Thiếu nữ đeo hoa tai ngọc trai - Chương 07
Thông thường tôi sẽ là người cuối cùng được chọn đi làm những việc vặt như vậy. Đi đến hiệu bào chế không giống như đến chỗ hàng cá hay hàng thịt - những công việc mà Catharina vẫn tiếp tục để tôi làm sau khi cô ta sinh Franciscus. Người bào chế là một bác sĩ được trọng vọng và Catharina hay Maria Thins thích đến chỗ ông ta. Tôi không được hưởng một sự xa xỉ như thế. Tuy nhiên, khi trời quá lạnh thì bất cứ việc vặt nào cũng sẽ được giao cho thành viên ít quan trọng nhất trong nhà.
Riêng lần này thì Maertge và Lisbeth không đòi đi cùng tôi. Tôi khoác lên người cái áo choàng len và khăn choàng trong khi Catharina dặn tôi rằng tôi cần phải hỏi mua hoa cây cơm cháy khô và xirô hoa cúc. Cornelia quanh quẩn ở đó, quan sát tôi trùm chiếc khăn choàng lên đầu.
- Em đi với chị được không? - con bé hỏi, cười với vẻ ngây thơ được tập luyện kỹ càng. Đôi lúc tôi tự hỏi không biết tôi có phán xét con bé quá khắt khe không.
- Không, - Catharina trả lời thay tôi. - Trời quá lạnh. Mẹ không muốn bất cứ đứa nào bị ốm thêm nữa. Cô đi đi, - cô ta nói với tôi, - càng nhanh càng tốt.
Tôi đóng cửa trước và bước ra ngoài phố. Phố rất yên tĩnh - mọi người khôn ngoan trốn trong nhà mình. Con kênh đóng băng, bầu trời một màu xám giận dữ. Khi ngọn gió thổi qua và tôi vùi mũi sâu hơn vào những nếp len, tôi nghe tiếng gọi tên mình. Tôi nhìn xung quanh, nghĩ rằng Cornelia đã theo tôi. Cửa trước vẫn đóng.
Tôi nhìn lên. Ông đã mở một cánh cửa sổ và thò đầu ra.
- Vâng, thưa ngài?
- Cô đi đâu vậy, Griet?
- Thưa ngài, đến hiệu bào chế. Cô chủ bảo tôi đi. Mua thuốc cho hai cậu bé.
- Cô mua luôn cho tôi mấy thứ được không?
- Tất nhiên, thưa ngài.
Bỗng dưng cảm thấy ngọn gió không còn buốt đến thế.
- Chờ chút. Tôi sẽ viết đây.
Ông biến mất và tôi chờ đợi. Giây lát sau ông xuất hiện và thả xuống một chiếc túi da nhỏ.
- Đưa cho người bào chế tờ giấy bên trong và đem về thứ ông ta đưa lại cho cô.
Tôi gật đầu và nhét chiếc túi vào nếp gấp của khăn choàng, vui sướng với lời yêu cầu bí mật này.Hiệu bào chế nằm ở phố Koornmarkt, về phía cổng thành Rotterdam. Mặc dù không xa, nhưng mỗi hơi tôi hít vào dường như làm ruột gan đóng băng, đến nỗi khi tôi vào được bên trong cửa hàng, tôi không còn nói được gì.Tôi chưa bao giờ đến hiệu bào chế, thậm chí cả trước khi tôi trở thành người hầu - mẹ tôi tự tay chuẩn bị mọi thứ thuốc của chúng tôi. Hiệu bào chế là một căn phòng nhỏ, với những giá kê dọc theo các bức tường từ sàn lên trần nhà. Trên đó là các lọ, bát, bình đất nung đủ kích cỡ, mỗi cái đều được dán nhãn. Tôi nghi ngờ rằng thậm chí nếu tôi có thể đọc được thì tôi cũng sẽ không hiểu mỗi lọ đựng gì. Mặc dù cái lạnh làm tiêu tan hầu hết các mùi vị, ở đó vẫn thoang thoảng một mùi mà tôi không nhận ra được, giống như một thứ gì đó trong rừng, lần dưới những chiếc lá mục. Tôi chỉ nhìn thấy người bào chế có mỗi một lần, khi ông ta đến dự tiệc mừng sinh Franciscus mấy tuần trước. Một người đàn ông hói, gầy gò, ông ta khiến tôi nghĩ đến một con chim non. Ông ta ngạc nhiên khi nhìn thấy tôi. Chẳng mấy ai dám mạo hiểm ra ngoài trong cái lạnh như thế. Ông ta ngồi đằng sau cái bàn, chiếc cân đặt ở gần khuỷu tay và chờ tôi nói.
