Nghệ thuật đua xe trong mưa - Chương 15 - 16 - 17
15
Tuần sau đó khi Denny đi rồi, bọn tôi tới nhà bố mẹ Eve để họ chăm lo cho. Bàn tay của Eve bị băng kín, điều đó cho tôi thấy vết đứt nặng hơn chứ không như là cô giả vờ. Nhưng cái đó chẳng làm cô chậm đi mấy.
Lão Maxwell và bà Trish, Cặp Sinh Đôi, sống trong một ngôi nhà rất sang trọng trên một mảnh đất rộng đầy cây cối ở đảo Mercer, có tầm nhìn tuyệt vời qua hồ Washington và Seattle. Và vì đã có một nơi sống đẹp đẽ như vậy rồi nên họ thuộc trong số những người thảm hại nhất tôi từng gặp. Với họ thì chẳng có gì là được rồi cả. Họ cứ luôn miệng ca cẩm những là mọi chuyện đáng ra phải tốt hơn hay hoặc tại làm sao mà mọi sự lại tồi tệ như vậy. Khi chúng tôi tới, họ bắt đầu chĩa mũi dùi vào Denny. Nó không ở bên Zoë nhiều. Nó bỏ mặc con. Con chó của nó cần phải được tắm mới được. Cứ như chuyện vệ sinh của tôi thì có can hệ gì đến chuyện đó không bằng.
“Con tính sẽ làm gì?” lão Maxwell hỏi cô.
Họ đang đứng quanh quẩn trong bếp trong khi bà Trish nấu bữa tối, làm món gì đó mà Zoë nhất định là sẽ ghét. Đó là một tối mùa xuân ấm áp, Cặp Sinh Đôi mặt áo thun polo với quần dài. Maxwell và Trish uống Manhattan với anh đào, còn Eve thì một li vang. Cô không chịu uống thuốc giảm đau mà hai người bảo cô uống, số thuốc còn lại sau cuộc phẫu thuật chứng thoát vị của lão Maxwell mấy tháng trước.
“Con định đi tập cho có dáng lại,” Eve nói. “Con cảm thấy mình hơi béo.”
“Nhưng con gầy quá,” Trish nói.
“Ta có thể thấy mình béo ngay cả là khi ta gầy. Con cảm thấy không khỏe mạnh.”
“Ôi.”
“Ý bố là về Denny kìa,” Maxwell nói.
“Con cần phải làm sao, về Denny?” Eve hỏi.
“Làm gì đó! Nó góp phần gì cho gia đình con? Con làm ra tiền cả mà!”
“Anh ấy là chồng con và là cha của Zoë, và con yêu anh ấy. Anh ấy còn cần phải góp phần gì cho gia đình con nữa đây?”
Lão Maxwell cười khẩy rồi đập tay xuống mặt bàn. Tôi giật mình rụt đi.
“Ông làm con chó nó hoảng kìa,” bà Trish nhận xét. Bà ta chẳng mấy khi gọi tên tôi. Người ta cư xử kiểu đó trong các trại tù binh, tôi nghe vậy. Làm cho không còn nhân cách.
“Chỉ vì bố thất vọng quá,” Maxwell nói. “Bố muốn điều tốt đẹp nhất cho các con gái của bố. Mỗi lần con đến đây ở lại thì chỉ là vì nó đi đua xe rồi. Điều đó không tốt cho con.”
“Mùa giải này thật sự quan trọng đối với sự nghiệp của anh ấy mà,” Eve nói, cố giữ cho cứng cỏi. “Con ước gì có thể chia sẻ nhiều hơn, nhưng mà con đã làm hết khả năng rồi, và anh ấy cảm kích điều đó. Cái con không cần là bố mẹ cứ theo mà truy con về chuyện đó.”
“Bố xin lỗi,” lão Maxwell nói, đưa hai tay lên đầu hàng. “Bố xin lỗi. Bố chỉ muốn cái tốt nhất cho con thôi mà.”
“Con biết mà, bố,” Eve nói, rồi cô cúi tới hôn lên má lão. “Con cũng muốn cái tốt nhất cho con mà.”
Cô cầm li rượu của mình ra sân sau, tôi thì vẫn còn nấn ná lại. Lão Maxwell mở tủ lạnh lục tìm lọ ớt lão khoái ăn. Lão lúc nào cũng ăn ớt. Lão mở lọ rồi đút mấy ngón tay vào, rút ra một trái ớt dầm dài, cắn một miếng.
