Bão đồng - Chương 01 - Phần 2

Điều không may cho cái đêm tránh mưa trong chiếc lều người coi đồng ấy, là hôm sau Phượng bị cảm sốt cao, phải đưa lên bệnh viện huyện nằm điều trị mất nửa tháng. Những gì diễn ra trong đêm đó thì không ai biết. Nhưng điều ai cũng biết, là do gặp trận mưa bất chợt ngang đường, ướt như chuột lụt, kéo dài hàng mấy tiếng đồng hồ giữa đồng không mông quạnh, mà chị chủ tịch xã bị cảm sốt thương hàn, có lúc lên tới 40 độ C. Cũng lại điều không may nữa, là tối hôm sau đơn vị pháo cao xạ của Cải được lệnh di chuyển sang huyện khác, cách sông cách đò đến mấy tháng không quay lại. Việc đó trong thời chiến cũng chẳng có gì khó hiểu. Nhưng lại trở nên khó hiểu, khi một vài người vốn đã ghen ăn ghét ở với chị chủ tịch uỷ ban mới tý tuổi đầu mà nghiêm quá thể, liền gắn ngay cái việc hai người chạy mưa vào chiếc lều con giữa đồng không mông quạnh, đêm hôm khuya khoắt để suy diễn, loạn bàn về cái sự lửa gần rơm có trời mà biết. Khi Cải một lần về huyện xác minh lý lịch kết nạp đảng cho một chiến sĩ trong đơn vị, tranh thủ đạp xe xuống nhà thăm, Phượng giữ lại ăn cơm, nhưng Cải chối đây đẩy rằng phải về huyện đội vì đã có hẹn, thì Phượng mới nói: “Anh quên cái đêm mưa gió ấy đi, và nếu không có công việc gì thì cũng không nên gặp em nữa. Còn em, thành thật xin lỗi anh và cảm ơn anh rất nhiều”. Cải hiểu, đó là lời nói thật lòng của một cô gái chan chứa yêu thương và giàu nghị lực, nhưng ở vào hoàn cảnh như thế, cũng khó có cách xử sự nào hơn.

Cải vừa đạp xe chầm chậm trên con đường về thăm ông Mải, vừa như lần giở lại những thước phim tự mình quay, tự mình cất biến từ ngày nảo ngày nào, giờ mới có dịp mang ra lướt qua, chứ cũng chưa có thể dừng lại ngắm nghía lâu hơn nữa…

Nghe ông Mải nói: “Nhanh thế! Quay đi quay lại đã mười mấy năm rồi”, Cải bỗng thấy lòng xốn xang, cứ ngồi thần ra đến mươi giây. Bỗng có tiếng ông Mải hỏi vóng ra ngõ:

- Sao lại xe về thế kia? Không đủ cân à?

Cải quay nhìn ra đầu sân. Một cô gái chừng hăm bốn, hăm nhăm tuổi đang dang hai tay cầm hai càng xe và bà mẹ đi sau đẩy chiếc xe cải tiến vào sân. Trên xe là một con lợn lai trắng lôm lốp nằm thở hồng hộc. Cô con gái ngẩng lên, nói liến thoắng:

- Cân thì thừa bố ạ. Lợn nhà những bảy mươi tám kí cơ mà. Nhưng con với mẹ tay nhẵn như chùi, có đợi đến trưa cũng chả chắc cân được. Thế là ba mươi sáu chước, chỉ còn chước kéo lợn về là chẳng mất gì.

Bà mẹ không biết có nhìn thấy Cải đang ngồi với chồng trên hiên, cứ bô bô:

- Cha tiên sư chúng nó chứ, đã đi mua của người ta còn đòi đút lót. Không thấy bao giờ mua bán lại cửa quyền như bây giờ. Con lợn chỉ có bảy mươi tám cân, mà cái thằng cháu gọi ông chủ tịch xã bằng chú ruột lại ra nhăn nhở rỉ tai: bác muốn bán đợt này thì cứ bổi dưỡng cho chúng cháu mươi kí là xong ngay tắp lự. Tôi bực, bảo con nó xe về. Không bán cho cửa hàng thì gọi thợ thịt vào nó mua. Có sợ ế đâu mà phải quỵ luỵ chúng nó quá thế.

