Bão đồng - Chương 15 - Phần 2
Ông Mải như bây giờ mới thực tin lời chị Luân nói hồi chiều là thực trăm phần trăm, còn như suốt từ tối đến giờ ông vẫn đinh ninh rằng cái điều tệ hại ấy không thể là thực, hoặc có thực cũng chỉ vài chục phần trăm là cùng. Nhưng không những chỉ vài chục phần trăm là cùng, mà còn thực trăm phần trăm thì quả là một tai hoạ thật rồi. Không phải lúc nào người hết lòng tận tuỵ vì dân cũng được trên yêu, dưới kính. Ông Mải bỗng thấy buồn nhão cả người, đứng dậy đi ra ngoài bể nước. Điền thấy bố đi ra ngoài bể nước, ngỡ ông cụ thấy nóng bức, lại ra làm gáo nước mưa cảm thì khốn, vội đứng dậy đi theo. Nhưng đã thấy ông cụ múc gáo nước, vục tay xoa lên mặt, không hiểu để giải cơn nóng bức hay để cho tỉnh ngủ. Điền lại quay vào, cũng đúng lúc ngoài ngõ có tiếng phanh xe đạp, cùng tiếng người nói:
- Nhà có việc gì mà ngồi đầy cả ngoài sân thế này?
Câu nghi thán không chỉ mang nghĩa hỏi, mà còn hàm chứa cả lời chào. Điền nhận ngay ra người vừa nói đang dong xe đạp vào ngõ là Đĩnh, vội hỏi:
- Có việc gì anh vào trong này muộn thế?
Đĩnh nói ngay, như thể để trong bụng chỉ nửa giây nữa là nổ ruột mất:
- Tôi đi học về cùng với chú, đến nhà vừa ăn xong lưng cơm thì dì Dậm sang bảo, ông Cải bị bắt mà sao anh em mình không biết gì sất nhỉ?
- Bị bắt bao giờ? Bắt ở đâu? Ai bắt? - Mọi người chao chác hỏi.
Đĩnh khoả tay:
- Thì cứ nghe hết đã nào. Hỏi ai nói thì dì ấy bảo chiều nay họp trên xã, nghe ông Mà ở ban kiểm tra huyện uỷ về phổ biến chỉ thị thu hổi nghị quyết giao ruộng khoán, nghe mấy người xì xầm với nhau thế. Chứ cũng không ai dám nói rõ ra bắt bao giờ, bắt vì tội gì, có đúng là tội ra nghị quyết chống lại đường lối hợp tác hoá nông nghiệp, đưa nông dân đi theo con đường tư bản chủ nghĩa như chỉ thị thu hồi nghị quyết nói không? Thế nên hai anh em mới vội vào đây bàn với chú Điền xem binh tình ra sao. Thì may quá, lại gặp được cả ông và chị Luân, anh Chung, anh Thuỵ ở đây rồi.
Không biết có phải Đĩnh mang đến tin Cải bị bắt quá đỗi bất ngờ với ông Mải và Điền, rồi chị Luân, anh Chung, anh Thuỵ, nên dường như không ai để ý đến một người nữa, đi vào có phần rụt rè cùng với Đĩnh. Người ấy đi sau Đĩnh mấy bước, dựng xe đạp vào cạnh tường bếp ngay lối cổng vào, lí nhí chào mọi người, rồi xà ngay xuống ngồi nấp sau lưng chị Luân. Dẫu ngồi nấp sau lưng chị Luân, nhưng chiếc áo phin trắng ngắn tay, với mái tóc quấn búi tóc như quả bưởi sau gáy, vẫn làm nổi bật không chỉ về màu sắc giữa mấy người mặc áo dài nâu, áo may ô, mà còn cả về cơ thể sung mãn, hừng hực sức sống, giờ đây đang phải kìm nén, phải ý tứ giữ gìn. Vì biết rằng sự xuất hiện có phần đường đột của mình tối nay ở nhà Điền là việc bất đắc dĩ, hay nói như Đĩnh khi hai người ở nhà Đĩnh dắt xe đi, là vì công việc, chứ đâu phải vì để biết nhà chú ấy mà đi, biết nhà chú ấy thì lúc nào đến chả được. Người ấy là Dậm, bí thư chi bộ kiêm đội trưởng đội Phương Lưu, còn gọi làng Phương Lưu, cái làng bị huyện liệt vào “làng rách việc”, giao hẳn cho huyện công an đặc cách theo dõi. Dậm ngồi nấp sau lưng chị Luân, ý tứ nhìn vào trong nhà, dừng lâu ở nơi đặt ban thờ chiếm gần