03. Mưa đến hay nắng đến - Phần 1

Mưa đến hay nắng đến

Cũng như tôi, Emily ưa những bài hát Mỹ Broadway ngày xưa. Cô thì chuộng những bài rộn ràng, kiểu “Cheek to cheek” của Irving Berlin hay “Begin the beguine” của Cole Porter, trong khi tôi thiên về những bản ballad dịu dàng thấm thía, như “Here’s that rainy day” hay “It never entered my mind”. Nhưng phần trùng nhau cũng khá đáng kể, mà dù gì thì, hồi đó, trong một trường đại học ở miền Nam nước Anh, tìm được một người cùng chia sẻ sở thích này cũng gần như một phép màu. Bây giờ giới trẻ có thể nghe mọi loại nhạc. Cháu tôi chuẩn bị vào đại học mùa thu này, nó đang trong thời kỳ tango Argentina. Nó cũng nghe cả Edith Piaf với vô số ban indie mới ra ràng nữa. Nhưng thời tôi món ăn tinh thần không đa dạng đến vậy. Sinh viên như tôi chủ yếu thuộc một trong hai loại: nhóm hippie tóc dài áo quần phấp phới nghe “rock cấp tiến”, và nhóm đồ tuýt chải chuốt coi bất cứ thứ gì không phải nhạc cổ điển đều là tiếng bò rống. Thỉnh thoảng cũng gặp được một người tự nhận mình nghe jazz, nhưng rốt cuộc đều thành ra loại nửa nọ nửa kia - những biến tấu bất tận không tôn trọng tí nào các nguyên bản trau chuốt của chúng.

Vì thế tôi hởi lòng khi gặp được một người nữa, mà lại là con gái, biết quý Great American Songbook. Cũng như tôi, Emily gom nhặt những đĩa than các bài cơ bản thể hiện bằng giọng hát tinh tế, không màu mè - thường bán rẻ mạt ở những cửa hàng lạc xoong, sau khi bị cha mẹ chúng tôi quẳng ra xó cửa. Cô hâm mộ Sarah Vaughan và Chet Baker. Tôi thì thích Julie London và Peggy Lee. Cả hai đều không hào hứng mấy với Sinatra hay Ella Fitzgerald.

Năm ấy là năm nhất, Emily sống trong ký túc, phòng cô có một máy quay đĩa loại nhỏ, hồi ấy khá thông dụng. Trông nó giống một hộp đựng mũ lớn, các mặt giả da lam nhạt và một loa gắn sẵn. Chỉ khi nhấc nắp lên mới nhìn thấy được mặt quay đặt ở trong. Âm thanh của nó so với tiêu chuẩn ngày nay thì khá sơ đẳng, nhưng tôi vẫn nhớ chúng tôi đã châu đầu quanh cái máy ấy hân hoan suốt nhiều giờ, nhấc mũi kim khỏi một rãnh, thận trọng hạ xuống một rãnh khác. Chúng tôi thích nghe liên tục một bài do nhiều người hát, rồi tranh cãi về lời bài hát, hay về cách thể hiện của ca sĩ. Có thật câu này nên hát với một giọng mỉa mai thế không? “Georgia on my mind” sẽ hay hơn nếu coi Georgia là người đàn bà hay là địa danh ở Mỹ? Chúng tôi hết sức hài lòng mỗi lần tìm được một đĩa - như Ray Charles hát “Come rain or come shine” chẳng hạn - khi lời bài hát có vẻ rất vui, nhưng cách ca sĩ hát thì tuyệt đối bi lụy.

Emily say mê những đĩa hát ấy là chuyện hiển nhiên đến nỗi tôi vẫn sửng sốt mỗi khi bắt gặp cô nói chuyện với những sinh viên khác về một ban nhạc rock điệu đàng hay một tay ca sĩ viết nhạc California óc rỗng. Thỉnh thoảng, cô còn tranh luận về một an bum “ý niệm” theo cùng một giọng như khi nói chuyện với tôi về Gershwin hay Howard Arlen, và tôi cắn môi để giấu mình đang bực bội.

Hồi ấy Emily thanh mảnh, rất xinh đẹp, và nếu không phải cô đã chọn Charlie không lâu sau khi vừa bắt đầu sự nghiệp trường lớp, tôi chắc cô phải có một bầy con trai bám đuổi theo. Nhưng cô không phải loại người đỏng đảnh hay lả lơi, nên khi cô đã đi với Charlie rồi thì những hâm mộ viên khác đều bỏ cuộc.

