10. Bình minh mưa
Bình minh mưa
Tàu thuỷ đến Navôlôki vào nửa đêm. Thiếu tá Kuzmin bước ra boong. Trời mưa phùn. Bến vắng tanh, chỉ có một cây đền lồng leo lét.
Đâu, tỉnh ở đâu? Kuzmin nghĩ. Trời tối, mưa rơi. Thật chẳng ra làm sao hết!
Chàng co rúm người, cài lại cúc áo choàng da. Từ mặt sông, gió lạnh thổi vào. Kuzmin tìm thuyền phó, hỏi xem tàu có đỗ lâu ở Navôlôki không.
- Khoảng ba tiếng. - Thuyền phó trả lời. - Còn tuỳ việc dỡ hàng. Đồng chí hỏi làm gì? Đồng chí còn đi tiếp cơ mà.
- Tôi phải chuyển hộ anh bạn cùng nằm quân y viện một bức thư cho vợ anh ấy. Chị ấy ở đây, ở tỉnh này.
- Vậy thì anh phải đi thôi! - Thuyền phó thở dài. - Trời tối như mực. Nhớ nghe còi, kẻo rớt lại đấy nhé!
Kuzmin xuống bến, trèo lên trên những bậc thang trơn nơi bờ sông dựng đứng. Nghe có tiếng mưa rơi tí tách trong những bụi cây. Chàng dừng một lát cho mắt quen với bóng tối và nhìn thấy một cỗ xe xộc xệch với con ngựa buồn bã. Mui xe đã giương và từ trong xe vẳng ra tiếng ngáy.
- Này ông bạn! - Kuzmin nói lớn. - Ông ngủ quên để xe đi qua thiên đàng mất rồi.
Người đánh xe cựa mình, chui ra, hỉ mũi, lấy vạt áo lau, rồi mới hỏi:
- Đi hả?
- Đi.
Kuzmin đồng ý.
- Đi đâu bây giờ?
Kuzmin nói tên phố.
- Thế thì xa. - Người đánh xe bối rối. - Mãi trên đồi kia. Ít nhất cũng phải chi một chai ngang đấy, ông ơi!
Người đánh xe giật cương, giục ngựa. Chiếc xe uể oải chuyển bánh.
- Thế nào, bác là người đánh xe độc nhất ở Navôlôki này hay sao?
Kuzmin hỏi.
- Có hai lão già chúng tôi thôi. Còn thì đang chiến đấu. Đồng chí đến nhà ai vậy?
- Đến nhà Basilốp.
- Tôi biết! - Ông già nhanh nhẹn ngoái lại. - Đồng chí đến thăm chị Onga Anđrêepna, con gái bác sĩ Anđrê Petrôvich, chứ gì! Chị ấy ở Maxcơva về đây, ở nhà cha từ năm ngoái. Bác sĩ mất đã hai năm! Nhưng nhà vẫn là của họ….
Xe lắc mạnh, nó kêu lọc xọc và rút được một bánh ra khỏi cái hố.
- Bác nhìn đường cho cẩn thận. - Kuzmin khuyên. - Chớ trông ngang trông ngửa.
- Đường với đất, rõ... - Người đánh xe lầu bầu. - Ban ngày mà đi con đưòng này đến phát sợ. Nhưng đêm thì không sao. Ban đêm không trông thấy ổ gà.
Ông lão im lặng. Kuzmin châm thuốc, ngả người dựa hẳn vào phía trong. Mưa rơi lộp độp trên mui. Những con chó sủa xa. Mùi thìa là, mùi hàng rào ướt và hơi ẩm của sông bốc lên. “Ít nhất cũng đã một giờ sáng”, Kuzmin nghĩ. Thực vậy, quả chuông rạn trên một gác chuông nhà thờ đâu đấy điểm một tiếng ngay lập tức sau khi anh nghĩ.
Giá mình cứ ở đây cho đến hết phép. Chàng lại nghĩ. Chỉ riêng không khí này cũng đủ làm tiêu tan những điều phiền muộn sau khi mình bị thương. Mình sẽ kiếm một căn phòng có cửa sổ mở ra vườn. Trong một đêm như đêm nay mình sẽ mở toang cửa sổ, nằm xuống trùm chăn kín mà nghe mưa gõ trên những cây ngưu bàng.
- Vậy ra đồng chí là chồng chị ấy?
Ông lão đánh xe hỏi.
Kuzmin không đáp. Ông lão tưởng viên sĩ quan không nghe rõ nhưng không dám hỏi lại.
Đúng là chồng. Ông lão phán đoán. Thế mà thiên hạ nói láo là chị ấy đã bỏ chồng từ trước chiến tranh. Rất láo toét.
- Đồ quỷ! - Ông lão với lấy dây cương, cho con ngựa gầy còn da bọc xương một cái vụt. - Cứ sục vào chỗ lầy mà đi!
