Thiên thần và ác quỷ - Chương 82 - 83 - 84
Chương 82
Tại CERN, cô thư ký Sylvie Baudeloque cảm thấy đói bụng và muốn về nhà. Nhưng rủi thay, Kohler đã vượt qua cơn nguy kịch. Ông ta vừa gọi điện, không phải là đề nghị, mà là yêu cầu Sylvie làm thêm giờ. Không một lời giải thích.
Bao năm nay, Sylvie đã tự dặn mình không nên để bụng sự trái tính trái nết của Kohler - sự im lặng, thói quen kỳ quặc muốn dùng chiếc máy quay phim kỳ dị của ông ta để ghi lại tất cả các cuộc gặp gỡ. Chị thầm ước con người này sẽ có lần bắn nhầm phải chính mình khi đang bắn súng trường trong trường bắn giải trí của trung tâm. Nhưng rõ ràng ông ta là một xạ thủ rất cừ.
Lúc này, ngồi một mình bên bàn làm việc, Sylvie thấy bụng đang sôi lên ùng ục. Kohler vẫn chưa quay lại, cũng chẳng có một lời chỉ dẫn về công việc của chị tối nay. Ngồi một mình mà chịu đói kiểu này thật là chán, chị thầm nghĩ. Sylvie để lại trên bàn một lời nhắn cho Kohler, định chạy ù sang khu nhà ăn của viện để kiếm thứ gì ăn qua loa cho đỡ đói.
Nhưng Sylvie không thực hiện được ý định đó.
Đi ngang qua khu giải trí của CERN, một dãy phòng có trang bị ti-vi chị nhận thấy tất cả các phòng này đều đầy chật người, rõ ràng là những nhân viên này đã bỏ ăn tối để vào đây xem thời sự. Hình như có chuyện động trời. Sylvie bước vào phòng đầu tiên. Phòng này thấy toàn những anh chàng lập trình viên trẻ tuổi. Trông thấy hàng chữ lớn trên ti-vi, Sylvie há hốc mồm.
THẢM HỌA TẠI VATICAN
Nghe xong bản tin, Sylvie không dám tin vào tai mình. Một hội kín sát hại các Hồng y Giáo chủ? Để chứng minh điều gì? Lòng căm thù của họ ư? Địa vị thống trị của họ ư? Hay sự ngu dốt của họ?
Nhưng điều kỳ quặc là bầu không khí trong căn phòng này không một chút buồn bã hay ủ rũ.
Hai anh chàng kỹ thuật viên trẻ tuổi chạy qua, tay vẫy vẫy những chiếc áo phông in ảnh Bill Gates và lời nói của nhà tỉ phú này: RỒI MỘT NGÀY CÁC KỸ THUẬT VIÊN MÁY TÍNH SẼ THỐNG TRỊ THẾ GIỚI.
- Illuminati! - Một người hô to. - Tôi đã bảo là hội này có thật mà lại!
- Không tin nổi! Cứ tưởng chỉ là một trò chơi thông thường.
- Họ giết Giáo hoàng rồi, các bạn ơi! Giáo hoàng cơ đấy!
- Ối dào! Anh được bao nhiêu điểm rồi hả?
Tất cả cười rộ lên.
Sylvie sững sờ. Là một con chiên mộ đạo làm việc cùng những nhà khoa học, đôi khi chị phải chịu đựng những lời xầm xì vô thần đầy báng bổ, nhưng những anh chàng này dường như vô cùng phấn khích trước mất mát của giáo hội. Làm sao họ có thể nói những lời báng bổ đến thế? Sao họ lại căm thù nhà thờ đến thế?
Trong tâm thức của Sylvie, nhà thờ chỉ là một tổ chức vô hại… một nơi tràn ngập tình yêu thương và sự chia sẻ… đôi khi chỉ là nơi người ta đến để hát to lên mà không sợ bị người khác để ý.
