2. Không anh thì không ai khác… (Phần 1)
Không anh thì không ai khác…
-Shino-
Tôi không thể đếm được đã bao nhiêu ngày kể từ khi Tùng Anh xa tôi.
Nhưng tôi biết, chỉ vừa mới đây thôi, có lẽ do quá nhớ hoặc quá nuối tiếc những tháng ngày chúng tôi đã trải qua mà tôi vẫn cố gắng không chấp nhận sự thật, rằng là anh ấy đã lên máy bay và cách xa tôi hàng nghìn kilomet.
Paris hoa lệ...
Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ vì một người con trai mà phải phá giá bản thân đến kịch sàn như vậy.
Cũng đáng... Tùng Anh là “người của công chúng”, mọi cô gái đều muốn có anh ấy. Suất học bổng toàn phần sang Pháp là do anh tự kiếm được; trước khi lên đường du học đã làm quản lý kinh doanh một mạng lưới bán hàng đa cấp ở tuổi 19; hát cực hay và chơi piano cực đỉnh; biết nấu ăn, thậm chí khá ngon. Thế nào? Hình mẫu lí tưởng chưa? Vậy thì tại sao anh đã “từng” là của tôi? Đừng thắc mắc, chính tôi cũng đang đập đầu bồm bộp vào tường mà vẫn chưa có câu trả lời đây...
Đôi khi tôi đứng lặng trước gương hàng giờ liền, nhìn mình một lượt rồi cười nhạt :
- Mình mà không xấu thì cũng... xinh phết ấy chứ...
Hài hước, nhỉ?
Biết vậy, nên tôi vẫn tự an ủi, rằng: “Người đàn bà tầm thường mới cần nhiều nhan sắc, bởi người đàn ông tầm thường dùng mắt nhiều hơn trái tim”. Thực ra, không phải tôi mờ nhạt, tôi cũng là tác giả của một số truyện ngắn với một số lượng đông đảo những người yêu mến, có chút cá tính dở hơi cộng một cái đầu khá nhiều suy nghĩ kiểu lộn ruột... Chỉ là do Tùng Anh quá chói lóa, khiến tôi phần nào nhòe nhoẹt khi đi bên anh ấy mà thôi...
Tôi ghét cái cách những đứa con gái khác vây lấy anh ấy hỏi han trò chuyện khi chúng tôi đang hẹn hò. Giống như tôi chẳng hề tồn tại bên cạnh anh hay vô hình, đại loại là như vậy. Chẳng những thế, anh còn tươi cười hớn hở bắt chuyện lại nhiệt tình, khiến tôi trở nên vô duyên và thừa thãi kinh khủng. Cho đến lúc họ bỏ đi, tôi ấm ức, hậm hực thì anh ôn tồn giải thích:
- Phải giữ hình tượng em ạ, anh là người kinh doanh mà. Toàn mấy đứa cấp dưới của anh đấy.
Anh có vẻ luôn tự hào về bản thân… Tôi cũng tự hào vì anh…
Khi đó tôi đang là sinh viên năm thứ nhất, còn anh thậm chí bỏ một năm thi đại học để đầu tư cho công việc và chuyến du học đã nắm chắc trong tay.
Tôi chẳng nhớ được chúng tôi đã đến với nhau như thế nào, tự nhiên lắm. Nhưng có lẽ, điều khiến Tùng Anh bị cuốn hút chính là sự khác người của tôi…
Đó là một buổi chiều đầy nắng và…không có gió…
Trong khi dòng người đang cố chen chúc nhau, nhích lên từng bước, và mặt ai cũng như mặt tôi: cau có, khó chịu. Thì một “thằng” Liberty xanh ngọc ngớ ngẩn vượt lên trước tôi, cứ vừa đi vừa bóp phanh đột ngột. Ban đầu tôi chỉ cười thầm và nghĩ: “Chắc thanh niên này mới được mẹ mua xe nên đi đứng manh động”. Cho đến lúc dòng người đã thưa bớt, nếu di chuyển từ từ thì vẫn có thể đi đều và đoạn đường sẽ chẳng mấy chốc mà thông thoáng. Nhưng không, thằng Liberty vẫn lập lờ trước mặt tôi một cách lì lợm. Tôi sốt ruột bấm còi inh ỏi, thì nó quay lại nhìn tôi, toe toét. Mặt tôi bỗng đần thối, rồi ngay lập tức, các nơ-ron thần kinh của tôi hoạt động hết tốc độ:
- Hiểu! Thằng này đang trêu ngươi mình đây mà!
