Anne tóc đỏ dưới mái nhà Bạch Dương - Chương 11 - 12

Chương 11 (Trích từ thư gửi cho Gilbert hai tuần sau đó.)

Tin Esme Taylor đính hôn với tiến sĩ Lennox Carter được công bố. Dựa vào những dữ kiện thu thập được từ nhiều mẩu chuyện ngồi lê đôi mách ở địa phương, em cho rằng vào đêm thứ Sáu định mệnh ấy, anh ta quyết định rằng mình phải bảo vệ cô nàng khỏi ông bố, gia đình... và có lẽ khỏi những người bạn của cô nàng nữa! Hoàn cảnh của cô nàng rõ ràng đã khơi gợi lòng nghĩa hiệp của anh ta. Trix nằng nặc cho rằng em xe duyên cho bọn họ, có lẽ em có giúp một tay thật, nhưng em không cho rằng mình muốn lặp lại thí nghiệm thế này thêm lần nào nữa. Nó hệt như là tay không bắt cọp vậy.

Em thực sự không biết lúc đó cái gì đã nhập vào em nữa, Gilbert ạ. Chắc là chút tàn tích sót lại từ nỗi căm ghét bất cứ thứ gì dính dáng đến chủ nghĩa Pringle thuở xưa. Giờ thì nó quả thật quá xa xưa rồi. Em gần như quên bẵng đi mất. Nhưng những người khác vẫn không thôi thắc mắc. Em nghe cô Valentine Courtaloe bảo rằng chẳng có gì ngạc nhiên khi em thu phục được gia tộc Pringle, bởi em có ‘phong cách riêng biệt’; còn bà vợ mục sư thì nghĩ rằng đó là nhờ những lời cầu nguyện của bà ấy. Ôi dào, không chừng có thể là thật lắm.

Jen Pringle và em đi chung một quãng đường về nhà sau giờ học, và trò chuyện về ‘tàu biển, giày dép và xi gắn’[1]... về hầu hết mọi chuyện ngoại trừ môn hình học. Chúng em tránh xa chủ đề đó. Jen biết em không mấy giỏi giang trong môn hình học, nhưng chút kiến thức ít ỏi về thuyền trưởng Myrom đã cân bằng lại điều đó. Em cho Jen mượn quyển Sách thánh tử đạo [2]. Em ghét phải cho mượn quyển sách mà em yêu mến... dường như nó không bao giờ được như xưa khi quay lại với em... nhưng em yêu quyển Thánh tử đạo này chỉ vì nó là một phần thưởng của lớp giáo lý do bà Allan yêu dấu tặng em nhiều năm về trước. Em không thích đọc về các thánh tử đạo vì họ luôn luôn làm cho em cảm thấy mình thật hèn mọn và hổ thẹn... hổ thẹn khi phải thừa nhận rằng em ghét bò ra khỏi giường vào những buổi sáng giá rét và run bắn người trước mỗi chuyến đi khám răng!

[1] Trích từ bài thơ “Con hải mã và người thợ mộc” trong tác phẩm Alice ở xứ sở trong gương của Lewis Carroll.

[2] Tác phẩm cổ điển của đạo Tin Lành do John Foxe viết dựa theo niên biểu các vụ bách hại “các thánh” dưới tay những người theo Giáo hoàng.

Ôi chao, em mừng vì Esme và Trix đều đã được hạnh phúc. Kể từ khi mối tình lãng mạn nhỏ bé của em nở hoa, em đặc biệt quan tâm đến chuyện tình cảm của những người khác. Mối quan tâm đầy thiện ý, anh biết mà. Không tò mò hay ghen tị, chỉ vui sướng khi quanh mình vẫn có rất nhiều hạnh phúc đang lan tỏa.

Tháng Hai vẫn còn đây và ‘trên mái tu viện ánh tuyết rọi ánh trăng’[3]… chỉ có điều rằng đây không phải tu viện... mà là mái của kho thóc nhà ông Haminton. Nhưng em bắt đầu nghĩ bụng, “Chỉ còn một vài tuần nữa là đến mùa xuân... và vài ba tuần nữa là đến mùa hè... và ngày nghỉ... và Chái Nhà Xanh... và nắng vàng rải trên đồng cỏ Avonlea... và vùng vịnh óng ánh bạc lúc bình minh, ngọc lam thẫm buổi ban trưa và đỏ thắm độ chiều tà... và anh.”

[3] Trích từ bài thơ Đêm Thánh Agnes của Tennyson.