- Tôi đến mua vài thứ cho ông chủ và bà chủ, - cuối cùng thì tôi hổn hển nói khi họng đủ ấm để lên tiếng được. Trông ông ta không biểu lộ gì và tôi nói thêm:
- Nhà ông bà Vermeer.
- À. Gia đình đó thế nào?
- Bọn trẻ con đang bị ốm. Cô chủ của tôi cần hoa cơm cháy khô và xirô hoa cúc. Và ông chủ của tôi… - tôi chìa cho ông ta cái túi. Ông ta cầm nó vẻ khó hiểu, nhưng khi đọc xong mẩu giấy ông ta gật đầu.
- Hết đen than và hoàng thổ, - ông ta thì thầm. - Cái này thì dễ thôi. Trước kia ông ấy chưa bao giờ nhờ ai lấy hộ màu vẽ.
Ông ta liếc mắt qua tờ giấy sang tôi.
- Ông ấy bao giờ cũng tự lấy màu vẽ. Chuyện này đúng là bất ngờ.
Tôi không nói gì.
- Cô ngồi xuống đi. Lại đây, gần ngọn lửa vào trong lúc tôi lấy các thứ cho cô.
Ông ta trở nên bận rộn, mở các lọ và cân những lượng nhỏ búp hoa khô, đổ xirô vào lọ, gói các thứ cẩn thận vào giấy và buộc lại. Ông ta đặt một số thứ vào chiếc túi da. Những thứ khác ông ta để bên ngoài.
- Ông ấy có cần toan không? - ông ta ngoảnh lại mà hỏi trong lúc đặt lại cái lọ lên một tầng giá cao.
- Tôi không biết, thưa ngài. Ông ấy chỉ yêu cầu tôi lấy những thứ ghi trên giấy.
- Thực là ngạc nhiên, rất đáng ngạc nhiên.
Ông ta nhìn tôi từ đầu đến chân. Tôi đứng ngay đơ - sự chú ý của ông ta khiến tôi ước mình cao thêm.
- Ừ, suy cho cùng thì trời lạnh. Ông ấy không muốn phải ra khỏi nhà, trừ khi ông ấy nhất định phải làm vậy.
Ông ta chìa cho tôi mấy cái gói và chiếc túi da rồi mở cửa cho tôi. Ra đến ngoài phố, tôi nhìn lại và thấy ông ta vẫn nhìn tôi qua ô cửa sổ nhỏ xíu ở cánh cửa.Về đến nhà, việc đầu tiên là tôi đến chỗ Catharina để đưa cho cô ta những gói lẻ. Sau đó tôi vội vàng đến chỗ cầu thang. Ông đã xuống và đang chờ. Tôi lấy chiếc túi da ra khỏi khăn choàng và đưa cho ông.
- Cám ơn, Griet, - ông nói.
- Hai người đang làm gì đấy? - Cornelia đang quan sát chúng tôi từ phía xa hành lang.
Tôi ngạc nhiên thấy ông không trả lời. Ông chỉ đơn giản quay đi và lại bước lên cầu thang, để lại tôi một mình đối mặt với con bé.Sự thật là câu trả lời dễ nhất, mặc dù tôi thường xuyên không cảm thấy dễ dàng nói với Cornelia sự thật. Tôi không bao giờ biết con bé sẽ làm gì với nó.
