làm ở nhà máy Mồng 1 tháng Năm tại Hà Nội, anh đã có chân trong một tổ nghiên cứu kéo sợi len nhân tạo nhưng chưa thành công. Sợi len này do một nước anh em đưa đến, ở dạng bông, bao nhiêu cũng sẵn. Nếu kéo ra sợi, sẽ dệt được thảm len xuất khẩu, giá trị gấp mấy chục lần sợi đay, lại thu được ngoại tệ. Máy chải đay vụn, nhãn hiệu Nhật, dưới con mắt của Lê Hồng Nguyên, có thể cải biến lại để làm việc này. Mà ở đây có những bốn máy trong khi chỉ cần một máy cũng đủ kéo sợi len. Anh nói ý định mình với cấp trên, và được ủng hộ. Hồng Nguyên quyết định tìm một kỹ sư thông thạo máy dệt của Nhật. Với sự nhạy cảm và năng lực dồi dào của một giám đốc trẻ, anh nhanh chóng tổ chức cuộc thí nghiệm và cũng nhanh chóng tìm ra người giúp việc cần thiết. Đó là Lâm Nãi Tú, cô kỹ sư lâu năm ở Tô-ky-ô mà chúng ta đã biết. Để hiểu rõ hơn con người của Lê Hồng Nguyên, cần nói rằng anh đã đưa lý lịch của Lâm Nãi Tú sang hỏi ý kiến ngành công an. Đó là cô gái Việt Nam trăm phần trăm, con một ông giáo dạy Hán văn, nên cô có tên theo câu chữ "dao vọng tứ phương hòa nãi tú". Thoạt nghe, có người không hiểu, nghi cô là dân Đài Loan! Sau khi công an thấy không có gì đáng ngại, anh mới lấy cô vào xưởng. Yên trí về mặt này, anh không để ý rằng mình "cặp kè" quá nhiều với Nãi Tú. Mà có phải "bồ bịch" gì cho cam. Toàn là những buổi tranh cãi nhau, giở hết nguyên lý này đến kỹ thuật nọ, những buổi chui vào trong gầm máy, tay chân mặt mũi bê bết dầu mỡ, sợi bông bám từ đầu đến chân, hai người nom như hai con thỏ trắng! Ngay cả những ngày đi Vũng Tàu, khi chị em vui đùa trên sóng nước thì Nguyên và Tú vẫn ngồi phơi nắng, những hình họ vẽ trên cát, nếu không xóa đi vẽ lại thì khéo kín cả một góc Bãi Sau. Giám đốc Nguyên không để ý nhưng có người để ý. Nhiều chị thợ vui mừng vì "chú Ba nó" chọn được người yêu vừa xinh vừa giỏi, bù đắp lại sự đau khổ vì mất người bạn đời trong chiến tranh. Các chị trêu ghẹo, vun vào. Nhưng cũng có sự để ý này: cô kỹ sư lâu năm ở Tô-ky-ô, lại có cái tên rất "Đài Loan". Nghĩa là giám đốc "mất cảnh giác"! Và sự để ý ấy chờ đợi cơ hội.
Tất nhiên những sự để ý như vậy thể nào cũng tìm được cơ hội. Dịp đó đã đến. Trong khi thí nghiệm, Hồng Nguyên và Nãi Tú tìm ra rằng: chỉ cần thay những đinh xé to bằng đinh xé nhỏ hơn, thay khoảng cách của trục, bạc đạn và bánh răng máy chải cho hẹp hơn thì chắc chắn kéo được sợi len nhân tạo. Hồng Nguyên sang Vật tư hỏi mua trục, bánh răng và bạc đạn thích hợp nhưng Vật tư bảo không có. Nãi Tú biết rằng ở Sài Gòn có nơi có hàng này nhưng phải mua tiền mặt. Hồng Nguyên xin Ngân hàng vay tiền mặt. Ngân hàng đòi giấy của Vật tư chứng thật kho Nhà nước không có hàng ấy. Hồng Nguyên lại sang Vật tư xin giấy. Vật tư nói rằng không thể cấp giấy vì các kho vật tư chưa kiểm kê hết. Thế là mất béng một tuần, và hàng chục lít xăng đi lại. Điều tai hại hơn là nguyên liệu đay về không kịp, sản xuất có nguy cơ đình trệ. Hồng Nguyên cầu cứu cấp trên nhưng Sở và Bộ công nghiệp không thể thay đổi thủ tục của Ngân hàng và Vật tư. Hồng Nguyên đi các nơi trình bày, năn nỉ nhưng tình cảm cũng không thể thay thủ tục, cái triển vọng lãi hàng trăm ngàn đô la cũng không qua thực tế phải chi vài chục ngàn tiền mặt cho đúng thủ tục. Hồng Nguyên thất vọng quay về. Lần này, bạn cũ gặp anh đều giật mình: anh gầy xọm đi, râu lởm chởm, da đen thui. Chỉ có cặp mắt là trắng, sáng trắng.