“Ông có thấy con bé giờ gầy gò thế nào không?” bà Trish hỏi. “Như con chó đua ấy. Vậy mà nó cảm thấy béo cơ đấy.”
Lão ta lắc đầu. “Con gái tôi, với một tên thợ máy - không, không phải thợ máy. Một kĩ thuật viên chăm sóc khách hàng. Ta đã sai lầm ở chỗ nào vậy?”
“Con bé luôn có chọn lựa của riêng nó mà,” Trish nói.
“Nhưng ít nhất thì những lựa chọn lựa của nó cũng phải có lí chứ. Nó có chuyên ngành lịch sử nghệ thuật, lạy Chúa tôi. Cuối cùng nó lại đi cưới thằng đó sao?”
“Con chó đang nhìn ông kìa,” lát sau bà Trish nói. “Chắc nó muốn một trái.”
Vẻ mặt lão Maxwell thay đổi.
“Muốn đãi hả, anh bạn?” lão hỏi, chìa ra một trái ớt dầm.
Đó đâu phải là lí do tôi quan sát lão. Tôi nhìn lão để rút ra được ý nghĩa trong những lời lão nói. Thế nhưng, tôi đang đói nên tôi hít hít trái ớt.
“Ngon lắm,” lão giục. “Nhập từ Ý đấy.”
Tôi ngoặm lấy trái ớt lão đưa và tức thì thấy cái cảm giác rần rần trên lưỡi. Tôi cắn, và thế là một chất lỏng cay nồng tràn cả trong mồm tôi. Tôi vội nuốt ực xuống và tưởng mình đã hết khó chịu rồi - chắc chắn là axit trong dạ dày tôi sẽ triệt tiêu axit của ớt - nhưng đó là khi cái đau mới thực sự bắt đầu. Cổ họng tôi có cảm giác như mới bị cạo rách. Dạ dày tôi sôi lên. Tôi lập tức ra khỏi phòng rồi ra khỏi nhà. Bên ngoài ở cửa sau, tôi tợp bát nước dành cho mình, nhưng cũng chẳng được việc gì mấy. Tôi đi tới bụi cây gần đó và nằm xuống trong bóng cây mà nghỉ cho đến khi hết cảm giác cay.
Tối hôm ấy khi họ dẫn tôi ra ngoài - Trish và Maxwell lo, vì Zoë và Eve đã ngủ từ lâu rồi - bọn họ đứng ở hè sau và lặp đi lặp lại câu thần chú ngu ngốc của mình, “Làm đi, anh bạn, làm đi!” Vẫn còn cảm thấy có phần buồn nôn, tôi liều ra xa nhà hơn mọi khi, đứng cong mình, rồi ị. Làm xong xuôi, tôi thấy phân của mình rời từng cục và lỏng, và khi tôi ngửi, nó có mùi thối không bình thường. Tôi biết mình đã bình an vô sự rồi và thử thách đã qua; dẫu vậy, từ ấy trở đi tôi vẫn luôn cảnh giác khi thử thứ đồ ăn lạ có thể làm đảo lộn phủ tạng của mình, và tôi chưa hề nhận đồ ăn từ ai đó mà tôi không tin tưởng hoàn toàn.
16
Nhiều tuần trôi vèo vèo, như thể đi sâu vào mùa thu là sứ mệnh hệ trọng hơn cả. Không có sự chần chừ nào: Denny có được chiến thắng đầu tiên của ông ở Laguna vào đầu tháng Sáu, ông về đích trên bục - hạng ba - ở đường Atlanta, rồi ông về thứ tám ở Denver. Tuần đó mấy chàng trai ở Sonoma đã giải quyết xong mấy trở ngại của đội, và tất cả đều dồn cả lên vai Denny. Mà vai ông thì rộng.
