Chai thời gian - Chương 19 - 20
Chương 19
Những ánh ngày cuối cùng tắt dần ở phía chân trời thẳng trước mặt. Bóng tối cởi chiếc áo choàng đen chậm rãi trải dài trong khi đèn đường bật sáng những đôi mắt huỳnh quang, hết hàng này đến hàng khác sau lưng chúng tôi.
Tôi và Jom sóng vai bước đi trên một con đường nhỏ, tĩnh lặng. Tường các ngôi nhà tạo thành một hàng rào liên tục hai bên đường như muốn đóng khung chúng tôi vào khoảng trống hẹp giữa chúng.
“Nói gì đó đi,” Jom thầm thì sau khi chúng tôi im lặng khá lâu.
“Ví dụ chuyện gì?” Tôi nhìn chị.
“Chả biết.” Chị nhún vai, tay vẫn đút trong túi quần bò mài. “Gia đình, bạn bè, người yêu, phim ảnh, gì cũng được.”
“Ngày xửa ngày xưa…” Tôi dài giọng.
“Thôi nào, Béo.” Chị cười nhạt. “Cậu không cần phải giả bộ với chị, được chứ?”
Tôi đờ ra.
“Cậu có hay gặp bố không?” Jom quay sang tôi. Mái tóc đen như mun chấm vai bay trong gió, và đây là lần đầu tiên tôi nhận ra nó mềm mại và óng ả chừng nào.
“Không thường xuyên lắm.” Tôi cúi đầu.
Bố ngồi ủ ê trong góc của quán rượu nhỏ như một thứ đồ đạc bị bỏ đi đã lâu. Những bóng đèn tù mù treo trên trần chiếu lờ mờ trên vầng trán đầy nếp nhăn, hai hố mắt sâu và đôi bọng mắt to của ông.
Chỉ khi tôi bước vào quán, kéo ghế ngồi xuống trước mặt bố, ông mới ngẩng đầu lên khỏi bóng mình hắt trên chiếc bàn bẩn thỉu. Ông không chào tôi, nhưng nỗi buồn trong mắt ông hùng hồn hơn bất cứ lời nói nào.
“Trong này nóng thật đấy ạ,” tôi nói, cảm thấy lúng túng và phe phẩy cổ áo đồng phục cho bớt nóng.
“Khi bố là quản lý của xưởng đá, đó quả là thời kỳ hoàng kim, con biết đấy. Các công chức trong quận, người làng, họ gọi bố là ‘Sếp Lớn’. Nếu bố muốn chén thịt lợn hay thịt bò, bố chỉ cần búng ngón tay là họ sẽ mổ lợn mổ bò, nướng lên dâng bố. Rượu thì khỏi phải nói, đủ để mà túy lúy suốt ba ngày ba đêm.”
“Tuần tới con thi,” tôi lẩm bẩm.
“Và khi bố đứng đầu bộ phận vận tải thì còn khá hơn nữa. Rượu ngoại, đồ hộp, con cứ kể tên bất cứ thứ gì, chúng ta chắc chắn đều đã có, ôi con trai ơi! Nat và Ning chén nhiều sô-cô-la đến nỗi sâu hết cả răng.” Bố cười khúc khích, cúi gục đầu đổ rượu trắng vào một chiếc chén nhỏ. Ông nắm chặt chiếc chén, quay mặt đi, đưa chén lên môi uống cạn một hơi.
“Ồ phải…” Ông đặt chén xuống như vừa nhớ ra điều gì. “Không biết con gấu bông đánh trống còn không? Bố mất đến ba trăm bạt vào đó, con biết đấy. Khi ấy bố thất nghiệp, nhưng Ning khóc như suối. Con bé thích con gấu quá. Nó vừa đi vừa gõ trống binh-bong và lắc đầu nên con bé muốn có nó…”
“Con nghĩ con sẽ đăng ký vào trường Sinlaparkorn.”
