Thủy Hử - Chương 29 - Phần 2

Bọn lính vâng dạ, rồi lôi Võ Tòng ra phòng để khám. Khi mở hòm ra thấy ở trên có ít quần áo, còn ở dưới thì toàn thị là các đồ dùng bằng vàng bạc cả. Võ Tòng thấy vậy ngẩn người, không biết kêu nói làm sao cho được. Chúng lại giải Võ Tòng, và khiêng hòm lên trước cửa sảnh. Trương Đô Giám thấy vậy quát mắng ầm ĩ lên rằng:

- Quân này vô lễ đến thế thì thôi! Tang vật rành rành ở trước hôm kia còn cãi được không! Người ta thường nói: "Chúng sinh còn độ được, đến người thì khó lòng mà độ được!" Té ra mày chỉ có ngoài mặt là người, còn trong lòng ruột cũng không khác gì cầm thú...!

Nói đoạn, liền sai phong tang vật lại, rồi cho đem Võ Tòng vào cơ mật hãy giam ở đó. Nhất diện sai người sang nói với Tri Phủ, và đem đút lót các chốn Áp Ty, Khổng Mục để lên án Võ Tòng. Sáng hôm sau đám hộ tập quan sát bắt Võ Tòng giải sang bên phủ, và đem các tang vật đến trình. Trương Đô Giám cũng sai người nhà đem giấy trình sự mất cướp ở trước mặt phủ quan.

Tri Phủ xem xong quát tả hữu trói chặt Võ Tòng lại, rồi gọi lấy các hình phạt đem ra. Võ Tòng vừa toan cất mồm lên kêu, thì quan phủ lại quát lên mà rằng:

- Thằng này nguyên là một thằng phát vãng đến đây, nay lại trông thấy các đồ vàng bạc thế kia, lẽ nào mà không sinh lòng cướp bóc? Chúng đâu không cần hỏi nó làm gì, cứ đem ra mà đánh hết sức đi...

Lính nghe nói dạ răm rắp một lượt rồi đem roi ra tra đánh Võ Tòng đen đét như mưa rào trên mặt đất vậy. Võ Tòng không biết thế nào mà chống cự nổi, bèn liều mà xưng nhận là:

- Tối hôm Rằm tháng Tám có thừa cơ vào nhà trong, mà lấy trộm các đồ kim ngân mọi lẽ...

Quan Phủ sai lấy cung rồi lại lấy gông, gông cổ Võ Tòng mà giam xuống nhà lao. Võ Tòng bị giam xuống nhà lao, bấy giờ trong bụng mới tỉnh ngộ mà nghĩ thầm rằng: "Cái này chắc là thằng Trương Đô Giám bày mẹo, để hãm hại mình như vậy! Nếu sau này có phen thoát tội được ra, thì quyết nhiên phải liệu cho nói một phen mới được".

Chàng nghĩ vậy thì trong lòng căm tức vô cùng. Còn mấy tên coi ngục đều nhận được tiền của Trương Đô Giám, nên đem Võ Tòng bỏ vào nhà đại lao, rồi cùm chân khóa tay, gông cổ, trói lại nghiêm ngặt.

Hùm thiêng khi đã sa cơ,

Rừng cây gai góc giờ có ai?

Bên kia Thi Ân nghe tin Võ Tòng bị bắt, bèn vội vàng về thành bàn với Lão Quản Doanh. Lão Quản Doanh nói rằng:

- Việc này chắc là Trương Đoàn Luyện muốn báo thù cho Tưởng Môn Thần, nên mới nói với Trương Đô Giám mà mưu sự như thế, chắc rằng các chốn cùng môn trên dưới đều có đút lót tiền nong, mà giết hại Võ Tòng chứ không chơi. Cứ như bụng ta, ta tưởng Võ Tòng cũng không đến nỗi nào tử tội, vậy nên ta cho người đến nói lót với hai người Ấp Lao và Tiết Cấp để duy trì tính mạng cho Võ Tòng, rồi ta ở ngoài mà liệu cách xoay sau.

Thi Ân nói:

- Hiện người Tiết Cấp coi tù bây giờ là người họ Khang, vốn thân mật với con xưa nay, hay đến đó mà nói...

- Phải lắm, người ta vì con mà đến nỗi bị quan tư bắt bớ, nay con không cứu người ta, thì đợi đến bao giờ nữa!

