Đôn Kihôtê (Tập 1) - Chương 42
Chương 42: Chuyện mới trong quán trọ cùng những sự việc khác đáng được kể lại
Người Tù vừa dứt lời, Đôn Phernanđô lên tiếng:
- Thưa ngài đại úy, quả thật lối kể chuyện của ngài rất hấp dẫn, cũng hấp dẫn như nội dung câu chuyện mới mẻ và kỳ lạ này. Toàn bộ câu chuyện thật ly kỳ, lạ lùng và đầy rẫy những sự bất ngờ khiến người nghe phải say mê, hồi hộp. Nghe ngài kể, chúng tôi đều rất thích thú, và giả thử ngày mai còn được nghe câu chuyện này, chúng tôi vẫn vui lòng nghe lại.
Bằng những lời lẽ rất chân tình, Carđêniô và mọi người nhận hết sức giúp đỡ viên đại úy khiến anh ta không khỏi cảm động trước tấm thịnh tình của họ. Đặc biệt Đôn Phernanđô mời anh về nhà mình, hứa sẽ nói với hầu tước anh trai đỡ đầu Dôraiđa khi nào làm phép thông công cho nàng; chàng còn nhận giúp đỡ anh trở về quê nhà bằng những phương tiện xứng đáng với cương vị của anh. Viên đại úy hết lời cảm ơn Đôn Phernanđô nhưng không dám nhận sự giúp đỡ tận tình đó.
Mặt trời xuống dần. Vào lúc chập tối, có một cỗ xe ngựa cùng mấy kỵ sĩ tới quán trọ xin ngủ đỗ. Vợ chồng chủ quán đáp là trong quán không còn một tấc đất thừa. Trong số những người kỵ sĩ đã bước vào quán, có tiếng nói:
- Dù sao cũng không thể thiếu chỗ nghỉ cho ngài bồi thẩm đây.
Nghe thấy vậy, vợ chủ quán cuống quýt đáp:
- Thưa ngài, quả thật trong nhà cháu không có giường. Chắc là ngài bồi thẩm mang giường đi theo; nếu như vậy, xin mời ngài vào nghỉ ngơi; cháu và nhà cháu xin nhường buồng riêng hầu ngài.
- Tốt lắm, kỵ sĩ đáp.
Trong lúc đó, từ trong xe ngựa có một người đàn ông bước ra. Nhìn bộ y phục - áo thụng dài, tay áo rộng và xẻ - người ta cũng đoán được chức vụ và nghề nghiệp của ông là bồi thẩm như kỵ sĩ theo hầu vừa giới thiệu; tay ông ta dắt một tiểu thư tuổi chừng đôi tám, mặc quần áo đi đường. Trông cô gái vừa xinh đẹp vừa duyên dáng khiến mọi người đều trầm trồ tấm tắc, ví thử họ chưa nhìn thấy Đôrôtêa, Luxinđa và Dôraiđa trong quán trọ, chắc chắn họ sẽ nghĩ rằng khó tìm đâu ra một cô gái nhan sắc như vậy. Khi ấy, Đôn Kihôtê đang đứng ngay ở cửa ra vào; nhìn thấy ông bồi thẩm và cô gái, chàng bèn cất giọng nói:
- Ngài có thể an tâm vào nghỉ trong lâu đài này; tuy nó chật chội và thiếu tiện nghi, nhưng ở đời không có sự chật chội và bất tiện nào có thể ngăn trở được các quân nhân và văn nhân, nhất là một khi họ được một người đẹp chỉ lối như ngài đang được tiểu thư xinh đẹp đây dẫn đường. Đối với nàng, không những các lâu đài phải mở toang cửa mà ngay đá tảng cũng phải tách đôi, núi cũng phải cúi đầu để nghênh tiếp. Xin mời ngài hãy bước vào trong thiên đàng này; ở đây có các vì tinh tú xứng đáng để kết bạn với ngôi sao đi bên cạnh ngài; ở đây ngài sẽ gặp những dũng sĩ cừ khôi và những giai nhân tuyệt thế.