Tôi bực mình, đi chậm lại, khi giữa hai chúng tôi có một khoảng cách an toàn, vừa đủ, thì tôi bất ngờ vọt lên, áp sát, vỉa đầu thằng Liberty bằng một cú “tráng trứng” điệu nghệ. Tôi đoán là nó có giật mình, loạng choạng. Vì sau đó nhìn qua gương chiếu hậu, tôi thấy nó đã cách xa mình một đoạn dài. Đến lượt tôi cười thầm đắc thắng:
- Này thì đùa với Ninja Rùa…
Nào ngờ chưa đầy một phút sau, nó lại lao lên, lần này chạy song song với tôi, dai như đỉa. Tôi giảm tốc nó cũng giảm tốc, tôi tăng tốc nó cũng tăng tốc, tôi phanh nó cũng phanh mà tôi ga nó cũng ga. Cứ thế, nó đuổi theo tôi gần hai cây số. Đường nào vắng, tôi cứ năm mươi, sáu mươi mà vít, nó cũng chẳng kém tôi một giây. Mải nhờn với nó, tôi không để ý đến đoạn đèn đỏ, ngang nhiên phóng qua. Lập tức hai đồng chí giao thông áo vàng rực rỡ như màu nắng ban mai hùng hổ xông tới, chĩa thẳng cây gậy đen trắng về phía tôi tuýt còi tưởng văng nước bọt. Tôi giật thót mình, mồ hôi vã ra như tắm, thề có cụ Các Mác và Bác kính yêu rằng từ hồi biết đi xe máy tới giờ, tôi chưa bao giờ bị “tấp vào lề” như thế này. Thôi thì bố ở nhà đã dặn:
- Công an là bạn của dân con ạ. Nó có bắt thì cũng đừng chạy, xuống nộp phạt là nó cho đi ngay.
Đến bây giờ tôi mới thấy thấm thía… Đến bây giờ tôi mới nhận ra rằng: người lớn chẳng bao giờ sai, họa chăng là do họ…chưa kịp đúng!
Hai đồng chí giơ tay chào tôi rất lịch sự, cất giọng:
- Chị có biết chị đã vi phạm luật an toàn giao thông gì không?
Tôi mếu máo:
- Dạ cháu biết ạ.
Hai đồng chí mỉm cười trìu mến:
- Vậy chị muốn nộp phạt hay muốn giữ xe?
- Dạ cho cháu nộp phạt…
- Thế cầm ở đây bao nhiêu?
- Dạ cháu…
Tôi thấy nước mắt sắp tuôn ra dào dạt. Quả thực hôm nay trong người chỉ còn đúng số tiền đủ cho bữa tối. Sinh viên cuối tháng, “lương” chưa được nhận, ăn mỳ tôm sống cả tuần, xăng xuống gần vạch đỏ, tiền điện thoại còn chẳng có mà gọi về nhà cầu cứu nữa là nộp phạt với chả giữ xe… Mặt tôi lộ rõ vẻ lo sợ và phần nào đó…đau khổ. Lại càng cuống lên khi nhận thấy vẻ mặt hai bác “sự” bắt đầu sốt ruột, nóng mắt và đã tắt nụ cười... Đang khốn khổ khốn nạn thì sau lưng tôi, một giọng nói ấm áp chợt vang lên:
- Hai chú thông cảm ạ. Em cháu mới ở quê lên, cưỡi trâu quen rồi, lần đầu đi đường Hà Nội nên hơi “ngáo”. Hai chú cho cháu nộp phạt thay em cháu.