- Chị mang vài đồ họa phẩm cho bố em, - tôi giải thích.
- Bố em nhờ chị à?
Với câu hỏi đó tôi làm như bố con bé đã làm - tôi bước xa khỏi con bé và đi đến bếp, vừa đi vừa cởi áo choàng. Tôi sợ phải trả lời vì tốt hơn cả là không ai biết tôi đi làm việc vặt cho ông.Tôi tự hỏi không biết Cornelia có nói với mẹ chuyện nó nhìn thấy không. Mặc dù còn bé nhưng con bé đã đanh đá, giống hệt bà ngoại. Con bé chắc sẽ tập hợp các thông tin của nó, lựa chọn cẩn thận xem khi nào thì tiết lộ.Con bé đưa ra câu trả lời cho tôi vài ngày sau đó. Đó là một ngày Chủ nhật và tôi ở trong hầm lục tìm chiếc cổ áo mà mẹ đã thêu cho tôi trong cái rương, nơi tôi cất đồ của mình. Tôi phát hiện thấy ngay là vài thứ đồ ít ỏi của tôi bị lục lọi - cổ áo không được gấp lại, một trong những cái áo lót của tôi bị vo tròn và đẩy vào góc, chiếc lược đồi mồi rơi ra khỏi chiếc khăn bọc nó. Tấm khăn bọc viên gạch của cha tôi được gấp cẩn thận đến nỗi tôi nghi ngờ. Khi tôi mở khăn thì tấm gạch bung ra làm hai mảnh. Nó đã bị vỡ nên cô bé và cậu bé tách rời khỏi nhau, cậu bé giờ đây chẳng nhìn thấy gì sau mình cả, cô bé đứng một mình, khuôn mặt bị chiếc mũ che khuất.Tôi khóc. Cornelia chắc chẳng thể đoán nổi chuyện đó sẽ làm tôi buồn như thế nào. Tôi sẽ bớt buồn hơn nếu con bé làm gãy lìa đầu chúng tôi khỏi cơ thể.
* * *
Ông bắt đầu nhờ tôi làm những việc khác. Một hôm, ông nhờ tôi mua dầu lanh ở hiệu bào chế khi tôi đi mua cá về. Tôi sẽ phải để nó ở dưới chân cầu thang cho ông để ông và người mẫu không bị quấy rầy. Ông nói vậy. Có lẽ ông hiểu rằng Maria Thins hay Catharina hay Tanneke hoặc Cornelia sẽ để ý nếu tôi lên xưởng vẽ vào một thời điểm bất thường.Đó không phải là một ngôi nhà nơi các điều bí mật được giấu giếm dễ dàng. Một hôm khác, ông nhờ tôi hỏi người bán thịt mua bong bóng lợn. Tôi không hiểu tại sao ông muốn mua bong bóng lợn cho đến về sau, ông bảo tôi để riêng màu vẽ ông cần dùng vào mỗi buổi sáng, khi tôi đã dọn dẹp xong. Ông mở các ngăn của cái tủ đặt gần giá vẽ của ông và chỉ cho tôi xem màu nào được cất ở đâu, vừa chỉ vừa đọc tên các màu. Nhiều từ tôi chưa từng nghe đến - xanh biển đậm, màu đỏ son, massicot. Màu nâu và vàng đất và đen than và trắng chì được để trong những lọ đất nung nhỏ, đậy bằng giấy da để chúng khỏi bị khô. Những màu quý hơn - màu xanh, đỏ, và vàng, được giữ từng ít một trong những chiếc bong bóng lợn. Có một lỗ ở đó sao cho có thể bóp màu ra, rồi lại dùng móng tay bịt nó lại.Một sáng, khi tôi đang dọn dẹp thì ông bước vào và bảo tôi đứng vào chỗ con gái ông thợ bánh hôm đó bị ốm và không thể đến được.