“Đấy là lý do duy nhất tớ còn giữ Charlie ở bên mình,” có lần cô bảo tôi, nét mặt hết sức nghiêm chỉnh, rồi phá lên cười khi thấy tôi điếng người. “Nói đùa thôi, đồ ngốc. Charlie là tình yêu, tình yêu, tình yêu của tớ.”

Charlie là bạn thân nhất của tôi ở trường. Năm nhất ấy, chúng tôi cặp kè với nhau mọi nơi mọi lúc và tôi quen Emily là vì thế. Tới năm hai, Charlie và Emily cùng bạn thuê chung một ngôi nhà trong thành phố và dù tôi đến thăm họ thường xuyên song những cuộc chuyện trò với Emily bên chiếc may quay đã trở thành quá khứ. Mới đầu là mỗi lần tôi ghé qua đã có vài sinh viên khác ngồi đó, tán chuyện và đùa cợt, thứ nữa là bây giờ có một bộ dàn stereo thứ xịn gầm rú nhạc rock khiến người ta phải hét lên mới nghe thấy nhau.

Charlie và tôi vẫn chơi thân trong những năm sau đó. Chúng tôi không gặp nhau nhiều như trước, nhưng chủ yếu là do ở xa. Tôi đã ở đây, ở Tây Ban Nha vài năm, lại cả Ý và Bồ Đào Nha nữa, trong khi Charlie từ trước đến giờ vẫn ở Luân Đôn. Nhưng nếu nghe thế mà nghĩ tôi thuộc loại bay nhảy còn cậu ấy bó gối trong nhà thì sẽ buồn cười lắm. Bởi thực ra Charlie mới là người bay đi khắp nơi - Texas, Tokyo, New York - tới những cuộc họp cấp cao, trong khi tôi quanh quẩn trong tòa nhà ẩm mốc năm này qua năm khác, chấm những bài tập đánh vần hay nhắc đi nhắc lại một bài hội thoại bằng thứ tiếng Anh tua chậm. Tên-tôi-là-Ray. Tên-anh-là-gì? Anh-có-con-không?

Khi tôi quyết định dạy tiếng Anh sau khi tốt nghiệp, cuộc đời có vẻ khá suôn sẻ - gần như cuộc sống sinh viên kéo dài. Các trường dạy tiếng đang bùng nổ khắp châu Âu, và tuy việc dạy học có nhạt nhẽo và những giờ dài có nhọc nhằn, ở tuổi ấy người ta không lo nghĩ lắm. Anh bỏ thời gian trong bar là chính, bạn bè dễ kiếm, lại còn cảm giác anh thuộc về cái mạng lưới rộng lớn trải khắp hoàn cầu. Anh gặp những người vừa chân ướt chân ráo từ Peru hay Thái về, khiến anh nghĩ chỉ cần muốn là anh có thể phiêu du quanh thế giới vô hạn định, nhờ những quan hệ này mà kiếm một việc làm ở bất cứ góc địa cầu nào anh thích. Và anh sẽ luôn luôn là một thành viên của cái gia đình đông đúc, ấm cúng toàn những giáo viên lưu động này, gật gù bên ly kể cho nhau chuyện những cựu đồng nghiệp, những hiệu trưởng khùng, những chuyên viên Hội đồng Anh lập dị.

Dạo cuối thập kỷ 80, có lời đồn về cơ hội kiếm tiền rất dễ ở Nhật, và tôi đã nghiêm túc tính chuyện sẽ đi, nhưng rốt cuộc không làm được. Tôi cũng đã nghĩ đến Brazil, thậm chí còn đọc mấy quyển sách về nền văn hóa ở đó và gửi thư xin mẫu đăng ký. Nhưng không hiểu sao cuối cùng cũng không thành. Miền Nam nước Ý, Bồ Đào Nha một thời gian, rồi về lại Tây Ban Nha. Rồi ngoảnh đi ngoảnh lại, anh đã bốn mươi bảy, và lớp người đồng lứa với anh thủa đầu đã từ lâu bị thay bằng một thế hệ mới chuyện gẫu về những đề tài khác, chơi những thứ độc dược khác và nghe những loại nhạc khác.