Nhà thờ là nơi in dấu những sự kiện quan trọng trong đời chị - đám tang, đám cưới, lễ rửa tội, những ngày lễ - và nhà thờ chẳng bao giờ đòi hỏi gì để đổi lại cho vai trò của nó. Thậm chí tiền quyên góp cũng là tùy tâm. Sau những buổi giảng bài ngày Chủ nhật ở nhà thờ lũ trẻ trở nên đáng yêu hơn, tâm hồn chúng đầy ắp những ý tưởng giúp đỡ người khác và sống tốt hơn. Những cái đó có gì là xấu?
Sylvie luôn ngạc nhiên khi thấy những người được cho là lỗi lạc ở CERN không thể nào hiểu nổi tầm quan trọng của nhà thờ.
Chẳng lẽ họ thực sự tin rằng những hạt quark và meson có thể tác động đến những người bình thường? Rằng các phương trình có thể thực sự thay thế cho niềm tin vào đấng tối linh?
Choáng váng, Sylvie bước dọc hành lang, qua những phòng giải trí khác. Tất cả các phòng có ti-vi đều chật cứng. Lúc này, chị bắt đầu thắc mắc về cuộc gọi từ Vatican mà Kohler nhận lúc trước. Trùng hợp ngẫu nhiên? Rất có thể. Đôi khi Vatican vẫn gọi điện cho CERN, một động thái có tính chất ngoại giao trước khi đưa ra một lời bình luận gay gắt nào đó về những nghiên cứu ở đây - gần đây nhất là thành tựu đột phá của CERN về công nghệ nano, lĩnh vực mà giáo hội vẫn chỉ trích vì e ngại những liên quan của nó đến công nghệ gen. CERN chẳng bao giờ để ý.
Dường như đã thành lệ, gần như ngay sau loạt đạn của Vatican sẽ là cuộc điều tra của một tổ chức nào đó liên quan đến việc có cho phép triển khai tiếp nghiên cứu đó hay không. "Không gì đáng sợ bằng bị báo chí nhòm ngó", Kohler vẫn thường nói vậy.
Sylvie cân nhắc việc nhắn tin cho Kohler, dù ông ta có đang ở đâu để bảo ông ta bật ti-vi lên. Ông ấy có quan tâm không nhỉ? Ông ấy đã biết chưa? Dĩ nhiên, chắc chắn ông ấy phải biết rồi. Biết đâu Kohler lại còn đang ghi băng toàn bộ bản tin này, và đang nở nụ cười đầu tiên trong năm.
Tiếp tục đi dọc hành lang, cuối cùng thì Sylvie cũng tìm được một nơi mà bầu không khí có vẻ dịu hơn… gần như là buồn bã.
Trong phòng này, chị thấy những gương mặt có tuổi và đáng kính trọng nhất ở CERN. Lúc Sylvie bước vào trong phòng, họ thậm chí không ngẩng lên nhìn.
***
Ở đầu kia của toà nhà lớn, trong căn phòng lạnh lẽo của Leonardo Vetra, Maximilian Kohler đã đọc xong cuốn sổ nhật ký bọc da lấy từ ngăn kéo bàn của Vetra. Lúc này ông đang xem bản tin. Mấy phút sau, Kohler cất cuốn sổ vào chỗ cũ, tắt ti-vi và ra khỏi phòng.
***
Ở một nơi khác rất xa, tại Vatican, Hồng y Mortati bê khay lá phiếu. Tới chân ống khói nhà nguyện Sistine. Ngài đốt những lá phiếu trên khay, khói đen bốc lên.
Một lần bỏ phiếu. Chưa có Giáo hoàng.
Chương 83
Ánh sáng toả ra từ những chiếc đèn pin chẳng thấm tháp gì so với bóng tối âm u dày dặc trong Đại thánh đường St. Peter.
Khoảng không đen ngòm trên đầu như đang đè nặng xuống và Vittoria cảm thấy sự trống trải đen kịt xung quanh chẳng khác gì một vùng biển hoang vắng. Cô cố gắng bước đi sát bên cạnh những người lính gác Thụy Sĩ trong khi Giáo chủ Thị thần vẫn sải những bước dài. Trên cao, một chú chim câu kêu gù gù rồi vỗ cánh bay đi.
