Thủy Hử - Chương 08 - Phần 2
Lâm Xung nghe Sài Tiến nói câu ấy, mới hiểu rõ ý tứ, liền muốn đứng dậy để đánh thử ngay. Bấy giờ Hồng Giáo Đầu lại đứng lên trước mà thách thức rằng:
- Nào, mau lên, thử đấu với ta một bài xem sao! Nói xong nhảy ra sân cởi áo ngoài ra, rồi lấy một cây gậy múa may xoay xở, mà kêu lên rằng:
- Ra đây, mau, mau!
Sài Tiến thấy Hồng Giáo Đầu ra dáng cấp bách, liền nói với Lâm Xung rằng:
- Võ Sư cứ thử đi một bài có ngại chi!
Khi đó Lâm Xung làm ra dáng rụt rè mà nói:
- Xin Quan Nhân chớ cười mới được.
Nói xong liền lấy một cây gậy chạy ra sân, bảo Hồng Giáo Đầu rằng:
- Xin ngài tha lỗi cho.
Hồng Giáo Đầu thấy Lâm Xung bước ra, thì trong bụng tức giận, muốn nuốt sống được ngay mới thích, liền vác gậy đến đấu luôn, mà không nói năng gì cả. Hai người mới quần nhau được đ năm bảy hiệp, thì Lâm Xung bỗng nhảy ra ngoài mà kêu lên rằng:
- Hãy khoan!
Sài Tiến thấy vậy, chạy đến hỏi Lâm Xung rằng:
- Sao Võ Sư đương đấu lại thôi thế?
- Thưa ngài, có lẽ tôi thua mất.
- Có lẽ đâu vừa đánh mấy hiệp mà đã thua ngay thế được.
- Thưa ngài, vì tôi còn bị gông trói vướng mắc, tất nhiên không thể nào đấu được.
Sài Tiến nghe vậy, liền cười mà nói rằng:
- Trời ôi! Tôi quên đi mất đấy, được có khó gì đâu.
Nói đoạn sai người lấy mười lạng bạc liền đưa cho đám công sai mà bảo rằng:
- Thế này thì không phải, tôi phiền hai ông làm ơn hãy tạm tháo gông cho Lâm Giáo Đầu một lúc. Rồi sáng mai đi, sẽ lại lắp vào tử tế, nếu có xảy chuyện gì, trách nhiệm tôi xin chịu cả? Mười lạng bạc đây xin bác nhận lấy cho.
Đổng Siêu, Tiết Bá thấy Sài Tiến là tay lỗi lạc phi thường, thì cũng không dám trái ý, vả chăng lại được mười lạng bạc bỏ túi, mà Lâm Xung cũng không có lẽ trốn ngay đi đâu được, vậy thì làm gì không nhận cho xong, liền nhận ngay lấy tiền, mà tháo gông cho Lâm Xung lập tức.
Sài Tiến cả mừng mà reo lên rằng:
- Nào bây giờ hai ông Giáo Sư thử một keo xem sao?
Khi đó Hồng Giáo Đầu thấy tay gậy của Lâm Xung lúc trước cũng hơi có vẻ rối loạn, thì trong bụng đã coi thường, mà cho là không thấm vào đâu, liền xăm xăm chạy toan ra để đánh.
Sài Tiến lại dìu Hồng Giáo Đầu khoan lại, rồi gọi trang khách lấy lên hai mươi lạng bạc, mà nói rằng:
- Món tiền này gọi là tạm làm tặng vật, vậy nếu ngài nào được, thì xin thu lấy cả cho.
Hồng Giáo Đầu thấy vậy, lại múa mang đầu gậy diễn ra một thế "Bả hỏa siêu thiên" để nạt Lâm Xung kinh sợ, bên kia Lâm Xung hiểu ý Sài Tiến muốn cho mình được, nên mới quăng tiền ra như vậy, liền cũng múa gậy mà diễn thế "Bát thảo tâm sà" một lúc.
Bấy giờ Hồng Giáo Đầu thét lên một tiếng, rồi vác gậy xông vào đánh Lâm Xung, Lâm Xung lùi về đằng sau một bước, Hồng Giáo Đầu sấn lên một bước, rồi giơ gậy vụt luôn một cái nữa.