Trong thời gian đó, Charlie và Emily đã lấy nhau và ổn định ở Luân Đôn. Charlie từng bảo tôi, khi hai người có con tôi sẽ làm bố đỡ đầu cho một đứa. Nhưng chuyện đó cũng không xảy ra. Ý tôi là, đứa bé không ra đời, và đến giờ tôi nghĩ là đã muộn. Tôi phải thừa nhận, tôi luôn thấy hơi thất vọng về chuyện đó. Có lẽ tôi vẫn tưởng tượng rằng đỡ đầu cho một đứa con của họ sẽ tạo ra mối liên hệ chính thức, dù mong manh đến đâu, giữa cuộc sống của họ ở Anh và tôi ở đây.

Dù sao thì, đầu hè này tôi đã đến Luân Đôn ở với họ. Chuyến đi đã được sắp xếp ổn thỏa từ trước, và khi tôi gọi điện kiểm tra lại vài ngày trước khi đi, Charlie có bảo họ “cực kỳ hết sức ổn”. Vì thế tôi không còn lý do nào để trông đợi chuyện gì hơn là xả láng và thả lỏng sau một vài tháng không thể gọi là tươi đẹp nhất trong đời.

Sự thực là khi bước lên khỏi ga tàu điện ngầm gần nhà họ vào cái ngày nắng đẹp ấy, đầu tôi chỉ nghĩ xem liệu đã có những sửa sang gì cho phòng ngủ “của tôi” kể từ chuyến thăm trước. Trong suốt những năm qua, hầu như bao giờ cũng có một cái gì đó. Lúc thì là một món đồ điện tử sáng loáng trong góc phòng, lúc khác cả căn phòng được trang trí lại. Lần nào cũng vậy, gần như đã thành quy tắc, căn phòng sẽ được chuẩn bị cho tôi đúng y như một khách sạn hạng sang: khăn tắm để sẵn, hộp bánh quy đầu giường, một chồng CD trên bàn gương. Vài năm trước, Charlie dẫn tôi vào phòng và với vẻ tự hào hờ hững bắt đầu bật tanh tách các loại công tắc, khiến đủ thứ đèn giấu kín đáo bật rồi lại tắt: đằng sau tấm đầu giường, trên nóc tủ áo vân vân. Một công tắc khác đánh thức một tiếng rì rì, thế là mành mành từ từ hạ xuống trước hai cửa sổ.

“Nghe này, Charlie, tôi cần mành làm gì mới được chứ?” lúc đó tôi hỏi. “Tôi muốn nhìn ra ngoài khi tỉnh dậy. Chỉ cần rèm là được rồi.”

“Mành Thụy Sĩ đấy,” cậu ta đáp, cứ như thế là giải thích xong.

Nhưng lần này Charlie dẫn tôi lên cầu thang vừa đi vừa lúng búng, và khi đến phòng tôi, tôi nhận ra là cậu ta đang xin lỗi. Rồi tôi nhìn thấy căn phòng ở một tình trạng chưa bao giờ gặp. Giường để trần, tấm nệm lốm đốm và lệch xẹo. Trên sàn để từng chồng tạp chí và sách cũ, hàng búi quần áo cũ, một cây gậy hockey và thùng loa đổ nghiêng. Tôi dừng lại trên bậc cửa trố mắt nhìn trong lúc Charlie dọn chỗ cho tôi để túi.

“Trông cậu cứ như sắp đòi gặp người quản lý nhà,” cậu ta chua chát nói.

“Không, không. Chỉ là trông nó không giống như mọi khi.”

“Cái chuồng lợn, mình biết, chuồng lợn.” Cậu ta ngồi xuống đệm thở dài. “Tôi cứ nghĩ mấy con nhỏ lau dọn đã phải xong phòng này rồi. Giờ thì rõ ràng là chưa. Chúa biết tại sao.”

Trông cậu ta rất phiền muộn, nhưng thình lình cậu ta lại bật dậy.

“Thế này, chúng ta ra ngoài ăn trưa. Tôi sẽ để giấy lại cho Emily. Chúng ta có thể ăn một bữa trưa bình thản từ tốn và đến lúc ta về thì phòng cậu - thì cả căn hộ - sẽ xong.”

“Nhưng chúng ta không thể bắt Emily dọn dẹp hết được.”

“Ồ, cô ấy chẳng làm đâu. Cô ấy sẽ tóm được bọn lau dọn. Cô ấy biết làm cách nào truy ra chúng nó. Tôi thì đến số của chúng nó cũng không có. Ăn trưa thôi, đi ăn trưa thôi. Từ điểm tâm đến tráng miệng, chai vang nữa, đầy đủ.”

