Bão đồng - Chương 08 - Phần 1

- 8 -

Sau hôm ở chỗ Trường về vài ngày, trong một buổi hội ý thường vụ đảng uỷ xã, mà thường vụ nào nhiều nhặn gì, chỉ có ba người, thì duy nhất mỗi ông Sa là người ngoài, còn hai là anh em Thuật, Lận. Cuối buổi họp, Thuật rút cặp lấy ra tờ giấy viết tay có chữ ký của Lận, uỷ viên ban thường vụ đảng uỷ, chủ nhiệm hợp tác xã Tiên Trung, thay mặt đảng uỷ, uỷ ban và hợp tác xã đề nghị trên cho dành khu đất gò, lối vào làng Phương Trì, để xây dựng “khu văn hoá sinh phần”. Bên trên, phía góc trái đơn đề nghị, là chữ ký duyệt “đồng ý” của Trường, chủ tịch uỷ ban huyện, kèm dấu đóng treo, mà cái buổi sáng hôm Thuật lên gặp Trường để trình bày, may sao lại gặp đúng lúc cuộc tình công sở giữa Trường và Hà vừa xong. Tiền trảm hậu tấu, việc đã rồi mới đưa “thường vụ bàn”, thì một bí thư Sa, chứ mười bí thư đảng uỷ như Sa cũng gật gật lia lịa. Vậy mà không làm khẩn trương thì dở quá. Cả một kế hoạch cụ thể được hai anh em Thuật, Lận và thằng Bính, cháu trưởng đích tôn, hoạch định sẵn rồi. Sở dĩ phải có Bính, vì không những nó là cháu trưởng, sau này trông coi hương hoả của cả gia tộc, còn vì thằng Bính đang rấp rinh yêu cái Viên, con ông Mải, em gái Điền bên Phương Trà. Gì thì gì chứ tiếng tăm ông Mải không những trong đảng bộ, mà cả bàn dân thiên hạ xã này còn phải kính nể. Một khi thằng Bính đã tác thành với cái Viên, cũng coi như họ Vũ làng Phương Trà và họ Phạm làng Phương Trì là một. Còn việc tay Điền bị kỷ luật lưu đảng mười hai tháng, chứ hai năm bốn tháng đi chăng nữa, đối với Thuật cũng không còn ý nghĩa gì nữa. Ý nghĩa là cái chức chủ nhiệm hợp tác xã toàn xã đã về tay Lận, cũng có nghĩa hai trong ba chân kiềng lãnh đạo cao nhất ở xã này đều nằm ở làng Phương Trì, cụ thể là nằm trong tay hai anh em ruột Phạm Khắc Thuật và Phạm Khắc Lận. Không gì hơn lúc này là đi lại kết thân với cha con ông Mải, hay ít ra cũng không nên có định kiến với họ như trước đây nữa, nhất cử lưỡng tiện, việc tác thành của thằng cháu trưởng hẳn không gặp trở ngại, lại còn có thể tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của cha con ông ấy trong việc lập “khu văn hoá sinh phần”, một công trình lớn của anh em Thuật để lại cho đời sau, cũng là sinh phần lớn nhất không những xã này, mà cả huyện này, cũng chưa dòng tộc nào có. Đến Trường cũng còn thúc giục ông anh vợ cứ làm đi, làm khẩn trương, làm cho to đẹp vào, có gì mấy năm nữa em cũng rập mẫu bên anh về lập một “khu văn hoá sinh phần” dòng tộc nhà em bên Tiên Thái. Vậy chẳng những mình không thể đi, mà chú Lận cũng không thể dứt ra năm bữa nửa tháng để đi mãi miền ngược mua sắn được. Chỉ còn một cách… Đúng thế.. Thuật vừa chợt nhớ đến gợi ý của ông Liểu, cửa hàng mua bán xã, khi anh hỏi việc cử người đi miền ngược mua sắn năm nay theo bác nên cử ai, vội đứng lên, tất tưởi đi vào buồng, lay gọi vợ:

- Mẹ Hồng ơi, dậy, dậy tôi nhờ tý!