Dường như cảm nhận được tâm trạng bất an của Vittoria, Giáo chủ Thị thần bước chậm lại và đặt tay lên vai cô. Một luồng sức mạnh lập tức truyền qua bàn tay ấy, như thể con người này đang dùng phép màu nhiệm để truyền cho Vittoria sự điềm tĩnh rất cần thiết cho những công việc mà họ sắp tiến hành.
Chúng ta định làm gì thế này? Vittoria thầm nghĩ. Thật là một hành động điên rồ!
Tuy nhiên, Vittoria biết rằng đây là một việc không thể không làm, vì như thế có nghĩa là bất kính, là khủng khiếp. Cần có thông tin để đưa ra những quyết sách cần thiết… những thông tin đang bị chôn vùi trong nhà mồ củaVatican. Không hiểu họ sẽ tìm thấy gì. Có đúng là hội Illuminati đã sát hại Đức Thánh Chúa không? Phải chăng cánh tay của họ có thể vươn dài đến thế? Không lẽ mình sẽ là người đầu tiên tổ chức khám nghiệm tử thi của một vị Giáo hoàng?
Thật mỉa mai, trong thánh đường tăm tối này, Vittoria cảm thấy sợ hãi, khác hẳn những đêm cô bơi giữa bầy cá ăn thịt người ngoài biển khơi. Thiên nhiên chính là nhà của cô. Và lúc nào cô cũng hiểu thiên nhiên. Nhưng với cô, linh hồn của loài người thì luôn luôn bí hiểm. Đám đông nhà báo tập trung bên ngoài khiến Vittoria nghĩ đến loài cá ăn thịt người. Thi thể bị đóng dấu sắt nung của đức Hồng y trên ti-vi khiến cô nghĩ đến người cha của mình… và tiếng cười ghê rợn của kẻ giết người. Hắn đang ở đâu đó ngoài kia. Cơn giận dữ trong lòng Vittoria đã nhấn chìm cảm giác sợ hãi từ lúc nào.
Đi qua một cây cột lớn - lớn hơn bất kỳ cây cột bằng gỗ nào khác cô gái trông thấy một luồng ánh sáng màu vàng cam. Luồng sáng này dường như phát ra từ dưới nền của trung tâm Đại thánh đường. Đến gần hơn, Vittoria nhận ra đó chính là điện thờ dưới lòng đất nổi tiếng, nơi cất giữ những di vật quý giá nhất của Vatican. Đến gần hơn, Vittoria chăm chú nhìn cỗ quan tài lớn bằng vàng, được thắp sáng bởi hàng chục ngọn đèn dầu.
- Đây chính là lăng mộ trong thánh đường St. Peter phải không? - Hỏi vậy nhưng cô đã biết rõ đây là nơi nào. Tất cả những ai từng đến thánh đường St. Peter đều biết những gì được cất giữ trong những cỗ quan tài bằng vàng này.
- Thực ra thì không phải vậy. - Giáo chủ Thị thần đáp. - Rất nhiều người vẫn hiểu lầm như thế. Đây không phải là chỗ đựng thánh tích. Trong hòm này là những chiếc khăn choàng pallium để Giáo hoàng phát cho những Hồng y mới được phong chức!
- Tôi tưởng là…
- Rất nhiều người cũng tưởng thế đấy. Các sách hướng dẫn du lịch gọi nó là hầm mộ trong thánh đường St. Peter, nhưng hầm mộ thật sự nằm ở tận dưới sâu trong lòng đất cơ. Vatican khai quật được hầm mộ này từ những năm 40. Không một ai được phép xuống đó.
Vittoria kinh ngạc. Bước theo những người khác, xa dần vùng sáng, cô nghĩ đến câu chuyện của những người hành hương vượt qua hàng ngàn cây số chỉ để được nhìn thấy chiếc quan tài bằng vàng này và nghĩ rằng họ đã đến được với Thánh Peter.