Tôi ngỡ ngàng, há hốc mồm, tưởng vừa lạc vào vườn cổ tích, và “thằng Liberty dở hơi” lại giống như hoàng tử bạch mã cứu tôi thoát khỏi hai “mụ phù thủy” áo vàng. Hai đồng chí giao thông bật cười vì câu xỉa xói tôi của nó, rồi dịu dàng :
- Vượt đèn đỏ, phạt bốn trăm, lần sau rút kinh nghiệm nhé.
- Vâng. - Nó nhanh nhẹn rút ví.
- Mời anh kí vào biên lai này.
- Vâng.
Sống lưng tôi lạnh toát. Không hiểu sao mặt tôi cứ đờ ra, đứng yên bất động. Sau vài thủ tục giao dịch nhanh gọn, tôi thấy hai đồng chí giao thông một lần nữa giơ tay chào, “thằng Liberty” cũng đưa tay chào lại như thật. Tôi bỗng ngẩn ngơ, chẳng biết nên cảm ơn hay nên gào vào mặt nó nữa. Nó từ từ bước về phía tôi, đưa mắt dò xét một lượt rồi bật cười châm chọc:
- Muốn chết à?
- Thế đấy tưởng đây thích sống à? - Tôi cay cú vặn lại.
- Còn non và xanh lắm…
Nó lắc lắc đầu ra cái vẻ ta đây đầy mình kinh nghiệm, ngứa mắt. Tôi lặng im, không dám cãi. Dù sao cũng là do tôi hiếu thắng, lại bất cẩn nên mới gây ra hậu quả khiến… nó phải gánh chịu, tôi cảm thấy to tiếng với nó lúc này quả là một hành động “bất nghĩa” và vô ơn. Như cũng chẳng muốn làm khó cho tôi, nó vào thẳng vấn đề:
- Thế bây giờ thanh toán như nào nhỉ?
Tôi rùng mình. Sinh viên, đứa nào chẳng bị tiền nó… vật? Cứ nghĩ đến cái cảnh tháng sau cũng đói rã rời và hùng hục làm thêm trả nợ, tôi lại thấy ruột gan quặn thắt từng hồi, trong khi tôi còn hàng trăm thứ tiền phải nộp, hàng tỉ việc cần phải chi tiêu. Rồi, không để tôi vật vã với mớ cảm xúc lòng vòng lâu, nó đề nghị:
- Sang quán café bên kia ngồi thương lượng.
Mặt tôi ngắn tũn lại. Nó cư xử quái dị chưa từng thấy, nhưng vô cùng “thâm hiểm”, mỗi hành động của nó đều có mục đích và biết cách đẩy người ta vào trạng thái “không thể chối từ”. Tôi thực sự khó mà làm trái lời nó vào lúc này, đành miễn cưỡng dắt xe lẽo đẽo theo sau nó…
Nó chọn chỗ ngồi gần cửa sổ, nơi có mấy chậu hoa tím nhỏ li ti treo lủng lẳng trên mái hiên, nên thơ khủng khiếp. Tôi ngập ngừng mãi, không dám ngồi xuống chiếc ghế đối diện nó, không phải tôi làm duyên làm dáng gì sất, mà tôi sợ phải đối mặt với thằng “thanh niên bí ẩn” đó. Tôi sợ nó lại bắt lỗi, rồi lại dồn tôi vào những tình thế khó xử tương tự. Chẳng hỏi tôi xem muốn uống gì, nó vẫy chị phục vụ:
- Cho em một nâu đá và một cam tươi.
Tôi vẫn lặng thinh, đưa mắt nhìn xa xăm, ngây thơ vô tội…
Nó bỗng lên tiếng:
- Tình hình là đằng ấy khai rõ tên tuổi địa chỉ để tớ còn biết đường ghi sổ nào?
- Sổ gì? - Tôi giật mình.
- Sổ nợ. - Nó nhăn nhở.
Tôi thở dài, khai một mạch không chớp mắt:
- Nguyễn Nhật Nguyên, sinh ngày 17 tháng 8 năm một nghìn chín trăm hồi đó... Sinh viên năm thứ nhất học viện Báo chí và Tuyên truyền khoa Báo lá cải chuyên ngành bán báo dạo.