Lâm Xung xem những cách tiến thoái của Hồng Giáo Đầu hơi loạn, liền giơ gậy lia từ mặt đất lia lên một cái rất mạnh, Hồng Giáo Đầu không kịp giơ tay đỡ, bị đầu gậy của Lâm Xung đánh vào đầu một cái nên thân, đoạn rồi bật hẳn cây gậy ở trong tay đi, mà ngã xuống đất.
Sài Tiến thấy vậy mừng reo lên, rồi gọi người lấy rượu ra rót mừng Lâm Xung một chén, còn Hồng Giáo Đầu thì ngã xuống sân mà gượng mãi không sao dậy được, chúng thấy thế ai cũng cười ầm cả lên, rồi túm vào để đỡ Hồng Giáo Đầu dậy. Hồng Giáo Đầu bò được dậy lấy làm hổ thẹn quá chừng vội lẻn cút đi lúc nào, không ai biết nữa.
Bấy giờ Sài Tiến dắt tay Lâm Xung vào nhà trong, mời ngồi đánh rồi lại sai đem tiền thưởng cho Lâm Xung, Lâm Xung từ chối không được, sau bất đắc dĩ phải cảm ơn, mà nhận lấy cho xong. Đoạn rồi Sài Tiến lưu Lâm Xung ở luôn trong trại năm bảy hôm nữa, thiết đãi rất là long trọng. Sau đám công sai thấy lưu luyến quá lâu, bèn có ý thúc giục, để cho Lâm Xung ra đi.
Sài Tiến biết thế không lưu được, liền đặt tiệc tiễn hành, và viết hai phong thư đưa cho Lâm Xung mà dặn rằng:
- Quan Đại Doãn ở Thương Châu đối với tôi rất là tử tế, mà thấy người Quản doanh hay là Sai Bát ở đấy thì lại là thân mật với tôi lắm, vậy tôi gửi hai phong thư này, xin ngài cứ đưa cho họ, tất là họ phải biệt nhãn đãi ngài.
Nói đoạn lấy hai mươi lạng bạc đưa tặng Lâm Xung, và lấy năm lạng bạc tặng lũ công sai một thể. Sáng hôm sau cơm nước xong rồi, Sài Tiến sai trang khách quảy hành lí đi theo ba người, bấy giờ Lâm Xung lại đeo gông như trước, và từ biệt Sài Tiến để lên đường.
Sài Tiến tiễn chân ra đến cổng trang, mà dặn rằng:
- Bây giờ ngài sang đây phải bảo trọng lấy thân, rồi đến mùa đông thì tôi xin đưa quần áo rét sang để ngài dùng cẩn thận.
Lâm Xung bái tạ mà rằng:
- Tấm lòng nhân hậu của Quan Nhân, bao giờ tôi báo được.
Đoạn rồi hai tên công sai cũng bái tạ Sài Tiến mà đi.
Ân cần trong lúc chia tay,
Anh hùng ly biệt cho hay khác thường!
Trưa hôm ấy, ba người đi tới thành Thương Châu, liền cho đám trang khách trở về, rồi ba người cùng mang lấy khăn gói hành lí mà vào chầu nha để đệ trình công văn.
Khi Châu Doãn xem xong, rồi phê một đạo hồi văn giao cho hai tên trở về Đông Kinh, còn Lâm Xung thì giao xuống phòng đề lao để đợi lệnh.
Lâm Xung bước vào phòng đợi ở đề lao, đã thấy bao nhiêu những tội nhân, lao xao chạy đến, bảo với Lâm Xung rằng:
- Ở đây có một người Quản Doanh và một người Sai Bát, đều là những tay ghê gớm bất nhân cả. Nếu có tiền nong đút lót thì họ còn cho được tử tế, bằng không thì họ đút ngay vào nhà hầm làm cho khốn nạn không sao mà chịu được nữa. Lại còn có một cách, nếu mình có tiền cho họ, thì khi bắt đầu vào đỡ phải chịu một trăm roi ra oai, chỉ nói dối là có bệnh cũng được, thế mà không có tiền, thì làm thế nào họ cũng đánh đủ một trăm roi ấy, dẫu có sống được cũng đến tồi tàn đau đớn mới thôi.
