Giông tố - Chương 30
Chương 30
Qua tỉnh lỵ Quảng Yên chừng 20 cây số, xe bắt đầu chạy chậm, và cứ thẳng tiến trên con đường thuộc địa đi Tiên Yên. Những luồng gió mạnh mẽ nặng nề và những hạt mưa to ào ào hắt và bốn bề cửa kính. Lắm lúc qua một chặng đường úng thủy bánh xe lại tung lên những cây nước cao ba thước ra hai bên vệ đường. Cơn giông tố phũ phàng, bẻ những cành cây mục rồi để rơi dưới mặt đường ngổn ngang. Cả trời đất ủng sũng, trắng xóa những nước là nước.
Ngồi bên trong cái xe hơi hòm vun vút nuốt đường, cạnh một ông già kỳ quặc mà mỗi hành vi ngôn ngữ đều biểu hiện cho một sự bí mật, lại đã có chứng cứ hiển nhiên là bố mình. Tú Anh thấy như mình đương bàng hoàng sống một giấc mộng say sưa.
Chàng đang ngồi ôm đầu trong phòng giấy nghe tiếng mưa gào gió thét của cảnh trời sầu đất thảm mà ôn lại tấm bi kịch ghê gớm dưới Hải Phòng mà tự đặt ra bao nhiêu dấu hỏi về người bố đột ngột ấy, thì có ba tiếng gõ cửa. Rồi ông già vào với bộ mặt thản nhiên khó hiểu mà bảo chàng: “Con ơi, cha đi đây! Con có muốn tiễn biệt cha thì xuống đánh xe đi với cha...”
Ấy thế rồi... cuộc hành trình. Ông già ngồi vào cầm lái xe, và lành nghề như một người đã sống vì nghề lái ô tô hàng đã vài chục năm rồi vậy. Trong quãng đường dài từ Hà Nội qua Hải Phòng, rồi thẳng đi về mạn Móng Cáy, đà xe cứ thay từ 60 đến 100 cây một giờ, hai bố con tính chưa nói được câu nào với nhau. Đã nhiều lần Tú Anh muốn hỏi, song động cơ nổ ầm ầm, lại thêm mưa gào gió thét quanh xe, nếu có trò chuyện cũng khó nghe cho hiểu.
Trước mặt có một vệt đen sì... Nhoi lên trên vệt ấy là một cái chòi cao... Đồn! Xe dừng chậm ông già thay đèn pha(1) ra đèn cốt(2) để ung dung lẳng lặng qua đồn một cách nghiêm trang bệ vệ, ý chừng sợ bọn lính gác nghi hoặc gì chăng... Khỏi địa phận của đồn, xe lại phóng nước đại. Độ mười phút sau thì trời đất mở ra một vòm bao la, bát ngát, bên trái là đồng ruộng và làng mạc, bên phải là bể, bể với những hàng dãy núi đá và những cồn cát chập chùng. Những cái bóng đen sì có hình thể của những cái roi tiên cắm ngược là những cây phi lao. Dù là giữa đêm khuya, nhờ có ánh sáng của nước mưa, người ta cũng nhìn rõ được mọi vật ở ngoài cái vòng ánh sáng của đèn xe. Thì ra đã quá khu vực của vịnh Hạ Long nhiều đường đất lắm!
(1) Pha ro.
(2) Go de.
Tú Anh chưa dám hỏi ấy là ông bố định dắt mình đi đến đầu trời cuối đất nào, thì ông già hãm xe. Cách ba thước trước mặt là một dãy nhà trong đó có một tòa nhà gạch lối cổ, còn thì là những mái gianh xiêu vẹo. Trông ra xa nữa, một con đường nhỏ dắt đến một dẫy cồn đá; có một cây đa um tùm nhoi lên trên. Dưới cồn đá là bến thuyền có vài chiếc thuyền nhỏ của dân chài lưới. Chung quanh cây đa có vài quán chợ, ý chừng là chợ tôm cá của dân miền Duyên Hải.
Ông già cho xe quay mũi lại, để lọt hẳn vào vệ đường, rồi bảo Anh bước xuống, đến đấm cửa tòa nhà gạch. Một người đàn ông vặn to đèn lên, ra mở cửa, rồi ba người cùng vào. Đối với ông già, chủ nhân có vẻ kính cẩn đến nỗi sợ hãi. Anh thấy trên giá áo có bộ quần áo và mũ lính xen đầm thì cũng hơi ngạc nhiên. Đã đến lúc chàng phải hỏi:
- Thưa cha, bố con ta biệt nhau ở đây?
Ông già gật:
- Phải phải! Một giờ đồng hồ nữa thì cha xuống thuyền. Hai giờ đồng hồ nữa thì cha đã lênh đênh giữa mặt biển. Bố con mình chỉ còn có một lúc trò chuyện mà thôi. Mà có lẽ không bao giờ... không bao giờ cha con ta lại gặp nhau nữa!
