Vườn cam trong cung điện Versailles và mùi sát nhân - Phần kết - Chương 01 + 02
PHẦN KẾT
Nhà vua không muốn Athénaïs, bà hầu tước xinh đẹp, phải lo sợ. Ngài không ra lệnh điều tra gì hết, nghĩ rằng bản thân mình đã giải quyết xong vụ việc. Thế mà, bà Montespan tiếp tục đến tham khảo chiêm tinh gia, thầy bói bài và phù thủy đủ kiểu.
Sự sủng ái của nhà vua sẽ không kéo dài lâu nữa. Năm 1679, “vụ án độc dược” đầy tai tiếng được đưa ra ánh sáng. Ái nương bị liên can rất nhiều lần, và nhà vua cuối cùng đã quay lưng hẳn với bà.
Bà des Œillets, người hầu phòng số một của bà, bạn tâm giao và phu nhân hầu cận, cũng bị liên can. Bà ta chỉ nghe theo lệnh của chủ nhân mình. Tuy nhiên bà đã bị trừng phạt nghiệt ngã. Theo lệnh vua, bà bị chỉ định lưu trú trong một nhà dưỡng lão tồi tàn ở tỉnh lẻ. Bà chết ở đó năm 1689, bị mọi người bỏ rơi.
Hoàng hậu Marie-Thérèse, về phần mình, nhâm nhi chiến thắng trên cuộc sống và trên tình địch của mình. Cô công chúa Tây Ban Nha tròn người, với hàm răng hỏng, là một phụ nữ công bằng, biết lắng nghe và đầy lòng nhân, yêu say mê trẻ con. Bà không gặp may với con cái của mình. Vào thời bà biết Marion, chỉ có hoàng thái tử là còn sống. Bà đã đặc biệt đau đớn vì mất đứa con gái cuối cùng, lên năm tuổi. Khi gặp Marion, bà thấy cô có nét giống con gái đã mất của bà một cách kỳ lạ nên đã nhận cô làm con nuôi ngay từ cái nhìn đầu tiên.
Sau cái ngày tháng Bảy năm 1674 đó, cuộc sống của hoàng hậu lại rơi vào chuỗi ngày đơn điệu. Bà tiếp tục cầu nguyện, chơi đùa với đám người lùn làm trò và nhồi nhét sô-cô-la. Nói chung, chẳng có gì thay đổi trong cuộc sống của bà. Chẳng có gì, nếu không nói đến sự hiện diện của Marion, mà bà thương yêu thật lòng cùng với những mùi nước hoa tuyệt vời và độc nhất vô nhị mà cô gái nhỏ chế tạo để làm hài lòng bà.
Ít lâu sau khi Marion vào làm cho hoàng hậu, Lucie Cochois và Martin Taillepierre nhận được phép từ vua cho thành hôn. Chàng đầu bếp trẻ tuổi tiếp tục làm việc trong nhà bếp hoàng gia - nơi mà tài năng của anh mau chóng được công nhận. Với một niềm vui lớn, Lucie thôi phục vụ bà hầu tước để, đến lượt mình, gia nhập nhà của hoàng hậu.
Khi Marie-Thérèse từ trần, tháng Bảy năm 1683, Marion trở thành người chế tạo nước hoa cho ông Vua-Mặt Trời.
Antoine Dutilleul rất tự hào về con gái của mình. Bác Augustine, Gaspard và tất cả thợ làm vườn, những người đã nhìn thấy Marion lớn lên, đều chia sẻ cảm xúc ấy.
Từ dạo đó, mỗi lần họ trồng một cây mới trong ngự viên của lâu đài, họ đều chôn dưới gốc một cái chai chứa thông điệp phồn vinh để chúc thọ cái cây và một đồng xu vàng, tượng trưng cho tấm mề đay của Marie.
Khi mượn câu chuyện tuyệt vời này để hình thành nên một truyền thống, những người làm vườn, theo cách của mình, đã tôn vinh cái số mệnh khó tin của Marion và cả niềm đam mê của cô dành cho nước hoa, đất và hoa cam ở cung điện Versailles.
MÙI HƯƠNG SÁT NHÂN
Đây là những sự kiện diễn ra trong cuốn “Vườn Cam trong điện Versailles”...
Chúng ta đang ở thời điểm tháng Sáu năm 1674, vua Louis XIV đã làm vua nước Pháp từ ba mươi mốt năm nay.
