Khổng Minh Gia Cát Lượng đại truyện - Hồi 3 - Chương 12 - Phần 2
4. Định rõ pháp lệnh, nghiêm chỉnh chấp hành.
Khi ban hành pháp luật, ắt nên có tiêu chuẩn rõ ràng, nếu không sẽ làm cho người ta óan hận; bởi thế Gia Cát Lượng mau chóng vì chính quyền mới mà xác định tiêu chuẩn khách quan trong khi chấp hành.
Trong cuốn Tam quốc chí của Trần Thọ, phần nói về “Gia Cát Lượng tuyển tập” có nhắc đến những cuốn “Pháp kiểm”, “Khoa lệnh”, “Quân lệnh”, đều gắn liền với việc này.
Trong những cuốn sách ấy, đáng để ý là cuốn “Khoa lệnh”, gồm những luật lệ được Gia Cát Lượng cùng với Y Tịch, Pháp Chính, Lưu Ba, Lý Nghiêm viết ra. Đáng tiếc những điều lệ ấy đều đã thất truyền chẳng thể biết được nội dung cụ thể của nó.
Gia Cát Lượng không nghĩ đến miễn trừ, ông ta cho rằng pháp lệnh phải có chuẩn mực không nên tùy tiện miễn giảm, cho nên nhiều người lúc bấy giờ phê bình ông không thể tất nhân tình. Gia Cát Lượng chỉ đáp rằng: “Cai trị nên dựa vào đại đức, không lạm dụng tiểu đức, kể như Lưu Biểu, Lưu Chương làm ví dụ, thường rộng tha thứ, không thích hợp với việc cai trị quốc gia. Tể tướng Tiền Hán là nhà doanh nho Khuông Hành, lão thần đời Hậu Hán là Ngô Hán, cũng đều phản đối việc đại xá, đã bồi dưỡng cho mọi người sự tôn trọng đầy đủ về pháp lệnh”.
Gia Cát Lượng theo đúng pháp lệnh mà làm việc, không né tránh kẻ quyền quý, không nể tình riêng. Ví như con nuôi của Lưu Bị là Lưu Phong, sau này bởi xem thường quân lệnh mà bị xử tử; Lý Nghiêm sau khi Lưu Bị chết, đảm nhiệm địa vị phụ tá, một chức vụ gần với Gia Cát Lượng, song bởi sai lầm trong việc quân cơ, phải bãi quan làm dân, lưu đày đến quận Tử Đồng.
Liêu Lập rất được Lưu Bị kính trọng, nhưng lại cậy tài mà ngạo mạn quá đáng, cho rằng đương nhiên mình là người kế thừa Gia Cát Lượng bổ nhiệm những quan lại xét ra là loại người tầm thường, các tướng lĩnh cũng chỉ là đồ trẻ nít, lại thường gây bất hòa với quần thần; Gia Cát Lượng sau khi xem xét kĩ, bãi bỏ quan chức của ông ta, lưu đày đến quận Vấn Sơn.
Mã Tắc là tướng thân cận của Gia Cát Lượng, là người được bồi dưỡng kế thừa, song sau này trong trận Nhai Đình, có sơ xuất việc trấn thủ, tạo thành sự vấp ngã nghiêm trọng trong cuộc bắc phạt lần thứ nhất, cũng bị Gia Cát Lượng xử tử hình.
Nhưng phía sau sự nghiêm khắc ấy, Gia Cát Lượng cũng khá công bằng; Lý Nghiêm bị bãi miễn quan chức, song con trai là Lý Phong vẫn được trọng dụng. Ông đặc biệt phản đối lạm phát hình phạt, chức quan coi ngục được ông để ý lựa chọn, phải có cá tính trung thực liêm khiết. Ông cũng phản đối dựa vào tình cảm cá nhân mà lộng sát ra oai “lúc vui chẳng thể tha kẻ có tội, lúc giận chẳng thể giết người vô tội”, yêu cầu chức quan chuyên môn khi quyết định hình phạt nặng, nhất định phải đặc biệt cẩn thận, cố nhiên không thể buông tha kẻ xấu, song cũng dứt khóat không thể xử oan người tốt. Đối với việc này, Tập Tạc Sỉ đời Tấn đã bình luận rằng:
“Hành pháp thận trọng, giao hình tựa hồ như mình có lỗi, ban tước lộc không tư riêng, trách phạt mà không giận dữ, người như thế ai mà không nể phục! Có thể nói Gia Cát Lượng thực là người giỏi dùng hình luật; từ Tần Hán đến nay chưa hề có vậy”.
