Cuộc Lữ Hành Kỳ Diệu Của Nilx Holyerxon Qua Suốt Nước Thụy Điển - Chương XXXI

Chương XXXI - Phần 1: Đêm Lễ Nữ Thánh Valbuy

Thứ bảy 30 tháng Tư

Ngày hôm đó Nilx trông thấy miền Nam tỉnh Đalarne. Đàn ngỗng bay trên vùng mỏ Grenyexbey rộng lớn, trên những xí nghiệp to lớn ở Luđvika, Đalelven. Lúc đầu hễ còn thấy những ống khói nhà máy chĩa lên sau mỗi sống núi có thể tưởng rằng mình còn ở tỉnh Vextmanland; nhưng khi đến gần dòng sông lớn, thì một cảnh tượng mới hiện ra dưới mắt chú. Đó là con sông đầu tiên đáng gọi là sông mà Nilx được gặp; chú ngạc nhiên khi trông thấy cái dòng nước rộng ấy chảy chầm chậm qua đất này.

Đến cầu phao Torxang thì đàn ngỗng quay lại hướng Tây-Bắc, bay dọc sông, tựa hồ dòng nước hướng đạo cho chúng. Nilx tha hồ ngắm hai bờ sông Đalelven, mà phần lớn quan sát nhà cửa trên những quãng dài. Chú thấy các thác nước lớn Đômnarvet và Kvarnxveden, và các nhà máy rộng lớn mà thác làm cho hoạt động. Chú thấy những cầu phao nổi trên mặt sông, những chiếc phà mà sông đưa đi, những bè gỗ dài mà sông cuốn đi, những đường sắt chạy theo và băng qua dòng sông, và chú biết rằng đó là một con sông lớn và tuyệt diệu.

Có một đêm mà tất cả trẻ con tỉnh Đalarne trông đợi đến sốt ruột gần như đêm Giáng Sinh, và đó là đêm lễ Nữ Thánh Valbuy mà chúng có thể đốt lửa ở ngoài đồng.

Nhiều tuần trước đêm đó, con trai con gái chỉ nghĩ đến việc cóp nhặt củi cho cuộc đốt lửa đêm lễ Nữ Thánh Valbuy. Chúng vào rừng nhặt nhạnh những bó cành khô và những quả thông, chúng đi kiếm vỏ bào ở nhà ông thợ mộc, những mẩu vỏ cây và những đoạn củi khẳng khiu quá không thể bổ được ở nhà các ông thợ rừng. Không ngày nào mà chúng không quấy rầy ông chủ hiệu tạp hóa, hỏi mua hàng cũ; đứa nào mà có thể kiếm được một cái vỏ tô-nô đựng hắc ín, thì giữ như một kho tàng bảo vật, và chỉ đem ra phô vào cái phút được nhen đống lửa. Những cọc đỡ cho đậu Po-ti-poa và đậu cô-ve, cô-bơ leo, đều làm nguy, cũng như những rào giậu bị gió thổi đổ, những dụng cụ hỏng gãy, và những giàn phơi cỏ bỏ quên ngoài đồng.

Ngày long trọng đến, trẻ con mỗi làng dựng trên một ngọn gò hay bên bờ một cái hồ, một dàn hỏa thực sự với những cây thông giáng sinh cũ, những cành khô và đủ các thứ chất đốt. Có khi một làng đốt những hai, ba đống lửa, vì trẻ con không thể đo đến chỗ đồng ý với nhau được.

Các đống củi thường đã xếp sẵn rất sớm từ chiều; tất cả trẻ con đều đi dạo chơi, bao diêm trong túi, chờ lúc tối trời. Cữ này trong năm, ở Đalarne trời sáng lâu ghê gớm. Đến tám giờ, hoàng hôn mới hơi bắt đầu. Đi dạo ngoài trời trong những ngày đầu xuân thế này, người rét cóng và rất khó chịu. Tuyết đã tan ngoài đồng và ở những nơi đất quang, và lúc giữa ngày mặt trời chiếu xuống thì người ta thấy gần như nóng; nhưng mà rừng còn giấu kín những đống tuyết cao, băng còn phủ các mặt hồ và về đêm lạnh nhiều độ dưới không. Bởi thế mà có thể nơi nọ nơi kia, một ngọn lửa đã đỏ lên trước giờ. Nhưng chỉ có những trẻ bé nhất, và những trẻ thiếu kiên nhẫn nhất, mới vội vàng như thế. Những trẻ khác đều chờ đêm tối để cho các đống lửa cháy đẹp.