Hè đó, khi chúng tôi quây quần quanh bàn ăn, lúc nào cũng có chuyện để nói. Cúp. Hình chụp. Những buổi phát lại trên TV vào lúc khuya. Bỗng đâu mọi người đến chơi, ăn tối. Không chỉ có Mike ở chỗ làm - nơi họ vui vẻ điều chỉnh theo lịch trình tất bật của Denny - mà còn những người khác nữa. Tay đua kì cựu của NASCAR là Derrike Cope. Cả tay đua huyền thoại Chip Hanauer nữa. Chúng tôi còn được giới thiệu với Luca Pantoni, một người đàn ông rất quyền lực của trụ sở Ferrari ở Maranello, Ý, đang ở Seattle thăm người huấn luyện đua xe hàng đầu Seattle là Don Kitch con. Tôi chưa hề phá lệ về chuyện phòng ăn, chuyện đó thì tôi rất đàng hoàng. Nhưng tôi ngồi nơi ngưỡng cửa, tôi cam đoan với các anh vậy. Móng chân tôi thò ra quá đường lề để được gần sự trọng đại hết mức. Trong ít tuần đó tôi học hỏi được về đua xe còn nhiều hơn tất cả những năm tôi xem video và TV trước đó; nghe Ross Bentley đáng kính, huấn luyện viên của các nhà vô địch, nói về thở - thở! - thì thật hết sức kinh ngạc.
Zoë cứ líu lo suốt, luôn có cái gì đó mà nói, luôn có cái gì đó để khoe. Cô bé thường ngồi trên đầu gối Denny mở to hai mắt nuốt lấy từng câu từng chữ trong câu chuyện, và đúng lúc đúng thì tuyên bố một chân lí đua xe nào đó mà Denny đã dạy bé - “chậm tay với những gì nhanh, nhanh tay với những gì chậm”, hay cái gì đó đại loại vậy - và hết thảy những nhân vật quan trọng thấy ấn tượng theo. Những lúc ấy tôi tự hào về bé; vì tôi không thể gây ấn tượng với những tay đua bằng hiểu biết của riêng mình nên cái khả dĩ thứ hai là gián tiếp cảm nghiệm điều đó qua Zoë.
Eve vui tươi trở lại: cô theo học cái cô gọi là lớp “đệm” và cơ bắp săn chắc trở lại, và thường báo cho Denny biết cái nhu cầu về cánh đồng màu mỡ của mình, đôi khi hết sức cấp bách. Sức khỏe của cô đã khá hơn rất nhiều một cách không giải thích được: không còn nhức đầu, không còn nôn mửa. Cô vẫn còn lúng túng vì bàn tay bị thương, thật kì lạ, và đôi khi cô dùng đồ đỡ cổ tay để có thể cầm nắm khi nấu nướng. Vậy nhưng, theo cái tôi nghe được trong phòng ngủ về khuya, hai tay cô vẫn còn tất cả sự uyển chuyển và mềm mại cần thiết để làm cho Denny và chính cô hạnh phúc vô cùng.
Thế nhưng bên mỗi đỉnh cao đều có một vực sâu. Cuộc đua kế tiếp của Denny là quyết định, vì một thứ hạng khá sẽ củng cố vị trí tân binh trong năm của ông. Trong cuộc đua đó, ở Đường đua Quốc tế Phoenix, Denny bị bám đuôi tại góc cua đầu tiên.
Đây là một luật đua: chưa cuộc đua nào thắng tại góc đầu tiên; nhiều người đã thua ở đó.
Ông bị kẹt ở một vị trí bất lợi. Ai đó cố làm ông phanh gấp vào góc rồi bó lốp. Lốp xe sẽ chẳng còn nghĩa lí gì nếu không lăn. Khi xe phanh hết cỡ, tay đua kia nện sầm vào bánh trái trước của Denny, làm hỏng mất độ thẳng hàng của xe. Hai bánh trước bị chụm lại đến mức xe bò ngang lên đường đua, làm tiêu mất của ông nhiều giây trong thời gian vòng đua.
Độ thẳng hàng, phanh gấp, bó lốp, bánh trước chụm: chỉ là từ ngữ chuyên môn. Đây chỉ là những từ chúng tôi dùng để giải thích các hiện tượng quanh mình. Cái quan trọng không phải là ta có thể cắt nghĩa sự kiện chính xác ra sao mà là bản thân sự kiện và các hệ quả của nó, mà ở đây là xe của Denny bị hỏng. Ông về đích cuộc đua, nhưng là về đích DFL. Đó là cái ông đã gọi khi kể tôi nghe chuyện đó. Một phạm trù mới. Có DNS[10]: không xuất phát. Có DNF[11]: không về đích. Rồi lại có DFL[12]: về cuối thảm hại.