Lâm Xung nghe nói liền hỏi:
- Như vậy thì phải đưa bao nhiêu tiền mới xong?
- Muốn được cho tử tế, thì hai người ấy, tất phải đưa mỗi người năm lạng bạc mới xong.
Đương khi nói chuyện, thì đã thấy tên Sai Bát đến hỏi rằng:
- Tên nào là tên phạm tội sung quân mới đến? Đâu?
Lâm Xung thấy hỏi vậy, bèn đứng lên nói rằng:
- Thưa chúng tôi đây ạ.
Sai Bát thấy Lâm Xung nói vậy, mà không có tiền nong gì đưa ra, liền biến hẳn sắc mặt đi, rồi trỏ vào Lâm Xung mà mắng rằng:
- Thằng này gớm thực, sao mày trông thấy tao mà mày không lạy? Mày có biết khi ở Đông Kinh làm nên tội ác thế nào? Thế mà đến đây mày còn lên mặt với tao à? Tao nom mặt thằng này xám xì lại, như thế là đời mày không có lúc nào mà ngóc cổ lên được đâu? Mày là đồ băm không đứt, đánh không chết, mà lại lạc vào tay ta, để rồi chốc nữa ta cho mày biết.
Sai Bát vừa nói vừa mắng, tháo thốc luôn một hồi, mắng lấy mắng để làm cho Lâm Xung muốn nói cũng không biết nói vào đâu được nữa! Lũ tội nhân đương đứng quanh đấy, thấy vậy thì lảng vảng cút cả mỗi anh một nơi.
Bấy giờ còn một mình đứng lại, đợi cho hết cơn gắt, liền lấy ra năm lạng bạc đưa cho tên Sai Bát rồi làm bộ vui cười mà nói rằng:
- Thưa bác, tôi có năm lạng bạc gọi là có chút lòng thành xin bác nhận giúp cho.
Sai Bát trông thấy năm lạng bạc liền hỏi:
- Cái này là đưa cho ông Quản Doanh với tôi nữa đây, có phải không?
- Không, đây là tôi kính tặng riêng ngài, còn ông Quản Doanh thì tôi đã có mười lạng bạc đây, để tôi phiền bác đưa giúp hộ cho.
Bấy giờ tên Sai Bát nhìn Lâm Xung rồi cười mà bảo rằng:
- Lâm Giáo Đầu, tôi nghe tiếng Giáo Đầu đã lâu, thực là một tay hảo hán ở đời, chẳng qua Cao Thái Úy thù hằn mà hãm hại đấy thôi, nhưng thế nào mặc lòng, sau này tất nhiên cũng khá, vì một người tướng mạo đường đường, mà lại có tiếng tăm lừng lẫy như Giáo Đầu thì làm chi mà chẳng phen chức trọng quyền cao uy quyền to tát...!
Lâm Xung nghe đến đó đã chán cả tai, liền nói lên rằng:
- Vâng, thôi trăm sự nhờ ở bác cả, đây tôi có bức thư Sài Đại Quan Nhân gửi đến, phiền bác làm ơn đưa cho ông Quản Doanh giúp hộ.
Nói đoạn đưa bức thư ra cho viên Sai Bát. Sai Bát nói:
- Được lắm, có bức thư của Sài Đại Quan Nhân, thì cũng như thêm mười lạng bạc nữa rồi còn ngại điều chi? Nhưng nếu lát nữa Quản Doanh có đến đây, gọi đánh một trăm roi ra oai, thì Giáo Đầu cứ bảo là mới ốm dậy, để rồi tôi nói đỡ cho, như thế thì người khác họ khỏi ngờ.
Nói xong nhận lấy thư và tiền rồi đi ra.
Lâm Xung thấy thế thì thở dài, than một mình rằng:
- "Tha hồ nghĩa nặng tình sâu, Anh em máu mủ chẳng đâu bằng tiền" thế gian nói không sai câu gì cả!
