13. Rong vườn trúc (Hết)

Rong vườn trúc

Tháng 7-1993

Cuộc gặp bà người Mỹ tại Quán Trúc đối với tôi thật bất ngờ. Bữa đó, tôi đang lúi húi nấu cơm chiều thì có tiếng chuông điện thoại vang lên. Đầu giây kia, một giọng nói miền Bắc quen quen:

- Anh Minh phải không ạ? Em Quang đây!

Tôi reo lên:

- Vào bao giờ đấy?

- Vừa vào tới nơi! La-ry, nhà văn Mỹ cựu chiến binh mà anh đã gặp ở Sài Gòn lần trước có gửi cho anh một lá thư. Quan trọng lắm! Anh đến ngay Quán Trúc gặp em. Em đợi đây nhé!

- Gì mà gấp dữ vậy? Bảy giờ tối được không?

- Không được! Anh phải đến ngay! Em sẽ giải thích.

Thế là cúp máy.

Tôi bỏ cả cơm nước, lấy xe lao đi.

Quang đợi tôi ngoài cửa quán. Đây là một quán giải khát thanh lịch, với khoảng sân rộng trồng mấy bụi trúc ngà, mỗi lóng trúc vàng óng, chạy dọc hai sợi xanh, ban đêm, những bóng đèn quả ớt, đủ màu nhấp nháy trong vòm lá. Mỗi lần Quang đưa khách vào thành phố, chúng tôi hay gặp nhau ở đây. Quang vừa bắt tay thật chặt, vừa lôi tôi đến cái bàn tròn đặt dưới một bụi trúc, cạnh bể cá bảy màu xinh xắn. Tôi hơi ngỡ ngàng, gật đầu chào một bà khách người Âu mắt xanh, gương mặt già nua mệt mỏi và mái tóc uốn đã bạc phơ. Cùng ngồi một bàn, còn có người đàn bà Việt Nam đứng tuổi, ăn mặc xềnh xoàng, đôi mắt đen lúc nào như cũng nhìn ra xa xăm. Quang giới thiệu tôi và khách:

- Đây là bà Uyn-xơn, người mà La-ry viết thư gửi gắm cho chúng ta. còn đây là chị Lê Minh Hiển, nhà ngoại cảm, chắc anh đã nghe nói đến.

Tôi lờ mờ đoán ra vấn đề khi nghe tên nhà ngoại cảm này. Nhưng tôi cũng rất áy náy vì nghĩ mình sắp dính líu vào một chuyện rất tế nhị và nghiêm túc nhưng cũng hết sức mông lung.

Bà khách bắt tay thật nhiệt tình, hỏi tôi uống gì rồi mở xắc lấy ra một bức thư. Đôi mắt mệt mỏi của bà ánh lên trong khoảnh khắc tia sáng của niềm hy vọng và sự khẩn cầu. Gió chiều thổi lào xào trong vòm trúc.

Tôi bối rối mở thư ra đọc. La-ry viết đại ý: Bà Uyn-xơn là mẹ của E-ric Uyn-xơn, bạn chiến đấu cùng đại đội với La-ry trong Sư đoàn Tia chớp nhiệt đới. Hôm đó, một ngày hè năm 1967, đơn vị anh mở trận càn vào Củ Chi. Giao tranh ác liệt. Anh bị thương ở chân. Còn E-ric Uyn-xơn cũng bị thương, nhưng ở bụng. La-ry bò đi tìm cứu thương, sau đó ngất đi. La-ry được đơn vị cứu sống. Còn E-ric thì. mất tích. Sau hơn 20 năm tìm kiếm tông tích con mình, bà Uyn-xơn lần tới đầu mối cuối cùng là La-ry, người nhìn thấy con bà bị thương giữa trận chiến. Biết được anh mấy năm nay có quan hệ khá gắn bó với Việt Nam, bà nhờ anh giúp đỡ. Đã nhiều năm, La-ry bỏ công tìm kiếm E-ric, mấy lần sang Việt Nam, anh cũng có ý tìm, nhưng chưa ra manh mối. Bây giờ, bà Uyn-xơn đến, sự day dứt đã đến mức không còn chịu đựng nổi. Vì vậy, "trăm sự nhờ cậy vào các bạn Việt Nam!" Và dòng tái bút: Mọi chi phí, bà Uyn-xơn sẽ lo liệu chu đáo!