Marion Dutilleul là con gái của một chị hầu và một anh làm vườn.
Cô đeo trên cổ một tấm mề đay bằng vàng mà mẹ cô, Marie, chết khi còn rất trẻ, để lại cho cô như một gia tài.
Cha cô, Antoine, làm việc tại vườn ươm cam của lâu đài Versailles, dưới quyền của ngài Le Nôtre.
Năm mười ba tuổi rưỡi, người nhỏ bé so với tuổi, gầy ốm, không xinh đẹp lắm và mắc bệnh mất ngủ, Marion vào phục vụ cho ái nương của nhà vua: bà hầu tước de Montespan, mỹ danh là Athénaïs.
Cô chia sẻ một căn phòng nhỏ, dưới mái của cung điện, với Lucie, một cô hầu khác.
Nhờ tình bạn và sự tháo vát của Lucie, nhưng nhất là nhờ một năng khiếu hiếm có, năng khiếu sáng tạo những mùi nước hoa tuyệt vời, mà Marion vẫn giữ được vị trí người hầu của bà hầu tước đỏng đảnh và khó tính.
Tiếc thay, âm mưu và thủ đoạn nảy mầm trong cái đầu xinh đẹp của Athénaïs... Bà ta sẵn sàng chấp nhận mọi thỏa hiệp để thỏa mãn ham muốn danh vọng, nắm giữ tiền tài và bảo đảm được địa vị ái nương đương kim. Giàu nứt đố đổ vách, bà ta có thể mua được sự tận tụy, sự đồng lõa, sự phục vụ và sự im lặng của vô số bọn vô lại. Bà ta thích thú ở bên bọn phù thủy và đặc biệt là Catherine Monvoisin, tức mụ Voisin, một chuyên gia đầu độc giàu kinh nghiệm nhất, mà những lời khuyên tỏ ra hữu ích cho bà. Mụ Monvoisin cung cấp cho vị khách hàng danh tiếng nhất của mình đủ loại thuốc trộn: cồn ngọt, thuốc bột hay thuốc thoa, và cả thuốc độc nữa. Bà hầu tước chẳng bao giờ do dự sử dụng chúng khi bà quyết định làm đến cùng một dự định chết chóc nào đó...
Nhưng đó là chưa kể đến cá tính rất mạnh, sự tinh nhạy và nhất là năng khiếu của Marion! Cái năng khiếu cho phép cô nhớ và nhận diện được bất cứ loại mùi nào, dù thơm hay thối...
Nhờ “cái mũi” của mình, cô gái trẻ đã cứu sống được hoàng hậu Marie-Thérèse.
Nhà vua mau chóng biết được người bạn tình “hiền dịu” của mình, người đẹp Athénaïs, chính là nguồn gốc của âm mưu chống lại vợ mình. Thoạt tiên, ông quyết định không nói gì... Nhưng sau đó, bằng một cách rất khôn ngoan, ông trừng phạt bà: trước toàn thể triều đình, ông ghi nhận lòng biết ơn đối với Marion bằng cách chính thức phong cô làm người chế tạo nước hoa riêng của hoàng hậu.
Hoàng hậu Marie-Thérèse thật vui sướng!
Về phần mình, vị ái nương ghen tức điên cuồng và tự ái tổn thương, chưa biết một ngày nào đó mình có gượng lại được không từ sự lăng nhục của nhà vua...
CHƯƠNG 1
Versailles, năm năm sau... Ngày thứ Tư 1 tháng Ba năm 1679.
Buổi chiều muộn.
Marion đang ở trong Phòng Hương Thơm, nằm cách điện Trianon bằng sứ vài bước chân. Từ khi nhà vua tặng cho cô tòa nhà nhỏ để thực hành nghệ thuật chế tạo nước hoa, cô gái trẻ đã đem đến nơi đó một số thay đổi. Đồ nội thất xa hoa, những chiếc độc bình Trung Hoa, tượng bán thân bằng đá porphyre xanh biếc, những tranh ảnh, đồ gỗ thếp vàng và màn trướng bằng lụa thêu cành lá đủ màu sắc đã được đưa vào kho của Phòng Đồ Gỗ hoàng gia.