Ông Mải thật thà hỏi:

- Xã không có người nào ở đấy hay sao mà để mấy đứa ngang ngược thế?

Bà Mải vẫn chưa hết tấm tức:

- Thì chính ông chủ tịch Thuật đọc tên từng nhà chứ còn ai. Hai mẹ con xe lợn ra từ sớm, chả biết thế nào lại không có tên trong danh sách, không được phát tích kê. Sau con bé nó sấn lại chỗ đọc tên, dằng được tờ giấy ở tay ông Thuật. Thế là thằng Bính, cháu ông ấy, mới vội chạy ra bảo nó đưa trả danh sách và mang lợn vào cân, không thì còn chờ đến mục thất. Tôi đã bảo bố con ông nhiều lần rồi, nhưng nào có để vào tai. Thời buổi này mà cứ thật thà, thẳng thắn thì chỉ có thiệt đơn thiệt kép. Mình ở làng ở xã, nhất nhất cái gì cũng phải qua tay người ta. Con cháu muốn đi đâu cũng phải ra xã chứng nhận. Có con lợn, hạt thóc muốn bán cũng phải có xã nhận thực không nợ nần công quỹ, không dây dưa nghĩa vụ mới được bán, chứ tự mình cũng không thể. Thế mà bố con ông vẫn cứ ngang cành bứa với người ta, thì đến có con lợn cũng không bán nổi, ông đã thấy chưa!

Ông Mải bỗng thấy lời chì chiết của bà vợ nghe sao hẹp hòi, hèn mọn. Nhưng ngẫm, có khi lại đúng cũng nên.

Ông Mải không nén được nỗi bực dọc cái quân vô loài, nhưng vẫn nhẹ nhàng bảo vợ:

- Không bán được thì thả vào chuồng nuôi, chứ sao bà cứ chì chiết tôi thế!

- Tôi bấn gì phải chì chiết ông. Nhưng cũng không thể không nói cho thiên hạ họ biết, có đời thuở nào quan lại đi ăn chẹt dân thế bao giờ?

