11. Dạ khúc - Phần 2

Chính là trong giai đoạn thứ hai này Gracie lần đầu cho tôi biết Lindy Gardner ở ngay phòng bên. Giá cô nói cho tôi trong giai đoạn đầu, khi tôi còn hứng khởi, hẳn tôi đã vui sướng mà đón nhận tin ấy. Có thể tôi còn coi đó là tín hiệu đầu tiên về cuộc đời lấp lánh đang đợi sẵn phía trước. Song, vì tin ấy đến lúc này, khi tôi đã tụt xuống đáy, nó khiến tôi ghê tởm đến mức lại lên một cơn buồn nôn nữa. Nếu anh thuộc về cộng đồng hâm mộ Lindy, thì tôi xin lỗi trước vì điều sắp nói. Nhưng thực tế là, vào thời điểm ấy, nếu có kẻ nào theo tôi là hiện thân của mọi thứ nông cạn và gớm ghiếc trên đời, thì đấy là Lindy Gardner: một người với tài năng ít ỏi - được rồi, nói thẳng ra, bà ta đã chứng tỏ mình không biết diễn xuất, và còn không buồn giả vờ có khả năng âm nhạc - nhưng dù thế nào cũng đã đánh đường tới được danh tiếng, trở thành đối tượng giành giật của các hãng truyền hình và tạp chí giấy bóng không bao giờ hết thèm khát khuôn mặt tươi cười của bà ta. Đầu năm nay tôi có đi qua một hiệu sách thì thấy một hàng dài ngoằn ngoèo đằng trước và tự hỏi có phải Stephen King hay ai đó đang ở đây, nhưng rồi hóa ra chỉ là Lindy ký tặng quyển tự truyện thuê viết mới xuất bản. Và làm cách nào có được những điều này? Bằng cách thông thường, dĩ nhiên. Yêu đương hợp nơi, hôn nhân hợp người, ly dị hợp lúc. Mọi thứ dẫn đến những bìa báo hợp gu, talk show hợp mốt, rồi những món như trò gì đó của bà ta mới lên sóng gần đây, tôi không nhớ tên, chỗ bà ta khuyên bảo về việc ăn mặc thế nào cho cuộc hẹn lớn đầu tiên sau khi ly dị, hoặc phải làm gì nếu nghi ngờ chồng mình đồng tính, kiểu như thế. Anh có thể nghe người ta nói bà ta có “tố chất ngôi sao”, nhưng phép màu này cũng dễ phân tích. Đấy chỉ là phép cộng của mọi lần xuất hiện trên ti vi và bìa tạp chí, mọi tấm hình anh thấy khắp nơi chụp bà ta tại các buổi tiệc hay ra mắt phim, tay khoác tay với các tên tuổi huyền thoại. Và bây giờ bà ta ở đây, ngay sát vách, cũng như tôi đang đợi hồi phục sau một cuộc sửa sang mặt mũi với bác sĩ Boris. Không gì có thể tượng trưng tốt hơn cho cái chuyện tư cách tôi giờ đã xuống dốc đến thế nào. Một tuần trước, tôi còn là một nhạc công jazz. Giờ tôi chỉ còn là một gã hãnh tiến tuyệt vọng giữa số đông, chỉnh lại mặt mày hòng có cơ hôi bò đằng sau những Lindy Gardner của thế giới này để tới địa vị ngôi sao rỗng tuếch.

Mấy ngày tiếp đó, tôi cố giải khuây bằng cách đọc sách, nhưng không sao tập trung được. Dưới lớp băng, mặt tôi có chỗ đập thình thịch, chỗ khác lại ngứa điên cuồng và tôi trải qua từng đợt nóng bừng hay bức bối khó thở. Tôi mong mỏi đến lúc được chơi kèn, và ý nghĩ sẽ phải nhiều tuần nữa mới có thể bắt cơ mặt chịu áp lực đến thế khiến tôi càng tuyệt vọng hơn nữa. Cuối cùng, tôi rút ra kết luận: cách tốt nhất để qua ngày là xen kẽ giữa nghe đĩa và những đợt ngồi ngó bản nhạc - tôi đã mang theo tới đây cặp bản nhạc với hợp âm và ca từ mà tôi vẫn tập trong buồng con - và tự ngâm nga các dạng biến tấu cho mình mình nghe.