- Tôi muốn nhìn một lát, - ông giải thích. - Phải có người nào đó đứng ở đây.
Tôi ngoan ngoãn đứng vào chỗ cô ta, một tay đặt lên quai bình nước, tay kia đặt lên khung cửa sổ, hơi mở ra một chút cho gió ve vuốt khuôn mặt và ngực tôi. Có lẽ chính vì thế mà con gái ông thợ bánh bị ốm, tôi nghĩ.
Ông đã mở toang tất cả các cánh cửa chớp. Tôi chưa bao giờ thấy căn phòng sáng như thế.
- Cúi cằm xuống, - ông nói. - Và nhìn xuống, không nhìn tôi. Đúng rồi. Đừng cử động.
Ông đang ngồi bên giá vẽ. Ông không cầm bảng màu hay cái bay hay những cái cọ. Ông chỉ đơn giản ngồi, tay đặt trong lòng và nhìn.Mặt tôi đỏ lên. Tôi không hình dung là ông sẽ nhìn tôi chăm chú đến thế.Tôi gắng nghĩ về một điều gì đó khác. Tôi nhìn ra ngoài cửa sổ và quan sát con thuyền đang trôi dọc theo dòng kênh. Người đàn ông chèo thuyền là người đã giúp tôi lấy chiếc bình từ dòng kênh lên hôm đầu tiên tôi tới đây. Biết bao điều đã thay đổi kể từ buổi sáng đầu tiên đó, tôi nghĩ. Khi đó tôi thậm chí còn chưa nhìn thấy bức tranh nào của ông. Còn bây giờ thì tôi đang đứng trong một bức tranh.
- Đừng nhìn cái cô đang nhìn, - ông nói. - Tôi có thể nhìn thấy điều đó trên khuôn mặt cô. Cái đó làm cô sao lãng.
Tôi cố gắng không nhìn nữa mà nghĩ về những điều khác. Tôi nghĩ đến ngày gia đình chúng tôi đi về vùng nông thôn lấy cây thuốc. Tôi nghĩ đến vụ treo cổ người đàn bà đã giết con gái trong cơn giận do say rượu tôi chứng kiến trên Quảng trường Chợ hồi năm ngoái. Tôi nghĩ đến ánh mắt Agnes lần cuối tôi gặp em.
- Cô nghĩ nhiều quá, - ông nói, cựa mình trên ghế.
Tôi có cảm giác như tôi đã giặt một thùng đầy những tấm ga trải nhưng không sao giặt sạch được.
- Tôi xin lỗi, thưa ngài. Tôi không biết phải làm gì.
- Cố gắng nhắm mắt vào.
Tôi nhắm mắt lại. Giây lát sau tôi cảm thấy khung cửa sổ và chiếc bình trong tay tôi, neo tôi lại. Rồi sau đó tôi có thể cảm nhận thấy bức tường đằng sau, cái bàn bên trái và luồng không khí lạnh thổi vào từ ngoài cửa sổ.
Đây chính là cách cha tôi cảm nhận, với khoảng không xung quanh ông và cơ thể ông cảm nhận thấy nó đang ở đâu, tôi nghĩ.
- Tốt. Được đấy. Cảm ơn, Griet. Cô có thể tiếp tục dọn dẹp.
Tôi chưa từng xem bức tranh nào được vẽ từ đầu. Tôi nghĩ người ta vẽ cái người ta nhìn thấy, sử dụng những màu sắc người ta nhìn thấy.
Ông dạy tôi.
