Truy tìm Dracula - Chương 25 phần 2

“Helen nghĩ cũng đáng để thử xem một lần, và chúng ta lại tiếp tục rảo bước. Trên đường đi, cha lại xem lướt qua cuốn sách hướng dẫn một lần nữa. ‘Nghe này. Trong này người ta nói Istanbul là một từ Byzantine nghĩa là thành phố. Cô thấy đấy, ngay cả người Ottoman cũng không thể phá hủy Constantinople, họ chỉ đặt tên lại cho nó - bằng một cái tên Byzantine. Ở đây nói Đế quốc Byzantine tồn tại từ năm 333 đến năm 1453. Hình dung xem - thật là một đế chế trường tồn trước khi bị diệt vong.’

“Helen gật đầu. ‘Không thể nào nghĩ về khu vực này của thế giới mà không nghĩ đến thủ phủ của đế chế Byzantine,’ cô nói, vẻ nghiêm nghị. ‘Và, anh biết đấy, ở Rumani anh sẽ thấy hình bóng của đế chế này khắp mọi nơi - trong mọi nhà thờ, trong các bức bích họa, trong các tu viện và ngay cả trên mặt người dân, tôi nghĩ vậy. Theo cách nào đó, ở đó nó trông gần gũi hơn với mắt anh so với nơi này, khi không có toàn bộ những dấu tích - đúng hơn là trầm tích - của đế chế Ottoman ở phía trên.’ Nét mặt cô sa sầm. ‘Cuộc chinh phục thành phố Constantinople năm 1453 của Quốc vương Mehmed II là một trong những tấn thảm kịch lớn nhất của lịch sử. Sau khi phá vỡ các bức tường thành này bằng đạn đại bác, Mehmed II đã cho binh lính cướp bóc và tàn sát ba ngày liền. Đám lính tráng này đã hãm hiếp các thiếu nữ và cả thanh niên trên bệ thờ của các giáo đường, ngay cả tại thánh đường Saint Sophia. Chúng cướp phá tượng thánh và các báu vật thiêng liêng khác đem nấu chảy để lấy vàng, và ném hài cốt của các thánh ra ngoài đường cho chó gặm. Trước biến cố này, nơi đây vốn là thành phố đẹp nhất trong lịch sử loài người.’ Helen chống nạnh, hai bàn tay nắm chặt lại.

“Cha im lặng. Thành phố vẫn xinh đẹp với đủ các sắc màu thanh nhã phong phú, các mái vòm và những ngọn tháp tuyệt đẹp, bất chấp những hành vi hung bạo đã từng xảy ra ở nơi chốn này trước đây rất lâu. Cha bắt đầu hiểu vì sao một khoảnh khắc tệ hại của năm trăm năm trước lúc này lại quá hiện thực với Helen như vậy, nhưng liệu khoảnh khắc này thực sự liên quan gì đến cuộc sống hiện tại của chúng ta? Đột nhiên, cha giật mình nhận ra có lẽ mình đã thực hiện một cuộc hành trình xa xôi mà chẳng vì cái gì cả, đến một nơi chốn đầy mê hoặc này, cùng với một phụ nữ phức tạp, đi tìm một người Anh có thể lúc này đang ở trên một chuyến xe buýt đi New York. Cha kìm nén ý nghĩ đó lại, và thay vì thế cố trêu chọc cô một chút. ‘Sao cô rành lịch sử quá vậy? Tôi nghĩ cô là một nhà nhân học kia mà.’

“ ‘Vâng, tôi là nhà nhân học,’ cô nghiêm nghị trả lời. ‘Nhưng anh không thể nghiên cứu các nền văn hóa nếu không có kiến thức về lịch sử của chúng.’

“ ‘Vậy tại sao cô không chọn làm sử gia đơn thuần? Theo tôi thấy, như vậy cô vẫn có thể nghiên cứu về văn hóa kia mà.’

“ ‘Có lẽ là vậy.’ Lúc này cô không nhìn thẳng vào mắt cha và trông có vẻ khá dữ tợn. ‘Nhưng tôi muốn một lĩnh vực mà cha tôi chưa dính dáng vào.’