hết nửa phía trong gian nhà giữa. Bỗng có cảm giác như cái ban thờ kia đang lừng lững đi ra, chụp lên đầu, lên vai, làm toàn thân Dậm như oằn xuống, rồi lại rùng mình gồng lên gắng gỏi vượt qua. Dậm ở nhà chỉ có một mình, không là lớn, cũng không là bé. Cha mẹ Dậm sinh được hai người con gái, thì cô chị lấy Đĩnh, người cùng làng, chỉ còn mình Dậm ở nhà trông nom bà mẹ già, và dẫu là gái vẫn phải hương hoả gia tộc. Nhung hương hoả gia tộc nhà Dậm thực cũng không thờ cúng nhiều, nếu không kể tết nhất thì duy mỗi cái giỗ bố; còn ông bà, cụ kỵ đã có ông anh ruột của bố trông nom hương hoả gia tiên. Còn Điền, bố mẹ cũng chỉ được hai anh em, cô em gái Viên nghe đâu đang yêu cậu Bính, cháu gọi ông Thuật bằng chú ruột. Nên muốn hay không, Điền vẫn cứ là trưởng, không những thế, còn là trưởng của cả dòng tộc, vì cụ sinh ra ông Mải tiếng là có tới bốn người con trai, nhưng ông Mải vẫn là lớn nhất, phải đảm đương việc thờ cúng cả dòng tộc. Trẻ quyền cha, già quyền con, giờ ông cụ còn khoẻ còn trông nom hương hoả, mươi năm nữa răng rụng má rùi, không đến vợ chồng con trai còn ai vào đấy. Dậm thực bụng từ lúc bước chân qua cái cổng tre nhà này, cứ thấy xốn xang thế nào, không phải vì yêu nhau hàng năm nay, đây là lần đầu Dậm bước chân vào nhà Điền. Nhưng cũng từ lúc bước chân qua cái cổng tre nhà này, Dậm bỗng thấy lòng xốn xang, một sự xốn xang rất khó diễn tả, không vui sướng, không vồ vập, cũng không buồn lo, có gì mà buồn khi một cô gái biết chắc mình sớm muộn sẽ về làm dâu nhà người. Còn lo, đúng là Dậm có lo. Lo thực sự khi lần đầu tận mắt nhìn thấy cái ban thờ một nhà trưởng tộc, với đầy đủ trách nhiệm và nghĩa vụ của cháu con nối dõi tông đường đặt cả vào đó. Dậm đang bần thần nhìn vào trong nhà, nơi đặt cái ban thờ chiếm gần nửa phía trong gian nhà giữa, bỗng nghe tiếng Điền gọi đúng tên mình, cật vấn:
- Cô Dậm nhớ lại xem, ai nói anh Cải bị bắt, bắt khi nào, vì tội gì? Cố nhớ lại xem ai nói với cô như thế?
Nghe Điền hỏi có phần hơi gắt, nhưng Dậm chỉ nghĩ anh ấy cũng như mình, muốn được biết rõ sự thật. Cũng vì muốn biết rõ sự thật mà mới nghe anh Đĩnh nói, thôi được rồi, muộn thì muộn tôi với dì cũng phải vào Phương Trà bàn với cậu Điền xem có cách gì không, chứ không thể chỉ nghe cái ông kiểm tra bảo thu hồi là thu hồi, đâu có dễ. Nghị quyết của cả ban thường vụ huyện uỷ, chứ đâu phải tờ giấy lộn, mà muốn thu là thu được ngay. Nhưng bảo Dậm cố nhớ lại xem ai nói khi ấy thì chịu, không thể nhớ được, không thể phân biệt được, rằng giọng nói ấy là của ai. Nhưng đúng là Dậm có nghe người xì xà xì xầm ở chỗ họp như thế. Dậm hơi ngẩng đầu lên, một tay tỳ vào vai chị Luân, nhìn Điền, nói:
- Nhớ chính xác là ai thì không thể nhớ, vì bấy giờ ở chỗ họp ồn ào quá, nhi chị Luân nhỉ. Không biết chị có nghe thấy không, nhưng em đúng là có nghe thấy người nói bí thư bị bắt rồi còn ký gì được mà phó bí thư chả ký. Người ấy còn nói với mấy người bên cạnh, em nghe câu được câu chăng, rằng đâu như chủ nhật hôm kia, ông Cải về nhà ăn hỏi bà dì về đằng vợ, nhưng vợ chồng chưa kịp đi ăn hỏi, thì ô tô về tân nhà chở đi, cơm trưa cũng không kịp ăn mà lại.