Bấy giờ tên Sai Bát nhận mười lạng bạc và một bức thư của Lâm Xung, thì chàng ăn xén đứt đi năm lạng, chỉ còn có năm lạng, đưa lên cho Quản Doanh, mà tán tỉnh Lâm Xung là tay giỏi tay tài, chỉ vì Cao Thái Úy giá vạ vừa oan, chứ chẳng có tội chi là
nặng, vả chăng lại có thư của Sài Đại Quan Nhân gửi đến đây, thì tất nhiên phải xử lý cho khác người ta mới được.
Quản Doanh xem thư xong, rồi cho người đòi Lâm Xung lên điểm danh. Khi Lâm Xung lên tới nơi Quản Doanh bảo ngay rằng:
- Anh là phạm nhân ở bên Đông Kinh mới đến đây phải không? Theo như luật cũ có đức Thái Tổ Vũ Đức Hoàng Đế, phàm người nào mới đến sung quân, tất phải chịu một trăm roi đòn ra oai trước đã, vậy tả hữu đâu, đem tên phạm mới ra đánh cho ta!
Lâm Xung nhớ lời Sai Bát dặn liền kêu lên rằng:
- Bẩm, chúng tôi đi đường xa bị bệnh chưa được khỏi, xin hãy cho tạm khất ít bữa, sẽ xin theo lệnh.
Tên Sai Bát đứng bên đỡ lên rằng:
- Người y hiện đương có bệnh thực, xin ngài hãy khoan thứ cho hắn.
Quản Doanh nghe nói truyền rằng:
- Hiện nay người khán thủ ở Thiên Vương Đường mắc hạn đã lâu, vậy để cho Lâm Xung sang thay người đó.
Quản Doanh cũng ưng thuận liền, phê giấy cho Sai Bát đưa Lâm Xung sang Thiên Vương Đường. Sai Bát dẫn Lâm Xung vào phòng đề lao, lấy hành lí rồi cùng ra đi mà bảo rằng:
- Giáo Đầu ôi! Tôi thực là hết lòng hết sức, mới để cho Giáo Đầu ở Thiên Vương Đường này, chỉ sớm khuya quét tước dầu đèn, rất là nhàn hạ. Giáo Đầu thử xem những người khác xem, có phải là làm vất vả cả ngày, mà không được yên không? Lại còn những anh không có gì, thì còn đút vào trong hầm đất, chết không ra chết, sống không ra sống, thế thì khổ biết bao nhiêu!
Lâm Xung nghe nói thì cảm ơn, rồi đưa mấy lạng bạc nữa cho Sai Bát mà bảo rằng:
- Phiền bác làm ơn giúp tôi thế nào cho tôi được tháo gông ra một thể?
Sai Bát vâng lấy vâng để, rồi về kêu với Quản Doanh, mà tháo gông cho Lâm Xung ngay lập tức.
Từ đó Lâm Xung coi giữ ở Thiên Vương Đường, sớm hôm chỉ đèn hương quét tước trong nhà, không có việc chi là khó nhọc. Quản Doanh với Sai Bát, anh nào cũng đã vớ được ít tiền của Lâm Xung đút lót, cho nên cũng phó mặc tự do mà không sai khiến đến. Thỉnh thoảng Sài Đại Quan Nhân lại gửi sang cho ít quần áo tiền nong, để Lâm Xung chi dụng, thành ra đôi khi Lâm Xung lại được dư dật, mà cứu đỡ cho bọn tù túng thiếu đói chung quanh.
Sớm hôm thay đổi, ngày tháng lân la, cái thân hào hiệp giang hồ dẫu bó buộc vào nơi cương tỏa, nhưng một mình ăn ở ra vào, cũng chẳng có điều cho là thúc bách băn khoăn, bởi thế mà hạ hết đông sang, cảnh trời đã xoay chuyển thế nào không biết.
Một hôm vào khoảng giữa buổi trưa, Lâm Xung lững thững ra ngoài cửa đình, đi bách bộ chơi, chợt thấy có người gọi ở phía sau mà hỏi rằng:
- Lâm Giáo Đầu! Ngài đi đâu mà lại ở đây?
Lâm Xung nghe gọi lấy làm ngạc nhiên, không hiểu là ai, liền quay đầu lại xem.
Ngậm ngùi nước thẳm non xa,
Nào ai quen biết đâu mà hỏi han?