“Đại Thánh đường Hồi giáo vẫn còn mở cửa đón du khách cũng như người mộ đạo trong ánh chiều vàng rực. Cha thử nói thứ tiếng Đức vụng về của mình với nhân viên bảo vệ ở lối vào, một chàng trai tóc quăn, da màu ô liu - những người Byzantine kia thì trông như thế nào nhỉ? - nhưng anh ta cho biết không có thư viện nào trong đó, chẳng có trung tâm lưu trữ tư liệu nào, chẳng có những gì đại loại như thế, và anh ta cũng chưa bao giờ nghe nói gần quanh đó có một nơi như vậy. Chúng ta hỏi liệu anh ta có gợi ý gì không.

“Anh ta trầm ngâm khuyên chúng ta có thể thử tìm ở trường đại học, vì ở đó có hàng trăm nhà thờ Hồi giáo nhỏ.

“ ‘Giờ đã quá muộn rồi, không thể đến thăm trường đại học trong hôm nay được,’ Helen bảo cha. Cô xem cuốn sách hướng dẫn. ‘Ngày mai chúng ta có thể đến đó và thử hỏi thăm về các trung tâm lưu trữ có từ thời Mehmed. Tôi nghĩ đây sẽ là phương cách hữu hiệu nhất. Giờ chúng ta thử đến tham quan những bức tường thành cổ của Constantinople xem. Từ nơi này, chúng ta có thể đi bộ đến một khu vực của các phế tích đó.’

“Cha rảo bước đi theo qua các đường phố trong lúc cô dò tìm đường, tay mang găng cầm cuốn sách hướng dẫn, ví xắc nhỏ màu đen đeo trên cánh tay. Những chiếc xe đạp phóng vượt qua, những chiếc áo thụng Thổ Nhĩ Kỳ xen lẫn với đủ loại áo quần Tây phương, những chiếc xe hơi nước ngoài và xe ngựa cùng đan xen nhau. Nhìn đâu cha cũng thấy những người đàn ông mặc com lê tối màu và đội mũ vải nhỏ, cánh phụ nữ thì vận áo hoa màu sáng, quần phồng, khăn choàng quấn quanh đầu. Họ mang theo đủ thứ: túi mua hàng và giỏ đi chợ, những bọc vải, gà trong lồng, bánh mì, hoa. Đường phố tràn ngập sức sống - cha nghĩ, vẫn như xưa, từ một ngàn sáu trăm năm nay. Dọc theo những con đường này, các hoàng đế của La Mã Thiên Chúa giáo đã được đám hầu cận khiêng đi, các tu sĩ đi dọc hai bên, di chuyển từ cung điện đến giáo đường để làm lễ Ban Thánh thể. Họ là những nhà cai trị dũng mãnh, những người bảo trợ vĩ đại của các ngành nghệ thuật, của kỹ sư và các nhà thần học. Và trong số họ cũng có những kẻ xấu xa - theo đúng truyền thống La Mã - chuyên lừa dối triều thần và bịt mắt các thành viên trong hoàng tộc. Đây là nơi các cuộc đấu đá tranh giành quyền lực phức tạp đầu tiên đã xảy ra. Xét cho cùng, có lẽ không phải quá kỳ lạ đối nếu nơi này có một hai con ma cà rồng.

“Helen dừng lại trước một khu vực có những bức tường đá phần nào đổ nát sừng sững bao bọc xung quanh. Các cửa hàng nằm chen chúc trên nền móng của nó còn những cây sung thì đâm rễ vào các cạnh tường; trên những bức tường đầy lỗ châu mai, bầu trời không một gợn mây đang dần chuyển sang màu đồng. ‘Nhìn những gì còn lại của những bức tường thành phố Constantinople này,’ cô ôn tồn nói. ‘Anh có thể nhận ra chúng đồ sộ như thế nào khi còn nguyên vẹn. Cuốn sách hướng dẫn này nói rằng ngày xưa nước biển dâng lên đến tận chân thành, vì vậy các vị hoàng đế có thể xuống thuyền ngay từ cung điện. Và ở đằng kia, bức tường kia là một phần của trường đua ngựa Hippodrome.’

“Chúng ta cứ đứng đó ngắm nhìn cho đến khi cha chợt nhận ra mình đã quên phắt thầy Rossi trong gần mười phút vừa qua. ‘Mình đi ăn tối đi,’ cha bất chợt lên tiếng. ‘Đã quá bảy giờ rồi mà tối nay chúng ta cần phải về sớm. Tôi quyết sẽ tìm trung tâm lưu trữ ấy vào ngày mai.’ Helen gật đầu và hai người chúng ta cùng sánh đôi bước về phía trung tâm phố cổ.