Gian phòng khách tinh xảo, nơi vua Louis XIV và phu nhân de Montespan thường đến nghỉ ngơi vào những lúc nóng nhất của mùa hè, đã được sơn lại màu trắng và trở thành một phòng nghiên cứu đơn giản về thực vật học. Marion cho kê ở đó những chiếc bàn lớn và ngăn kệ, trên đó những chậu đất mùn được xếp thành hàng. Chính ở đó, cô tiến hành nghiên cứu, dưới một cái trần nhà là nơi duy nhất còn giữ lại vẻ uy nghi và màu sắc nguyên thủy: xanh biển, trắng và sắc vàng, biểu tượng của điện Trianon bằng sứ.
Marion gieo hạt, giâm cành, tỉa tót và ghép thân một số lượng vô kể những cây có mùi thơm. Mối lo toan của cô là làm sao nuôi cấy những loại cỏ và hoa để chúng có chất lượng không chê vào đâu được. Đó là điều kiện tiên quyết để sau đó có được những giọt tinh dầu hiếm hoi và quý giá cần thiết cho việc tôi luyện thành loại nước hoa ưa thích của hoàng hậu Marie-Thérèse. Mùi nước hoa này, Marion đã tổng hợp riêng cho một mình Ngài Ngự một năm trước, và nó đã khiến ngài quyến luyến đến mức phải dùng hàng ngày.
Như mọi khi, một số phu nhân trong triều, muốn làm mọi cách để bắt chước hoàng hậu, đã đề nghị trả cho cô thợ nước hoa trẻ những số tiền kha khá để có được một lọ nước hoa loại đó. Phu nhân de Montespan đầu tiên! Bà không thể chấp nhận việc những tạo phẩm đẹp đẽ nhất, bất kể là gì, lại không dành cho bà. Để đạt được mục đích, một buổi sáng đẹp trời, bà khôn khéo có mặt ngay trên đường đi của Marion và nhờ vậy có thể nói chuyện riêng với cô. Với khả năng quyến rũ trời cho, ái nương đã dùng hết sự duyên dáng của mình, đến mức nịnh nọt cả cô người hầu cũ. Sau đó bà còn hứa với cô gái là sẽ tặng cho cô cả một cơ nghiệp thực sự để đổi lấy một lọ nhỏ của cái chất mật hoa quý giá ấy. Marion từ chối thẳng thừng. Nghệ thuật của cô là để phục vụ hoàng hậu và chỉ hoàng hậu mà thôi! Mặc dù người đẹp hầu tước tiếp tục mỉm cười sau khi chịu đựng sự cự tuyệt ấy, một ánh căm thù vẫn lóe lên trong đôi mắt xanh biếc của bà. Tất nhiên điều đó không thể thoát khỏi sự chú ý của Marion...
Cô gái chấm dứt buổi kiểm tra ở chỗ những cây giống mọc ra từ hạt hoa violet mà cô đã gieo từ hai tuần trước. Những lá non nhỏ xíu một màu xanh dịu mắt nở xòe ra là là mặt đất. Cô gái trẻ chạm nhẹ chúng bằng đầu ngón tay. “Ngày mai phải trồng lại thôi, - cô nghĩ - chứ nếu không chúng sẽ bị ngạt vì mọc chen chúc nhau thế này, mà mình thì quá cần những bông hoa nhỏ này. Ngài Ngự không thể thiếu mùi hương của chúng dù chỉ một ngày”.
Marion nhìn ra xung quanh mình. Mọi thứ có vẻ bình thường. Cô hít vào lần cuối hỗn hợp những mùi hương thơm ngát tỏa ra từ những bụi cây yêu dấu, và đi ra.
Cô xoay chiếc chìa khóa mạ vàng trong ổ và đi về hướng lâu đài. Không khí mát lạnh. Marion siết chặt chiếc khăn san quanh vai.
Lúc đó, làm sao cô ngờ được câu chuyện đang được bàn trong biệt cung của bà hầu tước de Montespan...
CHƯƠNG 2
- Hoàng thượng đã bỏ rơi ta! Lần này ta đã chắc chắn! - Athénaïs điên tiết, cặp mắt đẹp mở lớn vì giận dữ.
Trong mớ đăng ten bay lượn và tiếng sột soạt của vải taffetas[1] đỏ thắm của bộ váy, bà buông mình xuống những chiếc gối đặt trên trường kỷ của gian phòng khách lớn và không thèm nhìn Claude des Œillets, bà chìa tay về phía bà này.
