Thiên văn - Phần I - Chương 10 phần 1
Chương 10: Manh mối trong giấc mơ
Sắc mặt Tiểu Đường vẫn bình thản không thay đổi, toàn thân vẫn giữ nguyên vị trí, chỉ có mũi kim là lần theo gương mặt trong gương, tiếng lạo xạo phát ra không ngừng nghỉ, cuối cùng cô bé cũng đã khắc xong khuôn mặt với vô số những vệt chấm nhỏ. Sau khi dùng đủ loại mực tô điểm, khuôn mặt khắc trên gương giống y hệt người thật. Đặc biệt là đôi mắt rất có hồn, cho dù đứng ở góc độ nào, đôi mắt ấy vẫn như đang dõi theo mình vậy.
Mang một đống những thắc mắc trong bụng, Lão Mục và mọi người đưa tôi đến bệnh viện gần đó. Sau khi bác sĩ kiểm tra xong liền nói, vết thương của tôi không nặng lắm, chỉ bị thương ngoài da nên cũng không ảnh hưởng lắm đến các hoạt động bình thường.
Từ bệnh viện chúng tôi về thẳng nhà Tiểu Đường, đun một bình nước sôi, vừa uống cho ấm người vừa tiếp tục phân tích tình hình, thế nhưng uống vã cả mồ hôi đầu mà vẫn chưa đưa ra kết luận gì. Thấy đêm đã khuya, Lão Mục cùng hai người kia đứng dậy chào ra về.
Cả đêm chạy ngược chạy xuôi, cô bé Tiểu Đường đang tuổi ăn tuổi ngủ không kìm được, vội đi đánh răng rửa mặt rồi lăn ra ngủ. Tôi cẩn thận cởi bớt quần áo, nằm xuống bên cạnh Tiểu Đường, bả vai vừa căng vừa đau, cứ thế lăn qua lăn lại trở mình mãi vẫn chẳng thể ngủ được.
Lắng nghe tiếng thở đều đều và những câu nói mớ thỉnh thoảng thốt ra khỏi miệng Tiểu Đường, lòng tôi rối như tơ vò, trong đầu như đang bật slide trình chiếu, một loạt hình ảnh vừa xảy ra cứ xoẹt qua xoẹt lại mãi không thôi.
Trằn trọc hơn nửa tiếng đồng hồ vẫn không ngủ được, tôi khẽ ngồi dậy bước xuống giường, khoác chiếc áo khoác lên người rồi với tay bật đèn bàn lên, nhẹ nhàng lật từng trang của cuốn nhật ký lấy từ nhà ông Từ, đọc lại những lời nói mớ của cậu hồi ở Liên Xô.
“Vàng... bọn họ... bọn họ... vàng...”, những từ ngữ xuyên suốt cuốn nhật ký cứ thế lặp đi lặp lại trước mắt, đến nỗi tôi mụ mị cả đầu.
Hít sâu vài hơi, tôi cố dặn mình phải bình tĩnh lại, vừa vắt óc suy nghĩ vừa lật giở từng trang nhật ký. Trong phòng vô cùng yên tĩnh, chỉ có tiếng lật giấy sột soạt bên tai, khiến tôi càng buồn chán và sốt ruột vô cùng.
Lật đi lật lại xem khoảng bảy tám lần mà vẫn chưa tìm ra manh mối gì, tôi đành gấp cuốn nhật ký lại, hai tay chống cằm, nghiêng đầu nhìn ngọn đèn bàn, đầu óc trống rỗng.
Ánh đèn mờ mờ, không hề chói mắt, nhưng nhìn lâu tự nhiên biến thành màu vàng chói, lấp lánh như một thỏi vàng. Đột nhiên, đầu óc tôi trở nên tỉnh táo lạ thường, cái gọi là “vàng” ấy, chẳng lẽ lại ám chỉ một bảo vật nào đó, còn “bọn họ” chính là những người canh giữ bảo vật? Tuy suy nghĩ này hết sức hoang đường, nhưng với tình hình trước mắt, có lẽ chỉ có thể liên tưởng được như vậy.