Không biết bà vợ ông Mải đã nhận ra Cải đang ngồi với chồng trên hiên kia chưa, nhưng thực, câu nói của bà làm Cải bỗng ngượng chín mặt, chỉ còn thiếu tìm cái lỗ lẻ nào chui tọt xuống cho xong. Dĩ nhiên, những người ấy cũng chỉ là cán bộ, đảng viên dưới quyền lãnh đạo của anh, chứ không phải chính anh mắc lỗi. Nhưng một người lãnh đạo khi nghe người khác kể tội của người dưới quyền, lại không thấy hổ thẹn thì cũng không nên làm người lãnh đạo làm gì nữa. Cải bỗng loé lên ý nghĩ ấy, rồi lại ngồi thần mặt ra, không dám hé răng nửa lời, rằng bác bỏ quá đi cho, hoặc có khi chúng chỉ nói đùa chứ không là thật. Nhưng anh cứ ngồi lẳng lặng thông nõ điếu, đến không còn cái tàn nào dính quanh nõ, rồi mới đặt mồi thuốc lào vào, lấy ngón tay dặt dặt cho những sợi thuốc dính chặt vào nõ điếu. Giây lát mới cầm mẩu đóm châm vào ngọn đèn dầu để bên cạnh. Cái đóm bằng chính thân cây thuốc lào ngâm kỹ, phơi nỏ, tước nhỏ, vừa chạm vào ngọn đèn đã bén lửa cháy ngay. Cải vừa đặt cái đóm gần miệng điếu, liền rít liên hồi kỳ tận làm cái nõ điếu kêu nong sòng sọc. Lâu lắm Cải mới hút điếu thuốc lào ở ngay cái đất xưa kia nổi tiếng về trồng thuốc lào, tìm có thuốc lào được mang về kinh đô tiến vua. Tiếng là Cải cũng người huyện này, nhưng mấy xã vùng dưới quê anh không phải đất trồng thuốc lào, tuy cũng trồng, nhưng thuốc hút không được khói, mang lên miền ngược rượu nhạt bán người nhỡ thì được, chứ người quanh vùng sành hút họ không mua. Chỉ có vùng trên này, cũng chỉ có mấy làng Hà Nam, Phương Trà, Phương Trì đây là trồng thuốc lào kiểu gì hút cũng thơm ngon, đượm khói, lại say. Chả thế ngày xưa, ở mấy làng này từ ông già bà cả đến trẻ con mới nứt mắt đã hút thuốc lào, đến chỉ ngửi khói thuốc đã say, chẳng thế lại có câu: “Thuốc lào chồng hút vợ say; thằng bé qua ngõ lăn quay ra liền”. Thế cũng chưa hết. Có người còn lấy thuốc lào làm món lót dạ mỗi sớm mai lên. Vừa tung chiếu trên giường xuống đất là cầm ngay đến cái điếu hút một điếu thuốc lót dạ, rồi là đà lờ đờ lim dim hai mắt, lử đử lừ đừ, bụng dạ vận chuyển như có luồng sinh khí mới lạ tràn vào. Rồi cứ thế ngồi bó gối lúc lâu, lập tức người trở lên hoàn toàn tỉnh táo, đầu óc sáng láng, chân tay nhanh nhẹn, đi đứng hoạt bát. Điếu thuốc lào lót dạ buổi sớm mai từ lâu đã thành thói quen không thể thiếu của nhiều người ở vùng trồng thuốc lào. Đến mức có cô gái mới về làm dâu, mà làm dâu là gà gáy phải dậy nấu cơm sớm, để sáng ra mọi người trong nhà dậy ăn cơm ra đồng. Tục lệ ở vùng này ngày chỉ ăn hai bữa sáng, trưa để đi làm, chứ không ăn bữa tối. Cô gái mới về làm dâu, gà gáy dậy nấu cơm còn thẹn thùng, ý tứ không dám hút thuốc ở nhà trên, sợ làm cả nhà thức giấc, vội vo gạo, mang nồi xuống nhà bếp, vừa ngồi nấu cơm vừa hút thuốc cho tiện. Điếu thuốc đầu tiên của một ngày mùa đông tiết trời se lạnh, hút vào đến đâu biết đến đấy, thơm ngon, nồng đượm, thôi thì không còn cảm giác nào tả xiết. Vừa tỉnh táo lại vừa châng lâng, khoái cảm, tưởng không còn gì cảm khoái hơn, kể cả cái lúc thích thú đến lật bật cả người khi anh chồng chống cả hai đầu gối xuống giường đẩy như đẩy thuyền, cũng chỉ châng lâng, khoái cảm đến thế là cùng. Cô dâu mới đầu còn ngồi bó gối, như bao người say thuốc thường không ai bảo ai đều ngồi một kiểu thế, nhưng cứ lịm dần, lịm dần, rồi nằm vật ra cạnh bếp lửa lúc nào không hay. Ngày tháng mười khô hanh, những cây rạ nỏ như bấc từ trong bếp cháy lan ra ngoài, bén vào thùng trấu chất đầy rạ, cái nhà bếp bốc cháy ngùn ngụt mà cồ dâu mới vẫn trong cơn say, chưa biết một tý gì. Cho đến khi anh chồng bừng tỉnh, quờ tay không thấy cô vợ đâu mới sực nhớ ra, vội chạy xuống bếp, thì ôi thôi, cô dâu mới đã bị ngọn lửa liếm tới làn da trắng phốp pháp.