Phượng, chị chủ tịch uỷ ban xã Tiên Trung ngày nào đi giao ban cụm chiến đấu bắn máy bay Mỹ, cùng với đại uý Cải về đến ngang đường gặp mưa to gió lớn sấm chớp đùng đùng, hai người phải vào trú mưa trong chiếc lều người coi đồng, nay là vợ Thuật. Phượng đang nằm nghỉ trưa trên chiếc giường hai vợ chồng vẫn nằm, kê trong gian buồng phía đông, bỗng bị chồng đánh thức, lần khân không muốn dậy. Nhưng khác với cử chỉ của một ông chồng quen lấy quyền uy ra lệnh hơn là ăn nói nhẹ nhàng, Thuật ngồi xuống mép giường, rồi rất nhanh luồn một tay xuống gáy vợ như nâng dậy, giọng có cái gì như một sự nhờ vả:

- Mẹ nó dậy đi! Dậy đi tôi nhờ một việc.

Phượng ngồi hẳn người trên giường, hai tay đưa lên vuốt vuốt mái tóc đang xoã xuống vai ra phía sau, rồi một tay chít nắm tóc sau gáy, một tay cầm nắm đuôi tóc cuộn vào, búi thành búi tó sau lưng. Kiểu búi tóc thành búi tóc sau lưng ấy của Phượng như một sự tự trang điểm, làm cho cái cổ của chị, vốn đã cao và trắng, lại càng thêm cao và trắng trẻo, khơi gợi hơn. Bỗng chốc, Thuật nhìn vào cái cổ cao và trắng trẻo, khơi gợi của vợ như nhìn cô gái đang xoan, chứ không phải cái bà vợ đã ngoại tứ tuần nữa. Hay cũng tại đã lâu lắm chưa được nhìn thấy Phượng thế này giữa ban ngày ban mặt, giờ nhìn thấy khác lạ quá chăng. Thuật vội đổ người trùm lên Phượng, rồi một tay luồn nhanh xuống vạt áo, lùa lên bộ ngực phơi trần không mặc xu chiêng, còn một tay thọc dưới cạp quần rộng, cũng không có quần con bên trong. Rất nhanh, Thuật đặt được cả hai tay vào hai chỗ mẫn cảm nhất của người đàn bà. Nhưng bất ngờ, Phượng ngồi bật dậy:

- Anh làm cái gì mà hùng hục như trâu húc mả thế! Không sợ có người đến thì dơ mặt ra đấy à!

Biết vợ không thích, cũng không thể ép, vợ chồng chăn gối là cả một đời, vả giữa ban ngày ban mặt cũng không nên. Thuật vội ngồi dậy, nói như thể chữa thẹn:

- Đùa một tý…

Phượng nhìn chồng, cười:

- Hôm nay lại biết đùa cơ! - Rồi tụt cả hai chân xuống đất tìm dép, miệng giục chồng. - Thôi, nhờ vả gì người ta thì nói đi!

Thuật cũng đã xỏ được hai chân vào hai chiếc dép, đứng lên:

- Mình sang tìm hộ tôi chú Lận sang đây nhá!

- Thì đằng nào chiều anh em ông chả ra xã, còn bắt tôi đi tìm giữa trưa nắng thế này làm gì.

Thuật như không nghe thấy lời vợ, hoặc có nghe, nhưng việc bảo đi là vẫn cứ phải đi:

- Thôi, mình đi đi! Bảo chú ấy là đến ngay có việc cần, tôi muốn bàn riêng với chú ấy, nhá!

Phượng lẳng lặng ra ngoài nhà, lấy chiếc nón treo đầu cột, rồi cun cút đi ra sân giữa trời nắng chói chang.

Thuật cũng quay ra ngoài nhà, ngồi vào đúng cái ghế có hai tay vịn Thuật ngồi ban nãy. Cái ghế ấy lúc nào cũng được đặt bên trong, cạnh bàn thờ tiên tổ, phía tay phải lối vào gian buồng vợ chồng Thuật nằm ở phía đông nhà. Bên ngoài cũng là một chiếc ghế có hai tay vịn, giống như chiếc ghế dài kê đối diện, vợ con hay khách khứa ai ngồi vào đấy cũng được, miễn là đừng có vô ý, nhỡ ngồi vào cái ghế có hai tay vịn đặt phía trong, dưới chỗ bàn thờ tiên tổ, gặp lúc ông chủ nhà đi đâu về thì thôi đấy, không bị mắng té tát cũng bị quở vô ý vô tứ. Thuật đặt đít ngồi xuống ghế, hai chân khuỳnh lên để tỳ hai đầu gối vào mép hai bên tay vịn, còn hai tay đặt lên như kiểu vua chúa ngồi đặt tay lên tay ngai. Với kiểu ngồi ấy, dường như có làm cho xương cốt trở lên thư giãn hay sao, mà Thuật lại hướng hẳn khuôn mặt chữ điền, nước da thiết bì, với đôi mắt to có hàng mi dầy cum cúp, nhìn chằm chằm về phía Phượng đang tất tưởi bước ra cổng. Chẳng lẽ Thuật không tin vợ mình lại không sang tìm Lận. Chả dám. Nhưng vẫn ngại vợ ra ngõ gặp ai lại chuyện trò năm câu ba điều, sang đến nơi khéo không chú ấy lại ra xã rồi cũng nên.

Thuật sốt ruột ngồi đợi. Mãi cũng không thấy Lận sang, mà cũng không thấy vợ quay về. Đang định đứng dậy ra ngõ xem có thấy ai không, thì Lận tất tưởi đạp xe đến. Thuật hỏi ngay:

- Nhà tôi sang bên chú đấy.

Lận dựng xe đạp ngoài tường hoa, bước vào:

- Bác gái về sau. Mà hình như em thấy bác ấy rẽ vào bà Thêm hỏi cái gì ấy.

Lận vừa nói vừa bước vào trong nhà, ngồi xuống đầu chiếc ghế dài, nhìn ông anh đang ngả người ra ghế tựa, nét mặt khó đăm đăm, dè dặt hỏi:

- Bác cho tìm em có việc gì ạ?

Thuật ngồi ngay người lên, chằm chàm nhìn Lận, hỏi:

- Chú cho thả tay Điền, ông Tinh với mấy người ngoài Phương Lưu chưa?

Lúc ở nhà, vừa xách xe đạp ra sân định đi xã, thấy chị dâu sang tìm: “Chú sang ngay có việc cần, ông ấy bàn riêng với chú đấy”, Lận nghĩ lại chuyện lập “khu văn hoá sinh phần”, chắc là sáng nay lên huyện họp, gặp ông em rể lại thay đổi gì chăng. Nhưng không ngờ vừa sang đến nơi đã nghe ông anh cả hỏi một câu đột ngột, không có liên quan gì đến việc gia đình, mà sao lại cho tìm sang nhà bàn thế này. Lận chưa hiểu đầu trê tai nheo ra sao, lưỡng lự:

- Em tưởng việc thả hay không là phải có ý kiến của huyện chứ?

Thuật bỗng ngồi hẳn lên, người như lao về phía Lận, hỏi dồn:

- Thế lúc bắt mấy người ấy chú có xin ý kiến huyện không, hay tự chú cho bảo vệ xuống bắt?

Lận ngập ngừng:

- Lúc em xuống đã thấy ông Hưởng ở đấy rồi. Em hỏi, ông ấy bảo, đứa nào chống đối cho bắt ráo về xã, chờ giải quyết.

- Vậy mà về huyện ông Hưởng lại nói là xã họ bắt, chứ huyện ai ra lệnh. Chú đi mà cãi. Giải quyết! Giải quyết cái con khỉ! Hai mươi nhăm con lợn, toàn loại to, chín mươi cân, một tạ, đang đâu chở đến trại người ta bắt nuôi báo cô gần chục ngày giời. Báo thanh toán cho mấy tấn thóc trừ vào công chăn nuôi, cám bã, rau bèo cho xã viên họ phấn khởi, cũng nhất định không thanh toán. Nhẽ nào người ta chả không cho bắt lợn về. Thế mà ông ấy chỉ cho người lên báo, chú đã dẫn bảo vệ súng ống, gậy gộc kéo xuống Phương Lưu bắt người, đem về giam trong nhà kho phân đạm hợp tác xã rồi. Thật là quá nông nổi em ạ! Bắt người phải có con dấu đóng quốc huy hẳn hoi, chứ đâu dễ như bắt con cái trong nhà thế được!

Lận ngồi ngay đơ nghe ông anh cả, đứng đầu chính quyền xã, nói như mắng vỗ vào mặt. Nhưng cấm dám cãi câu nào. Giây lát, hẳn là chờ cho ông anh hạ hoả, mới từ tốn giãi bày:

- Thực tình em cũng chưa hiểu lắm cái việc bắt người là phải thế nào. Em đang ở ngoài trụ sở thì thấy cậu em trai ông Hưởng, làm ở ban nông nghiệp, cùng với một anh ở văn phòng uỷ ban huyện, đạp xe đèo nhau lên. Bảo chúng tôi đi với anh Hưởng về kiểm tra trại chăn nuôi Phương Lưu, bị bọn xấu chặn xe hành hung đập vỡ cửa kính, dân đang kéo ra đông lắm. Đồng chí phó chủ tịch huyện bảo chúng tôi lên truyền đạt ý kiến của đồng chí ấy lệnh cho xã mang dân quân xuống bắt bọn hành hung tống giam. Thế là em gọi mấy cậu bảo vệ đang có mặt ở trụ sở chạy xuống, chứ nào em có biết bắt người là phải thế nào đâu.

Lận nói thật lòng. Bởi cha mẹ sinh ra, bé cho bú mớm, lớn cho ăn cháo ăn cơm. Lớn lên chút nữa cho đi học. Học xong lấy vợ, sinh con. Rồi ra ở riêng, nghiễm nhiên thành ông chủ một gia đình. Đấy là bổn phận làm người đàn ông, làm ông chủ gia đình, biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe. Còn như không muốn dựa cột nữa thì hỏi mẹ hỏi cha, hỏi anh hỏi chị đê biết mà làm theo. Hoặc tinh mắt nhanh tay thì không cần hỏi ai, cứ nhìn người khác làm mà bắt chước, lâu dần rồi cũng biết, chỉ phải cái chậm và lâu, chứ không mất gì, không thiệt hại đến ai. Ngay đến mình nhiều khi cũng không bị thiệt, mà còn có lợi là đằng khác. Nhung việc bên ngoài thì không thể thế được. Nhất là cái việc bên ngoài ấy lại do mình chủ sự, mình đầu têu, chưa nói nhiều khi lại còn phải miệng nói tay làm, hay như cánh vẫn ra sân khấu thường bảo “tự biên tự diễn”, thì tính chủ động, tính sáng tạo cá nhân có vai trò quyết định thành bại. Tiếc rằng Lận chỉ có được một nửa những điều vừa nhắc kia thôi. Nghĩa là, Lận đúng là người đứng đầu hợp tác xã toàn xã Tiên Trung, người chủ sự của hành vi bắt người giải về xã giam. Bởi nếu không có Lận đưa bảo vệ xã xuống, không ra lệnh cho bắt người, thì bố bảo mấy tay bảo vệ dám xông vào bắt ông Tinh, đội phó đội sản xuất kiêm tổ trưởng tổ cờ đỏ và Điền, nguyên chủ nhiệm hợp tác xã, cùng mấy người nữa ở đầu làng Phương Lưu. Đúng như Lận vừa nói với ông anh nửa như thanh minh, nửa như nhận lỗi: “Em cũng chưa hiểu lắm về cái việc bắt người là phải thế nào”. Vì từ ngày còn đang học lớp bảy, Lận đã say gái như say thuốc, không mấy tối thứ bảy, chủ nhật chịu ở nhà, cứ cơm xong là lỉnh, nhiều đêm để nhà chờ cổng rõ đến sáng. Mà tìm gái thì cấm chịu tìm gái làng cho gần, cứ vào mãi Phương Trà, Phương La, có khi còn lần sang tận xã bên mò gái. Nhưng nào có kết cô nào, cứ vài tháng lại thấy cặp kè một cô dẫn về nhà chơi, có khi chỉ tháng trước dẫn cô này, tháng sau đã thấy đèo cô khác về giới thiệu đây là bạn con rồi. Thế nên, học chưa hết lớp bảy Lận đã đòi lấy vợ. Từ bà mẹ đến anh trai, chị dâu, rồi chị gái, anh rể ai cũng nhất loạt giơ cả hai tay, kẻo lỡ nó dại dột làm con người ta chửa ra đấy thì mang tiếng. Không những thế, lấy nhau ăn chung ở độn với mẹ và vợ chồng ông anh được đúng ba bảy hăm mốt ngày, vợ Lận dở quẻ đòi ra ở riêng. Thế là Thuật, bấy giờ còn làm uỷ viên thư ký uỷ ban xã, đành thu xếp mãi mới đổi được ít diện rau về chân tre cho em vượt thổ làm nhà. Ổn định chốn ở thì vợ Lận sinh con gái đầu lòng. “Ruộng sâu, trâu nái, gái đầu lòng”, chẳng biết câu ca của các cụ sướng khổ đến đâu, nhưng Lận đúng là từ khi vợ đẻ con gái đầu lòng thì cứ lên như diều gặp gió. Đẩu tiên là chị An đang làm thư ký đội sản xuất thì xin nghỉ, vì đến tháng nằm cữ đứa con thứ ba. Lẽ ra chỉ tạm nghi mấy tháng, đẻ xong hết cữ lại vẫn làm. Nhưng đằng này chị cứ nằng nặc xin nghỉ, vì nhà neo người, chồng lại làm công nhân mãi nhà máy đóng tàu Hạ Long, chiều chủ nhật đạp xe đi, tối thứ bảy mới về đến nhà, chả còn đỡ đần gì được cho vợ con. Vả bấy giờ Lận cũng thôi học hơn một năm, vợ Lận đã đẻ được mấy tháng, ông anh rể, tức là Trường, chồng cô Ngấn, hồi ấy đang làm trưởng phòng ở huyện, cũng định xin cho em vợ đi làm chân bảo vệ uỷ ban huyện. Nhưng của đáng tội, Lận không biết thuộc nhóm máu gì mà hễ rời vợ ra mươi hôm, thậm chí chỉ vài ba ngày đã không sao chịu nổi, cứ ngửi thấy mùi gái là sấn đến như gà trống quyện gà mái mỗi buổi sớm thả trong chuồng ra. Lận không đi đâu, chỉ ở nhà, hai vợ chồng, một đứa con nhỏ với ba sào rưỡi ruộng, vừa làm vừa đú đởn, nhàn thân, sướng đời, việc gì còn phải đi đâu cho gò bó, lại mỗi khi thích lên muốn tý máy tý mẻ chả biết vào chỗ nào, chi bằng cơm nhà, lổn vợ là hơn. Thế là Lận nhận chân thư ký ghi chép công điểm, phân gio, giống má của đội sản xuất. Cũng nói thêm là đội sản xuất hồi ấy nằm trong họp tác xã một làng, không to như sau này sáp nhập bốn hợp tác xã của bốn làng thành hợp tác toàn xã. Nên công việc của một thư ký đội cũng không có gì vất vả, nhọc nhằn và phức tạp cho lắm, đến như chị An mới học dở lớp năm còn làm được, huống hồ Lận đã có trình độ tới lớp bảy.

Khởi đầu từ anh thư ký đội, được vài vụ anh trai trúng chấp hành đảng bộ xã, được cử sang tham gia ban quản trị, làm chủ nhiệm hợp tác xã Phương Trì, liền rút em lên làm phó ban kế hoạch của hợp tác xã. Cuối năm ấy Lận lại được kết nạp đảng. Con đường hoan lộ của Lận cứ thế thăng tiến. Chả bao lâu trước ngày sáp nhập bốn hợp tác nhỏ thành hợp tác có quy mô toàn xã, Lận đã là chủ nhiệm họp tác xã Phương Trì. Thế là khi sáp nhập, Lận nghiễm nhiên đảm trách chức phó chủ nhiệm hợp tác toàn xã Tiên Trung. Nhà anh em Thuật, Lận năm ấy hình như là năm thăng quan. Trên huyện, thì Trường, em rể Thuật, cũng là anh rể Lận, được đề bạt phó bí thư huyện uỷ, phân công đảm nhiệm chức chủ tịch uỷ ban huyện; dưới xã, Thuật được cử làm phó chủ tịch uỷ ban, còn Lận cũng nghiễm nhiên trở thành một trong ba phó chủ nhiệm hợp tác toàn xã, sánh ngang với chức phó chủ tịch. Còn về sau, bằng cách nào Lận lên chủ nhiệm hợp tác toàn xã Tiên Trung, thì chúng ta đã biết qua câu chuyện của Điền với Cải cái đêm hai người thức gần đến sáng, nếu không có tiếng kêu “có đứa lấy trộm sen”, mà kỳ thực lại chính thằng Bính và cái Viên đưa nhau ra bờ đầm sen thề thốt để ông Khởi trêu cho, rồi ù té chạy, thì có lẽ họ còn chuyện trò với nhau đến sáng.