Ông Mải nghe đến đấy, vội nói như thét lên:
- Không thể như cải cách ruộng đất, muốn bắt ai thì bắt thế được! Còn có dân, có đảng, có chính quyền, pháp luật. Đi! Các anh, các chị đi theo tôi. Lên huyện ngay bây giờ. Hỏi xem một người tận trung với nước, tận hiếu với dân như anh Cải, cớ sao mang tội đến nỗi phải đánh ô tô về tận nhà bắt đi, cơm cũng không kịp ăn là nghĩa làm sao?
Nhưng ông Mải và mấy người ngùn ngụt bầu máu nóng sục sôi trong người còn chưa kịp đi, hay đúng hơn còn ngồi lại với nhau người nói ngắn, kẻ nói dài bàn đi tính lại liệu có nên đi ngay bây giờ, hay để sáng mai hẵng đi. Đi ngay bây giờ thì đúng là to chuyện thật, quan trọng thật, chết người đến nơi rồi thật. Nhưng đây lên tới huyện đạp xe nhanh cũng mất hơn một tiếng, vị chi già nửa đêm mới tới nơi. Liệu còn gặp được lãnh đạo nào hay chỉ gặp mỗi báo vệ. Mà chưa biết chừng, gặp bảo vệ nhát gan, thấy đám người kéo vào lại hô hoán lên có cướp vào công đường, công an kéo đến tống ráo vào nhà giam thì còn biết kêu ai, ai kêu cho nữa. Thôi, để đến mai. Mai ban ngày ban mặt, đi từ lúc mới mọc mặt trời, lên thẳng uỷ ban, vào ngay phòng chủ tịch huyện, gặp bằng được ông Trường hỏi cho ra nhẽ, cái nghị quyết ấy, cớ sao khi lấy biểu quyết ông không giơ tay, thì chính tay Quyền, phó ban nông nghiệp huyện, nói ngang đường với anh Đĩnh chứ còn ai nữa, cớ sao khi biểu quyết thì không giơ tay, giờ lại nhanh tay thò bút ký chỉ thị thu hồi là nghĩa làm sao? Nhưng giữa lúc việc đi ngay đêm nay, hay sáng mai hẵng đi còn chưa ngã ngũ, thì bà Mải và cô con gái, không biết bám vai nhau đi, hay dìu nhau từ ngoài ngõ vào, mà Viên như người không xương, dựa hẳn vào người mẹ, tập tững bước thấp bước cao đi vào sân. Ông Mải là người nhìn thấy đầu tiên, vội đi ra, hỏi nhỏ bà vợ:
- Con nó cảm ở đâu mà bà đưa về thế?
Giọng bà cũng rất nhỏ, như không muốn để mấy người ngồi kia nghe thấy:
- Cảm kiếc gì đâu. Ông cứ đi ra ngồi chuyện với mấy anh chị ấy đi, để tôi đưa nó vào giường, rồi thư thả tôi nói cho ông nghe. Nhưng tôi dặn trước, ông phải thật bình tĩnh, không được làm ầm ĩ nên đấy.
Tiễn mấy người ra cổng, Điền quay vào sân cất điếu, bát, khay, ấm vào trong nhà, rồi lại ra guộn chiếc chiếu để lên hiên. Bà mẹ từ gian buồng, có Viên đang nằm, đi ra, bảo:
- Thôi, anh để đấy mai u dọn sớm, vào đây thầy u bàn với anh việc này.