Nghe Đôn Kihôtê nói, ông bồi thẩm rất đỗi ngạc nhiên; ông nhìn chàng hiệp sĩ từ đầu đến chân. Hình thù của Đôn Kihôtê cũng làm cho ông không kém phần ngạc nhiên. Ông chưa kịp đáp thì lại một phen sửng sốt khi nhìn thấy Luxinđa, Đôrôtêa và Dôraiđa: số là khi nghe tin có đám khách mới tới quán trọ, nhất là khi nghe vợ chủ quán ca tụng sắc đẹp của cô gái mới tới, ba cô vội chạy ra. Đôn Phernanđô, Carđêniô và Cha xứ nghênh đón ông bồi thẩm một cách giản dị và nhã nhặn hơn. Trước những lời chào mời và cảnh tượng đó, ông bồi thẩm không biết nói gì. Luxinđa, Đôrôtêa và Dôraiđa cũng ân cần mời cô gái vào nhà trọ, cuối cùng, ông bồi thẩm đã nhận ra những người trong quán trọ đều là người tử tế sang trọng, duy bộ dạng, mặt mũi và thái độ của Đôn Kihôtê làm ông khó hiểu. Sau khi đã thăm hỏi nhau và cân nhắc về những tiện nghi của quán trọ, mọi người đi tới một quyết định giống như lúc trước tức là dành cho các cô gái căn buồng đã nhiều lần được nhắc tới, còn đám đàn ông nghỉ ở mé ngoài để canh gác luôn thể. Ông bồi thẩm yên tâm thấy con gái mình - tức là tiểu thư đi cùng - nghỉ chung với các cô gái trong quán trọ, và riêng cô gái cũng hài lòng. Thế là với chiếc giường chật hẹp của chủ quán và chiếc giường của ông bồi thẩm mang theo, bốn cô thu xếp được một chỗ nghỉ cũng khá tươm tất, không ngờ được vậy.
Từ lúc nhìn thấy ông bồi thẩm, Người Tù đã ngờ ngợ trong bụng rằng đó là em trai mình; anh bèn hỏi một người đi theo hầu xem tên ông ta là gì, quê quán ở đâu; người hầu đáp:
- Đó là ông cử Huan Pêrêx đê Viếtma; nghe đâu quê ông ta ở miền núi Lêôn.
Những lời của người hầu cùng những điều trông thấy khiến Người Tù kết luận rằng ông bồi thẩm chính là đứa em trai đã đi theo nghề khoa cử theo ý kiến của cha mình. Phần cảm động, phần mừng rỡ, anh vội mời riêng Đôn Phernanđô, Carđêniô và Cha xứ ra một chỗ, nói rõ sự thể và khẳng định rằng ông bồi thẩm nọ là em ruột mình. Người hầu còn cho anh biết thêm rằng ông ta được cử đi nhậm chức bồi thẩm tại tòa án ở Mêhicô bên châu Mỹ, rằng tiểu thư đi theo là con gái ông ta, vừa ra đời thì mẹ chết, rằng ông ta rất giàu có vì vợ chết để lại cho ông của hồi môn và đứa con gái. Người Tù nhờ ba người góp ý nên làm thế nào để em trai nhận ra mình, trước hết là làm cách nào để biết được thái độ của em mình sẽ lạnh nhạt hay vồn vã một khi nhận ra ông anh trong tình trạng xác xơ như vậy.
- Để tôi làm việc đó, Cha xứ nói. Vả lại, thưa ngài đại úy, chúng ta có thể tin rằng em trai ngài sẽ ân cần thăm hỏi ngài vì đạo đức và sự chín chắn mà ông ta biểu lộ qua thái độ chững chạc của mình chứng tỏ ông ta không phải là một con người bạc ác bất nhân hoặc không biết xử sự đúng mức trước những tình huống bất ngờ.
- Dù sao tôi cũng muốn đi bằng con đường vòng, không để em tôi nhận ra tôi một cách quá đột ngột.
- Tôi đã thưa với ngài là tôi sẽ giải quyết việc này khiến cho mọi người đều đẹp lòng.