Lo mất ăn mất ngủ, ban đêm, Hồng Nguyên đi lang thang trong xưởng, bắt gặp người bảo vệ nhà máy đang tóm hai em bé xúc trộm bụi đay quét thành đống trong hàng rào của xưởng. Hỏi, bác bảo vệ nói rằng chúng nó lấy về bán cho nông dân làm phân bón. Giám đốc Nguyên vỗ trán kêu lên: “A, tiền đây! Anh gọi nhà thầu đến bán bụi đay, mỗi ngày vài trăm đồng. Chị em thợ thương anh, hôm nào cũng quét dọn các gian máy thật sạch sẽ "quét bụi cho chú Ba bán lấy tiền mua đồ thí nghiệm, mà chị em mình cũng đỡ hít bụi". Mấy tháng sau, có tiền mặt trong tay, giám đốc Nguyên ký lệnh chi một lúc hơn chục ngàn đồng. Kỹ sư Tú nhận tiền đi mua hàng, có bảo vệ ôm súng đi theo! Lúc về, cô khoe ầm lên: "Cái này, cái này nữa. Em mua đồ lạc-xoong, còn tốt nguyên mà lại rẻ!" Vậy là Hồng Nguyên và Nãi Tú lại lao vào cuộc thí nghiệm bên cỗ máy. Anh không để ý rằng chi tiền như vậy anh có thể phạm vào nguyên tắc. Thật ra, là một giám đốc xưởng, hơn mười năm làm quản lý công nghiệp, Hồng Nguyên không phải không biết nguyên tắc và thủ tục. Anh biết rằng hễ bán bụi đay có tiền mặt thì phải nộp Ngân hàng. Rằng muốn có tiền làm thí nghiệm thì phải có dự trù kinh phí thí nghiệm. Rằng dự trù này phải được cấp trên duyệt y thì Ngân hàng mới cho rút tiền mặt. Rằng muốn rút được tiền thì phải có giấy chứng nhận của Vật tư. Mà sang Vật tư thì các kho chưa kiểm kê xong. Các anh Vật tư và Ngân hàng đều làm việc đúng nguyên tắc. Chỉ riêng có Nguyên là xách xe chạy "ra đầu làng thì gặp ông Ninh mà đến đầu đình thì gặp ông Nang". Hồng Nguyên đứng trước hai con đường: Một là cho công nhân đóng máy nghỉ, Nhà nước cứ bỏ tiền ra trả nửa lương cho thợ ngồi chơi; địa phương nào cung cấp đay không đúng hợp đồng phải chịu trách nhiệm; khó khăn chung, chẳng ai bị kỷ luật cả; Nhà nước và nhân dân cứ giơ lưng ra gánh; Hồng Nguyên vẫn là giám đốc, đến hạn vẫn lên lương. Hai là có tiền bán bụi đay tiền này do sáng kiến của anh mà có cứ chi ra làm thí nghiệm. Anh biết việc này không đúng nguyên tắc, song anh ỷ là cấp trên vốn tín nhiệm anh, sẽ ủng hộ anh. Vả lại anh có phải lấy tiền xài riêng đâu mà lo giữ kẽ. Cái triển vọng mất vài chục ngàn đồng mà mở ra một hướng làm ăn mới, hàng năm thu vào cho đất nước mấy trăm ngàn đô la làm cho anh bạo dạn, say mê. Đúng như anh tính: chi đến ba mươi hai ngàn đồng thì anh thành công. Cái hôm anh sung sướng đón nhận những tấm thảm len hàng mẫu do Nãi Tú đem nhuộm và in các loại hoa thật trang nhã và đẹp mắt mang về cũng là cái hôm mà các cán bộ thanh tra về xưởng XUDÊĐA và giám đốc Lê Hồng Nguyên được yêu cầu ngừng công tác để ngồi viết bản tự kiểm điểm về những việc làm sai nguyên tắc.
