Cuộc Lữ Hành Kỳ Diệu Của Nilx Holyerxon Qua Suốt Nước Thụy Điển - Chương XXXIV (Hết)

Chương XXXIV: Truyện Cổ Về Tỉnh Upplanđ

Ngày hôm sau, mưa tạnh, nhưng bão và lụt vẫn cứ lan ra. Quá trưa một lát thì có thay đổi bất ngờ và thời tiết bỗng rất đẹp; trời nắng ấm, yên tĩnh và êm ả.

Nằm ngửa rất thoải mái giữa một bụi cúc nước to đang trổ hoa, Nilx ngắm bầu trời, thì hai chú bé học trò nhỏ ôm sách vở và mang làn thức ăn đi trên một con đường nhỏ dọc bờ phá. Chúng đi chầm chậm, lại có vẻ buồn và lo. Đến ngay cạnh Nilx, chúng ngồi xuống mấy tảng đá để nói với nhau về nỗi bất hạnh của chúng:

- Biết rằng hôm nay nữa chúng mình cũng không thuộc bài thì mẹ sẽ giận lắm, - một chú nói.

- Và bố nữa! – Chú kia nói. Xong, cả hai bắt đầu khóc.

Nilx nghĩ đến cách an ủi hai đứa bé thì một bà lão nhỏ thó, còng gập người lại, mặt hiền hậu và dịu dàng, đi đến và dừng lại trước mặt chúng.

“Làm sao mà lại khóc thế, các cháu?”, bà lão hỏi.

Hai chú bé nói là không thuộc bài và xấu hổ quá, không dám về nhà.

“Bài gì mà khó đến thế?”. Hai chú bé trả lời là chúng phải học tất cả mọi thứ về tỉnh Upplanđ.

Bà lão nói: “Có lẽ học trong sách không phải dễ đâu, nhưng bà sẽ kể cho các cháu nghe những điều mà mẹ bà đã dạy cho bà về tỉnh này. Bà không được đi học, và bà không bao giờ thành người thông thái, nhưng bà nhớ mãi mãi những điều mà mẹ bà đã cho bà biết”.

Bà lão ngồi xuống một tảng đá và bắt đầu kể: “Thế này này, mẹ bà nói rằng từ lâu lắm, Upplanđ là tỉnh nghèo khó nhất và nhỏ mọn nhất trong tất cả các tỉnh của nước Thụy Điển. Tỉnh chỉ gồm những cánh đồng đất sét buồn tẻ với những đồi đá nhỏ và thấp, như hiện còn ở nhiều nơi, dù là ở đây, gần phá Melaren, chúng ta không trông thấy.

“Vả lại đây vẫn là một đất nghèo và khổ, Upplanđ cảm thấy bị các tỉnh khác coi khinh, nên một hôm, ngán lắm rồi, nó đeo cái bị lên lưng, cầm cái gậy đi ăn xin những kẻ giàu có hơn mình.

“Trước tiên, đi về phía Nam, đến tận tỉnh Xkônê. Nó phàn nàn về cảnh nghèo của mình và xin một miếng đất. “Thật người ta chẳng biết lấy gì mà cho tất cả những quân ăn xin ấy được, Xkônê trả lời. Nhưng hãy chờ xem. Ta mới đào vài cái mỏ đất sét vôi. Người có thể lấy cái đất mà ta đã hất lên và để lại trên bờ, nếu ngươi muốn dùng đến”.

“Upplanđ cám ơn, nhận lời và lại đi tiếp. Nó ngược lên tận Vexteryotland. Ở đấy nó lại kêu khổ. Vexteryotland nói: “Ta không thể cho ngươi đất được. Ta không đem những đồng bằng màu mỡ của ta mà cho bọn ăn xin đâu. Nhưng nếu người thích một trong các con sông nhỏ chảy ngoằn ngoèo trong đồng bằng rộng lớn của ta thì ngươi có thể

lấy”.

“Upplanđ cám ơn, nhận lời rồi đi xuống tỉnh Hallunđ. “Ta chẳng giàu đất đai gì hơn ngươi, - Hallunđ nói, - nhưng ngươi có thể gỡ lấy vài cái núi đá nhỏ, nếu không cho là mất công”.

“Upplanđ khọm vì cái túi nặng, đến thăm tỉnh Bohuxlend. Ở đó nó được phép nhặt bao nhiêu hòn đảo nhỏ trơ trụi và bãi rạn cũng được, tùy thích. “Trông chẳng ra gì, nhưng để chắn gió thì cũng tốt. Có thể ích lợi cho ngươi, vì ngươi cũng ở bờ biển như ta”.