Cuối cùng rồi cũng đến lúc bất cứ người nào đã mang đến một cành củi trong đống củi, cũng đều có mặt; và chú con trai lớn nhất đám đốt lên một cây đuốc rơm, đem đút vào dưới đống củi. Những ngọn lửa phụt lên, những cành cây nổ lốp bốp và kêu răng rắc; những cành mảnh mai cũng đỏ rực lên, trông như là trong suốt; khói tràn ra và tỏa ra cuồn cuộn thành những vòng đen rộng. Sau cùng, lửa từ ngọn đống củi cao vút lên, cao và sáng; lửa vọt cao lên trên không; khắp nơi trong vùng đều trông thấy.

Chỉ đến lúc ấy đám trẻ con mới có thì giờ nhìn ra chung quanh. Kia một ngọn lửa! Lại kia một ngọn! Người ta đốt một ngọn trên đồi đằng kia, và một ngọn tận trên đỉnh núi! Tất cả đám trẻ đều mong rằng lửa của mình to nhất và đẹp nhất; chúng cứ sợ lửa của mình không hơn được tất cả các lửa khác, và đến phút cuối cùng vẫn chạy về nhà, khẩn khoản xin thêm vài bó củi hay gỗ vụn nữa.

Khi lửa đã cháy to, người lớn và cả người già, đều đến xem lửa không phải chỉ nhìn đẹp, mà còn tỏa nhiều hơi ấm trong buổi tối trời lạnh, và người ta ngồi khắp chung quanh lửa, trên những tảng đá. Người ta ngồi đấy, mắt nhìn vào lửa, cho đến khi một người nào đó có ý kiến pha một tí cà phê, vì người ta có một ngọn lửa đẹp như thế. Và thường thì trong khi nước cà phê đang sôi, một người nào đó kể một chuyện; xong là người khác kể tiếp.

Người lớn nghĩ đến cà phê và truyện nhiều hơn, còn trẻ con thì chỉ nghĩ đến việc làm cho ngọn lửa bốc lên thật cao và cháy thật lâu. Mùa xuân với băng lở và tuyết tan đến muộn thế cơ mà! Đám trẻ muốn giúp sức mùa xuân bằng ngọn lửa của mình. Nếu không, hình như xuân không tài nào đâm chồi và nẩy lộc được.

Đàn ngỗng trời đã đổ xuống mặt băng của hồ Xilyan để ngủ, và vì gió bắc thổi dọc theo hồ, lạnh như băng, Nilx đã chui ngay xuống dưới cánh con ngỗng đực. Vừa mới thiu thiu ngủ, chú đã bị một tiếng súng nổ đánh thức dậy. Từ dưới cánh ngỗng chú vội vàng chui ra và nhìn chung quanh rất lo sợ.

Trên mặt băng tất cả đều im lặng. Rình mãi nhưng vô hiệu, chú chẳng trông thấy kẻ đi săn đâu cả. Nhưng, phóng mắt nhìn lên các bờ hồ, chú sửng sốt và tưởng đến một ảo cảnh quái dị như ở Vineta vậy.

Chiều hôm ấy, đàn ngỗng đã bay qua bay lại nhiều lần trên hồ trước khi đỗ xuống. Dọc đường bay, ngỗng đã chỉ cho chú những nhà thờ to lớn và những làng mạc ở trên bờ hồ Xilyan. Chú đã trông thấy Lekxanđ,

Rettvik, Môra, đảo Xôllêro. Toàn thể vùng này xem ra bình yên và vui tươi hơn chú đã tưởng nhiều. Chú chẳng thấy có chút gì là hung gở và khủng khiếp cả.

Thế mà, đang đêm thế này, cũng trên những bờ hồ ấy lại rực sáng lên một vòng lửa. Chú thấy lửa cháy ở Mora phía Bắc hồ, trên các bờ của đảo Xôllêro, ở trong Vikarbuyn, ở những ngọn núi Lerdalen, trên tất cả các đồi và mũi đất cho đến tận Lekxand. Chú đếm được hơn trăm đống lửa, và chúng không hiểu như thế là nghĩa thế nào.