Bé Elizabeth và em có vô số kế hoạch cho mùa xuân. Chúng em thân thiết với nhau lắm. Em đem sữa cho cô bé mỗi chiều và thỉnh thoảng lắm cô bé mới được phép ra ngoài đi dạo với em. Hai cô cháu phát hiện ra ngày sinh của chúng em trùng nhau và mặt Elizabeth ‘ửng hồng mỹ lệ’ đầy phấn khích. Khi đỏ mặt, cô bé trông thật xinh xắn. Ngày thường cô bé quá xanh xao, và sữa mới cũng chẳng giúp cô bé hồng hào lên chút nào. Chỉ khi chúng em trở về từ những buổi hẹn hoàng hôn với gió chiều thì đôi má bé bỏng của cô bé mới hồng hào lên được. Có lần cô bé nghiêm túc hỏi em, “Cô Shirley ơi, nếu em thoa sữa bơ lên mặt mỗi tối thì khi lớn lên liệu em có được làn da mịn màng quyến rũ như cô không?” Sữa bơ dường như là món mỹ phẩm rất được ưa chuộng trên đường Ma. Em phát hiện ra Rebecca Dew cũng dùng nó. Chị buộc em phải giữ bí mật chuyện này với các bà góa phụ bởi vì họ sẽ nghĩ rằng thật phù phiếm khi làm vậy vào cái tuổi của chị. Số bí mật mà em phải giữ kín ở Bạch Dương Lộng Gió đang làm em già trước tuổi đây. Em tự hỏi liệu thoa sữa bơ lên mũi thì có tống khứ được bảy nốt tàn nhang này không. Nhân tiện, thưa quý ngài, liệu quý ngài có bao giờ để ý thấy rằng em có một ‘làn da mịn màng quyến rũ’ không? Nếu có thì anh chưa bao giờ khen em. Và anh có nhận thấy sự thật rằng em ‘đẹp một cách tương đối’ không? Bởi vì em vừa phát hiện ra điều này.

“Cảm giác khi mình thật xinh đẹp nó như thế nào vậy hở cô Shirley?” một ngày nọ chị Rebecca Dew nghiêm túc hỏi em... khi em mặc chiếc váy voan mới màu nâu nhạt.

“Em cũng thường hay tự hỏi mình thế,” em đáp.

“Nhưng xinh đẹp rồi còn gì,” Rebecca Dew hỏi.

“Em không ngờ rằng chị có thể mỉa mai em thế, chị Rebecca Dew ạ,” em kêu lên trách móc.

“Tôi có ý mỉa mai gì đâu, cô Shirley. Cô đẹp thật mà... một cách tương đối.” “Ôi! Tương đối!” em kêu lên.

“Nhìn vào gương tủ búp phê kìa,” Rebecca Dew chỉ. “So với tôi, cô đẹp quá còn gì.” “Ôi, đúng thế thật! “Nhưng em vẫn chưa kể hết chuyện về Elizabeth đâu. Vào một buổi chiều bão bùng nọ, khi gió rên rỉ dọc theo đường Ma, không đi dạo được, thế là chúng em lên phòng em và vẽ bản đồ xứ thần tiên. Elizabeth ngồi trên chiếc đệm xanh hình bánh rán để cao hơn một chút, trông cô bé hệt như một nữ thần lùn bé bỏng nghiêm túc khi chồm xuống bản đồ. (Nhân tiện em không viết sai tí nào đâu nhé! “nữ thần lùn” nghe liêu trai và thanh thoát hơn “chú lùn” nhiều.) Bản đồ của chúng em vẫn chưa hoàn thiện đâu... mỗi ngày chúng em lại nghĩ ra thêm vài thứ nữa cho nó. Chiều qua, chúng em xác định vị trí nhà của phù thủy Tuyết và vẽ một quả đồi ba ngọn phủ kín hoa anh đào dại đằng sau nó. (Nhân tiện, em muốn có vài cây anh đào dại gần ngôi nhà mơ ước của chúng mình, Gilbert ạ.) Đương nhiên là Ngày Mai có hiện diện trên bản đồ rồi... nằm ở phía Đông Hôm Nay và phía Tây Hôm Qua... và chúng em có đủ loại ‘thời’ ở xứ sở thần tiên. Thời xuân, thời dài, thời ngắn, thời trăng non, thời ngủ ngon, thời sắp đến... nhưng không có thời đã qua, vì nó quá buồn bã ở xứ thần tiên; rồi thời già, thời trẻ... bởi vì đã có thời già thì cũng nên có luôn thời trẻ chứ; thời núi non... bởi vì đọc lên nghe thật du dương; thời đêm và thời ngày... nhưng không có thời-đi-ngủ hay thời-đi-học; thời Giáng sinh; không có thời duy nhất, bởi vì nghe cũng buồn quá... nhưng lại có thời đã mất, vì thật tuyệt khi đi tìm lại nó; thời vui, thời nhanh, thời chậm, thời hôn rưỡi, thời hồi gia và thời vĩnh viễn... đó là một trong những cụm từ đẹp nhất trên thế giới này. Và chúng em có những mũi tên đỏ láu lỉnh trỏ đi khắp hướng, dẫn đến những ‘thời’ khác nhau. Em biết Rebecca Dew nghĩ rằng em có phần con nít. Nhưng, ôi, Gilbert ơi, chúng ta đừng bao giờ trở nên quá già dặn và quá thông thái... không, đừng bao giờ quá già dặn và ngốc nghếch để không tin vào xứ thần tiên.