Lúc này, bữa ăn đã được dọn ra, mọi người ngồi vào bàn; Người Tù và các cô gái ăn riêng ở buồng trong. Giữa bữa ăn, Cha xứ cất tiếng nói:
- Thưa ngài bồi thẩm, trong thời gian mấy năm tôi bị cầm tù ở Cônxtantinôpla, tôi có một người bạn cùng tên với ngài. Đó là một quân nhân, một đại úy nổi tiếng dũng cảm trong các đơn vị bộ binh Tây Ban Nha. Thế nhưng, anh ta càng dũng cảm bao nhiêu lại càng bất hạnh bấy nhiêu.
- Thưa ngài, viên đại úy đó tên gì? ông bồi thẩm hỏi.
Cha xứ đáp:
- Tên anh ta là Rui Pêrêx đê Viếtma, quê tại một làng ở miền núi Lêôn. Anh ta có kể cho tôi nghe một câu chuyện về cha anh và các em trai của anh. Quả thật, nếu không do một người đứng đắn như anh ta kể, tôi sẽ nghĩ rằng đó là một câu chuyện hoang đường mà các bà lão thường kể trong đêm đông, bên cạnh ngọn lửa hồng. Anh ta kể với tôi rằng cha anh đã chia gia tài cho ba con trai và khuyên bảo họ những lời còn chí tình hơn cả Catôn. Nghe theo lời cha, anh chọn nghề võ, và tôi có thể nói được rằng nghề đó đã làm cho anh vinh hiển vì chỉ trong có mấy năm sau, nhờ sự dũng cảm và cố gắng bản thân, nhờ vào những đức tính của mình, anh đã lên tới chức đại úy bộ binh và cứ cái đà ấy thì chẳng bao lâu anh sẽ được thăng chức đại tá. Thế nhưng vận rủi đã đến với anh vì chính ở chỗ anh đặt hy vọng bao nhiêu thì lại gặp thất vọng bấy nhiêu: anh đã bị mất tự do trong cái ngày đầy hạnh phúc tự do đối với bao nhiêu người khác, đó là ngày xảy ra trận Lêpantô. Tôi bị bắt trong trận La Gôlêta. Trải qua nhiều biến cố, chúng tôi kết bạn với nhau ở Cônxtantinôpla. Sau đó, anh ta đi Arhêl và tôi được biết rằng tại đó anh đã gặp một trong những chuyện kỳ lạ nhất trên đời.
Tiếp tục câu chuyện, Cha xứ kể vắn tắt cuộc gặp gỡ giữa Người Tù với Dôraiđa. Ông bồi thẩm lắng tai nghe và, có thể nói rằng trong cuộc đời làm bồi thẩm của ông cho tới nay, chưa bao giờ ông chăm chú nghe như vậy. Cha xứ dừng lại ở đoạn bọn cướp biển Pháp lột hết của cải của những người Ki-tô giáo ở giữa biển khơi khiến cho bạn ông và cô gái Môrô xinh đẹp lâm vào cảnh nghèo khổ thiếu thốn; ông nói:
- Từ đấy, tôi không biết tình hình của họ ra sao, không hiểu có tới được đất Tây Ban Nha không hay đã bị bọn cướp đưa về Pháp rồi.