Đọc xong thư, tôi cứ thẫn thờ, không biết nói năng ra sao, chỉ nhìn những lá trúc vàng khô cùng với thời gian rơi thành một tấm thảm dưới chân.

Bà Uyn-xơn gượng cười, lấy ra một tấm ảnh đưa tôi xem:

- Đây là E-ric.

Chàng trai trong ảnh mặc quân phục Mỹ, mũ ca-lô đội lệch, miệng nở nụ cười buồn. Bà Uyn-xơn tiếp:

- Nếu E-ric còn, bây giờ nó trạc tuổi ông Quang. Có phải không ông Quang nhỉ?

Quang gật đầu, giải thích cho tôi:

- Mọi dữ kiện vỏn vẹn có vậy. Anh em ngoài đó đi hỏi khắp nơi nhưng rốt cuộc thấy chỉ có cách là nhờ cậy chị Hiển đây. Em được giao việc này. Và em đưa bà Uyn-xơn về Thái Bình tìm chị Hiển. Chị nghe xong bảo: "ít ỏi quá! Khó đấy". Bà Uyn-xơn đã thất vọng. Mà chuyện này tế nhị quá. Vì bà Uyn-xơn có thể không tin "con người ăn cơm dương gian lại có thể nói trúng chuyện âm phủ". Hơn nữa, bà có thể nghi ngờ về một chuyện. lừa đảo gì chăng? Em lúng túng quá, cố giải thích cho bà. Bà nghe xong, trầm ngâm một lúc rồi bảo: "Tôi tin rằng ở Phương Đông có thể có chuyện thần bí. Dù sao, tôi cũng đã đến đây. Hơn 20 năm nay, tôi đã làm hết mọi cách. Bất cứ cách gì, dù khó tin đến đâu, tôi cũng chấp nhận. Điều tôi cần là tìm ra hài cốt con tôi. Còn làm cách nào để tìm ra, dù là cách phi lý nhất, tôi cũng cho là không quan trọng.". Chị Hiển nghe em dịch lại, ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo: "Để em xem ý Thánh xem có được không.". Chị mượn tấm hình E-ric, đặt lên bàn thờ Thánh tổ của chị, rồi thành kính đốt hương lầm thầm khấn vái. Bà Uyn-xơn theo dõi mọi động tác của chị Hiển, nét mặt rất chăm chú và căng thẳng. Sau đó, chị Hiển cầm hai đồng tiền trong cái đĩa cổ trên bàn thờ, gieo quẻ. Chị gieo tới ba lần. Xong xuôi, chị quay lại nói với bà Uyn-xơn: "Tình mẫu tử của bà đã động đến đất trời! Thánh đã cho tôi giúp. Vậy thì thế này: ông nhà văn Mỹ nào đó đã vẽ cho bà cái sơ đồ chỗ ông ấy và con trai bà bị thương. Ta vào Nam, tìm đến nơi ấy, may ra tôi có thể lần dò được tin con trai của bà.". Đó là lý do bà Uyn-xơn và chị Hiển có mặt hôm nay ở đây.

Tôi ngẫm nghĩ một hồi rồi hỏi Quang:

- Vậy thì tôi giúp được gì trong việc này?

