Khổng Minh Gia Cát Lượng đại truyện - Hồi 6 - Chương 21 - Phần 2
7. Năm lần bắt năm lần thả:
Trận đánh ở Ngốc Long.
Sau trận đánh ở Tây Nhĩ Hà, Mạnh Hoạch dẫn quân tàn dư rút về phía nam, Gia Cát Lượng cũng phải vào sâu phía nam vùng Nam Trung. Mạnh Hoạch lần này đến cầu cứu Đóa Tư Đại Vương là động chủ ở động Ngốc Long.
Trong bản đồ chỉ vẽ bình Man của Lã Khơi từng chia ởvùng Nam Trung, có nơi ở động, đấy là nơi thiên nhiên hiểm trở. Không những thế núi hiểm yếu, mà lam sơn chướng khí tràn khắp vùng núi non, ở trong vùng nham thạch thường phun ra lưu hoàng, người đương thời gọi là suối độc.
Quân tiên phong của Thục Hán do Vương Bình chỉ huy, nhằm hướng nam tấn công, bởi chịu tác động của chướng khí đã tổn thương rất nghiêm trọng. Lại thêm khí trời nóng nực, binh sĩ thấy suối nước đều tranh thủ múc uống, lại bởi nước suối có hàm chứa lưu hoàng rất lớn, nhiều người bị trúng độc, Vương Bình chẳng thể chỉ huy, đành cầu cứu Gia Cát Lượng.
Gia Cát Lượng lập tức hạ lệnh trọng thưởng nếu tìm ra được người hướng đạo, cuối cùng may mắn gặp được ẩn sĩ ở đây dẫn đường, chẳng những tìm được nước suối có thể uống được, lại tìm được con đường nhỏ tránh được luồng chướng khí, khiến quân Thục thuận lợi vượt qua vùng suối độc, tiến sâu vào vùng phía nam Tây Nhĩ Hà, tiếp cận với động Ngốc Long.
Dưới đây lại kể về Đóa Tư Đại Vương, ông ta cho rằng đường xá địa thế hiểm yếu, quân Thục dứt khóat không đến được, chẳng ngờ quân Thục đã dễ dàng tràn đến Ngốc Long từ bao giờ.
Quân Thục Hán thanh thế rất lớn, không ít thủ lĩnh bộ lạc không đánh mà hàng. Đóa Tư Đại Vương rất kinh hãi, đành phải cậy hiểm cố thủ, lại nhằm các thủ lĩnh xung quanh xin cứu viện.
Không lâu, Dương Phong là động chủ động Ngân Trị cai quản hai mươi mốt động phía tây, dẫn năm người con của ông ta và ba vạn quân Man đến trợ chiến. Mạnh Hoạch và Đóa Tư Đại Vương rất vui mừng, hai bên lập tức bày ra kế hoạch tỉ mỉ đối phó lại quân Thục.
Người con trai của Dương Phong nói: “Binh sĩ của chúng tôi đều là dũng tướng địch nổi nghìn người, chỉ cần chúng tôi đối phó với quân Thục cũng đủ”.
Mạnh Hoạch và Đóa Tư Đại Vương lập tức bày tiệc rượu chiêu đãi, Dương Phong chọn ở trong quân mười người mỹ nữ ra múa hát chúc mừng, hai bên đều rất cao hứng; Đóa Tư Đại Vương cũng hạ lệnh tạm thời giải trừ quân thị vệ cảnh giới, để tất cả đều có thể cùng vui.
Giữa lúc mọi người đang say sưa chúc rượu, mười cô gái đang nhảy múa bỗng rút dao nhọn, xông thẳng đến chỗ Đóa Tư Đại Vương và Mạnh Hoạch, cùng áp chế hai vị Man Vương. Năm người con của Dương Phong còn nhanh hơn, mau chóng chế ngự các tướng lĩnh quân Man đang dự tiệc.
