Mùi hương trầm - Phần II - Chương 01 - 02 - 03

PHẦN THỨ HAI: ẤN ÐỘ SUỐI NGUỒN THIÊNG LIÊNG

BIHAR, VÙNG ĐẤT THÁNH

Ngày nay Ấn Độ là một quốc gia thống nhất với 25 tiểu bang và 800 triệu dân. Trong số các tiểu bang thì Bihar là một vùng đất đặc biệt nằm phía Đông Bắc Ấn Độ với thủ phủ là Patna. Bihar rộng khoảng nửa nước Việt Nam và với một số dân khoảng 90 triệu người, tiểu bang này có mật độ dân cư rất cao.

Bihar được xem là vùng đất thánh của Ấn Độ không phải chỉ vì có sông Hằng chảy qua. Đó là một vùng đất lạ lùng vì nó là nơi sản sinh và hoạt động của nhiều thánh nhân vĩ đại của Ấn Độ. Cách đây hơn 25 thế kỷ, đây là cũng là vùng hoạt động chính của Phật Thích-ca. Tại Bihar ngày xưa trong thế kỷ thứ hai sau công nguyên đã thành hình viện Phật học Na-lan-đà. Đây là nơi các vị luận sư nổi tiếng như Long Thụ, Trần Na giảng dạy, là nơi các vị tổ thiền Ấn độ lưu trú, là chỗ đón tiếp những khách hành hương đến học tập như Pháp Hiển, Huyền Trang. Bihar cũng là quê hương của rất nhiều vị Đại thành tựu giả [1], đó là những vị có chung một đặc điểm là trong một đời người mà giác ngộ giải thoát sau khi trải qua nhiều cuộc khủng hoảng.

[1] Mahasiddha, sống trong khoảng từ thế kỷ thứ tám đến thứ mười hai tại Ấn Độ. Huyền sử ghi lại 84 vị Đại thành tựu giả, xem Dowman Keith, Master of Mahamudra. Song and histories of the Eightyfour buddhist Siddhas, New York, 1985

Những vị đó là những thánh nhân kỳ dị mới đầu mang đầy ô nhiễm của thế nhân, nhưng cuối cùng lại biến dục lạc thành phương tiện giác ngộ. Đó là những du già sư xuất hiện cuối cùng trước khi đạo Phật diệt vong tại Ấn Độ. Trong các vị này có một kẻ mang tên Ti-lô-pa, đây là vị tổ đầu tiên của phái Ca-nhĩ-cư của Tây Tạng [2]. Ngày nay người ta còn nhắc tới Tan-tê-pa, người mê đánh bạc, chỉ cần quán “thế giới cũng rỗng như túi tiền của mình” mà ngộ Tính Không. Hay Kan-ka-ri-pa, kẻ say đắm nữ sắc, người được dạy hãy quán nữ nhân của mình là thần Không hành nữ [3] và nhận ra “mọi sắc thể đều do tự tính biến hiện”. Họ làm ta nhớ đến Từ Đạo Hạnh của Việt Nam trong thế kỷ 12, trong một đời mà từ bỏ hắc đạo để “làm Phật làm tiên” [4].

 [2] Xem chương “Con trâu điên” trong phần thứ tư

 [3] Dakini, các vị nữ thần thường được nhắc đến trong Kim Cương Thừa, xuất hiện để bảo vệ giáo pháp.

 [4] Trích câu kệ về Từ Đạo Hạnh

Vì thế Bihar có một lịch sử của hai ngàn năm trăm năm. Ngày Phật còn tại thế thì phía nam sông Hằng của vùng này là một tiểu quốc tên gọi là Ma-kiệt-đà, tại phía bắc là nước Kiều-tát-la [5]. Thời đó vua của Ma-kiệt-đà là Tần-bà-sa-la và kinh thành của ông là Vương Xá, thị trấn này ngày nay có tên là Rajgir. Như đã nói trong phần trước, ông chẳng may có người con trai ngỗ nghịch là A-xà-thế. A-xà-thế giam cha mẹ vào ngục, bỏ đói đến chết, giành ngôi vua và dời đô lên phía bắc Vương Xá, đến Hoa Thị Thành [6], nằm trên bờ nam sông Hằng. Hoa Thị Thành phồn vinh suốt cả ngàn năm, ngày nay có tên là Patna. Patna chính là thủ phủ của tiểu bang Bihar, có sân bay nội địa.