Bà cụ vừa nói xong đã thấy ông cụ cầm cây đèn từ chỗ Viên nằm đi ra. Điền cảm thấy đúng là có việc hệ trọng đang đến thật rồi.
Đứng là có việc hệ trọng đang đến thật, nhưng bố con ông phải bình tĩnh mới thu xếp trong ấm ngoài êm được. Bà mẹ nói như răn đe, lại như xoa dịu khi cả ba người đã ngồi xuống bên cái bàn uống nước, ngay trước ban thờ gia tiên, ở gian giữa nhà, nơi vẫn thường diễn ra những cuộc bàn soạn công việc lớn lao trong gia đình. Chỉ khác, giờ thiếu cô con gái, cun? chẳng còn đầu óc đâu ngồi với cả nhà được nữa. Bà nói là nói vậy, chứ ông cũng đã nghe bà vừa nói lõm bõm ở nhà dưới, nên bây giờ, dẫu bực đến chết cũng phải nén, thì con dại cái mang, biết làm thế nào mà chả bực đến chết cũng phải nén. Chỉ có Điền chưa hiểu chuyện gì, hoặc có chăng mới lờ mờ cảm thấy hình như cô em gái với cậu con trưởng dòng họ Phạm Công bên Phương Trì đang có gì trắc trở. Chứ không còn là chuyện ông cụ chưa ưng, vì không muốn làm thông gia với cánh anh em nhà ấy, như hôm Điền đi Bắc Cạn về, một tối bố con chuyện trò thân tình cởi mở, nhớ lời Bính nhờ, Điền đã ướm hỏi bố. Nhưng ông cụ gạt đi ngay, thông gia với bà Bao, cũng tức thông gia với ông Thuật, ông Lận, hạng người ấy không đáng để thù tiếp. Điền như không muốn kéo dài cái không khí nặng nề thêm nữa, nhìn mẹ giục:
- Có phải là chuyện giữa cái Viên nhà mình với thằng Bính, con bà Bao bên Phương Trì, - Điền cố tình nhấn vào ba tiếng “con bà Bao”, như để khẳng định thằng Bính chỉ là cháu của ông Thuật và Lận thôi, - thì u cứ nói tuột ra xem nào, sao phải rào l ào đón đón mãi thế.
- Nhưng mẹ anh còn sợ tôi làm ầm lên thì làng xóm người ta cười. Sợ người ta cười, sao không biết bảo ban con, lại đế cho nó đưa nhau ra bờ ra bụi, đến nỗi bụng mang dạ chửa mới sợ người ta cười!
- Ông nói thế chẳng hoá ra tôi để cho nó đưa nhau ra bờ ra bụi ư? Có người mẹ nào lại dạy con như thế không, hả giời!
Thế là Điền hiểu cốt lõi của nỗi buồn mà em gái vừa mang về nhà.
- Thôi, con xin thầy u bớt nóng giận. Mà chính u cũng vừa có lời xin thầy con đừng ầm ĩ lên cơ mà, bây giờ u lại kêu gào lên thế phỏng có ích gì.
Ông Mải nghe con trai nói cũng tĩnh tâm lại, bảo:
- Bà nói lại sự việc cho thằng Điền nó nghe đi, rồi tính. Nhưng tôi nói trước, từ nay bà phải để ý đến con Viên từng ly từng tý, không được để xảy ra chuyện gì nữa đấy.
Bà Mải dẫu còn bực bõ với chồng về câu nói như lời buộc tội đồng loã cho con gái đi chửa hoang, nhưng nghe ông dặn thế cũng đủ cảm thấy trách nhiệm của một bà mẹ đối với cô con gái từ nay là cụ thể, thiết thực từng ly từng tý, nhỡ xảy ra chuyện gì nữa thì chỉ còn biết chui xuống đất. Bà với tay lấy chiếc quạt mo trên bàn quạt phành phạch, rồi không nhìn chồng, cũng chẳng nhìn con trai, mắt nhướn xuống tận gian buồng con gái nằm dưới nhà ngang, nói như người hụt hơi:
- Theo con Viên nói với tôi từ mấy tháng trước thì hai đứa cũng gắn bó với nhau lắm. Thằng Bính còn nói với con Viên là nó đã hỏi ý kiến mẹ nó và chú Thuật, chú Lận. Còn nhà mình thì, bây giờ có anh Điền đây, u hỏi thật, có phải hôm đi Bắc Cạn mua sắn, anh đã hứa với thằng Bính gả em gái cho nó, đúng không?