- Thế tại sao Vatican không công bố tin đó?
- Tất cả chúng ta đều được một cái gì đó khi nghĩ rằng mình được tiếp xúc với đấng tối linh… dù chỉ trong tưởng tượng.
Là một nhà khoa học, Vittoria không thể không công nhận rằng đây là một lập luận lôgíc. Cô đã từng đọc vô số nghiên cứu về hiệu ứng của sự trấn an - thuốc aspirin chữa lành bệnh cho những bệnh nhân ung thư trong khi bản thân người bệnh thì tin chắc rằng họ đang dùng một loại thần dược nào đó. Suy cho cùng thì đó chẳng phải là đức tin hay sao?
Thay đổi chưa bao giờ là sở trường của Vatican. Thừa nhận những sai lầm trong quá khứ hay hiện đại hoá bản thân nó là những gì Giáo hội xưa nay luôn tìm cách tránh né. Và Đức Thánh Cha đã cố gắng thay đổi điều đó. - Giáo chủ Thị thần ngừng một lát - Hoà nhập với thế giới hiện đại, tìm những phương cách mới để tiếp cận Chúa.
Trong bóng tối, Vittoria gật đầu:
- Giống như khoa học chứ gì?
- Thật ra mà nói thì có lẽ khoa học lại là cái không thích hợp.
- Không thích hợp? - Vittoria có thể nghĩ ra rất nhiều từ ngữ để nói về khoa học, nhưng trong thời hiện đại này, từ không thích hợp rõ ràng không thể là một trong những từ ấy.
- Khoa học có thể chữa lành vết thương, nhưng cũng có thể giết chết người ta. Cái đó phụ thuộc vào người nắm khoa học trong tay. Linh hồn của người đó mới chính là cái ta quan tâm tới.
- Cha bắt đầu đến với Chúa từ bao giờ?
- Từ trước khi ta chào đời.
Vittoria trợn tròn mắt.
- Rất tiếc, câu hỏi đó đối với ta luôn có vẻ là lạ. Ta muốn nói rằng lúc nào ta cũng tâm niệm rằng mình sẽ phụng sự Chúa. Từ khi biết nghĩ. Tuy nhiên đến khi trở thành một thanh niên trong quân ngũ thì ta mới thực sự ý thức đầy đủ về tâm nguyện ấy của mình.
Vittoria ngạc nhiên:
- Cha đã từng đi lính ư?
- Hai năm. Ta nhất định không chịu cầm súng, thế là họ bắt ta lái máy bay. Loại trực thăng Medevac. Thỉnh thoảng ta vẫn lái máy bay đấy.
Vittoria cố mường tượng cảnh một vị thầy tu trẻ đang lái máy bay. Thật kỳ lạ, cô thấy con người này thật phù hợp với bảng điều khiển máy bay. Uy lực của Giáo chủ Thị thần Ventresca thực ra cũng là kết quả của phẩm chất này.
- Cha có bao giờ lái máy bay cho Đức Thánh Cha không?
- Lạy chúa, không. Vị khách đặc biệt đó thì xin dành cho các phi công chuyên nghiệp. Nhưng đôi khi Đức Thánh Cha cho phép ta trở về Gandolfo bằng máy bay trực thăng. - Giáo chủ Thị thần im lặng giây lát, rồi quay sang nhìn Vittoria. - Cô Vetra, cảm ơn cô đã nhiệt tình giúp đỡ chúng tôi hôm nay. Ta rất lấy làm tiếc về cha của cô, thật đấy.
- Cảm ơn cha!
- Ta không bao giờ biết mặt cha ruột của mình. Ông ấy đã qua đời trước khi ta chào đời. Lên 10 tuổi thì ta mồ côi mẹ.
Vittoria ngước nhìn lên.
- Cha cũng mồ côi ư? - Đột nhiên cô thấy vị thầy tu này trở nên thật gần gũi.