 [5] Kosala

 [6] Pataliputra

Trở lại chuyện ngày xưa thì sau đời A-xà-thế là một triều đại phồn vinh có tên là Maurya [7] lên ngôi, với sự lãnh đạo của nhà vua Chandragupta. Ông lấy Hoa Thị Thành làm kinh đô, thống nhất các vương hầu làm thành một thế lực hùng mạnh. Hồi đó là thế kỷ thứ ba trước công nguyên mà Chandragupta đã bắt đầu liên lạc với các nhà vua Hy lạp. Thế nhưng lúc đó cũng chưa phải là giai đoạn vàng son vì lịch sử phải đợi đến một người cháu của Chandragupta tên gọi là A-dục (Ashoka) mới lên đến tột đỉnh.

 [7] Trị vì từ 324 đến 185 trước công nguyên

A-dục trị nước từ năm 269-232 trước công nguyên và vương quốc của ông hùng hậu chưa từng thấy, trải dài từ Kashmir phía bắc đến Mysore miền nam, từ Bangladesh đến Afganistan ngày nay, hầu như toàn bộ nước Ấn Độ mênh mông bây giờ. Nhưng quyền lực bao giờ cũng phải được trả giá bằng xương máu, nhất là thời phong kiến của A-dục. Ngày nọ trên một bãi chiến trường đẫm máu, ông động tâm sâu sắc, thề không nhúng tay vào chinh chiến nữa. Ông tìm nơi Phật Thích-ca là người thầy của mình, cho xây dựng trong vương quốc của mình khoảng 30 trụ đá [8], 18 tấm thạch bích ghi lại những lời giáo hóa và tán thán về đức Phật mà ngày nay người ta còn tìm thấy tại Bihar, Orissa, Delhi, Sarnath.

 [8] Ngày nay chỉ còn khoảng 10 trụ

A-dục cho nhiều sứ giả mang kinh sách, tranh tương đi khắp nơi các vùng Đông Á để truyền bá đạo Phật. Huyền sử chép rằng ông có làm quà cho Trung Quốc một bức tượng của Phật Thích-ca, bức tượng đó ngày nay được thờ tại Lhasa Tây Tạng, bức tượng “biết nói”, được xem như thiêng liêng nhất của Tây Tạng [9]. Con trai của A-dục là Mahendra về sau thành tăng sĩ, người đã mang giáo pháp qua Tích Lan. Tiện đường, Mahendra cũng mang một nhánh con của cây Bồ-đề, chỗ Phật thành đạo qua Tích Lan trồng và ngày nay còn xanh tốt. Trụ đá mang đầu sư tử của A-dục cho xây dựng ngày nay là quốc huy của nước Ấn Độ.

 [9] Xem chương “Đền Jokhang” trong phần thứ tư

Sau khi vua A-dục chết năm 232, vương triều Maurya sớm suy tàn, nước Ấn Độ lại chia năm xẻ bảy ra nhiều tiểu quốc và suốt 2000 năm sau đó, cho tới lúc người Anh chiếm nước này làm thuộc địa, không có một vương quốc nào trên bán đảo này mà sự hùng mạnh có thể so sánh với thời kỳ A-dục. Khoảng sáu trăm năm sau A-dục, tức trong thế kỷ thứ 4 sau công nguyên là thời đại Gupta. Gupta cũng là một triều đại rực rỡ của Ấn Độ về văn hóa, triết học và toán học. Thế nhưng triều đại Gupta không kéo dài hơn 200 năm. Khoảng thế kỷ thứ 7, một tôn giáo khác ra đời, đó là Hồi giáo.

Sau khi nhà sáng lập Hồi giáo là Mohammed chết năm 632, đạo Hồi lan đến Ấn Độ năm 712 và bắt rễ tại đây, đồng thời mối tranh chấp giữa Hồi giáo và Ấn Độ giáo bắt đầu nảy sinh. Trong những cuộc thánh chiến giữa Hồi giáo và Ấn Độ giáo sau đó, đạo Phật cũng bị suy yếu nặng nề, thế lực của Hồi giáo cũng lan tràn đến Bihar và vùng đất thiêng liêng này là kẻ chứng kiến biết bao thảm họa do lòng tin tôn giáo mù quáng gây ra. Ngày nay trên bán đảo Ấn Độ mênh mông, đạo Phật xem như đã diệt vong, chỉ còn Ấn Độ giáo và Hồi giáo. Giữa hai tôn giáo đó là một sự tranh chấp sâu xa, khi âm ỉ, khi bùng nổ, nhưng nó luôn luôn hiện diện từ những bình diện chính trị cao nhất đến đời sống bình thường của nhân dân.