Quang cười, lúng túng:

- Em nghĩ. Chuyện này tế nhị quá. Cần phải có người quen biết với chính quyền địa phương. Bởi vì một bà già Mỹ, một bà "thầy" Việt Nam đi lang thang giữa đồng. Sẽ dễ có chuyện rắc rối. Rồi giả dụ như "thầy" tìm ra, tìm trúng thì chuyện bốc mộ và hài cốt mang về Mỹ cũng thật chẳng đơn giản chút nào. Lại còn bọn người tham lam, cơ hội nữa. Chúng đánh hơi thấy thì thật nguy hiểm. Ai bảo vệ tình mẫu tử thiêng liêng? Ai bảo vệ lòng nhân cao cả chống sự tham lam độc ác. Rồi còn tình bạn vừa nhen nhóm nhưng đã tin cậy giữa chúng mình với La-ry. Phải có các anh ở đây. Nếu không e hỏng việc mất.

Tôi nhìn Quang, mỉm cười gật đầu và quay sang bà Uyn-xơn:

- Xin bà yên tâm, chúng tôi sẽ cố gắng hết sức mình.

*

* *

Ít hôm sau, vào một buổi sáng sớm, đoàn chúng tôi rời thành phố, hướng về phía Củ Chi sau khi đã chuẩn bị khá chu đáo cho chuyến đi. Mấy bữa nay, trời mưa suốt, tuy chỉ mới vào đầu mùa mưa. Những đám mây nặng nề che khuất mặt trời hè nhiệt đới. Không khí ẩm ướt lùa ngược vào xe. Bà Uyn-xơn lặng lẽ quay kính cửa xe lên. Cô Hiển thì tựa đầu vào thành ghế, mắt lim dim. Mỗi lần xe xóc, cô lại mở mắt nhìn tôi, như muốn hỏi đoạn đường còn bao xa nữa. Tôi bắt chuyện:

- Cô Hiển làm việc này đã lâu chưa?

- Cũng mới mấy năm thôi anh ạ. Từ sau cái vụ em chết hụt do điện giật. Chả là năm đó xã em kéo điện về. Từ bé đến lớn, em đã biết dùng điện đâu. Lớ ngớ thế nào rồi bị.

Cô nở một nụ cười, và tôi thấy hai mắt cô bỗng trở nên dài dại. Quang ở ghế trên quay xuống nói:

- Chị Hiển, hồi chiến tranh, đi thanh niên xung phong làm đường gần Ngã ba Đồng Lộc. Bây giờ, thỉnh thoảng chị vẫn gặp và nói chuyện với mười cô gái ấy. Chị bảo: Họ đã hiển thánh cả rồi và thường giúp chị cứu mọi người trong những cơn tuyệt vọng!

Rồi anh kể lại cho bà Uyn-xơn nghe câu chuyện mười cô gái trắng trong hy sinh vì bom Mỹ trong khi sửa đường chi viện cho miền Nam ở Ngã ba Đồng Lộc. Cuối cùng anh không quên nói rằng chính những cô gái ấy đang giúp Hiển trong việc tìm kiếm E-ric hôm nay! Tôi thấy bà Uyn-xơn nước mắt chảy dài qua câu chuyện.

Đến huyện lợ Củ Chi, chúng tôi ghé vào ủy ban để đón một anh cán bộ đã từng là du kích địa phương, rành rẽ địa hình tại đây mà tôi đã liên hệ được qua dây nói mấy ngày nay, sau khi hỏi dò bạn bè kháng chiến cũ.

Xe chúng tôi rời quốc lộ, tiến vào một con đường đất đỏ. Hai bên đường, đồng ruộng chạy dài. Mới đầu mùa mưa nhưng năn lát và cỏ dại đã bật dậy xanh um sau gần nửa năm ròng nắng hạn. Sáu Tâm ? tên anh cán bộ huyện ? ngồi phía trước, cầm sơ đồ do La-ry vẽ đặt trên đùi. Anh bảo xe chạy chầm chậm và bắt đầu quan sát hai bên đường. Xe chạy qua một cái cống thì Tâm đột ngột kêu dừng lại. Chúng tôi xuống xe. Tâm đứng quan sát cánh đồng, tiến tới trước chừng vài trăm mét, nghiêng nghiêng ngó ngó, phóng mắt ước lượng mọi cự ly xung quanh. Bà Uyn-xơn không bỏ sót một cử chỉ nào của anh. Và, trong ánh mắt bà, tôi đọc thấy những ý nghĩ về hình ảnh đứa con thân yêu, hơn 20 năm về trước, cũng trong một buổi sáng trời âm âm như vầy, đang dàn đội hình, lăm lăm tay súng tiến về cái xóm nhỏ nằm nép dưới những rặng trúc xa xa kia. Bỗng Tâm quay lại đi về phía chúng tôi một đoạn, rồi gọi, giọng quả quyết:

- Anh Minh, anh Quang! Chỗ này đây!