5. Hành pháp và giáo hóa.
Tư tưởng pháp trị của Gia Cát Lượng chủ yếu chịu ảnh hưởng bởi các quan gia đời Tần như Thương Ưởng và Hàn Phi, hoặc Đổng Trọng Thư đời Tiền Hán, chủ trương trị quốc là pháp luật và lễ nghi cùng vận dụng, uy quyền và đạo đức cùng thi hành; ông ta nhấn mạnh giáo huấn để hiểu rõ pháp luật, khuyến khích điều thiện mà đẩy trừ cái ác, lấy pháp làm thể, đề cao công bằng khách quan; lấy đức mà vận dụng, đề cao giáo hóa làm gốc.
Gia Cát Lượng tuy theo pháp trị của Thương Ưởng, lại không đam mê với chủ nghĩa uy quyền. Ông ta phê bình Thương Ưởng chú trọng ở pháp luật, xem nhẹ giáo hóa, ấy chỉ là thấy một phía. Bởi thế phải lấy dài vá ngắn, kết hợp hành pháp và giáo hóa.
Do vẫn đang ở trạng thái chiến tranh, bởi thế pháp luật điều lệnh trong nước như “Tam thân, ngũ giới” mọi người đều phải hiểu rõ triệt để, để cảnh giác, tránh vi phạm lệnh cấm.
Để khuyên răn các quan viên, tướng sĩ nước Thục, ông đã định rõ các điều luật chấp hành như “Bát vụ”, “Thất giới”, “Lục khủng”, “Ngũ cụ”, chỉ ra cụ thể đâu là thiện đâu là ác, đâu là việc nên làm, đâu là việc không nên làm; cũng giống như những sách gối đầu giường bây giờ, để hướng dẫn mọi người biết đúng làm đúng.
Bùi Tùng Chi cũng đã dẫn lời Lý Hưng đời Tấn nhận định về Gia Cát Lượng, cho rằng ông ta dùng hình pháp phỏng theo nước Trịnh, giáo hóa phỏng theo nước Lỗ, cũng là nói phong cách pháp trị của Gia Cát Lượng vừa có tác phong nghiêm minh mà công bằng của Tử Sản danh tướng nước Trịnh thời Xuân Thu, cũng lại có tinh thần khuyên người không mỏi của Khổng Tử nước Lỗ. Trần Thọ cũng đã nói:
“Cuối cùng trong khắp nước, đều sợ mà cảm mến, hình pháp uy nghiêm mà không óan, lấy lòng thành mà khuyên răn sáng tỏ vậy”.
Tấm lòng nhân ái, xử sự công bằng, định ra pháp luật rõ ràng, khuyến thiện không mỏi, giữ pháp luật nghiêm chỉnh tuyệt đối không tư riêng, tinh thần pháp trị của Gia Cát Lượng trong lịch sử của Trung Quốc được kể là một thí nghiệm lớn thành công.
Gia Cát Lượng lấy mình làm gương để thi hành pháp trị, rõ ràng đã giành được những thành công lớn, các văn võ bá quan nước Thục ở thế hệ thứ hai, đại bộ phận đều chấp pháp nghiêm minh. Tam quốc chí có chép: Dương vũ tướng quân Đặng Chi thưởng phạt rõ ràng, khéo vỗ về binh lính, Trù hàng đô đốc Trương Dực chấp pháp cẩn thận, Đốc quân tòng sự Dương Hí, làm tròn việc trông coi hình ngục, định án rõ ràng, Tang ca thái thú Mã Trung rất có ân uy...