[10] DNS: Did not start.
[11] DNF: Did not finish.
[12] DFL: Dead finish last.
“Vậy có vẻ như không công bằng,” Eve nói. “Đó là tại tay đua khác mà.”
“Nếu mà đó là lỗi của một ai,” Denny nói, “thì đó là lỗi của anh vì đã ở chỗ anh có thể bị gí.”
Điều này tôi đã nghe ông nói rồi; nổi khùng lên với tay đua khác vì một sự cố đua xe là vô ích. Ta phải nhìn mấy tay đua quanh mình, hiểu kĩ năng, sự tự tin, và mức độ hung hăng của họ, và theo đó mà chạy cùng họ. Biết ai đang lái cạnh ta. Bất kì trục trặc nào có thể xảy ra chung quy cũng đều do ta gây ra cả, vì ta chịu trách nhiệm về việc mình ở đâu và đang làm gì ở đó.
Thế nhưng, có lỗi hay không thì Denny cũng tiêu tan niềm hi vọng. Zoë tiêu tan. Eve tiêu tan. Tôi tan hoang. Bọn tôi đã tới gần vinh quang đến thế cơ mà. Bọn tôi đã ngửi thấy nó, nó có mùi như heo quay. Ai cũng thích mùi heo quay. Nhưng cái nào thảm hơn, ngửi thấy mùi thịt quay mà không được chén, hay không được ngửi mùi thịt quay gì cả?
Tháng Tám nóng và khô, cỏ khắp khu lân cận úa tàn rồi héo cả. Denny dành thời gian tính toán. Theo tính toán của ông thì ông vẫn còn có thể về đích trong nhóm mười người dẫn đầu trong mùa giải và rất có thể giành được vị trí tân binh của năm, và kết quả nào thì cũng sẽ bảo đảm cho ông được một chuyến đua nữa vào năm sau.
Chúng tôi ngồi bên hè sau tắm nắng cuối chiều, mùi bánh quy bột yến mạch Denny mới nướng trong bếp tỏa ra. Zoë chạy nhảy dưới vòi phun nước. Denny dịu dàng xoa nắn bàn tay Eve, làm nó ấm lên. Tôi nằm trên hiên cố bắt chước thật giống con cự đà: hấp thu hết cái nóng để làm ấm máu mình, hi vọng là nếu tôi thẩm thấu đủ, nó sẽ giúp tôi qua mùa đông mà có thể sẽ rất khắc nghiệt, lạnh lẽo, âm u, cay đắng, như một mùa hè Seattle nóng nực thường báo hiệu.
“Chắc chuyện đó không phải là cố ý,” Eve nói.
“Chuyện gì đến sẽ đến,” Denny bảo cô.
“Nhưng anh sẽ không còn ở đây nữa khi em tới kì rụng trứng.”
“Vậy thì tuần sau tới với anh đi. Zoë sẽ thích lắm; ta sẽ ở lại chỗ họ có cái hồ bơi. Con bé thích bất cứ gì có một cái hồ bơi. Còn em thì có thể đến trường đua xem cuộc đua.”
“Em không tới trường đua được đâu,” Eve nói. “Không phải bây giờ. Ý em là, em ước gì em làm vậy được, em thật sự muốn. Nhưng gần đây em đang cảm thấy ổn, anh biết không? Với lại... em sợ. Trường đua ồn quá và nóng nữa, rồi nó có mùi như cao su và ga, rồi radio thét tiếng rè rè vào tai em, rồi ai ai cũng gào lên để nói cho rõ. Chuyện đó biết đâu sẽ làm em... có lẽ em sẽ bị phản ứng không tốt với chuyện đó.”
Denny mỉm cười thở dài. Cả Eve cũng nhoẻn miệng cười.
“Anh có hiểu không?” Eve hỏi.
“Anh hiểu mà,” Denny trả lời.