Các ngỗng trời cũng bị tiếng nổ làm cho tỉnh dậy, nhưng tức khắc, trông thấy cái cảnh đang diễn ra, Akka kêu lên: “Đó là trẻ con của loài người, chúng vui chơi”. Và tất cả đàn ngỗng lại đều ngủ ngay, đầu chui xuống dưới cánh.

Nilx nhìn kỹ hồi lâu những đống lửa trang hoàng cho bờ hồ như một chuỗi dài những đồ nữ trang bằng vàng. Chú bị ánh sáng và hơi ấm thu hút như một con muỗi, và chú rất muốn đến gần các đống lửa. Chú nghe súng nổ hết tiếng này đến tiếng khác, cái ấy cũng thu hút chú vì chú hiểu rằng chẳng có chút nguy hiểm nào cả.

Những người ở đằng kia, chung quanh các đống lửa, hình như vui thích quá chừng, đến mức hò hét, kêu gọi nhau chưa cho là đủ, lại còn dùng đến cả súng nữa. Và kìa, quanh một đống lửa cháy rực tận trên đỉnh một ngọn núi, người ta đang bắn pháo hoa. Người ta đã có một đống lửa to và đẹp, bốc cháy rất cao, nhưng người ta còn muốn hơn thế nữa; niềm vui của người ta còn cần bay bổng lên trời.

Dần dần Nilx đến gần bờ; bỗng những âm điệu của một bài hát lọt đến tai chú. Thế là chú liền chạy về phía đất liền.

Ở bờ trong cùng của vũng Rettvik, có một cái đập dài tiến ra phía trước; tận đằng mút đập, một nhóm người đứng hát; tiếng họ vang lên trong cảnh đêm yên tĩnh của mặt hồ. Có thể nói là mùa xuân đối với họ dường như đang ngủ như những con ngỗng trời trên mặt hồ Xilyan, và họ muốn đánh thức mùa xuân dậy.

Họ đã mở đầu bằng câu: “Ta biết một xứ rất xa trên phía Bắc, rồi khi mùa hè đẹp tuyệt và đất vui mừng, hai con sông lớn ở gần Đala tiến bước về Tuna, cường tráng, can đảm và những con người dùng cảm” rồi họ kết thúc bằng bài: “Ở Đalarne xưa đã sống nay vẫn sống”. Tất cả bài hát của họ đều nói đến Đalarne. Trên đập chẳng có chút lửa nào và những người hát không thể nhìn thấy xa nhưng cùng với những âm điệu đang hiện lên trước mắt họ và trước tất cả mọi người, hình ảnh của đất nước họ, rực rỡ hơn và dịu dàng hơn ngay trong ánh sáng của ban ngày. Dường như họ muốn làm cho mùa xuân phải xiêu lòng! “Hãy nhìn đất nước đang chờ xuân! Xuân chẳng đến giúp chúng ta sao? Xuân còn cứ để mùa đông áp bức một đất nước xinh đẹp đến thế này sao?”

Còn tiếng hát là Nilx còn lắng tai nghe; sau đó chú chạy vụt về phía đất liền. Một đống lửa cháy ngay trên bãi. Chú tiến đến gần, đến mức có thể nhìn thấy những người ngồi hay đứng chung quanh đống lửa. Lại lần nữa, chú tự hỏi đó có phải là một ảo ảnh không. Chú chưa bao giờ được thấy những kẻ ăn mặc như thế. Đàn bà đội những mù đen, nhọn, mặc áo chẽn ngắn bằng dạ trắng; quàng những khăn thêu hoa lá quanh cổ, diện những yếm bằng lụa màu lục và những váy màu đen phía trước thêu những sọc trắng, đỏ, lục và đen. Đàn ông đội mũ tròn và thấp, mặc áo ngoài màu xanh rất dài, các đường may đều viền đỏ, những quần bằng da màu vàng, ở đầu gối buộc những ruy băng màu đỏ trang trí những quả cầu bằng len lòng thòng. Có phải vì những bộ y phục ấy mà Nilx dường như thấy những người đó không giống cư dân ở tỉnh khác; họ có vẻ cao lớn hơn và cao quý hơn. Nilx nhớ lại những bộ quần áo cổ mẹ chú giữ tận đáy chiếc hòm to của bà, và từ lâu rồi chẳng có ai ở tỉnh Xkônê còn mặc nữa. Vậy ra chú được duyên may trông thấy những con người ngày xưa, đã sống cách ngày nay trăm năm rồi sao?