Đến gần cuối tuần thứ hai khi tôi bắt đầu thấy khá hơn cả về thể chất lẫn tinh thần, cô y tá đưa tôi một phong bì và cười đầy vẻ hiểu biết, bảo: “Thứ này không phải ngày nào cũng có đâu.” Trong là một trang viết từ giấy khách sạn, và vì nó đang ở ngay trước mặt tôi đây, tôi sẽ dẫn lại nguyên văn từ đó.

Gracie nói với tôi anh đang buồn chán cảnh sống xa hoa này. Tôi cũng thế. Anh qua thăm tôi thì sao nhỉ? Nếu anh không nghĩ năm giờ tối nay là quá sớm để uống cocktail? Ông B cấm chất cồn, tôi đoán với anh cũng vậy. Thế nên có lẽ chỉ là nước ngọt và Perrier. Bác với chẳng sĩ! Hẹn gặp anh năm giờ, nếu không tôi sẽ đau khổ hết sức. Lindy Gardner.

Có lẽ là do đến lúc này tôi đã hết sức buồn chán; hoặc có thể vì tâm trạng bây giờ đã lại khá lên; hoặc là ý nghĩ có một bạn tù cùng trao đổi chuyện trò là quá hấp dẫn. Hoặc có thể tôi không hoàn toàn miễn nhiễm với cái xa hoa như tôi tưởng. Đằng nào thì, bất chấp mọi điều đã nghĩ về Lindy Gardner, khi đọc lời nhắn này, tôi cảm thấy khá phấn khích, nên liền bảo Gracie báo với Lindy tôi sẽ qua lúc năm giờ.

Lindy Gardner còn quấn băng nhiều hơn tôi. Tôi ít nhất cũng được chừa lại một khoảng trên đầu, ở đó tóc tua tủa ra như rặng cọ trong ốc đảo hoang mạc. Nhưng Boris đã ốp toàn bộ đầu Lindy thành một quả dừa vạch các đường vĩ tuyến, chỉ chừa kẽ hở cho mắt mũi miệng. Số phận nào đã đến với mớ tóc vàng rực rỡ ấy, tôi không biết. Tuy nhiên giọng bà không dè dặt như anh tưởng, và tôi nhận ra giọng nói thường nghe những lần bà xuất hiên trên ti vi.

“Thế anh thấy ở đây thế nào?” bà hỏi. Khi tôi đáp rằng cũng không đến nỗi, bà nói: “Steve. Tôi gọi anh là Steve được không? Tôi đã nghe Gracie nói nhiều về anh.”

“Thế à? Tôi hy vọng cô ấy bỏ qua những điểm xấu.”

“À, tôi cũng biết anh chơi nhạc. Và là một người rất có triển vọng.”

“Cô ấy bảo thế à?”

“Steve, anh căng thẳng thế. Tôi muốn anh thoải mái khi ngồi với tôi. Một vài người nổi tiếng, tôi biết, họ thích công chúng căng thẳng khi ở gần họ. Khiến họ càng thấy mình đặc biệt. Nhưng tôi ghét lối đó lắm. Tôi muốn anh đối xử với tôi như bè bạn bình thường của anh thôi. Anh đang nói gì nhỉ? Anh đang bảo tôi anh không thấy ở đây đáng ghét lắm.”

Phòng bà rộng hơn phòng tôi thấy rõ, mà đây mới chỉ là buồng khách của phòng suite. Chúng tôi đang ngồi đối mặt nhau trên bộ xô pha trắng, ở giữa là bàn cà phê thấp bằng kính mờ, qua đó nhìn thấy khối gỗ lũa to đùng đỡ bên dưới. Trên bàn để đầy tạp chí bóng lộn và một giỏ hoa quả vẫn còn bọc ni lông. Cũng như tôi, bà để máy điều hòa ở nấc cao - mặt quấn băng làm cho người rất nóng - và rèm buông thấp trên cửa chặn ánh nắng chiều. Cô phục vụ vừa mang cho tôi một cốc nước và cốc cà phê, cả hai đều bỏ ống hút bập bềnh ở trong - ở đây mọi món đồ đều phải thế - rồi ra khỏi phòng.

Trả lời câu hỏi của bà, tôi nói điều khó khăn nhất với tôi là không được chơi kèn.