“Gần nhà trọ, chúng ta tìm được một nhà hàng, bên trong trang trí những chiếc bình đồng và lát đá mịn, một bàn ăn tại cửa sổ hình vòng cung ở mặt tiền, một khoảng trống không có kính che, ở đó Helen và cha có thể ngồi ngắm người qua lại trên con đường bên ngoài. Trong lúc chờ dọn bữa ăn tối, lần đầu tiên cha cảm thấy ngạc nhiên vì tính cách kỳ lạ mà cha chưa bao giờ nhận ra của thế giới phương Đông này: những người đang vội vã bước đi kia thực ra không vội vã, đơn giản, họ chỉ bước đi. Những gì trông có vẻ vội vã ở đây chỉ giống như một cuộc tản bộ ngẫu nhiên trên những lề đường của New York hay Washington. Cha nói với Helen nhận xét đó, cô bật cười chua chát. ‘Khi chẳng có việc gì có thể làm để ra tiền, chẳng ai vội vã làm gì,’ cô nói.

“Người hầu bàn mang đến cho bọn ta một khoanh bánh mì, một đĩa sữa chua có rải những lát dưa leo, và một bình thủy tinh trà thơm phức. Sau một ngày mệt nhọc, Helen và cha ăn rất ngon miệng và đang chuẩn bị chuyển sang món gà nướng bằng xiên gỗ thì một người đàn ông có một bờm tóc trắng xóa và bộ ria bạc, mặc bộ vest xám trang nhã, bước vào quán và đưa mắt nhìn quanh. Ông ta ngồi vào bàn gần chúng ta, đặt một cuốn sách xuống gần đĩa ăn. Bình thản gọi món ăn bằng tiếng Thổ, và có vẻ như cảm nhận được vẻ thích thú của chúng ta về bữa ăn, ông ta nghiêng người về phía chúng ta, nở một nụ cười thân thiện. ‘Tôi nhận ra các bạn có vẻ thích những món ăn của quê hương chúng tôi đấy,’ giọng tiếng Anh hơi nặng nhưng chuẩn xác.

“ ‘Vâng, chắc chắn rồi,’ cha đáp, ngạc nhiên. ‘Ngon tuyệt.’

“ ‘Xem nào,’ ông ta nói tiếp, quay gương mặt đẹp, ôn hậu về phía cha. ‘Các bạn không đến từ nước Anh. Người Mỹ phải không?

“ ‘Vâng,’ cha đáp. Helen im lặng, cắt thịt gà và cảnh giác liếc chừng người bạn mới này.

“ ‘À, vâng. Thật là dễ chịu. Các bạn đang tham quan thành phố xinh đẹp của chúng tôi đấy à?’

“ ‘Vâng, đúng vậy,’ cha đồng tình, và mong sao ít nhất Helen cũng tỏ ra thân thiện một chút; dù sao chăng nữa, thái độ thù địch có thể làm cho người ta nghi ngờ.

“ ‘Chào mừng các bạn đến với Istanbul,’ ông ta nói cùng với một nụ cười rất tươi, nâng chiếc cốc thủy tinh lên chúc mừng chúng ta. Cha nâng cốc đáp lại và gương mặt ông ta liền tươi cười rạng rỡ. ‘Xin thứ lỗi cho câu hỏi của một người xa lạ, nhưng các bạn thích gì nhất ở đây trong lần thăm viếng này?’

“ ‘À, quả thật là khó lựa chọn.’ Cha thích gương mặt của ông ta; không thể nào không trả lời thành thật được. ‘Tôi thấy ấn tượng nhất với sự pha trộn giữa phương Đông và phương Tây trong một thành phố.’

“ ‘Quả là một nhận xét thông minh, anh bạn trẻ à,’ ông ta nhã nhặn trả lời khi dùng một chiếc khăn ăn trắng lớn chùi nhẹ bộ ria. ‘Đối với chúng tôi, sự pha trộn này là một báu vật và cũng là một sự nguyền rủa. Tôi có những đồng nghiệp đã bỏ suốt cả cuộc đời để nghiên cứu về Istanbul, và họ cho biết không bao giờ có đủ thời gian để khám phá tất cả, mặc dầu họ luôn sống tại đây. Đây là một nơi chốn luôn làm cho người ta ngạc nhiên.’