Em bảo đảm Rebecca Dew không dám chắc rằng em đem lại ảnh hưởng tốt cho cuộc đời Elizabeth. Chị nghĩ rằng em khuyến khích cô bé sống ‘mộng tưởng’. Một chiều nọ khi em đi vắng, Rebecca Dew đem sữa cho cô bé và thấy cô bé đứng đợi ở cổng, nhìn lên trời một cách chăm chú đến mức không nghe thấy tiếng chân bước (không chút) thanh thoát của Rebecca.

“Cháu đang lắng nghe, bác Rebecca ạ,” cô bé giải thích.

“Cô nghe quá nhiều rồi đấy,” Rebecca phê phán.

Elizabeth mỉm cười, xa vắng, kín đáo. (Rebecca Dew không dùng những từ này nhưng em biết chính xác kiểu cười của Elizabeth.) “Bác Rebecca à, hẳn là bác sẽ rất ngạc nhiên nếu biết đôi khi cháu nghe thấy những gì,” cô bé đáp lại, theo cách khiến Rebecca Dew rợn xương sống… chị khẳng định là thế.

Nhưng Elizabeth lúc nào cũng có máu liêu trai, có thể làm gì khác được đây?

Nàng ANNE cực kỳ Anne của anh,

Tái bút 1: Không bao giờ, không bao giờ, không bao giờ em quên nổi khuôn mặt của Cyrus Taylor khi vợ ông bảo rằng ông đan móc rất giỏi. Nhưng em sẽ luôn luôn mến ông vì ông đã cố tìm ra bằng được những chú mèo con ấy. Và em mến Esme vì cô gái đã đứng lên bảo vệ cho cha, ngay trong lúc tưởng rằng mọi ước mơ của mình đã tan nát cả.

Tái bút 2: Em vừa đổi một cây bút mới. Và em yêu anh vì anh không chảnh chọe như tiến sĩ Carter... em yêu anh vì anh không có tai xòe ra như Johnny. Và... hơn tất thảy... em yêu anh chỉ vì anh là Gilbert!

Chương 12

Bạch Dương Lộng Gió, Đường Ma, Ngày 30 tháng Năm.

ANH THÂN YÊU HƠN CẢ THÂN YÊU NHẤT ĐỜI:

Xuân đã về! Ngập đầu ngập cổ trong chuỗi dài thi cử ở Kingsport, có lẽ anh vẫn chưa nhận ra đâu. Nhưng em cảm nhận được mùa xuân từ chỏm tóc đến tận ngón chân đây này. Summerside cũng cảm nhận được nó. Ngay cả những con đường kém xinh tươi nhất cũng đang rạng rỡ hơn hẳn bởi những cành hoa vươn ra ngoài hàng rào gỗ cũ kỹ và dải ruy băng bồ công anh vắt trên mảng cỏ ven lề đường. Thậm chí cô nàng sứ đặt trên kệ trong phòng em cũng cảm nhận được mùa xuân đã đến, và em biết một đêm nào đó, chỉ cần em bừng tỉnh bất chợt, em sẽ bắt gặp cảnh cô nàng đang vũ ba lê trên đôi giày hồng gót mạ vàng cho cô.