Đầu tiên tôi giả thiết rằng suy đoán này là đúng, rồi tiếp tục phát triển theo hướng đó, có thể năm ấy khi cậu đang khảo sát ở gần khu vực Cổ Tháp thì tình cờ phát hiện ra một món bảo vật và đã cùng với những người trông giữ bảo vật thề rằng sẽ mãi giữ kín chuyện. Còn về tấm Long Bản, đó có thể là một tín vật kiểu như khế ước, được lấy từ chỗ những người trông giữ bảo vật. Mặc dù vậy, hình như trong chuyện này còn có điều gì khuất tất, khiến cậu vẫn luôn không cam tâm, nên trước khi chết đã lấy cơ thể và các tác phẩm của mình để làm ám hiệu. Chắc chắn những người trông giữ bảo vật cũng biết điều này, nên sau khi cậu chết đã tìm mọi cách để cản trở không cho bí mật đó lọt ra ngoài. Cổ Tháp do người Liêu xây dựng, vậy thì bảo vật chắc cũng do người Liêu để lại, những người trông giữ đó chắc...
Mẹ kiếp, sao lại lộn xà lộn xộn thế! Tôi lắc mạnh đầu, chắc có lẽ mình bị tẩu hỏa nhập ma rồi. Bảo vật nghìn năm, vệ sĩ bất tử, thật quá ư nực cười, nghe như tiểu thuyết phiêu lưu hạng ba với một đống sơ hở vậy. Chưa kể đến chuyện những vệ sĩ đó sao có thể trường sinh bất lão được, chỉ riêng chuyện bọn họ biết lái xe, theo dõi cũng đủ khiến người ta cười thối mũi rồi.
Bây giờ nghĩ lại, những suy nghĩ lúc đó tuy hoang đường vô lý nhưng phương hướng chung thì đã chính xác, chỉ có điều chân tướng sự việc không hề liên quan đến bảo vật, càng không có chuyện trường sinh bất lão, mà là một kết cục khác hoàn toàn bất ngờ và khó đoán.
Nhìn cuốn nhật ký với những dòng chữ nghiêng ngả, câu cú lủng củng, tôi chợt nhớ ra một chuyện, Mã Vân Vĩ đã từng nói với tôi, bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào cũng đều chứa đựng tâm tư tình cảm của tác giả lúc sáng tác, đây đúng là một lý giải rất phù hợp với thực tế.
Tìm lấy giấy bút, đối chiếu với nội dung nhật ký, tôi sao lại những câu chữ lặp lại liên tục, ý nghĩa đứt đoạn đó, với hi vọng đặt bản thân mình vào vị trí của ông Từ.
Hơn nửa tiếng sau, thay hết trang giấy trắng này đến trang giấy trắng khác mà vẫn không tìm ra được chút lô-gic và quy luật nào, thế nhưng tôi đã có thể cảm nhận sâu sắc rằng, mặc dù cậu đang trong giấc mơ nhưng vẫn mang một tâm trạng vô cùng sợ hãi.
Viết mãi, tôi thấy buồn ngủ quá, ngáp liên tục mấy cái, đầu óc rối tung rối mù, cây bút máy trong tay dần đưa những nét nguệch ngoạc, tôi hoàn toàn như một cái máy, chẳng hiểu mình đang viết cái gì.
Trong lúc nửa mê nửa tỉnh, tâm hồn tôi bay bổng phiêu bạt đến mười ba đêm tại Liên Xô năm đó. Cậu nằm trên giường giống Tiểu Đường lúc này, hai mắt nhắm nghiền, nét mặt hoảng hốt, miệng không ngừng lẩm bẩm; còn ông Từ Vạn Lý là tôi, ngồi dưới ngọn đèn nhỏ, mượn ánh sáng yếu ớt đặt bút viết, từng câu từng câu “vàng... bọn họ...” nghiêng nghiêng ngả ngả hiện ra trên trang giấy.
Không đúng! Tôi chợt giật thót mình, lực đôi tay bất giác mạnh lên, ngòi bút “cạch” một tiếng, cắm sâu vào trang giấy. Tôi đột nhiên nghĩ ra một chuyện, không đúng, là hai chuyện, mười ba bài nhật ký này – có điều bất thường!