Thi Ân liền lấy mấy trăm lạng bạc, đem đến nhà Khang Tiết Cấp để đút lót. Khi tới nơi Thi Ân đem đầu đuôi chuyện Võ Tòng nói cho Tiết Cấp nghe. Khang Tiết Cấp nghe nói liền bảo Thi Ân rằng:

- Chẳng giấu gì huynh trưởng, việc này toàn mưu mẹo của Trương Đô Giám, cùng Trương Đoàn Luyện là hai anh em kết nghĩa với nhau đó. Hiện nay Tưởng Môn Thần vẫn ở nhà Trương Đoàn Luyện, sai người đem tiền đi đút lót khắp cả các nơi, trên có quan Phủ làm chủ, rồi đến chúng tôi đây, ai ai cũng được tiền cả, chỉ tính sao kết quả Võ Tòng nữa là xong. Duy ở đây có một người Khổng Mục họ Diệp, coi là có trung trực nghĩa khí, không chịu hãm hại lương dân, bởi thế mà Võ Tòng cũng đỡ được nhiều điều nguy hiểm. Nay nếu ngô huynh đến cứu giúp Võ Tòng, thì bao nhiêu những việc trong ngục phó để mặc tôi, tôi sẽ liệu đường mà khoan dung tử tế, còn ngô huynh phải nhờ người đến nói với Khổng Mục họ Diệp, để liệu sớm kết đoán cho ra! Thì mới có thể cứu tính mệnh được.

Thi Ân nghe nói, bèn đưa ra một lạng bạc để tạ ơn Khang Tiếp Cấp, Tiết Cấp hai ba lần từ chối, nhưng Thi Ân nhất định không nghe, bất đắc dĩ về sau phải nhận. Đoạn rồi Thi Ân bái biệt Tiết Cấp mà trở về dinh, tìm biết một người quen biết Diệp Khổng Mục, mà nhờ đưa một trăm lạng bạc để nói giúp.

Nguyên Diệp Khổng Mục vốn biết tiếng Võ Tòng là hảo hán, nên vẫn có lòng thương nể, mà đem các văn án định lòng lựa đổi giản dị. Duy Tri Phủ thì ăn nặng, song chẳng qua là một tội cướp trộm đồ vật, chưa lấy gì mà kết tử tội cho được. Nhân thế Tri Phủ vẫn cứ dùi dắng rảnh chuyện. Nay Diệp Khổng Mục, thấy có người đem tiền đến nói cứu mạng cho Võ Tòng, thì trong lòng càng mừng rỡ, bèn hết sức đem cái văn án giảm nhẹ bớt đi, rồi đến khi mãn hạn sẽ thi hàn kết đoán. Ngày hôm sau Thi Ân sửa soạn rượu nhắn chững chạc, nhờ Khang Tiết Cấp dẫn vào đại lao, để thiết đãi Võ Tòng. Bấy giờ Võ Tòng nhờ có Khang Tiết Cấp tử tế trông nom, khoan thứ các đồ hình nặng nên chàng cũng được ung dung không đến nỗi nguy nan như trước. Thi Ân lại đưa tiền cho các người canh gác mà dặn dò trông nom cẩn thận cho Võ Tòng. Khi cơm nước xong, Thi Ân ghé vào tai Võ Tòng bảo thầm các câu chuyện, và dặn dò cứ yên tâm, rồi sau sẽ có ngày thoát khỏi.

Võ Tòng từ ngày được Khang Tiết Cấp khoan túng dễ dàng, thì chàng đã định ý toan vượt ngục, nay thấy Thi Ân nói vậy;thì rầu lòng nấn ná xem sao? Cách hai hôm sau, Thi Ân lại mang cơm rượu tiền nong, nhờ Khang Tiết Cấp dẫn vào lao để đưa cho Võ Tòng, và các người canh gác ở đó. Đoạn rồi Thi Ân lại nhờ người nói lót các nơi, để mau mau sửa soạn văn thư cho chóng xong mọi việc.

Cách mấy hôm nữa, Thi Ân lại sắp rượu thịt cùng quần áo, để đưa vào cho Võ Tòng ăn uống và thay giặt. Trong mấy hôm đó, Thi Ân vào trong nhà lao thăm hỏi Võ Tòng được ba buổi, bất đồ bị người nhà Trương Đoàn Luyện dò biết tình hình, liền đem chuyện về báo với Trương Đoàn Luyện ngay lập tức. Trương Đoàn Luyện nghe nói, bèn đem sự thực sang nói với Trương Đô Giám. Trương Đô Giám lại sai người đem vàng lụa đến đút lót Tri Phủ, và nói hết mọi lẽ cho Tri Phủ nghe.