Tất cả đang líu lo hát ‘xuân về’ với em... những dòng suối nhỏ cười khúc khích, sương xanh bảng lảng trên đồi Vua Bão, những cây phong trong khu rừng nhỏ nơi em hay đến để đọc thư anh, rặng anh đào trổ hoa trắng muốt dọc theo đường Ma, đám chim cổ đỏ béo tốt lanh lợi nhảy lách chách trêu cợt Xám Tro ngoài sân sau, dây leo xanh mướt giăng lên cánh cửa nơi bé Elizabeth đến lấy sữa, hàng linh sam điểm trang tua rua mới tinh chung quanh nghĩa địa cũ... và cả chính khu nghĩa địa cũ nữa, các loại hoa trồng trước mộ nảy lộc đơm hoa như muốn chứng minh rằng “ngay cả ở đây sự sống cũng chiến thắng cái chết”. Em có một chuyến tha thẩn rất tuyệt trong nghĩa địa vào một tối nọ. (Em chắc chắn Rebecca Dew nghĩ rằng sở thích chọn nơi đi dạo của em bệnh hoạn khủng khiếp. “Tôi không hiểu nổi vì sao cô lại khao khát đến cái chốn đáng sợ ấy như thế,” chị tuyên bố. Em lang thang trong nghĩa địa dưới ánh chiều tà chập choạng phảng phất mùi hương và tự hỏi liệu bà vợ của Nathan Pringle có thực sự cố ý đầu độc chồng hay không. Với lớp cỏ non lớt phớt và những đóa ly tháng Sáu ngôi mộ của bà ta trông thật vô tội đến mức em kết luận rằng bà ta bị vu khống.

Chỉ một tháng nữa thôi là em sẽ về nhà nghỉ hè? Em mãi nhung nhớ khu vườn ăn quả cũ ở Chái Nhà Xanh với hàng cây trổ hoa trắng xóa... cây cầu cũ bắt ngang hồ Lấp Lánh... tiếng biển cả thì thầm bên tai... buổi chiều hè nơi đường Tình Nhân... và anh! “Em có đúng loại bút em cần vào tối nay, thế nên Gilbert hỡi...

(Bỏ qua hai trang)

Chiều nay em ghé thăm nhà Gibson. Cách đây không lâu bác Marilla nhờ em đến chào họ vì bác ấy từng biết họ hồi họ còn sống ở White Sands. Thế là em đã đến chào và kể từ đó hàng tuần em đều đến chơi bởi vì Pauline có vẻ rất thích những chuyến viếng thăm của em, và em thấy rất tội nghiệp chị ấy. Chị ấy đúng là một nô lệ cho bà mẹ... một bà già khủng khiếp. Bà Adoniram Gibson đã tám mươi và ohải ngồi xe lăn suốt. Họ chuyển tới Summerside mười lăm năm trước. Pauline, bốn mươi lăm tuổi, là con út trong gia đình, tất cả anh chị em đều đã kết hôn và ai cũng quyết tâm không để bà Adoniram trong nhà mình. Chị ấy trông coi nhà cửa và hầu hạ bà mẹ. Chị ấy hơi xanh xao, đôi mắt nai ngoan hiền với mái tóc nâu vàng vẫn còn đẹp và bóng mượt lắm. Họ sống khá thoải mái và nếu không có bà mẹ cuộc sống của Pauline hẳn đã rất dễ chịu. Chị ấy rất thích lo chuyện nhà thờ và sẽ hoàn toàn hạnh phúc khi tham gia hội phụ nữ, hội truyền giáo, lập kế hoạch cho các bữa ăn tối ở nhà thờ và các buổi tiệc chào mừng, chưa nói đến niềm vui sướng tự hào tột đỉnh khi là chủ nhân của bụi thài lài đẹp nhất thị trấn. Nhưng chị hầu như không bao giờ có thời gian rời khỏi nhà, kể cả việc đi nhà thờ Chủ nhật. Em không biết được chị ấy làm cách nào để thoát khỏi nỗi khổ này bởi bà Gibson dám sẽ sống đến trăm tuổi mất. Và, dẫu bà ta không sử dụng được đôi chân, cái lưỡi của bà ta hoàn toàn chẳng có vấn đề gì. Mỗi khi ngồi đó, em phẫn nộ và đầy bất lực khi nghe bà ta biến chị Pauline đáng thương thành bia ngắm cho những lời đay nghiến mỉa mai. Thế nhưng Pauline bảo em rằng mẹ chị ‘đánh giá khá cao’ em và đối xử với chị ấy tốt hơn nhiều mỗi khi em có mặt. Nếu điều này là sự thật, em rùng mình khi nghĩ đến những gì chị ấy phải chịu đựng khi không có em.

Pauline không dám làm bất cứ điều gì mà không hỏi ý mẹ. Chị thậm chí không thể mua quần áo theo ý mình... dù chỉ là một đôi tất. Tất cả phải được đưa tới cho bà Gibson phê duyệt; quần áo phải mặc cho đến khi sờn rách vá víu. Pauline chỉ đội một cái mũ suốt bốn năm thôi.