Thật vớ vẩn, tàu trễ, mãi đến đêm mới tới đây. Kuzmin nghĩ. Tại sao Basilốp (người bạn cùng nằm viện với anh) khi biết mình sẽ đi qua Navôlôki lại nhờ chuyển thư tận tay cho vợ anh ta? Thế là đành phải đánh thức họ dậy, có trời mới biết thiên hạ sẽ nghĩ gì về chuyện ấy!
Basilốp là một viên sĩ quan cao lớn, hay giễu cợt. Anh nói nhiều và thích tán dóc. Trước khi nói một câu gì sâu sắc, anh cười không ra tiếng một lúc đã. Trước kia, khi chưa được huy động vào quân đội, Basilốp giúp việc một đạo diễn điện ảnh. Tối nào anh cũng kể tỉ mỉ cho bạn bè cùng phòng nghe những cuốn phim nổi tiếng. Anh em thương binh thích nghe Basilốp kể, chờ đợi những câu chuyện của anh và ngạc nhiên vì trí nhớ của anh. Basilốp nhận xét một cách khắt khe đối với người, sự kiện và sách vở. Anh rất cứng cổ và giễu cợt bất cứ ai định phản đối mình. Nhưng Basilốp giễu cợt một cách ranh ma - dùng lối nói đùa cạnh khoé và người bị anh giễu thường hai ba giờ sau mới sực hiểu ra rằng mình bị Basilốp xỏ xiên và cố nghĩ câu trả lời cho thực cay độc. Nhưng tất nhiên là đã muộn.
Một ngày trước khi Kuzmin đi, Basilốp đưa cho chàng một bức thư nhờ chuyển cho vợ mình và lần đầu tiên Kuzmin nhìn thấy trên mặt Basilốp một nụ cười bối rối. Rồi đêm ấy Kuzmin nghe thấy Basilốp trằn trọc trở mình và khụt khịt mũi trên giường. Có lẽ anh chàng cũng chẳng đến nỗi khô khan lắm, Kuzmin nghĩ. Hình như anh chàng đang khóc. Nghĩa là anh chàng yêu. Và yêu một cách nồng nhiệt nữa là khác.
Suốt cả ngày hôm sau Basilốp không rời Kuzmin nửa bước, thỉnh thoảng lại liếc nhìn chàng và tặng chàng chiếc bi đông phát cho sĩ quan. Lúc Kuzmin sắp lên đường họ cùng nhau uống cạn một chai vang mà Basilốp đã giấu được.
- Sao anh cứ nhìn tôi chằm chằm thế?
Kuzmin hỏi.
- Thiếu tá thân mến ạ, anh là một người tốt. - Basilốp đáp. - Anh có thể là một nghệ sĩ lắm.
- Tôi làm nghề họa đồ. - Kuzmin trả lời. - Mà những người họa đồ vốn đã là những nghệ sĩ rồi.
- Vì sao?
Kuzmin trả lời lửng lơ:
- Vì họ là những kẻ lang thang.
- “Những kẻ lưu vong đất khách quê người, những kẻ lãng du và những nhà thơ”. - Basilốp giễu cợt tuyên bố.- Ai mà chả muốn được như họ, nhưng rồi chẳng làm nên gì hết.
- Anh trích thơ ai đấy?
- Của Vêlôsin. Nhưng vấn đề không phải là ở chỗ đó. Tôi nhìn anh như thế là vì tôi ghen với anh.
- Anh ghen với tôi cái gì kia chứ?
Basilốp xoay đi xoay lại cái cốc trong tay, ngả lưng vào thành ghế và nhếch mép cười. Hai người ngồi ở cuối hành lang quân y viện, bên một chiếc bàn mây. Bên ngoài cửa sổ, gió uốn cong những cây non, reo lên trong lá và đưa bụi bay đi. Một đám mây trĩu nước từ ngoài sông đang tiến vào thành phố.
- Tôi ghen gì với anh? - Basilốp hỏi lại và đặt bàn tay hồng hào của anh ta lên tay Kuzmin. - Tôi ghen với anh vì tất cả, ghen cả với bàn tay anh.
- Tôi không hiểu gì hết. - Kuzmin nói và khẽ rụt tay ra. Bàn tay lạnh lẽo của Basilốp chạm vào làm chàng khó chịu. Nhưng để Basilốp khỏi nhận thấy điều đó, chàng cầm lấy chai rượu vang và bắt đầu rót.
- Anh mà lại không hiểu! -Basilốp bực bội đáp. Anh ta im lặng một chút, nhìn xuống và nói. - Giá mà chúng ta được đổi chỗ cho nhau nhỉ! Nhưng thôi, nói chuyện ấy làm quái gì! Hai ngày nữa anh đã đến Navôlôki. Anh sẽ gặp Onga Anđrêepna. Nàng sẽ bắt tay anh. Vì thế mà tôi ghen. Giờ thì anh hiểu rồi chứ?
- Sao anh lại nói thế! - Kuzmin bối rối. - Anh rồi cũng sẽ gặp vợ anh kia mà.
- Nàng không phải là vợ tôi - Basilốp trả lời, giọng gay gắt.