Trải qua cuộc vận động đổi mới pháp trị như vậy, công tác của chính quyền Thục Hán rõ ràng nâng cao hiệu suất, việc quan cũng sáng tỏ, đặc quyền bị tẩy trừ, đời sống nhân dân được cải thiện không ít. Trương Duệ thuộc phái Đại Lão Ích Châu sau này cũng công khai tán dương: Thừa tướng Gia Cát chí công vô tư, thưởng phạt không phân biệt thân sơ xa gần, kẻ không có công thì không được thưởng, kẻ quyền quý cũng không thóat khỏi được, đấy là nguyên nhân chủ yếu nhất để mọi người đều hăng hái.
Trần Thọ khi viết Tam quốc chí cũng khẳng định về phương diện này:
Giáo huấn nghiêm minh, thưởng phạt đúng mực, không có tội thì không trừng phạt, không có công thì không ban thưởng, làm trong sạch cửa quan, khích lệ được mọi người, giữ đạo phải chẳng rời, mạnh không lấn yếu, phong hóa bởi thế mà hưng thịnh.
6. Dùng người bởi chân tài, chẳng câu nệ hạn chế
Có không ít nhà sử học đời sau, chịu ảnh hưởng của Tam quốc diễn nghĩa, khẳng định năng lực thần kỳ cá nhân của Gia Cát Lượng, lại cho rằng ông dùng người không đích đáng, mới dẫn đến nỗi cảm hoài nghìn năm “xuất quân chưa thắng đã bỏ mình”. Thực ra thành bại của Thục Hán sau này có những điều kiện chủ quan, khách quan của nó, vận động từ bên trong, song phê bình Gia Cát Lượng không thấu hiểu việc dùng người và bồi dưỡng nhân tài, thì cũng không thỏa đáng.
Sử liệu có ghi chép: Gia Cát Lượng rất xem trọng việc tuyển lựa nhân tài, trong “Gia Cát Lượng văn tập” có nhấn mạnh “xét đạo trị quốc cốt ở cử hiền”, cũng là nói việc tiến cử hiền tài là then chốt điều hành quốc gia, cũng là việc đại sự liên quan đến vấn đề còn mất của quốc gia.
Tiêu chuẩn tiến cử hiền tài của Gia Cát Lượng là:
Một là phải có tài hiểu biết, là người có thể cống hiến tâm lực cho đại sự nước nhà.
Hai là phải trung thành với chính quyền họ Lưu, biết rõ công việc mình làm.
Ví như trong công việc đang làm của mình, Gia Cát Lượng yêu cầu người khác phải làm tận tụy với chức vụ, đối với người cậy tài xem nhẹ công việc, không được việc, ông rất không vừa ý, thường chỉ trích nặng nề. Lý Nghiêm và Liêu Lập là những lão thần, bởi phạm lỗi lầm mà bị tước quan làm dân. Song Gia Cát Lượng cũng rất chú trọng việc dùng người, có tài thì tiến cử không kể đến địa vị cao thấp. Ví như Trương Nghi người Ba Quận, xuất thân hèn mọn, song có năng lực làm việc, lại dám can ngăn, bởi thế thường bị các lão thần phê bình là phóng đãng vô lễ, dưới chính quyền Lưu Chương không được chọn lựa. Gia Cát Lượng cho rằng ông ta là người thức thời lại có lòng trung thành bởi thế đề bạt ông ta làm Thái thú Việt Huề, để xử lý quan hệ dân tộc thiểu số đang rất phức tạp. Trương Nghi sau khi đến đó lấy ân mà phủ dụ, man di đều phục, qui hàng ở cửa quan, có cống hiến không ít trong chính sách hòa Di của Gia Cát Lượng.
Vương Bình người Ba Tây, xuất thân binh sĩ, không ham sách vở, nhận biết không quá mười chữ, lại là người dẫn đường tài giỏi, cá tính cẩn thận, trung thành chấp hành pháp lệnh. Ông ta vốn làm một chức quan nhỏ ở Hán Trung, song Gia Cát Lượng thấy ông là người hiểu rõ địa thế mà trọng dụng, sau đó nhờ công lao trong trận Nhai Đình mà được thăng tiến, làm Thảo khấu tướng quân, trong chiến dịch bắc chinh ông đã có không ít cống hiến.