Nói đến đấy, ông già ngừng lại, nét mặt rầu rĩ, cố giữ hai giọt lệ cho khỏi chảy xuống đôi má. Lặng lẽ, người chủ nhà lấy ở túi áo ra, đem lại để trên bàn một bộ quần áo khách, với một gói giấy nhật trình. Gói nhỏ ấy va vào mặt bàn làm một tiếng cạch nặng nề, và khiến ông phải ngẩng mặt lên. Ông đứng dậy cởi bộ quần áo vải vàng, lấy bộ quần áo Trung Quốc mặc vào, thì trông đã ra vẻ một ông già Tàu ngay. Ông vừa thay hình đổi dạng vừa nói:
- Cha đã muốn về ở với con một hôm, song sợ nguy hiểm đành phải để đến phút cuối cùng mới lại tìm con và, mượn xe của con đi cho đúng giờ hẹn. Sở dĩ thế là bần cùng, sáu giờ sáng mai thì cha đã lên một cù lao nhỏ thuộc Hải Nam. Rồi cha sẽ lên một chiếc tàu nhỏ chở than và đá bọt của khách để đến Hương Cảng. Từ Hương Cảng, cha sẽ được đường hoàng lên tàu tây mà về Thượng Hải rồi đi Lữ Thuận, thì không còn lo sợ gì nữa. Con là người hay đọc các báo chí sách vở cực tả, hẳn nghe thế con cũng đủ hiểu cha làm những công việc gì rồi.
Ngoan ngoãn và kính cẩn, sự kiêu căng được có người bố ấy lộ ra nét mặt. Tú Anh khẽ đáp:
- Vâng.
Ông già ra mở cửa sổ, nhìn mưa gió năm phút, rồi đóng cửa quay vào hỏi trống không:
- Không biết bọn ấy đã từ Hòn Vẹo ở Cát Bà về đây đón ta chưa?
Người chủ nhà khẽ nói:
- Chắc phải theo đúng lệnh nhưng bì bão nên đến cũng phải chậm.
- Cứ theo chiều gió này, mưa này, thì ta đoán có bão to ở giữa biển Trung Hoa, cách Hải Phòng độ chừng 180 hải lý. Đến nửa đêm có lẽ gió đổi, sẽ thổi ở vĩ tuyến Bắc 19 độ, và kinh tuyến Đông 113 độ, ngang qua cù lao Hải Nam rồi tiến về phương Tây Bắc Tây. Làm thế nào biết cho đích xác?
Người chủ nhà thưa:
- Bẩm để tôi ra đồn xem thiên văn đài Phủ Liễn đã báo chưa...
- Ừ, có thì biên vào giấy đem về đây cho tôi mau lên.
Người chủ nhà vội lấy cái áo đi mưa khoác vào rồi đi ngay. Khi gian phòng chỉ còn hai người, Tú Anh khẽ hỏi:
- Người lính sen đầm này mà lại cũng là...?
Ông già gật và thêm:
- Phải, anh ta chịu trách nhiệm về trình độ tiến hóa của anh em phu mỏ. Từ nay trở đi, cái đảng ấy sẽ kín hơn ngày xưa. Từ nay trở đi sẽ không có những vụ bạo động vô ích.
- Cha về từ bao giờ?
- Đã hai tháng. Công việc của cha là hòa giải hai đảng điều đình cho đảng quốc gia cũ hợp nhất với đảng quốc tế mới... vì phái quốc gia cũ lấy tiền của Đức và của Nhật, như vậy là dại dột lắm, dân tộc mình mà thoát vòng này thì sẽ vào tay Đức với Nhật là hai đế quốc như vậy thì là sẽ diễn cái trò hề diệt chủng tái nô mà thôi!
... Ông già ngừng lại bóc gói giấy nhỏ thì đó là một khẩu... súng lục. Ông mở ổ đạn, xem xét máy móc, lại đậy lại, bỏ túi, rồi hỏi:
“Con có một khối óc không? Con có một quả tim không?
Anh đáp:
- Con cũng may mà cũng lại là một người biết nghĩ, cũng có một lý tưởng...
- Quốc gia hay quốc tế?
- Bẩm... quốc gia.
Ông bố trừng mắt mắng:
- Đồ ngu!