[1] Một loại vải lụa óng ánh - ND.
Ngay lập tức, người đầy tớ trung thành và là bạn tâm sự toàn tâm toàn ý của bà đem đến một ly lớn nước lạnh thơm mùi hoa cam, trên một cái khay bạc mạ vàng.
- Lệnh bà có bằng chứng gì về việc đó không, thưa phu nhân? - Bà ta hỏi.
- Vua Louis không chấp nhận sự có mặt của ta trong xe của ngài.
- Chắc lệnh bà lại thua một số tiền lớn với trò boca[2] phải không ạ?
[2] Boca là một trò chơi may rủi đáng sợ, bị cấm trong toàn bộ vương quốc ngoại trừ trong triều đình - ND.
Bà hầu tước nhún bờ vai đầy đặn.
- Phải, như mọi khi, may mắn lại chê ta, - bà trả lời, giọng bực tức - Nhưng vấn đề không phải ở đó.
Bà ném một cái nhìn giận dữ về phía bà hầu cận và nói tiếp:
- Đáng lẽ hoàng thượng và ta phải đi tham quan ngự viên và cùng khám phá tác phẩm mới nhất của Le Nôtre[3]: Rừng Nguồn Nước. Cô biết không! Vua Louis đã ném thẳng vào mặt ta rằng mùi nước hoa của ta làm ngài khó chịu. Đây là lần đầu tiên ngài lăng nhục ta như vậy. Mà lại còn trước toàn thể quần thần nữa chứ!
[3] André Le Nôtre, (1613-1700), quan làm vườn hạng nhất của - ND.
- Phải chăng đó chỉ là một lúc bực bội? - Cô des Œillets nhắc khéo.
- Đừng hỏi ngu ngốc nữa nếu không ta nghĩ là cô đang muốn cười nhạo ta. Không phải chuyện tiền cũng chẳng phải bực bội. Cô cũng biết rõ như ta... Hoàng thượng hiện chỉ đang quan tâm đến Angélique de Fontanges, con bé mười tám tuổi ngờ nghệch nói nhiều, ta không hiểu bằng mánh khóe nào mà nó đặt chân được vào triều. Đó mới là mối lo thật sự!
- Nói về sự phong nhã, Ngài Ngự luôn tỏ ra là người rất không chung thủy, lệnh bà không phải là không biết. Có ai đó đã đặt cô gái trước mắt ngài nhằm mục đích hại lệnh bà. Trong chốn cung đình này, tất cả chỉ là mánh lới. Từ nhiều năm nay rồi, chắc hẳn lệnh bà đã có cách đối phó với điều đó.
- Nhưng sao chứ, - ái nương tức tối - ta biết rõ Louis! Ngài yêu phụ nữ thông minh, học thức và trí tuệ. Ta không hiểu sao ngài lại có thể si mê con chim non khờ khạo dạng như vậy. La Fontanges chỉ là con nhỏ nhà quê ngu dốt chán chết!
- Có lẽ thế, thưa lệnh bà, nhưng cô ta lại có cái vẻ tươi thắm không ai bì kịp và có nhan sắc thật đặc biệt...
Bà hầu tước de Montespan thở dài:
- Hoàng thượng mất trí rồi. Ngài bao phủ cô ta với tiền tài và danh vọng. Rồi cô xem, có ngày ngài sẽ phong cho cô ta tước công trong lúc ngài cứ kiên quyết từ chối ta và còn giao cho cô ta làm tổng quản gia Cung hoàng hậu[4]. Nhưng... nghĩ cho kỹ, không chỉ có con ngốc đó giữa Louis và ta. Năm năm đã trôi qua vậy mà ngài vẫn còn oán giận ta vì âm mưu đầu độc Marie-Thérèse. Những nghi ngờ của ngài đều đổ lên đầu ta. Vậy mà, bé Louis-Alexandre, con chúng ta, lúc đó chỉ mới tám tháng rưỡi. Ta nghĩ thật lòng rằng đứa con này và hai đứa trước nữa đã xích chúng ta lại gần nhau. Thế mà! Chẳng phải ta đã sinh cho Ngài Ngự ba đứa trẻ tuyệt vời trong vòng năm năm qua đó sao? Bất chấp điều đó, ta nhận thấy ngài không quan tâm đến ta như trước nữa. Và... cô thấy đấy, Claude, ta tin chắc rằng cái con khố rách áo ôm Marion Dutilleul cũng có phần trách nhiệm trong những gì xảy ra với ta hôm nay.