Chúng tôi chạy đến. Tâm nói, giọng xúc động:

- Đúng chỗ này! Mấy anh tham gia trận chống càn hồi đó nói chỗ này đã xảy ra giao chiến ác liệt! Sơ đồ La-ry vẽ cũng gần đúng. Còn cái cống, mấy năm nay đã làm mới lại, vì dòng kênh đã được nắn lùi xuống để lấy nước kênh Đông. Cái cống cũ nằm đúng nơi đây.

Tâm dậm dậm chân trên bờ đất. Quang và tôi đều đưa mắt nhìn Hiển. Hiển không nói năng gì, lặng lẽ rút nắm hương trong cái làn bằng mây cô xách theo tay và châm lửa. Nắng đã ửng. Trời đất oi nồng. Không gian không có một ngọn gió. Cây cỏ đều im phăng phắc. Bầu trời báo hiệu một cơn mưa lớn buổi chiều.

Hiển giơ cao nắm nhang. Mùi hương ngan ngát tỏa rộng trong không gian. Đôi mắt Hiển đứng sững, mở to, đồng tử dãn rộng ra, gương mặt trông dài dại. Tôi liếc nhìn bà Uyn-xơn. Gương mặt bà cũng thật lạ. Bà chợt rùng mình, ghé vào tai tôi nói thầm:

- Gương mặt cô ấy giống hệt gương mặt một cô gái đồng trinh.

Tôi xác nhận:

- Tôi cũng thấy thế. Đó là gương mặt của một cô gái Đồng Lộc.

Bà gật đầu thật nhanh.

Bỗng Hiển nói giọng như vang từ xa đến:

- Tôi đã nhìn thấy anh ấy. Anh ấy ôm một khẩu súng, nằm đây.

Cô thong thả tiến mấy bước đến gần miệng chiếc cống. Và cô nói:

- Anh ấy đứng lên. Và anh ấy bị thương ở bụng, ngã xuống.

Bà Uyn-xơn kêu lên:

- Con ơi! Đúng nó rồi! Tôi cũng vừa nhìn thấy nó!

Bà vật vã, quằn quại như chực đổ xuống. Tôi và Quang phải vội vã đến đỡ bà. Bà rên rỉ:

- Tôi vừa nhìn thấy nó! Các anh có tin tôi không?

Cả hai chúng tôi đáp cùng lúc, như một tiếng vang:

- Chúng tôi tin. Hoàn toàn tin!

Hiển hầu như không để ý gì đến chúng tôi. Cô mải mê theo đuổi cái bóng mà mình nhìn thấy:

- Tôi nhìn thấy rõ gương mặt anh ấy rồi. Đúng như bức ảnh. Nhưng gầy hơn và râu ra tua tủa. Anh bị thương và anh bò đi.

Giữa trời nắng hanh không một sợi gió, bỗng khói hương trên tay Hiển lay động và nghiêng về một hướng trước mặt, phía cánh đồng. Rồi chẳng để ý gì đến ai, cô bước thẳng xuống ruộng, nước lấp xấp, năn lát và cỏ dại vừa lên xanh. Cứ thế, cô theo sự dẫn dắt của ngọn khói mà đi. Bà Uyn-xơn bước liền theo, chẳng kể giày dép. Chúng tôi cũng vội bước lên, nâng đỡ cho bà.