- Ta sống sót sau một tai nạn. Thảm hoạ đó đã khiến mẹ ta thiệt mạng.
- Thế ai chăm sóc cha?
- Chúa. - Giáo chủ Thị thần đáp. - Người đã gửi đến cho ta một người cha khác, theo đúng nghĩa đen của từ ấy. Một linh mục ở vùng Palermo xuất hiện ở bệnh viện và đón nhận ta. Lúc đó ta không hề ngạc nhiên. Từ khi còn bé, ta đã cảm nhận được sự quan tâm và tình yêu của Chúa dành cho mình. Sự xuất hiện của vị linh mục ấy đơn giản là đã khẳng định những gì ta nghĩ rằng sẽ xảy đến. Chúa đã chọn ta làm kẻ nô bộc của người.
- Cha tin rằng Chúa đã chọn cha ư?
- Phải. Bây giờ ta vẫn tin như vậy. - Không hề có chút giả dối nào trong giọng nói của Giáo chủ Thị thần, mà chỉ có lòng biết ơn sâu sắc - Trong nhiều năm, ta đã làm việc dưới sự giám hộ của vị giám mục ấy. Sau đó người được phong chức Hồng y Giáo chủ. Tuy nhiên, người vẫn không quên ta. Trong tâm khảm của ta, người chính là cha.
Một luồng sáng bất ngờ rọi vào khuôn mặt của vị thầy tu trẻ, và Vittoria đọc thấy sự cô đơn trong đôi mắt ấy.
Họ đến bên một cây cột rất cao, và những ánh đèn pin cùng chiếu xuống một cái hố. Nhìn những bậc thang dẫn xuống khoảng tối đen ngòm bên dưới, bất giác Vittoria muốn quay lui.
Những người lính gác đỡ Giáo chủ Thị thần bước xuống. Và cả cô nữa.
- Rồi sao nữa? - Vừa bước xuống, Vittoria vừa hỏi, cố phát âm một cách mạch lạc. - Vị Hồng y Giáo chủ đó sau thế nào?
- Người rời khỏi Hội đồng hồng y để đảm nhiệm một vị trí khác.
Vittoria ngạc nhiên.
- Sau đó, đáng tiếc là người đã ra đi.
- Thật sao? - Vittoria thốt lên. - Lâu chưa ạ?
Giáo chủ Thị thần quay lại, trong bóng tối, vẻ mặt đầy đau đớn:
- Chính xác là cách đây 15 hôm. Và ngay bây giờ chúng ta sẽ gặp lại người.
Chương 84
Vòm kính lưu trữ của Vatican được chiếu sáng bởi những bóng đèn màu đỏ. Vòm kính này nhỏ hơn nhiều so với những vòm khác, ở đây ít khí hơn, ít thời gian hơn. Giá mà ban nãy Langdon nhớ ra để yêu cầu Olivetti cho bật quạt thông gió lên thì tốt biết mấy.
Langdon nhanh chóng xác định được khu vực chứa các tài liệu về mỹ thuật. Khu vực này không thể lẫn vào đâu được. Nó chiếm trọn 8 giá sách đầy ắp. Giáo hội Cơ đốc sở hữu hàng triệu tác phẩm nghệ thuật ở khắp nơi trên thế giới.
Langdon nhìn lướt qua các giá đề tận cái tên Gianlorenzo Bernini. Anh bắt đầu tận từ giữa giá trở xuống, ở khu mà có lẽ sẽ thấy vần B. Lúc đầu anh tưởng cuốn sổ đang cần tận đã bị thất lạc, nhưng chỉ sau chốc lát, Langdon kinh hãi phát hiện ra rằng những cuốn sổ này không được xếp theo thứ tự A, B, C. Sao mình không thấy ngạc nhiên nhỉ?
Mãi khi quay lại tìm từ đầu, trèo thang lên tận trên đỉnh giá cao nhất, anh mới hiểu ra cách sắp xếp tài liệu trong vòm này.