- May mà anh không dùng chữ “phu nhân”. - Kuzmin lẩm bẩm.
- Nàng không phải là vợ tôi. - Cũng vẫn gay gắt như thế, Basilốp nói. - Nàng là tất cả. Tất cả cuộc đời tôi. Nhưng thôi ta không nói chuyện ấy nữa!
Basilốp đứng lên và đưa tay cho Kuzmin:
- Vĩnh biệt anh. Xin anh đừng giận tôi. Tôi cũng không đến nỗi tồi hơn những người khác.
Chiếc xe đi lên đê. Trời càng tối hơn. Trên những cây bạch liễu cổ thụ mưa ngái ngủ từ những chiếc lá lao xao rơi xuống. Vó ngựa đập trên cầu lát ván.
“Xa thực!” Kuzmin thở dài và nói với ông lão đánh xe. -Bác đợi tôi bên cạnh nhà nhé! Rồi đưa tôi trở lại bến…
- Được thôi - Ông lão bằng lòng ngay tức khắc và nghĩ. Không, thế thì không phải chồng rồi. Chồng thì thế nào cũng ở lại vài ba ngày chứ. Chắc người ngoài.
Bắt đầu đến một con đường đá cuội. Chiếc xe lúc lắc, cái bệ bằng sắt kêu lạch cạch. Ông lão cho xe quặt sang vệ đường. Bánh xe êm ái lăn trên cát ẩm. Kuzmin lại suy nghĩ.
Basilốp bảo ghen với chàng. Tất nhiên, anh ta chẳng ghen gì hết. Chẳng qua anh ta đã dùng không đúng cái tự muốn nói ra. Sau cuộc trò chuyện với Basilốp bên cửa sổ bệnh viện, Kuzmin, ngược lai, bắt đầu thấy ghen với anh ta. “Lại không đúng từ rồi sao?” Kuzmin bực bội tự nhủ. Chàng không ghen. Chàng chỉ tiếc. Chàng tiếc rằng mình đã bốn mươi, nhưng chưa bao giờ có được một tình yêu như Basilốp. Lúc nào chàng cũng chỉ có một mình.
“Đêm, mưa rơi xào xạc trên những khu vườn hoang vắng, tĩnh lặng, sương mù từ những cánh đồng cỏ bay qua và thế là cả cuộc đời cũng qua nốt.” Không hiểu sao Kuzmin lại nghĩ như thế.
Chàng bỗng thấy muốn ở lại đây. Chàng yêu những tỉnh lỵ Nga, nơi đứng ở thềm nhà cũng có thể nhìn thấy những cánh đồng ở bên kia sông, những con đường rộng bò lên núi, những chiếc xe chở rơm trên những chuyến phà. Tình yêu ấy làm cho chính chàng cũng phải ngạc nhiên. Chàng sinh trưởng ở phương Nam trong một gia đình miền biển. Cha chàng để lại cho chàng tính ham thích tìm tòi, những bản đồ địa lý và cuộc sống lang thang. Vì thế chàng đã trở thành nhân viên họa đồ. Kuzmin đã coi việc chọn nghề là ngẫu nhiên. Chàng nghĩ, nếu sinh ra vào lúc khác, có khi mình đã là thợ săn hoặc người đi tìm đất mới. Chàng thích nghĩ về mình như thế, nhưng chàng đã nhầm. Tính tình chàng không có có gì giống người làm những nghề kia. Kuzmin nhút nhát và hiền lành đối với xung quanh. Những sợi tóc phơn phớt bạc tố cáo tuổi chàng. Nhưng nếu nhìn người sĩ quan tầm thước, gầy gò không ai dám đoán chàng quá ba mươi.
Chiếc xe ngựa cuối cùng rồi cũng đi vào tỉnh lỵ tăm tối. Chỉ có một ngọn đèn xanh cháy sáng sau cửa kính một ngôi nhà, chừng là hiệu thuốc. Đường phố dẫn lên núi. Người đánh xe bỏ chỗ ngồi, bước xuống cho xe nhẹ thêm. Kuzmin cũng xuống theo, chàng đi tụt lại sau xe một quãng và bất thần chàng cảm thấy cả cái kỳ quặc của đời mình. Ta đang ở đâu đây? - chàng nghĩ - Cái tỉnh lỵ Navôlôki nào đó, một nơi xa vắng, móng ngựa làm bật ra những tia sáng. Ở đâu đây có một thiếu phụ mà ta không biết. Ta phải chuyển cho nàng, giữa đêm hôm khuya khoắt như thế này, một bức thư quan trọng và chắc chắn không phải là một bức thư vui. Hai tháng trước đang còn là mặt trận, nước Balan, con sông Vixoa êm đềm và rộng. Thực kỳ quặc! Và cũng thực là thú vị!
Xe đã đi qua đồi. Ông lão rẽ ngang vào một phố. Những đám mây đen có chỗ đã tản ra và trong cái đen tối trên đầu, đây đó lấp lánh một vì sao. Ngôi sao vụt ánh lên trong những vũng nước rồi lại tắt ngấm.