“ ‘Xin lỗi, ông làm nghề gì?’ cha tò mò hỏi, mặc dù từ thái độ lặng im của Helen, cha có cảm giác cô sắp sửa đạp lên chân cha dưới bàn.

“ ‘Tôi là giáo sư ở đại học Istanbul,’ ông ta nói, vẫn bằng giọng đáng kính ấy.

“ ‘Ồ, thật là may mắn!’ cha buột miệng reo lên. ‘Chúng tôi…’ Ngay lúc đó Helen đạp lên chân cha. Cô mang giày cao gót, như mọi phụ nữ ở vào thời đó, gót giày khá nhọn. ‘Chúng tôi rất hân hạnh được gặp ông,’ cha nói nốt câu. ‘Ông dạy môn gì?’

“ ‘Chuyên môn của tôi là Shakespeare,’ ông bạn mới của bọn ta đáp rồi quay trở lại với món xa lát đặt trước mặt. ‘Tôi dạy văn học Anh cho những người giỏi nhất trong các nghiên cứu sinh. Họ là những sinh viên xuất sắc nhất. Tôi phải nói với các bạn như vậy.’

“ ‘Thật tuyệt vời,’ cha loay hoay đáp trả. ‘Tôi cũng là một nghiên cứu sinh, nhưng về lịch sử, tại Hoa Kỳ.’

“ ‘Một lĩnh vực rất hấp dẫn,’ ông ta nhận xét, vẻ trang trọng. ‘Ở Istanbul, anh sẽ thấy nhiều thứ khiến anh quan tâm. Tên trường anh theo học là gì?’

“Cha cho ông ta biết, trong lúc Helen vẫn lạnh lùng ăn nốt bữa ăn tối.

“ ‘Một trường đại học danh tiếng. Tôi có nghe tiếng,’ vị giáo sư nhận xét. Ông nhấp một ngụm trà và gõ gõ các ngón tay lên cuốn sách cạnh đĩa đồ ăn. ‘Mà này,’ cuối cùng ông lên tiếng. ‘Sao các vị không đến thăm trường đại học chúng tôi trong lúc đang ở Istanbul? Đây cũng là một trường đại học có uy tín, và tôi sẽ rất vui được hướng dẫn anh và cô vợ đáng mến của anh tham quan trường.’

“Cha nghe tiếng Helen khẽ khịt mũi, và vội vã đính chính hộ cô. ‘Em gái - em gái tôi.’

“ ‘Ồ, thành thật xin lỗi.’ Vị học giả chuyên về Shakespeare hướng về Helen, cúi đầu xuống như để xin lỗi. ‘Tôi là tiến sĩ Turgut Bora, hân hạnh được biết cô.’ Chúng ta tự giới thiệu - thực ra là cha giới thiệu, vì Helen kiên quyết không chịu mở miệng. Cha có thể nói là cô không thích cha sử dụng tên thật, vì vậy cha hấp tấp gọi cô là Smith, một màn ứng xử ngớ ngẩn càng khiến cô chau mày cau mặt thêm. Chúng ta lần lượt bắt tay nhau, và cha chẳng còn cách nào khác là mời ông ta sang ngồi cùng bàn.

“Ông ta từ chối chiếu lệ và chỉ một lát sau đã qua ngồi cùng bàn với chúng ta, mang theo đĩa xa lát và ly nước, ngay sau đó ông nâng ly lên. ‘Mừng các bạn đã đến với thành phố xinh đẹp của chúng tôi,’ ông ta lên giọng. ‘Cheerio! - Chúc mừng!’ Ngay cả Helen cũng phải khẽ mỉm cười, dù vẫn tiếp tục câm như hến. ‘Xin cô thứ lỗi cho sự thiếu thận trọng của tôi,’ Turgut ngỏ lời xin lỗi Helen, tựa như cảm nhận được thái độ đề phòng của cô. ‘Rất hiếm khi tôi có cơ hội tập nói tiếng Anh với người bản xứ.’ Ông ta vẫn chưa nhận ra Helen không phải là người bản xứ, cha nghĩ - mà có khi sẽ chẳng bao giờ nhận ra điều đó - vì cô có thể sẽ chẳng thốt ra với ông ta lời nào.

