02. Cầu vồng trắng
Cầu vồng trắng
Hoạ sĩ Pêtrốp được gọi nhập ngũ vào giữa năm thứ 2 của cuộc chiến tranh tại một thành phố lớn ở Trung Á. Từ Maxkơva, Pêtrốp đã sơ tán về đây.
Dãy núi Alatao đứng sừng sững ở phía Nam thành phố như một bức trường thành màu xám. Tuyết đã rắc lên các đỉnh núi. Buổi tối trong những căn nhà đều giá lạnh im lìm và tối sẫm. Hoạ hoằn trong vài cửa sổ mới có ánh đèn dầu leo lét. Trong thành phố đèn tắt rất sớm.
Ban đêm, vầng trăng nhô lên trên những rặng thuỳ dương trơ trụi và trong ánh sáng chói chang, thành phố có một vẻ gì dữ dội
Pêtrốp sống trong căn nhà gỗ nhỏ bên bờ một con suối chảy lượn quanh thành phố sát các lề đường. Tiếng suối reo đều đều không đổi. Đêm đêm trên tấm đệm mỏng trải trên sàn nhà, Pêtrốp nằm lắng nghe tiếng nước tràn qua những viên đá. Sau tường nhà, con lạc đà già nua của hàng xóm chậm rãi nhai nhai mãi không thôi.
Tàu hoả rời thành phố vào ban đêm. Nhà ga vắng tanh. Những hàng cây lạnh giá xào xạc. Đêm châu Á vun tuyết thành đống giữa các toa xe. Chẳng có ai ra ga tiễn Pêtrốp. Anh không có bạn bè và cũng chẳng để lại đây kỉ niệm nào. Không có gì hết ngoài cái cảm giác cuộc sống bị ngưng lại. Mới ngoài ba mươi tuổi nhưng cuộc đời phiêu bạt bơ vơ khiến Pêtrốp sớm cảm thấy mình là một ông già
Lên tàu, Pêtrốp chui vào mọt góc toa hút thuốc. Ngoài cửa toa một người lính đang chia tay với một người phụ nữ trẻ tuổi. Không hiểu sao Pêtrốp cảm thấy nhẹ nhõm khi nghe người phụ nữ xưng hô “anh, tôi” với bạn
Đó là một người phụ nữ cởi mở và trong trẻo. Pêtrốp thầm nghĩ rằng người ta có thể đến với giọng nói ấy như một tiếng gọi từ xa, qua sa mạc, qua những đêm sâu mịt mùng, qua thác ghềnh giá buốt, đi cho đến lúc đôi chân rớm máu, gụi xuống lại bò tiếp. Miễn là được nhìn thấy cánh cửa, nắm lấy nó và nói: “Đây, tôi đã đến, xin đừng xua đuổi tôi”. Có những giọng nói nghe như một lời hứa hẹn của hạnh phúc.
Tàu chuyển bánh. Pêtrốp ngó qua ngoài cửa sổ. Trên sân ga anh nhìn thấy người phụ nữ trẻ tuổi. Gương mặt tái nhợt, nụ cười, bàn tay giơ lên - chỉ có thế. Bóng tối lập tức ập ngay vào khuôn cửa.
“Nếu anh dừng ở Maxkơva, anh nhớ gọi điện cho Masa nhé!” và chị nói số điện thoại. Pêtrốp nhẩm lại số điện thoại hồi lâu và không tin ở trí nhớ của mình, anh ghi nó lên thẻ quân nhân.
Dọc đường, Pêtrốp luôn ngó ra cửa nhìn những đám tuyết dày đặc, những cột điện thoại nối nhau chạy dài vào nẻo xa màu xám. Thành phố Trung Á xa dần không con đường trở lại với nó nữa. Nó trở thành hồi ức mờ ảo, như hư như thực, lấp lẫn giữa dòng đời như một ngày đã sống qua giữa ba trăm sáu mươi ngày của một năm dài dặc.
Mùa đông, mùa xuân và mùa hè mưa nhiều trôi qua trong những trận đánh. Khi vượt qua tuyến phòng thủ của quân Đức ở Vitép, Pêtrốp bị thương vào đầu
Ba tháng anh nằm ở bệnh viện. Ra viện anh được gửi đến một nhà nghỉ để hồi sức sau vết thương nặng nề. Pêtrốp yêu cầu được về nghỉ ở thành phố Trung Á, nơi anh đã được gọi vào quân đội. Gần thành phố có một an dưỡng đường nhỏ ở trên núi.