Cũng từ hôm đó, loan truyền đi cái tin: giám đốc Lê Hồng Nguyên của xưởng XUDÊĐA bị thi hành kỷ luật!
Trong thời gian giám đốc Nguyên viết kiểm điểm thì sản lượng của XUDÊĐA cũng tụt dài, và công nhân thì méo mặt vì tụt lương, nhiều người gạt nước mắt xếp lại kìm búa, tay nghề thợ, ra chợ Trời bán bún ốc hay đi kinh tế mới cuốc đất trồng khoai.
Song ở đây còn một câu hỏi: Ai là người luôn để ý và gây dư luận tố cáo Hồng Nguyên? Chẳng lẽ đó chỉ là ba bộ xa lông vô tích sự và thừa ra trong tình hình mới?
*
* *
Cái truyện đến đây là hết. Bây giờ đọc lại, tôi thấy hồi đó các báo không đăng là phải, vì nó kết thúc không có hậu, lại có chỗ hơi "móc ngoéo". Nhưng quả thật là suốt hai chục năm qua, số phận của các nhân vật trong truyện cứ ám ảnh tôi. Bây giờ, cuộc sống đã cho nó đoạn kết, mà lại là một đoạn kết có hậu!
Trưa hôm ấy, chúng tôi ngồi trước hiên nhà của Lê Hồng Nguyên, vừa uống trà, ngắm hoa, vừa ôn chuyện cũ. Ba Nguyên chẫm rãi nói:
- Sau đợt kiểm điểm đó, tôi không được làm giám đốc nữa mà bị điều về một cơ quan nghiên cứu. Nhìn tình hình, tôi thấy dù mình có nghiên cứu đề xuất cái gì thì cũng còn lâu cơ chế trói buộc đó mới thay đổi, ít ra cũng phải mười năm. Trong thời gian đó, mình ăn lương của Nhà nước mà không làm được gì thiết thực cũng xấu hổ. Thôi thì mình tự nuôi mình, rồi lấy thực tế làm một đề án trình ra, hy vọng đóng góp được chút ít gì cho sự nghiệp chung chăng. Nghĩ vậy mà tôi xin ra biên chế. Chừng được ra rồi mới biết mình thực mơ tưởng hão! Làm gì để có thể sống đừng nói đến chuyện làm ra cái "đề án sống"! Lúc ấy, chỉ có một việc làm hợp pháp để có thu nhập là nuôi heo. Buồn cười, tôi được phân một căn hộ ở lầu sáu, muốn nuôi heo, chỉ có thể nuôi trong toa lét. Mình là dân làm công nghiệp, cũng đủ để hiểu rằng nuôi heo trong toa lét nhà cao tầng là một việc làm phải lên án. Nhưng mà đói nên bất chấp hết thảy. Vả lại, nhiều người đang làm như vậy mà. Vừa làm, vừa cười ra nước mắt. Nhưng tôi còn gặp may là có người giúp đỡ, nếu không thì chẳng biết bây giờ tôi như thế nào nữa. Anh có biết ai đã giúp tôi không?
- Tôi làm sao mà biết được!
Anh cười tủm tỉm:
- Người này anh quen đấy.
- Hay là.
- Phải, Nãi Tú đấy. Cô đến nhà thăm tôi, thấy tôi đang lúi húi dọn phân heo trong toa lét thì ôm đầu kêu trời: "Em không thể nào hiểu nổi anh nữa! Miệng nói giai cấp công nhân lãnh đạo mà nghĩ và làm thì y hệt bần cố nông! Cứ gẫm lại mà coi: mấy anh chết là vì chuyện đó!" Cô ghé mắt nhìn vào toa lét, thấy mấy con heo mập ú, trắng nõn của tôi liền ôm mặt kêu lên: "Dễ sợ!" Quả thật lúc đó tôi cũng tự ái: ai đến chơi, thấy heo của tôi cũng đều khen: "Giỏi quá!" Vậy mà cô ta dám. Phải cho tới lúc cô mang đến năm cây vàng đặt trước mặt tôi và nói "Anh cầm chỗ này ra ngoại thành mua lấy miếng đất mà nuôi heo" thì tôi mới biết cô không có ý muốn xúc phạm tôi. Nhìn năm cây vàng lúc đó giá trị lớn lắm tôi ngần ngại hỏi: "Em lấy đâu ra?" Cô nói tỉnh bơ: "Em vừa bán nhà". Tôi quyết liệt lắc đầu. Cô cười: "Nếu anh ngại thì em sẽ đi mua đất nuôi heo công nghiệp. Anh đến làm mướn cho em. Chịu không?" Chúng tôi nuôi heo gần mười năm, đến khi bắt đầu "mở cửa" thì chuyển sang trồng phong lan xuất khẩu. Và bây giờ thì như anh thấy đó.