Tú Anh cúi đầu chịu quở, không đáp. Ông bố tiếp:
- Ta không được coi nước Pháp là kẻ thù mà để cho bàn tay bí mật của phái quân nhân Nhật nó thực hiện cái chương trình liên Á bằng những khẩu hiệu như “Á đông về tay người Á đông”! Cái chế độ của nó làm khổ dân ta là chính sách của mấy nhà tư bản vua dầu hỏa, vua mỏ, vua ô tô, vua nhà băng, nhưng đó không phải là toàn thể nước Pháp! Ta có thể hi vọng vào cái nước Pháp bình dân của Roussecau. Đantou, Robespicrre, BlumMoutet! Rồi những người ấy sẽ có thế lực làm cho ta đỡ khổ! Mặc dầu bây giờ họ chưa có địa vị gì cả. Ta sẽ không được coi nước Pháp là kẻ thù riêng, trái lại, ta có cả kẻ thù chung trong bọn đồng chủng của ta, cái phải tọa hưởng kì thành vẫn bóc lột cái phái lao động, thí dụ thằng Nghị Hách là một. Nhưng tư tưởng quốc gia của con vừa hẹp hòi, vừa bất đạt. Phân biệt biên thủy với nòi giống là đồ ngu xuẩn, con nên đổi quan niệm đi và nên coi những người Pháp nghèo khổ là bạn thân, và bọn trọc phú An Nam là kẻ tử thù.
Ngay lúc ấy nhà trong có tiếng đàn bà khẽ ru con, Tú Anh đưa mắt nhìn bố, ông già cười, nói:
- Họ hiểu quái gì nữa mà sợ...
Người lính sen đầm vừa lúc ấy, đẩy cửa vào, đưa ra một mảnh giấy. Ông già xem xong nói một cách đắc chí:
- Ta đoán thử không sai... kinh tuyến 113 vĩ tuyến 19 thật! Thôi xong, như thế là ta có thể yên tâm xuống thuyền. Bão có to lắm thì cũng chỉ thổi thuyền dạt vào Hải Nam là cùng mà thôi.
- Thưa cha đây chỉ là bão rớt mà sóng đánh còn ầm ầm thế này, con sợ lắm... Hay cha chờ bao giờ bão ngớt đã...
Ông già mỉm cười:
- Con tưởng công việc của cha cũng như trò trẻ? Có thể sai hẹn được đấy à? Nếu không có bão thì ven bể này đặc những thuyền nhà đoan, những tàu Hải Phòng, ta đi thoát làm sao? Vả lại cuộc hội Nghị ở Viễn Đông có đủ đại biểu của Phi Luật Tân, Úc Châu, Chà Vá, Đài Loan, ta đến chậm nửa giờ cũng không được.
- Đương cơn giông tố này, con sợ lắm.
Ông già nghĩ một lát rồi thản nhiên nói một cách láu lỉnh như để dò ý tứ:
- Ta chưa chết mà sợ. Mà số ta chưa đến ngày tận, con sợ cơn giông tố ngoài bể, thế ra con không sợ cơn giông... tố ngay trong lòng con bây giờ đó sao?
Tú Anh ngồi xuống ghế bưng mặt khóc sì sụt. Người chủ nhà hỏi ông già:
- Bẩm... mọi việc thế là xong cả?
- Xong, việc ta phải quyên tiền cho quỹ đảng cũng xong! Anh có biết bao nhiêu không? Một vạn đồng! Tống tiền như thế mới bõ...
Rồi ông già lôi ở trong áo lót mình ra một đệm giấy bạc một trăm buộc trong dây gai đỏ. Vứt xuống mặt bàn đánh thịch một cái. Tú Anh nhìn lên thì ông già nói:
- Cái giá trị của con đấy! Một vạn đồng đấy, con ạ. Cha đã bán con cho lão Nghị rồi. Trong lúc nó còn trù trừ, cha phải dọa nó là nó có muốn mất tiền, hay thấy con nó bán hết gia tài đã chia cho con nó, rồi đi biệt tăm biệt tích thì muốn... Thế nó mới chịu nghe theo. Lấy tiền rồi là cha phải ra đi ngay, sợ nó hối hận mà báo sở Liêm phóng... Bây giờ thì không lo ngại gì nữa rồi. Thế là ta được dịp về thăm cả Tổ quốc, và nhận cả con ta, công tư cùng trọn vẹn.
Người lính trố mắt vì kính phục. Ông già lại cất tiền vào ngực mình. Tú Anh rền rĩ nói:
- Cha ơi... con... muốn đi theo cha lắm. Con không thể sống ở cái đất này nữa... Khi cha làm cho con hiểu cả cái bí mật đời con là khác máu tanh lòng với lão nghị, thì con thấy đỡ nhục nhã, nhưng mà giời ơi, còn mẹ con! Con đau khổ... không thể...