“ ‘Con đường nào đã dẫn ông theo con đường nghiên cứu về Shakespeare?’ cha hỏi khi chúng ta bắt đầu tiếp tục trở lại với bữa ăn.

“ ‘À!’ Turgut ôn tồn trả lời. ‘Đó là một câu chuyện kỳ lạ. Mẹ tôi là một phụ nữ rất khác thường - rất thông minh - một người rất say mê các ngôn ngữ, và cũng là một kỹ sư vóc dáng nhỏ bé lạ thường’ - có nổi tiếng không nhỉ? cha băn khoăn tự hỏi - ‘và trong khi theo học ở Đại học Rome, bà đã gặp cha tôi. Ông, một người thú vị, là một học giả về nước Ý thời Phục hưng, đặc biệt quan tâm tới…’

“Ngay ở đoạn hấp dẫn này, cuộc nói chuyện của bọn ta đột nhiên bị cắt ngang vì sự xuất hiện của một cô gái trẻ, từ ngoài đường nhòm vào qua khung cửa sổ hình vòng cung. Mặc dù chưa bao giờ nhìn thấy một người như vậy, ngoại trừ trong các bức hình, cha cho rằng cô là một người Gypsy; da cô màu sậm, nét mặt sắc cạnh, quần áo sáng màu lòe loẹt, mái tóc đen nhánh lòa xòa quanh cặp mắt huyền sắc lẹm. Có thể cô mười lăm hoặc cũng có thể là bốn mươi tuổi; không thể nào đoán được tuổi tác cô qua khuôn mặt gầy kia. Trong tay cô là những bó hoa vàng hoa đỏ, dường như cô muốn mời chúng ta mua chúng. Cô thảy vài cành hoa lên bàn chỗ cha ngồi, và cất tiếng hát một khúc chói tai mà cha không thể hiểu được. Helen trông có vẻ giận dữ còn Turgut thì khó chịu ra mặt, nhưng cô gái kia vẫn cứ trơ trơ. Cha rút ví ra định mua một bó hoa Thổ Nhĩ Kỳ tặng Helen - để mua vui thôi, dĩ nhiên - ả Gypsy đột nhiên quay phắt sang phía Helen, trỏ tay và rít lên. Turgut giật mình và Helen, bình thường chẳng biết sợ là gì, co rúm người lại.

“Việc này có vẻ làm cho Turgut nổi nóng; ông ta nhổm người lên và bắt đầu mắng ả Gypsy bằng một giọng phẫn nộ. Chẳng khó khăn gì để hiểu được ngữ điệu và cử chỉ của ông ta, rõ ràng ông ta muốn tống cổ ả đi bằng những lời đanh thép nhất. Ả nhìn chằm chằm vào bọn ta và đột ngột biến đi như khi xuất hiện, biến mất trong dòng khách bộ hành. Turgut ngồi xuống, giương mắt nhìn Helen, sau một lát ông lục tìm trong trong túi áo khoác, lấy ra một vật nhỏ, đặt xuống cạnh đĩa thức ăn của Helen. Đó là một hòn đá xanh dẹt, dài khoảng ba phân, hai màu trắng và xanh nhạt, trông giống một con mắt sống. Helen tái mặt khi nhìn thấy hòn đá và đưa ngón trỏ, tựa như bản năng, định chạm vào nó.

“ ‘Chuyện quái quỷ gì vậy?’ Cha không thể không cảm thấy bực mình khi trở thành kẻ ngoài cuộc về phương diện văn hóa như vậy.

“ ‘Cô ta nói gì vậy?’ Lần đầu tiên Helen lên tiếng với Turgut. ‘Cô ta nói tiếng Thổ hay tiếng Gypsy? Tôi chẳng hiểu gì cả.’

