Tokyo hoàng đạo án - Hồi 3 - Cảnh 4
Cảnh 4: Bờ sông
Kiyoshi không nói một lời trong khi Emoto lái xe đưa chúng tôi tới Sanzen-in, một đền thờ ở Ohara, phía bắc Kyoto. Cậu ấy ngồi ở ghế sau lặng im như một pho tượng Phật.
Chúng tôi dừng lại tại một tiệm ăn ở Ohara để thưởng thức chút đồ ăn Thiền kaiseki rất ngon. Ngay cả khi Emoto giải thích về các món ăn truyền thống, tâm trí Kiyoshi dường như vẫn đang ở đâu đâu.
Emoto và tôi vẫn tiếp tục, tôi thấy hài lòng vì có cơ hội thăm nhiều nơi ở Kyoto: Đại học Doshisha, Đại học Kyoto, Lâu đài Nijo, Đền Heian, Hoàng cung, và phim trường Uzumasa.
Buổi tối, Emoto đãi chúng tôi bữa tối sushi ở Kawaramichi và sau đó đưa chúng tôi tới một quán cà phê rất hấp dẫn chuyên chơi nhạc cổ điển.
Đó là một ngày vô cùng thú vị, mặc dù chúng tôi không tiến thêm được bước nào trong vụ án.
Khi tôi thức dậy vào sáng hôm sau, Kiyoshi và Emoto đều đã đi mất.
Tôi ăn sáng ở gần nhà ga rồi bắt đầu lang thang không chủ đích. Tôi vào khu mua sắm, băng qua một con mương nhỏ sang một sân chơi. Vài nhóm người chạy bộ chạy ngang qua. Tôi cố gắng tập trung trở lại vụ án.
Vụ giết người hoàng đạo không phải là một bí ẩn bình thường. Nó có tầm vóc đến mức cuộc sống của nhiều người đã bị hủy hoại. Có người đã bán toàn bộ tài sản của mình để đầu tư nghiên cứu vụ án. Có người thì hóa điên và tự sát bằng việc nhảy từ trên vách đá xuống biển Nhật Bản. Phải chăng tôi cũng sẽ bị hiến sinh trước đàn tế của bí ẩn này?
Tôi quyết định quay lại Kawaramachi. Tôi thấy thích quán cà phê chuyên chơi nhạc cổ điển và nghĩ nên “tị nạn” ở đấy. Sau đó, có lẽ tôi nên dừng ở một hiệu sách và mua một cuốn sách dạy về minh họa.
Trong lúc đứng chờ chuyến tàu địa phương sắp đến, một chuyến tàu tốc hành chạy ào qua, khiến cho một ít rác bị cuốn tung lên. Đột nhiên, cảnh tượng đó làm tôi nhớ đến bờ sông ở Toyosato - cho - vùng đất bỏ không, lau lách, những cái lốp xe bị vứt bỏ. Tôi nghĩ về con gái Yasukawa. Việc không thể trò chuyện được với chị ta đã để lại một lỗ hổng lớn trong quá trình điều tra của chúng tôi. Chúng tôi cần câu chuyện của người phụ nữ đó - có rất nhiều điều chị ta có thể nói với chúng tôi. Tôi đứng lên, đi xuống sảnh ga và vượt qua mé bên kia của con hẻm. Tôi sẽ quay lại gặp con gái của Yasukawa.
Đồng hồ chỉ hơn 4 giờ một chút khi tôi đến Toyosato-cho. Quanh nhà ga chẳng có gì nhiều. Chỉ có mấy người bán bánh xèo Nhật Bản okonomiyaki và bánh nướng nhân bạch tuộc takoyaki, hai thứ đồ ăn vặt rất được ưa chuộng ở Kansai. Tôi đi bộ về phía cây cầu bắc qua sông Yodo, đi dọc ngõ hẻm lần nữa, tìm quán bánh tráng và bắt đầu đi lên cầu thang của khu chung cư. Chính lúc đó cảm giác ngập ngừng trào lên trong tôi.