Nó hơi ngớ ra vì sự thay đổi thái độ đột ngột của tôi, làm tôi khấp khởi mừng thầm, tưởng đã ép được nó vào thế bị động. Chẳng ngờ, ít giây sau, nó nhoẻn miệng cười tinh quái:
- Trước cách mạng tháng Tám bố mẹ làm nghề gì? Địa bàn hoạt động ở đâu?
Tôi đứng hình toàn tập!
+++
Sau lần gặp gỡ đó, tôi bắt đầu giữ liên lạc với Tùng Anh, và thôi không gọi anh là “thằng Liberty ngớ ngẩn” nữa. Nghe có vẻ điên rồ, nhưng tôi quyết tâm, bằng mọi giá sẽ trả lại cho anh số tiền nộp phạt ấy. Tôi không sống được trong cảm giác mắc nợ người khác… Và rồi, càng tiếp xúc tôi càng nhận ra: Bạn có thể học hỏi khá nhiều điều hay ho ở một chàng trai Bảo Bình.
Tùng Anh cũng vậy, anh giống như cái TV với một kho tàng kiến thức đồ sộ. Từ kênh “MTV” đến “Thế giới động vật”, thậm chí cả “Bản tin thời tiết” và “Bạn của nhà nông” anh cũng nhập hết. Đôi khi tôi cảm tưởng không thể tìm ra một khiếm khuyết từ Tùng Anh, hoàn hảo và viên mãn tựa mặt trăng ngày rằm. Đâm ra tôi… tủi thân. Chính tôi, khi hai đứa đã là một đôi, vẫn là đứa thường xuyên đòi chia tay vì cái lí do vớ vẩn nhất Trái đất: “Em cảm thấy không xứng với anh!”. Những lúc ấy, Tùng Anh thường gắt um lên:
- Em vừa nói cái gì đấy? Em đang sống ở thời kì đồ đá à mà còn có những suy nghĩ tiêu cực thiếu tiến bộ như thế? Em có bao giờ tự hỏi tại làm sao anh lại yêu em mà không phải người khác không?
- Em có... - Tôi yếu ớt gật đầu.
- Vì sao nào?
- Em mà biết thì em đã chẳng nói là em không xứng... - Tôi gần như bật khóc khi trả lời.
Anh im lặng thôi không cáu nhặng lên nữa, rồi kéo tôi vào lòng, thủ thỉ:
- Anh phải nhắc lại bao nhiêu lần nữa hả? Vì em hiểu anh, thế thôi. Em có cái nhìn như xuyên thấu tâm can người khác ấy. Em giống bông hoa nhỏ, cần anh che chở lắm, biết không? Anh chưa bao giờ cảm thấy bản thân mình lớn lao như bây giờ cho đến khi gặp được em. Đừng quan trọng chuyện anh là ai, anh có những gì, bởi một người phi thường thì chỉ cần yêu một người bình thường mà thôi, anh muốn em hãy cứ là em khi ở bên anh. Ngày mới quen, em đâu có bi quan như thế này?
Tôi ngước lên nhìn anh, như con mèo run rẩy trong lòng bàn tay anh. Tùng Anh dịu dàng lau nước mắt cho tôi, hạ giọng:
- Từ nay cấm em đề cập lại vấn đề này một lần nữa. Anh không thích đâu.
Tôi gật đầu như cái máy, hạnh phúc tràn trề...
- Vậy anh sẽ yêu em bao lâu?
Tùng Anh cười hiền hậu, xoa đầu tôi nhè nhẹ:
- Rất lâu, người yêu ạ.
Tùng Anh là thế, luôn luôn bí hiểm. Có điều, tôi hiểu anh rất rõ. Tôi biết câu trả lời đó không hề mang tính chất khẳng định.
+++
Mùa thu là khoảng thời gian chúng tôi yêu nhau sâu đậm nhất. Chính xác là cuối thu.