Tuy có một quá khứ huy hoàng nhưng Bihar ngày nay là một tiểu bang nghèo. Hoa Thị Thành hay Patna là cố đô của một thời chói lọi, lại là điểm xuất phát để đi thăm nhiều thánh tích. Vì thế tôi lấy máy bay từ Delhi đi Patna.

ĐI DỌC SÔNG HẰNG

Hãy ra khỏi Delhi, rời bỏ các lâu đài tráng lệ, các vùng nghỉ mát danh tiếng để tìm hiểu kỹ hơn nước Ấn Độ. Tôi đã đi nhiều nơi trên thế giới, giàu nghèo khác nhau nhưng chưa thấy nước nào kỳ lạ, đầy những ấn tượng trái ngược như Ấn Độ. Ta không thể nào hiểu được nước này, không thể mô tả nó. Nhà văn Mỹ Mark Twain, người có nhiều nhận xét sâu sắc hóm hỉnh, thăm Ấn Độ năm 1896, viết về xứ này như sau: “Mỗi khi bạn nghĩ là mình đã tìm hiểu hết những tính cách lạ lùng của nước này và muốn cho nó một danh hiệu nào đó...xứ sở của dịch hạch, xứ sở của nghèo đói, xứ sở của những ảo giác khủng khiếp, xứ sở của những ngọn núi ngất trời...vân vân, thì lại sớm hiện ra những tính cách mới và bạn thấy cần những danh hiệu mới”. Cuối cùng Mark Twain thấy hay nhất là vứt bỏ mọi danh hiệu và đặt tên Ấn Độ là “xứ sở của sự kỳ diệu”.

Đây là nơi mà ta phải ngắm Taj Mahal lúc nửa đêm, nhìn cái nghèo đói lúc ban ngày, nếm cái bụi bặm của những làng quê buồn tẻ, đi lạc trong màu sắc rực rỡ và tiếng ồn ào của các basar, nhìn những đàn bò và khỉ sống chung với con người, xem những đám rước tôn giáo mê say quên mình. Đây là nơi mà thiên nhiên cho dấu ấn một cách sắc nét nhất với những con sông, những ngọn núi, với sức nóng tàn khốc và những cơn bão kinh người.

Đây là một quốc gia thuộc về 15 nước công nghiệp hàng đầu trên thế giới nhưng 70% dân chúng vẫn cày cấy với dụng cụ thô sơ của cha ông để lại và sống bên bờ của sự thiếu ăn. Tại Ấn Độ, trong một nhà máy có thể người ta đang sản xuất bom nguyên tử và tên lửa liên lục địa nhưng ngoài nhà máy vẫn là nơi sửa xe bò theo cách của thời A-dục vương để lại. Trí thức Ấn Độ có thể là những triết gia nhất nhì thế giới, là các nhà khoa học xuất sắc được nhiều nước tranh nhau mời về nghiên cứu, họ sống bên cạnh 60% dân chúng mù chữ. Phú gia Ấn Độ rất nhiều và cũng rất giàu có, của cải của họ không ai biết hết được, dưới mái hiên cung điện của họ là những tu sĩ thiếu cả áo quần che thân ngồi đợi mặt trời mọc để hành trì phép du-già.

Tiểu bang Bihar là một vùng có nhiều tu sĩ như thế. Patna, thủ phủ của Bihar, cách Delhi khoảng 800km đường chim bay về hướng đông nam. Máy bay hầu như bay dọc theo dòng chảy của sông Hằng trên địa phận tiểu bang Uttar Pradesh.