Ngồi nấp một chỗ gần đó, viên đại úy vừa chú ý nghe Cha xứ nói, vừa quan sát thái độ của em mình. Nghe Cha xứ kể xong, ông bồi thẩm thốt ra một tiếng thở dài não nuột, rưng rưng nước mắt nói:
- Ôi, thưa ngài, nếu ngài biết rằng những điều ngài vừa kể đã làm tôi xúc động chừng nào và đã khiến tôi không cầm được nước mắt mặc dù tôi cố giữ không để trào ra! Viên đại úy dũng cảm mà ngài vừa nhắc tới chính là anh trai tôi. Với một tinh thần và một ý chí cao cả hơn cả tôi và em tôi, anh đã chọn con đường vinh quang của chiến tranh, một trong ba con đường mà cha tôi đã vạch ra cho chúng tôi như anh tôi đã kể với ngài khiến ngài tưởng đó là chuyện hoang đường. Còn tôi theo nghề khoa cử và phần nhờ Chúa, phần nhờ vào sự cần cù của bản thân, tôi đã được như ngày nay. Em trai tôi hiện đang sống ở Pêru; nó rất giàu có và số tiền nó gửi về cho cha tôi và tôi không những ngang với số tiền cha tôi đã chia cho nó mà còn đủ để cha tôi thỏa mãn tính hoang toàng của người. Cũng với số tiền đó, tôi đã có thể theo học một cách ung dung đàng hoàng và đạt được một địa vị như ngài thấy. Cha tôi còn sống và mong mỏi được biết tin về đứa con cả của mình; hàng ngày người vẫn cầu nguyện Chúa đừng để cho cái chết bắt người phải nhắm mắt trước khi người nhìn thấy đôi mắt đầy sức sống của con trai mình. Tôi cũng lấy làm lạ vì xưa nay anh tôi là một người khôn ngoan, vậy mà qua bao khó khăn trắc trở cũng như thành đạt, anh tôi không hề báo tin về cho cha tôi vì rằng nếu cha tôi hoặc anh em chúng tôi biết chuyện này, anh tôi sẽ không cần phải trông cậy vào cây sào màu nhiệm để tự chuộc mình. Giờ đây, điều làm tôi lo lắng là không biết bọn Pháp có thả anh tôi ra không hay đã giết chết để che lấp hành động ăn cướp của chúng. Ý nghĩ đó khiến tôi không còn bụng dạ nào tiếp tục cuộc hành trình này một cách vui vẻ như khi mới ra đi; trái lại nó làm cho tôi trở nên buồn phiền trên quãng đường sắp tới. Ôi, anh trai yêu quý của em! Ai có thể chỉ cho em biết giờ đây anh đang ở nơi nao để em tới tìm và giải thoát cho anh khỏi cảnh khổ ải dù em có phải chịu đựng mọi khó khăn! Ôi, ai sẽ đi báo tin cho người cha già của chúng ta rằng anh vẫn còn sống! Dù anh đang bị giam cầm trong những hầm ngục sâu nhất ở xứ Berbêria; hai em trai của anh cũng sẽ dùng của cải của mình để đưa anh ra khỏi nơi đó. Ôi, cô gái Dôraiđa xinh đẹp và hào hiệp! Ai có thể báo đền được ân sâu nghĩa nặng của cô đối với anh trai tôi! Ai có thể được dự ngày phục sinh của linh hồn cô và ngày hôn lễ của cô, những ngày hạnh phúc đối với chúng tôi!
Nghe tin về anh mình, ông bồi thẩm đã thốt ra những lời xót xa như vậy khiến mọi người có mặt đều tỏ vẻ ái ngại trước nỗi đau buồn của ông. Thấy ý đồ của mình và điều mong muốn của viên đại úy đã có kết quả tốt, Cha xứ không muốn kéo dài những phút giây nặng nề cho mọi người; ông đứng lên đi vào buồng của Dôraiđa cầm tay nàng dắt ra, theo sau có Luxinđa, Đôrôtêa và con gái ông bồi thẩm. Viên đại úy còn đang chờ xem Cha xứ làm gì tiếp thì thấy ông ta cầm luôn tay mình và dẫn cả hai người đến trước mặt ông bồi thẩm và những kỵ sĩ theo hầu; ông nói:
- Xin ngài bồi thẩm hãy ngừng nước mắt lại; điều mong ước của ngài đã được toại nguyện vì trước mặt ngài là anh trai và chị dâu yêu quý của ngài. Đây là đại úy Viếtma, còn đây là cô gái Môrô xinh đẹp đã hết lòng giúp đỡ chàng. Bọn cướp biển Pháp đã làm cho hai người trở nên nghèo khổ để giờ đây ngài có dịp tỏ rõ tấm lòng hào hiệp của mình.