Tôi thích ngồi sau xe anh, áp mặt vào bờ vai rộng, nồng nàn mùi nước hoa quý phái, át cả hương hoa sữa trên những con đường về đêm lung linh ánh đèn. Để nghe anh hát véo von:
“... Từng ánh mắt
Nụ cười của em
Cho anh quên đi nhọc nhằn
Niềm vui mỗi khi thấy em...
Và anh sẽ hát, từ sâu tận nơi trái tim này
Là người con gái đanh đá, đã in vào trong lòng anh...
Từng phút giây anh luôn thấy nhớ em
Từng phút giây anh luôn mong có em
Và từng phút giây anh chỉ muốn được gần em
Để mình cùng trao nụ hôn em nhé...
Hãy nói ra nếu em thấy nhớ anh
Hãy cho anh biết nếu em rung động
Mỗi khi gần bên nhau, để anh được cầm tay em...
Hạnh phúc nếu anh có em...”
Anh chắc không biết, mặt tôi cũng đang đỏ bừng vì vui. Dứt hơi, anh quay lại tôi, hỏi hồn nhiên:
- Anh hát hay, em nhỉ?!
- Vâng, hay lắm.
Tôi cố nín cười... Con trai Bảo Bình thích được nghe những lời tán dương từ người mình yêu, nhưng không được sáo rỗng, mà phải thật lòng... Ôm anh chặt hơn, để rồi cảm nhận được nhịp đập cả hai trái tim đang hòa vào nhau, ấm áp lắm…
Bên cạnh Tùng Anh, không cần phải cao siêu, không cần phải thể hiện gì hết, chỉ cần ngoan ngoãn đóng vai một cô bé ham học hỏi. Anh có thể ngồi hàng giờ để giảng cho tôi thế nào là nhận thức cảm tính, thế nào là nhận thức lí tính, hay nói vanh vách về sự biến đổi khí hậu toàn cầu cũng như chủ nghĩa khủng bố quốc tế. Quan trọng là tôi biết tiếp thu, hoặc cố gắng tiếp thu và tỏ ra hứng thú với những gì anh đang thể hiện. Ít ai chịu đựng nổi tính tình kì cục của anh, họ khó mà hiểu được những kẻ chỉ sống bằng tương lai, thi thoảng mới quay về ghé thăm thực tại. Tôi chấp nhận hết. Bởi: “Những gì Bảo Bình nghĩ, nửa thế kỉ sau người khác mới hiểu được”, tốt nhất hãy cứ để anh hành xử theo cách mình muốn, chỉ cần khi đã mệt nhoài, anh vẫn nhớ còn có tôi, là đủ…
Tùng Anh có nhiều cách biểu lộ tình cảm rất độc đáo. Mỗi hành động, cử chỉ, lời nói đều mang lại một bất ngờ nho nhỏ. Đó là ngày 20/10 của năm trước, chúng tôi cãi nhau một trận tơi bời. Tôi gào lên trong điện thoại:
- Tại sao phải bận vào ngày này chứ? Em đã hẹn với Chi và Quân cùng đi ăn tối nay. Anh muốn em trở thành con dở hơi đáng thương trong mắt họ phải không?
- Anh có muốn thế đâu. Nhưng công việc là công việc. Tối nay có buổi gặp mặt với các doanh nhân thành đạt và tập huấn kĩ năng cho cộng tác viên mới. Anh vắng mặt thì ai lo khâu tổ chức?
Tôi nức nở:
- Lúc nào anh chẳng có lí do chính đáng.
Tùng Anh dỗ dành:
- Ngoan nào. Em muốn chỉ năm nay hay nhiều năm sau nữa chúng ta vẫn được ngồi ăn tối cùng Chi và Quân vào ngày này?
- Anh đi đi!
Tôi cáu tiết, đùng đùng tắt máy, ném vèo điện thoại xuống gối, ôm mặt khóc tức tưởi. Bất hạnh chưa? Vậy là công việc đã bắt cóc người tôi yêu mà tôi chẳng thể làm gì ngoài vật vã ăn vạ. Tùng Anh gọi lại, tôi nhất quyết không nghe. Chẳng lằng nhằng được lâu, anh còn phải lo giải quyết công việc, cũng đành để mặc tôi giận dỗi, khóc chán thì thôi. Tôi thua!