Uttar Pradesh là một dãy bình nguyên nằm kề sát chân Hy-mã lạp sơn. Đây là một vùng thấp nhưng ít nước khó canh tác, chỉ một phần ba đất trồng trọt có các hệ thống tưới tiêu lấy nước từ sông Hằng. Vì thế từ xưa đến nay Uttar Pradesh là một vùng nghèo. Thế nhưng đây là đường trực tiếp nhất đi từ vùng rẻo cao Simla về Bihar nên chính vùng này là đường mà ngày xưa Huyền Trang đã đi hành hương. Đây là dịp đọc lại [10] và tìm hiểu lộ trình của ông trong thế kỷ thứ 7.

 [10] Tác phẩm đáng chú ý nhất là ”Sur les traces du Bouddha”, Paris 1929 của R.Grousset (1885-1952], nguyên là giám đốc bảo tàng viện Guimet tại Paris và hội viên viện Hàn Lâm Pháp. Nhiều tư liệu trong sách này được trích từ tác phẩm này

Máy bay đi qua địa phận của hạt Bijnor nằm trên tả ngạn sông Hằng, đó là nơi mà Huyền Trang lưu lại trong mùa xuân và hè năm 635 để nghiên cứu kinh sách của phái tiểu thừa Nhất thiết hữu bộ [11], một bằng chứng về tính bác học của ông, mặc dù hồi đó lòng ông đã hướng hẳn về phía đại thừa. Đi thêm một đoạn sông Hằng nữa là thủ phủ Kannauj mà ngày Huyền Trang đến là một thành phố hết sức phồn vinh, là kinh thành của một nhà vua rất mộ đạo Phật tên gọi là Harsavardhana, trị vì từ năm 606 đến 647. Cũng trong vùng trung lưu sông Hằng này, Huyền Trang đến tiểu quốc Ayodhya, quê hương của hai nhà sáng lập phái Duy thức là anh em Vô Trước [12] và Thế Thân [13], sống trước ông khoảng hai trăm năm.

 [11] Sarvastivada

 [12] Asanga, thế kỷ thứ 4, đại luận sư của Phật giáo, người sáng lập Duy thức tông

 [13] Vasubandhu, khoảng 316-396, mới đầu là luận sư của Nhất thiết hữu bộ, về sau của Duy thức tông, là tổ thứ 21 của Thiền tông Ấn Độ

Huyền sử chép rằng Ayodhya là nơi mà Vô Trước mời Bồ-tát Di-lặc hạ giới giáo hóa. Suốt bốn tháng liền, Vô Trước cứ ban đêm thì nghe Di-lặc giảng, ban ngày thì giảng lại cho đại chúng. Di-lặc được xem là tác giả của bộ “Du già sư địa”, bộ luận mà Huyền Trang là người dịch ra chữ Hán. Huyền Trang đến thăm lại tu viện nằm trong một vườn xoài, nơi mà Vô Trước giảng cho em là Thế Thân ngộ lý Duy thức. Sau khi đại ngộ, Thế Thân định rút dao cắt lưỡi vì từ xưa đến nay ông luôn luôn phát biểu chống Duy thức nhưng lại Vô Trước lại là người cứu em khỏi câm. Ayodhya là quê hương tâm linh của Huyền Trang vì ông chính là người đem phái Duy thức về Trung Quốc dưới tên Pháp tướng tông.

Sau một giờ bay, máy bay ở khoảng vị trí Allahabad, chỗ giao lưu của sông Hằng và sông Yamugar, đó cũng là nơi Huyền Trang thoát chết một cách huyền bí. Ông bị một nhóm giặc cướp bắt và bị lấy hết hành lý. Thế nhưng chẳng may cho ông là nhóm giặc này đang tìm giết một chàng trai khôi ngô tuấn tú để tế cho nữ thần Durga mà Huyền Trang thì quá đẹp trai. Ở đây xem ra chuyện Tây Du ký của Ngô Thừa Aân nói về Đường Tăng bị yêu quái mê mẩn không phải hoàn toàn bịa đặt.

Sau khi thuyết phục giặc cướp không xong và thấy chúng đang mài dao kiếm, Huyền Trang thấy mình đã tới số, ông ung dung xin họ chút thời gian để cầu đức Di-lặc đưa mình về trời Đâu-suất nghe pháp. Lúc linh ảnh của Di-lặc xuất hiện trong tâm của Huyền Trang thì cũng là lúc đá chạy cát bay. Giặc cướp hoảng hồn hỏi gia nhân ông về tung tích nhà sư này. Gia nhân kể cho họ nghe ông là một tu sĩ Trung Quốc qua Ấn Độ hành hương và thỉnh kinh. Và khi Huyền Trang mở mắt ra chịu chết thì giặc cướp đã phủ phục dưới chân ông.