Xe dừng lại bên một ngôi nhà có chòi ở giữa.
- Đến rồi! - Ông lão đánh xe nói. - Chuông ở cổng phía bên phải.
Kuzmin sờ soạng tìm thấy nắm chuông gỗ và kéo xuống nhưng chàng không nghe thấy chuông kêu, chỉ có tiếng rin rít của sợi giây thép gỉ.
- Ông cứ giật mạnh vào!
Kuzmin làm theo. Ở sân trong sau nhà, quả chuông con lúc lắc. Nhưng trong nhà vẫn yên lặng như tờ, chắc chưa ai thức dậy.
- Ô... ô... ô...! - Ông lão ngáp. - Đêm mưa thế này người ta ngủ say bằng chết.
Kuzmin đợi một lát rồi giật mạnh hơn. Ở phòng lát gỗ có tiếng chân vẳng ra. Có người nào đến bên cửa sổ, dừng lại nghe ngóng rồi bực dọc hỏi:
- Ai vậy? Muốn gì?
Kuzmin định trả lời, nhưng ông lão đã nói trước.
- Mở cửa ra, Macfa. - Ông lão nói. - Có người ở mặt trận về gặp chị Onga.
- Ai ở mặt trận về? - Giọng nói sau cửa vẫn chẳng dịu dàng hơn trước chút nào. - Chúng tôi chẳng đợi ai cả.
- Không đợi, thế mà lại gặp đấy!
Cánh cửa hé mở. Trong bóng tối Kuzmin nói chàng là ai và vì sao chàng tới.
- Trời! - Người đàn bà đứng sau cửa sợ hãi kêu lên. - Ông rõ vất vả! Tôi mở cửa ngay bây giờ. Chị Onga đang ngủ. Mời ông vào, tôi sẽ đánh thức chị ấy dậy.
Cửa mở, Kuzmin bước vào phòng treo áo tối mò.
- Ở đây có bậc. – Người đàn bà dặn, giọng nói đổi hẳn, dịu dàng. - Đêm hôm thế này mà ông cất công đến! Ông đợi cho một chút kẻo vấp. Tôi châm đèn ngay bây giờ, ở đây đêm mất điện.
Bà ta đi, còn Kuzmin ở lại phòng treo áo. Từ các phòng bay ra mùi trà và một mùi gì đó nữa, êm ái. Một con mèo bước ra, cọ mình vào chân Kuzmin, nó kêu gừ gừ rồi trở vào căn phòng tối như muốn mời Kuzmin đi theo mình.
Đằng sau cánh cửa hé mở hắt ra một ánh sáng run rẩy yếu ớt.
- Mời ông.
Người đàn bà nói.
Kuzmin bước vào. Người đàn bà cúi chào chàng. Đó là một bà lão tầm vóc cao, mặt hơi đen. Kuzmin cố giữ cho khỏi gây ra tiếng động, bước đi gần như rón rén.
- Ông đừng ngại, đằng nào cũng phải đánh thức chị ấy.
Bà lão mỉm cười.
Kuzmin khe khẽ hỏi:
- Ở đây có nghe rõ còi tàu ngoài biển không cụ?
- Nghe rõ ông ạ! Rõ lắm! Cứ như tàu nọ nghe tàu kia thôi! Ông ngồi xuống đi.
Bà lão ra, Kuzmin ngồi xuống chiếc đi văng tựa gỗ.
Chàng do dự khi móc túi lấy thuốc hút. Chàng bối rối và nỗi bối rối khó hiểu ấy làm chàng tức giận. Cái cảm giác bao giờ cũng có khi ta ban đêm vào nhà người khác, bước vào một cuộc sống không phải là của ta, đầy bí mật và những điều khó hiểu, xâm chiếm tâm hồn chàng. Cuộc sống ấy giống như một cuốn sách bỏ quên trên bàn ở trang sáu mươi lăm nào đó. Kuzmin nhìn vào trang giấy ấy và cố đoán xem cuốn sách nói về chuyện gì, có gì bên trong?
Ở trên bàn có một cuốn sách ngỏ thực. Kuzmin đứng dậy cúi xuống và vừa lắng nghe tiếng thì thào vội vã bên kia cánh cửa và tiếng áo phụ nữ sột soạt, vừa đọc thầm những dòng chữ chàng quên bẵng từ lâu:
Cái không thể đã thành có thể
Con đường dài hóa dễ với ta
Nhọc nhằn chi mấy cũng qua
Cuối đường tìm kiếm khi ta thấy nàng
Kuzmin ngẩng đầu lên, nhìn quanh. Căn phòng thấp và ấm áp một lần nữa lại làm chàng muốn ở lại tỉnh lỵ này.
Căn phòng với ngọn đèn treo trên bàn ăn, chụp đèn trắng đục, đôi sừng tuần lộc đóng trên bức tranh vẽ con chó bên giường bệnh một em bé gái, có một thứ ấm cũng đặc biệt vô tả. Những căn phòng như thế bao giờ cũng làm ta phải mỉm cười bởi mọi vật ở đó đều cổ lỗ, từ lâu ta đã lãng quên.