Bà Gibson không chịu nổi bất kỳ tiếng ồn nào hoặc một tí không khí trong lành nào trong nhà. Người ta nói cả đời bà ta chưa cười bao giờ... Dù gì thì em chưa bao giờ bắt gặp bà ta cười, và mỗi khi em nhìn vào bà ta, em tự hỏi điều gì sẽ xảy ra đối với khuôn mặt của bà ta nếu bà ta chịu mỉm cười. Pauline thậm chí còn không có phòng riêng nữa chứ. Chị ấy phải ngủ chung phòng với bà mẹ và hầu như giờ nào cũng phải bật dậy bóp lưng, đưa thuốc hay lấy chai nước nóng mới cho bà Gibson... nóng, chứ âm ấm là không được đâu!... chỉnh lại gối nằm, hay ra xem xem tiếng động bí ẩn ở sân sau là gì. Bà Gibson ngủ say sưa suốt buổi chiều và có nguyên đêm dài để bày việc ra cho Pauline.

Nhưng chẳng có gì mà chị Pauline không nhẫn nhịn được cả. Chị ấy dịu dàng, vị tha và đầy kiên nhẫn, em mừng là chị ấy có một chú chó để mà yêu thương. Điều duy nhất mà chị từng được phép tự quyết định là giữ nuôi con chó ấy... và đó chỉ là vì có một vụ trộm ở đâu đó trong thị trấn và bà Gibson nghĩ ràng nó sẽ bảo vệ được cho căn nhà. Pauline không bao giờ dám để bà mẹ nhìn thấy chị ấy yêu con chó đến nhường nào. Bà Gibson ghét con chó và hay phàn nàn việc nó tha xương vào nhà, nhưng bà ta không bao giờ cương quyết đuổi nói đi, bởi lý do ích kỉ riêng của bà ta.

Nhưng cuối cùng em cũng có một cơ hội để làm gì đó cho Pauline và em nhất định phải làm bằng được. Em sẽ tặng cho chị ấy một ngày tự do, mặc dù điều đó có nghĩa là em phải hy sinh kỳ nghỉ cuối tuần ở Chái Nhà Xanh sắp tới.

Chiều nay khi ghé chơi, em có thể thấy ngay rằng Pauline vừa khóc. Bà Gibson không để cho em băn khoăn lâu.

“Pauline muốn bỏ đi để tôi lại một mình, cô Shirley ạ,” bà ta nói. “Tôi có cô con gái hiếu thảo thế đấy.” “Chỉ mỗi một ngày thôi mà mẹ,” Pauline đáp lại, cố nén tiếng thổn thức và mỉm cười.

“Chỉ mỗi một ngày thôi, con bé nói thế đấy! Ôi dào, cô biết một ngày của tôi thế nào rồi đấy, cô Shirley... ai cũng biết một ngày của tôi thế nào. Nhưng cô không biết đâu... vẫn chưa... cô Shirley ạ, và tôi hy vọng cô sẽ không bao giờbiết rằng một ngày dài đến nhường nào khi ta khốn khổ chịu đựng.” Giờ thì em biết bà Gibson không hề đau đớn gì, cho nên em cũng chẳng cần lộ vẻ cảm thông.

“Đương nhiên con sẽ tìm ai đó ở cùng mẹ mà,” Pauline kêu lên. “Em biết đấy,” chị ấy giải thích với em, “thứ Bảy tới chị họ Louisa của bọn chị sẽ kỷ niệm đám cưới bạc ở White Sands, và chị ấy muốn chị đến dự. Chị từng là phù dâu cho chị ấy khi chị ấy kết hôn với Maurice Hilton. Chị rất muốn đi nếu mẹ đồng ý cho phép.” “Nếu phải chết một mình thì cũng đành chấp nhận thế thôi,” bà Gibson than thở. “Tôi để cho lương tâm của chị tự quyết định đấy, Pauline.” Em biết Pauline đã thua trận ngay khi bà Gibson viện dẫn đến lương tâm. Bà Gibson cả đời muốn gì được nấy chỉ bằng cách viện dẫn đến lương tâm của người khác. Em nghe nói rằng nhiều năm trước có một anh chàng định kết hôn với Pauline và bà Gibson ngăn cản việc này bằng cách nhường cho lương tâm của Pauline quyết định.

Pauline chùi nước mắt, cố nặn một nụ cười méo xẹo và cảm thấy chiếc váy mà chị đang sửa lại lên... một chiếc váy len sọc xanh đen thật kinh tởm.