Tưởng Uyển vẫn chỉ là một viên tiểu lại dưới triều Lưu Biểu, từ trước trận Đương Dương đã theo Lưu Bị xuống phía nam, sau khi vào Thục được bổ nhiệm làm Quảng Đô huyện trưởng. Lưu Bị khi đến Quảng Đô xem xét, phát hiện ông ta không sửa sang chính sự, say sưa rượu chè muốn đem trị tội. Gia Cát Lượng nghe tin lập tức ngăn lại: “Tưởng Uyển là khí chất của xã tắc, không phải là người chỉ có tài trong trăm dặm, ông ta lấy việc yên dân, yêu nước làm gốc, mà không lấy việc trang sức làm đầu”.
Lưu Bị bởi thế chỉ bãi miễn quan chức của Tưởng Uyển mà không xử tội.
Gia Cát Lượng sau khi làm Thừa tướng, đề bạt Tưởng Uyển làm tham mưu quân đội, thời bắc phạt làm trưởng sử, kiêm thủ quân tướng quân phụ trách việc giữ Thành Đô. Tưởng Uyển trong công tác chi viện tiền tuyến, đã cung cấp lương thực cho binh lính luôn đầy đủ, Gia Cát Lượng sau này cũng khen ngợi: “Tưởng Uyển có lòng trung thành, là người cùng với ta xây dựng nên vương nghiệp vậy”.
Khi Gia Cát Lượng mắc bệnh nặng, có dâng mật biểu lên hậu chủ Lưu Thiện, tiến cử Tưởng Uyển làm người kế nhiệm, sau khi Gia Cát Lượng mất, Tưởng Uyển kế tục nắm quyền bính, quán triệt chính sách của Gia Cát Lượng, xử lý tốt công việc, khiến chính quyền nước Thục ổn định trong một thời gian dài.
Từ đấy có thế thấy Gia Cát Lượng thực là biết người khéo dùng vào việc.
Ngoài ra, Gia Cát Lượng rất xem trọng người có biệt tài, vì vậy, đối với nhân tài ông thường có sự tôn trọng đặc biệt. Ví như Bồ Nguyên là một người như thế, Gia Cát Lượng cho ông ta làm chức Tây tào, đã chế tác và cải tiến binh khí và công cụ vận chuyển có công hiến không ít. Trong “Bác hảo kĩ nghệ” do Lý Soạn ghi chép, Gia Cát Lượng lấy ông ta làm Thư tá, sau lại đề bạt làm Thượng thư lệnh sử.
Trương Duệ có tài cán chính trị, lại hiểu được kĩ thuật sản xuất, Gia Cát Lượng bổ nhiệm ông ta làm Trung lang tướng, phụ trách việc chế tạo binh khí và nông cụ. Sau này lại đề bạt làm Tạ Thanh hiệu uý, giữ chức trưởng sử, trông coi ở Đô Thành, đại lý phủ thừa tướng, có địa vị rất cao.
Được Gia Cát Lượng lưu ý sửa sang, chính quyền mới mau chóng được ổn định.
Năm Hán Trung Vương thứ hai, hậu tướng quân Hoàng Trung bởi tuổi già bệnh nặng qua đời. Khi trước Hoàng Trung không được cử làm Thái thú ở Hán Trung, phải chăng là lo lại phải thay người khác kế nhiệm ở đấy, sẽ gây phiền phức. Hoàng Trung sau này được hậu chủ Lưu Thiện đặt cho tên thụy là Cương Hầu, cũng năm đó Thượng thư lệnh Pháp Chính đang lúc bốn mươi lăm tuổi đã ngã bệnh từ trần, được đặt tên thụy là Dực Hầu. Đối với hai đại thần bình định Hán Trung này, Lưu Bị rất thương tiếc, bởi thế mà khóc lóc suốt ngày. Pháp Chính mất đi, Lưu Ba kế nhiệm làm Thương thư lệnh.