Mọi vật chung quanh, đến cái gạt tàn bằng vỏ ốc màu hồng đều chứng tỏ một cuộc sống dài và bình thường làm cho Kuzmin lại nghĩ rằng giá chàng được ở lại đây và sống như những người chủ ngôi nhà cũ kỹ này đã sống một cuộc sống không vội vã, làm rồi nghỉ ngơi, xuân rồi lại đông và những ngày nắng ngày mưa xen kẽ.
Nhưng bên cạnh các đồ vật cũ kỹ, trong phòng còn có những thứ khác. Trên bàn cắm một bó hoa đồng nội: hoa cúc, hoa phế hình, hoa thanh lung trà dại. Hoa chắc vừa mới hái. Chiếc kéo và những cành hoa bị cắt bỏ nằm trên khăn bàn.
Và bên cạnh là tập thơ “Con đường dài hoá dễ với ta” để ngỏ của Blôck. Chiếc mũ phụ nữ nhỏ nhắn màu đen đặt bên cuốn sách bìa nhung lam đặt trên mặt đàn dương cầm. Cái mũ hoàn toàn không cổ chút nào, rất hợp thời trang. Một chiếc đồng hồ con, dây mạ kền vứt cẩu thả trên bàn. Đồng hồ chạy rất êm, kim đồng hồ chỉ một giờ rưỡi… Mùi nước hoa bao giờ cũng phảng phất buồn, nhất là trong đêm khuya khoắt như đêm nay.
Một cánh cửa kính để mở. Bên ngoài cánh cửa, đằng sau những chậu thu hải đường, một bụi tử đinh hương ướt nước mưa lấp lánh dưới ánh sáng yếu ớt từ trong phòng lọt ra qua cửa kính. Mưa bụi thì thào trong bóng tối. Những giọt nước nặng hối hả đập vào lòng máng.
Kuzmin lắng nghe tiếng nước rơi, ý nghĩ về sự qua đi không thể nào lấy lại mỗi khoảnh khắc nhỏ nhất của thời gian, cái ý nghĩ dằn vặt con người thế kỷ này qua thế kỷ khác, đã đến với chính chàng lúc này, ban đêm, trong ngôi nhà xa lạ, và từ ngôi nhà ấy, một phút nữa thôi, chàng sẽ ra đi và không bao giờ trở lại.
Do tuổi già mà mình nghĩ thế hay sao? Kuzmin nghĩ và quay lại.
Một thiếu phụ vận đồ đen đứng ở ngưỡng cửa. Thiếu phụ hẳn vì vội ra tiếp khách nên chưa chải đầu cẩn thận. Một bím tóc rơi trên vai, và thiếu phụ, mắt vẫn không rời Kuzmin bối rối mỉm cười, nâng nó lên, lấy trâm cài vào đám tóc ở gáy. Kuzmin nghiêng người chào thiếu phụ. Nàng đưa tay cho chàng và nói:
- Xin lỗi anh. Tôi đã làm anh phải đợi.
- Chị là Onga Anđrêepna?
- Vâng.
Kuzmin nhìn thiếu phụ. Dáng trẻ trung với đôi mắt long lanh, sâu và hơi mờ của thiếu phụ làm chàng sửng sốt.
Kuzmin xin lỗi vì đã làm phiền rồi móc trong túi áo, lấy bức thư của Basilốp ra đưa cho tiếu phụ. Nàng cầm lấy, cám ơn chàng và đặt bức thư lên mặt đàn dương cầm, không đọc.
- Kìa, chúng ta cứ đứng mãi! - Nàng nói - Mời anh ngồi! Anh ngồi gần bàn đây này. Ở đây sáng hơn.
Kuzmin ngồi xuống bên bàn và xin phép được hút thuốc.
- Anh cứ tự nhiên. - Nàng nói. - Tôi cũng xin được hút cùng anh.
Luzmin mời nàng và đánh diêm. Khi thiếu phụ châm lửa, ánh diêm hắt lên mặt nàng và chàng thấy khuôn mặt trầm tư với vầng trán thanh sạch của nàng có vẻ quen quen đối với chàng.
Onga ngồi xuống, đối diện với Kuzmin. Chàng chờ đợi những câu hỏi, nhưng nàng chỉ im lặng và nhìn ra cửa sổ, nước mưa vẫn đều đều xào xạc.
- Macfa! - Onga nói và quay về phía cửa. - Bà đặt giúp tôi ấm chè.
- Không, không! - Kuzmin hốt hoảng. - Tôi phải đi ngay bây giờ. Người đánh xe còn đợi ngoài phố. Tôi chỉ định chuyển bức thư cho chị và nói với chị tin tức về… anh ấy.
- Có gì đáng nói đâu! - Onga trả lời, rút trong bó hoa ra một bông hoa cúc và tàn nhẫn vặt từng cánh. - Anh ấy còn sống thế là tôi mừng.