Tôi nữa, cũng hiểu. Mọi thứ về đường đua. Tiếng động, mùi. Đi qua khu vực kĩ thuật và cảm thấy năng lượng, sức nóng của động cơ đua tỏa ra từ mỗi trạm tiếp tế. Thứ điện lăn tăn tỏa khắp khu vực kĩ thuật khi người thông báo gọi đội đua kế tiếp đến trước vị trí xuất phát. Xem cảnh chen chúc điên cuồng khi các xe đứng yên chờ xuất phát, và rồi hình dung các khả năng, ráp nối lại thành câu chuyện về cái gì đang diễn ra khi những chiếc xe khuất tầm mắt ở những chỗ khác của vòng đua cho đến khi họ vòng lại vạch đích/xuất phát lần nữa trong một trật tự khác hẳn, chạy lắt léo rồi núp gió rồi chạy rồi lao vào góc cua kế tiếp nơi có thể lại làm đảo lộn mọi thứ. Denny và tôi sống bằng cái đó; nó đem lại cho chúng tôi sự sống. Nhưng tôi hiểu rất rõ rằng thứ nạp năng lượng cho chúng tôi lại có thể độc hại đối với một ai khác, nhất là Eve.
“Ta có thể dùng ống hút,” Denny nói, thế là Eve cười như nắc nẻ, cười ngặt nghẽo, đã lâu rồi tôi chưa thấy cô cười được như vậy. “Anh để em lại cùng một bát đầy giống tốt trong tủ lạnh cũng được,” ông nói, và cô lại cười dữ hơn nữa. Tôi không hiểu được câu đùa, nhưng Eve thì nghĩ nó thật cuồng loạn.
Cô đứng lên đi vào nhà, một lát sau lại xuất hiện với cái ống cất trong bếp. Cô nhìn ngó nó với một nụ cười ranh ma, vuốt dọc cái ống.
“Hừmmm,” cô nói. “Có thể đấy.”
Họ cười rúc rích với nhau và nhìn ra bãi cỏ nên tôi nhìn theo họ và rồi cả ba chúng tôi nhìn Zoë, mái tóc ướt của cô bé bám vào vai thành những lọn lấp lánh. Bộ áo tắm trẻ con của bé và hai bàn chân rám nắng. Niềm vui thuần khiết khi bé chạy quanh cái vòi phun nước, những tiếng hét ré và tiếng cười của bé vang vọng suốt những con phố quận Trung Tâm.
17
Xe ta đi theo hướng mắt ta nhìn.
Bọn tôi đến lạch Denny, không phải vì nó được đặt theo tên Denny - không phải - mà vì đó là một chuyến đi bộ thú vị, Zoë thì bước thình thịch đôi giày đinh đầu tiên của mình, còn tôi thì được thả dây. Mùa hè trên rặng Cascades bao giờ cũng dễ chịu, mát rượi dưới tàn cây tuyết tùng và tổng quán sủi, lối đi mòn bước chân người giẫm hằn, dễ sải những bước dài; bên ngoài con đường mòn - nơi chó thích hơn - là một thảm lá kim rụng mềm xốp mục rữa ra và đều đặn bón cho cây cối một dòng chất dinh dưỡng. Rồi còn cái mùi nữa chứ!
Cái mùi có thể đã làm tôi cương lên nếu mà tôi vẫn còn tinh hoàn. Cái màu mỡ và phì nhiêu. Sinh trưởng và chết đi, thức ăn và mục rữa. Chờ đợi. Chỉ chờ cho ai đó ngửi thấy, lân la sát nền đất từng tầng từng lớp, mỗi lớp có mùi riêng biệt cùng độ đậm nhạt riêng, vị trí của riêng nó. Một cái mũi thính như mũi của tôi có thể phân biệt ra từng mùi một, xác định, thưởng thức. Chẳng mấy khi tôi buông thả, tôi luôn tập kiềm chế như người vậy, nhưng hè đó, nghĩ đến niềm vui từ tất cả những gì chúng tôi có, thành công của Denny và sự sôi nổi của Zoë và cả Eve nữa, đã nhẹ nhàng thư thái, ngày hôm đó tôi chạy khắp mấy cánh rừng ấy thật điên cuồng, như một con chó điên, đâm đầu qua bụi rậm, phóng qua những thân cây đổ, đuổi chơi chơi lũ sóc chuột, gâu gâu sủa lũ chim giẽ cùi, lăn ềnh ra mà cạ lưng lên cành cây, lên lá, lên lá kim, lên đất.