Khói hương bỗng đứng thẳng. Hiển lại dừng, lẩm bẩm: "Anh ấy mệt quá.". Một lúc, khói hương lại tỏa về phía trước. Hiển lại đi. Bà Uyn-xơn và chúng tôi, bước thấp bước cao, theo sau, chậm chạp như lần theo vết trườn đi của người lính Mỹ bị thương đang bò phía trước. Nhưng tôi chợt nhận ra một điều thật lạ: Hướng vươn tới tìm cái sống của người lính Mỹ bị thương năm đó, lại là hướng đi về cái xóm nhỏ nằm nép mình sau những vườn trúc, cái xóm mà anh đã định xách súng lên, bắn vào. Nhìn bao quát chung quanh, tôi chợt hiểu: Đó là hướng gần nhất có con Người!

Cuộc đi bộ băng đồng thật là vất vả và kéo dài tưởng như vô tận. Song Hiển và bà Uyn-xơn, hai người phụ nữ của đoàn, trong đó có một người chưa hề biết lội qua ruộng nước, lại tỏ ra dẻo dai hơn cánh đàn ông chúng tôi. Tôi nhận ra đúng là có một sức mạnh siêu nhiên đang giúp họ vượt qua cơn tuyệt vọng. Có lúc khói hương bay thẳng đứng rất lâu, khiến tôi tưởng dưới đất này chính là nơi E-ric đã nằm lại. Nhưng không, khói hương lại tiếp tục tỏa về phía trước. Hiển, rồi bà Uyn-xơn lại tiếp tục bước đi, bất chấp cái nóng vàng ong, oi bức khó chịu trên đầu và hơi nước hầm hập cùng gai góc đồng bùn đang cố níu lấy chân họ lại. Tôi mệt mỏi, ngước mắt nhìn lên. Trước mặt tôi hiện ra một vườn trúc xa xa và một mái nhà tranh thấp thoáng.

*

* *

Luồn qua mấy rặng trúc lá mỏng và dài, mảnh mai nhưng sắc bén, những cành trúc la đà, mềm mại ken dày, móc rách cả vai áo bà Uyn-xơn, khói hương đưa chúng tôi trổ ra bên hông một ngôi nhà tranh nhỏ nhắn. Từ cái nắng trưa gay gắt, oi nồng, chúng tôi bước vào vùng bóng râm mát rượi của hàng trúc xanh um. Và tôi chợt ngạc nhiên, vui mừng, vì trước mắt tôi là một bà cụ già đang ung dung ngồi đan những chiếc rổ, nan vót từ thân trúc. Bà cụ dừng tay, nhìn chúng tôi, cũng không kém phần ngạc nhiên. Tôi bước tới, mở lời chào rất tự nhiên theo kiểu Nam Bộ:

- Má đươn rổ à?

- Ừ! Con đi đâu đây?

Má ngước nhìn tôi. Đôi mắt già hiền hậu lướt qua tôi và mọi người trong đoàn, rồi ngừng lại nơi bà Uyn-xơn. Tôi thấy những nếp nhăn trên gương mặt má hiện rõ lên. Những nếp nhăn đó, tôi cũng thấy trên gương mặt bà Uyn-xơn, nếp nhăn như bị sự khắc khoải mong chờ vò đi vò lại qua năm tháng.

Chợt má đứng dậy, cho tay vào túi cái áo sờn gấu, vá vai, lấy chiếc khăn nhỏ ra lau mắt. Miệng má móm mém hỏi:

- Bà đây là ai?

Sáu Tâm nhanh nhảu, trả lời vắn tắt. Nghe xong, má chợt sững lại, rồi lập cập nói:

- Mời, mời vô nhà chơi.

Nhà cửa tềnh toàng. Cái bàn, cái ghế ọp ẹp, long chân. Cái chén uống nước sứt mẻ. Một bàn thờ đặt trên nóc tủ cũ kỹ, mộc mạc với một bát nhang và ba bức ảnh, nước thuốc đã ngả màu. Ba tấm bằng "Tổ quốc ghi công".