Ông bắt đầu vẽ bức tranh con gái người thợ nướng bánh với một lớp màu xám nhạt trên nền vải trắng. Sau đó ông đánh dấu bằng những chấm nâu đỏ trên toàn bộ nền vải để chỉ ra chỗ nào là cô gái, chỗ nào là cái bàn, cái bình, khung cửa sổ và tấm bản đồ. Sau đó tôi nghĩ ông sẽ bắt đầu vẽ cái ông nhìn thấy - khuôn mặt cô gái, cái váy xanh, cái áo chẽn màu vàng đất, tấm bản đồ màu nâu, cái bình và cái bát bạc, bức tường trắng. Thay vào đó ông vẽ những mảng màu - mảng màu đen chỗ sẽ là váy, mảng màu đỏ cho chiếc bình và bát, một mảng màu xám khác cho bức tường. Chúng là những màu khác, không có chỗ nào là màu thực của bản thân các vật. Ông dành nhiều thời gian cho những màu giả này, tôi gọi chúng như vậy.
Thỉnh thoảng cô gái đến và đứng hàng giờ ở đó, dù vậy, ngày hôm sau tôi nhìn thì thấy ở bức tranh chẳng có gì được thêm vào hay bớt đi cả. Ở đó chỉ có những mảng màu không tạo nên các vật, bất kể tôi nhìn bao lâu. Tôi chỉ biết rằng ở đó có các vật vì tôi đã lau chùi chúng và đã nhìn thấy cô gái mặc gì khi tôi nhìn lén cô ta một lần lúc cô ta chuyển sang mặc cái áo chẽn vàng và đen của Catharina trong phòng lớn.
Mỗi buổi sáng, tôi miễn cưỡng đặt ra các màu ông yêu cầu. Một hôm tôi để ra cả màu xanh. Lần thứ hai tôi để nó ra ông bảo:
- Không phải màu xanh biển đậm, Griet. Chỉ những màu tôi yêu cầu thôi. Tại sao cô lại bỏ ra khi tôi không bảo.
Ông bực bội.
- Tôi xin lỗi, thưa ngài. Đấy là vì… - tôi hít vào một hơi sâu, - cô ấy mặc váy màu xanh. Tôi nghĩ ngài sẽ muốn màu đó, chứ không để nó màu đen.
- Khi nào cần tôi sẽ bảo.
Tôi gật đầu và quay lại lau chùi cái ghế có đầu sư tử. Lòng tôi đau đớn. Tôi không muốn ông bực bội với tôi.
Ông mở cửa sổ giữa khiến không khí lạnh tràn ngập căn phòng.
- Lại đây, Griet.
Tôi đặt chiếc giẻ lau lên bậu cửa và bước tới.
- Nhìn ra ngoài cửa sổ đi.
Tôi nhìn ra. Đó là một ngày gió nhẹ, với những đám mây đang biến mất sau tháp chuông Nhà thờ Mới.
- Những đám mây đó màu gì?
- Tại sao ngài hỏi vậy, màu trắng ạ.
Ông hơi nhướng mày lên:
- Đúng màu trắng không?
Tôi nhìn chúng.
- Và màu xám nữa. Có thể sẽ có tuyết.
- Lại đây, Griet. Cô có thể trả lời chính xác hơn. Hãy nghĩ đến những miếng rau của cô.
- Rau của tôi ư, thưa ngài?
Ông nhè nhẹ lắc đầu. Tôi lại đang làm ông bực mình. Cằm tôi hơi nghiến lại.
- Hãy nghĩ về chuyện cô đã tách các màu trắng ra như thế nào. Su hào và hành - chúng có cùng trắng như nhau không?
Bỗng dưng tôi hiểu ra.
- Không, su hào có màu xanh, hành màu vàng.
- Đúng rồi. Nào, giờ thì cô nhìn thấy màu gì trong các đám mây?
- Ở đó có màu xanh, - tôi nói sau khi nhìn ngắm vài phút. - Và cả màu vàng. Và có cả màu xanh lá cây nữa!
Tôi trở nên kích động đến mức tôi dùng ngón tay để chỉ. Tôi đã nhìn các đám mây cả cuộc đời mình, nhưng vào giây phút đó tôi có cảm giác như tôi nhìn thấy chúng lần đầu tiên vậy.
Ông cười.