Cải lúc này đây ngồi rít mồi thuốc cháy thành than đến tận đáy nõ cũng không thấy châng lâng, khoái cảm, mà chỉ thấy đầu váng vất khó chịu. Anh cứ ngồi bần thần nhìn bà Mải và cô con gái kéo chiếc xe cải tiến ra chuồng lợn, nằm phía trái đầu hồi nhà ngay nối ngõ vào.

Lúc lâu, bà Mải tất tưởi bước vào, hai ống quần vẫn sắn đến đầu gối. Có lẽ giờ bà mới nhận ra Cải:

- Ối giời, lại tưởng ông cán bộ nào, ra chú Cải! Nghe nói hồi này về huyện rồi hử? Thế lại tốt, chứ cứ đi biền biệt thì chỉ được cái nhàn thây, nhưng vợ con lại vất vả quá đỗi. Dạo năm ngoái, trên này mạ bủi hỏng hết, tôi với mấy bà xuống dưới ấy mua mạ, gặp thím ấy mà mãi chị em mới nhận ra nhau. Sao mà trồng thím gầy đét như con cá mắm, có ốm đau gì không hử? Lại bảo em chả ốm đau gì. Nhưng để thím gầy là chú có khuyết điểm đấy.

Cái giọng sởi lởi của bà Mải làm Cải mau chóng quên đi sự tức giận của bà, và cả của anh, vừa nãy. Cải tủm tỉm cười:

- Vâng, đúng là con cũng có khuyết điểm cứ đi biền biệt. Nhưng nhà con người trông thế, chứ cũng không hay yếu vặt đâu. Chỉ phải cái cả nghĩ, cả lo, chả mấy đêm ngủ được đẫy giấc.

- Thời buổi này, anh bảo ai mà chả lo. Như nhà tôi có bốn miệng ăn, lại toàn người lớn. Thế mà vụ nào nhiều cũng chỉ được chia chưa đến ba tạ thóc, ăn làm sao được nửa năm giời mà chả lo cơ chứ.

Nghe bà vợ nói đến đấy, ông Mải vừa vơ đống nan đứng dậy, vừa lừ mắt cho vợ, ra ý bảo thôi, đừng kể lể dông dài đói lo ra làm gì. Đã mấy tháng, từ khi Điền bị kỷ luật, giờ mới có cán bộ huyện, lại là bí thư huyện uỷ, bước chân vào đến cái nhà này, đã biết thế nào mà bà dông dài. Nhưng đã nghe Cải tiếp lời bà:

- Nghe nói vụ vừa rồi trên này được mùa, năng suất những hăm nhăm, hăm sáu tạ cơ mà. Sao thóc chia lại ít thế, hả bà?

Bà Mải vẫn buồn buột nói theo ý nghĩ của mình:

- Hai mươi nhăm, hai mươi sáu tạ đâu chả biết, chỉ biết mỗi công được chia có bốn lạng thóc ướt thôi, anh ạ!

- Thế còn đâu cả?

- Bớt đầu, bớt đuôi để cán bộ chia nhau, chứ còn đâu. Nào là công quản lý điều hành, kế hoạch tài vụ, vật tư kỹ thuật, rồi công thuỷ lợi thuỷ nông, bơm thuốc sâu, tiêm chích lợn, bảo vệ đồng, trông nhà trẻ mẫu giáo. Thôi thì tất tật mọi việc từ nấu nước cho cán bộ uống, quét nhà hội trường cho cán bộ ngồi, trông xe cho cán bộ họp, đến nấu cơm cho cán bộ ăn liên hoan đều tính ra thành thóc để đưa vào phương ăn chia thì công lao động còn đâu mà chả bốn lạng thóc ướt, hả anh.

Cải vừa định hỏi câu gì đó, thì ông Mải đã trở ra, mắng át vợ:

- Cái bà này! Có bắt tận tay day tận mặt người ta không mà nói thế!