Cheo leo tận tầng trên cũng là những cuốn sổ cái dày nhất về các bậc thầy thời Phục Hưng - Michelangelo, Raphael, Da Vinci, Botticelli. Hoá ra là thế, vì đây là nơi lưu trữ tài liệu về "tài sản của Vatican" cho nên vị trí các cuốn sổ phụ thuộc vào giá trị của từng bộ sưu tập. Cuốn Bernini nằm giữa hai cuốn sổ đề Raphael và Michelangelo. Dày những gần mười phân.
Hổn hển vì phải vật lộn với cuốn sổ quá dày, Langdon xuống thang. Rồi hệt như một cậu bé vớ được cuốn truyện tranh yêu thích; anh nằm soài xuống sàn; lật trang bìa.
Cuốn sổ này có bìa vải rất chắc chắn. Bên trong là tiếng Ý, chữ viết tay. Mỗi trang nói về một tác phẩm, có cả một đoạn miêu tả ngắn gọn ngày tháng, địa điểm, giá nguyên liệu, đôi khi có cả phác hoạ tác phẩm đó. Langdon lật nhanh một lượt… 800 trang tất cả. Bernini quả là một người bận rộn.
Hồi còn là sinh viên, Langdon đã có lần thắc mắc tại sao một số nghệ sĩ có thể sáng tạo nhiều tác phẩm đến thế trong quãng đời ngắn ngủi của họ. Về sau, anh đã vô cùng thất vọng khi hiểu ra rằng các nghệ sĩ đó thực sự tự sáng tác rất ít. Họ lập ra các xưởng nghệ thuật và đào tạo các nghệ sĩ trẻ, và để cho những nghệ sĩ học việc này thực hiện các ý tưởng của mình. Những nhà điêu khắc như Bernini thường nặn các nguyên mẫu thu nhỏ bằng đất sét sau đó thuê người khác sao chép sang chất liệu đá cẩm thạch. Nếu Bernini phải đích thân tạo ra tất cả các tác phẩm của mình, chắc đến tận đầu thiên niên kỷ thứ ba này ông vẫn chưa thể làm xong.
Phụ lục. Langdon tự nói một mình để gạt những ý nghĩ vẩn vơ không cần thiết khỏi tâm trí. Anh lật đến cuối cuốn sổ, định tìm vần F để tận các tác phẩm có liên quan đến Lửa, nhưng không thấy. Anh lầm bầm trong miệng: Làm sao những người này lại căm ghét kiểu xếp theo trật tự A, B, C đến thế không biết.
Các tác phẩm rõ ràng là được xếp theo trật tự thời gian. Xong tác phẩm này, Bernini lại bắt đầu tác phẩm khác. Tất cả được xếp theo ngày tháng. Chẳng ích lợi gì.
Nhìn phần phụ lục, một chi tiết đáng thất vọng nữa đập vào mắt anh. Không có một tác phẩm nào có tiêu đề liên quan đến Lửa. Hai tác phẩm đã tận được: Habbakuk và thiên thần, cũng như Gió Tây, đều không có tiêu đề liên quan trực tiếp đến Đất và Khí.
Langdon thử lật lung tung cuốn sổ, hi vọng một hình minh hoạ nào đó có thể đem lại cho anh một ý tưởng bất ngờ. Nhưng chẳng thấy gì. Anh chỉ thấy hàng chục tác phẩm mà anh chưa nghe nói tới bao giờ, và cũng có nhiều tác phẩm anh đã biết từ trước… Daniel và Sư tử, Thần mặt trời và Daphne, có cả gần chục đài phun nước. Những đài phun nước này bỗng khiến anh để tâm. Nước. Biết đâu bàn thờ khoa học thứ tư lại là một đài phun nước nào đó. Để ngợi ca nước thì một đài phun nước dĩ nhiên là không gì bằng.