Tôi liền hỏi:
- Vậy Nãi Tú đâu?
- Đang về thành phố ký hợp đồng, tháng sau chúng tôi có một đợt xuất khẩu mới sang thị trường Tây Âu. Anh cứ ở chơi. Xế chiều, bả sẽ về thôi.
Anh dắt tôi đi dưới những giàn phong lan giống lạ đang nở những chùm hoa đẹp đến sững sờ. Tôi nói:
- Bây giờ ta đang bước mạnh vào công nghiệp hóa và hiện đại hóa, các xí nghiệp quốc doanh để mất lớp người như anh và Nãi Tú uổng quá.
Anh cười:
- Lớp trẻ bây giờ hơn chúng tôi chứ! Họ có hạnh phúc là không bị trói buộc như chúng tôi. Anh có nhớ chuyện ông Kim Ngọc trong nông nghiệp không?
- Bây giờ ổng đã được thưởng huân chương cao quí.
- Phải. Tôi tin rằng dưới chế độ ta, không một người nào bị lãng quên.
Có tiếng còi xe hơi pin pin phía ngoài cổng. Anh nhìn tôi, mắt sáng lên:
- Nãi Tú về rồi đấy!
Tháng 10-1996
Vườn nhà tôi nho nhỏ, giống như các mảnh vườn khác nằm dọc theo con rạch quanh co của vùng làng quê xanh um cây trái. Góc vườn, chỗ con mương giáp ranh miếng vườn bên cạnh, chẳng hiểu sao lại mọc lên hai cây trứng cá. Điều đó sau này tôi mới để ý, vì trứng cá thường mọc cạnh nhà, chỗ có tường vôi, hoặc người ta trồng nó cạnh bờ sông, bên chiếc cầu cắm chân từ bờ xuống nước, nơi đậu xuồng, chỗ con nít hay ra tắm. Có lẽ chim ăn trái làm rơi hạt xuống đây, và những cái hạt "cứng đầu" đã không chết mà mọc lên thành hai cây trứng cá. Hoa trứng cá trăng trắng, đến mùa trái chín bóng lưỡng, căng mọng và đỏ rực như đèn cầy. Cho vào miệng, chỉ cần lấy lưỡi ép là nó vỡ bụp, phọt ra vô số những hạt nhỏ li ti như trứng cá, trộn với nước trong quả sền sệt, thơm ngọt lạ lùng. Hai cây trứng cá này là kho báu của riêng tôi, vì tụi con nít trong xóm không thể lại qua mà trèo lên nhặt trụi trái chín như mấy cây trồng dọc bến nước, cũng không như các cây gần tường nhà mà lũ em tôi cứ tót lên từ khi bảnh mắt, trong lúc tôi còn ngủ nướng trong mùng. Hai cây này cũng là cái "mộc đàng" (vì chẳng lẽ lại gọi là "thiên đàng" hay "địa đàng") cho lũ chim trao trảo, đến mùa trái chín, từng đôi bay đến, ríu rít suốt ngày. Dường như ở cái xứ nhiều cá của tôi, cá hết chỗ đẻ dưới nước, nên trời cho có loại cây mang trứng cá ở trên cành! Và trời cũng dành riêng cây này cho bọn trẻ chúng tôi, vì trái nó tuy thơm ngon lạ lùng như vậy nhưng chỉ nhỏ bằng đầu ngón tay, xinh đẹp và mỏng manh như một bong bóng con tí xíu, chỉ chờ được vỡ bụp trong miệng trẻ nhỏ khi chúng dám leo tuốt lên cành, chớ không bao giờ có thể biến thành loại "trái cây hàng hóa"!