Đó chỉ là một ý nghĩ thoáng hiện ra trong óc và chú thấy rõ trước mặt là những người đàn ông và những người đàn bà đang sống thật và loại ý nghĩ như thế mà chú đã có là đơn thuần. Chỉ vì những người dân ven hồ Xilyan đã giữ gìn những quần áo, tiếng nói địa phương và các tập quán của quá khứ tốt hơn ai hết.

Chú cũng hiểu ngay rằng những người ngồi cạnh lửa kia đang nói chuyện ngày xưa. Họ kể lại chuyện những năm tháng thanh xuân của họ, chuyện của thời mà họ phải di cư đến các tỉnh khác để làm việc kiếm chút gì nuôi sống gia đình. Chú nghe nhiều chuyện như thế, nhưng mà chú nhớ kỹ nhất là chuyện kể lại những gì mà một bà lão đã phải trải qua.

Phần 2: Chuyện kể của Muyr–Kerxti

“Bố mẹ tôi có cái trại nhỏ ở Ơxybyơkar, nhưng nhà quá đông con mà thời buổi lại khó khăn, đến nỗi mười sáu tuổi tôi đã phải ra đi. Độ hai chục trai gái ra đi cùng một lúc với tôi. Và, ngày 14 tháng Tư năm 1845 tôi đến Xtôckhôlm lần đầu.

Tất cả tiền bạc tôi có chỉ là hai mươi bốn shilling còn thức ăn thì tôi đã mang theo mấy khoanh bánh mì, một súc thịt vai bê non và ít phomai, phần lớn tôi để trong một cái túi da, gửi nhờ trên xe của một bác nông dân cùng với áo quần lao động.

Với ba anh bạn đồng hành tôi lên đường cái đi Falun. Chúng tôi đi ba chục, bốn chục kilomet. Cứ nghĩ đến việc đàn bà ngày nay đi đoạn đường đó chỉ mất tám, chín giờ ngồi trên một chiếc xe lửa đủ tiện nghi.

Trong các phố Xtôckhôlm, thiên hạ cứ quay lại nhìn chúng tôi và bảo nhau: “Kìa, trung đoàn tỉnh Đalarne đấy!”. Mà đúng thế, người ta nói là một trung đoàn thật, không sai đâu vì chúng tôi đi qua phố xá với những đôi giày gỗ mà ông thợ giày đã đóng gót vào ít ra mười lăm cái đinh to tướng. Vì chúng tôi không quên đi trên những lòng đường vồng lên khum khum nên có người trượt ngã.

Chúng tôi ở tại một nhà riêng cho người tỉnh Đalarne trọ trên hiệu là Con ngựa trắng, ở phố Những nhà tắm lớn, trong khu phố Xơđơr. Những người ở Mora thì trọ một cái nhà tương tự mà người ta đặt tên là Vương miện lớn. Tôi phải tìm việc làm ngay vì hai mươi bốn shilling của tôi chỉ còn mười tám. Một cô gái tỉnh Đalarne bảo tôi nên đến gặp một ông đại úy kỵ binh ở Hornxtull mà xin việc làm. Tôi ở tại đó bốn ngày, trông nom vườn rau, mỗi ngày được hai mươi lăm shilling và ăn uống thì tự túc. Tôi chẳng đủ tiền mua được gì, nhưng các cô con gái bé của nhà chủ thấy tôi ăn uống ít ỏi quá chừng, cứ chạy xuống bếp xin cái ăn cho tôi.

Sau đó tôi đến làm ở nhà một bà ở phố Norrland, cái buồng tôi ngủ thật thảm hại, chuột cống vào cắn rách cả khăn quàng, cả mũ, cả túi da, tôi phải vá lại với da ở ống một chiếc ủng cũ mà người ta cho tôi. Tôi chỉ có thể ở đấy mười lăm hôm rồi lên đường về nhà để đem về hai rixdaler kiếm được.

Tôi đi qua Lekxand và ở lại vài ngày trong cái làng tên là Rơnnex. Tôi nhớ là người ta nấu bột hương mạch tráng mỏng dính trộn với cám và mày lúa. Cái thời đói kém ấy họ chẳng có gì khác mà ăn cả.