Vốn là Dương Phong và mấy người con của ông, sớm đã tiếp thu sự chiêu hàng của Gia Cát Lượng, trong số ba vạn quân mang đến, cũng có rất nhiều quân Thục Hán. Bởi thế điều kiện địa hình hiểm yếu của động Ngốc Long hoàn toàn chẳng thể phát huy, Mạnh Hoạch và Đóa Tư Đại Vương không kịp kháng cự, đều thành tù binh của quân Thục.
Gia Cát Lượng sau khi động viên và ban thưởng cho cha con Dương Phong, lại thẩm vấn Mạnh Hoạch. Mạnh Ưu và Đóa Tư Đại Vương ngay trước doanh trại.
“Lần này các ông đã tâm phục rồi chứ?”.
“Là do chúng tôi tự mình phản lẫn nhau, căn bản chẳng phải do lực lượng của các ông, chúng tôi sao có thể tâm phục khẩu phục được!”.
Thế rồi Gia Cát Lượng lần thứ năm lại phóng thích Mạnh Hoạch.
8. Sáu lần bắt sáu lần thả:
Trận đánh với Hỏa Nữ Vương.
Mạnh Hoạch sau khi thua trận ở động Ngốc Long, quyết tâm bố phòng ở căn cứ địa Ngân Khanh, lại tập kết quân lực các bộ tộc vùng Nam Trung để quyết một trận sinh tử với Gia Cát Lượng.
Ngân Khanh Sơn bởi có mỏ bạc mà thành tên, là trung tâm chính trị kinh tế ở vùng Nam Trung, như hiện nay là vùng giữa Quí Châu và Quảng Tây, cũng là mục tiêu chủ yếu nam chinh lần này của Gia Cát Lượng; do người vợ của Mạnh Hoạch là Chúc Dung Thị và gia tộc trụ giữ.
Đương khi Gia Cát Lượng hạ lệnh nam chinh, bộ tộc Chúc Dung công khai tuyên bố sẽ huy động lực lượng của họ, triệt để đánh bại quân Thục Hán.
Bộ tộc Chúc Dung có sở trường về thuật phi đao, sức sát thương rất mạnh, sức tác chiến trong Man tộc rất hiệu quả. Tương truyền họ Chúc Dung là hậu duệ của thần lửa, có rất. nhiều bí thuật về đánh hỏa công, họ lại thường mặc chiến bào sắc đỏ, hung hãn và dũng mãnh, khiến người các tộc khác mới nghe danh đã tái mặt rồi.
Mạnh Hoạch sau khi rút về Ngân Khanh Sơn, lập tức triệu lập bốn động chủ thân thuộc với họ Chúc Dung cùng bàn bạc kế hoạch tác chiến trước quân nam chinh Thục Hán. Chúc Dung Thị mạnh mẽ nói: “Muốn đánh bại được đại quán Thục Hán, biện pháp hữu hiệu là trực tiếp trừ khử Gia Cát Lượng. Gia Cát Lượng chết rồi, đạo quân nam chinh sẽ tan vỡ cả”.
“Dùng biện pháp gì giết Gia Cát Lượng nhỉ?”.
“Biện pháp tốt nhất là dẫn họ đến địa điểm quyết chiến, phải lợi dụng điều kiện địa lợi. Phía bắc Ngân Khanh Sơn ba mặt là sông, có một bình nguyên là nơi hiểm yếu ở giữa ba con sông lớn, đây là bình nguyên hình túi, nếu dẫn được quân Thục vào đấy, lại chẹn ở Tam Hà Khẩu. Gia Cát Lượng sẽ thành ra cua ở trong giỏ”.
Lúc này lại truyền đến tin động chủ động Bát Nạp ở phía tây nam là Mộc Lộc Đại Vương cũng dẫn quân đến giúp; “Thuần Thú Sư” - người dạy thú nổi danh - là biệt hiệu của ông ta, quân của ông ta rất đặc biệt, gồm có những động vật hung hãn như hổ, sư tử, voi, tác chiến ở bình địa, sức phá hoại rất đáng sợ.
Mạnh Hoạch được sự viện trợ này, rất đỗi tin tưởng quyết định một trận quyết chiến nảy lửa với Gia Cát Lượng.