“Upplanđ tỏ ra biết ơn vì tất cả của bố thí ấy: nó chẳng từ chối chút gì hết dù ở đâu người ta cũng cho những thứ mà người ta không đếm xỉa gì đến. Tỉnh Vermland cho một ít nền đất bằng granit của mình. Vextmanlanđ cho một phần những sông núi chạy qua tỉnh mình. Ơxteryotlanđ cho một góc của miền rừng Kolanorden hoang vu, và Xmelanđ đổ gần đầy vào bị cho Upplanđ những đầm lầy, đá tảng và những khúc cây thạch thảo.

“Xơđermanland chỉ muốn bỏ ra có vài cái vũng trong phá Melar; Đalarne cũng quý đất đai của mình lắm, cho làm sao được, bèn biếu một đoạn sông Đalelf.

“Sau cùng Upplanđ nhận được của Nerke vài đám cỏ thụt và lầy, dọc bờ hồ Yelmar, mà tỉnh này có rất nhiều. Bị đầy quá đến nỗi nó phải quay về.

“Dốc bị ra, nó kiểm kê những gì đã đem về được.

“Nó không thể không nghĩ rằng đó thật là một bộ sưu tập khủng khiếp những cái vứt đi, nó thở dài và tự hỏi là có thể dùng những của ấy như thế nào đây.

“Thời gian trôi qua, Upplanđ cứ ở nhà, bận rộn sắp xếp cho ngăn nắp công việc của mình”.

Thế là người ta bắt đầu tranh luận xem nhà vua sẽ ở đâu, và ở đâu sẽ đặt kinh đô của nước Thụy Điển. Tất cả các tỉnh họp nhau để bàn bạc. Tất nhiên tỉnh nào cũng muốn chiếm lấy nhà vua, và người ta cãi nhau dữ lắm. “Ý kiến tôi là nhà vua phải chọn chỗ ở trong tỉnh nào tài năng nhất và hiền đức nhất”. Upplanđ nói vậy. Mọi người đều đồng ý là đề nghị đó rất đúng. Thế là quyết định rằng tỉnh nào mà tỏ ra thông minh và hiền đức hơn cả thì sẽ làm nơi nhà vua ở và nơi đóng đô.

“Vừa trở về thì các tỉnh nhận được lời mời dự tiệc của Upplanđ. Họ nói vẻ khinh thị: “Chẳng biết cái kẻ khố rách áo ôm ấy có thể có cái gì mà thết đãi”. Tuy vậy, họ cũng nhận lời mời đó.

“Đến Upplanđ, họ sửng sốt về những cái được trông thấy. Họ thấy tỉnh này đã xây dựng xong: trong nội địa mọc lên những ấp trại tuyệt đẹp, bờ biển nhan nhản những thành phố, mặt nước đầy những tàu biển.

- Khá giả thế này mà đi ăn xin thì xấu hổ thật, - họ lẩm bẩm như vậy.

- Chúng tôi mời quý vị đến đây là để tạ ơn quý vị đã cho quà, - Upplanđ nói, - vì chính nhờ quý vị mà ngày nay chúng tôi mới ra khỏi bước khó khăn và được như thế này.

“Về đến nơi là chúng tôi bắt đầu đưa dòng sông Đalelf vào địa phận của mình. Chúng tôi thu xếp để có được hai cái thác nước

Đannêmôra chúng tôi đặt cái nền đất bằng granit mà Vermlanđ đã cho, và chúng tôi dám nghĩ cả rằng Vermland đã không nhìn kĩ cái đem cho chúng tôi, vì granit ấy chẳng là cái gì khác quặng sắt tốt tuyệt trần. Khắp chung quanh đấy, chúng tôi đã trồng khu rừng nhận được của Ơxteryotlanđ. Bằng cách đó, mà tại một chỗ có quặng sắt, có thác nước, có rừng để cung cấp than củi, thì tất nhiên là chúng tôi đã được một vùng mỏ giàu có.

Sau khi đã sắp xếp tốt như thế ở miền Bắc, chúng tôi kéo những sông núi của Vextmanlanđ đến tận phá Melaren, tạo ra ở đây những ghềnh, những mũi đất và những hòn đảo phủ kín cây xanh và đẹp như những vườn tược. Những vũng mà Xơđermanland bỏ ra cho thì chúng tôi kéo rất sâu vào nội địa như những fyord và như thế chúng tôi đã mở đất này ra cho nghềhàng hải và thương nghiệp với thế giới.

“Miền Bắc và miền Nam đã hoàn thành, chúng tôi lại lo đến bờ biển miền Đông, và ở đấy chúng tôi đã lợi dụng mạnh những bãi rạn, những đống đá, những lùm thạch thảo và những truông hoang mà các vị đã cho và chúng tôi ném cả ra biển. Nhờ đó tất cả các đảo lớn, đảo nhỏ, ích lợi cho chúng tôi vô cùng trong ngư nghiệp và hàng hải, mà chúng tôi xem như tài sản quý nhất của mình.