Kuzmin im lặng.
- Anh đừng đi vội. - Onga nói, bình dị như nói với một người bạn cũ. - Ở đây nghe rõ còi tàu. Chắc chắn tàu thuỷ chỉ chạy được trước khi trời sáng.
- Sao vậy?
Bà Macfa từ bên buồng chõ sang:
- Tại ở vùng này, phía dưới Navôlôki có một con mương lớn dưới dòng sông. Đêm hôm đi qua đấy nguy hiểm lắm. Vì thế các thuyền trưởng cứ phải chờ đợi trời sáng.
- Đúng như vậy. - Onga xác nhận. - Từ đây ra bến đi bộ chỉ hết mười lăm phút, nếu qua lối vườn hoa. Tôi sẽ tiễn anh. Còn bác đánh xe thì anh cho về thôi. Ai chờ anh? Có phải bác Vaxili không?
- Cái đó thì tôi lại không biết.
Kuzmin mỉm cười.
- Timôfây chở ông ấy tới đây! - Bà lão từ cửa phòng bên báo sang. Nghe rõ cả tiếng bà lắp ống khói cho ấm xamôva kêu long xong. - Ít nhất ông cũng phải uống trà đã. Chưa chi vừa mới ở ngoài mưa vào đã lại định ra mưa.
Kuzmin nhận lời. Chàng ra cửa trả tiền xe. Ông lão chưa đi vội, còn loay hoay bên con ngựa, chữa lại thắt đai.
Khi chàng trở vào thì bàn đã dọn. Những chiếc chén cũ màu xanh tô chỉ vàng, một bình sữa hâm nóng, mật ong và một chai rượu vang mới mở. Bà Macfa mang ấm xamôva vào.
Onga xin lỗi vì tiếp khách quá đạm bạc. Nàng nói đã chuẩn bị trở lại Maxcơva, nhưng hiện giờ vẫn còn tạm làm việc ở Navôlôki, tại thư viện tỉnh. Kuzmin đợi mãi xem rồi nàng có hỏi gì đến Basilốp không, nhưng nàng không hỏi. Vì thế chàng mỗi lúc một bối rối thêm. Từ khi vẫn còn nằm quân y viện chàng đã đoán giữa vợ chồng Basilốp có chuyện lủng củng. Nhưng lúc này, sau khi thấy Onga không đọc mà lại đặt thư lên bàn thì chàng tin mình đã đoán đúng. Và chàng cảm thấy như mình chưa tròn trách nhiệm đối với Basilốp và có lỗi nhiều trong chuyện đó. Chắc Onga sẽ đọc thư sau, chàng nghĩ. Nhưng chàng biết rõ một điều là bức thư mà Basilốp coi trọng, vì nó mà chàng phải tới ngôi nhà này vào một giờ bất tiện, đã không còn cần thiết và chẳng thú vị gì đối với người nhận. Thành thử Kuzmin đã không giúp gì được cho Basilốp mà còn đặt mình vào một tình thế khó xử. Onga như đoán được ý nghĩ của chàng, nàng nói:
- Anh đừng giận. Bưu điện có, điện tín có, không hiểu sao anh ấy lại còn phiền anh làm gì.
- Có phiền gì đâu! - Kuzmin vội nói và sau khi yên lặng một lát, chàng tiếp. - Ngược lại, còn rất tốt nữa là khác.
- Anh nói cái gì tốt kia?
Kuzmin đỏ mặt.
- Cái gì tốt kia? - Onga hỏi lại, lần này nàng nói to hơn và ngước mắt nhìn Kuzmin. Nàng nhìn chàng, như cố đoán xem chàng nghĩ gì, một cách nghiêm nghị, người đưa hẳn về phía trước, chờ câu trả lòi. Nhưng Kuzmin chỉ im lặng.
- Anh nói đi, cái gì tốt?
Nàng hỏi lại một lần nữa.
- Biết nói với chị thế nào. - Kuzmin suy nghĩ, trả lời. - Đó là một câu chuyện đặc biệt. Tất cả những gì ta yêu mến thì ta lại ít gặp. Không biết người khác thế nào chứ tôi nghiệm bản thân thì đúng như vậy. Mọi điều tốt lành hầu như bao giờ cũng chỉ đi lướt bên ta. Chị hiểu ý tôi chứ?
- Tôi không hiểu lắm.
Onga trả lời và nhíu đôi lông mày.
- Giải thích như thế nào để chị hiểu đây? - Kuzmin nói. Chàng tự giận mình. - Chắc là chuyện đó cũng xẩy ra cả với chị. Từ trong cửa sổ toa tàu, chị bất thần trông thấy một cánh rừng bạch dương thưa thớt với một lưới mạng nhện mùa thu ánh lên trong nắng và thế là chị muốn nhẩy ngay ra giữa lúc tàu đang chạy để được ở lại cánh rừng ấy. Nhưng con tàu cứ đi qua. Chị nhoài người ra ngoài cửa sổ và nhìn lại những cánh rừng, những bãi cỏ rộng, những con ngựa, những nẻo đường làng đang vùn vụt chạy về phía sau và chị nghe thấy một tiếng reng reng mơ hồ. Vật gì kêu, chị không biết. Có thể là rừng hay không khí, hay tiếng rít của những giây điện thoại. Mà cũng có thể đó là tiếng reo của những thanh ray khi tàu chạy. Cái đó chỉ ánh lên trong khoảnh khắc nhưng ta chờ mãi suốt đời.