Ngủ thiếp đi vì mệt, lúc tỉnh dậy đã gần 9h tối, tôi lọ mọ định bụng sẽ ra ngoài mua cái gì đó ăn cho no vỡ bụng ra, xem ai đó có xót thương hay không. Bỗng điện thoại hiện số của Tùng Anh. Tôi lao đến, vồ lấy điện thoại như hổ thấy mồi, rồi bắt máy bằng cái giọng vờ ngái ngủ vô cùng giả tạo:
- Ưm… làm sao?
- Em ra ngoài ban công đi.
- Không ra.
- Nhanh lên. Anh vừa bị tai nạn, đang đứng trước cửa nhà trọ em. Em không ra xem khi nào anh mất máu chết à?
- Cái gì?
Tôi bật dậy, chạy bổ ra mở cửa. Đập vào mắt tôi là quả bóng bay hình Hello Kitty được nối bởi một sợi dây dài, một đầu cố định vào viên gạch đỏ dưới đất, đang lơ lửng sát thành ban công. Tôi phì cười, đưa tay kéo tóm lấy quả bóng bay, phát hiện một mảnh giấy gấp làm tư treo kèm. Mấy dòng chữ như gà bới viết vội viết vàng:
“ Anh biết chỉ có nói thế em mới chịu thò mặt ra nên đừng có dỗi anh nghe chưa? Xin lỗi công chúa, anh lại phải về công ty ngay, chưa xong việc. Hôm khác anh sẽ đền cho em một bữa spaghetti tự tay anh làm nhé. Anh yêu em lắm đấy…
P/s : Quà 20/10 của em anh gửi cô chủ nhà, em tự xuống mà lấy. Hôn em.”…
Tôi vừa bực vừa buồn cười, vừa thương vừa giận, cứ nhăn nhó rồi lại tủm tỉm một mình. Tùng Anh “dị” từ tính cách đến những hành động. Cả cái việc tặng quà cũng không giống ai. Tự nhiên tôi thấy tim đập rộn ràng, rất lạ. Anh đang bận bịu trăm công nghìn việc, vẫn cố dành chút thời gian bày trò làm tôi vui… trong khi tôi chỉ biết nhõng nhẽo, chẳng bao giờ thông cảm cho anh. Tôi thấy mình có lỗi quá…
Và đó là ngày 20/10 tôi hạnh phúc nhất trong đời…
+++
Mùa hè là thời điểm chúng tôi bắt đầu rạn nứt.
Giải thích theo khía cạnh Vật Lý thì cũng dễ hiểu. Mọi thứ khi gặp nhiệt độ cao sẽ nở ra, không nở được nữa thì phát nổ. Chúng tôi cãi cọ thường xuyên. Với Tùng Anh, vẫn là công việc. Với tôi, vẫn là cái tính trẻ con, cố chấp. Tùng Anh mải mê với mấy chương trình giới thiệu sản phẩm, với mấy talk show, và triền miên với kế hoạch tìm người thay thế để anh yên tâm lên đường du học. Còn tôi thấy những vấn đề đó quá vĩ mô so với một chàng trai 20 tuổi. Cảm giác mỗi ngày anh càng xa tôi thêm một chút vậy, hụt hẫng lắm. Tôi khóc nhiều hơn, nhưng tuyệt nhiên không để anh biết, âm thầm thôi. Và cũng không hề đòi chia tay, bởi có lần Tùng Anh nói với tôi:
- Em có hiểu ý nghĩa của những đường chỉ tay không?
- Nghe nói nhìn vào lòng bàn tay có thể đoán được vận mệnh, tương lai của mỗi người, phải không? - Tôi ngây ngô hỏi lại.
Anh nắm tay tôi, dịu dàng:
- Anh không chắc, nhưng nếu đúng như em nói, thì: số phận đều nằm trong lòng bàn tay chúng ta. Vì vậy đừng bao giờ đổ lỗi cho số phận. Tất cả đều do ta tự tạo nên. Chủ yếu là cách mỗi người nắm giữ ra sao và dẫn dắt số phận mình đi đường nào mà thôi.