Tú Anh lại khóc. Ông già nghiêm Nghị ưỡn ngực lên mắng:
- Nam nhi gì mà khóc lóc như đàn bà ấy thế? Phải có can đảm nên để tâm trí vào lý tưởng của mình thì cái khổ ấy mấy lúc mà quên? Cha đã lấy danh dự mà cam đoan với Nghị Hách rằng con sẽ ăn ở với lão như trước, lẽ nào con lại bán rẻ cái danh dự của cha đi thế! Vả lại xã hội cũng cần có những người như con. Đã có học thức, nhân phẩm, lại có một lý tưởng mà thờ, con sẽ cố gắng làm những việc hữu ích cho dân chúng trong vòng pháp luật, thì làm gì không trở nên được người hữu ích? Con nên quay về sống với xã hội như cũ, coi như trong đời con không có sự gì xảy ra cả. Như thế là cha bằng lòng lắm rồi. Nếu con cũng như trăm nghìn kẻ khác, có tim, có óc, mà ích kỷ, mà ham sinh uý tử, mà rồi cứu cánh là một cuộc đời trưởng giả, sống như chó, như lợn, vì kim tiền, vì ái tình, vì vật chất, vì hư danh, thì mới đáng lo cho giống nòi.
- Con xin chôn vào ruột những lời phán bảo của cha. - Một vài năm nữa, nếu có lệnh cử cha về điều ra nước nhà lần nữa, thì cha sẽ lại đi kiếm con. Mà nếu không thì ắt là một người khác. Người ấy sẽ đến tìm con, nói ba câu về cha, thì con sẵn lòng hy sinh một chút tài sản của Nghị Hách đi, thế là được rồi, thế là cũng theo đuổi cái chí hướng của cha rồi.
- Bao giờ con lại quên được điều ấy... - Tốt lắm. Cha vất vả lắm con ạ. Nửa đời người tù tội rồi. Một năm tù ở nước nhà, vì Nghị Hách, ba năm tù ở Phúc Kiến, năm năm tù ở Mãn Châu, chín năm giời trốn tránh, gối đất nằm sương...
...
Ngoài đường hình như có tiếng người đi đến. Chủ nhà thổi ngọn đèn tắt phụt ba người cùng mở cửa nhìn ra... Một chú khách cắm dầu chạy lại. Người chủ nhà reo:
- Thuyền đến đón rồi!
Ông già ra thềm đứng, chú khách trông thấy rõ nhờ một cái chớp nhoáng thì vội đứng dừng lại chào kiểu nhà binh. Ông già giới thiệu cho con:
- Anh em đồng chí thuộc chi bộ Phúc Kiến...
Rồi ông già đội mũ, khoác cái áo cao su đen lên vai. Người lính và Anh cũng mặc áo tơi vào, vì giờ xuống thuyền đã đến. Đoạn ba người theo người khách đi thẳng ra chỗ cồn đá có cây đa.
Một chiếc hải thuyền khổng lồ có hai cánh buồm nâu, bên trên có sáu người khách nữa, đã đỗ chỗ cói những mỏm đá nhỏ. Thấy bọn này, những thủy thủ lặng lặng chào theo kiểu nhà binh. Ông già dừng chân hỏi lại bằng tiếng Tàu, thì bọn thủy thủ líu lo đáp lại...
Ông già quay lại, giơ tay ra bắt tay con.
Tú Anh quên cả vũng nước dưới chân, quỳ xuống hôn hai tay bố, gục đầu vào hai bàn tay...
Khi thấy tay mình có vài giọt lệ nóng thì Hải Vân lôi Tú Anh đứng lên, hôn hai bên má. Sau cùng Hải Vân vỗ hai vai con nói gọn:
- Thôi, ở lại, và sống cho can đảm!
Rồi quay đi, nhảy lên những mỏm đá mà xuống chiếc hải thuyền.
Tú Anh đứng ngây ra trông, mũ cụp xuống mắt cổ áo tơi che kín cả gáy, có người lính sen đầm kỳ quặc đứng sau lưng trong bộ quần áo thường dân.
Mũi thuyền quay ra khơi. Những làn sóng vỗ vào cồn đá ầm ầm, tiếng vang như núi đổ... mưa như trút nước. Chiếc hải thuyền nổi lên, chìm xuống, bập bềnh... Trời và bể trắng xóa như tấm vải trắng mà chiếc thuyền là một chấm đen...
Những luồng điện ngừng ngoằn chốc chốc lại hiện trên vòm trời đánh nhoàng một cái.
Tú Anh vẫn đứng. Nước mưa chui vào cổ chàng chảy vào lưng chàng. Hai chiếc giầy của chàng đã sũng những nước. Nhưng Tú Anh vẫn đứng nhìn.
Chàng định nhìn cho bao giờ không trông thấy rõ chiếc thuyền ngoài bể mới thôi.
Người lính nói:
- Bọn thủy thủ khách là những tay lành nghề, ông cứ yên tâm.
Tú Anh tuy vậy cũng không lo lắng phân vân, mặc lòng đã thấy người ấy có một vẻ tín ngưỡng mà người thường không có.