- Cô sẽ thấy là trong những đám mây có rất ít màu trắng thuần khiết, tuy vậy mọi người vẫn bảo mây màu trắng. Vậy thì bây giờ cô hiểu vì sao tôi chưa cần màu xanh chưa?
- Vâng, thưa ngài, - tôi thực sự không hiểu lắm nhưng không muốn nói ra điều đó. Tôi cảm thấy mình gần như đã hiểu.
Cuối cùng, khi ông bắt đầu vẽ thêm màu lên trên lớp màu giả, tôi mới nhìn thấy ông định nói gì. Ông vẽ một lớp màu xanh nhạt lên trên cái váy của cô gái và cái váy trở thành màu xanh, qua lớp màu xanh đó người ta có thể nhìn thấy một chút màu đen, xanh đậm hơn chỗ cái bàn hất bóng xuống, xanh nhạt hơn chỗ gần cửa sổ. Ở vùng tường, ông thêm vào màu vàng, xuyên qua lớp màu đó có thể thấy một chút màu xám. Nó trở thành một bức tường màu sáng nhưng không phải là trắng. Khi ánh sáng chiếu lên bức tường, tôi nhận thấy bức tường không chỉ có màu trắng mà là nhiều màu.
Cái bình và bát là phức tạp nhất - chúng trở nên vàng, rồi nâu, rồi xanh lá cây và xanh lơ. Chúng phản chiếu lại các hoa văn của tấm thảm, của cái áo chẽn cô gái mặc, của tấm vải xanh trùm bên trên ghế - chúng có mọi màu chỉ trừ ánh bạc thực sự của chúng. Và dù như vậy thì trông chúng vẫn như cần thiết, giống chiếc bình và cái bát. Sau đó thì tôi không thể nào rời mắt khỏi các vật.
Càng ngày càng khó giấu hơn việc tôi đang làm khi ông muốn tôi giúp ông chuẩn bị màu vẽ. Một buổi sáng ông đưa tôi lên căn phòng áp mái bằng chiếc thang để trong phòng kho cạnh xưởng vẽ. Tôi chưa bao giờ lên đó cả. Đó là một phòng nhỏ, với mái dốc đứng và một cửa sổ cho ánh sáng và khung cảnh Nhà thờ Mới lọt vào. Ở đó chẳng có gì mấy, ngoại trừ cái tủ nhỏ và một cái bàn đá có lỗ, giữ hòn đá hình quả trứng bị cắt một đầu. Đã có lần tôi nhìn thấy một cái bàn tương tự ở chỗ xưởng gạch của cha tôi. Ở đó còn có vài vật dụng để đựng - những cái bát và đĩa nông bằng đất nung, cái cặp bên cạnh chiếc bếp lò nhỏ xíu.
- Tôi muốn cô nghiền vài thứ cho tôi ở đây, Griet, - ông nói. Ông mở ngăn tủ và lấy ra một mẩu đen, dài bằng ngón út của tôi. - Đây là một miếng ngà voi đã được đốt thành than, - ông giải thích. - Để làm sơn đen.
Sau khi để nó vào cái bát trên bàn, ông thêm vào đó một chất dinh dính có mùi động vật. Sau đó ông cầm hòn đá lên - mà ông gọi là cái nghiền - và chỉ cho tôi cách giữ nó như thế nào, tựa vào bàn ra sao và sử dụng trọng lượng cơ thể tôi như thế nào để nghiền mảnh xương. Sau vài phút ông đã nghiền nó thành thứ bột sệt mịn.
- Bây giờ cô thử xem.
Ông lấy thìa múc chỗ bột màu đen vào một bình nhỏ và lấy ra một mẩu ngà voi khác. Tôi cầm cái nghiền lên và gắng bắt chước ông trong lúc tì người vào bàn.
- Không, tay cô cần phải làm thế này.
Ông đặt tay mình lên tay tôi. Choáng váng do sự đụng chạm của ông khiến tôi đánh rơi cái nghiền, làm nó lăn tròn trên mặt bàn và rơi xuống sàn.