“Thôi đừng sưng sỉa nữa, Pauline ạ,” bà Gibson ra lệnh. “Tôi chẳng thể chịu nổi những kẻ hay hờn. Và nhớ đính cổ áo vào cái váy đấy nhé. Cô tin nổi không, cô Shirley, con bé ấy định may váy không cổ? Nó sẽ mặc ngay một chiếc váy cổ trễ, cái váy ấy đấy, nếu tôi để mặc cho nó làm gì thì làm.” Em nhìn sang chị Pauline với cần cổ nhỏ thanh mảnh... giờ đã có phần hơi mọng ra nhưng vẫn còn đẹp lắm... bị nhét vào trong chiếc cổ áo cao bằng vải màn cứng ngắc.

“Váy không cổ đang là mốt đấy,” em góp ý.

“Váy không cổ,” bà Gibson khinh bỉ, “chẳng đứng đắn chút nào.” “(Chú ý: em đang mặc một chiếc áo không cổ đấy.) “Hơn nữa,” bà Gibson tiếp lời cứ như hai chuyện ấy là một. “Tôi chẳng ưa được Maurice Hilton. Mẹ gã là một ả họ Crockett. Gã chẳng biết chữ lịch sự viết ra sao... luôn luôn hôn vợ mình ở những nơi chẳng thích hợp tí nào!” “(Anh có chắc rằng anh hôn em ở những nơi thích hợp không hở Gilbert? Em e rằng bà Gibson sẽ nghĩ hôn vào gáy chẳng hạn thì hết sức không phù hợp.) “Nhưng mẹ ơi, mẹ biết rằng chị ấy suýt nữa bị con ngựa nhà Harvey Wither giẫm phải, nó chạy lồng lên ngoài vườn trước nhà thờ. Maurice cư xử kích động một chút thì cũng là hợp lý thôi.” “Pauline, xin chị đừng có cãi lại tôi. Tôi vẫn cho rằng bậc thềm nhà thờ là nơi cực kỳ không phù hợp để hôn bất kỳ ai. Nhưng đương nhiên ý kiến của tôi đã chẳng còn đáng kể với bất kỳ ai nữa. Đương nhiên, ai cũng ước là tôi chết quách đi cho rồi. Ôi dào, ngoài nghĩa địachắc cũng còn chỗ cho tôi thôi. Tôi biết tôi là gánh nặng cho chị mà. Tôi nên chết quách đi cho rồi. Chẳng ai cần tôi cả.” “Mẹ ơi, đừng nói vậy mà,” Pauline van vỉ.

“Tôi cứ nói thế đấy. Chị đây này, cứ khăng khăng đòi đi dự đám cưới bạc ấy mặc dù biết rõ ràng tôi không hài lòng chút nào.” “Mẹ yêu dấu. Con sẽ không... con sẽ không bao giờ nghĩ đến chuyện đi nếu mẹ không đồng ý. Đừng căng thẳng kích động như vậy mà...” “Ôi, chẳng lẽ tôi không được kích động lên tí tẹo để cuộc đời xám xịt của tôi có chút le lói sao? Cô không định ra về sớm vậy chứ, cô Shirley?” Em cảm thấy nếu ở lại lâu hơn, em sẽ phát khùng hay giơ tay tát thẳng vào khuôn mặt nhọn hoắt của bà Gibson. Vì vậy, em đáp rằng em còn phải chấm bài thi.

“À, được rồi, tôi biết hai phụ nữ già nua như chúng tôi chẳng phải bạn bè thích hợp cho một cô gái trẻ,” bà Gibson thở dài. “Pauline không mấy vui tươi... phải không, Pauline? Chẳng vui tươi gì cho lắm. Tôi không lấy làm lạ khi cô Shirley không muốn ở lại lâu.” Pauline tiễn em ra tận hàng hiên. Mặt trăng đang soi sáng khu vườn nhỏ của chị và rắc bạc trên bến cảng. Một làn gió mềm ngọt ngào đang trò chuyện với một cây mận không được trổ hoa. Và đôi mắt xanh xám dịu dàng của Pauline đong đầy nước mắt.

“Chị rất ước ao có dịp tham dự lễ kỷ niệm đám cưới của Louisa,” chị thốt lên với tiếng thở dài chấp nhận đầy thất vọng.

“Chị sẽ được đi,” em tuyên bố.

“Ồ, không, cưng à, chị không thể đi được. Mẹ tội nghiệp sẽ không bao giờ đồng ý. Chỉ cần tống suy nghĩ đó ra khỏi đầu chị là được. Đêm nay trăng đẹp quá phải không em?” chị nói to, giọng vui vẻ.