Cái mà Charlie gọi là căn hộ của họ thực tế là hai tầng trên của một căn nhà liên kế bốn tầng trên một con phố giàu có nhưng ồn ã. Chúng tôi ra khỏi cửa chính là đâm ngay vào một luồng người xe cuồn cuộn. Tôi đi theo Charlie qua hết cửa hàng này đến cơ quan khác đến một nhà hàng Ý xinh xắn. Chúng tôi chưa đặt chỗ trước, nhưng bồi bàn chào Charlie như bạn bè và đưa chúng tôi đến bàn. Nhìn quanh một vòng tôi thấy ở đây toàn dạng doanh nhân com lê ca vát, và lấy làm mừng vì Charlie trông cũng nhàu nhĩ như tôi. Chắc cậu ta cũng đoán được tôi đang nghĩ gì, vì ngồi vừa ấm chỗ cậu ta đã nói:

“Ôi, trông cậu nhà quê quá, Ray ạ. Dù sao thì mọi thứ cũng thay đổi rồi. Cậu đi xa tổ quốc lâu quá.” Rồi cao giọng một cách nguy hiểm: “Chúng mình trông như những kẻ làm nên. Mọi kẻ khác quanh đây giống như bọn tay sai của sếp lớn.” Rồi cậu ta nghiêng người về phía tôi nói nhỏ lại: “Thế này, chúng ta cần nói chuyện. Tôi cần xin cậu một cái ơn.”

Tôi không nhớ lần cuối Charlie nhờ tôi giúp là khi nào nếu có, nhưng tôi cũng gật đầu bình thản và đợi. Cậu ta xoay tờ thực đơn mấy giây, rồi đặt xuống.

“Thực tình là, Emily và tôi đang ở trong thời kỳ hơi lục đục. Sự thực là, dạo gần đây, chúng tôi hoàn toàn tránh mặt nhau. Vì thế lúc nãy cô ấy mới không ở nhà đón cậu. Hiện giờ, tôi e là cậu sẽ phải chọn một trong hai người chúng tôi. Cũng gần như những vở kịch có một diễn viên đóng hai vai ấy. Cậu không thể có cả tôi lẫn Emily trong phòng cùng một lúc. Khá trẻ con, phải không?”

“Rõ ràng tôi đến lúc này là không hợp. Tôi sẽ đi ngay, ăn trưa xong là đi. Tôi sẽ ở với dì Katie ở Finchley.”

“Cậu nói chuyện gì vậy? Cậu không nghe à? Tôi vừa nói xong. Tôi xin cậu một cái ơn.”

“Tôi nghĩ đấy chỉ là cách nói…”

“Không, đồ ngốc, tôi mới là đứa cần biến đi. Tôi phải dự một cái họp ở Frankfurt, tôi sẽ bay chiều nay. Hai hôm nữa về, muộn nhất là thứ Năm. Trong lúc đó thì cậu ở đây. Cậu dàn xếp mọi thứ, khiến cho mọi việc ổn thỏa. Rồi tôi quay lại, cười chào hớn hở, hôn cô vợ thân yêu, và chúng tôi nối lại từ quãng đứt.”

Đến câu này thì cô phục vụ đến nghe chúng tôi gọi món, và khi cô ta đi Charlie có vẻ ngần ngại không muốn quay lại đề tài này. Thay vào đó, cậu ta dội xuống tôi câu hỏi về cuộc sống ở Tây Ban Nha, và mỗi lần tôi kể lại điều gì, dù tốt hay tồi, cậu ta lại nhếch cái nụ cười chua chát và lắc đầu, như thể tôi vừa khẳng định những gì cậu ta vẫn sợ. Có một lúc tôi định kể mình đã tiến bộ trong vai trò đầu bếp ra sao - tôi đã gần như đơn thương độc mã nấu bữa buýp phê Giáng sinh cho hơn bốn chục học sinh và giáo viên - nhưng cậu ta ngắt lời tôi.