“Ông bạn mới của chúng ta tỏ ra ngần ngại, tựa như không muốn lặp lại lời nói của người phụ nữ kia. ‘Tiếng Thổ,’ ông ta thì thầm. ‘Tôi có thể nói với cô là chẳng hay ho gì. Những gì cô ta nói rất thô tục. Và kỳ lạ.’ Ông ta chăm chú nhìn Helen, với gì đó như một sự sợ hãi thoáng qua, cha nghĩ, trong đôi mắt nhân hậu của ông. ‘Cô ta sử dụng một từ mà tôi không muốn dịch ra,’ ông ta chậm rãi giải thích. ‘Còn sau đó, cô ta nói, “Cút khỏi đây, đồ con gái của lũ chó sói Rumani. Ngươi và lũ bạn bè ngươi mang theo lời nguyền rủa của ma cà rồng đến thành phố chúng ta.” ’

“Mặt Helen trắng bệch, và cha phải ngăn mình không nắm lấy tay cô. ‘Chỉ là một sự trùng hợp thôi,’ cha nhẹ nhàng an ủi, cô trừng mắt nhìn cha; cha đã nói quá nhiều trước mặt ông giáo sư.

“Turgut hết nhìn cha lại nhìn Helen. ‘Việc này quả thật rất kỳ lạ, những người bạn tử tế của tôi ạ,’ ông ta nói. ‘Tôi nghĩ chúng ta phải thảo luận thêm, không thể chần chừ được.’ ”

Tôi gần như ngủ gật trên ghế xe lửa, dù câu chuyện của cha vô cùng hấp dẫn với tôi; việc đọc hết tất cả các lá thư trong một lần đã khiến tôi thức suốt đêm, mệt lử. Một cảm giác hư ảo bao trùm lấy tôi, trong cabin tàu ngập tràn ánh nắng, tôi quay ra cửa sổ, nhìn những trang trại Hà Lan ngăn nắp vụt qua. Khi đến gần hoặc ra khỏi từng thị trấn, đoàn tàu lại cành cạch băng qua hàng loạt những vườn rau nhỏ bé, đang xanh mượt trở lại dưới bầu trời đầy mây, những khu vườn sân sau của hàng ngàn con người đang chăm nom công việc làm ăn của chính mình, nhà họ quay lưng về phía đường sắt. Những cánh đồng xanh mướt, một màu xanh bắt đầu, tại Hà Lan, vào đầu xuân và kéo dài cho đến tận khi tuyết rơi, được nuôi dưỡng bằng hơi ẩm của trời và đất, và bằng nước, lấp lánh ở mọi hướng nhìn. Chúng tôi đã bỏ lại phía sau một vùng mênh mông những dòng kênh cùng những cây cầu để lọt vào giữa đàn bò trên những cánh đồng cỏ được quy hoạch gọn gàng. Một cặp vợ chồng già đáng kính đang lững thững đạp xe theo con đường cạnh bên chúng tôi, chỉ lát sau đã biến mất tựa như đã bị những đồng cỏ đang hiện ra mỗi lúc một nhiều ấy nuốt chửng. Chẳng bao lâu, chúng tôi đã đến Bỉ, một đất nước tôi biết rõ, nhờ kinh nghiệm bản thân, rằng nếu chỉ ngủ quên một giấc ngắn thôi ta cũng có thể đi qua nó mà hoàn toàn không biết.

Tôi giữ chặt những lá thư trong lòng, nhưng hai mí mắt đã bắt đầu sụp xuống. Người phụ nữ có khuôn mặt dễ chịu trong ghế đối diện cũng đã ngủ gà ngủ gật, tạp chí vẫn cầm trong tay. Hai mắt tôi chỉ vừa mới khép lại thì cánh cửa cabin đột nhiên bật mở. Một giọng nói cáu kỉnh vang lên rồi một dáng người lêu nghêu chen vào giữa tôi và giấc mơ ban ngày của tôi. “Giỏi nhỉ! Biết ngay mà. Anh đã sục hết cả đoàn tàu để tìm em đấy.” Đó là Barley, anh đưa tay lên lau trán rồi quắc mắt nhìn tôi.

Chú thích:

1. Hiện là sân bay Quốc tế John F. Kennedy, New York (BT).

2. Tên đầy đủ ban đầu của nhà thờ này trong tiếng Hy Lạp có nghĩa là Nhà thờ Thánh trí của Chúa (The Church of HolyWisom of God). Santa Sophia hay Saint Sophia là cách gọi theo âm Latin của chữ Thánh trí (Holy Wisdom) trong tiếng Hy Lạp chứ không phải để chỉ một vị thánh tên là Sophia nào cả (BT).

3. Bosphorus: con kênh dài 32 km nối thông Biển Đen và Biển Marmara, phân cách giữa phần châu Âu và châu Á của Thổ Nhĩ Kỳ.