Kuzmin im lặng. Onga đẩy cốc vang lại phía chàng.
- Trong đời tôi. - Kuzmin nói và đỏ ửng mặt, chàng bao giờ cũng đỏ mặt khi phải nói về mình, - tôi vẫn hằng chờ đợi những chuyện bất ngờ và đơn giản ấy. Và nếu tôi gặp chúng, ấy là tôi hạnh phúc. Tuy chúng ngắn ngủi, nhưng tôi cũng đã từng gặp.
- Và bây giờ cũng vậy ư? - Onga hỏi.
- Vâng!
Onga nhìn xuống.
- Vì sao? - Nàng hỏi.
- Tôi không rõ. Nhưng tôi có cảm giác như vậy. Tôi bị thương trên sông Vixoa, rồi nằm quân y viện. Mọi người đều có thư từ gửi đến, riêng tôi thì không. Chẳng qua chỉ vì tôi chẳng có ai viết cho. Tôi nằm và tưởng tượng đến cuộc sống tương lai của mình sau chiến tranh như mọi người thường tưởng tượng. Tương lai ấy nhất định phải hạnh phúc và khác thường. Rồi tôi khỏi và người ta quyết định cho tôi đi nghỉ. Họ chỉ định một thành phố.
- Thành phố nào? - Onga hỏi.
Kuzmin nói tên thành phố. Onga không nói gì.
- Tôi xuống tàu. - Kuzmin nói tiếp. - Làng mạc ở hai bên bờ, những bến tàu. Và cảm giác cô đơn chán ngấy. Tôi xin chị, chị đừng nghĩ rằng tôi than phiền. Trong cô đơn cũng có nhiều cái tốt. Rồi Navôlôki. Tôi sợ ngủ quên. Đêm khuya tôi ra boong tàu và suy nghĩ: thực là lạ lùng vì trong bóng tối bao la trùm kín cả nước Nga, dưới bầu trời rả rích mưa, có hàng nghìn người khác nhau đang ngủ một cách yên lành. Rồi tôi đi xe ngựa đến đây và cứ đoán mãi: người tôi sẽ gặp là ai?…
- Nhưng điều gì làm anh hạnh phúc kia chứ? Onga hỏi.
- Không... - Kuzmin sực tỉnh. - Nói chung là tốt.
Anh im lặng.
- Kìa anh? Nói đi chứ!
- Nói gì kia? Tôi nói thế đã nhiều lời lắm, tôi đã nói những điều không đáng nói.
- Anh cứ nói hết. - Onga trả lời. Nàng như không nghe rõ những từ cuối cùng trong câu nói của chàng. - Nói tất cả những gì anh muốn. - Nàng nói thêm. - Dù cho điều đó có hơi kỳ quặc đi chăng nữa.
Nàng đứng dậy đến bên cửa sổ, gạt chiếc rèm sang một bên. Mưa vẫn không ngớt.
- Chị nói cái gì kỳ quặc kia?
Kuzmin hỏi.
- Mưa vẫn rơi! - Onga nói và quay lại. - Đấy, cuộc gặp gỡ như thế này. Và tất cả câu chuyện đêm khuya giữa chúng ta. Cái đó chẳng kỳ quặc hay sao?
Kuzmin bối rối im lặng.
Trong bóng tối ẩm ướt bên ngoài cửa sổ, ở một nơi nào đó dưới chân đồi, con tàu rúc lên.
- Thôi! - Onga nói như trút được gánh nặng. - Còi rồi!
Kuzmin đứng dậy. Onga vẫn không nhúc nhích.
- Gượm đã, - nàng nói, bình tĩnh. - Chúng ta ngồi với nhau một lát trước khi anh lên đường. Như tục cũ ngày xưa.
Kuzmin lại ngồi xuống. Onga cũng ngồi xuống, suy nghĩ và quay mặt đi, không nhìn Kuzmin. Chàng đưa mắt nhìn đôi vai nàng nhô lên, nhìn những bím tóc dày búi sau gáy, đường cong thanh tao nơi cổ nàng và nghĩ rằng nếu không có Basilốp thì chàng sẽ chẳng rời bỏ cái tỉnh lỵ này mà đi đâu hết. Chàng sẽ ở đây cho đến hết hạn nghỉ phép và sẽ sống, bồi hồi biết rằng bên cạnh chàng có người thiếu phụ đáng yêu và rất buồn bã giờ đây.
Onga đứng dậy. Trong phòng áo chật hẹp, Kuzmin giúp nàng khoác áo mưa. Onga lấy khăn, choàng lên đầu.