[4] Đây là chức trách cao nhất trong Cung hoàng hậu ND.
- Cô hầu cũ của lệnh bà thì liên quan gì đến chuyện này? Nó đâu có đi tìm Angélique de Fontanges ở tận cùng xứ Auvergne quê hương cô ta để đem vô triều.
- Hẳn nhiên là không rồi! Nhưng nó nói gì vua cũng nghe. Có Trời mới biết nó phác họa chân dung ta ra sao từ khi vào phục vụ cho hoàng hậu. Cái con trời đánh đó có tài dúi cái “mũi” nổi tiếng của nó vào đủ mọi thứ chuyện chẳng liên can gì đến nó. Nếu Ngài Ngự xem ta như một mụ đánh thuốc độc rẻ tiền, chắc hẳn là do nó chứ không ai khác. Đúng là khó mà tin được... mà lại còn bất công nữa!
Khó mà tin được? Bất công? Những tiếng đó vang vọng trong trí bà des Œillets, đang cố kìm lại một cử chỉ bực tức.
...Thực ra, Claude des Œillets đang bí mật nuôi lòng ghen tị đối với bà de Montespan. Cả bà ta cũng đã có lúc vinh dự được hưởng phúc từ vua Louis XIV và ba năm trước, bà đã sinh cho ông một đứa con: một bé gái tên là Blanche. Bà ta một mình nuôi con, chia sẻ thời gian giữa ngôi nhà ở Paris, nơi con bé sống và công việc của mình cạnh bà hầu tước ở Versailles, Saint-Germain (lâu đài hoàng gia ở Saint-Germain-en-Laye), Clagny (lâu đài xây dựng ở Versailles, trong khu Clagny và được nhà vua tặng cho phu nhân de Montespan), Fontainebleau hay điện Le Louvre. Với lòng khiêm cung, bà chờ đợi đến lúc nhà vua quyết định công nhận đứa con gái. Bà đã nhiều lần van nài ông, nhưng mỗi lần như vậy ông đều lạnh lùng trả lời: “Để ta xem”. Thời gian trôi qua và bà des Œillets bắt đầu hiểu rằng con gái bà vẫn chỉ là một đứa con hoang, vua Louis XIV rõ ràng không sẵn lòng để phong cho nó làm công chúa.
Đó là lý do tại sao bà phu nhân danh dự ngoan ngoãn lại mau mất kiên nhẫn và không thể chịu đựng hơn nữa trước thói đỏng đảnh lẫn những cơn giận không ngừng của chủ nhân...
Ái nương hy vọng bằng cách đó làm cho bà, người đồng lõa với bà ta, tin rằng bà ta vô can trong âm mưu tiến hành chống hoàng hậu Marie-Thérèse? Thật là loạn trí!
Để lương tâm mình yên ổn như vậy, bà hầu tước hẳn là có trí nhớ quá tồi.
Bà Claude đang tìm cách để hồi phục trí nhớ cho bà ta. Để nhắc với bà ta rằng, chính bà cũng được trời phú cho một tính cách đã được tôi luyện và bà không phải là người dễ bảo, bà gằn giọng một cách không vị nể:
- Thưa phu nhân, hẳn bà đã quên những cái bánh hạnh nhân có tẩm thuốc dành cho hoàng hậu...
- Không chứng cớ, hoàn toàn giống như chẳng có gì xảy ra. Chẳng có gì! Cô nghe rõ không? Ta cấm cô nhắc ta nhớ lại chuyện đó. Ta mong cô hãy vứt bỏ những điều ngu ngốc đó ra khỏi đầu óc, như chính ta đã làm.
- Chắc lệnh bà cũng đã xóa khỏi trí óc mảnh giấy tìm thấy cách đây một năm rưỡi gần tòa giải tội, trên nền gạch nhà thờ Grands-Jésuites đường Saint-Antoine? Trong đó đề cập đến việc đầu độc hoàng thượng... Lệnh bà còn nhớ không, đó là ngay lúc lệnh bà vừa báo với Ngài Ngự rằng lệnh bà đã có mang Louis-Alexandre.