Liệu người phụ nữ kia có sẵn lòng trò chuyện với tôi không? Những vụ án mạng nhà Umezawa chẳng phải là chuyện thú vị, nhưng chí ít chị ta cũng phải quan tâm đến sự liên đới của cha mình trong vụ án này chứ nhỉ. Có lẽ tôi nên mang theo cuốn sổ ghi chép của ông Takegoshi. Mối liên hệ của chúng tôi với ông ấy chắc chắn nâng tầm chúng tôi lên cao hơn đám thám tử nghiệp dư vẫn đến gõ cửa nhà họ. Tôi có thể nói tôi là bạn thân của con gái ông Takegoshi. Tuy là lời nói dối, nhưng tôi phải làm những gì cần thiết. Điều tôi muốn là thu được manh mối dù nhỏ nhất chứng tỏ rằng Heikichi Umezawa chưa chết. Ngoài ra, tôi còn muốn tìm hiểu xem cuộc sống của Yasukawa thế nào sau vụ việc. Nếu Heikichi chưa bị sát hại, có lẽ họ vẫn giữ liên lạc với nhau chăng?
Lần này, không còn những người giặt giũ ở lối đi. Tôi gõ cửa. Chủ nhà mở cửa và không hề giấu vẻ khó chịu của mình khi lại nhìn thấy tôi.
“Tôi rất xin lỗi, xin bỏ qua cho tôi, tôi không có ý thiếu tôn trọng, tôi thực sự rất xin lỗi.” tôi nói, cúi người nhiều lần. Tôi đang cố gắng để một vài lời của mình lọt được vào trong nhà trước khi chị ta ra đóng sập cửa trước mặt tôi. “Tôi tự mình đến đây. Tôi có vài thông tin mới về vụ việc, và tôi muốn kể cho chị nghe về nó…”
Có lẽ trông tôi rất nghiêm túc, thậm chí hơi ngốc ngếch khi xin lỗi rối rít. Người phụ nữ mỉm cười, từ từ bước ra khỏi cửa. “Chúng ta ra bờ sông nhé,” chị ta nói. “Con tôi thích được ra ngoài.”
Ra đến sông, tôi bắt đầu nói liên tục, chỉ dừng lại để thở. Thật kỳ cục, người phụ nữ này không quan tâm đến câu chuyện của tôi như tôi mong đợi, mặc dù vẫn lắng nghe, cuối cùng chị ta lên tiếng.
“Chà, anh Ishioka, tôi có thể nói gì với anh đây? Tôi lớn lên ở Tokyo. Nhà tôi gần ga Hasunuma trên tuyến Ikegami, nhưng mẹ tôi thường đi bộ tới Kamata để đỡ tốn tiền,” chị ta mỉm cười chua chát. “Cha mẹ tôi không kể với tôi về thời tuổi trẻ của họ, cho nên tôi không biết giúp được bao nhiêu cho anh. Những gì tôi thật sự biết là sau vụ án mạng nhà Umezawa, cha tôi gia nhập quân đội. Ông ấy bị thương trong chiến tranh: tay phải bị liệt. Khi trở lại Nhật Bản, ông ấy gặp mẹ tôi và cưới bà. Mới đầu họ rất hạnh phúc, nhưng sau đó cha tôi sa vào một lối sống khá bạc nhược. Chúng tôi lâm vào túng quẫn và sống nhờ trợ cấp, trong khi ông ấy chơi cờ bạc. Ngày nào cha tôi cũng mò tới các đường đua Omori và Oi. Mẹ tôi buộc phải làm việc kiếm tiền. Căn hộ của chúng tôi chỉ là một phòng rộng bằng sáu manh chiếu. Nó quá nhỏ cho ba người, nhưng không còn lựa chọn nào khác. Cha tôi say xỉn và đánh đập mẹ tôi hằng ngày. Thỉnh thoảng ông ấy bị ảo giác, khăng khăng cho rằng ông nhìn thấy những người thân đã chết từ lâu…”
Tôi phải ngắt lời. “Họ là ai? Cụ ông có nhắc đến Heikichi Umezawa không?”