Cơn buồn ngủ hoàn toàn tan biến, tôi sốc lại tinh thần, lật giở bài nhật ký đầu tiên, đọc kỹ từng tí một.
Bài nhật ký đầu tiên được viết vào thứ Năm ngày 13 tháng 11 năm 1986, câu đầu tiên là: “Lên giường mới được mười mấy phút, tôi bỗng nhiên nghe thấy Anh Thạch kêu gào rất to trong giấc mơ: Rất nhiều... rất nhiều... vàng... bọn họ vẫn còn... bọn họ đang nhìn... bọn họ sao lại...”.
Tôi ngẫm nghĩ một lúc, đây chắc là lần đầu tiên ông Từ nghe thấy cậu nói mơ, nhưng theo lô-gic thông thường mà nói, ông phải nghi ngờ và ngạc nhiên mới đúng, ít nhất phải ghi lại cảm giác khi lần đầu tiên nghe thấy, nhưng ông không hề làm vậy.
Giở sang bài nhật ký ngày 12 tháng 11, nội dung ghi lại lịch trình làm việc và những gì mắt thấy tai nghe trong thời gian ông Từ khảo sát tại Liên Xô, cách hành văn trơn tru mạch lạc, nét bút ngay ngắn bình tĩnh, có vẻ đúng với hiện thực hơn. Lật giở lại mấy trang trước đó, nội dung cũng gần như tương tự.
Bài nhật ký cuối cùng được viết vào thứ Ba ngày 25 tháng 11 năm 1986, nội dung vẫn là những câu nói mớ của cậu, còn bài nhật ký từ ngày 26 tháng 11 trở về sau lại là những ghi chép mạch lạc lưu loát, không hề đề cập gì đến những lời nói mớ nữa.
Tôi lặng ngồi trước đèn, nghiêng đầu, một tay chống lên trán một tay lật giở những bài còn lại.
Ngoài mười ba bài nhật ký đó, ông Từ không hề nhắc đến cậu một chữ, điều này quá bất thường, không hề phù hợp với phản ứng tâm lý của con người sau khi gặp phải chuyện kỳ quái. Lẽ nào trong một tháng khảo sát tại Liên Xô, cậu chỉ nói mớ trong mười ba ngày, thời gian còn lại không hề có cử chỉ hành động bất thường; còn ông Từ cũng chỉ ghi chép lại mười ba ngày đó, rồi sau đó giả câm giả điếc, không có động thái gì?
Đúng lúc này, Tiểu Đường trở mình tỉnh giấc, dụi mắt lẩm bẩm:
- Chị Tiêu Vi, chị làm gì thế, sao vẫn chưa ngủ?
Tôi không quay đầu lại, trả lời qua quýt:
- Không sao, chị đang định vào nhà vệ sinh.
Tôi cầm cuốn nhật ký, tắt đèn, nhẹ nhàng rời khỏi phòng. Khép cánh cửa phòng ngủ lại, tôi lần mò trong bóng tối đi ra phòng khách, từ từ ngồi xuống ghế sô-pha, cố duỗi thẳng người, nhưng đầu óc lại đang quay cuồng ghê gớm.
Tôi biết, cậu tôi bị chứng mất ngủ trầm trọng, lúc ngủ không chịu được bất cứ tiếng động và ánh sáng nào, dù là nhỏ nhất. Mẹ tôi nói rằng, đấy là hậu quả của việc thức đêm học bài từ thời học cấp Ba, vì thế cho dù vào những ngày hè nóng nực nhất, cậu cũng phải đóng chặt cửa ngỏ, thậm chí còn kéo rèm kín mít.
Thử nghĩ xem, trong thời gian khảo sát tại Liên Xô năm đó, liên tục trong mười ba đêm, ông Từ ở bên cạnh giường bật đèn bàn, vừa dỏng tai lắng nghe ngóng vừa lấy bút ghi chép vậy mà cậu vẫn cứ ngủ ngon lành lại còn nói mớ nữa chứ...