Sau Allahabad, lẽ ra Huyền Trang phải thuận đường thủy tiếp tục đi theo sông Hằng về hướng đông đến Lộc Uyển, chỗ đức Phật chuyển pháp luân nhưng không hiểu tại sao ông đổi hướng, đi ngược lên hướng bắc tìm đến quê hương của Ngài. Có lẽ qua biến cố vừa rồi, ông thấy chuyến đi quá hiểm nguy, phải đến đảnh lễ chỗ Phật đản sinh tại Lâm-tì-ni để phòng trước đời mình có ngắn ngủi. Lúc đó Huyền Trang không biết rằng mình còn sống 30 năm nữa.

Còn tôi, kẻ hậu sinh sống thêm mấy đời cũng không làm nổi học trò ông, thì ngồi máy bay đi tiếp về Hoa Thị Thành. Ôi, xấu hổ làm sao khi thấy nghị lực và trí tuệ của người xưa. Ngày nay người đi hành hương quá dễ, quá khỏe, quá tiện nghi. Nếu ngày xưa con người phải đổi mạng để lấy kinh sách và để được cảm khái đến gần dấu chân thánh nhân thì ngày nay chỉ cần một cú điện thoại là có chỗ mà ở, có xe mà đi. Ngày nay chỉ cần bấm một cái nút là kinh sách hiện lên trên màn hình, thêm một cái nút nữa là in ra hàng loạt. Nhớ lại ngày xưa, có người cả đời chỉ khắc được một câu kinh, còn nay ai muốn có thiên kinh vạn quyển đều được.

Thế nhưng ngày nay xem ra không mấy ai minh triết hơn người thời xưa vì con người hình như không còn ai muốn đọc, muốn suy ngẫm về kinh sách ngày xưa. Khó hơn thế nữa, trong tâm thức tôn giáo, dù có biết nhiều hiểu rộng, biết tán tụng suy luận, chúng cũng không mang lại gì cả trên đường tìm kiếm. Chúng đều là những ngọn gió tri thức chỉ tạo thêm mây mù che ánh sáng của giác ngộ. Điều mà hành giả cần có phải chăng là “bồ-đề tâm”, điều mà Phật giáo Tây Tạng vô cùng coi trọng. Có bồ-đề tâm thì một câu kinh cũng đủ, không có thì thiên kinh vạn quyển cũng vô ích. Tìm hiểu bước đường lữ khách của Huyền Trang không phải là tò mò xem ông đi đến đâu mà để cảm khái tâm bồ-đề kiên cố của ông. Và nhờ thế mà ta biết mừng vui cho những người đem cả đời ra để tạc một bức tượng, khắc một câu kinh. Những tác phẩm đó đều là gỗ đá nhưng chúng là phương tiện để bồ-đề tâm được thể hiện.

HOA THỊ THÀNH

Ra khỏi máy bay cảm giác đầu tiên của tôi là thấy hơi nóng khủng khiếp tràn đến. Tôi nhủ thầm: “Đức Phật ngày xưa phải chịu cái nóng này sao”. Sân bay Patna làm tôi nhớ đến sân bay Quy Nhơn, nó có cái nhỏ của loại sân bay làng, hành khách đi bộ dưới cánh máy bay vào ga lãnh hành lý. Trên đường đi bộ tôi cũng đi ngang những đoạn sân bê-tông có lót loại lưới sắt của quân Mỹ hồi xưa như ở sân bay Quy Nhơn mà lúc tôi đến vẫn còn. Patna là nơi đầu tiên tôi đến sau Delhi, dù đoán trước, tôi cũng phải ngỡ ngàng về sự nghèo nàn và luộm thuộm của xứ Ấn Độ. Tới đây tôi mới nếm cái nóng Ấn Độ, Delhi là miền ôn đới nằm phía bắc gần Hy-mã lạp sơn thì khác hẳn. Ra khỏi sân bay Patna, quang cảnh hiện ra với tôi đúng là miền nhiệt đới châu Á, với các loại cây như cây me, liễu, chuối hay cau của chúng ta.

