Thủy Hử - Chương 06 - Phần 2

Lâm Xung nghe nói, rụng rời kinh ngạc, không đợi con trẻ cùng đi, mà chạy ba chân bốn cẳng, đến ngay nhà Ngu Hầu trèo lên trên gác để xem. Khi tới nơi thì cửa gác đã đóng chặt, mà vẫn có tiếng đàn bà kêu gọi ở trong rằng:

- Đời thuở nhà ai, mà dám đem vợ con nhà tử tế nhốt vào đây không?

Đoạn rồi lại nghe thấy tiếng Cao Nha Nội nói khẽ rằng:

- Xin nương tử thương tôi với, nương tử có phải là gỗ đá đâu, mà tôi nói thế nào cũng không chuyển được?

Lâm Giáo Đầu nghe rõ từng lý, liền nổi giận xung quát lên rằng:

- Mở cửa cho ta.

Trong kia người đàn bà nghe tiếng biết là chồng mình đã đến liền cố bứt chạy ra mở cửa, còn cậu ấm Cao biết thế nguy hiểm đến nơi thì mở cửa sổ nhảy qua tường trốn thoát.

Lâm Xung lên đến gác, tìm Cao Nha Nội, thì đã mất rồi, sau hỏi đến vợ cặn kẽ, mới biết là trúng kế gian nhân, mà cũng may chưa hề phạm tới, song trong lòng thì căm tức Ngu Hầu vô hạn, liền đập phá nhà Ngu Hầu tan nát cả, rồi đưa vợ cùng con trẻ ra về.

Khi đưa về đến nhà rồi, Lâm Xung lại vác đao, đi thốc đến Phàn Lâu, tìm Ngu Hầu, nhưng Ngu Hầu đã trốn đi đâu mất, chàng lại đến tận cổng để đón đánh, mà suốt ngày hôm ấy cũng không thấy đâu cả.

Lúc về nhà Lâm Xung vẫn còn căm tức, nhưng vợ gạt đi mà can rằng:

- Tôi tuy mắc lừa, song cũng chưa đứa nào dám phạm đến, thì còn sinh sự làm chi?

Lâm Xung cứ khẳng khái mà rằng:

- Quân súc sinh mồm thì xoen xoét nào anh nào tôi, ai ngờ nó lại đánh lừa như thế? Tất nhiên ta phải trị ngay nó mới được!

Vợ Lâm Xung thấy chồng mình hăng hái, thì cố sức can ngăn mà giữ riết ở trong nhà, không cho đi đâu, còn Ngu Hầu thì cũng trốn ở trong phủ Thái Úy, mà không dám về đến nhà nữa.

Cách ba bốn hôm sau, Lỗ Trí Thâm đến chơi nhà

Lâm Xung mà hỏi rằng:

- Chẳng hay mấy hôm nay vì cớ gì, mà không thấy quan anh đến chơi vậy?

Lâm Xung nói:

- Tiểu đệ vì bận chút việc riêng, cho nên không đến chơi với sư huynh được, nay sư huynh quá bộ đến đây, giá mời ngài ở chơi xơi chén rượu thì phải, nhưng ngặt vì trong nhà không được sẵn sàng, vậy xin đón sư huynh ra chơi ngoài phố, rồi ta tìm cái hàng nào uống mấy chén rượu cho vui, sư huynh nghĩ sao?

Lỗ Trí Thâm cười mà đáp lại rằng:

- Cũng được.

Nói đoạn hai người cùng đi ra phố, tìm vào hàng rượu với nhau, rồi lại hẹn hò đến mấy hôm sau tương hội. Từ đó ngày nào Lâm Xung cũng đi chén với Trí Thâm, dần dần khuây khỏa nỗi lòng, mà không nghĩ đến gì nữa.

Nói về Cao Nha Nội khi còn Ngu Hầu, bị một phen kinh sợ, phải nhảy qua tường mới thoát được nạn, về tới nhà không dám nói với Cao Thái Úy, rồi cứ tấm tức trong lòng, mà ngơ ngẩn thành bệnh.

Lục Khiêm và Phú An thấy vậy liền hỏi Cao Nha Nội rằng: - Chẳng hay Nha Nội vì sao mà tinh thần bỗng kém đi làm vậy?

- Không dấu gì các ngươi, chỉ vì hai lần không được gặp giai nhân, lại bị một phen kinh sợ, cho nên đau đớn trong lòng mà sinh bệnh đó thôi.

- Việc ấy xin Nha Nội cứ an tâm, thế nào chúng tôi cũng có thể làm cho kỳ được, chỉ trừ ra có tự tử mất thì thôi.