“Nghe tôi nói này,” cậu ta bảo. “Tình trạng của cậu là tuyệt vọng rồi. Cậu cần nộp giấy thôi việc đi thôi. Nhưng trước hết cậu cần tìm được một việc mới đã. Cái gã trầm cảm Bồ Đào Nha này, coi hắn như kẻ môi giới. Chắc chân ở chỗ làm Madrid, rồi vứt bỏ căn hộ đi. Được rồi, cậu làm những việc này. Một là…”

Cậu ta giơ bàn tay và bắt đầu gập từng ngón trong lúc xướng những bước tôi cần làm. Đồ ăn đến trong lúc vẫn còn vài ngón tay nữa, nhưng cậu ta phớt lờ và tiếp tục cho đến hết. Rồi đến lúc bắt đầu ăn cậu ta bảo:

“Tôi biết là cậu sẽ chẳng làm một việc nào.”

“Không, không, cậu nói cái gì cũng rất có lý.”

“Cậu sẽ về đó và sống tiếp như cũ thôi. Rồi chúng ta sẽ lại ở đây giờ này năm sau và cậu sẽ lại rên rỉ về chính những chuyện đó.”

“Tôi đâu có rên rỉ…”

“Cậu biết đấy, Ray, người khác chỉ có thể khuyên cậu đến mức ấy thôi. Tới một lúc nào đó, cậu cần phải tự quản lấy đời mình.”

“Được rồi, tôi sẽ làm, tôi hứa. Nhưng lúc nãy cậu đang nói dở gì ấy nhỉ, một cái ơn…”

“À, phải.” Cậu ta nhai một cách tư lự. “Thành thật mà nói, đây mới là động cơ chính tôi mời cậu sang. Tất nhiên, gặp cậu thì rất mừng và vân vân. Nhưng với tôi, việc chính là, tôi muốn cậu giúp tôi việc này. Dù sao thì cậu cũng là bạn lâu năm nhất của tôi, bạn cả đời…”

Đột nhiên cậu ta lại cúi xuống ăn, và tôi sửng sốt nhận ra cậu ta đang khe khẽ khóc. Tôi đưa tay qua bàn chạm nhẹ vào vai cậu, nhưng cậu ta không ngừng lùa pasta vào miệng và không ngẩng đầu lên. Cứ như thế chừng một phút hay hơn, tôi lại đưa tay ra chạm khẽ thêm cái nữa, nhưng lần này cũng không hơn gì lần đầu. Rồi cô phục vụ xuất hiện với nụ cười tươi rói hỏi về thức ăn. Cả hai chúng tôi đều nói thức ăn tuyệt hảo và khi cô ta rời đi, Charlie có vẻ tương đối ổn.

“Được rồi, Ray, thế này. Việc tôi muốn nhờ cậu cực kỳ đơn giản. Tôi chỉ cần cậu ở bên Emily mấy ngày tới, làm một vị khách dễ mến. Thế thôi. Chỉ cần đến khi tôi quay lại.”

“Thế thôi à? Cậu chỉ nhờ tôi trông chừng cô ấy trong lúc cậu đi?”

“Thế đấy. Hoặc đúng hơn là, để cho cô ấy trông chừng cậu. Cậu là khách trong nhà. Tôi đã vạch ra mấy việc cho cậu làm. Vé xem hát và các loại khác. Tôi sẽ về muộn nhất là thứ Năm. Sứ mệnh của cậu chỉ là khiến cho cô ấy vui vẻ và giữ nguyên tâm trạng đó. Để cho lúc tôi về và nói, ‘Chào em yêu,’ và ôm cô ấy, cô ấy sẽ chỉ trả lời, ‘Chào anh yêu, mừng anh đã về, mọi việc thế nào,’ và ôm đáp lại tôi. Rồi chúng tôi có thể tiếp tục như trước kia. Trước khi cái chuyện khủng khiếp này xảy ra. Đấy là sứ mệnh của cậu. Thực tình là khá đơn giản.”

“Tôi rất vui lòng làm mọi điều trong khả năng mình,” tôi nói. “Nhưng này, Charlie, cậu có chắc là cô ấy đang ở tâm trạng muốn tiếp đãi khách khứa không? Rõ ràng là hai người đang ở trong một dạng khủng hoảng. Cô ấy chắc cũng phải phiền muộn như cậu. Chân thành mà nói, tôi không hiểu tại sao cậu lại mời tôi sang đây đúng lúc này.”

“Cậu nói gì, cậu không hiểu à? Tôi mời cậu vì cậu là bạn lâu năm nhất của tôi. Được rồi, phải, tôi có một đống bạn. Nhưng khi có chuyện như thế này, khi tôi nghĩ kỹ về việc đó, tôi nhận ra cậu là người duy nhất làm được.”