Patna hay Hoa Thị Thành là đây, đây là nơi A-dục vương triệu tập hội nghị kết tập lần thứ ba khi ông đã trị vì toàn nước Ấn Độ. Thấy Patna, tôi thất vọng tự nhủ, cố đô của A-dục vương ngày nay như thế này sao? Không thể được!

Đó là một thành phố nằm trên bờ nam sông Hằng, dơ bẩn và buồn tẻ. Tôi ngẩn ngơ đi xích lô trong thành phố, để cho ấn tượng tự kéo đến, ấn tượng của kinh thành nhà vua A-dục mà tôi yêu mến. Tới đây tôi mới biết Delhi là quá sang trọng, quá sạch sẽ. Sông Hằng gần Delhi cũng sang trọng hơn sông Hằng của Patna. Những người giàu có kiêu ngạo họ sống ở Delhi hay những nơi nghỉ mát như Simla cả, họ đâu cần đến đây xây cất nhà cửa. Còn nhà nước Ấn Độ xem ra quá tải với những vấn đề của dân số đặt ra, họ đâu có kinh phí để sửa chữa xây dựng. Khi tôi đến, trời đã về chiều, thành phố với một triệu rưỡi dân này gây một cảm giác buồn bã. Thật ra quy mô thủ phủ này rất lớn, xứng đáng là kinh thành của Ma-kiệt-đà một thời hiển hách, đô thị có một bề dài chừng 10 cây số. Ngày nay ánh sáng vương giả đã tắt.

Nhưng Hoa Thị Thành, nơi đây bao nhiêu thánh nhân đã sống, là kinh đô của triều đại Maurya và Gupta, tại sao hiếm có những di tích văn hóa? A-dục vương cho xây cất biết bao công trình trên toàn xứ Ấn Độ nhưng ngày nay Hoa Thị Thành sao chỉ có những di tích tầm thường như một cái tháp bán cầu tên là Golghar cao 30 mét chứa thóc gạo phòng đói kém của một người Anh tên là John Garstin xây năm 1786 mà người ta giới thiệu với du khách?

Tôi nhớ rằng, trước công nguyên xứ sở hùng mạnh của nhà vua Chandragupta của nước Ma-kiệt-đà này đã từng liên hệ với “phương tây”. Phương tây ở đây tức là Hy Lạp mà đại sứ nước này tại Ấn Độ là một vị tên gọi là Megathenes. Magathenes kể lại nhiều giai thoại về thư từ qua lại giữa Ấn Độ và Hy Lạp thuở đó. Theo đó, vua Ấn Độ Bindusara (con của Chandragupta) yêu cầu vua Hy Lạp gửi rượu ngon và nho khô, đồng thời một ít sách vở về “triết học”. Hy Lạp cũng là một quê hương vĩ đại về triết học của loài người.

Vua Hy Lạp Antiochus trả lời là rượu và nho thì đang gửi nhưng triết lý thì không ai “cho không biếu không”. Chúng ta biết thời đó tại Ấn Độ, triết học và văn hóa rất phát triển tại Hoa Thị Thành và hẳn Bindusara muốn so sánh học thuật nước mình với nước ngoài. Người kế vị Bindusara chính là vua A-dục và vị này, sau một thời kỳ chinh chiến, lấy triết lý Phật giáo làm chủ đạo, nhưng đồng thời hết sức tôn trọng các tôn giáo khác. Đó là một điều rất mới lạ trong lịch sử tôn giáo Ấn Độ.

Megathenes cũng viết về Hoa Thị Thành trong tác phẩm “Indika”, rằng đây là một thành phố phồn vinh với 570 tháp và 64 cổng thành. Tất cả những công trình đó nay ở đâu? Người ta kể tôi nghe rằng năm 750 có một đại hồng thủy và tất cả đều bị hủy diệt, nay chỉ còn nền đá. Thì ra Hằng hà đã nổi giận thật sự và có lẽ biến cố đó đã làm dịu con sông thiêng. Ngày nay ra bến sông Hằng ta thấy nó êm dịu như mặt hồ.