Chẳng hay con Tạo đa đoan
Còn mang oan nghiệt mà toan ghẹo người?
Thôi thôi chấp hết chuyện đời
Gan già nuốt lệ gượng cười đã quen
Bốn phương trăng gió giáp gìn,
Đi đâu mà chẳng là duyên giang hồ?
Lời bàn của Thánh Thán:
Văn chương là một thứ lạ, ví như mây mái trên trời non sông dưới đất, hoa cỏ thú cầm... thiên hình vạn trạng, biến ảo khôn lường... Hỡi ôi văn chương diễn đạt hay là sáng tác, nếu không như muôn hình biến ảo thì không bao giờ lộ ra hết những cái hay cái thú của văn chương?
Ta nói thế là sao? Như chuyện đánh Lâm Xung ở giữa rừng, mà Trí Thâm tới cứu, nhà sư đâu đến như ở trên trời xuống vậy. Nay xem phép tả thuật, sao mà thấy biến ảo như thế? Đoạn thứ nhất, mới thấy thuyền trượng đưa đến, đoạn thứ hai, một hòa thượng nhảy ra, đoạn thứ ba, nhà sư áo trắng dùng thuyền trượng giới đao, đoạn thứ tư mới rõ là Trí Thâm. Nếu đem họ Công Cốc, Đại Đái hai nhà danh sử viết ra, cũng nói từ thuyền trượng, đến nhà sư... song chưa bằng ở đây chép ra rất đột ngột, mà có thứ tự, đương lúc nguy nan của truyện nhân, chợt đâu một chuyện diễn ra, hoãn lại, khiến độc giả cũng kinh tâm loạn mục huống chi lũ công sai khi ấy khiếp sợ không dám hỏi tên họ, bút pháp đến thế rất là biến ảo.
Lại như hồi trên tả Lâm Xung, không thể không gác chuyện Trí Thâm vì về bước sinh ly của Lâm Xung phải tả luôn cho thấy thống khổ. Đó là cái khéo của phép hành văn, cho đến hồi này mới tả theo miệng Trí Thâm thuật lại, là kể từ lúc Lâm Xung gặp nạn đúng như lời thuật của Trí Thâm đã dự biết rồi khác nào mưa rừng theo gió vậy.
Lại lúc công sai tức giận Trí Thâm, lẽ nào chẳng hỏi, vừa hỏi đã bị ngay Trí Thâm chặn họng không dám hỏi nữa. Độc giả cũng không biết rõ là ai. Cho đến lúc Trí Thâm khoe thuyền trượng, Lâm Xung nhân đó nói ra như người ấy đã nhổ cây dương liễu tại chùa Đại Tướng Quốc đã trả lời gián tiếp công sai hỏi từ trước, mà không được trả lời, một nhân sự đâu tới biết rằng phải hỏi đến thì không nói, thế mà sau không hỏi, lại có sự nói ra, khác nào Rồng ở trên cây, thấy giải đằng đông thấy móng đằng tây, thật là ngòi bút kỳ diệu!
Lại như Hồng Giáo Đầu muốn đấu võ, lại gặp Sài Quan Nhân mời uống rượu, đấy đã một lần nhụt lại khiến người ta trong bụng không vui, mà Lâm Võ Sư ngần ngừ chưa dám, đến lúc đấu võ, được bốn năm hiệp, Lâm Giáo Đầu nhảy ra, nói rằng còn bị đóng gông, xin ngừng lại tháo gông, khiến Sài Tiến xin tháo gông xong đã, hai ba lần nhụt lại thò ra, khiến độc giả bút phép viết lên kỳ tuyệt.
Lại như lúc Hồng Giáo Đầu vào tỷ thí, một phần tả Hồng Giáo Đầu, một phần tả Lâm Giáo Sư, một phần tả Sài Đại Quan Nhân, có thể gọi là rất phức tạp và rất vội vàng, thế mà trung gian còn tả thêm hai người công sai, thì tác giả phải tĩnh tâm nhanh việc mới nổi.