“Tôi đoán anh sẽ hỏi như thế. Có, tôi nghe cha tôi nhắc đến ông Umezawa, nhưng làm sao chúng tôi tin được cha mình? Cha tôi không mấy khi làm được những việc có ý nghĩa. Có lẽ cha tôi bị phê thuốc hoặc say rượu. Anh biết đấy, cha tôi thỉnh thoảng có dùng moóc phin.”
“Nếu cha chị thực sự nhìn thấy Umezawa thì ông cụ sẽ là một nhân chứng rất quan trọng trong vụ án.”
Đầy phấn chấn và hứng khởi, tôi nói với người phụ nữ về giả thiết của mình: Heikichi giết người thế mạng và biến mất; Heikichi giết Kazue để giữ bí mật tội ác của mình; chỉ có Heikichi mới có động cơ thực hiện vụ án mạng Azoth…
Mối quan tâm của Kato với vụ việc dường như càng giảm hơn nữa. Chị ta xốc đứa bé trên lưng, để cho gió thổi qua tóc mình.
“Thế cha chị có nhắc nhở gì đến Azoth không?” - Tôi hỏi.
“Chà, có thể có, nhưng lúc đó tôi còn nhỏ… tôi nghĩ tôi có nghe thấy cái tên Heikichi Umezawa lại được nhắc đến gần đây, nhưng tôi không quan tâm đến vụ việc hoặc con người đó. Tôi vẫn cảm thấy phẫn nộ khi nghe đến tên lão. Nó chỉ mang lại những ký ức buồn đau. Toàn những kẻ lạ mặt đến làm phiền chúng tôi. Nhiều lúc tôi về nhà và thấy có người chờ cha trong căn hộ của mình chỉ để hỏi một câu ngớ ngẩn. Chúng tôi chẳng còn quyền riêng tư, và tôi sống trong tình trạng bức bối mỗi ngày. Thậm chí đến tận hôm nay, tôi vẫn thấy bực. Đó là một trong những lý do khiến chúng tôi chuyển đến Kyoto.”
“Tôi rất xin lỗi. Chị đã phải chịu quá nhiều đau khổ, và tôi chỉ làm tăng thêm điều đó. Tôi rất xin lỗi đã đến làm phiền chị.”
“Đừng xin lỗi nữa. Tôi cũng xin lỗi vì thái độ của tôi ngày hôm trước. Các anh đến vào đúng thời điểm khó chịu và tôi đã không kiềm chế được.”
“Chị thật tốt và tôi cảm ơn chị vì đã nói chuyện với tôi. Mẹ chị có khỏe không ạ?”
“Mẹ tôi ly hôn với cha tôi. Bà cụ muốn mang tôi theo, nhưng cha tôi không chịu. Sau khi mẹ tôi ra đi, ông cụ thực sự là người cha rất tốt với tôi. Tôi rất tiếc vì cha tôi đã phải rời bỏ công việc mà ông cụ yêu thích. Chúng tôi nghèo, nhưng thời điểm đó rất nhiều người nghèo, cho nên tôi chẳng bao giờ cảm thấy xấu hổ về điều kiện sống của chúng tôi cả.”
“Cha chị có bạn bè thân thiết nào không?”
“Ông ấy đánh bạc và bù khú rượu chè với nhiều người khác nhau, nhưng chỉ có một người bạn thân là Shusai Yoshida. Cha tôi vô cùng ngưỡng mộ ông ấy.”
“Shusai Yoshida vẫn còn sống chứ?”
“Đúng, ông ấy còn sống.”
“Ông ấy làm gì?”
“Tôi nghĩ ông Yoshida là một thầy bói kiểu Trung Hoa. Có lẽ ông ấy trẻ hơn cha tôi đến mười tuổi. Họ gặp nhau trong một quán rượu ở Tokyo.”
“Ở Tokyo ư?”
“Vâng, đúng như vậy.”
“Cha chị cũng quan tâm đến tướng số phải không?”
“Tôi không nghĩ vậy. Cha tôi quý ông Yoshida vì họ cùng chung sở thích chế tạo búp bê.”
“Chế tạo búp bê ư?”
“Vâng, tôi nghĩ đó là lý do khiến họ trở thành bạn bè. Sau khi ông Yoshida chuyển đến Kyoto, cha tôi cũng làm theo.”