Langdon hi vọng có thể tóm được kẻ sát nhân trước khi phải nghĩ đến Nước - Bernini đã thiết kế hàng chục đài phun nước ở Rome, và hầu hết đều được bố trí phía trước các thánh đường.
Langdon quay lại với vấn đề của hiện tại. Lửa. Mắt nhìn lướt cuốn sổ dày cộp, Langdon chợt thấy vang lên trong tâm trí những lời nói đầy khích lệ của Vittoria. Hai tác phẩm trước đều rất quen thuộc đối với anh… rất có thể anh cũng đã biết tác phẩm thứ ba này rồi cũng nên. Quay lại phần phụ lục, Langdon tìm những tác phẩm anh đã biết. Một số có vẻ cũng quen quen, nhưng vẫn không thấy ý tưởng nào nảy ra trong đầu. Rất có thể anh sẽ chết trước khi tìm ra tác phẩm đó, dù thực sự không muốn, anh vẫn quyết định mang cuốn sổ cái ra khỏi vòm lưu trữ. Thực ra chỉ là một cuốn sổ cái thôi mà, anh tự an ủi bản thân. Lần này rất khác với việc đưa nguyên tác của Galileo ra ngoài. Nhớ đến tờ giấy nến viết về Galileo trong túi áo, anh tự nhủ phải nhớ mang trả vào chỗ cũ trước khi rời khỏi nơi này.
Vội vã, Langdon định nhấc cuốn sổ lên, nhưng đúng lúc này một hình ảnh khiến anh dừng ngay lại. Dù phần phụ lục liệt kê rất nhiều, nhưng chỉ một tác phẩm khiến anh cảm thấy là lạ.
Phần chú thích cho thấy đây là một tác phẩm nổi tiếng của Bernini, Khoảnh khắc đê mê của thánh Teresa. Mới hoàn thành chưa được bao lâu, nó đã bị di chuyển khỏi vị trí ban đầu trong toà thánh: Điều này chưa có gì đáng chú ý, anh biết quá khứ sóng gió của tác phẩm này. Dù được nhiều người coi là kiệt tác, nhưng tác phẩm điêu khắc này bị Giáo hoàng Urban VIII cho là đậm chất tính dục và không thích hợp với Vatican. Ngài đã cho chuyển tác phẩm này đến một nhà thờ nhỏ hẻo lánh của thành phố. Điều đáng chú ý là tác phẩm này đã được dời đến một trong năm nhà thờ mà Langdon hiện đang quan tâm. Thêm vào đó ở đây còn ghi là di chuyển theo đề nghị của tác giả.
Theo đề nghị của tác giả? Thật khó hiểu. Khả năng Bernini muốn giấu tác phẩm của mình vào một nơi hẻo lánh là rất ít. Các nghệ sĩ đều muốn tác phẩm của mình được trưng bày trong những khung cảnh trang trọng, không phải ở…
Langdon đắn đo. Trừ phi…
Anh thậm chí không dám tin vào suy đoán của mình. Không lẽ là thế thật? Phải chăng Bernini cố tình tạo ra một tác phẩm quá đậm chất dục tính để buộc Vatican phải chuyển nó đi chỗ khác?
Đến một địa điểm do Bernini tự chọn? Biết đâu là một nhà thờ khuất nẻo nào đó nằm đúng hướng mà Gió Tây chỉ tới?
Langdon bắt đầu thấy phấn khởi trong lòng, nhưng những gì anh biết về tác phẩm này lờ mờ hiện ra trong trí nhớ. Đâu có liên quan gì đến Lửa. Tất cả những ai đã từng nhìn thấy tác phẩm này đều phải thừa nhận rằng nó chẳng có vẻ gì liên quan đến khoa học. Liên quan đến tinh dục thì có, chứ khoa học thì không chút nào. Có nhà phê bình nghệ thuật người Anh đã từng nói rằng, không thể nào dùng Khoảnh khắc đê mê của thánh Teresa làm vật trang trí cho một nhà thờ Thiên Chúa giáo. Dĩ nhiên Langdon hiểu vì sao lại có sự bất đồng quan điểm như vậy. Dù được tạo ra bằng một đôi tay thiên tài, nó vẫn là tượng Thánh Teresa trong tư thế nằm ngửa đang uốn éo, quằn quại trong cảm giác đê mê.