Tôi phải thừa nhận tôi có khá cảm động. Tuy thế, tôi vẫn cảm thấy có gì đó chưa hẳn tường tận trong chuyện này, có gì đó cậu ta còn chưa nói với tôi.

“Tôi có thể hiểu tại sao cậu mời tôi ở lại nếu cả hai người cùng ở đó,” tôi nói. “Tôi có thể hình dung việc đó. Hai người không nói chuyện với nhau, cậu mời khách đến để đánh lạc hướng, cả hai đều cư xử lịch sự nhất có thể, băng bắt đầu tan. Nhưng như thế này thì sẽ không thành công, vì cậu không có ở đây.”

“Cứ làm thế cho tôi, Ray. Tôi nghĩ là có thể thành công. Emily lúc nào cũng vui vẻ khi có cậu.”

“Vui vẻ khi có tôi? Cậu biết mà, Charlie, tôi muốn giúp cậu. Nhưng có lẽ là cậu hơi nhầm chuyện này rồi. Bởi tôi có cảm giác là, nói thẳng nói thật, Emily không vui vẻ khi có tôi tí nào, ngay cả những lúc khá nhất. Mấy lần gần đây tôi đến, cô ấy… chà, nóng nảy ra mặt với tôi.”

“Nghe này, Ray, cứ tin tôi. Tôi biết tôi đang làm gì.”

Khi chúng tôi về tới nơi thì Emily đã ở trong căn hộ. Tôi phải thừa nhận, tôi ngạc nhiên khi thấy cô đã già đi đến thế. Không chỉ là cô đã lên cân thấy rõ kể từ lần gặp trước: khuôn mặt cô, ngày xưa duyên dáng trời ban, bây giờ trễ xuống, hai khóe miệng vẽ một đường bất bình, như mặt một con chó bull. Cô đang ngồi trên ghế bành phòng khách đọc Thời báo kinh tế, và đứng dậy khá cau có khi tôi vào.

“Mừng gặp anh, Raymond,” cô nói, hôn phớt lên má tôi rồi lại ngồi xuống. Dáng vẻ cô khi làm động tác này khiến tôi chỉ chực bật ra một lời xin lỗi rối rít vì đã xâm nhập chẳng phải lúc như vậy. Nhưng trước khi tôi kịp nói gì, cô đã đập vào mặt ghế bên cạnh cô và nói, “Nào, Raymond, ngồi xuống đây trả lời cho tôi. Tôi muốn biết cặn kẽ anh đã làm những gì.”

Tôi ngồi xuống và cô bắt đầu tra khảo tôi, không khác gì Charlie đã làm ở nhà hàng. Charlie, trong lúc đó, đang xếp đồ cho chuyến đi, ra rồi lại vào phòng tìm các thứ đồ đạc. Tôi để ý thấy họ không nhìn nhau, nhưng cũng không thật khó chịu khi cùng ở trong một phòng, không như cậu ta nói. Và dù hai người không trực tiếp nói với nhau câu nào, Charlie chốc lại xen vào cuộc nói chuyện một cách kỳ quặc, nửa gián tiếp. Chẳng hạn, khi tôi đang giải thích cho Emily tại sao lại khó tìm được một người nữa thuê chung để giảm bớt tiền nhà, Charlie đứng từ trong bếp hét ra:

“Cái chỗ hắn ta ở, chẳng qua nó không đẻ ra cho hai người! Nó là nhà cho một người, và là một người có nhiều tiền hơn một chút so với những gì hắn ta mơ tới!”

Emily không đáp lại, nhưng chắc đã tiếp thu thông tin này, vì sau đó cô nói: “Raymond, anh lẽ ra không nên chọn một căn hộ như thế.”

Cảnh tượng này tiếp diễn ít nhất hai mươi phút nữa, Charlie đóng góp vào câu chuyện từ cầu thang hay trên đường đi ngang qua để vào bếp, thường là hét vào một câu nói về tôi ở ngôi thứ ba. Có một lúc, Emily đột nhiên nói:

“Ôi, thiệt tình Raymond. Anh cho phép mình bị bóc lột từ chân lên đầu ở cái trường dạy tiếng kinh khủng đó, anh cho phép lão chủ nhà cướp trắng trợn của anh, và anh làm cái gì? Dan díu với một cô ả đần độn rượu chè dớ dẩn và không có lấy cả việc làm để trang trải tiền rượu. Có vẻ như anh cố tình tìm cách chọc giận người nào vẫn còn lo lắng cho anh đấy phỏng!”