- Cô muốn ám chỉ cái gì? - Athénaïs gắt gỏng - Ta không liên can gì đến việc đó. Không ai biết tác giả của tờ giấy là ai, cũng như người ta không làm được việc lật tẩy những kẻ chủ mưu. Chắc cô điên khi tưởng tượng rằng ta có ý muốn, dù rất nhỏ, phạm đến tính mạng của hoàng thượng? Nếu mất ngài, ta cũng tiêu đời! Cô đã nhìn thấy ai ngu ngốc tới mức cưa cái cành mà mình đang ngồi trên đó không?
- Em không hề buộc tội lệnh bà. Em chỉ muốn chứng minh với lệnh bà rằng người ta có thể quên dễ dàng như vậy, và hoàng thượng của chúng ta có vẻ như rất đau khổ khi khám phá ra âm mưu đó, - Phu nhân des Œillets nói cố.
- Cô đang có ý định lên lớp ta phải không?
Bà hầu tước trừng mắt nhìn người bạn tâm giao với vẻ khó chịu. Bà này không nhìn xuống và chịu đựng ánh mắt của bà. Bà hầu tước có vẻ bối rối vì điều đó.
- Đúng là vua Louis đã run sợ với ý nghĩ chết vì thuốc độc, - bà tiếp lời, vẻ ủ ê. - Cuộc điều tra không có kết quả. Ngài Colbert và chỉ huy trưởng cảnh binh La Reynie đã nhận lệnh phải giữ bí mật. Ngoài ra chỉ có một số ít người biết. Vụ việc đã bị lấp liếm, đúng thế, nhưng hoàng thượng chưa bao giờ căm sợ bọn phù thủy đến vậy và ra lệnh phải kiểm soát chặt bọn chúng.
- Điều đó có gây cho lệnh bà chút lo lắng nào không, thưa phu nhân? Có khi nào lệnh bà còn cần đến sự phục vụ của bọn chúng không?
- Tất nhiên là có! Ta vừa nói với cô xong: hoàng thượng lạnh nhạt với ta! Ta cần có những loại bột nhằm mục đích làm ngài quên cái con bé Fontanges chết tiệt đó đi và trở lại với ta cũng hăng say như trong quá khứ.
- Em biết có nhiều phù thủy vừa bị bắt giam, nhưng mụ Voisin, mà lệnh bà luôn tin tưởng, vẫn tiếp tục hành nghề. Lệnh bà có muốn em đi tìm mụ ta để mụ cung cấp cho lệnh bà chất...
- Không! Hoàng thượng đã trở nên rất đa nghi! - Athénaïs ngắt lời bà ta - Đồ ăn, đồ uống của ngài, tất cả đều phải qua cái mũi của con Marion trước khi được phục vụ. Con ranh con đó luôn chực chờ. Nó có thể phát hiện mọi mùi bất thường trong thức ăn hay rượu vang. Chừng nào nó còn trong vòng thân cận của hoàng thượng, thì vô phương. Thời gian gấp lắm rồi... Ý định của ta là loại bỏ Fontanges! Nếu chẳng may, con nhỏ đó có con với Louis, nó sẽ trở thành ái nương đương kim... thay thế ta! Ta không chịu được sự sỉ nhục ấy!
Ánh mắt cuống cuồng vì giận dữ của bà hầu tước quét ngang những phù điêu mạ vàng viền quanh trần gian phòng khách lớn. Những thiên thần nhỏ mũm mĩm và những gương mặt nữ thần trong thần thoại liệu có gợi cho bà một ý hay nào không? Một ý thật hay?
Sau một lúc suy nghĩ thật lung, Athénaïs quay lại phía Claude des Œillets và nói nhỏ:
- Phải loại Marion ra khỏi triều...
- Điều đó xem ra không dễ, - bạn tâm giao của bà phản bác. - Hoàng hậu yêu quý nó nên không chịu rời nó ra đâu.
- Marie-Thérèse sẽ không có ý kiến gì được, - bà hầu tước cười gằn trả lời. - Cô có thể tin ta... Marion không chỉ ra khỏi triều mà đơn giản là biến mất luôn.
- Thưa phu nhân, em không dám nghĩ...
- Vậy thì đừng nghĩ nữa, Claude ạ! Cô chỉ cần vui lòng đi gọi chúng nó thắng chiếc xe ngựa kín đáo nhất của ta và chạy đến chỗ mụ Voisin. Ta sẽ viết mấy chữ mà cô sẽ đưa cho mụ ta.