Không lâu lại phát sinh một việc khiến Lưu Bị càng thêm đau lòng, làm lay động cả chính quyền Thục Hán, đó là sự kiện Quan Vũ để mất Kinh Châu.
Lời bình của Trần Văn Đức
“Úy Lạo Tử” là một trong bảy cuốn sách binh thư của Trung Quốc, tương truyền là tác phẩm của Úy Lạo đã suy nghĩ cặn kẽ, tìm kiếm tính hợp lý, nhân cách đặc biệt ấy trong binh pháp của ông ta đã biểu hiện rất rõ.
Phần mở đầu “Úy Lạo Tử” có viết: “Việc quan không gì bằng việc nhân sự”. Cũng tức là nói thực chất thành bại của việc quan quốc là ở việc nhân sự mà thôi. Ví như có một tòa thành, đánh phía đông tây không được, mà đánh phía nam bắc cũng không được, chẳng nhẽ nói bởi phương hướng, đông tây nam, bắc đều có nhược điểm về phương vị ư? Đương nhiên chẳng thể được, sở dĩ đánh trăm trận mà không phá được, chẳng bởi phương vị cát hung mà bởi vì thành thì cao, hào thì sâu, vũ khí trang bị hoàn thiện, lương thực đầy đủ, quân đội anh dũng và đoàn kết chặt chẽ. Nếu như tường thấp ngòi nông, tin vào ngôi sao cát hung, chẳng bằng nỗ lực việc nhân sự đấy mới là việc trọng yếu, nhưng việc nhân sự đầu tiên là xác lập chế độ, cho nên Úy Lạo Tử đã nhấn mạnh: “Phàm là việc binh ắt nên tiên định. Cũng tức là nói việc quan trọng thứ nhất chuẩn bị chiến đấu là xác lập pháp chế, pháp chế có được định rõ, kỉ luật nghiêm minh, kỉ luật đã không loạn thì chế độ tự nhiên được chấp hành. Pháp lệnh rõ ràng, chỉ rõ điều này điều nọ, thì trăm người như một, sẽ phát huy được sức chiến đấu, khi xung phong hãm trận, nghìn người cũng vẫn một lòng một khối, chiến đấu đến cùng khi tiêu diệt kẻ địch, mọi người có thể cùng vác giáo xông lên, chẳng chút phân tâm, trở thành một đội quân vô địch trong thiên hạ. Song duy trì pháp chế phải dựa vào hiền tài, ấy là bởi thắng lợi chiếm được nước người ta, phải sửa sang việc cai trị ở đấy, lại càng phải dựa vào pháp chế và hiền tài. Nếu chẳng thể đề bạt được nhân tài, ắt sẽ thất bại. Nếu thiếu nhân tài, lại muốn bắt quân giết tướng, tuy có giành được chiến thắng, mà nước thì thêm yếu tuy có thể giành được đất của người ta mà nước thì thêm nghèo; đấy là bởi chăng có nhân tài giỏi giang, không có chế độ, không có năng lực thi hành, mà tạo thành hỗn loạn.
Gia Cát Lượng khi còn ít tuổi đã thấu hiểu binh pháp, nghĩ rằng với binh pháp của Úy Lạo Tử, cũng rất tâm đắc, bởi thế việc quan trọng hàng đầu khi điều hành nước Thục, là thi hành pháp trị, pháp trị được thi hành, thì việc đại sự quân quốc trước tiên sẽ thắng lợi ở triều đình, về mặt này Gia Cát Lượng đã làm triệt để mà đạt được thành công. Ông ta đặc biệt bồi dưỡng nhân tài, biết rõ pháp luật không thể tự nó thi hành được. Phải có nhân tài giỏi giang thì pháp luật mới thực sự phát huy hiệu lực.
TRẦN VĂN ĐỨC
Phụ chương: QUAN ĐIỂM THỰC DỤNG
Xây dựng qui hoạch sách lược cho đại bản doanh. Trong xã hội hoàn toàn tự do cạnh tranh, chỉ cần có một chút kinh nghiệm xử thế lại có một chút tài lực, nghĩ rằng sáng nghiệp cũng không khó khăn, vấn đề là “nghiệp” gì mới có thể khai sáng, ổn định lâu dài.