“Nhưng anh hiểu vì sao Boris không cho mà,” bà nói. “Cứ tưởng tượng xem. Anh thổi cái tù và ấy một ngày trước khi lành lặn, mặt anh sẽ nổ tung bắn ra khắp phòng!”

Bà có vẻ thấy ý nghĩ đó khá vui, và xua xua tay về phía tôi cứ như tôi mới là người vừa dí dỏm và bà phải bảo: “Thôi đi, thật quá thể!” Tôi cũng cười theo, và hút một chút cà phê qua ống. Rồi bà bắt đầu kể về một loạt bạn vừa làm phẫu thuật gần đây, về những gì họ thuật lại, những chuyện buồn cười họ gặp phải. Bà toàn nhắc những cái tên thuộc hàng sao, nếu không cũng kết hôn với hàng sao.

“Thế là anh chơi saxophone,” bà nói, đột ngột chuyển chủ đề. “Quyết định đúng đấy. Đấy là một nhạc cụ tuyệt vời. Anh biết tôi nói gì với mọi nhạc công saxo trẻ không? Tôi bảo họ nên nghe những người cổ điển. Tôi biết một người, cũng mới nổi như anh, chỉ độc nghe những tay tân tiến. Wayne Shorter và các loại tương tự. Tôi bảo cậu ta, anh sẽ học được nhiều hơn từ những người cổ điển. Có thể không thật là đột phá, tôi bảo cậu ta thế, nhưng các ông ấy rành kỹ thuật. Steve, anh có phiền nếu tôi bật anh nghe một đoạn không? Để anh hiểu chính xác tôi đang nói đến cái gì?”

“Không, tôi không phiền. Nhưng bà Gardner…”

“Làm ơn. Gọi tôi là Lindy. Ở đây chúng ta ngang hàng.”

“Được rồi. Lindy. Tôi chỉ định nói, tôi không trẻ đến thế đâu. Thật ra là, tới sinh nhật sau là tôi đã ba chín.”

“Ồ thật ư? Chà, thế vẫn còn trẻ. Nhưng anh nói phải, tôi cứ nghĩ anh còn trẻ hơn nhiều. Với những mặt nạ đặc quyền Boris ban cho chúng ta thì khó mà đoán được, phải không? Theo như Gracie kể, tôi cứ nghĩ anh là một cậu trẻ mới nổi, và đoán là bố mẹ anh đã trả tiền cuộc phẫu thuật này để cho anh một khởi đầu thuận lợi. Xin lỗi tôi nhầm.”

“Gracie nói tôi ‘mới nổi’ à?”

“Đừng giận Gracie. Cô ấy nói anh chơi nhạc nên tôi hỏi tên anh. Khi tôi bảo tên này tôi không quen, cô ấy bảo ‘Đấy là vì anh này mới nổi.’ Chỉ có thế thôi. Này, nhưng nghĩ xem, anh bao nhiêu tuổi thì quan trọng gì chứ? Lúc nào anh cũng có thể học được từ những người cổ điển. Tôi muốn anh nghe cái này. Tôi nghĩ anh sẽ thấy thú vị.”

Bà đi lại tủ và một lúc sau giơ một chiếc CD lên. “Anh sẽ tán thưởng mà xem. Tiếng saxo ở đây thật hoàn hảo.”

Phòng bà cũng có một bộ dàn Bang & Olufsen như phòng tôi, và chẳng mấy chốc cả phòng đã vang lừng tiếng đàn dây ngọt lịm. Sau vài nhịp, tiếng kèn tenor uể oải, đậm chất Ben Webster nổi lên và nhanh chóng dẫn đầu dàn nhạc. Nếu không nắm rõ những thứ này, anh còn có thể tưởng đây là một trong những khúc dạo của dàn Nelson Riddle dành cho Sinatra. Nhưng giọng hát cuối cùng bắt vào lại là giọng Tony Gardner. Bài hát - mà tôi vừa nhớ ra - là một bài tên “Back at Culver City”, một bản ballad chưa bao giờ thịnh lắm và ngày nay không mấy ai chơi nữa. Suốt trong lúc Tony Gardner hát, tiếng saxophone đuổi theo ông, đối đáp ông từng câu một. Kiểu chơi này khá sáo, và quá ủy mị với tôi.