- Ồ, anh bạn thân mến. – ông bác sĩ già râu bạc, quân hàm nhàu nát nói với anh – Anh nghĩ lại xem! Anh chỉ có một tháng mà đi về đã mất mười ngày rồi
- Có khi một ngày còn quý hơn cả một năm - Pêtrốp cãi lại.
- À, nếu vậy thì… Nếu anh có những lý do đặc biệt để về đấy – Ông bác sĩ làu bàu, thì tôi chỉ biết giơ tay. Tôi đồng ý.
Phải đi qua Maxkơva. Tàu đển Maxkơva lúc nửa đêm và sẽ rời Maxkơva đi Trung Á vào sáng sớm. Cả một đêm dài mệt nhọc đang chờ anh ở Maxkơva. Còn lâu tàu mới đến Maxkơva, Pêtrốp hồi hộp, ngay lúc vừa hoàng hôn khi con tàu toả khói lên những cánh rừng bạch dương, chạy trên đất Xmôlenxkơ. Ngoài cửa sổ, những nhà nghỉ tối om, những bãi tuyết và những khu vườn lạnh vùng Kuntxevô lướt nhanh trong bóng đêm. Sau đó hiện lên vùng sáng yếu ớt của bầu trời đến Maxkơva tối mò và cuối cùng sân ga tăm tối vang động của ga Bêlôruxi về đêm trôi tới rồi dừng lại.
Elêna Pêtrôpna tắt đèn và kéo tấm rèm cửa. Hơi ấm toả lên từ lò sưởi hơi nước. Đêm tối mò trải trên Maxkơva.
- Thế là lại về Maxkơva rồi. Lại xa cái vùng Trung Á- Elêna nói và lấy ngón tay ấn lên đôi mày. Chị thường làm như vậy mỗi khi suy nghĩ. Lại về với công việc quen thuộc, với bạn bè. Mọi chuyện lại như cũ. Còn muốn gì hơn nữa?
- Vậy mình còn mong muốn điều gì hơn nữa?- Chị nhắc lại và im lặng.
Một giọt lệ trào trong khoé mắt, chị không chùi đi mà cứ nhìn chằm chằm vào cửa sổ- Ánh sáng ở cột đèn ngoài ngã từ bỗng trở nên sắc cạnh như những ngôi sao bằng kim tuyến trên cây Nôen.
- Giá mà biết được hạnh phúc bí ẩn là gì? Nó ở đâu? Khó mà sống mãi thui thủi một mình và nhìn thấy tất cả dù chỉ là đêm nay, và suy nghĩ về mọi điều, không mỉm cười với ai, không đặt tay lên vai ai và không bảo: “Anh xem, tuyết đang rơi kìa”
Máy điện thoại trên bàn thận trọng reo lên. Elêna Pêtrốpna cầm ống nghe. Giọng nói đàn ông yêu cầu gặp Masa.
- Masa không ở đây nữa- Elêna Pêtrốpna trả lời – Ai hỏi đấy?
- Vấn đề là… tôi không quen cô ấy - Giọng đàn ông trả lời sau một lát suy nghĩ. Nói tên tôi ra chả có ý nghĩa gì…
- Cũng kỳ đấy. – Êlêna Pêtrốpna giễu cợt nói
- Kỳ quá thật!- người đàn ông đồng ý – Tôi vừa ở mặt trận về
- Anh muốn chuyển gì cho cô ấy chăng? Anh ở chỗ anh cô ấy về chăng? Anh ấy cũng ở ngoài mặt trận mà.
- Không, tôi không biết anh cô ấy - người đàn ông trả lời và im bặt
- Làm thế nào bây giờ? Tôi đợi đây- Elêna Pêtrốpna nói – Hay là bỏ ống nghe xuống
- Hãy khoan đã - Giọng nói van lơn- Tôi đang ở Maxkơva đợi chuyển tàu. Tôi đang gọi điện từ sân ga Bêlôruxi. Không hiểu người ta có để cho tôi nói hết không. Bên máy có nhiều người đang đợi.