Căn cứ vào thống kê không chính thức, một xí nghiệp mới xây dựng, có thể tồn tại khoảng năm năm, tỷ suất không đến 20 %. Đặc biệt với nghề phục vụ, lại dưới 10 %, cho nên nói sáng nghiệp gian nan, chính là như thế.
Nắm bắt được cơ hội có thành công lớn lúc đầu, chưa hẳn đã là thành đạt. Thành công đến rất nhanh, thường hư trương thanh thế, mà thiếu công phu chuẩn bị cần có, lại không thể chịu đựng và khắc phục được những bắt bẻ và khó khăn tiếp theo; công tác tổ chức buông lỏng thiếu thực tiễn, mà thành công rất dễ dàng, rất đột nhiên, lại thường cũng dễ thất bại.
Viên Thuật khoa trương thanh thế liên minh chống Đổng Trác, một dạo đã là người đứng đầu bá chủ phương nam, song không bao lâu, lại tan tành mây khói. Vương quốc Kinh Châu của Lưu Biểu vãn gọi là thế lực lớn thứ hai trong nước, Lưu Biểu mất đi, người kế tục cũng không chịu nổi một đòn ban đầu, ngoài đạo quân Lưu Bị với lực lượng rất yếu vẫn cố gắng chống đỡ, mấy mươi vạn quân Kinh Châu cơ hồ đều đầu hàng vô điều kiện.
Không ít xí nghiệp mắc chứng bệnh ấy. Có cơ hội tốt, kinh doanh dễ dàng, họ không ngừng tự mình bành trướng. Lực kết dính của tổ chức không đủ, nhân tài thiếu vắng, thông lộ không hoàn thiện, chuẩn bị về tài vụ lại mỏng manh; hơn nữa sự chi viện của tài vụ (cung cấp lương thực trong chiến tranh) giống như máu của người ta, nếu như thân thể đột nhiên mập mạp, dễ tạo thành chứng bầm huyết và thiếu dinh dưỡng, nói một cách nghiêm trọng thậm chí dẫn đến suy tim, nếu không để ý sẽ không tránh khỏi nguy ngập.
Bởi thế một xí nghiệp nắm được cơ hội mà mau chóng giành được thành công, công tác quan trọng nhất chẳng phải thừa thắng xốc tới, mà là mau chóng đạt được ổn định nền tảng lâu dài.
Thành công của Tào Tháo chủ yếu nhờ tham mưu Tuân Úc giúp người ta đứng vững ở Cổn Châu. Song sau khi bình định được lực lượng của họ Viên ở phía bắc, bởi nắm chắc thời cơ Lưu Biểu bệnh tình nguy cấp, Tào Tháo chưa ổn định được bốn châu phía bắc vẫn mạo hiểm nam chinh, lúc đầu tuy có thể giành được thắng lợi lớn chưa từng có, song đến khi vấp ngã ở trận thủy chiến Xích Bích, lại không thể không vội vàng triệt thóai năm trăm dặm, chủ yếu là thực tại đại bản doanh hậu phương rất yếu khiến Tào Tháo không có cách khác là phải mau chóng rút về.
Gia Cát Lượng trong Long Trung Sách, sách lược chủ yếu mất, là theo tình thế chủ khách quan, giúp Lưu Bị tìm kiếm một đại bản doanh. Bôn ba nửa đời người, có danh tiếng và hình tượng tốt đẹp, Lưu Bị vẫn rất yếu kém, thiếu một đất nền móng để ổn định cơ nghiệp. Năm trước được Đào Khiêm tặng cho đất Từ Châu, bởi là đất binh gia tranh chiến, mọi người đều muốn cướp lấy, Lưu Bị lại không hiểu phải làm gì, ghế Đổng sự trưởng còn chưa có người ngồi lại bị người ta đuổi chạy, cuối cùng phải vội vàng giao cho Tào Tháo ở bên cạnh.