Tri Phủ vốn một tay tham nhũng xưa nay, khi nhận vàng lụa rồi, liền sai người lảng vảng trông nom trên dưới nhà lao, và tra xét các người qua lại. Thi Ân nghe biết chuyện ấy đành phải chịu phép ở nhà, không dám ra vào trông nom chi nữa. Tư đó Võ Tòng nhờ được Khang Tiết Cấp cùng mấy tên canh gác trông nom tử tế, còn Thi Ân thỉnh thoảng đến nhà Tiết Cấp để dò la tin tức mà thôi.

Thấm thoát trong hai tháng trời, Diệp Khổng Mục hết sức đem các việc oan khuất của Võ Tòng, để giải bày cùng Tri Phủ, và hết sức bênh vực mọi điều. Bấy giờ Tri Phủ biết rõ việc đó là Trương Đô Giám ăn lễ của Tưởng Môn Thần, mà thêu đặt nên chuyện, để hãm hại Võ Tòng, thì trong bụng cũng lấy làm nản mà tự nghĩ rằng: "Té ra họ được ăn tiền, mà để tiếng giết người cho ta, thì làm sao cho tiện? " Nhân thế Tri Phủ cũng để mặc đó, mà không lý hội gì đến nữa.

Dần dần đến hạn sáu mươi ngày, Tri Phủ bắt Võ Tòng ở trong ngục ra, thay bỏ gông trói, rồi Diệp Khổng Mục đem án ra tuyên cáo, định tội Võ Tòng phạt hai mươi trượng đày sang Ân Châu, còn tang vật ăn trộm, thì giao trả chủ cũ. Trương Đô Giám đến nhận các đồ tang vật. Đoạn rồi Tri Phủ gọi thợ, khắc kim ấn vào mặt Võ Tòng, đánh hai mươi trượng, gông thứ gông nặng, và thảo công văn sai hai tên công sai đi áp tải Võ Tòng. Nguyên khi Võ Tòng bị đánh, đã nhờ được Lão Quản Doanh xuất tiền nói lót các nơi, lại được Diệp Khổng Mục có lòng trông nom giúp đỡ, và Tri Phủ cũng thương là oan khuất không may, nên mấy chục trượng đòn cũng không lấy gì đau đớn. Hôm đó Võ Tòng nhịn tức theo giữ phép công, đeo gông vào cổ mà theo hai tên công sai đi thẳng ra thành. Đi được hơm một dặm đường, chợt thấy Thi Ân ở bên cạnh đường, chạy ra đón rước mà rằng:

- Tiểu đệ đợi quan anh đã lâu rồi...

Võ Tòng trông thấy Thi Ân lại có quấn lụa trên tay, chàng liền hỏi rằng:

- Mới ít lâu nay không được gặp Tiểu Quản Doanh, sao đã lại đau tay như thế?

Thi Ân đáp rằng:

- Chẳng dấu gì Ca Ca, từ hôm tiểu đệ vào thăm Ca Ca được ba lần rồi, sau quan Phủ sai người cấm đoán, nên không dám vào đấy nữa. Bất đồ được nửa tháng trời, một hôm tiểu đệ đương ở Khoái Hoạt Lâm, bỗng thấy Tưởng Môn Thần lại đem bọn người đến để đánh nhau. Tiểu đệ lại bị hắn đánh một trận rất đau rồi lại chiếm giữ Khoái Hoạt Lâm và bắt tiểu đệ phải tìm các người ở quanh đó để nói lại. Nhân thế trong mấy hôm trời, tiểu đệ phải nằm nghỉ ở nhà mà không đi đâu được. Nay nghe tin huynh trưởng phải đi đày ở Ân Châu, đệ đem hai tấm áo bông đến để Ca Ca thay mặc đi đường, và có hầm hai con vịt chín để trong hàng kia, xin mời Ca Ca vào uống mấy chén rượu rồi sẽ đi.

Nói đoạn quay ra mời hai người công sai vào hàng một thể. Hai tên công sai nhất định từ chối mà rằng:

- Khi nào chúng tôi lại ăn uống với thằng giặc tù này, lỡ ra quan tư biết đến thì sao?

Lại quay lại bảo với Võ Tòng rằng:

- Nếu anh không muốn đánh đòn, thì phải đi ngay mới được.