Chúng tôi đi xuôi con đường mòn, lên đồi rồi xuống đồi, qua đám rễ cây rồi quá những vỉa đá nhô lên, cuối cùng tới bãi Đá Trơn, như người ta gọi, nơi những con lạch chảy qua một loạt những phiến đá rộng, bằng phẳng, xoáy xuống ở chỗ này, tuôn ra ở chỗ khác. Trẻ con thích bãi Đá Trơn vì chúng trượt rồi trườn qua chỗ tháo nước và đá phiến. Và thế là chúng tôi đã tới nơi và tôi uống nước, lạnh và tươi mát, lượng tuyết tan cuối cùng của năm đó. Zoë và Denny và Eve cởi bỏ áo quần chỉ còn mặc đồ tắm rồi khỏa nước tắm. Zoë đã đủ lớn để tự tìm lối an toàn, Denny đứng đầu dưới còn Eve đứng đầu trên rồi họ thả Zoë xuôi dòng nước, Eve đẩy một cái và thế là Zoë tuột xuống. Mấy tảng đá có khả năng bám khi khô, nhưng khi ướt, bên trên nó có một lớp màng làm nó hết sức trơn. Cô bé tuột xuống, la thét và quẫy đạp, bắn nước vào chỗ xoáy nước lạnh ngắt dưới chân Denny; ông chộp cô bé lên và vụt đưa bé trở lại cho Eve, Eve lại trượt cô bé xuống. Rồi chơi lại.
Người, cũng như chó, thích tập dượt. Đuổi theo bóng, ngồi xe đua chạy vòng vòng đường đua, trượt tuyết. Vì mỗi sự việc đều tương tự chừng nào thì nó cũng khác nhau chừng ấy. Denny chạy ào tới tảng đá đỡ Zoë xuống. Ông quay lại chỗ của mình gần xoáy nước. Eve để Zoë xuống nước; cô bé ré lên rồi ném mình vào trò chơi, trượt xuôi theo phiến đá cho Denny chụp lại.
Cho đến một lần, Eve để Zoë xuống nước, nhưng thay vì ré và vẫy nước tung tóe, Zoë đột nhiên rụt ngón chân lên khỏi nước lạnh buốt, làm Eve mất thăng bằng. Eve dịch chuyển trọng tâm và cũng xoay xở thả được Zoë an toàn lên mặt đá khô, nhưng động tác của cô đột ngột quá, bất ngờ quá - một phản ứng quá trớn. Bàn chân cô chạm đáy con lạch, và cô không nhận ra mấy hòn đá đó trơn trượt thế nào, mấy phiến đá trơn như kính.
Hai chân cô xoạc ra. Cô với tay ra, nhưng tay cô chỉ chụp trúng khoảng không; bàn tay cô nắm lại, trống rỗng. Đầu cô va vào đá làm một tiếng rắc to và nảy lên. Và nó lại va rồi nảy lên rồi lại va, như một trái bóng cao su.
Bọn tôi đứng, đâu như một hồi lâu thật lâu, chờ xem chuyện gì sẽ xảy ra. Eve nằm bất động, còn Zoë, lại là nguyên nhân, không biết phải làm gì. Cô bé nhìn bố, bố cô cuống cuồng nhảy chồm tới bên cả hai.
“Em có sao không?”
Eve chớp chớp mắt khó nhọc, đau đớn. Miệng cô có máu.
“Em cắn phải lưỡi mình rồi,” cô nói mụ mẫm.
“Đầu em sao rồi?” Denny hỏi.
“... đau.”
“Em có về lại xe được không?”
Tôi đi đầu dẫn Zoë, Denny dìu Eve. Cô không loạng choạng, nhưng cô lú lẫn, và ai biết được cô sẽ thế nào nếu không có ai bên cô. Khi chúng tôi tới được bệnh viện ở Bellevue thì đã cuối buổi chiều.
“Chắc em bị chấn động nhẹ,” Denny nói. “Nhưng họ cũng cần phải kiểm tra.”
“Em không sao mà,” Eve cứ nhắc đi nhắc lại. Nhưng rõ ràng là cô có chuyện rồi. Cô choáng váng và nói lắp nói lịu cả lên rồi cô cứ thiếp đi nhưng Denny phải lay cho cô tỉnh ra, nói gì đó là đừng thiếp đi khi ta bị chấn động.
Cả ba người đi vào trong và bỏ tôi lại trong xe cửa mở hé. Tôi nằm vào ghế sau có hình cái túi trong xe BMW 3.0 CSi của Denny và buộc mình ngủ; khi tôi ngủ, tôi không cảm thấy muốn tè khủng khiếp như khi tôi thức.