Tôi ghi nhớ lời anh dạy, và cố gắng không làm điều gì để phải hối hận rồi ngụy biện do số phận. Chỉ có điều, tôi quá ích kỉ, lúc nào cũng muốn giữ anh cho riêng mình, không chia sẻ với bất cứ ai, kể cả công việc. Có lẽ điều đó khiến anh cảm thấy gò bó, phiền phức…
+++
Những ngày cuối cùng anh còn ở Việt Nam, tôi tranh thủ và trân trọng từng giây phút hai đứa được bên nhau. Cứ nghĩ đến cảnh nay mai thôi, mỗi đứa một nơi, và anh sẽ chẳng bên cạnh yêu thương, vỗ về nữa khiến tôi không biết bao nhiêu lần phải kìm nước mắt. Tối hôm đó, chúng tôi lang thang trên khắp những con đường quen thuộc, anh muốn giữ trong tim một hình ảnh Hà Nội thật thân thương. Tôi vòng tay ra phía trước, ôm anh thật chặt, chẳng muốn rời. Đêm cuối tháng Sáu, cái nóng vẫn hầm hập trên mặt đường như hờn giận, cơn gió thoảng qua không đủ làm nguội bớt nỗi ưu tư… Tôi còn bao điều muốn nói, mà chẳng biết nên bắt đầu từ đâu. Bỗng, anh đặt bàn tay anh lên bàn tay tôi, ngập ngừng:
- Nguyên à… chúng ta…chia tay nhé…
Tôi giật bắn mình, như có luồng điện chạy ngang người. Lắp bắp:
- Anh…anh vừa nói gì cơ?
Tùng Anh siết bàn tay tôi chặt hơn.
- Anh suy nghĩ kĩ rồi. Em không thể ở nhà đợi anh đằng đẵng từng ấy năm trời…
- Nhưng anh đã nói là em cần anh che chở? - Tôi bàng hoàng, lạc cả giọng.
- Chính vì thế - Tùng Anh nghẹn ngào - Em cần có người khác thay anh yêu em. Thay anh chăm sóc em…
- Em không cần! - Tôi òa lên.
- Đừng cãi anh… Em trẻ con lắm.
- Nhưng em…
Anh ngắt lời tôi:
- Em còn chưa hiểu tính anh hả Nguyên?
Tôi cắn môi. Tôi hiểu anh chứ, nhưng tôi không muốn chấp nhận sự thật. Rằng anh là con trai Bảo Bình, dứt khoát và mạnh mẽ. Một khi anh đã quyết định điều gì, thì có trời mới thay đổi được. Tôi phải làm sao đây? Làm sao đây? Cố níu kéo, khóc nấc lên:
- Xin anh…đừng…
Anh lắc đầu.
- Nghe lời anh đi.
Tôi nghe trong giọng nói của anh, có cái gì cương quyết lắm. Bất lực, nước mắt tôi đẫm vai áo anh… Và chúng tôi rời xa nhau như thế…
+++
Tôi không hề trách Tùng Anh, cũng không đau khổ. Chia tay không phải hết yêu, anh vì tôi cơ mà! Chỉ là tôi rất nhớ anh, điều đó khiến tôi buồn…
Hôm anh bay, tôi không có mặt. Tôi sợ mình sẽ làm điều gì đó ngu ngốc, hoặc là sẽ “đau thương đến chết” mất. Ai cũng nghĩ tôi sẽ khóc một trận kinh thiên động địa, vật vã quằn quại, lằng nhằng dai dẳng đến hàng tháng trời như những cuộc tình cũ. Nhưng không… tôi chẳng thế. Tôi bình thản đến kinh ngạc, dù héo hon tàn tạ và trong lòng quay quắt. Căn bản, tôi vẫn thầm nuôi hy vọng…
Đứa bạn xin cho tôi làm phục vụ ở một quán café của giới nghệ sĩ Hà Nội để tôi có dịp học hỏi kinh nghiệm và phát huy khả năng, nhưng cái chính là nó muốn tôi không còn thời gian để nhớ nhung hay nghĩ ngợi linh tinh về Tùng Anh nữa. Ngày đầu tiên nhận việc, tôi không khỏi bỡ ngỡ. Quán nhỏ nhưng khá đông khách, được trang trí chủ yếu bằng những bức tranh trừu tượng trên tông màu đỏ rực rỡ. Tất cả đối với tôi đều mới lạ. Chị chủ quán tận tình hướng dẫn tôi cách pha chế, bưng bê, cẩn thận dặn dò cả cách thưa gửi với khách, quả là không hề thừa. Tôi chăm chú lắng nghe, nuốt trọn từng lời chị chủ quán nói. Bỗng, tiếng chiếc chuông gió treo ở cửa ra vào reo lên leng keng… Một chàng trai cao lêu nghêu đẩy cửa bước vào, ném phịch cái ba lô to tướng xuống ghế, ngồi quạt lấy quạt để. Như muốn chứng tỏ với chị chủ rằng mình rất được việc, tôi nhanh nhẹn bước ra chỗ cậu ấy, tay cầm menu, miệng cười tươi rói:
- Anh dùng gì ạ?