Dòng suy nghĩ khiến tôi đứng bật dậy theo phản xạ, trong đầu khẳng định một điều: Ông Từ đang lừa tôi, cuốn nhật ký này là giả.
Suy nghĩ vừa hiện ra trong đầu, tôi lập tức hưng phấn hẳn lên, nếu có thể chứng minh cuốn nhật ký này là giả, thì mọi nghi ngờ trước đó đều có thể được giải đáp. Tôi đã từng làm công tác thẩm tra tài liệu một thời gian, cũng mất không ít năm nghiên cứu lĩnh vực này nên nếu đây là cuốn sổ giả, thì chắc chắn sẽ không qua được mắt tôi. Thế nhưng sau khi quan sát cụ tỉ, các trang giấy trong cuốn nhật ký đều đã cũ nhàu, ít nhất cũng phải qua mười mấy năm rồi, không thể có khả năng sau này bị làm giả; keo gáy sách vẫn còn nguyên, không hề bị bung, đôi chỗ còn thấy những mảng cáu bẩn bết lại, chắc chắn cuốn sổ được viết vào năm đó.
Lật giở bên trong, trước sau hai bài nhật ký đầu tiên và cuối cùng đều không thấy có dấu hiệu bị cắt rời hay xé rách, như vậy cũng loại trừ khả năng bị người khác cố ý cắt xén đi. Nhìn vào những nét đặc trưng như nét chữ, cách dùng từ... cũng chẳng hề có chút khác biệt nào, rõ ràng là do cùng một người viết ra.
Chẳng lẽ suy đoán của tôi sai, chẳng nhẽ cuốn nhật ký này đúng là nhật ký thật?
Tôi đứng lên đi vào phòng bếp, tìm một ít muối, rắc lên bệ bếp rồi dùng chày tán thành bột mịn. Sau đó lấy đầu ngón tay nhúm một ít muối nghiền rắc vào bài nhật ký đầu tiên ghi lại lời nói mớ của cậu, lắc nhẹ sang hai bên cho muối dàn đều khắp các ngóc ngách, sau đó lấy tay áo lau nhẹ những hạt nổi trên bề mặt.
Tôi cẩn thận nhấc cuốn nhật ký lên, đón lấy ánh sáng, nghiêng đầu quan sát. Những tinh thể muối nhỏ xíu lọt vào những khe lõm, được ánh đèn chiếu vào hiện ra những nét chữ mờ mờ, chỉ cần nhìn kỹ một chút là có thể nhận ra.
Giống với những bài sau, đây đều là những lời nói mớ của cậu, từ “vàng” được nhấn mạnh rất nhiều lần, nét chữ cuối cùng hất lên góc trên bên phải, kéo rất dài. Chắc do ông Từ giật mình, theo phản xạ đã tăng lực viết của bàn tay.
Tôi cầm cuốn nhật ký, trong đầu lúc đó như một nồi nước sôi, những thắc mắc như vô số bong bóng nước cứ đua nhau nổi lên, càng lúc càng nhiều, chật cứng cả mà chẳng có bong bóng nào vỡ ra được.
Giây phút này, tôi hoàn toàn rơi vào trạng thái mơ hồ, không thể lý giải nổi những gì đang diễn ra trước mắt. Tất cả có vẻ chỉ có thể chứng tỏ được một điều: Cuốn nhật ký không phải là giả, đúng là cậu tôi đã vô tình nói mớ trong mười ba ngày, còn ông Từ hình như cũng mất đi những xúc cảm bình thường của con người, chỉ ghi lại đúng những gì được nghe thấy trong mười ba ngày, vì thế mới khiến cho nội dung cuốn nhật ký bị đứt đoạn như thế.
Tôi lắc lắc đầu rũ bỏ những suy nghĩ mơ hồ, phủi sạch những hạt muối trên cuốn nhật ký, tắt đèn ra khỏi bếp. Phòng khách tối om om, yên tĩnh đến rợn người, chỉ có tiếng kêu đều đặn của chiếc kim đồng hồ treo tường.
Tôi hít sâu một hơi, đi đến bên cửa sổ, kéo rèm ra, hai tay chống lên bệ cửa sổ, nhìn ra ngoài xa.