“Sá gì ba trăm, bố nói, khi con gái tôi muốn nó.” Bố ợ và mùi rượu trắng nồng nặc phả ra. “Nhưng hai con không bao giờ biết bố đã phải vật lộn thế nào mới kiếm được số tiền đó đâu.”
“Bố!” Tôi gào tướng, đứng bật dậy tóm cổ tay ông khi ông chực rót thêm chén nữa. “Bố nghe con nói đi.”
Bố vẫn ngồi đờ đẫn, cụp mắt cúi đầu. “Bố yêu hai con,” ông lầm bầm. “Nhưng các con không bao giờ biết. Các con không biết gì hết.”
Tôi chật vật đỡ bố ra khỏi taxi. Ông hò hét và giận dữ đá bánh xe khi người lái taxi nhoài người ra đóng cửa xe. “Đồ khốn! Đi chết đi! Ta đã có hàng tá xe hơi rồi, ta cho mi biết. Mi và cái taxi bẩn thỉu của mi, sao mi dám vô lễ như thế?”
Tôi không phải nhấn chuông cửa vì đèn trong nhà đã bật sáng ngay khi bố lên giọng. Nửa đi nửa chạy, Waeo ra mở cửa, trông bối rối và lo ngại. “Chào Nat,” cô lao ra đỡ bố. “Cháu tìm thấy ông ấy ở đâu vậy?”
“Là em hả Waeo?” Bố đẩy tay chúng tôi ra và cố đứng thẳng. “Chả có gì đặc biệt cả. Chỉ là chúc mừng…” Ông dừng lại, rồi nặn ra một tiếng cười. “Công ty anh vừa xin việc mai hay ngày kia sẽ gọi anh – khoảng mười ngàn một tháng, em biết đấy.”
“Cháu vẫn chưa ngủ à?” Waeo ngẩng đầu khi thấy bóng tôi đổ trên sàn trước chiếc ghế mây mà cô đang nằm co quắp như một con mèo hoang mắc kẹt. “Ngồi đi.” Cô ngồi dậy nhường chỗ cho tôi. “Giờ cháu đã là thanh niên rồi đấy.”
“Bố như thế này bao lâu rồi ạ?” Tôi ngồi xuống mà không nhìn cô và khẽ hỏi.
“Khoảng một tháng.” Cô buông một tiếng thở dài não nề. “Ồ, ý cô là như cháu thấy đêm nay.”
“Cháu chưa từng thấy bố cháu thảm đến mức này.” Tôi ngồi nhấn mạnh từng chữ.
Waeo thu người lại. Vai cô võng xuống, hai bàn tay đan chặt vào nhau.
“Có chuyện gì với bố vậy ạ?” Trước phản ứng của cô, tôi nói nhẹ nhàng hơn.
“Ông ấy đang đau khổ vì mất việc,” cô đáp mà không ngẩng đầu lên. “Ông ấy rất hy vọng được bổ nhiệm vào vị trí trợ lý giám đốc, nhưng họ giao vị trí ấy cho người mới. Vậy nên ông ấy phản kháng bằng cách hai tuần liền không đi làm, và khi quay lại công ty thì đến cả một chỗ để ngồi ông ấy cũng còn không có.”
“Thế nên bố cháu nghỉ việc,” tôi nói nốt vì quá hiểu bố mình.
“Phải.” Waeo gật đầu. “Nhưng không chỉ có vậy. Người trong công ty đó đồn ra ngoài rằng bố cháu bị đuổi việc vì nát rượu, vậy nên mấy công ty khác cũng không nhận ông ấy.”
Tôi ngồi ngay đơ mà nghĩ tới chuyện bố cảm thấy thế nào khi bị từ chối hết lần này đến lần khác.