Khó có thể lọt vào mắt xanh của Vatican. Langdon vội lật đến trang miêu tả tác phẩm này. Trông thấy hình phác hoạ tác phẩm, anh bất giác cảm thấy có hi vọng. Trong tranh, rõ ràng là Thánh Teresa đang trong cảm giác ngây ngất đê mê, nhưng cạnh thiếu phụ này còn có một hình vẽ nữa, bức tượng thứ hai mà Langdon không hề nhớ ra.
Một thiên thần.
Anh bất giác nhớ lại truyền thuyết về bức tượng…
Vốn là một nữ tu sĩ, xơ Teresa đã được phong thánh sau khi tuyên bố rằng trong giấc ngủ, bà được một thiên thần ghé thăm. Về sau, các nhà phê bình đều cho rằng cuộc viếng thăm đó mang yếu tố dục tính chứ không có tính chất tâm linh. Gần cuối trang giấy, Langdon thấy những đoạn trích dẫn quen thuộc. Những lời nói của chính thánh Teresa khiến cho người ta không thể nghĩ theo bất kỳ hướng nào khác:
"Cây giáo lớn bằng vàng của thiên thần… rực lửa… xiên thẳng vào thân thể ta nhiều lần… xuyên vào ruột gan ta… một sự ngọt ngào đến vô cùng khiến ta muốn khoảnh khắc đó không bao giờ chấm dứt".
Langdon cười mỉm. Những lời lẽ bóng bẩy này rõ ràng ám chỉ một cuộc truy hoan thực sự, không thể là bất kì thứ gì khác. Đọc những câu miêu tả trong trang giấy này, anh càng thấy phấn khởi. Dù đây là tiếng Ý, từ Lửa vẫn thấy xuất hiện rất nhiều lần:
… mũi giáo của thiên thần rực lửa
… đầu thiên thần toả ra những tia lửa
… người trinh nữ bừng bừng trong ngọn lửa đam mê…
Nhìn hình vẽ minh hoạ thêm một lần nữa, Langdon mới thực sự tin chắc. Cây giáo rực lửa của thiên thần được giương lên cao, như một ngọn hải đăng chỉ hướng. Thiên thần dẫn lối trên hành trình cao cả. Thậm chí đây còn là một thiên thần Seraph, mà nghĩa đen của từ này chính là "đấng rực lửa".
Mặc dù không thuộc kiểu người tin vào số mệnh, nhưng khi đọc tên của thánh đường đó, Langdon cũng phải tin là có những yếu tố tiền định.
Santa Maria Della Vittoria.
Vittoria, anh vừa đọc nhẩm vừa cười rạng rỡ. Tuyệt thật.
Lúc đứng lên, Langdon cảm thấy chóng mặt. Anh liếc nhìn cái thang, lưỡng lự không biết có nên đưa trả quyển sổ vào chỗ cũ không. Mặc kệ, anh thầm nghĩ. Cứ để cha Jaqui cất cũng được. Rồi anh gấp cuốn sổ lại, đặt ngay ngắn dưới đáy giá sách.
Vừa bước lại bên nút bấm đang toả sáng nhè nhẹ ở cửa ra, Langdon vừa thở dốc. Tuy nhiên, vận may tình cờ vẫn khiến anh cảm thấy phấn chấn.
Nhưng đúng lúc Langdon giơ tay định nhấn nút mở cửa thì vận may ấy kết thúc…
Bất thình lình, vòm kính như thở dài đánh thượt một cái. Đèn mờ dần, rồi nút khoá cửa cũng tắt ngấm. Như một con mãnh thú vừa thở hắt ra lần cuối cùng trong đời, toàn bộ vòm kính chuyển thành tối thui. Có người vừa cắt cầu dao điện.