“Tôi chưa thấy chuyện ngắm trăng đem lại cái gì béo bổ cả,” bà Gibson nói với ra từ phòng khách. “Đừng léo nhéo nữa, Pauline, vào ngay và đem đôi giày ngủ màu đỏ có đính lông ở mũi cho ta đi. Đôi giày đang mang bó chân ta đau khủng khiếp. Nhưng chẳng ai quan tâm đến những gì mà ta phải chịu đựng.” “Em cảm thấy em chẳng chút quan tâm đến nỗi khổ của bà ta. Pauline yêu dấu đáng thương! Nhưng chị Pauline nhất định phải có một ngày nghỉ và chị ấy sẽ được đi dự lễ kỷ niệm đám cưới bạc. Em, Anne Shirley, đã quyết định như thế.

Khi về nhà, em kể mọi chuyện cho Rebecca Dew và hai bà góa phụ nghe, và bọn em tha hồ vui thích nghĩ đến mọi lời phản pháo xúc phạm mà em có thể nói thẳng vào mặt bà Gibson. Dì Kate không nghĩ em sẽ thành công trong việc buộc bà Gibson để Pauline đi chơi nhưng Rebecca Dew tin tưởng vào em. “Dù gì chăng nữa, nếu cô không thể làm được thì chẳng ai làm được cả,” chị nói.

Gần đây em có đến ăn tối với bà Tom Pringle, trước đây từng không chịu nhận em ở trọ. (Rebecca Dew bảo em là khách trọ trả tiền hào phóng nhất mà chị từng biết, bởi vì em rất hay được mời ra ngoài ăn tối.) Em rất mừng vì bà ta không nhận em. Bà ta tốt tính và dễ mến, có món bánh nướng nhân thịt ngon tuyệt trần, nhưng nhà của bà ta không phải là Bạch Dương Lộng Gió, bà ta không sống ở đường Ma, và bà ta không phải là dì Kate, dì Chatty và Rebecca Dew. Em yêu thương cả ba người họ và em sẽ tiếp tục ở trọ nơi này vào năm tới và năm tới nữa. Ghế của em luôn luôn được gọi là ‘ghế riêng của cô Shirley’ và dì Chatty kể rằng khi em không ở đây, Rebecca Dew vẫn bày bộ đồ ăn vào chỗ của em, ‘để chiếc ghế không cảm thấy cô đơn’. Đôi khi cảm xúc của dì Chatty làm vấn đề trở nên có chút phức tạp, nhưng dì bảo giờ dì đã thấu hiểu em, và biết rằng em không bao giờ cố ý làm tổn thương dì.

Giờ thì bé Elizabeth và em đi dạo hai lần một tuần. Bà Campbell đã cho phép như thế, nhưng không được thường xuyên hơn và không bao giờ vào ngày Chủ nhật. Mùa xuân đem lại nhiều điều tốt đẹp hơn cho bé Elizabeth. Một vài tia nắng thậm chí đã lọt được vào ngôi nhà cổ u ám ấy, và nhìn bên ngoài nó thậm chí đẹpnhờ những ngọn cây in bóng nhảy nhót trên tường. Tuy nhiên, Elizabeth vẫn khao khát được thoát khỏi nó mỗi khi có thể. Thỉnh thoảng bọn em đi lên phố trên để Elizabeth có thể nhìn thấy cửa sổ sáng đèn của các cửa hàng. Nhưng chủ yếu là chúng em đi xa hết mức có thể trên Con Đường Dẫn Đến Nơi Tận Cùng Thế Giới, mạo hiểm và háo hức trước mỗi khúc quanh cứ như có thể bắt gặp được Ngày Mai ở đằng sau, trong khi những ngọn đồi xanh bé nhỏ chiều tà rúc sát vào nhau ở đằng xa. Một trong những điều Elizabeth sẽ làm trong Ngày Mai là “đi đến Philadelphia và ngắm các thiên sứ trong nhà thờ”. Em chưa giải thích rõ cho cô bé... em sẽ không bao giờ nói cho cô bé... rằng vùng Philadephia mà thánh John viết không phải là bang Philadelphia. Những ảo tưởng sai lầm sẽ sớm được cải chính thôi. Và dù sao chăng nữa, nếu chúng em có thể đến được Ngày Mai, ai biết chúng em sẽ tìm được gì ở nơi đó chứ? Có lẽ thiên thần sẽ có mặt khắp mọi nơi.