“Cô muốn đi kiếm việc nhưng bố cháu không chịu nghe,” Waeo nói tiếp bằng giọng bắt đầu run rẩy. “Ông ấy bảo thà để hai người chết đói cùng nhau còn hơn là chấp nhận để cô nuôi ông ấy.”
“Cháu đảm bảo không bao lâu nữa bố cháu sẽ kiếm lại được việc thôi,” tôi nói để an ủi cô.
“Nat, hãy năng đến thăm bố cháu.” Waeo ngẩng đầu nhìn tôi. Ánh đèn khiến hàng lệ dâng đầy hai khóe mắt cô lấp lánh. “Có một số người yêu con cái, nhưng có những người cần con cái, và bố cháu là kiểu người thứ hai.”
“Đó là lần gần đây nhất em gặp bố,” tôi nói khe khẽ sau khi kể mọi chuyện cho Jom tối đó.
“Cậu nên tới thăm bố nhiều hơn,” Jom khuyên. “Có lẽ ông ấy thực sự cần cậu.”
“Nếu đó là chị,” tôi nói, cảm thấy mếch lòng. “Chị sẽ thấy thế nào nếu ai đó bảo chị là người ta cần chị nhưng rồi lại đi ở với người khác?”
“Nhưng bố chưa bao giờ cần chị!” Jom hét lên bằng tất cả sức bình sinh. “Bố thậm chí còn không thèm biết chị cần bố như thế nào.”
Khi tôi mở cửa bước vào quán, mẹ vẫn ngồi bên quầy. Đã muộn rồi và chỉ còn một vài khách ngồi tại bàn lặng lẽ thưởng thức vại bia của mình.
“Mày biến đi đâu suốt buổi hả?” Mẹ hỏi khi tôi bước tới chỗ bà. “Tao phải đi khám răng, thế mà đợi mãi xem có ai trong hộ không cũng chẳng có ma nào.”
“Ning chưa về ạ?” Tôi đứng trước quầy hỏi.
“Nó đi tiệc tùng ở nhà bạn,” mẹ mệt mỏi đáp. “Bọn người nhà này có vẻ chỉ biết đâm đầu vào đàn đúm…”
“Bao giờ thì bác Amorn ở miền Nam về ạ?” Tôi thầm thì hỏi.
“Ái dà!” Mẹ kêu lên như vừa giẫm phải thứ gì đó sắc nhọn. “Ai mà biết? Bây giờ vợ lão ở Hart Yai chả quyết bám chặt lấy lão ấy chứ.”
“Ôi, thôi nào mẹ.” Tôi thở dài, cảm thấy khó chịu.
“Tao nghĩ đúng đấy. Nhớ lần trước không? Lão biến liền ba tháng. Nếu tao không xuống tận đó lôi cổ lão, mụ sẽ không để lão rời ra đâu. Mụ còn tiếp tục quấy nhiễu lão để vắt kiệt lão, dù một mình tao trông coi chỗ này: lão đàn ông của mụ không bỏ một bạt lẻ nào vào việc kinh doanh ở đây.”
“Chẳng phải mẹ bảo định đi khám răng sao?” Tôi cắt lời mẹ.
“Giờ này thì kiếm đâu ra nha sĩ nữa?” Mẹ oang oang.
“Vậy mẹ đi nghỉ một chút đi, con sẽ trông quán cho mẹ.”
“Còn có hơn một tiếng nữa là đóng cửa.” Mẹ liếc đồng hồ trên tường. “Đằng nào tao cũng ở đây một mình cả buổi tối rồi. Mày thích gì cứ đi làm đi.”
Quá buồn nản, tôi lắc đầu dạt vào bếp. Bác Ngop vẫn đang hùng hục giã ớt. Bác ngẩng đầu lên khỏi cối và vừa nhìn tôi vừa lấy mu bàn tay quệt mồ hôi trên trán.
“Bác có cần cháu giúp không?” Tôi ngồi xổm xuống cạnh bác.
“Không cần, bác sắp xong rồi.” Bác giã tiếp.