Thi Ân biết nói thế không ăn thua gì, liền đem mười lạng bạc đến tặng đám công sai, đám kia nhất định không lấy rồi ra uy sừng sộ bắt Võ Tòng phải đi.

Thi Ân liền rót hai chén rượu đưa Võ Tòng uống rồi buộc khăn gói áo vào lưng rồi, treo hai con vịt lên đầu gông cho Võ Tòng, mà ghé vào tai dặn rằng:

- Trong gói đó có hai áo bông, một bọc tiền và mấy đôi giầy gai ở đó... Song đường xá xa xôi, phải nên để phòng cẩn thận, mấy thằng công sai này, nghe chừng không có bụng tốt đâu?

Võ Tòng gật đầu nói rằng:

- Bất tất phải dặn, tôi đã hiểu rồi... cho nó thêm hai thằng nữa đến đây, cũng không sợ gì chúng nó. Chú cứ về tôi khắc có xử trí.

Nói đoạn Thi Ân liền bái biệt Võ Tòng, rồi sùi sụt gạt lệ trở ra về.

Một phen tri kỷ cùng nhau,

Vì ai nên nỗi bể dâu hỡi trời?

Rồi đây non nước xa vời,

Anh hùng mang giận muôn đời bao tan!

Võ Tòng, từ khi theo hai người công sai lên đường, đi được khoảng vài dặm, hai tên công sai bàn vụng với nhau rằng:

- Sao chưa thấy hai thằng ấy đến đây...?

Võ Tòng nghe biết ý chúng, liền cười thầm mà tự nghĩ rằng "Quân khốn nạn này, lại muốn trêu lão gia đây!" Chàng nghĩ vậy, thì tay phải sẽ rút đanh một bên gông để tháo tay trái ra, rồi để con vịt quay vào cho tay phải cầm, còn tay trái thì xé thịt để ăn. Đi được năm dặm đường, thì chàng đã ăn hết hai con vịt chín. Bấy giờ chừng đi khỏi thành độ tám chín dặm đường, chợt thấy phía trước có hai người vác đao giáo đứng đợi ở đó. Khi hai người trông thấy tụi công nhân dong Võ Tòng đến, thì cùng đổ ra mà đi một thể.

Võ Tòng liếc mắt hai anh kia, cùng hai công sai đưa mắt cho nhau, ra ám hiệu bảo nhau, thì trong lòng cũng đã hiểu ngầm ý tứ, song vẫn vờ làm ra mặt không biết. Đi được vài dặm đường nữa, thì bỗng đến một nơi bến nước mênh mông, bốn mặt toàn là bãi sâu sông rộng. Năm người cùng nhau tiến bước, tới một cái cầu to rộng, bên cạnh có một cái lầu để bia, trong bia khắc ba chữ "Phi Vân Phố" rất to.

Võ Tòng thấy vậy, bèn giả vờ nói rằng:

- Chỗ này là chỗ nào đây?

Hai tên công sai đáp rằng:

- Mắt anh mù đâu! Không trông mấy chữ Phi Vân Phố để ở bên kia à?

Võ Tòng đứng lại mà nói rằng:

- Tôi muốn đi cầu một cái đã.

Vừa nói dứt lời, thì hai anh đứng đón lúc nãy bỗng vác dao sấn gần vào, Võ Tòng liền quát lên một tiếng, đá thốc luôn cho một cái ngã lăn xuống nước. Còn một anh nữa vừa toan quay mình, thì đã bị chàng đá luôn cho một cái nữa, ngã quay đơ ra, mà lặn tùm xuống nước. Hai tên công sai thấy vậy vội trông lối dưới cầu mà toan chạy xuống. Võ Tòng thét lên rằng:

- Chúng bây chạy đi đâu?

Nói xong cầm gông bẻ một cái, gãy tan ra làm đôi, rồi sấn xuống dưới cầu để đuổi. Một tên công sai thấy Võ Tòng đuổi đến, thì kinh sợ rụng rời, mà tự ngã lăn ra đất, còn tên kia thục thân cố chạy, cũng bị chàng đuổi tới, mà đánh cho một cẳng tay vào sau lưng ngã lăn xuống đó.