Ông ta đến vùng Ngân Khanh Sơn, nơi tụ hội của ba con sông Lô Thủy, Cam Nam Thủy, Tây Thành Thủy để xây dựng thành lũy phòng ngự, và Đóa Tư Đại Vương phụ trách phòng thủ, Mộc Lộc Đại Vương thì đóng trại ở vùng bình nguyên gần đó, đợi thời cơ sẽ tập kích đại quân Thục Hán kéo đến đấy.
Đóa Tư Đại Vương cho mai phục ở trong thành nhiều tay cung nỏ, mỗi cây nỏ có thể cùng một lúc bắn ra mười mũi tên, đầu mũi tên đểu có tẩm thuốc rất độc, chỉ cần sước da lập tức sẽ thấm vào lục phủ ngũ tạng, chẳng thể thóat chết được.
Nhận được tin tình báo ở tiền tuyến, Gia Cát Lượng phán đóan đây sẽ là một trận đánh ác liệt, bởi thế ông phái Triệu Vân và Ngụy Diên thủ vai chính ở trận này.
Song trước thế đánh bằng tên độc của Đóa Tư Đại Vương, quân Thục Hán trong trận đánh thứ nhất và thứ hai đều tổn thất nghiêm trọng, Triệu Vân đành tuyên bố tạm thời rút quân để xin ý kiến Gia Cát Lượng rồi mới định đoạt.
Gia Cát Lượng hạ lệnh xây dựng công sự phòng ngự, song Đóa Tư Đại Vương lại đánh bằng tên buộc lửa, quân Thục đành phải rút thêm mười dặm nữa.
Gia Cát Lượng phải hạ lệnh tạm thời nghỉ đánh, sưu tập thêm tình hình địa điểm ở đấy, lại định ra sách lược tiến công mới cho trận này.
Trong thời gian nghỉ đánh, vùng Tam Hà Khẩu đột nhiên nổi gió lớn, trong hai, ba ngày gió cát mù mịt, ngoài cự li mười thước không nhìn rõ đường. Gia Cát Lượng bỗng nghĩ ra một kế, ông lệnh cho hai mươi vạn quân Thục Hán, đều phải mặc những áo chứa đất trông giống như là những túi đất di động. Lợi dụng lúc chiều tối gió đang thổi mạnh để tiếp cận thành lũy phòng ngự ỏ Tam Giang.
Đóa Tư Đại Vương tuy đã hạ lệnh bắn tên độc, song gió cản mạnh, cung nỏ bắn không chuẩn, quân Thục Hán đánh đến dưới thành, xếp các túi đất thành đống cao, rất mau chóng tạo thành một quả núi nhỏ cao ngang mặt thành. Quân Thục mau chóng từ núi nhỏ nhảy qua tường vào trong thành.
Bởi binh lực rất chênh lệch, quân phòng ngự cua Đóa Tư Đại Vương nhanh chóng bị tiêu diệt, Đóa Tư Đại Vương cũng chết trong đám loạn quân. Mạnh Hoạch ở doanh trại Ngân Khanh Sơn, biết tin thua trận ở Tam Giang rất đỗi kinh hoàng, hạ lệnh cho Chúc Dung Thị và Mộc Lộc Đại Vương, tiến vào vùng Tam Giang chuẩn bị giao chiến.
Quân của Trương Nghi và Mã Trung vừa mới vào vùng bình nguyên, lập tức gặp phải tập kích của Chúc Dung phu nhân, tuy Mã Khởi trong bản đồ chỉ vẽ bình Man đã giải thích tường tận phương pháp tác chiến của Chúc Dung Thị, song lần đầu đối mặt với phi đao và hỏa tiễn tấn công, Trương Nghi và Mã Trung bị đánh đại bại, Trương Nghi lại bị bắt tại trận.
Nghe tin quân Thục đại bại, Triệu Vân và Ngụy Diên đến tiếp ứng đều giật mình, hai vị lão tướng này đã trải trăm trận đánh, bèn cùng nhau nghiên cứu kế sách tác chiến đối phó với Chúc Dung phu nhân.