“Sao bác không để phụ bếp làm việc này thay bác?” Tôi hỏi và gạt chỗ ớt dính trên thành cối xuống.
“Này, cẩn thận nào!” Bác Ngop cáu kỉnh. “Nếu cháu mà lỡ quẹt lên mắt, bác thề cháu sẽ khóc mù cả mắt luôn. Bọn phụ bếp thời buổi này thì chưa kịp sai chúng làm gì chúng đã phàn nàn rồi. Nếu bác bảo chúng giã ớt, chúng sẽ giã lớt phớt vài cái rồi cuối cùng bác sẽ có những miếng ớt to bằng phân vịt. Tốt nhất là làm lấy, làm thế này bác đỡ phải lo.”
“Nhưng thế rồi bác lại cứ than là mệt mỏi,” tôi châm chọc.
“Hừ!” Bác đưa cánh tay quệt mồ hôi trên mặt. “Mệt lử tới tận xương, thật đấy! Bác không nói ngoa đâu, bác cam đoan với cháu.”
“Bác uống thuốc tiểu đường chưa?” Tôi quan tâm hỏi.
“Ôi chết tôi rồi, chưa!” Bác Ngop đấm ngực. “Thấy không, bác bận đến nỗi quên khuấy mấy. Thôi đừng lo, mai bác sẽ uống gấp đôi liều.”
Bệnh tiểu đường hành hạ bác Ngop rất nhiều và điều khiến tôi khổ tâm hơn nữa là bác ít quan tâm tới sức khỏe của bản thân mình. Bác thường xuyên không uống thuốc và thích gì ăn nấy, và nếu có ai nói gì, bác lại kiếm cớ rằng sẽ uống sau. Bác luôn như vậy, cho tới ngày không còn cơ hội để mà kiếm cớ nữa.
Chương 20
Đến gần hai giờ sáng Ning mới về nhà. Tiếng người nói líu ríu huyên náo và tiếng động cơ ô tô đã dần lắng xuống, con phố lớn ngoài kia đã yên tĩnh trở lại, vậy mà tôi vẫn chưa nghe thấy tiếng chìa khóa lách cách trong ổ và tiếng kéo cửa tầng trệt rin rít.
Tôi rời bức tranh đang vẽ dở và đứng dậy đi ra cửa, xuống tầng. Dưới ánh đèn đêm, đám bàn ghế trống là những hình thù lờ mờ chìm trong bóng tối, sẵn sàng cho buổi dạ tiệc của quỷ dữ. Gián bò quanh tìm kiếm mẩu vụn thức ăn trong những góc sàn mà cái chổi bỏ quên.
Tôi tới bên cửa chính, tra khóa vào ổ, dỡ thanh chắn bằng sắt xuống và nhòm qua khe cửa. Chẳng có gì ngoài kia dưới ánh đèn đường sáng lóa. Gió thổi vụn giấy trắng bay tản mát trên mặt đường nhựa. Tôi mở cửa bước ra ngoài.
“Ning ơi,” tôi khẽ gọi.
Nó ngồi một góc, cằm tì vào đầu gối, gió quật rối tung mái tóc bông mềm.
“Sao thế?” Tôi vừa hỏi vừa bước lại gần nó. Tôi quỳ xuống trước mặt nó và lắc mạnh vai nó.
“Nat…” Nó chậm chạp ngẩng đầu lên. “Em muốn một ngôi sao đêm. Hái cho em một ngôi sao đi, nhé?” Nó chỉ lên bầu trời.
“Vào nhà đi.” Tôi đứng dậy chìa tay chực đỡ nó đứng lên theo.
“Không vào đâu.” Nó lắc đầu quầy quậy. “Cho em một ngôi sao trước đã. Anh từng hái cho em cam thảo dây và hoa đậu biếc, nhớ không?”
“Ning…” Tôi thở dài. “Được rồi, để lát anh hái sao cho em.”