Đương khi nói chuyện, thì có tên Đô Quản già, cùng vào thăm Nha Nội ở đó. Đô Quản hỏi thăm bệnh thế qua loa rồi, vừa quay ra thì thấy Lục Khiêm, Phú An dắt đến chỗ vắng vẻ mà bảo nhau rằng:

- Bây giờ ta muốn cho Nha Nội được khỏi bệnh, thì tất nhiên phải làm sao tán hót với Thái Úy kết quả anh Lâm Xung đi, rồi đem vợ hắn về cho Nha Nội, thế là diệu hơn. Bằng không thì tính mạng Nha Nội tất là không toàn được nữa.

Lão Đô Quản nghe nói liền đáp lại rằng:

- Việc gì, chứ việc ấy thì dễ lắm, để chiều hôm nay lão sẽ bẩm với Thái Úy là được.

- Chúng tôi đã định kế sẵn rồi, nếu bác kêu với Thái Úy được, thì tôi sẽ nói. Lão Đô Quản nhận lời mà lui ra.

Chiều hôm ấy lão Đô Quản lên so vai rụt cổ tâu với Thái Úy rằng:

- Bẩm ngài, bệnh của Nha Nội, có vì cớ gì đâu, chỉ vì người vợ Lâm Xung đó thôi.

Cao Cầu đã biết nết đứa con nuôi liền hỏi:

- Nó gặp vợ Lâm Xung từ bao giờ?

- Bẩm Nha Nội được gặp ở Nhạc Miếu hôm 28 tháng trước, đến nay đã được hơn một tháng rồi.

Nói đoạn liền đem chuyện Nha Nội lập kế đến nhà Ngu Khiêm, rồi bị một trận kinh hoàng, kể hết cho Thái Úy nghe.

Thái Úy nghe xong nhăn nhó mặt, ra vẻ nghĩ ngợi mà bảo rằng:

- Như thế thì làm thế nào được, nếu tiếc một thằng Lâm Xung, thì tính mệnh con ta tất là nguy mất? Nghĩ sao cho tiện đây?

- Bẩm, Lục Khiêm và An Phú đã có kế thi hành, vậy ngài thử đòi hỏi xem sao?

Thái Úy gật đầu bảo Đô Quản đi gọi Phú An và Lục Khiêm đến.

Khi hai tên ấy đến, Cao Thái Úy liền trỏ bảo rằng:

- Nha Nội đương bị bệnh như thế, các ngươi có kế gì khiến Nha Nội khỏi được bệnh ngay, thì ta sẽ cất nhắc lên cho.

Lục Khiêm so vai rụt cổ bẩm rằng:

- Việc ấy trừ phi như thế... như thế... thì không có thể được.

- Đã như thế, thì ngày mai các ngươi phải làm ngay đi mới được.

Lũ kia vâng dạ, mà xin ra để thi hành.

Lâm Xung từ khi có Lỗ Trí Thâm, cứ ngày ngày chè rượu làm vui, thì trong lòng khuây khỏa phó mặc chuyện ngoài không nghĩ, chợt một hôm hai người đương đi ở trên phố Duyệt Võ, thì thấy một người to lớn, đầu đội khăn mỏ rìu, mình mặc áo chiến bào cũ, tay cầm cây đao có bao lưỡi cẩn thận, đương đứng ở trên phố mà nói lảm nhảm một mình rằng:

- Uổng phí cả thanh bảo đao của mình, không có một ai biết cả!

Lâm Xung nghe thấy vậy, cứ điềm nhiên, chỉ cúi đầu cúi cổ, cùng với Trí Thâm vừa chuyện vừa đi, mà không nhìn thèm đến. Người kia cứ đi theo đằng sau, mà nói luôn miệng nói rằng:

- Thanh bảo đao tốt như thế này, mà không biết đến, đáng tiếc chưa?

Lâm Xung lại mặc kệ đi ngoắt vào trong ngõ; người kia cũng lại theo sau, mà cứ nói một mình rằng:

- Quái lạ! Cả một chỗ kinh đô rộng lớn như thế này, mà không có ai biết đến đồ dùng binh hay sao?

Lâm Xung nghe nói đến câu ấy, thì phải quay đầu nom lại xem. Anh kia biết ý liền tuốt thanh đao sáng nhoáng ra cầm ở tay.

Lâm Xung trông thấy choáng mắt, liền bảo người ấy rằng:

- Đem lại đây tôi xem.

Người kia cầm đao đưa đến, Lâm Xung cầm lấy, cùng với Trí Thâm xem ngắm hồi lâu, bất giác buột miệng khen rằng:

- Thanh đao tốt thực anh định bán bao nhiêu?

Người kia nói:

- Đao này đáng giá ba ngàn quan, nhưng hai ngàn quan tôi mới bán.

- Phải, đáng giá hai ngàn  quan, nhưng mấy ai đã biết được? Nếu anh có chịu bán một ngàn quan thì tôi mua cho?