Tuy thế sau một lúc, tôi không để ý nhiều đến bài hát nữa vì Lindy, trước mặt tôi, rơi vào trạng thái mơ màng, đã chầm chậm nhảy theo tiếng nhạc. Những động tác của bà uyển chuyển và duyên dáng - rõ ràng ca mổ đã không ảnh hưởng đến cơ thể bà - và bà có một thân hình mảnh dẻ, cân đối. Bà đang mặc thứ gì đó nửa như áo khoác mặc nhà, nửa như váy tiệc chiều; nghĩa là nó cùng lúc hơi có vẻ bệnh viện mà vẫn xa hoa. Thêm nữa, tôi đang cố nghĩ cho ra một điều. Tôi có ấn tượng rõ ràng rằng Lindy mới đây đã ly dị Tony Gardner, nhưng với tư cách kẻ mù mờ nhất cả nước về hậu trường showbiz, tôi bắt đầu nghĩ có lẽ mình nhầm. Nếu không thì làm sao bà lại nhảy thế này, chìm đắm trong tiếng nhạc, và rõ ràng là đang thích thú?

Tony Gardner ngưng hát một lúc, đàn dây trội lên khi vào phần nối, và piano bắt đầu một đoạn solo. Đến lúc này, Lindy có vẻ đã trở lại mặt đất. Bà không đu đưa nữa, nhặt điều khiển tắt nhạc đi rồi quay lại ngồi xuống trước mặt tôi.

“Có tuyệt diệu không? Anh hiểu tôi nói gì chứ?”

“Phải, rất là tuyệt,” tôi đáp, không hiểu có phải câu hỏi vẫn chỉ là về saxophone hay không.

“Tiện thể nói thêm, anh không nghe nhầm đâu.”

“Nghĩa là sao?”

“Người hát ấy. Đúng là người anh nghĩ đấy. Không phải vì ông ấy không còn là chồng tôi nữa mà tôi không được nghe đĩa của ông ấy, phải không?”

“Không, tất nhiên là không.”

“Và tiếng kèn mới đẹp làm sao. Giờ chắc anh hiểu tại sao tôi muốn anh nghe chứ.”

“Phải, rất hay.”

“Steve, anh có đĩa nào đã thu rồi không? Ý tôi là, đĩa anh chơi ấy?”

“Có. Thực tình là tôi có vài đĩa CD ở ngay trong phòng.”

“Lần sau anh đến chơi, cưng ạ, tôi muốn anh mang chúng theo. Tôi muốn biết anh chơi thế nào. Anh hứa nhé?”

“Được thôi, miễn chúng không làm bà chán.”

“Ôi không, tôi không chán đâu. Nhưng tôi mong anh đừng nghĩ là tôi tọc mạch. Tony luôn bảo tôi quá tọc mạch, tôi nên để cho người ta yên, nhưng anh biết không, tôi nghĩ chẳng qua là ông ấy hách. Rất nhiều người nổi tiếng, họ nghĩ họ chỉ nên quan tâm đến những người nổi tiếng khác. Tôi thì chưa bao giờ như thế. Tôi nghĩ mỗi người đều có khả năng là một người bạn. Như Gracie chẳng hạn. Cô ấy là bạn tôi. Toàn bộ người làm ở nhà, họ đều là bạn tôi. Giá mà anh thấy tôi khi đi dự tiệc. Mọi người khác, họ đều nói chuyện với nhau về bộ phim mới quay hoặc cái gì đó, riêng tôi là người trò chuyện với cô nhà bếp hay anh đứng quầy. Tôi không nghĩ như thế là tọc mạch, phải không?”

“Không, tôi cũng không nghĩ thế là tọc mạch. Nhưng thế này, bà Gardner…”

“Xin gọi tôi là Lindy.”

“Lindy. Thế này, ngồi với bà chiều nay rất là dễ chịu. Nhưng mấy thứ thuốc men này, chúng thực sự làm tôi mệt. Tôi nghĩ mình phải đi nằm một lúc.”

“Ôi, anh thấy không khỏe à?”

“Không có gì đâu. Chỉ là do thuốc thôi.”

“Tệ quá! Khi nào thấy đỡ mệt nhất định anh phải quay lại đấy. Và mang cả đĩa theo nữa, những bản do anh chơi ấy. Thỏa thuận nhé?”