Một bữa tôi dậy trễ, sật sừ đi ra góc vườn chỗ hai cây trứng cá. Bỗng tôi thấy có một bóng người nho nhỏ vội vàng tuột cái rột từ cành cây xuống đất. Bụng giận sôi, tôi vụt xông tới ngay. Trước mắt tôi, một đứa con gái đang tròn mắt nhìn tôi, vẻ bối rối, sợ sệt hiện lên sau hàng mi đen dài và đôi ngươi đen lánh. Hóa ra là con Ba Nở! Vườn nó ở cạnh vườn tôi, phía bên kia con mương. Con mương cũng khá rộng, chẳng biết nó qua đây bằng cách nào. Tôi liếc nhìn chân nó: hai bên chân còn dính bùn, nhưng hai ống quần cao trợt khỏi mắt cá chẳng thấy ướt chút nào. À, mày qua đây lâu rồi chớ gì? Tôi nổi giận xông tới. Con Ba Nở chậm chạp lùi sát mé mương. Chỉ cần tôi dậm chân hay giơ tay, chắc nó sẽ nhào xuống mương và biến mất sang bên vườn nhà nó. Phải bắt sống! Nhưng làm sao? Nó lớn hơn tôi vài tuổi, cao hơn tôi chỏm tóc, và da thịt của con gái cũng nở hơn tôi. Tính sao đây? Phải "lông-giông" chụp hai chân nó như tôi đã làm khi giữ gôn cho đội banh xóm mình? Nhưng con Nở không biết luật đá banh nên nó có thể cho tôi dập mặt lắm! Chắc nó đọc được những suy nghĩ trong đầu tôi. Và bất ngờ, nó thò tay vào túi áo nhỏ, móc một nắm trái trứng cá chín đỏ chìa thẳng ra trước mặt tôi. Tôi sựng lại, chưa biết tính sao. Nó bước tới một bước, lại móc hết hai túi áo, bụm trái chín trong tay chìa ra cho tôi. Đâu có dễ dàng vậy em! Nhưng mà. nhận lấy thì kém mà hất bỏ thì tiếc! Làm sao? Nó lại nở cười, nhón lấy một trái chìa cho tôi:
- Ăn đi! Trứng cá này thơm ngon kỳ lắm!
Tôi đành bĩu môi:
- Tao dư biết!
- Dư biết mà hổng ăn à?
Nó tỏ ra kinh ngạc thật sự khi thấy tôi từ chối những trái trứng cá "thơm ngon kỳ lạ" như vậy. Tức thì, nó bỏ tọt trái đó vô miệng, ngậm chặt. Tôi nghe được tiếng quả ngon vỡ bụp trên lưỡi nó, phía sau cặp môi! Nó nhấm nháp một chút, mắt vẫn nhìn tôi như truyền sang vị ngon mà nó đang thưởng thức. Tôi nuốt nước miếng.
Nó lại nhón lấy một trái nữa, lại chìa ra phía tôi. Và có lẽ nó đọc được ngay sự khát khao và bối rối trong mắt tôi nên nó lại nở cười, tự tin bước tới đưa trái trứng cá đến tận môi tôi:
- Ăn đi! Rồi mình hái nữa! Để chim ăn hết, uổng lắm!
Nó hướng tôi về phía "chính danh thủ phạm" là mấy con chim trao trảo! Mà quả thật, trong khi tôi đang "giằng co chiến tranh" với nó thì lũ trao trảo đã kéo đến, ríu rít mổ trái chín đỏ trên vòm lá xanh um của cái "mộc đàng". Tôi nhón một trái trong lòng tay nó cho vào miệng. Rồi trái thứ hai, thứ ba. Nó cũng không chậm hơn tôi. Vừa ăn, nó vừa cười:
- Bây giờ lại thấy ngon hơn! Đúng không?
Mà đúng thật. Hai đứa ăn thi với nhau và với lũ chim trao trảo quả thật ngon hơn. Sợ nó ăn hết, sợ trao trảo ăn hết. Vừa ăn vừa sợ như vậy mà ngon hơn chăng? Nhờ con Ba Nở, tôi biết trứng cá góc vườn mình quả thật là ngon tuyệt, ngon hơn tôi tưởng! Tôi nói:
- Mai mày cứ qua đây! Để tao kiếm khúc cây bắc cầu, mày khỏi lội mương.
- Đừng, đừng! Đừng cho ai biết.
Nó đặt một ngón tay lên môi làm ra vẻ chuyện này bí mật và quan trọng lắm! Tôi cũng thích, vào hùa với nó, gật đầu lia lịa.