- Tôi bây giờ đương cần tiền tiêu, vậy nếu ông định mua, thì xin ông bớt đi năm trăm quan, còn ông phải trả một ngàn năm trăm quan mới được.

- Chỉ có một ngàn quan, có bán thì tôi cố mua vậy.

Người kia thở dài đáp rằng:

- Thôi cần tiền đành bán rẻ vậy, nhưng phải trả đủ tiền mới được.

- Đi, anh theo tôi về nhà lấy tiền.

Lâm Xung nói xong, quay lại bảo Lỗ Trí Thâm rằng:

- Quan bác hãy đến Xái Phòng đợi tôi, rồi chốc tôi xin đến.

Trí Thâm nói:

- Thôi để tôi về, sáng mai ta lại gặp.

Đoạn hai người chào nhau, Lâm Xung đưa người bán đao về nhà lấy tiền.

Khi trả tiền xong, Lâm Xung lại hỏi người bán đao rằng:

- Thanh đao này anh làm gì mà có?

- Nguyên của ông cha tôi để lại cho, nhưng đến nay túng kiết, mới phải bán đi.

- Ông cha anh người trước thế nào?

- Thưa ngài, tôi nói ra bây giờ lại thêm tủi thân lắm thôi. Lâm Xung nghe nói vậy, thì để mặc hắn đi, mà không hỏi nữa. Bấy giờ lại cầm thanh đao ngắm nghía luôn tay, mà khen ngợi một mình rằng:

- Cái đao này tốt thực, trong phủ Thái Úy cũng có một thanh đao báu, xưa nay vẫn làm bộ không cho ai xem đến, để rồi ta thử đem đọ xem sao?

Chàng khen lấy khen để, rồi xem đi xem lại mãi đến đêm mới treo lên vách mà đi nghỉ. Sáng hôm sau lại đến trông ngắm thanh đao mà khen mãi không thôi.

Trưa hôm ấy chợt thấy hai tên lính, chạy đến bảo với Lâm Xung rằng:

- Quan Thái Úy nghe nói Giáo Đầu mới mua được thanh đao tốt, ngài truyền chúng tôi ra bảo ông đem vào để đọ xem. Thái Úy hiện đang đợi ở trong phủ đó.

Lâm Xung nghe nói, thì lẩm nhẩm trong bụng rằng:

- Thằng ranh nào lại bợm thế! đã mỏng môi tâu nộp được ngay rồi.

Nghĩ đoạn mặc áo đội khăn vác thanh đao đi theo hai tên lính.

Khi đi đường Lâm Xung hỏi hai tên lính rằng:

- Các ngươi có ở trong phủ, mà sao ta chưa biết mặt bao giờ?

Hai tên lính nói:

- Chúng tôi hầu ở nhà trong, cho nên ông ít khi gặp.

Vừa nói dứt câu chuyện, thì đã đi tới nhà công đường phủ Thái Úy, Lâm Xung liền đứng dừng lại đấy.

Hai tên lính nói:

- Quan Thái Úy ngồi đợi ở nhà trong, mời ông đi vào.

Lâm Xung đi thẳng vào nhà trong, không thấy quan Thái Úy, lại đứng dừng lại. Hai tên lính lại giục:

- Ở nhà trong nữa, mời ông cứ đi vào đi.

Lâm Xung lại theo hai tên lính được quanh co mấy lần cửa, đến một chỗ xung quanh toàn thị lan can tím. Hai tên lính đưa Lâm Xung đến ở thềm mà rằng:

- Ông đứng đợi ở đây, để tôi vào bẩm Thái Úy ra đây.

Hai tên lính nói xong liền quay trở vào, Lâm Xung đứng đợi mấy phút đồng hồ, không thấy ai đến, trong bụng hơi nghi, liền ngó cổ vào trong rèm nom thấy cái biển viết ba chữ: "Bạch Hổ Đường" xanh xanh, thì giật nẩy mình nghĩ ra rằng:

- Đây là chỗ thương nghị quân cơ đại sự, mà sao nó tự nhiên vô cố, nó lại dắt ta vào đây? Chết nỗi! Có phép đâu được thế!

Chàng nghĩ như vậy, vừa toan quay bước trở ra, thì đã thấy tiếng giày lẹt xẹt ở ngoài đi vào, liền ngẩng cổ lên nom, thì chính là Cao Thái Úy đến đó. Lâm Xung thấy Cao Thái Úy vào, thì mải mốt cắp thanh đao, rồi chắp tay vái chào Thái Úy.

Thái Úy làm bộ ngạc nhiên quát lên mà hỏi dồn luôn rằng:

- Có ai sai bảo gì, mà vào Bạch Hồ Đường như thế? Ngươi có biết pháp luật gì không mà cầm đao vào đây? Hay là định mưu hại ta chăng? Có người nói với ta rằng: Mấy hôm nay ngươi vẫn vác đao, đến chực chờ ở trước phủ. Chắc là có bụng phản trắc chi đây?