Tôi phải cam đoan với bà lần nữa rằng chiều nay rất là tuyệt và tôi sẽ trở lại. Rồi trong lúc tôi ra khỏi cửa, bà nói:

“Steve, anh có biết chơi cờ không? Tôi chơi cờ thì tệ nhất thiên hạ, nhưng tôi có bộ cờ xinh tuyệt trần đời. Meg Ryan vừa mang cho tôi tuần trước.”

Quay lại phòng, tôi lấy một lon Coca từ trong tủ lạnh nhỏ, ngồi xuống bàn viết nhìn ra cửa sổ. Mặt trời đang lặn thành một quầng hồng ửng bên ngoài, tầng tôi ở tít trên cao, và tôi nhìn thấy cả xe cộ đang chạy trên đường cao tốc đằng xa. Sau vài phút tôi gọi cho Bradley, và tuy thư ký bắt tôi chờ một lúc lâu, cuối cùng ông cũng trả lời máy.

“Mặt mũi thế nào rồi?” ông hỏi giọng lo âu, như thể đang hỏi thăm con chó cảnh cưng nhất nhà giao vào tay tôi chăm sóc.

“Làm sao tôi biết được? Đến giờ tôi vẫn là Người Không Mặt.”

“Cậu ổn không? Nghe giọng cậu có vẻ… chán nản.”

“Tôi chán nản thật. Toàn bộ chuyện này là một sai lầm. Giờ thì tôi hiểu rồi. Sẽ không ăn thua gì đâu.”

Một phút im lặng, rồi ông hỏi: “Ca mổ hỏng à?”

“Tôi tin là ca mổ không sao. Ý tôi là toàn bộ phần còn lại, những gì nó sẽ kéo theo. Cái ý đồ này… Nó sẽ không bao giờ tiến triển được như ông nghĩ. Lẽ ra tôi không được nghe ông thuyết phục mà lao vào đó.”

“Có chuyện gì với cậu thế? Nghe cậu có vẻ suy sụp. Họ bơm những gì vào người cậu hử?”

“Tôi ổn cả. Thực tế là, đầu tôi còn sáng sủa hơn từ trước đến giờ. Vấn đề ở chỗ ấy. Bây giờ thì tôi hiểu cả. Cái ý đồ của ông… Lẽ ra tôi không được nghe lời ông.”

“Có chuyện gì đây? Cái ý đồ gì? Nghe này, Steve, không có gì phức tạp cả. Cậu là một nghệ sĩ rất có tài. Khi cậu vượt qua chặng này, mọi thứ cậu làm sẽ là những gì cậu vẫn làm từ trước đến nay. Hiện nay chỉ là cậu gỡ đi một chướng ngại, thế thôi. Không có ý đồ gì cả…”

“Nghe này, Bradley, tình hình ở đây rất tệ. Không chỉ là bất tiện thân thể. Tôi đã nhận ra mình đang làm gì với chính mình. Đây là một sai lầm, lẽ ra tôi phải biết tôn trọng mình hơn.”

“Steve, việc này là do cớ gì? Có chuyện gì vừa xảy ra ở đó phải không?”

“Có chuyện xảy ra, phải quá. Vì thế tôi mới gọi cho ông. Tôi cần ông đưa tôi ra khỏi đây. Tôi cần ông đưa tôi đến một khách sạn khác.”

“Khách sạn khác? Cậu nghĩ cậu là ai? Hoàng tử Abdullah à? Cái khách sạn chết tiệt đó thì có vấn đề gì không ổn?”

“Có vấn đề là tôi ở ngay kế bên phòng Lindy Gardner. Và bà ta vừa mới mời tôi qua, và bà ta sẽ còn mời tôi qua nữa. Có vấn đề là thế đấy!”

“Lindy Gardner ở phòng kế bên?”

“Nghe này, tôi không thể chịu đựng thêm một lần như thế nữa. Tôi vừa ở đó ra xong, đấy là đã cố gắng lắm mới ở lại được đến lúc ấy. Và giờ thì bà ta bảo chúng tôi sẽ phải chơi bộ cờ Meg Ryan của bà ta…”

“Steve, cậu nói là Lindy Gardner ở phòng kế bên? Và cậu giao lưu với bà ta?”

“Bà ta bật đĩa của ông chồng! Chết mẹ, tôi nghĩ bà ta lại đang bật một đĩa khác bây giờ đây. Tôi đã đến nước này rồi. Tôi đã xuống bậc này rồi.”