Tôi nhảy ra khỏi chỗ ông và cúi xuống nhặt cái nghiền lên.
- Tôi xin lỗi, thưa ngài, - tôi lúng búng, đặt cái nghiền vào cái bát.
Ông không gắng chạm vào tôi một lần nữa.
- Đưa tay cô lên cao thêm chút nữa, - thay vào đó ông ra lệnh. - Đúng rồi. Bây giờ sử dụng vai cô để xoay, cổ tay để kết thúc.
Tôi nghiền miếng của mình lâu hơn rất nhiều vì tôi vẫn còn lóng ngóng và chuếnh choáng do sự đụng chạm của ông. Và tôi nhỏ hơn ông, lại chưa quen với chuyển động tôi phải làm. Ít nhất thì tay tôi cũng khỏe do vắt đồ.
- Mịn hơn chút nữa, - ông đề nghị khi ông kiểm tra cái bát. Tôi nghiền thêm vài phút nữa trước khi ông bảo đã được, bắt tôi phải dùng các ngón tay xoa chất bột để biết ông muốn nó mịn như thế nào. Sau đó ông đặt vài miếng xương khác nữa lên mặt bàn. - Ngày mai tôi sẽ chỉ cho cô xem phải nghiền chì trắng như thế nào. Dễ hơn xương nhiều.
Tôi chăm chăm nhìn mẩu ngà voi.- Sao vậy, Griet? Cô không sợ vài mẩu xương đấy chứ, đúng không? Chúng chẳng khác gì chiếc lược ngà mà cô vẫn dùng chải tóc đâu.
Tôi chẳng bao giờ đủ giàu để sở hữu một chiếc lược như vậy. Tôi dùng ngón tay vuốt cho tóc mượt.
- Không phải chuyện đó, thưa ngài.
Tất cả những việc khác ông nhờ tôi đều có thể làm trong lúc lau chùi dọn dẹp hay đi làm việc vặt. Ngoài Cornelia, không ai nghi ngờ gì. Nhưng nghiền các thứ sẽ mất thời gian - tôi không thể làm việc đó trong lúc phải lau chùi xưởng vẽ, và tôi không thể giải thích cho mọi người tại sao đôi lúc tôi lại phải lên phòng áp mái, bỏ lại những công việc khác của mình.
- Việc nghiền sẽ tốn ít nhiều thời gian, - tôi yếu ớt nói.
- Một khi cô quen rồi thì sẽ không mất nhiều thời gian như hôm nay đâu.
Tôi không thích phải chất vấn hay không nghe lời ông - ông là ông chủ của tôi. Nhưng tôi sợ cơn giận dữ của những người đàn bà dưới nhà.
- Ý tôi là bây giờ tôi phải đi mua thịt, rồi là quần áo, thưa ngài. Cho cô chủ.
Những lời của tôi nghe có vẻ tầm thường.
Ông không cử động.
- Đi mua thịt á? - Ông cau mày.
- Thưa ngài, vâng. Cô chủ sẽ muốn biết tại sao tôi không thể làm những việc khác của tôi. Cô sẽ muốn biết là tôi giúp ngài ở đây, trên này. Tôi không dễ dàng lên đây mà chẳng có lý do gì.
Một khoảng im lặng kéo dài. Chuông ở Nhà thờ Mới điểm bảy tiếng.
- Tôi hiểu, - ông lẩm bẩm khi tiếng chuông lặng. - Để tôi xem xét chuyện đó.Ông lấy đi một ít ngà voi để lại vào ngăn tủ.
- Bây giờ cô nghiền miếng này, - ông chỉ vào chỗ còn lại. - Việc này không lâu đâu. Tôi cần phải đi ra ngoài. Khi nào cô nghiền xong thì cứ để nó ở đây. Ông sẽ phải nói chuyện với Catharina và nói với cô ta về công việc của tôi. Khi đó thì tôi sẽ dễ dàng giúp ông làm mọi việc hơn.