Ôi, cái năm ấy chẳng ra gì, rồi năm tiếp theo lại càng tệ hơn. Lại một lần nữa tôi phải ra đi để cho gia đình có cái mà ăn. Cùng với hai cô gái Đalarne tôi đi đến Huđikvall cách đây hai trăm bốn mươi kilomet. Và suốt dọc đường phải đeo lấy các túi vì không có cách gì thuê chỗ cả. Chúng tôi nghĩ là có thể tìm được việc làm vườn nhưng khi đến nơi thì tuyết vẫn chưa tan. Thế là tôi phải đi khắp thônóm vào các trang trại nói năng dịu dàng hỏi xem họ có công việc gì cho mình làm không. Lạy Chúa! Tôi đã kiệt sức và sắp chết đói mới tìm được một cái trại mà người ta nhận cho tôi phải chải len, tiền công tám shilling một ngày. Khi mùa xuân đến thì tôi kiếm được việc làm vườn ở thành phố và ở đấy đến tháng bảy. Nhưng đến lúc ấy thì tôi nhớ bố mẹ và các em quá và liền trở về Rettvik là vì tôi mới có mười bảy tuổi, đến nỗi phải đi chân đất hai trăm bốn mươi kilomet. Nhưng dù vậy, tôi vẫn sung sướng vì đã dành dụm được mười lăm đồng rixdaler và đã đem về cho các em tôi mấy cái bánh sữa và một gói đường miếng mà tôi đã để dành được, mỗi lần uống café người ta dọn cho hai miếng đường thì tôi cất lại một miếng.

Ngày nay các cô ngồi đây, các cô gái tỉnh Đalarne ạ, mà các cô không viết là phải đội ơn Chúa đến mức nào vì Chúa đã cho các cô thời buổi tốt hơn trước rất nhiều. Vì thuở ấy, những năm đói kém cứ tiếp theo nhau mãi. Tất cả trai gái tỉnh Đalarne đều bắt buộc phải đi kiếm tiền. Năm sau là năm 1847, tôi lại đi Xtôckhôlm lần nữa, và tìm được việc ở vườn Xtôra Hornxbey. Chị em người Đalarne chúng tôi khá đông và được trả công khá hơn một ít, nhưng dù sao cũng phải thắt lưng buộc bụng để dành dụm đồng tiền chứ. Trên những bãi cỏ của khu vườn, chúng tôi nhặt những cái đinh cũ và những mẩu xương đem bán lại cho người mua giẻ rách rồi lấy tiền mua cái thứ bánh mì họ nung cho lính ăn, rắn như đá. Đến cuối tháng bảy, tôi lại về nhà để giúp gia đình gặt hái. Lần ấy tôi để dành được ba chục rixlader.

Năm tiếp theo, tôi lại phải đi nữa. Tôi trọ ở Xtallmextargorden, gần Xtôckhôlm, mùa hè ấy có tập trận gần Lagordxyerdet và người chủ hiệu ăn cử tôi đi phục dịch ở một căng tin lưu động. Không, dù tôi có sống đến trăm tuổi, cũng chẳng bao giờ tôi quên được cái ngày mà họ yêu cầu tôi thổi tù và của dân chăn bò các bài của quê mình, và trước mặt quốc vương Oxcr I ở Yerdet! Để thưởng nhà vua bảo cho tôi một đồng tiền hai rixdaler.

Sau đó tôi chèo thuyền trên hồ Brunnxviken, qua lại giữa Albano và Haga nhiều năm liền. Đó là thời thích thú nhất. Có khi khách đi thuyền biết là chúng tôi có mang theo tù và, bèn tự chèo lấy thuyền để chúng tôi thổi tù và. Đến mùa thu, không ai sang ngang nữa, tôi lên các trại ở tỉnh Uppland để đập lúa mì. Gần đến lễ Giáng Sinh thì về quê, thường có được khoảng hai trăm rixdaler. Cũng được trả công đập thóc bằng lúa mì nữa, và trong mùa đông, bố đem xe trượt lên tải về. Vâng, bà con thấy đấy, mấy anh chị em tôi mà không đem tiền về góp cái phần chi tiêu của mình thì gia đình lấy gì mà sống được. Là vì lúa mì chúng tôi trồng, thường đến Giáng Sinh là đã hết sạch, mà thuở ấy người ta ít trồng khoai lắm. Thế là phải mua lúa mì ở hiệu buôn, mà hương mạch thì hai mươi bốn rixdaler, và lúa mạch bốn mươi rixdaler một thùng, không tằn tiện làm sao được và cho tôi nói với bà con là cái bánh mì trộn rơm thời đó nó khó nuốt lắm! Muốn nuốt cho trôi, là cứ mỗi miếng phải hớp một hớp nước.