- Hứa thì con không hứa, vì con cũng không có quyền đồng ý hay không đồng ý cho em nó lấy ai, mà quyền đó là ở thầy u. Nhưng con nghĩ Bính nó cũng tốt, chứ sao. Dẫu là con trưởng trong gia tộc nhà ấy thật, nhưng thằng Bính là con ông Bao, liệt sĩ, chứ không phải là con ông Thuật đẻ ra. Vâng, thầy nói thế thì con chịu, con nhà tông chẳng giống lông cũng giống cánh, nhưng có giống, chắc cũng chỉ phần nào thôi, chứ không thể là tất cả. Nên theo con, hai đứa nó thực lòng yêu nhau…
Điền mới nói đến đấy, ông bố đã bực bõ cắt ngang:
- Thực lòng thực bề gì, tôi đã bảo anh rồi, không gả cho con cháu nhà ấy là không gả. Làng này, xã này hết con trai rồi hay sao, mà phải lấy con cháu nhà ấy.
Nghe ông cụ đay nghiến, cả bà mẹ và cậu con trai, chẳng còn biết nói sao. Bà Mải với tay cầm siêu nước rót ra một bát, đặt trước mặt chồng. Ông Mải dáng chừng nói xong cũng háo, đón bát nước vối nấu với lá chi chi để nguội, đưa lên uống ực một hơi, thấy mát đến tận gan ruột.
Bỗng có tiếng gà te tác, nháo nhác và tiếng lợn động chuồng kêu ủn ỉn phía đầu hổi nhà. Bà Mải như có linh tính, vụt nhớ ra chai thuốc sâu hôm trước mua về phun mạ còn một ít để ngoài chuồng gà, ngay cạnh cửa chuồng lợn. Thế là ba chân bốn cẳng bà lao ra sân, nói với phía sau bảo Điền, anh cầm cái đèn pin ra nhá. Trong khi anh con trai còn đi tìm đèn pin, thì ông bố đã cầm cây đèn hoa kỳ tất tả ra theo. Trong ánh sáng nhập nhoạng của ngọn đèn nhỏ như hạt đỗ, ông nhìn thấy bà một tay ôm ngang lưng con gái, một tay cầm chai thuốc sâu giơ lên, như để kiểm tra lượng thuốc trong chai có còn bằng cái hôm bà lấy phun cho mạ. Ông thấy thế vội giằng lấy cái chai, giơ thẳng cánh vất vào bụi tre, bảo bà: “Nó không nói đã uống chưa, thì cứ vả vỡ mồm xem có hé răng ra không?”. Điền cũng đã cầm đèn pin chạy ra đến nơi, biết bố nói thế là cụ giận lắm rồi đấy, chứ xưa nay, cụ có quát nạt con cái bao giờ, vội lẳng lặng bước nhanh đến, một tay cầm đèn, một tay cầm cằm em gái hếch lên, rồi nhanh như chớp, đặt cả mồm, cả mũi vào mồm em hít hít, ngửi ngửi. Đoạn, quay ra nói nhanh với bố mẹ: “Không thấy có tý mùi nào. Có khi em nó chưa uống”. Ông Mải bỗng dịu cơn thịnh lộ, bảo: “Thôi, bà đưa con nó vào trong nhà đi”. Rồi quay gót vào nhà, vừa đi vừa như thầm nói một mình, thế cũng còn là may, may cho cái phúc nhà này thật rồi!
Quả là phúc hoạ chỉ trong gang tấc. Chậm một tý, nhanh một tỵ đều có thể là phúc, hoặc có thể là hoạ, thật khôn lường. Nhung nhanh, chậm lại ở con người ta. Như bà cụ Mải nghe tiếng gà te tác mà không vắt chân lên cổ chạy ra, biết đâu cô con gái quẫn trí, dốc chai thuốc sâu vào mồm rồi cũng nên. Nhanh, chậm ở con người ta, nên không phải mọi việc đều khôn lường, mà nhiều việc con người có thể lường trước, biết trước được.