“Hu… ra!” Ning hò reo trước khi níu tay tôi đứng dậy. “Em yêu anh hơn bất kỳ ai trên thế giới này.” Nó ôm chặt tôi. Da nó, hơi thở nó đều phả ra mùi cồn.
“Sao lại uống rượu thế này?” Tôi khẽ hỏi.
“Em cô đơn. Em chẳng có ai cả,” nó lầm bầm và dụi đầu vào lòng tôi.
“Vào nhà thôi.” Tôi đưa tay dịu dàng vuốt tóc nó. “Ngoài này lạnh cóng, không khéo lại ốm đấy.”
Tôi chật vật giúp nó leo lên cầu thang. Lúc không ngồi ì ra trên bậc thang ra chiều sẽ không đi thêm bước nào nữa thì nó lại lảm nhảm to đến mức tôi phải lấy tay bịt miệng nó lại.
“Cho em vào phòng anh đã,” khi chúng tôi lên đến tầng hai, nó đòi nằng nặc.
“Được rồi.” Tôi ngán ngẩm gật đầu.
“Em yêu anh lắm, anh trai.” Ning vòng tay ôm eo tôi. “Em yêu anh nhất quả đất.”
Tôi vừa mở của phòng, Ning lập tức lảo đảo đến bên giường và đổ vật xuống mép giường. Tôi nhìn trân trối rồi đi qua chỗ nó nằm, đến bên bàn kéo ghế ra ngồi. “Khát không?” Tôi vừa hỏi vừa cầm bút chì lên.
“Anh đang làm gì thế?” Ning rướn người nhìn. “Lại một bức khác hả?”
“Chả có gì đặc biệt cả,” tôi đáp đoạn ném bút xuống bàn rồi nhét bức vẽ xuống dưới một chồng giấy.
“Cho em xem với.” Nó tụt khỏi giường ra chỗ tôi. “Sao lại giấu không cho em xem?”
“Anh không giấu.” Tôi giơ tay ngăn nhưng nó vọt tới lôi được bức vẽ ra.
“Trả lại đây ngay!” Tôi tìm cách giật lại nhưng nó ghì chặt bức vẽ vào lòng và chạy ù về giường.
“Ai đây?” Nó giơ bức vẽ lên nhìn trong khi tôi cố gắng thoát ra khỏi cái ghế đang bị kẹt vào bàn.
“À, em biết rồi!” Nó kêu lên sau khi ngẫm nghĩ một lát. “Là chị Jom, phải không?”
“Trả bức tranh đây.” Tôi bước về phía nó đầy đe dọa.
“Anh trả lời trước đã, phải hay không phải?” Nó nhét bức vẽ xuống dưới gối và ngồi lên.
“Phải,” tôi ngần ngừ thừa nhận. “Giờ đưa ngay đây.”
“Đây… anh cứ giữ lấy, em chẳng thèm,” nó sưng sỉa nói, kéo bức vẽ đã nhàu nát đưa cho tôi.
“Mày là đồ…” Tôi giơ nắm đấm lên, chỉ muốn táng cho nó mấy cú vào đầu.
“Ê!” Nó thè lưỡi ra. “Tranh gì mà xấu kinh!” Nó lăn qua lăn lại trên giường vẻ đầy sung sướng trong khi tôi cố gắng vuốt phẳng bức vẽ trên bàn. “Thế chị Jom về chưa?” Nó bất chợt hỏi. “Sao anh không trả lời?” Nó làu bàu khi thấy tôi làm lơ.
Chúng tôi im lặng hồi lâu. Một cơn gió lạnh thổi vào qua cửa sổ. Những đóa hồng khô trong chiếc bình trên bàn tôi run rẩy.
“Nat,” Ning khẽ gọi tôi. “Anh yêu chị ấy hả?”