“Hắn không thể hy vọng cái giống người đó còn chưa tuyệt chủng, mẹ kiếp!” Charlie rống lên trong hành lang. Tôi nghe thấy cậu ta đã lôi va li ra đến đấy. “Có cư xử như trẻ vị thành niên một chục năm sau khi đã hết vị thành niên cũng không làm sao. Nhưng cứ tiếp tục như thế khi đã gần năm chục thì…!”

“Tôi mới có bốn mươi bảy…”

“Anh nói sao, anh mới có bốn mươi bảy?” Emily lớn giọng một cách không cần thiết khi tôi đang ngồi ngay cạnh. “Mới có bốn mươi bảy. Cái ‘mới có’ này chính là thứ hủy hoại đời anh đấy, Raymond. Mới có, mới có, mới có. Mới có bốn mươi bảy. Chẳng mấy chốc anh sẽ mới có sáu mươi bảy và vẫn giậm chân tại chỗ cố tìm lấy một cái hốc để nương thân!”

“Hắn cần dọn mình lại!” Charlie hét lên từ đầu cầu thang. “Xắn tay áo lên đến khi chạm được lông nách, mẹ kiếp!”

“Raymond, anh không bao giờ dừng lại nghĩ xem mình là ai à?” Emily hỏi. “Khi anh nhớ lại một triển vọng đã có, anh không xấu hổ ư? Nhìn xem anh sống như thế nào! Thật là… thật là bực mình hết chỗ nói! Nhìn anh mà thấy điên cả người!”

Charlie hiện ra trên bậc cửa, đã mặc áo mưa, và trong một lúc cả hai người cùng nhằm tôi mà la thét. Rồi Charlie dừng bất chợt, tuyên bố cậu ta đi đây - như thể đã phát ngấy tôi - và biến mất.

Cuộc xuất phát của cậu ta khiến tràng sỉ vả của Emily ngưng ngang, và tôi lợi dụng dịp này đứng dậy mà bảo: “Xin lỗi, tôi ra giúp Charlie mang hành lý.”

“Việc gì phải giúp tôi mang hành lý?” Charlie đáp từ hành lang. “Tôi chỉ có mỗi một cái túi.”

Nhưng cậu ta cũng cho tôi đi theo ra phố và bỏ tôi lại trông va li trong khi ra mép vỉa hè vẫy tắc xi. Không có vẻ gì là có cái nào sắp đến, và cậu ta vươn người ra lo âu, cánh tay treo trước mặt.

Tôi đến gần cậu ta bảo: “Charlie, tôi nghĩ chuyện này không ăn thua đâu.”

“Chuyện gì không ăn thua?”

“Emily rõ ràng là ghét tôi cùng cực. Mới gặp tôi vài phút mà đã thế. Ba ngày nữa thì cô ấy sẽ thế nào? Cậu tính sao mà lại nghĩ sẽ quay về trong hòa thuận và ánh sáng được?”

Ngay khi tôi vừa nói câu này, có thứ gì đó lờ mờ hiện ra trong tôi và tôi lặng yên. Nhận ra có thay đổi, Charlie quay lại nhìn tôi chăm chú.

“Tôi nghĩ là,” cuối cùng tôi nói, “tôi đã hiểu tại sao lại phải là tôi chứ không ai khác rồi.”

“A ha. Ray đã nhìn ra ánh sáng rồi, phải chăng?”

“Phải, có lẽ là thế.”

“Nhưng có sao đâu? Không có gì thay đổi, tuyệt đối không có gì, chuyện tôi muốn nhờ cậu ấy.” Bây giờ mắt cậu ta lại dâng nước. “Cậu có nhớ không, Ray, ngày xưa Emily luôn nói rằng cô ấy tin tưởng tôi? Cô ấy nói thế suốt nhiều năm ròng. Em tin tưởng anh, Charlie, anh có thể lên đến đỉnh cao, anh có tài thực sự. Cho đến cách đây ba, bốn năm, cô ấy vẫn còn nói thế. Cậu có biết nó thành ra nhức óc đến thế nào không? Tôi làm ăn ổn thỏa. Tôi vẫn đang làm ăn ổn thỏa. Cực kỳ tốt đẹp. Nhưng cô ấy cứ nghĩ tôi phải thành… Chúa trời ơi, thành tổng thống toàn thế giới hay gì đó, mẹ nó! Tôi chỉ là một gã bình thường đang làm ăn ổn thỏa thôi. Nhưng cô ấy không chịu hiểu thế. Đấy là cốt lõi của vấn đề, cốt lõi của mọi thứ đã đi xuống dốc.”