Hôm sau Triệu Vân đến trước trại khiêu chiến, đương khi Chúc Dung phu nhân phát động tấn công, Triệu Vân tức thì hạ lệnh triệt thóa, Chúc Dung phu nhân thừa thắng đuổi theo. Song Ngụy Diên lại từ một con đường khác xông ra khiêu chiến Chúc Dung Thị, hai bên mới giao chiến, Ngụy Diên lại rút chạy, Chúc Dung Thị đang cao hứng hăng hái truy đuổi. Theo thẳng đến chân núi, Nguỵ Diên đột nhiên quay lại nghênh chiến, Chúc Dung Thị lấy phi đao ném vào Ngụy Diên, song Ngụy Diên huơ đao gạt đi, Chúc Dung Thị mải đánh chẳng ngờ Triệu Vân đột nhiên từ mé bên tiến tới, quân Man lập tức bị rối loạn, Chúc Dung phu nhân rất hoảng loạn, cuối cùng bị Triệu Vân bắt được.
Mạnh Hoạch sau khi được tin Chúc Dung Thị thất bại tái mặt kinh hãi, lập tức lệnh cho Mộc Lộc Đại Vương huy động đại quân dã thú ra trận phản kích lại. Bởi Triệu Vân và Ngụy Diên chưa từng thấy một đạo quân như thế, không dám ứng chiến, phải vội vã rút về đại bản doanh chịu tội trước Gia Cát Lượng.
Gia Cát Lượng lại phải đăm chiêu suy nghĩ, trải qua mấy ngày chuẩn bị cuối cùng ông ta cũng nghĩ được cách đối phó với đội quân dã thú.
Gia Cát Lượng lệnh cho tất cả quân lính đều mang theo một bó cỏ khô, đương khi đội quân dã thú của Mộc Lộc Đại Vương xông đến, quân Thục đốt các bó cỏ, lấy lửa khói để phản kích dã thú. Dã thú thấy lửa khói lập tức rơi vào hỗn loạn, Triệu Vân và Ngụy Diên thừa thế đuổi đánh, Mộc Lộc Đại Vương cũng chết trong đám loạn quân.
Gia Cát Lượng đang ở đại bản doanh, đột nhiên được tin báo, có thủ lĩnh Man tộc, áp giải anh em Mạnh Hoạch đến xin đầu hàng. Gia Cát Lượng hạ lệnh mở cửa chính doanh trại đón đội ngũ đầu hàng đang kéo đến.
Đương khi các thủ lĩnh bộ lạc ép giải anh em Mạnh Hoạch, Mạnh Ưu bị trói chặt vào cửa trại, Quan Sách phụ trách phòng vệ lệnh cho đóng cửa trại, lại sai những thị vệ xung quanh đột kích bắt hết những người đến đầu hàng và anh em Mạnh Hoạch.
Gia Cát Lượng lệnh cho khám người, quả nhiên trong những người đầu hàng và anh em Mạnh Hoạch đều giấu sẵn dao ngắn, dự định giả vờ đầu hàng để vào được doanh trại sẽ trực tiếp nhảy vào giết Gia Cát Lượng, chẳng ngờ lại bị khám phá, toàn bộ trở thành tù binh.
Gia Cát Lượng hỏi rằng: “Lần này cuối cùng đã tâm phục rồi chứ!”
Mạnh Hoạch đáp: “Là do tôi tự mình chủ động đến để ông bắt được, chẳng phải là bản lĩnh của ông, đương nhiên vẫn chẳng thể phục tùng”.
Từ ghi chép này thấy rằng, Mạnh Hoạch đơn giản chỉ là một đại vương bù nhìn, đâu có giống như khí chất sau này của một đại quan triều đình Thục Hán.
Gia Cát Lượng lại phóng thích vô điều kiện cho Mạnh Hoạch.
9. Bảy lần bắt bảy lần thả:
Trận đánh ở khe Bàn Sà.
Mạnh Hoạch, Mạnh Ưu và Chúc Dung phu nhân dẫn tàn quân nhằm hướng nước Ô Qua ở phía đông nam Ngân Khanh Sơn mà rút lui, lại xin tù trưởng nước Ô Qua là Ngột Đột chi viện.