Cậu ấy ngước lên nhìn tôi, mắt mở to, ngơ ngác. Tôi giật mình, tưởng mặt dính cái gì hay… cúc áo tuột. Vẫn còn đang lúng túng, mặt đỏ bừng, chưa hiểu chuyện gì xảy ra, chợt quay lại thấy chị chủ ôm bụng cười ngặt nghẽo, tôi lại càng đâm lo. Lát sau, chị ấy lại gần, vỗ vai tôi nói nhỏ:
- Đây là Nhật Minh, cũng là nhân viên quán mình, em ạ. Hai đứa làm quen đi - Rồi chị quay sang cậu bạn kia, nháy mắt - Minh giúp đỡ bạn nhé. Nhân viên mới.
Ấn tượng đầu tiên của tôi về Nhật Minh, là cậu ấy rất đẹp. Da trắng, mũi cao, đôi mắt sáng màu nâu nhàn nhạt. Và, tôi đã mất ít nhất hai phút để trở lại trạng thái bình thường khi nhìn vào đôi mắt ấy. Chỉ có điều, Minh không hề cười. Cậu ấy chỉ gật đầu chào tôi, rồi lặng lẽ vào phòng thay đồng phục và bắt đầu làm việc.
Vài ngày sau, tôi bắt đầu quen dần công việc và mọi người trong quán. Nhật Minh cũng cởi mở với tôi hơn. Cậu ấy đã chịu cười mỗi lúc tôi làm trò gì đó ngô ngố như là trong giờ ăn trưa, lôi mấy chị nhân viên khác ra rẽ ngôi giữa buộc tóc hai bên rồi phồng má trợn mắt chụp ảnh. Có lẽ tôi bắt đầu thân với Minh từ hôm phát hiện cả hai đứa đều thích chụp ảnh. Bởi Minh là một nhiếp ảnh gia nghiệp dư và vì cậu ấy thuộc cung Xử Nữ, nên quan niệm về thẩm mĩ luôn tuyệt đối, những bức ảnh cậu ấy chụp đều có góc rất đẹp và vô cùng nghệ thuật.
Dễ nhận thấy ở một chàng trai Xử Nữ là ngoại hình khá bắt mắt, khuôn mặt lạnh lùng cùng thái độ khó ưa. Nhưng...đừng để những gì cậu ấy thể hiện đánh lừa các giác quan của bạn. Ấy là do chưa chạm đúng "long mạch" mà thôi. Càng tiếp xúc nhiều, càng thấy rõ một điều: Xử Nữ cô đơn và nhạy cảm khủng khiếp. Điều cậu ta sợ nhất không phải thiếu ăn thiếu mặc, mà sợ nhất là không có ai nghe mình nói. Xử Nữ một khi đã tìm được người thấu hiểu tâm hồn họ, thì việc mất đi người đó quả là nỗi đau cực lớn. Nhật Minh không nằm ngoài số đó…