Tôi cứ tiếp tục đi con đường như thế cho đến cái năm lấy chồng, đó là năm 1856. Là vì Yôn và tôi biết nhau tại Xtôckhôlm, rồi thân nhau. Và khi trở về đây tôi cứ sợ là bọn con gái Xtôckhôlm làm cho anh ta mất trí. Họ cứ gọi anh ta là “Muyryon xinh trai”, là anh chàng “Đalarne đẹp trai”, tôi biết mà. Nhưng anh ta có tấm lòng thành thật và khi anh ta đã dành dụm đủ tiền là chúng tôi làm lễ thành hôn.

Tiếp theo là niềm vui không chút bóng tối trong mấy năm, nhưng như thế có được lâu đâu. Năm 1863, Yôn chết và tôi lại lẻ loi một mình với năm đứa con nhỏ. Chúng tôi cũng vẫn qua được, không đến nỗi nào, vì từ đấy mọi việc đều khá hơn ở Đalarne này. Các loại lúa mì và khoai đều phong túc và khác hẳn ngày xưa. Tôi tự mình trông nom lấy mảnh đất được hưởng gia tài, và tôi có một ngôi nhà của riêng mình. Thế rồi năm tháng trôi qua và trẻ con trưởng thành, mấy đứa đội ơn Chúa hiện còn sống đều có tiền của chúng, thật khó mà tưởng tượng ra được là bánh ăn thiếu đến mức nào ở tỉnh Đalarne, thời mà mẹ chúng còn trẻ”.

Bà lão ngừng lời, và khi bà vừa kể hết chuyện thì lửa đã tàn hết và thế là mọi người đứng dậy, nói rằng đã đến lúc về nhà rồi. Và chú bé lại quay về, tìm các bạn đồng hành trên mặt băng. Nhưng đang chạy một mình trong đêm tối thì một khúc hát mà lúc nãy được nghe trên đập cứ như vang bên tai: “Ở Đalarne đã sống và còn sống lòng chung thủy và niềm vinh quanh dù có gian khổ...” Rồi chú không nhớ nữa những lời bài hát tiếp theo chỉ nhớ khúc kết: “Lắm lúc họ đã độn vỏ cây vào bánh mì của họ, nhưng mà bao giờ các lãnh chúa và các quốc vương cũng có thể trông cậy những người nghèo ở tỉnh Đalarne”

Chú bé chưa quên hết những gì người ta đã dạy cho chú về dòng họ Xture và về Guxtav Vaza và bao giờ chú cũng tự hỏi tại sao họ lại phải đòi hỏi sự ủng hộ của chính những người dân xứ Đalarne ấy, nhưng bây giờ thì chú bắt đầu hiểu. Trong một xứ mà có những người đàn bà như bà lão bên cạnh đống lửa kia thì những người đàn ông không phải dễ gì mà chịu khuất phục được.

Ở Gagnep hôm đó người ta đi chôn một người chết trước khi làm lễ. Đám tang đến nhà thờ muộn và việc chôn cất kéo dài. Khi đàn ngỗng bay đến thì mọi người chưa vào nhà thờ và những người đàn bà ở mãi ngoài nghĩa trang trước mộ của thân nhân mình. Họ mặc áo màu lục cánh tay màu đỏ, đầu quàng khăn màu có tua sặc sỡ.

Chú bé nói: “Mẹ Akka rất thân yêu, bay chậm lại cho tôi có thể nhìn xem các bà nông dân”. Và ngỗng cho rằng yêu cầu của chú là phải chăng, nên hạ thấp xuống đến mức có thể chẳng sợ gò và bay ngang, bay dọc trên nghĩa trang những ba lần. Chú không thấy rõ mọi chi tiết, nhưng từ trên cao mà ngắm những người đàn bà ấy ở giữa cây cối của nghĩa trang, chú thấy họ duyên dáng chẳng kém gì các đóa hoa. Chú nghĩ: “Họ cũng đẹp như hoa nở trong các bồn hoa của vườn nhà vua vậy”.

Nhưng mà ở Gagnep cũng chẳng có cánh đồng nào đã tan băng, thế là đàn ngỗng chẳng có cách nào khác là bay tiếp về phía Nam và Floda.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3