- Nếu vậy anh nói mau lên
Elêna Pêtrốpna đứng nghe bên cửa sổ. Chị nhíu mày rồi mỉm cười, chìa tay ra cửa sổ - con mèo xám đang bám vào rèm cửa mắt tròn xoe; chị nói: Khẽ chứ! Mày làm gì thế! – Không, tôi không nói với anh mà nói với con mèo con. Chị bật cười, - Tôi đang nghe anh mà chẳng hiểu gì cả. Vâng, vâng. Quả là lạ lùng. Nhưng cũng có thể là điều hay… Toi không biết… Tôi còn nhớ tất cả: nhà ga, đêm và gió. Chỉ không nhớ có anh thôi. Chẳng lẽ bằng vào giọng nói ư? Anh là một người kỳ lạ. Bao giờ tàu chạy? Tôi cũng chẳng biết nghĩ thế nào nữa… Tất nhiên, đáng tiếc đấy. Anh bị thương nặng ư? Ở đầu à? Ở ngoài ga anh sẽ mệt đến chết mất. Ban đêm anh không được đi lại ở Maxkơva đâu. Họ sẽ giữ lại đấy. Vâng tôi nghe đây – Anh nói đi.
Cuộc nói chuyện bỗng nhiên ngắt quãng. Elêna Pêtrốpna chậm rãi buông ống nói.
- Có thể anh ấy sẽ gọi điện nữa. - Chị nói và ngồi xuống chiếc ghế dựa trên bàn, nhặt mẩu thuốc hút dở và rít mạnh
Mười lăm phút, rồi nửa giờ trôi qua. Không có ai gọi điện cả. Đồng hồ điểm hai tiếng
- Không, thế này thì không thể hiểu được! – Elêna Pêtrốpna nói to – Mình phát điên lên mất.
Chị lao lại phía cái tủ và mở tung nó ra. Con mèo phát hoảng chui xuống gầm đi văng. Elêna Pêtrốpna nhanh nhẹn lấy chiếc áo dài đen, dốc lọ nước hoa. Con mèo ngồi ở dưới đi-văng đang thu mình rình chuột, móng vuốt xoè ra giỡn bắt khi thì dải đăng ten khi thì chiếc mùi-xoa mỏng lất phất quanh nó. Nó thích trò chơi này mặc dầu nó nhăn mũi lại và còn hắt hơi về mùi hương lạ lùng của các vật lạ này.
Khi Elêna Pêtrốpna ra khỏi nhà đồng hồ điểm ba giờ. Maxkơva đang ngủ yên trong ánh sáng trắng của tuyết và những cây đèn.
Ở quảng trường Puskin, nhóm tuần tra giữ Elêna Pêtrốpna lại. Chị đưa họ xem giấy tờ và nói rằng chồng chị bị thương ở ngoài mặt trận đang qua Maxkơva. Bây giờ anh ấy đang ở gai Bêlôruxi và chị cần phải được gặp anh ấy. Khi nói đến chữ “chồng” Elêna Pêtrốpna đỏ mặt lên, nhưng không chiến sĩ nào trông thấy điều đó. Các chiến sĩ thì thầm nói với nhau, sau đó người nhiều tuổi nói:
- Có thể chị nói thật – Nhưng Maxkơva đang giờ thiết quân luật, chị ạ
- Việc gấp quá - chị nói đầy thất vọng
- Vấn đề là như vậy – người chiến sĩ nhiều tuổi nói – Giá chị có nhiều thì giờ thì nhất định chúng tôi cũng vẫn giữ chị lại. Đúng thế! Nào Xiđôrốp – anh ta nói với người chiến sĩ thấp lùn – Hãy giữ chiếc xe kia lại
Anh chiến sĩ chặn chiếc xe du lịch lại. Người có tuổi kiểm tra giấy tờ của người lái xe, nói gì đó với anh ta rồi quay sang Elêna Pêtrốpna:
- Chị ngồi vào đây! Xiđôrốp đi với nữ công dân đến nhà ga. Để kiểm tra, - anh nói thêm và mỉm cười. – Và để chị khỏi bị giữ lại lần nữa.
Elêna Pêtrốpna nhanh nhẹn bước vào căn phòng xanh nhạt của nhà ga và lập tức chị thấy nghẹt thở. Chị tưởng như trái tim mình dừng lại. Nếu có thể, chị sẽ nhắm mắt lại, dựa vào tường đứng yên để lắng nghe một cái gì đang vang vọng từ xa xăm và rất mỏng manh có thể từ ngọn lửa chùm đèn nhà ga, có thể là ngay trong mạch máu thái dương chị
Những con người mệt mỏi đang ngồi gục trên những ghế dài bằng gỗ. Ở chiếc ghế đằng xa có một sĩ quan gầy gò vẻ mặt nhọc mệt đang ngồi. Mắt trái anh cuốn lớp băng đen.