Lúc này mây đen đã tan hết, vầng trăng tròn lơ lửng trên không, lạnh lẽo tỏa sáng, thành phố rộng lớn phủ một màu trắng xóa, tiếng gió gầm rít qua cửa sổ giống như tiếng kêu rên của người bệnh trước lúc chết.
Tôi nhìn không chớp mắt, mọi suy nghĩ rối tung trong đầu, ông Từ cũng chỉ hôm qua mới biết tôi đến tìm gặp nên chắc không thể nào lên kế hoạch lừa gạt tôi được. Vậy chỉ có thể chứng tỏ một điều, trí nhớ của ông đã bị mất hai ngày quan trọng, hoặc giả như nói, ông đã sử dụng thủ pháp vi diệu nào đó để lại câu đố không thể đoán ra được.
Đứng lặng người một hồi lâu, đến khi đôi chân bắt đầu tê dại, cơn buồn ngủ ập đến rũ cả mắt, tôi mới ôm cuốn nhật ký đó nằm trên ghế sô-pha chìm vào giấc ngủ. Có lẽ do quá nhiều thắc mắc chất chứa trong lòng nên giấc ngủ cứ chập chà chập chờn, liên tục mơ thấy ác mộng: Gã lùn cầm dao truy sát, ông Từ cố ý bài binh bố trận, lại còn “bọn họ” thần bí nữa, cứ lần lượt hiện ra trước mắt tôi. Khuôn mặt của mọi người đều mơ hồ không rõ, giống như một bức tranh thủy mặc bị thấm nước, vừa là một người lại vừa có vẻ không phải vậy. Tôi định tiến đến gần quan sát, thì trong chớp mắt họ chợt tan biến như mây khói.
Tôi ngủ một mạch đến tận trưa hôm sau mới mở được mắt ra, toàn thân nhức mỏi, trước mắt như ẩn hiện từng khuôn mặt người trong mơ. Tôi ngồi dậy, rời khỏi ghế sô-pha đi vào phòng ngủ, Tiểu Đường vẫn nằm dạng chân dạng tay trên giường ngủ ngon lành, rơi cả chăn xuống đất cũng không biết.
Tôi nhặt chăn lên, đắp cho cô bé, sau đó khẽ khàng đóng cửa phòng ra ngoài. Cái bụng đói meo cứ réo ầm ĩ, tôi liền đi xuống bếp tìm ít rau thịt chuẩn bị nấu cơm, vừa đong gạo vào nồi, bỗng nghe có tiếng người gõ cửa.
Tôi vội chạy ra phòng khách, mở cửa ra thì thấy Lão Mục đang đứng ở ngoài, hai mắt đỏ ngầu, tóc tai rối bù. Chào hỏi xong, tôi mời anh ta vào nhà.
Lão Mục mặt buồn bã bước vào phòng khách, không kịp ngồi xuống uống chén nước đã vội mở miệng:
- Người đứng dưới nhà tối qua chính là ông Từ Vạn Lý.
Tôi tưởng tai mình có vấn đề, vội hỏi:
- Ai? Từ... Từ Vạn Lý?
Lão Mục nhìn thẳng vào mắt tôi, mặt rất nghiêm túc, khẳng định:
- Đúng, chính là Từ Vạn Lý!
Hóa ra, tối qua sau khi chia tay chúng tôi, Lão Mục liền quay trở về đơn vị, nhờ người quen lấy toàn bộ nhật ký cuộc gọi trong máy điện thoại bàn nhà ông Từ. Ngoài hai cuộc gọi của tôi, một lần trước khi đến thăm và một lần sau khi gặp nạn, thì không hề thấy có gì bất thường, nhưng trong băng ghi hình của camera giám sát khu chung cư lại thấy một hình ảnh hết sức khó hiểu.
Năm phút trước khi tôi quay trở lại nhà ông Từ, một chiếc xe con hiệu Santana 3000 màu đen mang biển kiểm soát Thẩm Dương đã lái vào cổng khu chung cư, dừng dưới chân nhà ông Từ nhưng không tắt đèn tắt máy. Một lúc sau, vợ chồng ông Từ mặc áo len vội vàng bước xuống cầu thang, chui vào trong xe. Chiếc xe lao nhanh rời khỏi khu chung cư, và đã suýt đụng tôi ở cổng ra vào.