Viên đại úy chạy lại ôm lấy em; thoạt tiên, ông bồi thẩm giơ hai tay ra cản để nhìn cho rõ; đến lúc đã nhận ra anh mình, ông ôm hôn thắm thiết, mừng quá phát khóc khiến đa số những người có mặt cũng không cầm được nước mắt. Không ai có thể tưởng tượng được - và càng không thể mô tả được - hai anh em đã nói với nhau những lời lẽ như thế nào và đã bộc lộ tình cảm đến mức nào. Họ kể cho nhau nghe những đoạn đường đã trải qua, biểu lộ những tình cảm ruột thịt mặn mà. Ông bồi thẩm ôm hôn Dôraiđa, hứa sẽ nhường gia tài cho, rồi ông bảo con gái ôm hôn nàng. Nhìn cô gái Tây Ban Nha xinh đẹp và cô gái Môrô tuyệt thế ôm nhau, mọi người lại một phen nữa xúc động rơi nước mắt. Đôn Kihôtê lặng yên quan sát, trong bụng lấy làm sửng sốt lắm, cảm thấy những chuyện đó đều là những hư ảo của nghề hiệp sĩ giang hồ. Mọi người quyết định để viên đại úy và Dôraiđa cùng đi với ông bồi thẩm về Xêviia báo tin cho cha biết việc hai anh em đã tìm thấy nhau sau khi viên đại úy thoát khỏi cảnh tù đày để, nếu có thể, ông ta sẽ tới dự đám cưới và lễ làm phép thông công của Dôraiđa. Sở dĩ phải giải quyết gấp như vậy để ông bồi thẩm kịp đi nhậm chức vì có tin là trong vòng một tháng sẽ có một đoàn tàu rời bến Xêviia đi Tân Tây Ban Nha 1, nếu bỏ lỡ dịp đó thì rất phiền. Tóm lại, mọi người đều vui vẻ hả hê thấy Người Tù đã gặp may mắn. Lúc này đã quá nửa đêm, mọi người bảo nhau đi nghỉ. Đôn Kihôtê nhận nhiệm vụ canh gác lâu đài e có tên khổng lồ hoặc một kẻ xấu xa nào thấy trong đó có những giai nhân tuyệt thế mà đem lòng thèm muốn liều lĩnh tấn công chăng. Đã biết tính Đôn Kihôtê, mọi người chỉ cảm ơn; khi nghe giới thiệu về bệnh điên rồ kỳ lạ của chàng hiệp sĩ, ông bồi thẩm lấy làm thú vị lắm. Riêng Xantrô Panxa rất khổ vì phải ngủ muộn; bác thu xếp được một chỗ ngủ tươm tất hơn cả với bộ yên lừa của mình, bộ yên sẽ mang họa lớn đến cho bác như sẽ kể dưới đây.
Sau khi các cô gái lui vào buồng và đám đàn ông cũng đã tạm xếp được chỗ nghỉ, Đôn Kihôtê bước ra ngoài lâu đài làm nhiệm vụ canh gác như chàng đã nhận.
Vào lúc tảng sáng, bỗng đâu các cô gái thấy vọng lên một tiếng hát rất êm ái du dương khiến họ phải lắng tai nghe, đặc biệt là Đôrôtêa vì nàng vẫn thức; nằm bên cạnh Đôrôtêa là Đônha Clara đê Viếtma - tên con gái ông bồi thẩm. Không thể đoán được người có giọng hát hay như vậy là ai, chỉ biết người đó hát không có nhạc đệm, tiếng hát vọng lên khi ở trong sân, lúc ở gần tàu ngựa. Trong khi các cô gái còn vừa chăm chú nghe vừa băn khoăn tự hỏi, Carđêniô tới trước cửa buồng nói vọng vào:
- Ai còn tỉnh hãy lắng nghe tiếng hát của một chàng chăn la, tiếng hát thật mê hồn.
- Chúng tôi đã nghe thấy rồi, Đôrôtêa đáp.
Carđêniô đi khỏi, Đôrôtêa lắng tai chăm chú thì nghe thấy tiếng ca rằng: