Bão đồng - Chương 12 - Phần 1

- 12 -

Khi ông Liểu vừa ngồi dậy, đang luồn tay xuống dưới chiếu đầu giường lấy chiếc túi con khoác vào người để đi vệ sinh, không gì bằng của liền người, tiền mua sắn và tiền ăn đường có bao nhiêu đều để trong này, không khoác vào người, biết đâu đấy. Khi ông Liểu vừa khoác chiếc túi lên vai, thì nghe một giọng đàn ông khàn khàn từ giường bên hỏi sang:

- Mấy người dưới xuôi lên hả?

- Ừ, chúng tồi dưới xuôi lên.

- Có phải đi mua sắn không?

- Ừ, đi mua sắn. Ông có biết đâu có sắn bán không?

Người đàn ông không cần nhìn kỹ mặt mũi Liểu già trẻ ra sao, nói ngay:

- Mua sắn thật thì đi với tao, bao nhiêu cũng có.

Nghe đến đấy, Điền vùng dậy, gạ xoắn xoằn xoặn:

- Thật không. Bao giờ ông về, cho chúng tôi đi theo với nhá!

Vừa nói, Điền vừa tụt xuống giường, đi lại chỗ người đàn ông dân tộc Tày đang lay vai một người nữa nằm ngủ bên cạnh, ra ý gọi dậy. Trong ánh sáng nhàn nhạt của buổi rạng đông miền rừng, Điền nhìn người đàn ông không thật rõ lắm. Anh dừng lại hồi lâu, nhìn chằm chằm vào người đàn ông đang ngồi quay mặt vào, tay lay vai một người, có lẽ là con cháu gì chăng, đang nằm ngủ bên cạnh. Ông ta dễ đến ngoài năm mươi tuổi, người trông đầm đậm, vận chiếc áo chàm cũ mà màu vẫn còn thẫm. Khi người nằm bên được đánh thức lồm cồm ngồi dậy, người đàn ông ngoài năm mươi quay mặt lại. Chỉ đợi có thế, Điền bỗng nói như reo lên:

- Bác Thàng, có đúng bác Thàng không?

Người đàn ông dân tộc Tày đang ngồi trên giường bỗng nhoài người ra, hỏi gấp:

- Điền, có thật là mày không, hả Điền!

Điền vội nói như người ngạt hơi:

- Vâng, em, Điền để súng cướp cò suýt vào bác đây mà!

- Ối giời, thằng Điền! Sau lần ấy mày trốn đâu mãi đến giờ mới dẫn xác lên đây làm gì, hả Điền?

Điền nhìn Thàng, nửa muốn nói, nửa lại như im lặng, bởi cuộc gặp quá bất ngờ, quá xúc động, hoàn toàn nằm ngoài những gì anh nhớ về đồng đội của mình, hay chính xác hơn, ngày ấy hai người ở với nhau quá ngắn, anh chưa kịp biết tý gì về quê quán của Thàng. Thế nhưng vừa nhận ra nhau, trong hộp nhớ của Điền liền bật ra cái đêm hôm ấy, nên chỉ bằng một câu ngắn gọn: “Điền để súng cướp cò suýt vào bác đây mà!”, là Thàng đã reo lên: “Ối giời, thằng Điền!”. Vâng, đúng thằng Điền gác đêm hôm ấy, khi đơn vị vừa vượt qua sông thì trời mưa rả rích, lệnh trên cho dừng lại trong cánh rừng bạt ngàn cao su. Bộ đội tranh thủ nghỉ lấy sức, ai có thứ gì ngả lưng xuống thứ đó. Người để ba lô vào gốc cây, tỳ đầu lên, ngủ ngồi. Người có võng thì mắc lên giữa hai cây cao su để ngủ. Trong số những cái võng mắc lên cây ấy có võng của tiểu đoàn phó Nông Văn Thàng, nằm chếch một quãng chừng mươi cây cao su là tới chỗ gác, lúc ấy đang vào phiên của Điền và Hiện. Bấy giờ dễ khoảng ba giờ đêm, Điền và Hiện ngồi gác buồn ngủ quá, Hiện nghĩ ra trò lấy súng ra lau cho đỡ buồn ngủ, lại mau hết thời gian qua phiên trực. Nhưng khi Điền vừa tháo khẩu K54 đang khoác vai ra, mới tỳ lên đùi chưa kịp lau, thì không biết cái tay cầm giẻ vướng víu thế nào lại móc vào cò súng, làm phát ra tiếng nổ xé màn đêm. Liền ngay đó là tiếng vật gì rơi huỵch một cái như trời giáng, đồng thời với tiếng quát: “Cậu nào bắn thế, hả?”. Điền và Hiện ngẩn người nhìn về phía có tiếng quát. Một người đàn ông đầm đậm, có chiếc túi dết quàng ngang vai, đang lồm ngổm đứng dậy khỏi cái võng, chỉ còn một đầu buộc vào thân cây, còn một đầu thấy dính mấy cái dây buộc bị đứt treo lơ lửng. Cái võng đã bị viên đạn cướp cò từ khẩu súng trong tay Điền làm đứt phăng một đầu, và cái vật rơi huỵch một cái như trời giáng, đồng thời với tiếng quát chính là Thàng. Điền, rồi cả Hiện, sợ hú vía, vội chạy lại chỗ Thàng đang cầm một đầu võng vừa bị đạn bắn đứt, đứng gập chân trong tư thế nghiêm. Điền nói: “Báo cáo, em sơ ý để súng cướp cò…”. Nhưng đã nghe giọng Thàng ân cần dặn: “Nhớ là súng đạn lúc nào cũng phải hết sức cẩn thận. Về vị trí đi”. Sau đêm ấy có dễ chỉ dăm ngày, Điền cùng một số chiến sĩ được phiên chế vào đơn vị mới thành lập về tăng cường cho bộ đội địa phương tỉnh. Thế nên, vừa gặp lại Điền sau hơn chục năm xa cách, ông Thàng mừng mừng, giận giận nói như trách: “Sau lần ấy mày trốn đâu mãi đến giờ, hả Điền?”, cũng là tình nghĩa với nhau lắm đấy. Điền nghe ông Thàng trách thế chỉ cười, giây lát buông một tay đang ôm vai ông Thàng ra, hỏi:

- Nhà bác có ở gần đây không?

Ông Thàng bảo:

- Nhà tao ở trên Chợ Rã, nhưng ngay đường số ba, gần Phủ Thông rẽ vào thôi.

- Nãy bác nói trên bản nhiều nhà còn sắn bán à?

- Ừ. Đi về nhà tao luôn cho biết nhà. Mấy khi mày lên tới đây.

- Khi nào bác về?

- Chờ thằng con dậy là ra xe về ngay thôi.

Điền thoáng nhìn cậu thanh niên vừa được ông Thàng lay dậy, còn đang ngồi trên giường mặc áo, mới chỉ khoảng mười sáu, mười bảy tuổi, dáng người cũng đầm đậm và có nét hao hao giống Thàng. Điền nhắc lại câu hỏi ban nãy, nhưng lần này rành rẽ hơn:

- Khi nào bác với cháu về, cho chúng em theo lên trên ấy mua sắn với nhá!

Thàng vẫn ngồi trên giường, hai chân thõng xuống đất, vừa xỏ chân vào ống quần vừa bảo:

- Mày bảo mấy người kia có đi thì khẩn trương lên. Giờ bố con tao ra bến xe xếp hàng mua vé ô tô. Được là đi về ngay đấy. Xe ô tô khách lên Chợ Rã ngày chỉ có một chuyến, sáng chở khách từ Bắc Cạn đi, chiều chở khách từ Chợ Rã về. Không khẩn trương là lỡ xe, phải chờ đến mai đấy.

Nghe Thàng nói gấp gáp và nhấn đi nhấn lại từ khẩn trương, Điền càng thấy quý mến người thủ trưởng cũ, sau bao năm gặp lại, từ tính nết đến tác phong vẫn như xưa, chất phác, thật thà, nhanh nhẹn, tháo vát, thể hiện một bản chất rất đáng quý của người đã qua rèn luyện bao năm trong quân ngũ. Vừa lúc Liểu ở ngoài nhà vệ sinh vào, nghe Điền giới thiệu, đây là bác Thàng, thủ trưởng cũ của em hồi ở chiến trường, còn đây là cậu con trai bác ấy. Nhà bác Thàng ở trên Chợ Rã, lối rẽ

Phủ Thông đi vào. À, Phủ Thông biết rồi, Chợ Rã cũng đến rồi, ông Liểu tỏ ra thông thuộc đường đất đồng rừng. Nhưng Điền vẫn như không nghe thấy, thủ trưởng cũ của em có ý mời bác với chú Bính lên nhà bác ấy chơi, nhân thể giúp anh em mình mua sắm. Liểu vui ra mặt, bảo: “Gặp may rồi!”. Đoạn, quay lại chỗ bố con ông Thàng:

- Anh cho anh em chúng tôi theo lên trên đó mua sắn, anh nhá!

Ông Thàng bảo:

- Tôi với chú Điền trước cùng một đơn vị, xa nhau bao nhiêu năm nay mới gặp. Còn bác và cháu đây lại đi cùng chú Điền từ mãi dưới xuôi lên, cũng là vì việc dân, việc nước mới gặp gỡ, quen biết nhau. Một công đôi việc, tôi mời bác và cháu cùng chú Điền lên nhà tôi chơi, nhân thể tôi giúp anh em mua sắn, thuê xe chở về xuôi.

- Được thế thì quý hoá quá! - Ông Liểu cảm kích thốt lên.

Ông Thàng khoác chiếc túi vải chàm lên vai, nhìn ông Liểu:

- Người dân tộc không biết khách khí đâu. Thôi, ta đi nào.

Ba người dưới xuôi lên mua sắn, nhập với hai bố con ông miền ngược, thành đoàn năm người rảo chân ra bến ô tô.

Vẫn cái bến xe chiều tối qua Liểu, Điền và Bính xuống, nhưng sớm nay vắng vẻ và ít nhốn nháo hơn. Cả những cô gái đứng vật vờ chỗ ngã ba lối vào bến, như chiều tối qua cũng không có. Liểu bỗng thấy một chút vấn vướng rất vô cớ khi lướt nhìn về phía ngã ba có cây dạ hương um tùm, chỗ chiều tối qua hai cô gái đứng ãm ờ “quán cơm nhà trọ đều có Cếả”. Bến xe thị xã hẹp và xơ xài. Chỉ mỗi dẫy nhà chờ, cũng là nơi bán vé, chừng hai chục mét vuông làm bằng tre vầu, lợp giấy dầu, nằm ở một góc bến. Khi đoàn xuôi, ngược năm người vào đến nhà chờ thì ở cửa bán vé xe đi Chợ Rã đã đông người đứng xếp hàng. Thàng chen vào chỗ bán vé, rồi lại chen ra, mồ hôi nhễ nhại, bảo Điền và Liểu:

- Hai người đứng đây với thằng cháu Thàn, để tôi vào mua vé cho. Tôi có thẻ thương binh, được ưu tiên.

- Thế thì may quá! Bác giúp chúng em với. - Điền nói xong, quay lại bảo Liểu đưa tiền cho ông Thàng mua vé hộ.

Trong khi ông Thàng chen vào mua vé xe, Bính kéo Liểu ra ngoài, nói nhỏ: - Biết ông ấy là người thế nào mà chú vội đưa tiền nhờ mua vé. Nhỡ kẻ xấu nó lừa có phải vừa mất tiền, vừa mang tiếng với đảng uỷ, uỷ ban là to đầu mà dại không. Từ giờ chú phải cẩn thận, đừng nhẹ dạ cả tin nghe anh Điền quá thế, chú ạ!

Lời nhắc nhở của đứa cháu trưởng ông chủ tịch xã, làm Liểu sực nhớ những điều Thuật dặn trước lúc đi: “Phải chú ý theo dõi tay Điền từ lời ăn tiếng nói đến cử chỉ, đi đứng. Đừng để hắn lợi dụng dùng tiền công vào việc riêng. Chớ nhẹ dạ cả tin hắn mà mang vạ vào thân đấy!”. Nhưng Liểu mới nghĩ đến đấy, đã nghe tiếng thằng con ông Thàng chạy ra gọi:

- Chú với anh gì ơi, mua được vé rồi. Lên xe tìm chỗ ngồi thôi.

Chiếc xe nhỏ, bốn nhăm chỗ ngồi, nhưng nhà xe lèn dễ đến không biết bao nhiêu khách. Chỉ biết người đứng chen chúc chật như lêm, đến không còn chỗ thở. Lại còn bao nhiêu bao tải, túi xách, rọ tre, cái nào cũng căng phồng, chật cứng. Chẳng biết bên trong để những của chìm của nổi gì, nhưng cá khô thì bắt chết thể nào cũng có. Vì Liểu và Điền đều ngửi thấy mùi cá khô âm ẩm nồng nồng bốc lửa, nên ghé tai nhau bảo, biết thế đoàn mình cũng mang mươi cân lên có khi bán đủ tiền tàu xe ăn đường. Xe không đánh số ghế ngồi, ai nhanh chân chen lên trước được ngồi trước, ai lên sau đành ngồi sau, nhiều người thậm chí còn không tìm được chỗ ngồi, cứ đứng chông chổng giữa xe. Mỗi lần xe vào cua, vấp ổ gà, sống trâu trên đường, lại một lần rộ lên những tiếng kêu oai oái. Điền đã quen đi ô tô. Những chuyến xe chở bộ đội vào khu Bốn toàn đi đêm, rồi xe vào tuyến lửa, lên miền rừng, vượt Trường Sơn… Còn sóc bằng mấy thế này, Điền cũng không khi nào say. Nên xe vừa vượt đập tràn sông Năng qua thị xã, quay lại thấy Bính ngồi rũ bên chân ghế như người sắp lả, giữa đám người đứng lố nhố một hàng giữa xe, Điền vội đứng lên kéo tay Bính, bảo cậu ta ngồi vào chiếc ghế của mình ở phía trong, bên cửa sổ, còn mình đứng chen chân giữa đám người đứng lổn nhổn trên xe lại thấy thoáng đãng. Khi xe vừa qua lối ngã ba lên đèo Gió, Thàng ngồi hàng ghế trên quay xuống bảo Điền, sắp đến đường rẽ vào huyện Chợ Rã tôi rồi đấy. Điền đưa mắt theo tay Thàng chỉ, trước mắt vẫn là vùng rừng nham nhở, giữa một màu xanh tươi tốt thấy vàng rực màu đất núi trơ trụi, những mái nhà xám hoét im lìm bên vạt rừng cây lưa thưa. Chốc chốc lại thấy bên sườn đồi một rừng sắn với những thân cây khẳng khiu, cao lênh khênh, dễ chừng trồng đến một, hai năm chưa rỡ. sắn nhiều thế, chả trách ông Liểu đã lên một, hai lần quen thông thổ, lần này lại hiến kế đi Bắc Cạn mua sắn.

Điền đứng trên xe, nhìn cảnh vật hai bên đường xe lướt qua mà thầm suy ngẫm. Cũng là đường rừng, đường núi, nhưng con đường rừng Điền đang ngồi xe bươn tới hôm nay, thật khác xa con đường rừng núi miền tây Quảng Bình, Quảng Trị, mà anh từng ngồi xe qua năm nào. Bỗng Điền nhoài người về chỗ ghế trên ông Thàng đang ngồi, hỏi át cả tiếng xe chạy:

- Anh em bộ đội xuất ngũ ở xã bác có nhiều không?

Thàng quay lại nói to:

- Nhiều đấy. Đến mấy chục người, về đến nhà mình sẽ báo cho anh em chia nhau đi mua sắn giúp. Đồng chí cứ yên tâm.

Đúng là Điền không thể không yên tâm khi chiếc ô tô chở khách từ thị xã lên, dừng lại ngay trước một khu như là trụ sở xã, với một dẫy nhà dài như văn phòng đảng uỷ, uỷ ban, chếch bên trái, gần chỗ xe đỗ là cửa hàng mua bán và xa một đoạn, có tấm biển gỗ trương cao trạm y tế xã Hữu Bằng. Xe vừa dừng, ông Liểu và Điền còn chần chừ có ý đợi Bính bớt say rồi mới xuống, đã thấy ông Thàng băm băm đi về phía cửa hàng mua bán xã. Không nghe rõ tiếng ông gọi, nên không biết ông nói với ai, nhưng rõ là tiếng ông đang oang oang:

- Bảo chú Tỉnh, anh Mạy và chị Sim ra ngay cửa hàng tôi nhờ một việc, khẩn trương đấy!

Lúc ba người miền xuôi xuống xe, còn đang đứng ngáo ngơ cạnh đường thì ông Thàng quay ra, nói:

- Bây giờ ba người đi với thằng con tôi về nhà trước. Tôi ở lại chờ đổng chí cửa hàng trưởng mua bán xã ra để bàn với đồng chí ấy cử người đi các nhà hỏi mua sắn cho các đồng chí. Chứ các đồng chí từ dưới xuôi lên lạ đất lạ người, biết đâu mà mua. Đồng chí Điền cứ yên tâm cùng bác Liểu và cháu Bính về nhà tôi nghỉ ngơi, cơm nước. Đồng chí Tỉnh tuy là cửa hàng trưởng, nhưng lại cùng đi bộ đội với tôi một đợt, cùng xuất ngũ về xã với tôi một ngày, nên một khi chúng tôi đã bàn thống nhất với nhau là nhất định khẩn trương làm bằng được cho các đồng chí. Quê các đồng chí đói cũng như quê chúng tôi đói, xuôi ngược chúng ta là một nhà. Các đồng chí cứ yên tâm đi với thằng con tôi về trước đi. Bàn xong công việc với anh chị em cửa hàng là tôi cũng về ngay.

Ba người theo chân thằng con Thàng về tới nhà thì trời đã ngả chiều. Nhà Thàng ở sườn đồi, ngay đầu dốc vào bản. Khu đất thổ cư không lấy gì làm rộng so với một gia đình ở miền núi, lại trông có vẻ cằn cỗi. Ngay lối ngõ vào, sau trận mưa còn trơ ra những sỏi đá lẫn đất đồi vàng quạch, cứng queo. Trước cửa nhà, dưới cái giàn phơi, còn lù lù mấy tảng đá xám ngắt phủ rêu xanh. Nhưng quanh ngôi nhà gỗ rộng thênh thang, xung quanh nhà cũng bưng toàn bằng gỗ, là chi chít những cây ăn quả mận, na, dứa sum suê quả mọng. Rồi chuối, chuối trồng vô tội vạ dọc con dốc từ dưới chân đổi lên, dầy đặc như rừng. Thằng con Thàng dẫn ba người vừa đi vừa bảo, chuối nhà cháu trồng để cho lợn ăn quanh năm. Từ khi bố cháu ở bộ đội về, mỗi năm nhà cháu xuất chuồng bán cho nhà nước mấy tấn lọn thịt, còn lợn con giống không kể. Nhà nuôi những bốn con lợn nái, không mấy tháng không có lợn con nuôi vỗ. Còn gà thì nhiều. Bên những gốc chuối ẩm ướt, từng bầy gà táo tác đuổi nhau tranh mồi. Con nào con ấy chân cao ngẳng, đuôi, cánh chỉ lơ thơ mấy cái lông ngắn ngủn, nhưng trông thân xác lại mỡ màng, nung núng những thịt. Ông Liêu nhìn đàn gà, bảo Điền, hôm nào về mà mua được mấy con gà kia mang về nuôi giống mới thích đấy. Thằng con Thàng đang đi cũng đứng lại bảo, bác với chú thích hôm nào về cứ bảo bố cháu, là bố cháu cho ngay ấy mà. Dạo năm ngoái có mấy chú nhà dưới Phú Bình, trước cùng đơn vị với bố cháu, lên chơi, khi về bố cháu cho mỗi người một đôi gà giống, có cả đực mái. Dịp tết các chú viết thư lên còn kể với bố cháu là bây giờ cả làng đều nuôi giống gà Chợ Rã anh rồi. Tưởng gì, chứ con sà mà cũng quý thế các chú nhỉ. Thằng con Thàng cứ nhẩn nha kể, hết chuyện nọ sọ chuyện kia, mãi đến lúc mẹ với em gái bẻ ngô trên sườn đồi sau nhà đi xuống, mới vội mời ba người dưới xuôi vào trong nhà để đồ đạc, rồi ra ngoài bể nước ngoài kia rửa chán tay cho mát.

Vợ Thàng là người cũng mau mồm miệng. Người thấp, nhỏ, nước da ngăm đen, trông rắn chắc, nhanh nhẹn. Vừa ở ngoài nương vào, thấy ba người còn đang đứng ngơ ngáo ngoài cửa, bà đon đả mời:

- Vào trong nhà đi. - Rồi như quen tiếp những người bạn đồng ngũ của chồng, bà hỏi. - Các bác là bạn của bố cháu ở đâu ta đến chơi ạ?

Điền vội lên tiếng:

- Dạ, ba người chúng tôi ở dưới xuôi lên. Nhung chỉ có tôi là bạn đồng ngũ với bác Thàng nhà ta, còn bác Liểu và chú Bính đây là đi cùng với tôi ạ. Chúng tôi lên nhờ hai bác và bà con dân bản giúp đỡ mua cho ít sắn về cứu đói.

- Ra thế. Vậy cứ nghỉ ngơi chờ ông nhà tôi về. - Rồi bà quay ra gọi: -ơ, Thàn ơi! Bố con còn đi đâu chưa về à?

Thằng con như ăn vụng cơm nguội hay bánh trái, hoa quả gì đó ở nhà dưới, miệng lúng ba lúng búng nói với mẹ:

- Bố con dặn mẹ làm cơm mời mấy bác dưới xuôi. Tý nữa con ra bắt con gà trống nâu là có thức ăn thôi mà. Bố con đang bàn với cửa hàng mua bán đi mua sắn giúp mấy bác đây, xong về ngay đấy mẹ ạ.

Nhưng cũng mãi xẩm tối mới thấy Thàng về. Mới đến đẩu dốc đã hỏi vợ:

- Cơm nước xong chưa bà ơi!

Vợ Thàng nghe tiếng chồng vội bảo:

- Xong cả rồi. Chỉ chờ ông về mời các bác, các chú dưới xuôi uống rượu thôi.

Điền từ trong nhà vội đi ra:

- Anh bàn với cửa hàng xong rồi ạ! Các đồng chí ấy có giúp chúng tôi mua sắn không, hả anh?

- Yên tâm, yên tâm! Không những bàn với cửa hàng mà còn báo cáo với uỷ ban và ban chủ nhiệm hợp tác xã cả rồi. Các đồng chí ấy hứa nhiệt tình giúp đỡ, chỉ hai ba ngày nữa là có sắn đưa về cửa hàng mua bán thôi. Còn việc của tôi và các đồng chí là sáng mai tôi dẫn đồng chí Liểu, hoặc đồng chí Điền vào lâm trường họp đồng thuê ô tô chở sắn về xuôi.

Ông Liểu nói ngay:

- Có lẽ anh Điền đi với anh, còn tôi và cháu Bính ra cửa hàng, bà con có đưa sắn đến bán thì bác cháu tôi cân mua luôn.

Nhưng Bính vội bảo:

- Kìa, bác Liểu! Hợp đồng thuê ô tô cũng là việc hệ trọng, phải chi số tiền lớn. Có khi bác hoặc cháu phải đi mới bảo đảm nguyên tắc.

Ông Thàng không hiểu hết nội tình của mấy người dưới xuôi, lại càng không hiểu ngầm ý câu nói của Bính:

- Tiền chỉ trả trước một nửa, còn khi chở sắn về tới dưới ấy mới phải trả hết cho lái xe cơ mà. Xe chở sắn cứu đói cho bà con miền xuôi, lâm trường họ sẵn lòng giúp đỡ, chứ không ky bo từng hào đâu. Cứ để đồng chí Điền với tôi đèo nhau vào lâm trường bộ, còn đồng chí Liểu và anh Bính ra cửa hàng đón mua sắn. Chia ra hai mũi thế, khi giáp công càng nhanh chứ sao.

Vừa lúc vợ Thàng từ dưới bếp bê nồi canh nghi ngút khói đi ra, thấy chồng còn đứng ngoài hiên nói chuyện, liền giục:

- Thôi, ông mời các bác, các chú vào mâm đi. Có việc gì vừa uống rượu ăn cơm vừa bàn.

Thàng quay lại nhìn vợ cười:

- Bà đã làm cơm canh xong cả rồi thì anh em chúng tôi ăn uống ngay, chứ còn việc gì hơn cơm rượu lúc này nữa. Nào, mời ông Liểu, chú Điền.

Bữa cơm đầu tiên vợ chồng ông Thàng đón khách không mời mà đến, từ dưới xuôi lên, khá thịnh soạn. Một đĩa thịt gà luộc chặt to xếp đầy ú ụ. cổ cánh nấu măng tươi, múc ra đầy bát ô tô to. Lòng gan xào ngọn bí đỏ thơm ngậy mùi tỏi. Lại thêm một đĩa trứng rán thơm mùi hành phi chín tới. Một bát cá kho để ăn cơm. Cạnh mâm một lọ măng tươi thái khuôn chì ngâm muối ớt, những quả ớt ngâm trong măng chua bắt muối trông đỏ rau rảu, tưởng chỉ đặt vào miệng đã thấy cả vị cay, vị mặn, vị chua chua, ngòn ngọt rất dễ chịu. Không biết có phải từ khi rời nhà đi chưa hôm nào được ăn bữa cơm canh nóng, hay từ lúc lên ô tô ở thị xã Bắc Cạn, giờ mới được ăn bữa cơm ra bữa cơm, cả ông Liểu, Điền và Bính đều không khách khí đánh căng rốn. Cơm xong, thông cảm với khách mấy ngày đi đường xa, ông Thàng giục thằng con dọn giường phòng đầu nhà cho chú với hai anh đi nằm cho đỡ mệt.

Cũng như bao gia đình dân tộc ở miền núi, nhà ông Thàng dành hẳn nửa nhà phía ngoài làm nơi khách khứa, cơm nước. Mùa đông thì đặt bếp củi ngay gian đầu nhà, vừa cơm nước, vừa sưởi ấm. Còn mùa nóng thì đun nấu xuống gian bếp, làm chếch ra ngoài nhà trên. Nửa gian nhà phía trong được ngăn ra làm nhiều phòng ngủ của vợ chồng, con cái, và phòng dành khi có khách đến nghỉ qua đêm. Bàn thờ gia tiên cũng đặt ở gian giữa nhà như người miền xuôi, chỉ khác là được đóng hẳn vào giữa hai cây cột cái đẫy gian, to và rộng.

Ông Liểu, Điền và Bính được thằng con ông Thàng dẫn vào gian phòng đầu nhà phía tây. Phòng chỉ kê một cái giường rộng, toàn bằng những tấm gỗ ván ken nhau, trên trải chiếc chiếu cói hoa nhưng có lẽ mua đã lâu, lại ít khi có người nằm, chiếu mốc trắng màu phấn và nhiều chỗ rách nham nhở. Thế nhưng cả ba người vừa đặt mình xuống là ngáy như bễ lò rèn. Không ai biết ông chủ nhà lúc đêm làm gì. Cả bà chủ nhà nữa. Có lúc tìm bao diêm không thấy, bà còn xuống bếp thổi lửa, thắp đèn mang lên nhà cho ông. Đi lại thế mà mấy người khách vẫn không biết, thì đúng là ngủ như chết thật.

Còn ông Thàng, mấy ngày đi chơi nhà người quen dưới Chợ Chu, chờ đợi xe cộ, đi lại nhiều cũng mệt, chập tối đặt mình xuống cũng thiếp đi ngay. Nhưng trong giấc ngủ say, ông như thấy có người lay vai gọi. Tiếng gọi nghe không rõ là gọi gì, nhưng đích thị là có người gọi, lạ thế. Lúc rất gần, như lẩn quất đâu đây. Lúc lại rất xa, xa lắm. Nhưng rõ ràng có tiếng người từ một cõi nào nỉ non, thao thiết gọi. Lại gọi đúng tên ông, bằng một sự kính trọng “Anh Thàng ơi, anh Thàng!”. Nhưng khi ông mở mắt ra thì tiếng gọi lại dừng. Ông trân trân nhìn vào đêm tối. Đêm tối vẫn lặng im, với một màn đen dầy đặc. Nhưng cứ nằm xuống thì lại như người mộng du, lẩn quất bên tai tiếng người đàn ông gọi mỗi lúc một gần, một nỉ non, thao thiết, như thể không gọi thế thì người nghe không biết phải làm gì, lại có thể sẽ quên thôi. Thế là ông Thàng không còn bụng dạ nào nằm lại được nữa. Ông ngồi dậy, lấy quần dài và áo dài tay mặc vào, rồi nhẹ nhàng buông hai chân xuống đất, thọc vào đôi dép cao su đen có cả quai hậu. Khi ông đang cúi xuống kéo chiếc quai hậu cho lên gần mắt cá chân, thì bà vợ cũng ngồi dậy, hai tay vén mái tóc ra phía sau, giọng nhẹ và ấm:

- Ông sao thế? Đang ngủ lại dậy. Có khát nước để tôi đi lấy cho?

Ông Thàng bảo:

- Không, tôi không khát nước. Bà biết bao diêm lúc tối để ở chỗ nào không?

- Ông đốt đèn lấy gì à? Để tôi đi lấy diêm cho.

Bà Thàng lại chỗ ban thờ giữa nhà, chắc là tìm bao diêm, một lát lại thấy thập thõm bước về phía bếp lửa đầu nhà, vẫn còn thơm mùi than củi ủ. Bà cầm cái ống thổi phù phù vào đống than củi, làm bay lên những cái tàn đỏ lừ chờn vờn như sao sa. Khi cái thanh tre nhỏ như que đóm trong tay bà cháy bùng lên, cũng là lúc ông Thàng đi đến ngồi xà xuống bên cạnh, giọng nhỏ và trầm, như đang có điều gì xúc động lắm:

- Bà còn nhớ cái ngày tôi mới ở bộ đội về, tôi hay nói với mẹ con bà là tôi sống được mà về đến cửa đến nhà cũng là nhờ có ân nhân cứu mạng không?

- Còn nhớ. Nhưng là sao?

- Đêm nay tôi thấy anh ấy về, chẳng khác gì năm đã lâu, bà ạ!

Bà vợ vội ngẩng lên:

- Thật thế ư! Anh ấy nói với ông những gì?

- Nói những gì, tôi không sao nghe rõ. Nhưng nhất định là có nói, nói lâu, nói nhiều. Lại còn cảm ơn tôi nữa, thì không hiểu là thế nào?