Sau khi tôi, Lão Mục, Tiểu Đường và mấy người khác bước lên cầu thang không lâu, mưa tuyết dần tạnh, trời cũng quang đãng hơn. Một ông cụ bước tập tễnh từ ngoài vào khu chung cư, cứ đi lòng vòng trước cửa cầu thang. Ông ta mấy lần dợm bước đến cầu thang, giơ tay lên, có vẻ như định ấn chuông nhưng rồi lại dừng lại, ngửa mặt lên nhìn. Động tác này lặp lại rất nhiều lần, cho đến khi đèn trong nhà tắt hẳn, ông Từ mới quay người vội vàng rời khỏi khu chung cư.
Do bên ngoài khu chung cư chỉ có một camera chiếu thẳng cửa chính, nên chỉ có thể nhìn thấy chiếc xe và ông cụ cùng mất hút trong gió tuyết mà không biết đi theo hướng nào. Qua điều tra, biển số xe ô-tô là biển giả của tỉnh Thẩm Dương, sau khi hỏi thăm bảo vệ trực ban, bọn họ đều xác nhận ông già đó chính là Từ Vạn Lý.
Tôi há hốc mồm, mãi chẳng nói được lời nào.
Lão Mục lấy chiếc USB Tsinghua Tongfang màu vàng từ trong túi ra, cắm vào máy tính bàn trong phòng khách, trầm ngâm nói:
- Trong này đã copy toàn bộ nội dung đoạn băng ghi hình trong camera lúc đó, cô tự xem đi.
Giữa trời gió tuyết, ông Từ tập tễnh tiến vào khu chung cư, có một lúc hình ảnh của ông trực diện với camera, mặc dù quần áo hoàn toàn khác với hồi chiều, nhưng nhìn hình dáng, mặt mũi thì chính xác là ông Từ Vạn Lý, hơn nữa đôi lông mày còn nhíu chặt lại, trông có vẻ như đang mang nặng mối lo âu gì đó.
Xem đến đây, tôi cảm thấy vô cùng băn khoăn, rõ ràng ông cụ đã nhận được điện thoại của tôi, tại sao sau đó lại vội vàng ra đi như vậy? Nếu ông thực sự muốn hé lộ với chúng tôi điều gì thì khi quay trở lại tại sao cứ chần chừ mãi, không lên trên lầu? Tôi quay lại nhìn Lão Mục, anh ta cười cười lắc đầu, cũng không thể lý giải nổi.
Tắt máy tính, Lão Mục nói tiếp với tôi, sau khi trời sáng anh ta đã tìm đến trường mĩ thuật nhờ các cao nhân ở đấy xem thật kỹ bức tranh, ngoại trừ những ngọn tháp cao ra thì những phần khác đều được vẽ bình thường. Ngoài ra, khi hỏi những người lớn tuổi, họ đều không biết gì về Từ Vạn Lý, trừ việc nghe đâu như ông ta có một thói quen rất kỳ lạ, đó là luôn đóng cửa thư phòng im lìm và nghiêm cấm bất kỳ ai tới gần.
Tôi ngỡ ngàng nhớ lại vẻ sốt sắng của ông Từ khi dẫn tôi vào trong thư phòng, chắc chắn là có ý đồ gì đó, nhưng giống như những gì tôi suy đoán tối qua, những chuyện kỳ lạ sau cái chết của cậu tôi giờ ông ta mới nghe thấy, thì làm sao có thể biết trước mà gài bẫy được? Thế nhưng, Từ Vạn Lý chỉ mới rời khỏi nhà năm phút trước khi tôi tới, điều đó chứng tỏ ông ta ở nhà suốt nhưng cố ý không nghe điện thoại của tôi. Nếu thực sự ông ta cố tình như vậy, thì có thể là để cho tôi thời gian suy nghĩ, phán đoán ra chân tướng rồi mới quyết định ra đi. Thế nhưng tại sao ông ta lại phải làm như vậy?