Đoạn rồi Võ Tòng vớ lấy thanh đao quăng rơi ở bến nước, quay lại đâm cho mỗi thằng một nhát, kết quả tính mạng hai tên công sai. Bấy giờ hai anh ngã lăn xuống nước vừa mới lóp ngóp bò lên, toan cất cẳng để chạy, bất đồ bị Võ Tòng đuổi đến, đâm chết một anh, còn một anh nữa, thì chàng ta nắm đầu giữ lại, rồi quát lên rằng:

- Muốn sống thì phải thực ta tha cho, ai xui mày đến đây như thế!

Anh kia run sợ mà kêu rằng:

- Chúng tôi là đồ đệ Tưởng Môn Thần, sư phụ tôi cùng Trương Đoàn Luyện bàn nhau, sai chúng tôi đến đây, để giúp hai tên công sai mà hại hảo hán đó.

- Sư phụ mày là Tưởng Môn Thần, hiện bây giờ ở đâu?

- Khi chúng tôi ra đi, thì hiện đương cùng Trương Đoàn Luyện uống rượu ở lầu Uyên Ương tại nhà Trương Đô Giám, để đợi tin chúng tôi về báo.

Võ Tòng nghe nói liền bảo tên kia rằng:

- Nếu vậy thì ta không thể nào tha cho mày được.

Nói đoạn giơ dao lên một nhát, ngã chết còng queo ra đó.

Đao này mình định giết ai?

Vì đâu bỗng hóa ra ai giết mình!

Nực cười trời khéo xoay nhanh,

Thanh đao kia để vô tình với ai...?

Bấy giờ Võ Tòng lần các con dao lưng, chọn lấy một con rất tốt giắt vào mình. Lại e hai tên kia chưa chết hẳn, liền đâm thêm cho mỗi anh mấy nhát, vất cả xuống bến nước, rồi lên cầu đứng vẫn vơ một mình mà nghĩ. Chàng nghĩ thầm rằng: Bấy giờ ta đã giết xong bốn đứa này rồi, song còn đám Trương Đô Giám, Trương Đoàn Luyện, Tưởng Môn Thần, vẫn còn ở đó thì bao giờ cho thỏa lòng tức giận bấy nay!" Chàng nghĩ vậy, thì vác đao quanh quẩn hồi lâu, rồi thốt nhiên định bụng, mà xăm xăm về lối Mạnh Châu, mới hay:

Trông giang sơn luống ngại ngùng!

Giết người mang tiếng để lòng mang oan,

Hay chi đồng loại tương tàn,

Mà đem giọt máu tưới tan khối thù,

Giận trời còn lắm phàm ngu,

Trăm năm để khách giang hồ bận tay,

Phi Vân còn bến nước đây.

Còn về còn nhớ đến ngày rửa oan...

Lời bàn của Thánh Thán:

Tác giả tả Khoái Hoạt Lâm, sớm Tưởng tối Thi, nay Thi mai Tưởng, bèn khiến người chẳng còn trở lại khoái ý, Sử quan có ích cho đời, xét ra không ít, vì không muốn cho bọn cường hào tranh chiếm của thiên hạ với nhau. Trương Đô Đầu cho Võ Tòng đi lại trong nhà, để lừa cho chết, nào ngờ lại bị chết, cái cơ họa phúc không lường, độc giả đến lạnh lùng khiếp sợ. Sau khi Võ Tòng giết chết chị dâu, lại tả ra rất nhiều thú phong lưu khinh bạc, như loại Thập Tự Phi, Khoái Hoạt Lâm, lại chợt đâu tả ra ở dưới lầu Uyên Ương nhà Trương Đô Giám, giữa tết Trung Thu yến ẩm, toàn những chuyện tình, hoặc đưa đến, hoặc gợi ra vui đùa... đến đem Ngọc Lan hứa gả, khiến anh em Võ Đại, Võ Nhị, có Kim Liên với Ngọc Lan, bỗng thấy nên đôi, lòng vàng gấm vóc moi ra, thực là tuyệt thế. Tả Võ Tòng sau khi đã giết bốn người, chợt dùng bốn chữ "Vác dao dùng dằng", thực khéo dùng như Trang Tử, khiến độc giả sau này, chẳng rõ là Thủy Hử dùng theo Trang Tử, hay là Trang Tử dùng theo Thủy Hử. Hồi sau tả máu ngập lầu Uyên Ương, một chuyện lộn trời đảo đất, mà trước đã tả câu bốn chữ này, chợt khiến người đọc suy xét, ngọn bút thần diệu là thế, đâu phải người đời dễ biết ra ngay!