Ngột Đột Cốt lệnh cho đội quân nước Ô Qua, xây dựng công sự phòng ngự ở Hà Cốc gần Đào Hoa Thủy, làm trận địa đề kháng cuối cùng.
Cứ theo ghi chép trong bản đồ chỉ vẽ bình Man của Lã Khởi, “quân đội nước Ô Qua, mặc áo giáp bằng mây đan, áo giáp mây này được tẩm dầu, có trọng lượng rất nhẹ, song đao kiếm không đâm qua được, uy lực tác chiến rất đáng sợ”.
Gia Cát Lượng cho Ngụy Diên từ chính diện đánh vào doanh trại quân Man.
Đột Ngột Cốt lập tức triển khai phản kích, quân Thục đại bại, Ngụy Diên lệnh cho toàn quân rút chạy về Đào Hoa Thủy ở phía bắc, nơi đó gọi là khe Bàn Sà.
Ngột Đột Cốt dẫn quân giáp mây mãnh liệt đuổi theo phía sau, đương khi họ mới vào trong khe núi, cửa phía sau bỗng bị lấp kín bởi rất nhiều cây gỗ, đá hộc, phía trước khe núi lại có nhiều cành cây bốc cháy dữ dội, giáp mây tẩm dầu gặp lửa lập tức bốc cháy, cả vùng mau chóng thành ra một biển lửa, toàn bộ quân giáp mây không biết bao nhiêu mà kể của Ngột Đột Cốt đều bị thiêu chết trong khe Bàn Sà.
Mạnh Hoạch nghe nói Ngột Đột Cốt đuổi theo Ngụy Diên vào khe núi, trong lòng rất nghi ngại cũng lập tức mở cửa trại dẫn quân đến tiếp ứng, chẳng ngờ lại gặp phải chính quân Gia Cát Lượng. Bởi có Mã Đại và Quan Sách hộ vệ, quân Mạnh Hoạch hiển nhiên chẳng phải là đối thủ, Mạnh Hoạch lại phải rút về doanh trại gần Đào Hoa Thủy, chẳng ngờ doanh trại sớm bị quân của Vương Bình và Trương Dực chiềm mất, Mạnh Hoạch và Chúc Dung phu nhân rất kinh hãi, muốn phá vây mà ra lại bị Mã Đại xông đên bắt sống.
Gia Cát Lượng lại hạ lệnh phóng thích Mạnh Hoạch, Mạnh Hoạch cảm động quì xuống nói rằng: “Người Nam tâm phục rồi, từ nay về sau, dứt khóat không có bụng làm phản nữa!”.
Bảy lần bắt bảy lần thả, khi bắt Mạnh Hoạch phải tâm phục khẩu phục, đã là đầu mùa thu năm Kiến Hưng thứ 3.
10. Khiếm khuyết trong việc bảy lần bắt bảy lần thả.
Những tình tiết dã sử và tiểu thuyết ở trên, tuy khá tường tận, lại cũng rất không hợp lý. Mấy trận đánh lúc đầu tổn thất của hai bên rất ít. Gia Cát Lượng không thấy được là đủ, lại phát động năm lần bảy lượt giao chiến tạo thành thương vong nghiêm trọng về binh mã cả hai bên. Về mặt chính trị mà nói, tạo ra thù hận càng nhiều, lại càng bất lợi mới đúng. Mấy trận đánh sau này, từ góc độ gì mà xem cũng đều không cần thiết. Lại nữa Đóa Tư Đại Vương, Mộc Lộc Đại Vương, Chúc Dung phu nhân, Ngột Đột Cốt, những nhân vật này được tạo ra hiển nhiên được tiểu thuyết hóa, chẳng những có chỗ tô vẽ, tên người, tên đất, đều cực kỳ quái dị, về ghi chép cũng thiếu tính cẩn thận và tính hợp lý của sự thực lịch sử.
Bản đồ chỉ vẽ bình Man của Lã Khởi tuy có thấy lịch sử ghi chép, song nội dung thực tế cũng đã sai lệch với nhau. Trong tiểu thuyết có nói đến “bản đồ chỉ vẽ”, hiển nhiên có những chỗ khiên cưỡng.