Thực tế lịch sử chưa hẳn như vậy. Huyền Trang đã đến đây khoảng năm 639 và theo lời kể của ông thì lúc đó thành phố này đã suy tàn. Sau A-dục vương thì Hoa Thị Thành còn là cố đô Ấn Độ cho đến thế kỷ thứ tư dưới triều đại Gupta [14] và sau đó chìm vào bóng tối. Khi Huyền Trang đến thì ông chỉ còn tìm thấy hai ba tu viện của hàng trăm ngôi đền ngày trước. Nơi đây Huyền Trang đến bờ sông Hằng, thăm lại một tảng đá cũ, đây là nơi Phật Thích-ca lúc đó đã tám mươi tuổi nhìn lại kinh thành lần cuối trước khi qua bờ bắc để về Câu-thi-na, nơi Ngài nhập diệt. Huyền Trang viết: ”Ở bờ nam con sông, đứng trên một tảng đá lớn hình vuông, Ngài nhìn A-nan một cách trìu mến và nói: ‘Đây là lần cuối mà ta nhìn ngắm ngai vàng và kinh thành’”.

 [14] Trị vì từ 320 đến 499

Tôi đi tìm lại tảng đá nhưng ngày nay không còn ai biết đến nó. Bờ nam sông Hằng giờ đây lầy lội bùn đen và vẫn là chỗ thiêu xác như mấy ngàn năm trước. Nếu phải tìm một thành phố cổ, ngày xưa là một kinh đô cường thịnh, ngày nay đã rơi vào bóng tối của nghèo nàn và quên lãng, biểu tượng cho tính vô thường của mọi sự thì đó phải là Hoa Thị Thành.

Điều gì làm Hoa Thị Thành sớm bị hủy diệt, khác với các trung tâm văn hóa nằm gần đó, cũng trong tiểu bang Bihar? Tôi cho rằng Hoa Thị Thành là kinh thành vua chúa, nó có đặc trưng của một kinh đô chính trị của A-xà-thế dựng nên, khác hẳn với những công trình văn hóa. Và không có gì chóng tàn bằng những chế độ chính trị vì chúng là đối tượng của sự hủy diệt. Chỉ năm mươi năm sau khi vua A-dục chết, triều đại hùng hậu này đã suy tận.

Chính trị có cái đặc biệt dễ làm say lòng người là khi nó cường thịnh thì ai cũng tưởng nó thiên thu vĩnh viễn, thế nhưng nó ngầm chứa cái mầm bội phản của phe phái và khi hết thời thì nó suy tàn rất nhanh, như nhà xây trên cát. Lịch sử thế giới, kể cả lịch sử mười năm trở lại đây, luôn luôn nhắc lại điều này nhưng con người vốn chóng quên và dễ say mê, họ luôn luôn lao vào chính trị và học lại cái bài học đó. Và cũng đừng nghĩ là chính trị chỉ nằm trong chính trường, nó cũng có thể nằm trong các tu viện mà vì lẽ đó Tây Tạng ngày nay đang chịu thảm họa. Vì là thuần túy kinh đô chính trị, Hoa Thị Thành ngày nay không còn gì. Nếu không bị thiên tai năm 750 thì nó cũng sẽ bị tín đồ Hồi giáo phá hoại vài thế kỷ sau đó.

Tôi ngồi xích lô cho xe chạy quanh thành phố, từ những ngõ ngách trong nội thành đến bờ sông Hằng, nơi cúng tế và thiêu xác. Một niềm hoài vọng tràn ngập tâm tôi. Những con đường nhỏ hẹp này hẳn đã ghi dấu biết bao nhiêu người của mấy trăm thế hệ. Nó là nơi trị vì của vua chúa cũng như chỗ lui tới của những thánh nhân. Trên bước đường đi trong đô thị này với số tuổi khả kính của hơn 2500 năm, ta có thể nghĩ ngày xưa biết đâu đây là nơi mà Phật và đoàn tăng già đã đi qua, các vị du già sư ngồi thiền định, các vị đại thành tựu giả làm nghề thợ may, thợ giày, thợ giặt… như sách vở kể lại. Ngoài những điều đó ra thì Hoa Thị Thành ngày nay chỉ là trạm nghỉ chân cho khách hành hương đi thăm những thánh địa gần đó và là điểm xuất phát đường bộ cho lữ khách đi Kathmandu, thủ đô Nepal.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3