Hai người ra khỏi nhà, im lặng đi bên nhau trên đường phố tối.
- Trời sắp sáng. - Onga nói.
Bầu trời sũng nước đã rạng xanh bên kia sông, Kuzmin thấy Onga rùng mình.
- Chị lạnh à? - Chàng lo lắng. - Chị tiễn tôi thật vô ích. Tự tôi, tôi cũng có thể tìm được đường ra bến.
- Không, không vô ích đâu.
Onga trả lời ngắn ngủi.
Mưa đã qua nhưng những giọt nước vẫn từ trên mái nhà rơi lộp độp xuống hè phố lát gỗ.
Vườn hoa kéo dài tới tận cuối phố. Cổng mở. Liền sau cổng là những con đường rậm rạp, bỏ hoang, không người chăm sóc. Trong vườn có mùi lá ướt, hơi lạnh của đêm khuya. Đó là một khu vườn cũ, đen ngòm những cây bồ đề cao lớn. Chúng đã rụng hết hoa và đã hơi yếu ớt. Chỉ mỗi một lần gió ào ào kéo qua là cả khu vườn xao động tưởng chừng như có một trận mưa rào nặng hạt vừa đổ xuống rồi lại tạnh ngay.
Cuối vườn là bờ sông dựng đứng trên mặt nước và bên kia là những chân trời trước rạng đông ướt sũng nước mưa, ánh phù tiêu mờ mờ phía dưới, sương mù, tất cả nỗi buồn những ngày mưa mùa hạ.
- Ta xuống thế nào đây? Kuzmin hỏi.
- Anh lại đây.
Onga rẽ theo con đường thẳng tuột tới bờ sông dựng đứng, đứng bên cầu thang gỗ bắc xuống dưới và mất hút trong bóng tối.
- Anh đưa tay đây. - Onga nói. - Chỗ này có nhiều bậc thang mục.
Kuzmin đưa tay cho nàng và hai người thận trọng lần xuống. Giữa những bậc thang là cỏ ớt nước mưa.
Bậc bục gỗ cuối cùng, họ dừng lại. Đã trông rõ bến, những ngọn đèn xanh đỏ của con tàu. Hơi nước rít lên. Tim Kuzmin se lại, chàng nghĩ rằng, ngay bây giờ thôi, chàng sẽ phải chia tay với người thiếu phụ không quen biết nhưng lại gần gũi biết bao, chia tay với nàng mà không nói được gì; không nói gì hết. Cũng chẳng cám ơn nàng đã gặp chàng trên đường đời, đã đưa cho chàng bàn tay nhỏ bé, vững chãi sau lần bao tay ẩm, thận trọng dẫn chàng đi trên chiếc cầu thang ọp ẹp và cứ mỗi lần có một cành cây ướt sũng rủ xuống phía trên tay vịn có thể vướng vào mặt chàng thì nàng lại nói khẽ “Anh cúi đầu xuống”. Và chàng ngoan ngoãn vâng theo.
- Chúng ta chia tay nhau ở đây thôi. - Onga nói. - Tôi không đi hơn nữa đâu.
Kuzmin đưa mắt nhìn nàng. Qua nếp khăn choàng, đôi mắt Onga nghiêm nghị lo lắng nhìn chàng. Có lẽ nào giờ đây, trong phút này thôi, tất cả sẽ đi vào dĩ vãng và sẽ trở thành một trong những kỷ niệm xót xa trong cả đời nàng và trong cả đời chàng?
Onga đưa tay cho Kuzmin. Chàng hôn tay nàng và lại thấy vẫn cái mùi nước hoa thoang thoảng mà chàng đã thấy trong căn phòng tối, giữa tiếng mưa rơi xào xạc.
Khi chàng ngẩng đầu lên, Onga nói một câu gì, nhưng khẽ đến nỗi chàng không nghe rõ. Chàng ngờ rằng nàng chỉ nói độc một tiếng “Vô ích…” Có lẽ nàng còn nói điều gì nữa, nhưng con tàu dưới sông đã gầm lên, than thở vì buổi bình minh ẩm ướt, vì cuộc sống lang thang của nó trong những ngày mưa và trong những buổi sương mù.
Kuzmin chạy lên bờ sông, không ngoái lại. Chàng đi qua bến sông thoang thoảng mùi vỏ cây và mùi hắc ín, trèo lên tàu và bước ngay lên boong vắng tanh vắng ngắt. Con tàu bắt đầu rời bến, chân vịt quay chậm chạp.
Kuzmin đi lại đằng lái, nhìn về bờ sông dựng đứng, nhìn cái cầu thang: Onga vẫn đứng đấy. Trời hửng sáng và khó mà nhìn rõ ràng. Kuzmin giơ tay lên nhưng nàng không vẫy lại.
Con tàu mỗi lúc một đi xa, dồn vào đôi bờ cát những đợt sóng dài, làm những phù tiêu trên sóng lúc lắc và tiếng dội của những bụi miên liễu bên bờ đáp lại tiếng chân vịt vội vã của con tàu.