Bà Uyn-xơn rụt rè đưa ra tấm ảnh của E-ric và nói với giọng hồi hộp trong khi Quang dịch lại cho má:

- Thưa bà, đây là con trai tôi. Bà có bao giờ nhìn thấy nó không?

Má run run đưa tay đón nhận bức ảnh, ngắm nghía giờ lâu. Tôi thấy cả người má căng thẳng, run lên. Gương mặt má bỗng nhiên biến đổi. Từ đôi mắt già, hai giọt nước lăn xuống cặp má nhăn nheo. Bà Uyn-xơn cuống quýt hẳn lên. Bà lập cập nhắc lại câu hỏi, giọng nghẹn ngào vì nỗi tuyệt vọng dồn nén hơn hai chục năm giờ sắp vỡ trào ra:

- Lạy chúa! Bà có bao giờ nhìn thấy nó không?

Má lặng lẽ gật đầu! Bà Uyn-xơn run lên cầm cập.

Má lặng lẽ mở chiếc tủ cũ kỹ, mộc mạc, lôi ra một cái bọc nhựa. Từ bọc nhựa đó, má lại lôi ra một bọc nhựa thứ hai, và từ bọc nhựa thứ hai, lôi ra một cái gói. Mở cái gói với hai, ba lớp giấy, má lấy ra một tấm lắc và một bức ảnh. Rồi má lại lặng lẽ, hai tay đỡ nhẹ, đến tận nơi trao tất cả vào tay bà Uyn-xơn. Tôi nhìn vào bức ảnh và trong khoảnh khắc, tôi thấy rõ ràng, không thể nào nhầm lẫn, hình E-ric tươi cười chụp chung với vợ đang bế đứa con trai! Còn tấm lắc thì khắc mấy chữ ERIC WILSON. Bà Uyn-xơn hét lên một tiếng, úp những di vật ấy vào tim, rồi ngất xỉu.

Một lúc sau, khi chúng tôi giúp lay gọi bà Uyn-xơn, má vẫn lặng lẽ ngồi, nước mắt cứ chảy. Việc đầu tiên bà Uyn-xơn làm khi tỉnh lại là đến ôm chặt má, nước mắt đầm đìa:

- Cầu Chúa phù hộ bà! Xin bà cho biết thêm về con tôi. Mộ nó hiện ở đâu? Bà có biết xin chỉ giùm. Cảm ơn bà, ngàn lần cảm ơn bà.

Má gật đầu. Nhưng má chưa trả lời vội. Má lặng lẽ đứng lên, đến chỗ bàn thờ. Tôi thấy trong ít phút qua mà má như đã trải thêm hàng mấy năm trời, lưng còng thêm xuống. Má rút mấy nén nhang, châm lửa thắp lên. Má đưa lên trán, khấn vái lầm thầm.

Rồi má gọi Quang đến, bảo dịch lời của má cho bà Uyn-xơn:

- Đây là hình của chồng tôi. Ông ấy là du kích chống thực dân Pháp, bị Pháp giết, hài cốt hiện đang chôn ở nghĩa trang liệt sĩ của huyện. Còn đây là thằng con lớn. Nó hy sinh trong kháng chiến chống xâm lược Mỹ ở Tây Ninh. Mộ phần nó cũng hiện đang được anh em xây cất chu đáo ở trên ấy.

Bà Uyn-xơn nghe Quang dịch, vội đến bên bàn thờ, nắm chặt lấy tay má mà nước mắt chảy dài.

Má lặng lẽ cầm xuống cái hình thứ ba, nhìn vào mắt bà Uyn-xơn:

- Đây là đứa con trai út của tôi. Nó bị mất tích trong chiến tranh. Bà có bao giờ nhìn thấy nó không? Xin chỉ giùm. Ngàn lần cám ơn bà.

Bà Uyn-xơn ôm chặt tấm hình người con trai vào tim, nỗi niềm tuyệt vọng của người mẹ bỗng vỡ trào ra thành tiếng nấc. Và lần thứ hai, bà ngất xỉu.