“Xong rồi, thì trong tất cả các tặng phẩm của quý vị chỉ còn lại với chúng tôi những đống đất sét vôi mà chúng tôi nhận được của tỉnh Xkônê. Chúng tôi đem trải ra ở chính giữa địa phận của mình: nay những đất ấy họp thành đồng bằng Vakxala phì nhiêu. Cái con sông đầu tiên lười biếng mà Ơxteryotlanđ cho, thì chúng tôi đã vạch cho nó một cái dòng chảy qua đồng bằng ấy, để lập ra một đường giao thông thuận tiện với phá Melaren”.

“Bấy giờ các tỉnh khác mới hiểu là mọi việc đã diễn ra như thế nào: tuy hơi tức, họ cũng phải nhận rằng Upplanđ đã biết giỏi làm ăn. Họ nói: “Bạn đã làm nên những việc lớn với những phương tiện nhỏ. Trong tất cả chúng ta, chính bạn đã tỏ ra có khả năng lớn nhất và đức hạnh lớn nhất”.

“Thật là một lời nói hay! – Upplanđ đáp. – Quý vị đã nói thế, chúng tôi xin nhận ngay chính chúng tôi sẽ làm nơi ở cho nhà vua và nơi đóng kinh đô”.

“Lần nữa, các tỉnh lại tức giận, nhưng mà không thể nuốt lời, rút lại các điều đã được quyết định xong xuôi rồi”.

“Thế là Upplanđ được cả nhà vua lẫn kinh

đô, và đứng đầu tất cả các tỉnh. Mà thế thì chỉ là công bằng thôi vì thông minh và hiền năng là những đức tính mà mãi đến cả ngày nay vẫn làm ra những ông vua từ những kẻ ăn mày”.

Ngoại Truyện

Cuộc lữ hành của Nilx bắt đầu bằng một cái thế tiến thoái lưỡng nan, cũng lại kết thúc bằng một thế lưỡng đao thật là bi đát.

Điều kiện của ông gia thần để Nilx trở lại làm người là phải đem ngỗng đực Martin về đến nhà để mẹ chú làm thịt, Akka đã tự mình đến, lại phái cả Gorgo đến gặp gia thần, xin thần tha cho Martin, nhưng vô ích; thần lại còn nhắn Nilx là phải về nhà ngay vì gia đình sa sút, bố mẹ khốn cùng quá đỗi.

Thương cha nhớ mẹ, Nilx chỉ mong được về nhà; mới thấy lại quê hương là mắt của Nilx đã rưng rưng lệ, nhưng mà về với gia đình, ở lại với quê hương, ấy là đưa ngỗng đực đến chỗ phải chết. Các thế lưỡng đao ghê gớm quá. Nhưng mà Nilx đã quyết định và nói với Bataki: “Cái ông gia thần ấy đặt ra một điều kiện đến nỗi làm cho tôi không sao mtrở về giúp đỡ bố mẹ tôi được. Nhưng ông ta không làm cho tôi trở thành tên phản bội, đánh lừa bạn mình được. Bố và mẹ tôi là những người lương thiện và tôi biết là sẽ muốn tôi đừng về giúp đỡ, còn hơn là thấy tôi trở về với cái lương tâm xấu hổ”.

Bài toán cuối cùng gia thần đặt ra cho Nilx thật là hiểm ác; và dù đau xót hết sức, Nilx vẫn giải quyết không phải ân hận với lương tâm. Truyện ngụ ngôn, nặng tính dân gian, thường kết cấu đơn giản, dễ mấy ai trong văn học thế giới mà có thể thắt một câu chuyện ngụ ngôn lại thành một cái nút khó gỡ đến như thế này; các bi kịch nổi tiếng như bi kịch cổ điển Pháp thế kỷ XVII, cũng đâu có tình huống bi đát đến thế. Kịch

LơXit chỉ là xung đột giữa tình yêu với danh dự; cái kết thúc “Cuộc lữa hành kì diệu” là xung đột giữa hiếu với nghĩa, đều là những bổn phận lớn của con người cả; và Nilx đã sống có nghĩa, có nhân; việc làm của Nilx thật là nghĩa khí.

Không muốn để Martin phải hi sinh cho mình, Nilx giấu bạn các quyết định của gia thần, nhưng cố khuyên Martin đừng nghĩ đến việc về nhà, và gạ nó tiếp tục chu du ra nước ngoài cùng với đàn ngỗng trời. Tuy không hiểu ý tốt của Nilx, nhưng ngỗng đực vẫn khảng khái: “Cậu nhất quyết đi tiếp, tôi chẳng bỏ cậu đâu”. Ngỗng đực cũng có ý nghĩa không khác gì Nilx.