“Steve, hượm đã, chúng ta nói lại từ đầu. Steve, câm mẹ cái mồm lại, rồi giải thích cho tôi. Giải thích cho tôi làm sao cậu lại gặp được Lindy Gardner.”

Tôi dịu lại được một chốc, rồi vắn tắt kể lại Lindy đã mời tôi qua ra sao, mọi chuyện tiếp diễn thế nào.

“Tức là cậu không thô lỗ với bà ấy chứ gì?” ông ta hỏi ngay khi tôi vừa dứt.

“Không, tôi không thô lỗ với bà ta. Tôi giữ lại trong đầu. Nhưng tôi không quay lại đấy đâu. Tôi phải kiếm khách sạn khác.”

“Steve, cậu sẽ không đi khách sạn khác. Lindy Gardner? Bà ấy quấn băng, cậu cũng quấn băng. Bà ấy ở ngay phòng bên. Steve, đây là cơ hội bằng vàng.”

“Không có vàng viếc gì cả, Bradley. Đây là tận đáy địa ngục. Bộ cờ Meg Ryan của bà ta, lạy Chúa!”

“Bộ cờ Meg Ryan? Nghĩa là thế nào? Quân nào cũng có hình Meg à?”

“Và bà ta còn muốn nghe tôi chơi! Bà ta nằng nặc đòi lần sau tôi mang đĩa sang!”

“Bà ấy muốn… Chúa ơi, Steve, cậu còn chưa bỏ băng mà mọi thứ đã ngon lành quá rồi. Bà ấy muốn nghe cậu chơi?”

“Tôi đang yêu cầu ông xử lý vụ này, Bradley. Được rồi, tôi đã lún quá sâu, tôi đã mổ xong, ông đã thuyết phục tôi, bởi tôi ngu đến nỗi tin lời ông. Nhưng tôi không có trách nhiệm phải chịu đựng việc này. Tôi không phải dành cả hai tuần tiếp theo đây cho Lindy Gardner. Tôi yêu cầu ông mang tôi đi lập tức!”

“Tôi không mang cậu đi đâu cả. Cậu có hiểu Lindy Gardner là nhân vật to lớn cỡ nào không? Cậu có biết bà ấy giao du với những ai không? Biết bà ấy có thể làm gì cho cậu chỉ cần một cú điện thoại? Tất nhiên, bà ấy đã ly dị Tony Gardner. Chẳng có gì vì thế mà thay đổi. Có bà ấy trong đội, có gương mặt mới, cửa nào cũng mở cho cậu. Tiến thẳng lên đẳng cao, sau khi đếm đến năm.”

“Sẽ không có đẳng cao gì cả, Bradley, bởi vì tôi sẽ không qua đó lần nữa, và tôi không muốn cửa nào mở cho tôi ngoài những cửa sẽ mở cho tiếng kèn của tôi. Và tôi không tin những gì ông nói lúc trước nữa, tôi không tin cái ý đồ bố khỉ này…”

“Tôi không nghĩ cậu cần diễn đạt mạnh mẽ như thế. Tôi thực sự lo lắng về những vết khâu…”

“Bradley, chỉ chốc nữa ông sẽ không phải lo lắng về vết khâu nữa đâu, vì ông biết tôi định làm gì không? Tôi sẽ lột cái mặt nạ xác ướp này ra và tôi sẽ chọc ngón tay vào miệng và kéo giãn mặt mình thành mọi hình thù có thế! Ông nghe rõ không, Bradley?”

Tôi nghe thấy ông thở dài. Rồi ông nói: “Được rồi, bình tĩnh. Cứ bình tĩnh. Cậu đang trải qua rất nhiều áp lực trong khoảng thời gian này. Cũng dễ hiểu. Nếu cậu không muốn gặp Lindy lúc này, nếu cậu muốn quẳng cơ hội qua cửa sổ, không sao, tôi hiểu tình thế của cậu. Nhưng hãy lịch sự, được chưa? Hãy đưa ra lý do dễ nghe. Đừng chặt bỏ cái cầu nào.”

Tôi cảm thấy dễ chịu hơn nhiều sau khi nói chuyện với Bradley, và trải qua một buổi chiều tương đối hài lòng, xem nửa cuốn phim, rồi nghe Bill Evans. Sáng hôm sau, sau bữa sáng, bác sĩ Boris cùng hai hộ lý vào khám, tỏ vẻ vừa ý, rồi đi ra. Một lúc sau đó, độ mười một giờ, tôi có khách đến thăm - một tay trống tên Lee từng chơi cùng ban với tôi cho một studio ở San Diego vài năm trước. Bradley, vốn là bầu của cả Lee, đã gợi ý cậu ta đến.