Cậu ta bắt đầu bước chầm chậm dọc hè phố, chìm đắm trong suy nghĩ. Tôi hối hả quay lại lấy va li mà kéo nó theo trên bánh xe. Phố còn khá đông nên tôi vất vả mới bắt kịp cậu ta mà không khiến va li đâm sầm vào những khách bộ hành khác. Nhưng Charlie cứ bước đều đều, không để ý đến khó khăn của tôi.

“Cô ấy nghĩ tôi đã buông thả mình,” cậu ta vẫn nói. “Nhưng đâu có thế. Tôi vẫn đang làm ăn phát đạt. Chân trời tít tắp là một điều tốt đẹp khi anh còn trẻ. Nhưng đến tuổi này rồi thì anh phải… anh phải có được một góc nhìn mới. Câu đó cứ mòng mòng trong đầu tôi mỗi lần cô ấy rầy rà đến mức không chịu nổi. Góc nhìn mới, cô ấy cần góc nhìn mới. Và tôi cứ nhắc đi nhắc lại với mình, nhìn xem, tôi đang làm ăn phát đạt. Nhìn sang bao nhiêu người khác xem, những người quen hẳn hoi. Nhìn Ray xem. Nhìn xem nó đang biến đời thành cái ổ lợn thế nào. Cô ấy cần góc nhìn mới.”

“Thế nên cậu mới quyết định mời tôi đến đây. Đóng vai ngài Góc Nhìn Mới.”

Lúc này thì Charlie dừng lại nhìn vào mắt tôi. “Đừng hiểu lầm tôi, Ray. Tôi không nói cậu là điển hình thất bại hay thế nào. Tôi nhận thức được cậu không phải là một gã nghiện hay một kẻ giết người. Nhưng đặt cạnh tôi, nói thực lòng, cậu không phải là thằng sáng giá hết cỡ. Vì thế nên tôi mới nhờ cậu, nhờ cậu giúp cho tôi việc này. Mọi thứ ở chỗ chúng tôi đều bị dồn đến chân tường rồi, tôi tuyệt vọng rồi, tôi cần cậu hỗ trợ. Mà tôi nhờ cậu cái gì chứ, hả Chúa? Chỉ nhờ cậu cư xử cho đúng bản chất đáng yêu của cậu thôi. Không gì hơn nữa, không gì kém nữa. Giúp tôi việc này, Raymond. Giúp tôi và Emily nữa. Giữa chúng tôi không phải thế là hết, tôi biết. Chỉ cần cư xử đúng như tính cậu một vài ngày đến lúc tôi về. Tôi đâu có đòi hỏi cậu quá nhiều, phải không?”

Tôi hít một hơi dài và nói, “Được rồi, được rồi, nếu cậu nghĩ như vậy có ích. Nhưng chẳng phải không sớm thì muộn rồi Emily sẽ nắm tẩy hết vụ này à?”

“Làm sao thế được? Cô ấy biết tôi có cuộc họp quan trọng ở Frankfurt. Với cô ấy chuyện này rất sáng tỏ. Cô ấy chăm nom một ông khách, có thế thôi. Cô ấy ưa làm thế và cô ấy ưa cậu. Kìa, có tắc xi.” Cậu ta vẫy tay như điên và trong lúc xe đánh lại, cậu ta nắm lấy tay tôi. “Cám ơn Ray. Cậu sẽ cứu vớt chúng tôi mà, tôi biết.”

Khi trở lại tôi thấy phong thái Emily đã thay đổi một trăm tám mươi độ. Cô mời tôi vào căn hộ như một người bà con rất cao tuổi và rất yếu ớt. Mỉm cười khuyến khích, vỗ nhẹ động viên và vân vân. Khi tôi nhận lời dùng trà, cô dẫn tôi vào bếp, đặt tôi ngồi vào bàn, rồi đứng đó một lúc nhìn tôi với vẻ mặt lo âu. Cuối cùng cô cũng nói, thật dịu dàng:

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3