Tôi ngồi im, dán mắt vào bức vẽ trước mặt… “Chị mà có mấy vại tiền, chị sẽ mua một mảnh đất ngay đây và xây một ngôi nhà nhỏ nổi giữa đầm.” Giọng nói của Jom bồng bềnh trôi tới cùng cơn gió. “Ý hay đấy, Jom. Như thế chị có thể tập đàn mà không sợ bị ném gạch.” “Ôi quỷ tha ma bắt cậu đi, Béo!” Tôi có thể mường tượng lại cảnh chị ôm đầu tôi mà lắc. “Cậu không bao giờ khuyến khích chị lấy được một câu.”
Tôi từ từ ngẩng đầu lên khỏi bức vẽ và quay lại nhìn chiếc giường. Ning đã ngủ say, nhịp thở sâu và đều đặn. Nụ cười hạnh phúc còn vương lại trên gương mặt nó gợi nhắc tôi đến khoảng thời gian cả hai chúng tôi còn nhỏ xíu nằm rúc vào nhau. Quãng đời kia đã qua lâu rồi và kể từ đó chúng tôi đã bị bứt ra khỏi nhau mà không có đứa nào có thể làm một điều chết toi gì để thay đổi sự ấy. Và đây chính là lý do vì sao chúng tôi một mình vật lộn và cô độc bước trên đường đời, không có một ai để quay sang mà cùng khóc cùng cười như ngày thơ ấu.
Tôi vẫn còn nhớ Ning đã nức nở trong lòng tôi như thế nào vào lần đầu tiên bác Amorn qua đêm tại nhà chúng tôi, và cái ngày nó bắt tôi hứa sẽ không bao giờ rời bỏ nó cùng mẹ nữa. Mặc dù chưa hề rời nơi đây, tôi không còn lấy một cơ hội để xích lại gần hai người ấy như trước kia. Mỗi người trong chúng tôi đều có một thế giới riêng, đóng cửa với những người còn lại và chúng tôi đơn độc vật lộn kiếm tìm ý nghĩa của cuộc đời.
Tôi nghĩ tới cuốn nhật ký màu đỏ và những gì được viết trong đó.
“Chúng tôi chỉ còn có điều này: chúng tôi có bốn người
Nhưng chẳng ai có ai – mỗi người đều một mình
mỗi người khóc vì một nỗi
và quệt đi nước mắt của chính mình
mỗi người chúng tôi đều cô đơn
với những giấc mơ đã vỡ - những giấc mơ không bao giờ
thành hiện thực
Trơ trọi vùi dập – những giấc mơ.”
Và
“Sau cái đêm ác mộng ghé thăm
Tôi học cách tự dỗ dành bản thân
và không bao giờ làm phiền mẹ nữa
với những cơn ác mộng của mình.”
Và tôi cũng không thể tưởng được rằng mẹ sẽ cảm thấy thế nào nếu bà cũng biết. Như tôi biết, về những cơn ác mộng đang thật sự hiện hữu trong cuộc sống của Ning. Có lẽ mẹ sẽ hối tiếc là đã đóng sập cửa phòng mình vào ngay đêm đầu tiên Ning trải qua ác mộng, hoặc không chừng bà sẽ không bao giờ mở lại cánh cửa ấy bước ra ngoài nữa.
Tôi bỏ lại bức vẽ trên bàn, đứng dậy, tới bên giường, lấy chăn đắp lên người em gái rồi cúi xuống nhẹ nhàng hôn lên trán nó.
Chuông điện thoại cứ reo, reo mãi mới có người nhấc máy.
“A lô. Đây có phải nhà ông Withoon không ạ? Làm ơn cho cháu nói chuyện với Jom.”
“Nó ra ngoài rồi.” Giọng nói ở đầu dây bên kia vang lên cộc cằn rồi một tiếng dập mạnh dội vào tai tôi và tiếp đó là tín hiệu bận.