Elêna Pêtrốpna lại gần anh và nói:
- Thế đấy…
Người sĩ quan nhanh nhẹn đứng dậy:
- Thế đấy… - Elêna Pêtrốpna nhắc lại và mỉm cười – Mà anh đúng hệt như tôi nghĩ
Gian phòng như thụt xuống rồi quay tròn. Pêtrốp đỡ Elêna Pêtrốpna và đặt chị ngồi xuống chiếc ghế nơi anh chiến sĩ đang ngồi, bối rối kéo vội bọc quân trang để chị ngồi được thoải mái hơn.
Elêna Pêtrốpna nhìn gương mặt đầy lo lắng đáng yêu và hầu như hoàn toàn quen thuộc của Pêtrốp, khẽ hỏi:
- Anh có hiểu gì không?
- Không, - Pêtrốp trả lời. – Và có gì phải hiểu?
- Có lẽ đúng thế, không cần – Elêna Pêtrốpna đồng ý và thở dài. - Tội nghiệp anh, em đã làm anh sợ. Tay anh lạnh cóng thế này. - Chị cầm bàn tay Pêtrốp và sưởi ấm nó giữa hai lòng bàn tay mình
- Cái này là về lâu dài. - Chị nói như chính với mình
Pêtrốp yên lặng. Trong giọng nói của Elêna Pêtrốpna có cả sự dịu dàng và sự lo âu như đêm tháng chạp. Trên sân ga, khi gió từ sa mạc thổi về làm bay tuyết khô, Pêtrốp yên lặng, nhưng anh tưởng rằng anh đã nói hết với Elêna Pêtrốpna
… Thành phố Trung Á đón Pêtrốp với tuyết trắng và vừng mặt trời lồ lộ trên bầu trời xuân trong vắt. Tuyết phủ đầy trên các cành cây cổ thụ, trên hàng rào và cả đường dây điện thoại. Đường phố to rộng sáng chói như được xé ra từ những đống tuyết lấp lánh muôn vàn hình sao tuyết. Dãy núi Alatao toả sáng về thành phố qua lớp băng xanh lam tinh khiết. Đôi khi đất lở trên triền núi và bụi trắng bốc mùi lên
Những con la đủng đỉnh trên phố lắc lư đôi tai cứng lạnh. Nước óc ách trong các hố băng và những bông hoa đại cúc phủ đầy tuyết mịn, xoè nở trong các thửa vườn nhỏ như những bông hồng mùa đông khổng lồ
Pêtrốp hít thở say sưa không khí mùa đông thậm chí làm anh choáng váng
Pêtrốp ngạc nhiên nghĩ rằng thành phố này một năm trước đây tưởng chừng như ảm đạm và dữ dội, giờ đây ký ức thô cứng của anh lại hé ra trong quá khứ những ngày tươi sáng, bầu trời trong trẻo, mùi lá mục và vẻ yên tĩnh của những khu vườn cổ xưa. Trước đây anh không nhận ra điều đó. Vì sao? Có thể vì anh chỉ có một mình và nhìn tất cả chỉ có một mình. Vì bên anh không có bàn tay ấm áp, không có đôi mắt tươi cười và giọng nói trầm ấm.
Pêtrốp sống ở ngoài thành phố trong nhà an dưỡng giữa giá lạnh tuyệt vời của núi cao, nơi những ngôi sao tưởng chừng như đông lại về đêm và bọc quanh lớp băng sắc nhọn.
Anh sống trong nỗi hội hộp lâng lâng không dứt. Sự hồi hộp càng tăng lên biến thành cảm giác của một niềm hạnh phúc hư ảo gần như không thể chịu đựng nổi, khi người ta mang đến cho anh một bức điện vỏn vẹn vài chữ: “Đón em, ngày hai mươi”
Sau bức điện tất cả chuyển động như một cơn lốc tuyết, làm loá mắt, ngạt thở, biến thế giới thành chiếc cầu vồng trắng
Sân ga ban đêm; giá rét đôi môi yêu quý run rẩy, giọng nói của nàng, con đường về nhà nghỉ chạy len giữa rừng táo dại, tiếng thác đổ xuống những đám tuyết đầy bọt cùng cây rừng đổ nát.
Và vừng sáng xanh biếc của những vì sao mọc trên đỉnh núi nối đuôi nhau thành chuỗi dài vĩnh cửu lấp lánh. Cả không khí của sa mạc, của núi và mùa đông phả vào mặt họ ở chỗ ngoặt, khi họ dừng lại trong phút chốc để nhìn lên những dãy núi về đêm lấp lánh ánh sáng của những hạt tuyết rắn mờ mờ. Và những lời của Elêna Pêtrốpna nói ra khe khẽ, gần như với sự tuyệt vọng
- Điều này là lâu dài, lâu dài. Có thể là mãi mãi…