Sự xuất hiện của nhân vật, lại mâu thuẫn với sự thực lịch sử, Triệu Vân, Nguỵ Diên nắm quân chủ lực của Thục Hán, phải bố trí ở phương bắc và phương đông để đối phó với Tào Ngụy và Đông Ngô hùng mạnh mới đúng, sắp xếp họ thành những vai chính trong chiến dịch bình Nam, hiển nhiên là hư cấu của nhà viết tiếu thuyết vậy.
Những anh hùng thực sự trong chiến dịch bình nam như Mã Trung, Lý Khôi và sau này là Trương Nghi lại thành ra vai phụ không nổi trội.
Đối chiếu ghi chép lịch sử và tình tiết tiểu thuyết, đoạn miêu tả bảy lần bắt bảy lần tha, đích xác là khó tin theo hoàn toàn.
Lời bình của Trần Văn Đức
“Tam quốc diễn nghĩa” tuy già nửa là sự tô vẽ phi lịch sử, song La Quán Trung với ngọn bút tài hoa đã miêu tả như một nhà chính trị, quân sự, triết học và mưu lược học, đích xác đã khiến người ta phải cảm động, trách chi trong sự nghiên cứu của những nhà Tam quốc học, có không ít đối chiếu với “Tam quốc diễn nghĩa”.
Câu chuyện bảy lần bắt Mạnh Hoạch ở đây, đích xác có không ít cách nghĩ chủ quan của nhà tiểu thuyết, rất nhiều tinh tiết cũng là những sáng tác khiên cưỡng của dã sử. Song Gia Cát Lượng trong tiểu thuyết về kĩ xảo vận dụng thao lược tựa hồ đã nắm được không ít tinh túy của binh pháp học.
Thiên “Công quyền” trong“Úy Lạo Tử”có viết:
“Đánh không tất thắng chẳng thể dễ nói là biết đánh, chẳng có quyết tâm ắt phá được địch, chẳng thể dễ nói là công kích; nếu thuộc hạ mất đi lòng tin với lãnh đạo thì thưởng phạt gì cũng đều không có tác dụng, mọi người đã qui tụ thì không dễ tan; đã dẫn quân đi sẽ chẳng về không vậy.
Phải đón đợi thời cơ, tiến đánh như cứu kẻ chết đuối, nếu thấy nơi quá hiểm trở thì không đánh: gặp khiêu chiến phải cẩn thận, nếu nóng nảy sẽ khó thu được thắng lợi”.
Bảy lần bắt bảy lần tha tuy khó tránh khỏi có chỗ khoa trương tô vẽ, song sự chuẩn bị chu đáo về chiến thuật của Gia Cát Lượng, tất cả đều dự liệu trước so với Mạnh Hoạch, khiến ông ta đối mặt với thiên thời, địa lợi không thuận lợi, thậm chí khó khăn trùng trùng, vẫn có thể liên tục giành được thắng lợi, nguyên nhân chủ yếu chính là ở đấy; khi chỉ huy tác chiến, tối ky là do dự không quyết, sau khi hạ quyết tâm, phải dốc toàn lực thực hiện. Bởi thế khi truy tìm kẻ địch chẳng thể không xem như tìm kiếm trẻ lạc; khi đánh kẻ địch phải xem như vội vàng cứu người chết đuối vậy.
Đại quân ỷ lại vào địa hình hiểm yếu, thì ý chí chiến đấu không tập trung; quân đội không chặt đứt được sự khiêu chiến của kẻ địch, ắt sẽ thiếu đi niềm tin quyết thắng; nếu quân lính chỉ dựa vào dũng mãnh mà không hiểu mưu lược nhất định sẽ thất bại.
Điều cần nói rõ ở đây, Gia Cát Lượng sở dĩ có thể nắm chắc được bảy lần bắt bảy lần tha, cũủng như Mạnh Hoạch tuy có điều kiện địa lợi rất tốt vẫn liên tiếp thất bại, nguyên nhân chủ yếu chính là như thế.
TRẦN VĂN ĐỨC