Trước khi ra đi lại, và có thể là đi suốt đời không giờ trở về quê nhà, để cho Martin khỏi bị giết, Nilx cũng lén về thăm nhà một lát, mong có giúp cho bố mẹ được chút gì

chăng, nhưng không dám ra mắt bố mẹ, sợ bố mẹ vì thấy hình hài bé nhỏ của mình mà buồn. “Chú nghĩ bố mẹ đã chẳng có gì sung sướng rồi, mình có nên thêm cho bố mẹ nỗi buồn phiền này nữa không?”

Nhưng khi ngỗng đực Martin chẳng hay biết gì cả, cứ dẫn vợ và sáu con “bầu đoàn thê tử” về thăm nhà cũ, và liền bị mẹ mình tóm gọn đem giết, thì Nilx quên hết mọi điều lo ngại, xông lên xin mẹ tha cho bạn; nhưng vừa bước chân vào nhà là liền được gia thần cho trở lại thành người.

Truyện ngụ ngôn là phải biết kết thúc bằng “đại đoàn viên”; còn ngỗng đực và vợ con thì trong niềm vui lớn của gia đình, lại là bạn đường trung thành của Nilx thì tất nhiên là phải được yêu quý lắm, chẳng cần “hạ hồi phân giải” cho thêm dài dòng như trong các truyện dân gian.

Nilx vừa về nhà, con bò cái trông thấy liền nghĩ rằng: “cái tên Nilx này, ra đi vào mùa xuân, dáng đi thật nặng nề, lê lết, đôi mắt cứ như đang ngủ; nhưng cái kẻ trở về đây nhanh nhẹn, dẻo dai, nói năng hoạt bát, đôi mắt long lanh, rực rỡ, tư thế thật đoan trang và quả quyết, và dù bé nhỏ như vậy vẫn làm cho người ta phải nể vì”.

Cuộc lữ hành đã biến đổi Nilx như vậy; về đến đích Nilx được trở lại làm người và đã nên người. Thật là cuộc đi nên người. Và cuộc lữ hành ấy, Xelma Layerlop gọi là “kỳ diệu” nhưng chắc chắn trong thâm ý của tác giả thì kì diệu không phải là nhiều bước phiêu lưuu, lắm việc lạ lùng, bao phen hồi hộp... mà kì diệu là ở việc thay đổi trí tuệ và lương tâm của Nilx. Cuộc lữ hành kì diệu không phải chỉ là một cuốn sách địa lí và sinh vật học, mà trong ý tác giả trước hết phải là một cuốn sách luân lí.

Than thở với Akka, nghĩ rằng mình sẽ không bao giờ trở lại làm người nữa, Nilx vẫn không thấy tiếc rẻ gì, chú nói: “Tôi muốn mẹ biết rằng tôi không tiếc là đã đi theo đàn ngỗng trong mùa xuân vừa qua. Đối với tôi chẳng thà không trở lại thành người còn hơn là không được đi cái chuyến vừa rồi”.

Nilx muốn nói là đi để học làm người cho ra người, việc đó quan trọng hơn là cứ làm người mà không ra cái con người. Bài học kể ra cũng thật là nghiêm khắc.

Đọc cuốn truyện này viết trên đất Thụy Điển, trong băng giá Bắc Âu, người ta không thể không liên tưởng đến một cuốn truyện khác cũng viết cho trẻ em trên đất Italia dưới mặt trời Địa Trung Hải; cuốn “Những cuộc phiêu lưu của Pinôckiô”. Côllôđi cho con bằng gỗ ấy biến thành người vì nó thiết tha muốn làm người, và đã phải cố gắng làm việc thật tốt đển xứng đáng là người, Xelma Layerlop thì nghiệt hơn nhiều; Nilx Holyerxon là người hẳn hoi, thế mà chỉ vì một vụ nghịch ác đã bị biến thành gia thần, rồi phải đi, phải sống mãi với loài vật, và chỉ khi làm được thật nhiều việc tốt, bấy giờ mới được trở lại làm người. Ra cái danh hiệu con người là quý thế đấu. Và cả hai nhà văn Côllôđi và Xelma Layerlop, đều muốn đem đến cho trẻ em lòng tự hào được làm người cùng với ý thức phải ăn ở thế nào cho xứng đáng là con người.

Thc hin bi
nhóm Biên t
p viên Gác Sách:
sienna – Trí Linh – thao1011
(Tìm - Ch
nh sa - Đăng)

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3