Tôi sững sờ cúp máy. Mới có vài năm, quá nhiều thứ đã thay đổi trong nhà Jom và những gì đang diễn ra ở đó chắc hẳn là rất khắc nghiệt với mẹ chị. Tôi tự hỏi làm sao một người đàn bà mỏng manh, thầm lặng và yếu ớt này có thể chịu đựng một hoàn cảnh như vậy bấy lâu nay.
“Mụ ấy đang chờ mẹ chị chết đi để chiếm toàn bộ tài sản.” Tôi nhớ đến lời Jom nói trước khi chị đi Anh quốc. “Nhà cửa, ruộng đất, thậm chí cả công ty, tất cả đều do cả cha và mẹ chị đồng sở hữu.” Rồi chị nói thêm: “Nhưng mẹ bảo rằng mẹ sẽ không chết dễ dàng như vậy, rằng bà sẽ tiếp tục sống để chứng kiến cơn thèm khát của kẻ khác và chăm sóc chị cho tới khi chị học xong.”
“Mày đi đâu mà sớm thế này?” Mẹ vừa đi xuống cầu thang vừa hỏi.
“Con qua nhà bạn ôn bài,” tôi đáp, nhìn lảng đi chỗ khác.
“Thế thì nhớ nhanh nhanh mà về,” mẹ ra lệnh. “Tôi nay tao tính đi Hart Yai, mày cũng đi cùng đi.”
“Để đòi lại bác Amorn ạ?” Tôi khẽ khàng hỏi.
“Chứ còn gì nữa?” Bà đốp lại.
“Mẹ đừng quên đến chỗ nha sĩ,” tôi nhắc bà.
“Hừ!” Bà cao giọng. “Định mỉa mai mẹ mày đấy hả? Ý mày là tao sẽ đi cắn người ta, đúng thế không?”
“Ôi, mẹ, làm ơn đi!” Tôi lắc đầu, ngấy đến tận cổ.
Cơ hồ vào sáng Chủ nhật mọi thứ đều chậm lại như rùa bò. Các con phố ngày thường tấp nập nhộn nhịp giờ đây trống vắng đến mức ta cảm thấy quạnh quẽ. Thỉnh thoảng mới có một chiếc xe chạy qua. Các cửa hàng ngày thường sống động là vậy giờ đây lặng ngắt sau những cánh cửa đóng chặt. Chẳng có mấy người qua đường.
Tôi leo lên xe buýt mà không có một điểm đến cụ thể nào trong tâm trí, đi qua phố nối tiếp phố, ngang qua những con người và nơi chốn bỗng lạ lẫm so với ngày thường – thong thả, không hối hả, như thể họ còn mơ màng ngái ngủ hoặc chưa kịp hồi phục sau một tuần kiệt sức vừa qua.
Tôi xuống xe tại quảng trường Siam. Vẫn còn quá sớm, khu vực mua sắm này chưa mở cửa đón khách. Một con chó hoang đang nằm bẹp trong góc phố đứng lên nhìn tôi rồi lại nằm xuống cho lũ con bú tiếp. Một người quét rác ngồi bên vệ đường, dựa chổi vào đầu gối, tự cuộn một điếu thuốc lá sơ sài rồi trầm ngâm hút.
Tôi nhìn bóng mình trên kính các cửa hàng rồi đi qua, một hình ảnh mờ mờ, ẩn hiện nổi trên những món đồ trưng bày, từ quần áo đến đồ chơi, từ sách đến mẫu đồ ăn và tráng miệng giả sau khung kính của cửa hàng. Trông chúng lúc thì kỳ cục, lúc lại buồn cười khi ánh sáng và bóng tối thông đồng với nhau để tạo nên những hình thù méo mó quái dị.
Vào lúc ấy tôi chợt ngộ ra rằng, đôi khi, cái khiến chúng ta tưởng rằng mọi thứ đang thay đổi thật ra chỉ toàn là ảo ảnh.