*

* *

Sau đó, má đưa chúng tôi ra vườn trúc. Trong buổi trưa oi nồng, lá trúc mảnh mai mà sắc bén đan dầy, trùm lên khu vườn mát rượi. Một ngọn gió thổi nhẹ. Những cành trúc nhấp nhô. Lá trúc xào xạc, thì thầm. Má dắt bà Uyn-xơn đến dưới một khóm trúc già, chỉ vào một mô đất gò lên mà lá trúc rơi đầy phủ dầy qua năm tháng. Một hòn đá nhỏ, thay cho mộ bia. Má nói:

- Nó nằm đây. Chính tay tôi đã chôn nó. Chỉ có mỗi một mình tôi. Lúc đó, tôi nghĩ mình là mẹ nên chắc có một ngày, người mẹ sẽ đến tìm con.

Bà Uyn-xơn cắn môi, ôm chặt bà má Củ Chi. Rồi bà Uyn-xơn đổ xuống, phủ phục trên tấm thảm trúc che dầy gò mộ, cả người run lên vì nỗi đớn đau tột cùng của người mẹ.

Lâu lắm, bà Uyn-xơn mới đứng lên lau nước mắt và lúng túng rút trong ví ra một bọc tiền lớn, nhờ Quang nói giúp với má:

- Hết sức cảm ơn! Và xin bà cho tôi mang hài cốt con tôi ra khỏi vườn trúc này.

Má lắc đầu:

- Nắm xương của đứa con út tôi, tôi chưa tìm được. Chẳng lẽ tôi lại bán cho bà hài cốt của con bà sao?

Bà Uyn-xơn vội xua tay:

- Không, không. Mong bà đừng hiểu lầm. Tôi mong muốn giúp bà tìm ra người con út.

Má lặng lẽ lắc đầu:

- Tôi chưa tìm ra. Nhưng con tôi đang nằm ở đâu đó trên đất nước tôi. Rồi cũng có người đắp điếm mộ phần cho nó, hương khói hàng năm cho nó. Làm việc nhân đức thì sẽ để đức cho con. Ông bà chúng tôi hay nói vậy.

Bà Uyn-xơn bối rối, quay sang cô Hiển:

- Mong bà cầm tạm. Đây là lòng biết ơn của tôi. Và nhờ bà tìm giúp người con của bà cụ đây.

Khi Quang dịch lại thì Hiển mỉm cười, lắc đầu:

- Thưa bà, tôi sẽ tìm nếu Thánh bảo rằng sẽ tìm được. Tôi làm vì mẹ tôi đây, tôi không thể lấy tiền!

Quang chỉ vào bà mẹ Củ Chi và nói với bà Uyn-xơn:

- Người duy nhất đáng được cảm ơn là mẹ chúng tôi đây, thưa bà. Còn người con của mẹ, anh ấy sẽ nhập vào hồn thiêng của đất nước chúng tôi mà nâng đỡ con người trước những cơn tuyệt vọng.

Bà Uyn-xơn cắn chặt môi, mãi mà không nói nên lời. Lúc sau, lấy hết cố gắng, bà nói giọng nghẹn ngào đầy nước mắt:

- Qua chuyến đi tuyệt vời này, tôi hiểu thêm được đất nước và con người Việt Nam. Bây giờ tôi đã hiểu vì sao các ông thắng trận. Chỉ tiếc là con tôi đã mất. Nếu không, tôi chắc chắn nó sẽ là một người bạn tốt của Việt Nam.

Trời đã ngả chiều. Gió nổi lên, hứa hẹn một trận mưa xua tan cái oi bức nặng nề. Vườn trúc cong những ngọn mềm mại, dịu dàng như múa. Lá trúc thầm thì, xào xạc. Vài cái lá vàng khô xoay tròn theo gió, rơi xuống phủ trên tấm thảm trúc dầy.

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên Gác Sách:

freezeheart_6200 – Nhàn Nhã – Diên Vĩ

(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3