Thuật nghe em trai nói đi nói lại nửa như thanh minh, nửa như nhận lỗi: “Em cũng chưa hiểu lắm về cái việc bắt người là phải thế nào”, liền hiểu ngay là em nói thật lòng. Bé cha mẹ nuôi, lớn lại mẹ đi xin dâu, dẫn cưới. Vào đời thì hết anh trai, chị gái, anh rể lo cho từng bước. Con đường hoan lộ cứ thẳng như kẻ chỉ, chưa một vết rạn. Vậy mà Lận lại chưa bao giờ có nổi lấy một tháng, chứ chưa nói một năm, ngồi vào lớp quản lý kinh tế, hành chính hay chính trị chính em nào, thì làm gì có hiểu biết về quá trình dẫn đến một hành vi có thể bị bắt, và trước khi bắt người thì phải tiến hành những bước nào. Bơi Lận không biết thuộc nhóm máu gì mà hễ rời vợ ra mươi ngày, thậm chí vài hôm đã không sao chịu nổi, nên cứ nói đến đi học tập trung trên trường đảng tỉnh, thậm chí ngay tại trường đảng huyện, là Lận lo kế hoãn binh. Thuật biết tính em trai nên làm việc gì cũng kèm cặp riết róng, bảo ban đến nơi đến chốn trước khi em ra đến ngoài. Lận được cái nhiệt tình, bảo làm gì là hùng hục như trâu húc mả, nhưng hữu dũng vô mưu, lại nông cạn xốc nổi, nhiều khi làm xong mới biết là dại. Được cái bảo là nghe ngay. Nói ra được câu ấy cũng là người biết nghĩ. Thuật nhìn ông em trai đứng đầu hợp tác xã nông nghiệp toàn xã vừa thấy cảm thông, vừa thấy thương thương, tồi tội cho thằng em vừa làm một việc nông nổi, nếu không muốn nói là dại dột. Giây lát, Thuật dịu dàng bảo Lận:

- Thôi, chú đi thả mấy người ấy ra đi. Riêng ông Tinh và tay Điền, chú mời bằng được họ vào phòng chú bên hợp tác xã uống nước. Chờ tôi ra, cả tôi và chú có lời xin lỗi họ vì chưa hiểu rõ thực hư ra sao, mới chỉ nghe mỗi em trai ông Hưởng và một anh ở huyện đến nói, đã vội cho bảo vệ xuống bắt người là thiếu sót. Mong hai đồng chí về nói với các anh, các bác dưới làng thông cảm cho. Thế nhá, chú đi đi. Mềm nắn, rắn buông, phải biết lựa chiều cư xử, chứ cứ lúc nào, với ai cũng nắn nắn, bóp bóp là có bữa vỡ mặt đấy!

Ông anh trưởng tộc, lại làm chủ tịch xã, bảo chẳng lẽ không đi. Chứ đi thì đi, Lận vẫn thấy ấm ức. Dẫu là việc bắt người vô cớ, ừ thì cứ cho là vô cớ, vì chưa có lệnh đã bắt người ta đi, thì những người ấy cũng chưa hẳn hoàn toàn không có lỗi. Thế nên, thả ra thì được, chứ lại còn mời vào văn phòng để cả chủ tịch, chủ nhiệm đến xin lỗi và mong được sự thông cảm thì nghe nó thế nào ấy. Quả là thái độ của Thuật đối với vụ xô xát giữa tổ cờ đỏ làng Phương Lưu và những người đi trên hai chiếc xe đến chở lợn ở trại, có cái gì như một sự nhún nhường, sờ sợ, khác với bản tính cứng rắn, máy móc, đầy uy quyền của một người đứng đầu chẳng những trong gia tộc, dòng họ mà còn trong cả xã. Lận mơ màng nghĩ thế, nhưng cái đầu củ chuối của Lận lại không cắt nghĩa được nguyên do của việc ông anh có thái độ mềm mỏng với những người Phương Lun, trong đó có Điền, không hiểu sao lại lạc vào đấy, mà Lận cho bắt giam, là nghĩa làm sao. Nhưng ông anh bảo đi thả thì cứ phải đi đã. Thả rồi thì mời bằng được ông Tinh và Điền sang phòng hợp tác xã uống nước và có lời xin lỗi họ, thì cứ phải mời bằng được. Có gì khuất tất, có gì chưa hiểu thì đành hiểu sau vậy.

Nhưng Lận không phải chờ hiểu sau, lại càng không phải tự mình tìm hiểu lấy. Ngay tối hôm ấy, nhà Lận vừa cơm nước xong đã thấy: “Bác cả sang chơi đấy!”. Ấy là Hoan, vợ Lận, đang đứng ngoài cửa chuồng lợn cho con lợn nái mới đẻ mười hai con ăn thêm bát cháo lấy sữa đêm cho con bú, chợt nhìn thấy Thuật lững thững đi khuất sau bụi tre ngoài cổng, vội chạy vào bảo chồng, giục con dọn mâm bát đi, nhanh lên, bác cả sang chơi đấy.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3