- Ông không ra đến đồng không biết, chứ người ta còn hát những câu nghe nẫu cả ruột nữa kia: “Xã viên đi cấy thâm ghe; để cho chủ nhiệm uống chè Thanh Tâm”, thì sao nào!

Ông Mải buông thõng:

- Đến nhỡn tiền còn chẳng ăn ai, nữa là hát với hỏng!

Cải nhìn ông Mải với cái nhìn khó hiểu:

- Ông bảo ai nhỡn tiền lại không làm sao kia?

Ông Mải ngồi xuống bên ấm giành tích, mở nắp, rót nước, chậm chạp, từ từ như chẳng đi đâu mà vội. Cải đưa mắt nhìn ông. Trên khuôn mặt vuông chữ điền, hiện rõ những đường da nhăn nheo, hai má đã hom hóp nhưng cái nhìn vẫn tinh anh, thoáng nét đăm chiêu, tư lự ẩn sau hàng mi dầy. Một ông già cương trực, hiểu đời, biết người, nhưng cũng không phải là người bộc trực, dễ hỏi, dễ nói. Cứ cái cách nói năng rào rào đón đón từ nãy đến giờ, đủ biết trong lòng ông đang có điều gì ấm ức chưa cởi ta được. Cải cầm cái chén không, đưa về phía cái dành tích ông Mải đang đặt tay lên nắp, nói:

- Ông cho con xin chén nước nữa. Cái giống chè xanh lâu không uống, giờ uống thấy ngon thế.

- Uống ban ngày không sao, chứ tối mà uống vào là khó ngủ lắm đấy.

Cải đón chén nước, tợp một ngụm chè xanh thơm thơm, chan chát thấm vào đến ly ty huyết quản. Đoạn, vừa xoay xoay chén nước còn dở trên tay, vừa nhìn ông Mải cất giọng chân tình:

- Ông còn tin con như cái ngày đơn vị pháo cao xạ của con về đóng quân ở đây, thì xin ông cứ nói thật. Con mới về huyện, cũng chưa hiểu hết mọi chuyện. Mà tình hình huyện nhà thì ông cũng biết rồi đấy, nó đa dạng và phức tạp lắm. Hôm nay con xuống, trước là thăm ông bà, sau cũng muốn biết sự thật về việc ông nên gặp thường vụ huyện uỷ hôm nọ.

Cải nói xong, không khí như ắng lặng hẳn. Cái hiên cửa quay hướng nam hơi ghé đông, mới già nửa buổi sáng mặt trời còn đi xiên ngang, chi đọng những vệt nắng mỏng manh nhàn nhạt. Ông Mải ngồi trầm ngâm nghe Cải nói, không ra chăm chú, cũng không ra lơ đễnh. Giây lát, quay ra ngoài bể nước, bà vợ đang rửa chân tay ở đó, giục:

- Bà chạy ra chợ mua cái gì ăn, được mớ cá về nấu bữa riêu chua thì ngon.

Bà Mải từ ngoài bể nước nói vỏng vào:

- Có khi bắt con gà mà thịt, ông ạ.

Cải vội lên tiếng:

- Thôi bác ơi, gà qué làm gì. Bác cứ cho ăn bữa cá riêu với rau muống sống thái nhỏ, như dạo nọ có lần cháu được ăn ở nhà ta, thế là ngon.

Ông Mải bảo:

- Gà thì nhà có đấy. Nhưng bây giờ thằng Điền đi vắng, chẳng lẽ tôi với anh lại bỏ đây đi đuổi gà.

Bà vợ nghe ông chồng nói thế, đủ biết ông thù tiếp bí thư huyện uỷ còn lâu, có lên đến chợ về tới nhà chưa chắc đã vãn chuyện. Còn Cải thì thầm hiểu, đó là cách ông đuổi khéo bà vợ đi để ở nhà dễ nói chuyện, nên khi ông Mải nói thế, anh cũng không can ngăn gì nữa.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3