“Chị có kể chuyện này cho cảnh sát không?”
“Kể cho cảnh sát ư? Tại sao tôi phải làm thế? Không, chẳng bao giờ.”
“Thế còn tất cả những thám tử nghiệp dư? Chị có kể với họ điều gì liên quan đến chi tiết này không?”
“Không, không. Anh là người đầu tiên đấy.”
“Tôi muốn hỏi chị thêm hai câu. Từ những điều chị nghe cha mình nói, chị có nghĩ Heikichi Umezawa còn sống không? Và chị có nghĩ rằng ông ấy thực sự đã tạo ra Azoth không?”
“Tôi không biết. Tôi không chú ý nghe cha tôi cho lắm. Có vẻ cha tôi tin rằng Umezawa vẫn còn sống, nhưng - để tôi nói lại với anh điều này - cha tôi đã mất hết mọi cảm xúc. Nếu anh gặp ông cụ, anh sẽ nhận thấy điều đó. Tại sao anh không tới gặp ông Yoshida nhỉ? Ông ấy đáng tin cậy hơn nhiều. Cha tôi hoàn toàn tin tưởng ông. Tôi không nghĩ ông Yoshida sẽ thêu dệt sự thật.”
“Ông Yoshida sống ở đâu?”
“Tôi chỉ gặp ông có một lần và tôi không có địa chỉ hay số điện thoại gì cả. Tôi chắc là ông Yoshida sống gần xưởng xe Karasuma ở khu Kita, Kyoto. Khu vực đó ở cuối phố Karasuma. Nếu anh hỏi thăm, tôi tin chắc anh sẽ đến được nơi đó.”
Tôi cảm ơn người phụ nữ và cáo từ. Chị ta quay đi, nựng nịu đứa con và không hề ngoái lại nhìn tôi.
Tôi đi xuống bờ sông, len vào đám lau lách, theo một lối hẹp ra mép nước. Lau lách mọc cao hơn cả tôi, khiến tôi có cảm giác đang đi qua một đường hầm. Ở mép nước, những con sóng nhẹ nhàng vỗ vào bờ đất đen. Tôi ngước nhìn lên. Cây cầu sắt đổ bóng xuống dòng sông trong ánh sáng đang nhạt dần và những ánh đèn pha ô tô đã bắt đầu nhấp nháy.
Cuộc trò chuyện với con gái ông Yasukawa khiến tôi thêm nhiệt huyết.
Vậy là Yasukawa nghĩ rằng Heikichi chưa chết…Yoshida Shusai hẳn phải biết điều gì đó.
Lúc đó là 7giờ 5 phút tối ngày mùng 9. Chúng tôi còn đúng 3 ngày thì hết hạn. Tôi không thể lãng phí thêm thời gian nữa. Tôi bắt tàu trở lại Shijo-Kawaramachi rồi đón xe buýt đến xưởng xe Karasuma. Tôi không biết đường nhưng xe buýt ở đây chạy loanh quanh khắp phố. Gần 10 giờ tối thì tôi đến nơi. Đường phố vắng ngắt. Tôi đi bộ kiếm ngôi nhà có tên Yoshida, nhưng không tìm thấy. Tôi phải nhờ đồn cảnh sát khu vực chỉ dẫn.
Cuối cùng, tôi cũng tìm thấy nhà, nhưng trong nhà không sáng đèn. Lại quá muộn! Tôi quyết định sẽ quay lại vào ngày hôm sau. Hy vọng khi đó ông ấy sẽ có nhà.
Khi tôi trở về căn hộ của Emoto, Kiyoshi và Emoto đã đi ngủ. Kiyoshi còn tử tế dọn sẵn giường cho tôi - có lẽ cậu ấy không muốn bị quấy rầy đêm khuya khi đã ngủ bởi những tiếng lịch kịch dọn giường. Nhừng dù sao tôi cũng rất cảm kích. Tôi khẽ khàng chui vào chăn, nghĩ về tất cả những chuyện đã xảy ra và tất cả những gì phía trước. Hơi thở của tôi chậm lại và tôi chìm vào một giấc ngủ say.