Sau trận Xích Bích, Gia Cát Lượng tuy nhân cơ hội giúp Lưu Bị đoạt được bốn quận Kinh Nam, song nơi ấy so với Từ Châu còn nóng bỏng hơn, hai bên hàng xóm (Tào Tháo và Tôn Quyền) như hổ báo gờm gờm, nếu nghĩ ở yên nơi đấy là điều chẳng thể được. Bởi thế sách lược của Gia Cát Lượng điều hành Kinh Châu, là tăng cường sức tác chiến, so với công việc ban đầu còn quan trọng hơn.
Nhưng ở Ích Châu thì không giống như vậy. Phía đông gần với thế lực của Tôn Quyền, song còn cách Kinh Châu, phía bắc gần với trận tuyến của Tào Tháo, nhưng lại cách Hán Trung. Trong một thời gian ngắn sẽ không có nguy cơ trực tiếp, dễ giữ mà khó bị đánh, đấy chính là miền đất hứa đế xây dựng đại bản doanh.
Việc kinh doanh (xây dựng chế độ) và mở mang cơ nghiệp (chỉ huy tác chiến) không cùng một dạng, vấn đề ở đấy chẳng những phải giải quyết đối diện còn phải ổn định tất cả, đi vào quỹ đạo, tự động vận chuyển để xây dựng sức sống lâu dài. Về sách lược vận dụng, chuẩn bị thật chu đáo cho việc biến đổi phù hợp về cơ cấu, đối với một người như Gia Cát Lượng, tinh tế, cẩn thận và biết giữ gìn, đích xác là sẽ hoàn thành được nhiệm vụ.
Công việc quy hoạch đại bản doanh kinh doanh, so với sách lược tác chiến thì khó khăn hơn nhiều; tác giả cuốn sách “Trò chơi thương chiến” tiến sĩ James từng chỉ ra, đại bản doanh của chiến trường ấy ít ra phải có năm công năng.
1. Vũ khí: Bao quát cả kĩ thuật, sản xuất, tài vụ, tiêu thụ.
2. Tình báo: Bao quát hình thế cạnh tranh, thị trường và hoàn cảnh.
3. Tổ chức và sức lãnh đạo
4. Câu kết với bên ngoài
5. Bổ sung hậu cần: bao gồm nguyên liệu, sản xuất, phối hợp tiêu thụ và viện trợ.
Trong đó sự chi viện hậu cần hữu hiệu rất là quan trọng; Hán Cao tổ Lưu Bang sau khi giành được thiên hạ đã luận song ban thưởng, xét Tiêu Hà có công đầu, ấy là Lưu Bang cho rằng nhiệm vụ điều hành đại bản doanh là gian khổ và quan trọng nhất.
Muốn cho nguồn cung ứng lương thực không gián đoạn, người lãnh đạo phải cứng rắn và có năng lực, mới có thể đáp ứng lâu dài và đầy đủ cho đòi hỏi rất lớn của chiến trường. Chiến tranh là công việc tiêu tốn rất nhiều tiền, bởi thế mà việc chấn chỉnh nội bộ, đích xác là việc quan trọng hơn việc liều mình ở chiến trường.
Thắng bại của đại bản doanh kinh doanh, thường là có tầm quan trọng hơn so với tiền tuyến.
Gia Cát Lượng sớm đã dốc toàn lực vào việc ổn định đại bản doanh, ấy cũng là nguyên nhân chủ yếu khiến nước Thục từ chỗ rất khó khăn thành ra ngày mỗi lớn mạnh. Sau khi Lưu Bị mất, Gia Cát Lượng cơ hồ nhiều năm ở chiến trường, việc hậu phương phải giao cho cán bộ ưu tú, song họ không giỏi giang được như Gia Cát Lượng. Thời gian dài sau này nước Thục năng lực không thể lớn mạnh, cuối cùng bởi liên tục nhiều năm động binh, lực lượng kinh tế và sĩ khí hao tổn nhiều mà đến chỗ phải suy vong.
TRẦN VĂN ĐỨC