Lee khá ổn và tôi rất vui được gặp cậu ta. Cậu ta đến thăm độ một tiếng đồng hồ, chúng tôi trao đổi tin tức về những người bạn chung, ai đang ở ban nào, ai đã xách va li đi Canada hay châu Âu.

“Rất buồn là hội cũ chẳng mấy ai còn ở đây nữa,” cậu ta nói. “Anh chơi với họ rất vui vẻ, rồi thoắt cái anh đã chẳng biết họ ở đâu.”

Cậu ta kể về những buổi diễn gần đây, và chúng tôi cùng cười khi nhớ lại vài chuyện cũ từ hồi ở San Diego. Rồi đến lúc gần về, cậu ta hỏi:

“Thế còn Jake Marvell thì sao? Cậu nghĩ gì về hắn ta? Thế giới này thật lạ lùng nhỉ?”

“Lạ lùng thì đúng quá rồi,” tôi nói. “Nhưng dù sao, Jake vẫn luôn là gã cừ. Hắn xứng đáng với những gì hắn được hưởng.”

“Ừ, nhưng vẫn lạ lùng. Có nhớ hồi Jake còn ở đó không? San Diego ấy? Steve à, tối nào cậu cũng có thể thổi hắn bay xuống bục. Mà giờ nhìn hắn xem. Đấy gọi là may mắn hay cái gì?”

“Jake lúc nào cũng là một gã đáng mến,” tôi nói. “Mà về phần tôi thì tôi mừng khi thấy bất kỳ tay saxophone nào được công nhận.”

“Công nhận, đúng thế,” Lee nói. “Mà lại ở ngay đây trong khách sạn này nữa. Để xem, tôi có mang theo đây.” Cậu ta lục trong túi và lôi ra một tờ Tuần báo Los Angeles tơi tả. “Ừ, đây rồi. Giải thưởng âm nhạc Simon và Wesbury. Nghệ sĩ Jazz của năm. Jake Marvell. Xem nào, cái của khỉ này diễn ra lúc nào nhỉ? Ngày mai trong phòng khiêu vũ. Cậu lượn xuống cầu thang là có thể vào dự được buổi lễ.” Cậu ta bỏ tờ báo xuống và lắc đầu. “Jake Marvell. Nghệ sĩ Jazz của năm. Ai mà nghĩ được, hở, Steve?”

“Tôi nghĩ là tôi không xuống dưới nổi đâu,” tôi nói. “Nhưng tôi sẽ nhớ nâng cốc chúc mừng hắn ta.”

“Jake Marvell. Trời ạ, thế giới này đi đầu xuống đất rồi hay sao hở?”

Khoảng một tiếng sau bữa trưa, điện thoại đổ chuông và tôi nghe giọng Lindy.

“Bàn cờ đã bày rồi, cưng ơi,” bà nói. “Anh sẵn sàng chơi chưa? Đừng có nói không nhé, tôi sắp điên lên vì buồn chán rồi. À, mà đừng có quên đấy, đĩa CD của anh. Tôi đang háo hức được nghe anh chơi thế nào.”

Tôi đặt máy, rồi ngồi xuống mép giường thử tự giải thích cho mình xem làm sao tôi lại không vững lập trường hơn. Thực tế là, tôi còn không lộ ra chút dấu hiệu ám chỉ từ “không” nào. Có thể đấy chỉ là do thói bạc nhược. Hoặc có thể tôi đã tiếp thụ những lý lẽ của Bradley trên điện thoại nhiều hơn tôi thừa nhận. Nhưng không còn đủ thời gian mà nghĩ về điều đó, vì tôi còn phải chọn xem đĩa nào sẽ gây ấn tượng với bà ta nhất. Thứ avant-garde thì loại hẳn rồi, cũng như cái tôi đã thu với tụi electro-funk ở San Francisco hồi năm ngoài. Cuối cùng, tôi chỉ nhặt lấy cái thích nhất, thay sơ mi mới, choàng lại áo khoác ra ngoài và qua gõ cửa.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3