Lại như Sai Bát nói ra mấy lời lật mặt, sau tiếp tả luôn Sai Bát mấy lời vui vẻ biết người, văn tự so lên, trở nên hài hước, đó là ba lan của văn chương, cần ở sự xảy ra gần mới hay, nếu xảy ra xa nhau, không lấy gì làm thú! Nếu như bỗng dưng thấy thuyền trượng xảy đến, rồi sau thuyền trượng ra đi, ba lần chỉ ở một thiên đầu với cuối; Lâm Xung khi đến, Sài Tiến đi săn, Lâm Xung ra đi, Sài Tiến trở về, chỉ trong một truyện từ đầu tới cuối. Đó lại là một điều nhận ra như thế.
Những chuyện như thế, đều như máy mài, non sông, cỏ hoa, cầm thú... kia biến ảo khôn lường, truyện Thủy Hử phép văn như vậy, nên xét cho ra.
Trong một hồi này, ngoài chính văn ra, tả đến bàng văn, xem chuyện đút của, mấy lần chí ý; như Lục Ngu Hầu lót cho công sai mười lạng bạc còn hứa khi xong việc, thì thêm mười lạng nữa, một lần đáng ngán; Ôi! Lục Ngu Hầu là người thế nào, mà lót mười lạng bạc, mà mười lạng bạc có đáng kể đâu, mà cần có một người tới đút, khiến Lỗ Trí Thâm biết mà cứu tới nơi, công sai không làm gì nổi, hai lần đáng ngán: Ôi mười lạng bạc, toan tính với nhau, mà tính mạng Lâm Xung chẳng kể, rồi hai người bàn bạc đánh trả lại mười lạng bạc cho xong, ba lần đáng ngán; Bốn người ở trong hàng mà hai người tính vụng ngoài mười lạng bạc, không có việc gì hơn hỏi thăm Sài Tiến đi vắng, trang khách cũng không nói săn đón, lại rằng: Các ông chẳng may, nếu Sài Quân ở nhà, thì phải có cơm rượu tiền nong đối đãi, bốn lần đáng ngán; Rượu thịt tiền nong, đối với tiểu nhân mới nên nói rủi may, mà Hồng Giáo Đầu khinh miệt Võ Sư, cũng rằng đến gạt rượu cơm tiền nong, năm lần đáng ngán; Ôi tiểu nhân khinh miệt quân tử chẳng phải vật chất, mà thôi, Võ Sư muốn tháo gông, Sài Tiến lót mười lạng bạc, công sai cũng bằng lòng, sáu lần đáng ngán; Bạc kia để sẵn, phép luật triều đình, cũng đến nể nang, mà Hồng Giáo Đầu thua cuộc, đoạn Đại Quan Nhân đem hai mươi lăm lạng bạc khiến nên, bảy lần đáng ngán; Của sẵn để đấy, thân phận dự không tiếc, Sài Tiến nêu ra, do hai mươi lăm lạng bạc, tám lần đáng ngán; Dẫu rằng thánh hiền hào kiệt, có tâm sự quang minh, cũng phải do đấy kính yêu, nếu bằng không thì rất là nhạt nhẽo, hai công sai cũng vì năm lạng bạc, cho nên ra khỏi, Lâm Võ Sư tạ ơn, hai công sai cũng tạ ơn, chín lần đáng ngán; Có của ấy thì thù ghét cũng thân, thú vật cũng mến, hết sức ra ngoài thân phận, Sai Bát tranh lấy, đã tranh của Quản Doanh năm lạng bạc, thế mà khi chửa đưa, thì ra mặt chửi mắng khi đã đưa tiền, thì giở mặt khen lao, mười lần đáng ngán; Ngần xưa tin nhau, không đổi lòng ngay, Võ Sư lót mười lạng bạc cho Quản Doanh, Sai Bát ngắt năm lạng, chỉ đưa năm lạng, mười một lần đáng ngán; Có của thì cái gì mà chẳng trọn vẹn, không có của còn ai giúp sức, bọn tù được Lâm Xung giúp đỡ, mười hai lần đáng ngán, chỉ vì có của cho người, mà cảm Lâm Xung ân nghĩa, ai cũng ngợi khen, tiếng khen đoạn của tạo nên thì kẻ sĩ thường nghèo, chẳng dám ở nhà học đạo, mà theo với thế gian thì chẳng biết gì thời vụ, há chẳng đáng thương thay!