Lâm Xung cúi mình bẩm rằng:

- Bẩm ân tướng, vừa rồi có hai tên lính, truyền gọi Lâm Xung đem đao vào để ân tướng đọ, cho nên hạ nhân mới dám tới đây.

- Lính nào? Đâu?

- Bẩm hai tên đi vào nhà trong rồi?

- Nói lạ! Lính nào dám vào phủ đường ta? Tả hữu đâu trói tên này lại cho ta.

Nói chưa dứt lời, thì thấy mấy mươi tên lính ở đâu đổ ra bắt Lâm Xung mà trói lại.

Cho hay:

Mấy người trí dũng xưa nay,

Trời làm chi đến nỗi này thì thôi;

Lạ cho là giống ở đời;

Đỉnh chung sao để những nòi bất nhân?

Bắc thang lên hỏi hồng quân.

Xưa nay tay Tạo cầm cân thế nào?

Xây chi những cuộc ba đào?

Nước non luống để anh hào biết gan?

Lời bàn của Thánh Thán:

Hồi này dụng bút viết ra rất khó, vì sau trước khác nhau, nếu trước sau tả

xuôi một việc, thì có dư bút mà lây sang một việc kia, cũng nhân việc này mà nảy ra việc khác. Nay hồi này tả Lâm Xung mới nhận được Lỗ Đạt, thân nhiệt khác ra, liên tiếp một việc Nha Nội, đấu khí khác ra, nay chỉ tả Lỗ Đạt, thì tạm gác một bên câu chuyện Nha Nội, mà tả Nha Nội, thì tạm gác một bên câu chuyện Lỗ Đạt, thực là thấy trong sự diễn tả, cũng đôi đường tiến thoái lưỡng nan. Huống chi trong sự tả Nha Nội, lại cốt chia hai lần, một lần chép ở nhà họ Lâm (mua đao), một lần ở phủ họ Cao, tả Cao Phủ thì nhằm vào họ Lâm, mà tả họ Lâm nhằm vào Cao Phủ, trong lúc tả lắm chuyện như thế, lại thêm một anh chàng vườn rau, luôn luôn lui tới, nếu anh chàng vườn rau như mọi người thì khác hẳn, đàng này lại là một tay hảo hán, lúc nào cũng sẵn sàng can thiệp những chuyện bất bằng, ngay giữa đường đi, đã từng đánh ba quyền chết Trấn Quan Tây ở nơi Châu Vị, nếu tả Lỗ Đạt biết đến chuyện ở nhà Ngu Hầu, thì tác giả tả làm sao cho hết câu chuyện mưu toan thâm ác của đám quân phiệt, như Cao Cầu vốn bất chính lại nuông con làm trắng trợn hơn? Đọc tới đây không phục tài tác giả, thì chưa xem nổi văn chương diễn tả của người xưa, khéo léo dùng bút.

Hồi này nhiều bút pháp lạ lùng, như vợ Lâm Xung chịu nhục, ắt phải làm cho Lâm Xung tức khí, rồi người khác khuyên thôi, xảy đâu Lỗ Đạt hùng hùng hổ hổ, lại đến Lâm Xung khuyên thôi, đó là một chuyện. Đến chuyện bán đao ở phường Duyệt Võ, anh chàng cứ khích khí cho người ta, mua đao, Lâm Xung, Lỗ Đạt chỉ nói chuyện phiến, càng làm cho kẻ bán đao thở ra những giọng tiếc cho đao, mà Lâm, Lỗ vẫn đưa ra câu chuyện phiến coi thường, càng thấy kẻ kia coi thường, lại càng than tiếc, khác nào hai ngọn núi đối nhau, thế rồi đi đến gặp nhau, đó là hai chuyện. Khi trả tiền đao, xong việc thì thôi, lại tả Lâm Xung quý mến bảo đao, thế rồi hỏi đến căn đoạn của kẻ có đao, chàng bán đao sẽ nói là ai??? Nên Lâm Xung hỏi đến, khéo tả thoái thác, rằng nói đến tổ phụ với bảo đao này thêm nhục, câu đó làm cho độc giả đoán ra văn tứ lâm ly đến thấy đó là ba chuyện vậy. Bạch Hổ Tiết Đường, không nên tới vậy, nay Lâm Xung vào lầm, đó là xuất kỳ bất ý, bị dỗ dẫn vào, rồi dừng gót, lần tới bình phong hậu đường, lại dừng gót nữa, thế rồi lần lượt đưa đến Tiết Đường (Bạch Hổ) đó là bốn chuyện vậy, kỳ văn đến thế, thì dù Tư Mã Thiên viết sử phục sinh, cũng không hơn thế được.