Đôi khi chúng em ngắm những con tàu tiến vào bến cảng, xuôi theo chiều gió, xuyên qua khí xuân trong vắt, để lại ngấn nước lấp lánh đằng sau, và Elizabeth thắc mắc liệu cha của mình có đang ở trên một trong những chiếc tàu ấy hay không. Cô bé vẫn nhất mực hy vọng rằng ngày nào đó cha mình sẽ đến nếu biết có cô con gái bé bỏng đáng yêu đang nhung nhớ mình biết chừng nào. Em cho rằng ông ta vẫn chưa ý thức được giờ cô bé đã sắp thành thiếu nữ rồi... em nghĩ ông ta vẫn nhớ về cô bé như đứa trẻ sơ sinh đã cướp đi mạng sống của vợ mình.

Năm đầu tiên ở trường trung học Summerside của em sắp kết thúc rồi. Học kỳ đầu tiên là một cơn ác mộng, nhưng hai học kỳ kế tiếp rất tuyệt. Nhà Pringle gồm toàn những người thú vị. Làm thế nào mà em có thể so sánh họ với bọn nhà Pye cơ chứ? Hôm nay Sid Pringle mang tặng em một bó duyên linh thảo. Jen sẽ đứng đầu lớp và nghe đồn bà Ellen từng nói rằng em là giáo viên duy nhất thực sự thấu hiểu cô nàng! Mối bận tâm duy nhất của em là Katherine Brooke, vẫn luôn tỏ vẻ thù địch và bất cần. Chắc em sẽ thôi không cố làm thân với cô ta nữa. Xét cho cùng, như Rebecca Dew hay nói, cái gì cũng có giới hạn của nó.

Ồ, suýt nữa em quên kể với anh... Sally Nelson đã nhờ em làm phù dâu. Cuối tháng Sáu này cô nàng sẽ kết hôn tại Mỹ Cảnh, căn nhà nghỉ hè của bác sĩ Nelson ở ngay đầu thị trấn. Cô nàng sẽ kết hôn với Gordon Hill. Thế thì Nora Nelson sẽ là người duy nhất chưa lấy chồng trong số sáu cô con gái của bác sĩ Nelson. Jim Wilcox qua lại với chị ấy suốt nhiều năm nay... “hết giận lại thương” như Rebecca Dew nói... nhưng dường như chẳng có kết quả gì, và giờ thì chẳng ai tin họ sẽ kết hôn cả. Em rất mến Sally, nhưng quan hệ giữa em và Nora vẫn chưa tiến triển được mấy. Dĩ nhiên chị ấy lớn tuổi hơn em khá nhiều, và tính tình khá kín đáo và kiêu hãnh. Nhưng em muốn trở thành bạn chị ấy. Chị ấy không đẹp, thông minh hay duyên dáng nhưng chị ấy có gì đó rất đặc biệt. Em có cảm giác rằng tình bạn của chị ấy đáng để em nỗ lực đạt được.

Nói về đám cưới, Esme Taylor đã kết hôn với anh chàng tiến sĩ hồi cuối tháng rồi. Vì đám cưới diễn ra vào chiều thứ Tư nên em không thể đến dự ở nhà thờ, nhưng ai cũng bảo rằng chị ấy trông rất xinh đẹp và hạnh phúc, còn Lennox có vẻ biết mình đã lựa chọn đúng theo lời kêu gọi của lương tri. Cyrus Taylor và em giờ đã thân nhau lắm. Ông ấy thường nhắc tới bữa tối mà ông ấy bị biến thành trò đùa cho tất cả mọi người. “Từ đó tôi không dám lên cơn sưng sỉa nữa,” ông ấy bảo thế. “Lần tới mẹ chúng nó dám sẽ buộc tội tôi khâu chăn mền lắm.” Và sau đó ông ta bảo em nhớ gửi lời hỏi thăm giùm đến các ‘góa phụ’. Gilbert, mọi người thật dễ thương, cuộc sống thật tuyệt vời và em cũng thế.

Mãi mãi ‘Thuộc về anh!’

Tái bút: Con bò cái già màu đỏ của chúng em dưới nhà ông Haminton vừa sinh một con bê đốm. Ba tháng nay chúng em phải mua sữa từ Lew Hunt. Rebecca bảo rằng giờ thì chúng em sắp được ăn váng sữa lại rồi… và rằng chị ấy đã luôn nghe nói rằng lòng tham của nhà Hunt là vô đáy nhưng bây giờ chị ấy mới tin là sự thật. Rebecca vốn chẳng muốn có chú bê đó chút nào. Dì Kate đã phải nhờ ông Haminton nói với chị ấy rằng con bò già quá chẳng sinh con được đâu thì chị ấy mới bằng lòng đó.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3